Triết học nghệ thuật

Chú giải dẫn nhập Phân tích pháp về cái đẹp và cái cao cả (§1-5)

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP VÀ VỀ CÁI CAO CẢ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
                     

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 69-74. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

“Phân tích pháp” (Analytik) là gì và thế nào là “Phân tích pháp về cái đẹp và cái cao cả”? Ta đã làm quen với chữ “Phân tích pháp” khi đọc hai quyển Phê phán khác của Kant (Phê phán lý tính thuần túyPhê phán lý tính thực hành), nay xin ôn lại ngắn gọn:

  • Thuật ngữ bắt nguồn từ Aristotle với nhan đề hai tác phẩm Phân tích pháp IPhân tích pháp II (hay còn gọi là “tiền”, “hậu”) bàn về suy luận chứng minh. Quyển trước phân tích về tam đoạn luận; quyển sau về các điều kiện của nhận thức được chứng minh. Cùng với các quyển Về các phạm trù, Về sự lý giải, TopikaPhản bác phái ngụy biện, hai quyển Phân tích pháp nói trên họp thành một tập hợp các nghiên cứu về lôgíc, nổi danh trong lịch sử triết học với tên gọi chung: “Organon” [Công cụ hay Phương pháp luận].
  • “Organon” của Aristotle được Boethius (thế kỷ VI) chú giải cặn kẽ và được tái phát hiện ở Châu Âu vào thế kỷ XIII. Ảnh hưởng “bá quyền” của nó bị thách thức bởi các nhà “nhân văn chủ nghĩa” ở thời Phục Hưng, rồi bởi Ramus ở thế kỷ XVI. Ramus tìm cách “tổ chức lại” môn lôgíc bằng cách phân biệt giữa việc “phát hiện” ra các luận cứ và việc “áp dụng” hay “sắp đặt” chúng. Sự phân biệt này được phong trào khôi phục Aristotle ở Đức vào thế kỷ XVII và XVIII tiếp thu: “sự phát hiện” được gọi là “Phân tích pháp” (theo cách gọi cũ của Aristotle) và “sự áp dụng” được gọi là “Biện chứng pháp” (Dialektik); cái trước nhằm “phát hiện” các yếu tố cơ bản hay các cấu phần của phán đoán, trong khi cái sau trình bày sự sử dụng chúng một cách đúng đắn hay lạm dụng chúng một cách không đúng đắn trong những suy luận.
  • Kant tiếp thu mô hình này để xây dựng nên cấu trúc cho nội dung của cả ba quyển Phê phán. Nhiệm vụ của “Phân tích pháp phê phán” (hay còn gọi là “Phân tích pháp siêu nghiệm”) là thông qua sự phân tích hay tháo rời để phát hiện mọi tác vụ của lý tính khi ta tiến hành tư duy. Trong quyển Phê phán thứ nhất (Phê phán lý tính thuần túy), Phân tích pháp phát hiện các “khái niệm và nguyên tắc” của lý tính lý thuyết; quyển Phê phán thứ hai (Phê phán lý tính thực hành), phát hiện các nguyên tắc của “lý tính thuần túy thực hành”; và trong quyển thứ ba (Phê phán năng lực phán đoán mà ta đang đọc), phát hiện các nguyên tắc của năng lực phán đoán thẩm mỹ và mục đích luận. Tiếp theo sau Phân tích pháp siêu nghiệm (được gọi là “Lôgíc của chân lý”) là Biện chứng pháp siêu nghiệm (được gọi là “Lôgíc của ảo tượng”) nhằm phát hiện các “Nghịch lý” (Antinomien) khi các yếu tố và nguyên tắc cơ bản ấy bị lạm dụng, vượt ra khỏi khả năng nhận thức nói chung của con người. “Phê phán” tức là làm xong hai công việc nói trên để “dọn sạch miếng đất” cho công cuộc xây dựng “học thuyết” (Doktrin) một cách vững chắc.

Tuy các triết gia sau Kant không còn đi theo mô hình này nữa khi trình bày triết học của mình, ta vẫn cần hiểu rõ mô hình ấy để đọc được ba quyển Phê phán của Kant.

1.1 Phân tích pháp về cái đẹp

Vài dòng ôn lại như trên giúp ta không ngạc nhiên khi thấy Chương I của phần “Phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ” (tức phần I của quyển sách) mang nhan đề: “Phân tích pháp về cái đẹp”. Câu hỏi chỉ còn là: nó “phân tích” như thế nào?

Kant tự đặt cho mình một nhiệm vụ rất chính xác. Đó là giải thích: khi ta bảo một đối tượng là đẹp thì có nghĩa là gì? Bảo như thế là đưa ra một phán đoán. Phán đoán luôn mang hình thức “X là P”, tức gán một thuộc tính (P) cho một đối tượng “X” bất kỳ.

Hàng ngày, ta dùng vô số những thuộc tính để biểu thị vô số những đối tượng hầu mang lại trật tự cho thế giới chung quanh. Có thể nói, nhờ có những sự phân biệt ấy về ngôn ngữ, thế giới mới được cấu trúc hóa. Không thể nói về những đối tượng trong thế giới mà quên rằng ta luôn hiểu được chúng là nhờ thông qua những tri giác cảm tính và những sự phân biệt về ngôn ngữ của chúng ta.

Bây giờ, nếu ta nhìn sự vật không dưới giác độ thực tiễn, thực dụng (để làm gì? dùng vào việc gì?) hay để nhận thức chúng (nó là cái gì? tại sao như thế?) mà với thái độ thẩm mỹ, ta cũng có vô số chữ để bày tỏ: “đẹp”, “hay”, “đạt”, “tuyệt vời”, “sâu sắc”, “thiên tài”… hoặc “dở”, “xấu”, “xoàng”, “nhảm”, “nông cạn”, “chán phèo”… “Phân tích pháp về cái đẹp” không bàn đến tất cả những “thuộc tính” ấy. Nó chỉ bàn duy nhất đến thuộc tính “đẹp” mà thôi!

Một phán đoán – trong đó thuộc tính “đẹp” được gán cho một đối tượng – được Kant gọi là phán đoán sở thích, vì chính sở thích làm cho ta phán đoán một đối tượng là đẹp hay xấu. Sở thích là quan năng phán đoán về cái đẹp, nhưng sự phân tích về nó ở đây không theo nghĩa sinh lý hay tâm lý học. Kant xuất phát từ sự kiện hiển nhiên rằng con người có sở thích (hay có “gu” thẩm mỹ) và chỉ hỏi: ta thực sự làm gì khi ta nói “X là đẹp”? Nghĩa là, Kant không bàn trực tiếp về những sự vật đẹp (tức không cho biết vật nào đẹp, vật nào xấu và tiêu chuẩn của nó) mà chỉ phân tích lời nói của ta về những sự vật đẹp (tức bàn về vấn đề cơ bản: bảo sự vật là đẹp, có nghĩa là gì?).

Việc phân tích ấy được tiến hành từ bốn phương diện của phán đoán sở thích: chất, lượng, tương quan, hình thái. Ai đã đọc “Phê phán lý tính thuần túy”, ắt sẽ nhận ra ngay rằng đây là bốn phương diện quen thuộc của học thuyết của Kant về phán đoán. (Xem Phê phán lý tính thuần túy, B95 và tiếp). Nhiều thế hệ – từ Schiller (1793), Hegel (1835) đến Derrida (1978), Lyotard (1988) – đều không đồng tình với cách làm này của Kant. Theo họ, kinh nghiệm thẩm mỹ không thể bị bó hẹp trong khuôn khổ lôgíc được vay mượn từ triết học lý thuyết. Ta không thể đi sâu tìm hiểu sự phê phán này ở đây, mà chỉ lưu ý rằng: Kant có lý trong tính nhất quán của mình. Nếu mọi phát biểu, xét đến cùng, đều là những “phán đoán”, thì, ngoài sự thuận tiện của việc nghiên cứu khi quy chúng về cùng một mối, chính việc phân tích cặn kẽ về chúng sẽ làm lộ rõ tính đặc thù, riêng có của loại “phán đoán sở thích” như ông đã làm sau đây:

1.1.1 Phân tích phán đoán sở thích về mặt chất (§§1-5)

Chất (Qualität) của phán đoán là xét tính khẳng định, tính phủ định, tính hạn định của nó. (Xem: PPLTTT, B95). Do đó, công việc hàng đầu ở đây là xem phán đoán sở thích có đặc tính gì, và khác với các loại phán đoán khác ở chỗ nào.

  • Đặc điểm đầu tiên được nêu ngay trong đề mục §1: “Phán đoán sở thích là có tính thẩm mỹ” (B3). Nêu như vậy để phân biệt nó với một phán đoán lôgíc. Phán đoán lôgíc là khẳng định thuộc tính khách quan của đối tượng, nên còn được gọi là phán đoán nhận thức. Một ví dụ dễ hiểu: khi ta bảo “bức tranh này là 40x27 cm, có khung bằng gỗ”: đó là phán đoán nhận thức và dễ dàng kiểm chứng đúng sai bằng mắt thường và một cái thước đo. Nhưng khi ta bảo: “Bức tranh này đẹp thật!” thì tình hình khác hẳn: ta không nêu đặc điểm cá biệt nào của đối tượng cả và không thể kiểm tra đúng sai theo kiểu trước đó được. Do đó, Kant bảo: cơ sở quy định của phán đoán sở thích là có tính chủ quan. Nhận xét về cái đẹp là nói đến cảm trạng của người đang nhận xét, điều thường không cần phải quan tâm nơi một phán đoán nhận thức. Thật thế, khi ai đó buông ra câu nói: “Bức tranh này đẹp thật!” với vẻ mặt nhăn nhó, khổ sở, ta biết ngay có điều gì không ổn, vì ta chờ đợi một thái độ vui vẻ với bức tranh khi người ấy đưa ra một “phán đoán sở thích” tích cực về nó, trong khi đó, ta không cần quan tâm đến thái độ của người ấy khi phát biểu về kích thước và chất liệu của bức tranh. Nói cách khác, thấy một cái gì đó là đẹp nghĩa là có sự hài lòng với đối tượng. Và “hài lòng” rõ ràng không phải là một thuộc tính của đối tượng, mà là một trạng thái của chủ thể!
  • Câu hỏi tiếp theo là: sự hài lòng nơi một phán đoán thẩm mỹ có đặc điểm cụ thể gì? Kant liên hệ vấn đề này với “tình cảm về sự vui sướng hay không vui sướng”. “Vui sướng" (Lust) hay “không vui sướng” (Unlust) thường được hiểu là “khoái lạc” hay “đau đớn” trong tâm lý học hiện đại hay trong phân tâm học nặng màu sắc sinh lý, tình dục. Với Kant – cũng như trong truyền thống triết học nói chung –, tình cảm này được hiểu theo nghĩa rất khái quát như là “sự hài lòng”, sự “vui sướng” hay ngược lại. Để xác định tình cảm này về mặt thẩm mỹ cũng không có cách nào tốt hơn là so sánh và phân biệt nó với các hình thức khác của sự hài lòng:

-     Trước hết, là phân biệt sự vui sướng trước sự vật đẹp với sự vui sướng trước sự vật dễ chịu. Sự phân biệt này cực kỳ hệ trọng với Kant và được ông xác định rõ: “Dễ chịu là cái gì làm hài lòng các giác quan ở trong cảm giác” (B7).

-     Khái niệm “dễ chịu” tất nhiên cũng quan hệ với tình cảm của chủ thể, chỉ tất cả những gì mang lại cho ta sự hưởng thụ: đồ ăn, thức uống, mùi thơm, sự êm ái… dễ chịu! Đặc điểm chính yếu của nó là: ta có một sự quan tâm đến sự hiện hữu của những sự vật dễ chịu vì chúng hứa hẹn mang lại sự thích khoái cho ta.

-     Bên cạnh sự hài lòng đối với cái dễ chịu, Kant còn thấy có một hình thức khác của sự vui sướng cũng gắn liền với sự quan tâm, đó là sự hài lòng đối với cái tốt (luân lý). Có sự khác nhau giữa hai mối quan tâm: với cái dễ chịu và với cái tốt (luân lý). Kinh nghiệm cho thấy người ham thích cái trước thường ít ham thích cái sau như lời than thở của cụ Khổng: ít thấy có ai “hiếu đức” hơn “hiếu sắc”! Nhưng, ở đây, Kant không bàn về lời thở than này của cụ Khổng, mà chỉ tập trung phân tích về bản thân “sự quan tâm”. Nếu sự hài lòng đối với cái dễ chịu luôn có sự quan tâm đến sự hiện hữu của đối tượng, thì với cái tốt cũng thế: “cái tốt là một đối tượng của ý chí (tức của một quan năng ham muốn do lý tính quy định” (B14 và tiếp), nên không thể bảo điều gì đó là tốt mà đồng thời không mong muốn điều ấy phải được thực hiện.

Vậy, ta có ba hình thức của sự hài lòng:

“Cái dễ chịu, cái đẹp và cái tốt biểu thị ba mối quan hệ khác nhau của những biểu tượng đối với tình cảm vui sướng và không vui sướng mà dựa vào tình cảm ấy, ta phân biệt những đối tượng hay các phương cách biểu tượng với nhau” (B14, 15).

Dù khác nhau đến mấy, các hình thức vui sướng đối với cái dễ chịu và cái tốt có điểm chung là gắn liền với sự quan tâm đến đối tượng. Ngược lại, Kant nhấn mạnh: chỉ duy có sự hài lòng đối với cái đẹp là “tự do”: “(…) vì lẽ ở đây không có sự quan tâm nào – dù là của giác quan hay của lý tính – buộc ta phải tán thưởng cả” (B15).

Ta nên lưu ý đến chữ “buộc”. Cái dễ chịu của cảm giác “buộc” ta phải “tán thưởng" đã đành, mà cả cái tốt cũng thế. Sự vui sướng với cái tốt cũng không “tự do”, vì nó không để cho ta có không gian lựa chọn nào hết, một khi lý tính đã xác định rằng đó là điều tốt, nghĩa là, “buộc” ta, với tư cách là hữu thể có lý tính, phải thực hiện, dù ta, như là con người cảm tính, yếu đuối và ham hưởng thụ, có miễn cưỡng đến mấy. “Ai thắng ai” giữa cái dễ chịu và cái tốt là điều chưa bàn đến (Kant đủ thực tế để thú nhận rằng cái tốt thường thua cuộc!), nhưng cả hai đều không “tự do”. Ngược lại, cái đẹp thì khác. Kant bảo sự hài lòng với cái đẹp là “tự do” và “không có sự quan tâm nào”:

“Một đối tượng của xu hướng [= cái dễ chịu làm hài lòng cảm giác] cũng như một đối tượng do một quy luật của lý tính áp đặt cho quan năng ham muốn của ta [= cái tốt] không cho phép ta có tự do (…). Mọi sự quan tâm đều lấy một nhu cầu làm điều kiện tiên quyết, và, với tư cách là cơ sở quy định cho sự tán thưởng, không còn để cho phán đoán về đối tượng được tự do nữa” (B15-16).

Tóm lại, từ sự so sánh, đối lập ba hình thức của sự hài lòng (cái dễ chịu, cái đẹp và cái tốt), Kant rút ra đặc điểm quy định của phán đoán sở thích về mặt chất một cách ngắn gọn và chặt chẽ:

“Sở thích là quan năng phán đoán về một đối tượng hay về một phương cách biểu tượng bằng một sự hài lòng hay không hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm nào(1). Đối tượng của một sự hài lòng như vậy gọi là đẹp” (B16).

 



(1) Cần chú ý: “không có sự quan tâm nào” nói ở đây là chỉ xét về cơ sở “tiên nghiệm” của phán đoán thẩm mỹ, còn sự quan tâm “thường nghiệm” đến sự hiện hữu của đối tượng đẹp trong đời sống xã hội và luân lý đến sau phán đoán thẩm mỹ thuần túy. Xem thêm §41: “Về sự quan tâm thường nghiệm đối với cái đẹp” (B162-173) và Chú giải dẫn nhập: 2.6; 2.7. (N.D).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt