Triết học nghệ thuật

Chú giải dẫn nhập Phân tích pháp về cái đẹp và cái cao cả (§10-17)

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP VÀ VỀ CÁI CAO CẢ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11  
                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 116-128. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

1.1.3 Phân tích phán đoán sở thích về mặt tương quan (§§10-17):

Tương quan (Relation) là xét về sự phụ thuộc lẫn nhau, về tính nhân quả và sự tương tác. Phần phân tích này là phần tương đối khó hiểu nhất của quyển sách vì nó đề cập đến nhiều vấn đề và nhiều thuật ngữ mà ý nghĩa và vai trò của chúng chỉ dần dần mới lộ rõ trong văn cảnh của toàn bộ tác phẩm: mục đích; tính hợp mục đích; tính hợp mục đích không có mục đích; tính hợp mục đích của hình thức; phán đoán sở thích thuần túy và một số vấn đề thuộc về lý luận nghệ thuật: phân loại cái đẹp và lý tưởng thẩm mỹ… Để dễ theo dõi và tránh lẫn lộn, ta nên lần lượt tìm hiểu sơ qua các thuật ngữ này:

1.1.3.1 Mục đích và tính [hợp] mục đích

Nhan đề của tiết 3 về Phân tích pháp đối với cái đẹp nghiên cứu về sự tương quan giữa các mục đích ở trong phán đoán sở thích. Đến nay, Kant chưa nhắc đến khái niệm “mục đích” (Zweck) và “tính hợp mục đích” (Zweckmäbigkeit), nên ta cần tìm hiểu hai khái niệm này trước đã.

- Khái niệm “mục đích” giữ vai trò chủ yếu khi bàn về những khả năng hành động của con người: định ra các mục đích và tìm cách thực hiện chúng bằng các phương tiện khác nhau. Vd: Anh A muốn làm giàu (= định ra một mục đích) và biết rằng “phi thương bất phú”, nên bắt đầu mở một cửa tiệm hay sản xuất một món hàng (= phương tiện để đạt mục đích). Theo cách nói của Kant, chính “hình dung về kết quả" (lợi nhuận thu được) là “cơ sở quy định cho nguyên nhân và đi trước nguyên nhân” (mở cửa tiệm hay sản xuất) (B33). Như thế, không phải số lợi nhuận đang có là động cơ của hành động mà chính số lợi nhuận “được hình dung” như là kết quả dự kiến mới đi trước “nguyên nhân” hành động. Khác với việc nguyên nhân đi trước kết quả trong sự giải thích sự kiện (vd: mây gây ra mưa), mục đích lại là cái “đi trước" (vd: đến Vũng Tàu là để tắm biển: việc tắm biển đến sau về thời gian nhưng lại “đi trước” nguyên nhân là việc lái xe).

Vậy, phán đoán về những đối tượng hay hành động dựa trên tiền đề là các mục đích nhất định để xét xem những đối tượng hay hành động ấy có góp phần vào việc thực hiện các mục đích ấy không, gọi là “phán đoán mục đích” hay “phán đoán về tính [hợp] mục đích” (Zweckmä-bigkeitsurteil). Ta hãy nghe Kant định nghĩa khá rắc rối:

“Định nghĩa một mục đích dựa theo các quy định siêu nghiệm của nó (tức là không tiền-giả định một cái gì thường nghiệm cả, chẳng hạn như tình cảm vui sướng), ta thấy: mục đích là đối tượng của một khái niệm, trong chừng mực khái niệm này được xem như nguyên nhân của đối tượng (cơ sở hiện thực cho khả thể của nó); và tính nhân quả của một khái niệm đối với đối tượng của nó là tính hợp mục đích (lat: forma finalis)” (B32).

Diễn nôm: mục đích là đối tượng [kết quả] được suy tưởng hay hình dung bằng khái niệm và khái niệm này là nguyên nhân hay cơ sở thực sự cho khả thể của đối tượng [làm cho đối tượng trở thành sự thực]. Tính nhân quả của một khái niệm đối với đối tượng của nó được gọi là tính hợp mục đích. Đây thực ra là cách hiểu truyền thống về “nguyên nhân mục đích” (causa finalis) có từ thời Aristotle, nhưng nó liên quan gì đến vấn đề đang bàn là phán đoán sở thích và khái niệm về cái đẹp? Kant bắt đầu cho thấy mối liên hệ khi nói về sự vui sướng và không vui sướng:

“Ý thức về tính nhân quả của một biểu tượng đối với trạng thái của chủ thể muốn duy trì sự tiếp tục của trạng thái ấy có thể gọi chung là sự vui sướng; còn sự không vui sướng là biểu tượng chứa đựng cơ sở cho việc đảo ngược trạng thái ấy của các biểu tượng thành cái đối lập với chúng (để ngăn cản hay xóa bỏ chúng)” (B33).

Ta chú ý hai ý quan trọng: a) “trạng thái hay cảm trạng của chủ thể” liên quan đến mục đích và tính hợp mục đích bên cạnh những hành vi hay đối tượng như là mục đích ở thế giới bên ngoài; và b) “tính nhân quả của biểu tượng" (tương tự với tính nhân quả bằng khái niệm, vd: làm giàu), nghĩa là: không ít “biểu tượng” (hay sự hình dung) là nguyên nhân gây nên sự vui sướng hay không vui sướng, tức gây nên các cảm trạng nhất định. Vd: hình dung về các thử thách trong tương lai (đi thi, lấy vợ, làm quan…) có thể khiến vui sướng hoặc… không vui sướng: “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Điều cơ bản cần chú ý ở đây là Kant không xác định sự vui sướng như là tình trạng tâm thức nhất thời của chủ thể mà là lâu bền. Theo đó, tình cảm vui sướng luôn gắn liền với ý muốn duy trì tình trạng hiện tại, trong khi tình cảm không vui sướng thì muốn điều ngược lại.

1.1.3.2 “Tính mục đích không có mục đích” và “tính hợp mục đích của hình thức”

Mục đích và tính hợp mục đích là một hình thức giải thích về đối tượng. Ta biết nhiều hơn về đối tượng khi ta biết mục đích mà nó phục vụ. Nhưng, ở phần sau của §10, Kant nêu ra một sự phân biệt rất hệ trọng: ông bảo, cũng có những đối tượng mà ta không thể nói gì về mục đích của người làm ra nó! Dù vậy, ta vẫn có thể giải thích chúng bằng cách giả định rằng có một ý chí đã sắp đặt nên chúng dựa theo các hình dung về mục đích:

… “Tính hợp mục đích vẫn có mà không có mục đích [nhất định] nào cả, trong chừng mực ta không thiết định [xác định] các nguyên nhân của hình thức này ở trong một ý chí [có thực], trái lại, có thể đưa ra sự giải thích về khả thể của nó chỉ để cho ta hiểu thôi bằng cách suy nó ra từ một ý chí” (B33).

Chữ quan trọng ở đây là “tính hợp mục đích mà không có mục đích”. Tính hợp mục đích mục đích là khi ta giải thích những đối tượng và những hành vi do con người làm ra. Còn tính hợp mục đích không có mục đích là ở bên ngoài lĩnh vực hành động có mục đích. Kant nghĩ tới những đối tượng ở trong Tự nhiên, chẳng hạn những sinh vật, như là đối tượng của môn sinh vật học. Ta giải thích về chúng như thể có một ý chí trù liệu cho tổ chức nội tại của chúng (vd: không thể bảo con thỏ hay quả táo là do một ý chí tạo ra, nhưng có thể giả thiết rằng các bộ phận và thuộc tính cá biệt của chúng là nằm trong một sự nối kết có tính mục đích). Ông còn gọi đó là “tính hợp mục đích về hình thức” (forma finalis) (B33). Vậy, cách giải thích này khác với cách giải thích sự vật trong khuôn khổ các mô hình cơ giới dựa theo những định luật tự nhiên. Những định luật này yêu sách tính hiệu lực không giới hạn, trong khi đó, lối giải thích “giả định” này chỉ có yêu sách bị giới hạn:

“Chí ít, ta vẫn có thể quan sát thấy một tính hợp mục đích về mặt hình thức và nhận ra nó nơi các đối tượng, tất nhiên chỉ bằng cách phản tư thôi, chứ không lấy một mục đích [có thực] (với tư cách là chất liệu của một nexus finalis [nối kết có tính mục đích khách quan]) làm cơ sở cho nó” (B33-34).

Tới đây, ta vẫn chưa thấy rõ mấy mối quan hệ của tính hợp mục đích này với Phân tích pháp về cái đẹp. Kant không để ta phải chờ đợi lâu; vì ngay nhan đề của §11 đã khẳng định rõ:

“Cơ sở duy nhất của phán đoán sở thích là HÌNH THỨC của tính hợp mục đích của một đối tượng (hay của phương cách biểu tượng về nó)” (B34).

Thế nào là “hình thức của tính hợp mục đích”? “Hình thức” là đối lập lại với “chất liệu”, vậy để hiểu nó, ta cần phân biệt nó với hai khái niệm mục đích có tính “chất liệu” sau đây:

a)   mục đích chủ quan: là tình cảm vui sướng và trạng thái vui sướng của chủ thể, tức những đối tượng mang lại tình cảm vui sướng, quy định những cảm trạng nhất định của chủ thể.

b)  mục đích khách quan: là những sự cân nhắc có giá trị phổ biến cho con người nói chung, đó là cái hữu ích và cái tốt luân lý.

Kant sẽ chứng minh rằng: trong phán đoán sở thích (thẩm mỹ), đối tượng không liên quan gì đến cả hai loại mục đích nói trên!

Một mặt, như đã kết luận ở tiết 1 về chất của phán đoán sở thích là “không có sự quan tâm nào” (khác với sự quan tâm đối với cái dễ chịu và cái tốt), nên không thể lấy mục đích chủ quan nào của chủ thể làm cơ sở cho phán đoán sở thích được cả. Mặt khác, phán đoán sở thích cũng không phải là phán đoán nhận thức, nên cũng không có một mục đích khách quan. Kant viết:

“… do đó, cũng giống như biểu tượng về tính hoàn hảo của đối tượng và biểu tượng về cái tốt, một tính tiện nghi đi kèm theo biểu tượng không thể chứa đựng cơ sở quy định cho phán đoán ấy được. Như vậy, không còn gì khác hơn là tính hợp mục đích chủ quan ở trong biểu tượng về một đối tượng, độc lập với mọi mục đích (khách quan lẫn chủ quan), nói khác đi, chỉ hình thức đơn thuần về tính hợp mục đích ở trong biểu tượng, qua đó một đối tượng được mang lại cho ta, trong chừng mực ta ý thức về nó như về cái duy nhất có thể tạo nên sự hài lòng – độc lập với mọi khái niệm mà lại có thể thông báo được một cách phổ biến –, mới là cái tạo nên cơ sở quy định cho phán đoán sở thích” (B35).

Ta không nên đọc câu trên vội vàng để không thấy rõ dụng ý của Kant khi ông phân biệt phán đoán sở thích với các loại phán đoán khác: cơ sở của phán đoán sở thích không phải là mục đích chủ quan (“một tính tiện nghi đi kèm theo biểu tượng") cũng không phải mục đích khách quan (“biểu tượng [hay hình dung] về tính hoàn hảo của đối tượng và khái niệm về cái tốt”). Thế nhưng, để đi đến chỗ hiểu rõ “tính độc lập với mọi mục đích” và “hình thức đơn thuần về tính hợp mục đích” của phán đoán thẩm mỹ, ta cần theo dõi Kant ở vài bước chứng minh kế tiếp nữa.

Ông đi đường vòng thông qua nhận định then chốt được lấy làm tiêu đề cho §12: “Phán đoán sở thích dựa trên các cơ sở tiên nghiệm” (B35).

Ta khá bất ngờ trước nhận định có vẻ nghịch lý này. Phân tích pháp về cái đẹp đã chỉ ra vai trò trung tâm của tình cảm về sự hài lòng – không có sự quan tâm – đối với cái đẹp. Tình cảm của chủ thể có vẻ là cái gì hoàn toàn thường nghiệm, sao lại bảo là “tiên nghiệm” được? Kant nhìn khác.

Ta biết rằng toàn bộ triết học phê phán của Kant là nỗ lực tìm cho ra các cơ sở tiên nghiệm cho nhận thức. Ông không phải là người đề ra khái niệm này, nhưng là kẻ mang lại cách hiểu độc đáo nhất và cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Khi chia cái biết ra thành cái biết có giá trị tiên nghiệm (a priori) và cái biết có giá trị hậu nghiệm (a posteriori), Kant gọi cái trước là độc lập, không cần cầu viện đến kinh nghiệm; còn cái sau là hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm. Dựa vào kinh nghiệm thì nhận thức tuy cũng vững chắc nhưng không thể có giá trị “phổ quát và tất yếu”. Chỉ có nhận thức tiên nghiệm mới thỏa ứng được điều đó và mang lại cơ sở bất di bất dịch cho “khoa học”. Ví dụ quen thuộc của ông là nhận thức toán học 2+2=4, dù ta có cộng bất kỳ đối tượng thường nghiệm nào lại với nhau!

Trở lại với phán đoán sở thích. Ở tiết 2 (bàn về phương diện lượng), Kant đã cho thấy sự vui sướng đối với cái đẹp là một tình cảm có thể thông báo một cách phổ biến. Tình cảm này dựa trên một “trò chơi tương tác” đặc sắc giữa trí tưởng tượng và giác tính. Vậy, “cơ sở tiên nghiệm” ở đâu? Kant trả lời: ta không cần cầu viện đến kinh nghiệm để biết rằng, bất kỳ khi nào trí tưởng tượng và giác tính được đưa vào một mối quan hệ tương tác và hòa hợp bằng một biểu tượng, thì chủ thể có thể có một phán đoán thẩm mỹ tích cực (“X là đẹp!”). Ở đây, ta không cần biết tới các thuộc tính khách quan của sự vật làm cơ sở cho biểu tượng ấy [vd: bức tranh có kích thước ra sao? Khung làm bằng gì? Màu được sử dụng mang nhãn hiệu nào, giá bao nhiêu? v.v...).

1.1.3.3 Phán đoán sở thích thuần túy

Sau khi đã phân biệt phán đoán sở thích với các loại phán đoán khác như ta đã thấy, bây giờ, dựa vào kết quả trên đây về “cơ sở tiên nghiệm”, Kant khẳng định rằng ông đã tìm ra được một hình thức hoàn toàn đặc thù của phán đoán sở thích: phán đoán sở thích thuần túy.

“Thuần túy” thì khác với “không thuần túy”. Không thuần túy là trộn lẫn với cái thường nghiệm, ở đây, là với sự kích thích và rung động, vì kích thích và rung động là sự tác động thường nghiệm lên chủ thể quan sát. Vậy, phán đoán thuần túy chỉ đơn thuần do hình thức của tính hợp mục đích của đối tượng quy định, và do đó, mới có thể đề ra yêu sách về sự tán đồng của mọi người, tức có tính phổ quát và tất yếu. (Những phán đoán sở thích không-thuần túy vẫn là quan trọng và giữ vai trò đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, sẽ được làm rõ ở các phần sau).

Để dễ nhớ, ta có sơ đồ sau:


Giải thích thêm về sự phân biệt này, Kant bảo: phán đoán về tính dễ chịu hay không dễ chịu của đối tượng chủ yếu là do cảm giác của giác quan quy định; có thể gọi đó là phán đoán giác quan. Còn trong phán đoán về cái đẹp, cảm giác của giác quan không giữ vai trò quan trọng. Yếu tố chủ yếu ở đây là yếu tố hình thức của biểu tượng.

Với sự phân biệt này, dường như Kant muốn loại trừ việc đối tượng của phán đoán sở thích thuần túy là ở trong cảm giác của giác quan. Điều này khá lạ lùng khi ta nghĩ tới khoái cảm do việc trình diễn một bản nhạc mang lại cho người nghe. Ở đây, rõ ràng sự kích thích giác quan về mặt âm thanh là động cơ quan trọng cho sự hài lòng của thính giả. Nhưng, Kant lại nghĩ khác:

“… Một phán đoán sở thích chỉ là thuần túy khi cơ sở quy định của nó không bị pha trộn với bất kỳ sự hài lòng đơn thuần thường nghiệm nào cả…” (B39).

Ở các đoạn tiếp theo, Kant biện luận để bảo vệ quan điểm của mình bằng các ví dụ từ âm nhạc và hội họa:

-     Sự thích khoái của ta trước thanh âm êm ái của cây đàn vĩ cầm là gì? “Đó là một âm thanh đẹp!” theo nghĩa phán đoán thuần túy hay “Âm thanh là dễ chịu đối với tôi!” theo nghĩa là phán đoán của giác quan? Kant “kiên định” với quan niệm: âm thanh chỉ được gọi là đẹp, khi chính hình thức của tri giác quy định phán đoán. “Hình thức” của âm thanh khác với chất liệu của nó như thế nào? Kant trả lời cũng khá khó hiểu: chính sự đều đặnthuần túy của cảm giác của giác quan mới mang lại sự hài lòng, còn cảm giác ấy có chất liệu gì là không quan trọng. Phải chăng sự trầm bổng và “màu âm” của nhạc cụ là không quan trọng? Ví dụ của ông trong hội họa dễ hình dung hơn dù không dễ hiểu hơn: ở đây, ông phân biệt “đường nét” như là hình thức, còn “màu sắc” là chất liệu, và cho rằng phán đoán sở thích thuần túy chỉ dựa vào phương diện hình thức:

“Trong hội họa, điêu khắc, và nói chung trong mọi bộ môn nghệ thuật tạo hình như nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật vườn cảnh, trong chừng mực chúng là các ngành mỹ thuật, thì việc thiết kế (Zeichnung/tiếng Anh: design) là cái cốt yếu. | Trong đó, không phải cái gây nên thích thú trong cảm giác mà chỉ đơn thuần cái gì làm hài lòng thông qua hình thức của nó mới tạo ra nền móng cơ bản cho mọi tố chất của sở thích. Những màu sắc tô điểm cho bản phác thảo (Abrib) là thuộc về sự hấp dẫn, kích thích…” (B42).

Không thiếu gì những ý kiến phản đối quan niệm này của Kant về âm nhạc và hội họa mà khuôn khổ chú giải dẫn nhập không thể đi sâu(1), tuy nhiên, điều ta có thể “bênh vực” ông là: Kant không chủ trương một “chủ nghĩa hình thức” khô cứng trong nghệ thuật; điều ông quan tâm chỉ là làm sao phân biệt phán đoán “X là đẹp!” với phán đoán “X là dễ chịu đối với tôi!”, như ông trước đây đã từng cố phân biệt phán đoán “tri giác”: “Khi mang vật này, tôi cảm thấy nặng!” với phán đoán nhận thức: “Vật này nặng!” trong quyển Phê phán lý tính thuần túy (xem PPLTTT, Lời dẫn nhập).

1.1.3.4   Phán đoán sở thích là hoàn toàn độc lập với khái niệm về tính hoàn hảo (§15)

Tiểu mục này liên quan đến mỹ học của A. G. Baumgarten (1714-1762)(1). Kant phản bác quan niệm của Baumgarten cho rằng khái niệm thẩm mỹ được rút ra từ khái niệm về cái hoàn hảo (das Vollkommene). Tại sao? Như đã biết, Kant cho rằng tính hợp mục đích khách quan của đối tượng chỉ có thể được nhận thức nhờ vào một khái niệm. Tính hợp mục đích khách quan chia làm hai loại:

 

Tính hợp mục đích bên ngoài (tính hữu ích) rõ ràng không có vai trò gì đối với phán đoán thẩm mỹ. Tình hình phức tạp hơn đối với tính hợp mục đích bên trong (tính hoàn hảo). Kant viết:

“… một tính hợp mục đích khách quan bên trong, tức tính hoàn hảo lại có vẻ gần gũi hơn với thuộc tính “đẹp”, nên được các triết gia có tên tuổi [ám chỉ Baumgarten và phái duy lý] xem là đồng nhất với tính đẹp, tuy có thêm câu bổ sung rằng đó là khi tính hoàn hảo được suy tưởng một cách mù mờ, hỗn độn(1). Do đó, điều có tầm quan trọng bậc nhất trong một công cuộc “Phê phán về sở thích” là phải quyết định xem phải chăng tính đẹp có thực sự hòa tan trong khái niệm về tính hoàn hảo hay không” (B44-45).

Kant nêu ra ba luận cứ để bác lại Baumgarten:

1.   Phán đoán sở thích là một phán đoán thẩm mỹ. Có nghĩa: nó không đặt cơ sở trên một khái niệm về đối tượng mà được xác định bằng tình cảm về một mối quan hệ hòa hợp giữa các quan năng nhận thức.

2.   Trường phái Baumgarten xem phán đoán “thẩm mỹ” (đồng nghĩa với “cảm tính”) là nhận thức về tính hoàn hảo của đối tượng một cách mù mờ, hỗn độn(1). Theo Kant, đây là nhận xét sai lầm và mâu thuẫn. Vì lẽ: phán đoán về các thuộc tính của sự vật – bất kể phán đoán ấy là “rõ ràng-sáng sủa” hay “mù mờ hỗn độn” – bao giờ cũng là những phán đoán của giác tính chứ không phải của giác quan. Theo Kant, Baumgarten đã không phân biệt được chức năng và thẩm quyền của giác tính và cảm năng [cảm năng thì không phán đoán]. Tức là, Baumgarten “làm như thể người ta có một giác tính có thể phán đoán một cách cảm tính, hay một giác quan lại có thể hình dung các đối tượng của mình bằng các khái niệm, rõ ràng hai điều ấy là mâu thuẫn với nhau” (B48).

3.   Từ sự phân biệt chức năng của giác tính và cảm năng, Kant kết luận: phán đoán sở thích (thẩm mỹ) không thể là phán đoán về tính hoàn hảo của sự vật, bởi sự phán đoán về tính hoàn hảo nhất thiết đòi hỏi sự xác định đối tượng bằng khái niệm (tức thuộc công việc của giác tính để có những phán đoán nhận thức).

1.1.3.5 Phân loại cái đẹp để xác định phán đoán thẩm mỹ thuần túy

Ngay ở các mục §13 và §14, Kant đã bàn đến các trường hợp trong đó phán đoán thẩm mỹ là không thuần túy, nghĩa là còn có sự tham gia của khái niệm và các động cơ cảm tính (sự kích thích và rung động). Bây giờ, ông bàn về những trường hợp trong đó khái niệm quy định đối tượng đẹp:

“Có hai loại vẻ đẹp: vẻ đẹp tự do và vẻ đẹp đơn thuần phụ thuộc. Vẻ đẹp trước không lấy khái niệm về đối tượng phải như thế nào làm tiền đề; vẻ đẹp sau lấy khái niệm ấy và tính hoàn hảo của đối tượng tương ứng với đối tượng ấy làm điều kiện tiên quyết” (B48-49).

Những đối tượng thuộc loại “vẻ đẹp tự do” là thuộc về phán đoán thẩm mỹ thuần túy, vì việc quan sát chúng không lấy khái niệm (mục đích) nào làm cơ sở. Ông kể: hoa, chim, hoa văn… ứng tác âm nhạc không có chủ đề… Thuộc loại vẻ đẹp lệ thuộc khái niệm mục đích là: con người, con ngựa, các công trình xây dựng v.v...

Nguyên tắc phân loại nào được sử dụng ở đây? Đó chính là việc gắn liền hay không gắn liền với mục đích sử dụng và với sự quy định của khái niệm. Ví dụ: ta có niềm vui thuần túy nơi vẻ đẹp “tự do”, “vô vị lợi” của con vẹt. Tất nhiên, ta cũng thấy con ngựa là đẹp, nhưng nó – theo nghĩa rộng – vẫn bị lệ thuộc vào quy định khái niệm như là con vật để cưỡi.

Kant không phủ nhận rằng ta có thể “trừu tượng hóa” một cách giả tạo khỏi tính quy định khái niệm ấy, tức nhìn một sự vật vừa như vẻ đẹp tự do, vừa như vẻ đẹp phụ thuộc. Ở đây, vấn đề không phải là phân làm hai loại đối tượng dựa vào các thuộc tính khách quan cố định mà là phân biệt hai hình thức phán đoán về đối tượng.

Sự phân biệt của Kant khá tinh tế, giúp ta hiểu được những bất đồng trước tình thế “nước đôi”: người nuôi ngựa chuyên nghiệp ắt khó gọi con ngựa là đẹp khi biết nó ít có giá trị để làm ngựa cưỡi, trong khi người bình thường có thể nức nở khen nó đẹp chỉ vì dáng vẻ và màu sắc.

“… mặc dù chủ thể này có thể đưa ra một phán đoán sở thích đúng đắn, vì chỉ xét đối tượng như một vẻ đẹp tự do, nhưng vẫn có thể bị người khác – không thấy gì khác trong vẻ đẹp ấy ngoài tính chất phụ thuộc (tức chỉ nhìn thấy mục đích ở trong đối tượng) – cho là sai và còn bị chê là có sở thích tồi, tuy cả hai đều phán đoán đúng đắn theo cách riêng của mỗi người: kẻ này thì dựa vào những gì bày ra trước giác quan, còn người nọ thì dựa vào những gì có trong tư tưởng…” (B52).

Vậy, từ §13 trở đi, vấn đề chính yếu của Kant là phân biệt phán đoán sở thích thuần túy với các loại phán đoán khác mang tính khái niệm hay mục đích. Từ đó, một lần nữa, Kant nhấn mạnh đến sự TỰ TRỊ (AUTONOMIE) của sở thích thẩm mỹ. Ông muốn làm nổi bật rằng phán đoán sở thích thuần túy là độc lập với mọi quy định khái niệm hay mục đích. Sự hài lòng thẩm mỹ luôn do cách thức cảm nhận của chủ thể về đối tượng quyết định chứ không phải do những thuyết giảng về việc đối tượng phải như thế nào.

Điểm hệ trọng khác cần ghi nhớ là: việc phân tích về phán đoán sở thích của Kant là một công cuộc nghiên cứu siêu nghiệm. Có nghĩa là: Kant không nghiên cứu những phán đoán cá biệt, được mang lại một cách thường nghiệm về những sự vật đẹp mà muốn làm rõ: đâu là những điều kiện phổ biến và có tính cấu tạo khiến cho sự vật được gọi là đẹp. Vì thế, ông khẳng định rằng, đối với tình cảm về một sự hài lòng đối với cái đẹp, có một sự “nhất trí của mọi thời đại và mọi dân tộc” (B53). Kant không phải không biết đến những phong cách và thị hiếu khác nhau về sở thích nơi nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng ông đặt tính đa dạng này xuống dưới yêu sách phổ quát của phán đoán sở thích. Tuy sự ưa thích có khác nhau, nhưng lôgíc của sự phán đoán bao giờ cũng là một.

1.1.3.6 Ý niệm và lý tưởng thẩm mỹ (§17)

Ông rời lĩnh vực phán đoán sở thích thẩm mỹ thuần túy để đặt câu hỏi: có đối tượng nào có thể có giá trị như là “nguyên mẫu của sở thích” hay không, trong chừng mực nó tương ứng với “Ý niệm về vẻ đẹp”? Một đối tượng như thế của trực quan gọi là “Lý tưởng"; nói khác đi, Lý tưởng là sự “cảm tính hóa” một Ý niệm của lý tính vốn bản thân không thể trực quan được.

Sau khi loại bỏ một loạt những đối tượng, ông thấy chỉ có con người mới có khả năng trở thành lý tưởng của vẻ đẹp, vì đó là hữu thể “có mục đích của sự hiện hữu ở ngay trong chính mình” (B55). Để lý giải điều này, ông đề ra khái niệm “Ý niệm thẩm mỹ chuẩn” (ästhetische Normalidee) và đối lập nó với khái niệm về Lý tưởng của vẻ đẹp.

-     “Ý niệm thẩm mỹ chuẩn” là sự trình bày về các đặc điểm đặc trưng của cả một loài (Gattung), không phải bằng một điển hình của loài mà bằng cách trừu tượng hóa hay lược bỏ mọi nét cá biệt. Có thể nói, đây là việc “cảm tính hóa” hay “trực quan hóa” khái niệm loài trong một hình thể cụ thể không có những đặc điểm cá biệt. Ví dụ được Kant dẫn ra là bức tượng Doryphorus của Polyklet thời cổ đại như là hình mẫu cho việc mô tả một đứa trẻ. Pho tượng này “không làm ta hài lòng thông qua vẻ đẹp, trái lại, chỉ vì nó không đi ngược lại điều kiện nào để một sự vật thuộc loài ấy có thể được gọi là đẹp. Sự diễn tả của nó chỉ “đúng” đơn thuần theo nghĩa hàn lâm mà thôi” (B59).

Kant dùng “ý niệm chuẩn” này để phân biệt với khái niệm về “lý tưởng thẩm mỹ”. “Ý niệm chuẩn" có thể áp dụng cho mọi loài: ngựa, chó hay chim. Trong khi đó, theo Kant, chỉ có lý tưởng về vẻ đẹp nơi con người mà thôi, vì chỉ ở đây, việc mô tả cơ thể trở thành “sự diễn đạt rõ ràng về các Ý niệm luân lý” (B60).

Ý Kant muốn nói gì? Theo ông, sức mạnh theo nghĩa thể lực có chung cho mọi loài vật. Nhưng chỉ nơi con người, ta mới có thể nói rằng ai đó có sức mạnh về ý chí. Các thuộc tính “nội tâm” hay các trạng thái tâm lý này gắn liền với Ý niệm của ta về cái Thiện luân lý, về lòng tốt, về sự tự chủ hay dũng khí… như là các điều kiện cho hành động luân lý. “Cảm tính hóa” hay “trực quan hóa” các đặc điểm này chính là sự diễn tả “lý tưởng thẩm mỹ”. Nhưng, theo nghĩa ấy, lý tưởng thẩm mỹ không thuộc về lĩnh vực sở thích thuần túy! Một sự quy định như thế là có tính khái niệm hay tính hợp mục đích mà phán đoán sở thích thẩm mỹ thuần túy không thể can dự vào. (Ta biết rằng trong lý luận nghệ thuật sau Kant, nhất là trong mỹ học của Hegel với quan niệm về cái đẹp như là biểu hiện cảm tính của Ý niệm, khái niệm về “lý tưởng thẩm mỹ” do Kant nêu ra giữ vai trò quan trọng. Kant có ý thức về điều ấy nhưng ông vẫn xem nó chỉ có vai trò thứ yếu, ngoại vi trong phân tích của ông về sở thích).

Tóm lại, phần nghiên cứu về phương diện tương quan với mục đích trong phán đoán sở thích (§§10-17) hợp nhất một loạt các đề mục nghiên cứu với yêu cầu chính yếu là tách rời phán đoán sở thích (thẩm mỹ) ra khỏi mọi khẳng định về mục đích của đối tượng. Theo Kant, trong viễn tượng thẩm mỹ, đối tượng không được phán đoán dựa theo mục đích chủ quan lẫn khách quan. Ở đây, điều cốt yếu chỉ là “hình thức” của tính hợp mục đích. “Hình thức” này chỉ có “tính mục đích” trong quan hệ với các quan năng nhận thức của chủ thể phán đoán mà thôi, đó là: sự hình dung về đối tượng thẩm mỹ mang trí tưởng tượng và giác tính vào trong một “trò chơi” tương tác tự do.



(1) Xem thêm: “Mấy lời giới thiệu và lưu ý của người dịch” ở đầu sách: 8.3, tr.XL-XLI.

(1) A. G. Baumgarten thuộc trường phái triết học duy lý của Leibniz-Wolff, có vai trò trung tâm trong mỹ học và lý luận nghệ thuật, vì chính ông là người đã khai sinh ra thuật ngữ và môn học: mỹ học (Ästhetik). Ông xem “mỹ học” là ngành độc lập của nhận thức luận. Với ông, mỹ học là khoa học về nhận thức cảm tính và lý luận về các ngành mỹ thuật. Các tư tưởng chủ yếu được trình bày trong “Luận văn” năm 1735 và trong công trình “Mỹ học”/Aesthetica dở dang (1750). Xem A. G. Baumgarten, Philosophische Betrachtungen über einige Bedingungen des Gedichts/Các nghiên cứu triết học về một số điều kiện của tác phẩm thi ca, H. Pactzold ấn hành, Hamburg, 1983, và A. G. Baumgarten, Texte zur Grundlegung der Ästhetik/Các bản văn đặt cơ sở cho Mỹ học. H. R. Sehmeizer ấn hành, Hamburg, 1983.

(1) Ta cần hiểu các chữ “tối tăm”, “rõ ràng”, “sáng sủa”“mù mờ hỗn độn” không theo nghĩa thông thường mà theo nghĩa của triết học duy lý, được dùng để phân loại các biểu tượng khác nhau. Theo đó:

Một biểu tượng là “tối tăm” hoặc “rõ ràng”. “Tối tăm” là không nhận ra lại được điều đã trình bày (vd: nhớ đã thấy một đóa hoa nhưng không nhận ra được nó nữa). Còn biểu tượng “rõ ràng” thì có hai loại: “mù mờ hỗn độn” = nhận ra được sự vật nhưng không kể ra được các đặc điểm chi tiết hay các bộ phận cấu thành; còn “sáng sủa” (phân minh) là nhận ra được các đặc điểm chi tiết và có thể phân biệt sự vật ấy với những sự vật khác. Nhìn chung, quan niệm của Baumgarten là muốn xóa bỏ việc truyền thống thường đánh giá thấp những biểu tượng “rõ ràng-hỗn độn” so với những biểu tượng “rõ ràng-sáng sủa”.

(1) Xem chú thích trang trước.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt