Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái đẹp - Phương diện thứ nhất

 

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP

 

PHƯƠNG DIỆN* THỨ NHẤT CỦA PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH[1],

XÉT VỀ MẶT CHẤT (QUALITÄT)**

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 57-68. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

§1

PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH LÀ CÓ TÍNH THẨM MỸ

Để phân biệt cái gì đấy là đẹp hay không, ta không dùng giác tính để liên hệ biểu tượng về nó với đối tượng nhằm có được nhận thức, trái lại, liên hệ với chủ thể và tình cảm vui sướng hay không vui sướng của chủ thể ấy thông qua trí tưởng tượng (có lẽ nối kết với giác tính khi hoạt động). Như thế, phán đoán sở thích không phải là một phán đoán nhận thức, do đó, không có tính lôgíc, mà có tính thẩm mỹ, được hiểu là một phán đoán mà cơ sở quy định (Bestimmungsgrund) của nó không thể là gì khác hơn là chủ quan. Mọi liên hệ của những biểu tượng đều có thể là khách quan, kể cả của những cảm giác (trong trường hợp ấy, nó có nghĩa là cái thực tồn (das Reale) của một biểu tượng cảm tính). | Ngoại lệ duy nhất cho việc này là tình cảm vui sướng hay không vui sướng. | Nó không biểu thị điều gì hết ở trong đối tượng, mà là một tình cảm trong đó chủ thể tự cảm nhận theo kiểu được biểu tượng tác động.

Lĩnh hội về một ngôi nhà hợp quy tắc và hợp mục đích [đàng hoàng và hữu dụng] bằng quan năng nhận thức (dù phương cách biểu tượng(a) là sáng sủa hay mù mờ(b)) là cái gì hoàn toàn khác với việc có ý thức về biểu tượng này đi kèm với cảm giác hài lòng(c). Ở trường hợp sau, biểu tượng hoàn toàn liên hệ đến chủ thể, và nói rõ hơn, đến tình cảm sống thực của chủ thể với tên gọi là tình cảm vui sướng hay không vui sướng; tình cảm này tạo nên cơ sở cho một quan năng phân biệt và đánh giá hoàn toàn đặc thù, không đóng góp gì vào việc nhận thức cả. | Tất cả những gì nó làm chỉ là so sánh biểu tượng được mang lại ở trong chủ thể với toàn bộ quan năng của những biểu tượng mà tâm thức ý thức được ở trong xúc cảm về trạng thái của mình.

Các biểu tượng được mang lại ở trong một phán đoán có thể là thường nghiệm (do đó có tính thẩm mỹ), nhưng phán đoán được đưa ra thông qua các biểu tượng ấy sẽ là có tính lôgíc, nếu phán đoán liên hệ chúng với đối tượng. Ngược lại, cho dù các biểu tượng được mang lại là thuần lý (rational) đi nữa, nhưng trong phán đoán chỉ liên hệ đến chủ thể (đến tình cảm của chủ thể) thôi, thì trong chừng mực đó, chúng bao giờ cũng mang tính thẩm mỹ.

§2

SỰ HÀI LÒNG [CÓ CHỨC NĂNG] QUY ĐỊNH

PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH LÀ HOÀN TOÀN ĐỘC

LẬP VỚI MỌI SỰ QUAN TÂM (INTERESSE)*

Sự hài lòng được ta gắn liền với biểu tượng về sự hiện hữu [thực sự] (Existenz) của một đối tượng thì được gọi là “sự quan tâm” (das Interesse). Do đó, một sự hài lòng như thế bao giờ cũng đồng thời có quan hệ với quan năng ham muốn, hoặc như là cơ sở quy định cho quan năng ấy hoặc thiết yếu gắn liền với cơ sở quy định này. Nhưng, trước câu hỏi: một cái gì đấy là đẹp hay không, người ta thực ra không hề muốn biết liệu ta hay một ai khác có – hay có thể có – quan tâm gì đến sự hiện hữu của sự vật ấy hay không, mà chỉ muốn biết ta phán đoán thế nào về nó ở trong sự nhìn ngắm đơn thuần (bloße Betrachtung)d (bằng trực quan hay phản tư). Khi ai đó hỏi tôi có thấy tòa cung điện đang nhìn là đẹp hay không, tôi có thể, chẳng hạn, trả lời rằng: tôi chẳng ưa những thứ được làm ra chỉ để phục vụ cho việc xa hoa ấy; hoặc giống như vị tù trưởng bộ lạc Iroquois [ở Bắc Mỹ khi viếng thăm Paris] đã bảo rằng chẳng có gì ở Paris làm ông thích thú bằng mấy nhà ăn công cộnge. | Hoặc, hơn cả thế, tôi có thể phẫn nộ theo kiểu Rousseau và nguyền rủa thói huênh hoang của bọn vua chúa đã hoang phí mồ hôi lao khổ của nhân dân cho những thứ không cần thiết ấy. | Sau cùng, tôi cũng có thể dễ dàng tự nhủ rằng: giả sử mình bị ở nơi hoang đảo không hy vọng có ngày về nhưng có phép thần để nếu muốn thì có ngay tòa lâu đài tráng lệ kia, thì tôi vẫn sẽ không thèm làm, bao lâu tôi đã có được một mái lều tạm đủ cho tôi.

Mọi cách trả lời ấy đều có thể được tán thành và ủng hộ, chỉ có điều không phải là chuyện bàn ở đây. Người ta chỉ muốn biết rằng: liệu biểu tượng đơn thuần về đối tượng ấy có đi liền với [tình cảm] hài lòng ở trong tôi hay không, độc lập, dửng dưng với việc tôi như thế nào đối với sự hiện hữu của đối tượng của biểu tượng này. Rõ ràng là, để bảo rằng đối tượng là đẹp và chứng tỏ rằng tôi có sở thích, tất cả vấn đề là ở chỗ những gì tôi tạo ra ở bên trong tôi từ biểu tượng ấy chứ không phải ở chỗ tôi phụ thuộc vào sự hiện hữu của đối tượng. Ai cũng phải thừa nhận rằng phán đoán về vẻ đẹp mà có trộn lẫn trong đó một sự quan tâm tối thiểu nào thì đều rất thiên lệch và không phải là một phán đoán sở thích thuần túy. Ta không được phép thiên vị một chút nào đối với sự hiện hữu của sự vật mà phải hoàn toàn dửng dưng về phương diện này mới giữ được vai trò thẩm phán trong vấn đề về sở thích.

Ta không thể giải thích mệnh đề cực kỳ quan trọng trên đây bằng cách nào tốt hơn là hãy đối chiếu để thấy sự tương phản giữa sự hài lòng thuần túy, không có sự quan tâm[2] trong phán đoán sở thích với sự hài lòng gắn với sự quan tâm, nhất là khi ta đồng thời có thể xác tín rằng không có những loại quan tâm nào khác ngoài những loại được kể ra ở đây.

§3

SỰ HÀI LÒNG ĐỐI VỚI CÁI DỄ CHỊU

LÀ GẮN LIỀN VỚI SỰ QUAN TÂM

Dễ chịu (angenehm) là cái gì làm hài lòng các giác quan ở trong cảm giác. Định nghĩa này lập tức tạo cơ hội cho ta phê phán nghiêm khắc và đặc biệt lưu ý đến một sự lẫn lộn hết sức thông thường về hai ý nghĩa có thể có của từ “cảm giác” (Empfindung). Mọi sự hài lòng (khi ta nói hay khi ta nghĩ tới) thì bản thân đã là cảm giác (về một niềm vui sướng). Do đó, tất cả những gì làm ta hài lòng – và chính vì làm ta hài lòng – , nên đều là dễ chịu cả; (và tùy theo các mức độ khác nhau hay các mối quan hệ của nó với những cảm giác dễ chịu khác mà trở nên hấp dẫn, đáng yêu, ngon lành, thích thú v.v…). Nhưng, nếu thừa nhận như thế thì: những ấn tượng (Eindrücke) của giác quan vốn quy định xu hướng; hay những nguyên tắc của lý tính vốn quy định ý chí; hay những hình thức được phản tư đơn thuần của trực quan vốn quy định năng lực phán đoán, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tác động đối với tình cảm vui sướng, ắt đều cùng là một thứ giống hệt nhau cả, bởi đấy là tính dễ chịu ở trong cảm giác về trạng thái của con người. Và cũng vì lẽ kỳ cùng mọi hoạt động của các quan năng của ta đều phải nhắm vào và hợp nhất lại trong cái thực tiễn như là mục tiêu của chúng, nên ta ắt không thể buộc các quan năng của ta có sự đánh giá nào khác hơn về các sự vật và giá trị của các sự vật ngoài sự thích khoái (Vergnügen) mà chúng hứa hẹn mang lại. Còn về phương cách làm thế nào đạt được điều ấy thì rút cục không bàn đến. | Và vì lẽ ở đây chỉ có thể có một sự phân biệt duy nhất ở trong việc chọn lựa phương tiện thôi, nên người ta chỉ có thể trách nhau là điên rồ và thiếu khôn ngoan chứ tuyệt nhiên không thể lên án sự thấp hèn và xấu xa, bởi mọi người, tùy theo cách nhìn sự vật của mỗi người, đều chạy theo một mục tiêu mà đối với họ là sự thích khoái.

Khi một sự quy định (Bestimmung)* của tình cảm vui sướng hay không vui sướng được gọi là “cảm giác”, thì thuật ngữ này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với cái cũng được gọi là “cảm giác” khi tôi hiểu đó là biểu tượng về một sự vật (thông qua giác quan như là một tính thụ nhận thuộc về quan năng nhận thức). Bởi trong trường hợp sau, biểu tượng liên hệ với đối tượng, còn trong trường hợp trước, nó chỉ liên hệ đến chủ thể thôi và không phục vụ để đưa đến bất kỳ một nhận thức nào cả, kể cả một nhận thức qua đó chủ thể tự nhận biết chính mình.

Thế nhưng, trong cách lý giải trên đây, ta lại hiểu chữ “cảm giác” là một biểu tượng khách quan của các giác quan; và để tránh nguy cơ lúc nào cũng bị hiểu sai, ta hãy gọi cái lúc nào cũng chỉ đơn thuần phải là chủ quan và tuyệt nhiên không thể tạo nên một biểu tượng về đối tượng bằng tên gọi quen thuộc thông thường là “tình cảm” (Gefühl). Màu xanh của cánh đồng là thuộc về cảm giác khách quan với tư cách là tri giác về một đối tượng của giác quan, còn ngược lại, tính dễ chịu của màu xanh ấy lại thuộc về cảm giác chủ quan, qua đó không một đối tượng nào được hình dung cả, nghĩa là, thuộc về tình cảm, qua đó đối tượng được xem là đối tượng của sự hài lòng (sự hài lòng không phải là một nhận thức về đối tượng).

Bây giờ, phán đoán của tôi về một đối tượng, qua đó tôi bảo rằng đối tượng là dễ chịu, thì phán đoán này gắn liền với một sự quan tâm; điều này là hiển nhiên bởi thông qua cảm giác, phán đoán ấy khêu gợi nên một sự ham muốn (Begierde) đối với những đối tượng tương tự, do đó, sự hài lòng tiền-giả định không phải phán đoán đơn thuần về đối tượng mà mối quan hệ giữa sự hiện hữu của đối tượng với trạng thái của tôi trong chừng mực trạng thái ấy được một đối tượng như thế tác động. Vậy, đối với cái dễ chịu, ta không đơn thuần bảo: nó làm ta hài lòng (es gefällt), mà phải bảo: nó làm cho ta thích khoái (es vergnügt). Tôi không chỉ dành cho nó sự tán thán đơn thuần, trái lại xu hướng (Neigung) [ham muốn] qua đó được sản sinh ra; và đối với cái gì dễ chịu một cách cực độ, thì thậm chí chẳng có phán đoán nào cả về tính chất của đối tượng, bởi những người lúc nào cũng chỉ nhắm đến sự hưởng thụ (das Genießen) (“hưởng thụ” là từ được dùng để chỉ cường độ cao của việc thích khoái) luôn rất thích đặt mình lên trên mọi sự phán đoán.

§4

SỰ HÀI LÒNG ĐỐI VỚI CÁI TỐT

[CŨNG] GẮN LIỀN VỚI SỰ QUAN TÂM

Tốt là cái gì nhờ vào lý tính làm hài lòng thông qua khái niệm đơn thuần. Ta gọi một số điều là tốt (cái hữu ích) khi chúng làm hài lòng chỉ với tư cách là phương tiện; và gọi là “tốt tự thân” (an sich gut) [hay là Thiện tự thân] những gì làm hài lòng do chính bản thân chúng. Trong cả hai trường hợp bao giờ cũng bao hàm khái niệm về một mục đích, do đó, là mối quan hệ giữa lý tính với ý chí (chí ít là với ý chí khả hữu), nên đây là một sự hài lòng gắn với sự hiện hữu (Dasein) của một đối tượng hay của một hành vi, tức với một sự quan tâm nào đó.

Để thấy cái gì là tốt, lúc nào tôi cũng phải biết đối tượng ấy phải là một sự vật như thế nào, tức là, có một khái niệm về nó. Còn để thấy cái gì là đẹp, tôi không cần điều ấy. Đóa hoa, tranh vẽ tự do, những đường nét đan nhau vô tình, với tên gọi là “hoa văn” (Laubwerk) chẳng có ý nghĩa gì, không phụ thuộc vào một khái niệm nhất định nào, nhưng vẫn làm hài lòng. Sự hài lòng với cái đẹp phải phụ thuộc vào sự phản tư về một đối tượng, – sự phản tư này [có thể] dẫn đến một khái niệm bất kỳ nào đó (không được xác định dứt khoát) và đây chính là chỗ phân biệt nó với cái dễ chịu hoàn toàn dựa vào cảm giác.

Đúng là thoạt nhìn có vẻ như cái dễ chịu, trong nhiều trường hợp, là đồng nhất với cái tốt. Cho nên người ta thường nói: mọi thích khoái (nhất là sự thích khoái lâu bền) là tốt tự thân; điều ấy hầu như cũng có nghĩa: dễ chịu lâu bền hay tốt là một thứ. Nhưng ta thấy ngay rằng đây chỉ là một sự tráo chữ sai lầm, bởi lẽ các khái niệm gắn liền một cách riêng biệt đối với các chữ này hoàn toàn không thể tráo chỗ cho nhau được. Cái dễ chịu, xét như cái dễ chịu, chỉ hình dung đối tượng trong quan hệ với giác quan; bản thân nó trước tiên phải được đưa vào dưới các nguyên tắc của lý tính thông qua khái niệm về một mục đích để bấy giờ, với tư cách là đối tượng của ý chí, mới được gọi là tốt [hay thiện]. Nhưng, mối quan hệ với sự hài lòng là hoàn toàn khác khi tôi đồng thời gọi cái gây thích khoái là tốt, bởi rõ ràng là đối với cái tốt, câu hỏi luôn đặt ra là liệu đó chỉ là tốt một cách gián tiếp hay là cái tốt trực tiếp, nghĩa là, chỉ hữu ích hay là tốt tự thân, trong khi đó câu hỏi này không đặt ra với cái dễ chịu, vì chữ này bao giờ cũng có nghĩa là cái gì làm hài lòng một cách trực tiếp (giống hệt như khi ta gọi cái gì đó là đẹp).

Ngay trong ngôn ngữ thường ngày, ta vẫn phân biệt giữa cái dễ chịu và cái tốt. Thật vậy, đối với một món ăn được cho nhiều gia vị và các chất phụ gia để tăng cường khẩu vị, ta không ngần ngại bảo nó là ngon, song đồng thời cũng thú nhận nó là không tốt, bởi tuy trực tiếp thỏa mãn các giác quan, nhưng, xét một cách gián tiếp, tức là, bằng lý trí về các hậu quả, nó không làm ta hài lòng. Kể cả trong việc đánh giá về sức khỏe, ta cũng thấy có sự phân biệt này. Sức khỏe là sự dễ chịu một cách trực tiếp đối với ai đang có được nó (chí ít theo nghĩa tiêu cực, tức là thoát khỏi mọi đau đớn thể xác). Nhưng để bảo rằng nó là tốt thì ta lại còn phải dùng lý tính để hướng sức khỏe vào những mục đích, nghĩa là, bấy giờ sức khỏe là một trạng thái giúp ta có thể thực hiện được tất cả những gì ta phải làm. Sau cùng, về mặt hạnh phúc, ai cũng tin rằng sự cộng dồn tối đa những tiện nghi của đời sống (về số lượng lẫn về độ lâu bền) xứng danh là cái tốt đích thực, thậm chí là cái tốt [cái thiện] tối cao. Nhưng, lý tính cũng kiên quyết bác bỏ điều ấy. Tính tiện nghi (Annehmlichkeit) là sự hưởng thụ. Song, nếu tất cả chỉ nhằm vào sự hưởng thụ, ắt sẽ là điên rồ khi bất chấp mọi phương tiện để mang lại sự hưởng thụ cho ta, cho dù sự hưởng thụ ấy đạt được một cách thụ động nhờ phúc lộc của Tự nhiên hay bằng sự chủ động và nỗ lực của chính ta. Còn cho rằng có một giá trị tự thân nào đó trong sự hiện hữu hiện thực của một con người chỉ đơn thuần sống để hưởng thụ (và hết sức bận rộn vì mục đích này), thậm chí khi qua đó, phục vụ những người khác – cũng chỉ biết theo đuổi sự hưởng thụ – như một phương tiện tối hảo, và nhờ được thiện cảm mà cùng hưởng thụ mọi sự thích khoái với những người ấy thì điều này cũng không bao giờ thuyết phục được lý tính. Vì chỉ thông qua hành động không nhằm đến sự hưởng thụ, trong sự Tự do trọn vẹn và độc lập với những gì có thể đạt được một cách thụ động từ bàn tay của Tự nhiên, con người mới mang lại cho sự tồn tại của mình – với tư cách là sự hiện hữu của một nhân cách (Person) – một giá trị tuyệt đối. | Hạnh phúc, với tất cả sự đầy đủ của tiện nghi, còn xa mới là một cái Tốt [cái Thiện] vô-điều kiện[3].

Nhưng, bất kể mọi tính dị biệt này giữa cái dễ chịu và cái tốt, cả hai đều giống nhau ở chỗ lúc nào cũng gắn liền với một sự quan tâm đối với đối tượng. | Điều này không chỉ đúng với cái dễ chịu (§3) và với cái tốt gián tiếp (cái hữu ích) xét như phương tiện cho một sự tiện nghi nào đó mà cũng đúng cả cho cái tốt tuyệt đối về mọi phương diện, tức cái Thiện luân lý mang theo mình sự quan tâm tối cao. Bởi cái Thiện là đối tượng của Ý chí (nghĩa là của một quan năng ham muốn được lý tính quy định).

Ham muốn một điều gì và hài lòng đối với sự hiện hữu của điều ấy, tức có mối quan tâm đến nó là hai việc đồng nhất với nhau.

§5

SO SÁNH BA PHƯƠNG CÁCH KHÁC

NHAU [NÓI TRÊN] CỦA SỰ HÀI LÒNG

Cả hai cái dễ chịu và cái tốt đều có mối quan hệ với quan năng ham muốn; và trong chừng mực đó, đều dẫn đến một sự hài lòng: cái trước là sự hài lòng mang tính “sinh lý” (pathologisch) có điều kiện (thông qua sự kích thích/Anreize/ latinh: stimulos), cái sau là sự hài lòng thuần túy thực hành. | Sự hài lòng này không chỉ được quy định đơn thuần bằng biểu tượng về đối tượng mà đồng thời bằng sự nối kết được hình dung giữa chủ thể với sự hiện hữu của đối tượng ấy. Không chỉ đối tượng mà cả sự hiện hữu của đối tượng làm ta hài lòng. Ngược lại, phán đoán sở thích là đơn thuần có tính tĩnh quan [chiêm nghiệm] (kontemplative), nghĩa là, một phán đoán dửng dưng với sự hiện hữu của đối tượng và chỉ xét xem tính chất của nó quan hệ nối kết (zusammenhält) như thế nào với tình cảm vui sướng và không vui sướng. Nhưng, bản thân sự tĩnh quan này cũng không hướng tới các khái niệm, bởi phán đoán sở thích không phải là phán đoán nhận thức (dù là lý thuyết hay thực hành), và do đó không đặt nền tảng trên các khái niệm hoặc hướng đến chúng như là mục đích.

Vậy, cái dễ chịu, cái đẹpcái tốt biểu thị ba mối quan hệ khác nhau của những biểu tượng đối với tình cảm vui sướng và không vui sướng mà dựa vào tình cảm ấy, ta phân biệt những đối tượng hay các phương cách biểu tượng* với nhau. Thật thế, các thuật ngữ tương ứng biểu thị sự hài lòng của ta nơi chúng là khác nhau. Dễ chịu là cái gì làm ta thích khoái (vergnügt); đẹp là cái gì chỉ đơn thuần làm ta hài lòng (gefällt); còn tốt là cái gì được quý trọng (geschätzt), thừa nhận (gebilligt), tức, cái gì được ta đặt vào đó một giá trị khách quan. Thích khoái có giá trị cho mọi sinh vật không có lý tính; cái đẹp chỉ dành cho con người, tức sinh vật nhưng có lý tính, song không phải đơn thuần chỉ có lý tính (chẳng hạn như thần linh) mà còn đồng thời là sinh vật; còn cái tốt [Thiện] thì có giá trị cho bất kỳ hữu thể nào có lý tính nói chung: đây là một mệnh đề mà chỉ sau này ta mới biện minh và giải thích thật đầy đủ.

Ta có thể nói: trong tất cả ba phương cách của sự hài lòng này thì chỉ duy nhất có sự hài lòng của sở thích về cái đẹp mới là một sự hài lòng tự do không có mối quan tâm nào, vì lẽ ở đây, không có mối quan tâm nào – dù là của giác quan hay của lý tính – buộc ta phải tán thưởng (Beifall) cả. Do đó, ta có thể nói về sự hài lòng như sau: trong ba trường hợp kể trên, sự hài lòng liên hệ đến ba thái độ khác nhau: hoặc với xu hướng (Neigung), hoặc với sự ái mộ (Gunst), hoặc với sự tôn kính (Achtung). Chỉ có sự ái mộ là sự hài lòng duy nhất có tính tự do. Một đối tượng của xu hướng cũng như một đối tượng do một quy luật của lý tính áp đặt cho quan năng ham muốn của ta [khiến ta phải tôn kính] không cho phép ta có tự do để chuyển hóa một cái gì đấy thành một đối tượng của sự vui sướng. Mọi sự quan tâm đều lấy một nhu cầu làm điều kiện tiên quyết, và, với tư cách là cơ sở quy định cho sự tán thưởng, không còn để cho phán đoán về đối tượng được tự do nữa.

Đối với sự quan tâm của xu hướng đối với cái dễ chịu, người ta thường bảo: “cơn đói là đầu bếp giỏi nhất” và “đối với người ham ăn thì cái gì ăn được đều ngon cả”. | Một sự hài lòng như thế cho thấy không có sự lựa chọn về sở thích. Chỉ khi nào nhu cầu đã được thỏa mãn, bấy giờ người ta mới phân biệt được ai trong đám đông ấy có sở thích hay là không. Cũng thế, có những lề thói (Sitten) không có nội dung đức hạnh, sự lễ độ không có lòng thành, sự đứng đắn thiếu trung thực v.v... Bởi ở đâu quy luật luân lý lên tiếng thì khách quan không còn có chỗ cho sự tự do lựa chọn những gì ta phải làm; và việc chứng tỏ sở thích trong khi thực hiện những mệnh lệnh luân lý này (hay đánh giá về cách thực hiện của người khác) là hoàn toàn khác với việc biểu lộ tâm niệm luân lý của mỗi người. | Bởi cái sau chứa đựng một mệnh lệnh [luân lý] và tạo ra một nhu cầu, trong khi cái trước, ngược lại, chỉ “đùa giỡn” với các đối tượng của sự hài lòng mà không gắn bó với đối tượng nào cả.

Định nghĩa về cái đẹp rút ra từ phương diện thứ nhất:

Sở thích là quan năng phán đoán về một đối tượng hay về một phương cách biểu tượng bằng một sự hài lòng hay không hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm nào. Đối tượng của một sự hài lòng như vậy gọi là ĐẸP.

 



* “Moment”: từ khó dịch cho trọn nghĩa. Ở đây, có thể hiểu là “phương diện”. (N.D).

[1] Định nghĩa về sở thích (Geschmack) được dùng làm cơ sở ở đây là: sở thích là quan năng để phán đoán về cái đẹp. Nhưng cần những gì để gọi được một đối tượng là đẹp thì sự phân tích về các phán đoán của sở thích phải phát hiện ra. Tôi đi tìm các phương diện (Momente) – mà năng lực phán đoán này phải lưu ý trong công việc phản tư của nó – dựa theo sự hướng dẫn của các chức năng phán đoán lôgíc [về chất, về lượng, về tương quan và về hình thái. N.D] (bởi trong phán đoán sở thích bao giờ cũng có chứa đựng một mối quan hệ với giác tính [tức với quan năng để phán đoán**. N.D]). Trước hết, tôi xét phương diện chất vì phán đoán thẩm mỹ về cái đẹp quan tâm đến phương diện này đầu tiên. [Chú thích của tác giả].

** Kant sẽ xét cái đẹp (và cái cao cả) theo bốn phương diện: chất (Qualität), lượng (Quantität), tương quan (Relation) hình thái (Modalität) tương đương với bốn đề mục của các chức năng phán đoán và của các phạm trù (xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B95 và tiếp). (N.D).

(a) “Phương cách biểu tượng” (Vorstellungsart): phương cách chủ quan của ta để hình dung (vorstellen) nên các biểu tượng về sự vật bằng trực quan (cảm năng) và các khái niệm (giác tính). (N.D).

(b) Sáng sủa hay mù mờ: xem chú thích (2) của Chú giải dẫn nhập 1.1.3.4. (N.D).

(c) Sự “hài lòng” (das Wohlgefallen): theo Kant, cần phân biệt triệt để giữa sự hài lòng hướng đến hình thức đơn thuần của đối tượng với sự dễ chịu (das Angenehm) hướng đến sự hưởng thụ (Genuß) (xem §3 và tiếp. (N.D).

* das Interesse (nguyên nghĩa La tinh: “sự tham gia, sự có mặt, cái có tầm quan trọng): sự quan tâm của con người đối với người khác, với một sự việc hay sự kiện bắt nguồn từ các động cơ tâm lý hay các nhu cầu, lợi ích sống còn. Thuật ngữ này được các nhà tư tưởng Pháp, Anh (C.A Helvetius, J. Bentham, A. Smith) sử dụng trước tiên để lý giải đời sống xã hội. Kant cải biến và đào sâu hơn về mặt đạo đức học lẫn mỹ học; và thuật ngữ “Interesse” trở thành một trong những thuật ngữ quan trọng nhất trong triết học Kant (Xem Phê phán lý tính thuần túy, B490-504). (N.D).

d Có khi cũng sẽ được Kant gọi là “sự tĩnh quan” hay “chiêm nghiệm” (Beschauung, Kontemplation): xem §5. (N.D).

e Trong các ký sự du hành của các tác giả như François Xavier de Charlevoix (Paris 1744) hay của tác giả khuyết danh (Brandenburg 1781) có kể chuyện một tù trưởng ở Bắc Mỹ (Canada ngày nay) sang thăm Paris theo lời mời của vua Louis 14. Được giới thiệu mọi công trình tráng lệ ở Paris, nhưng khi trả lời chỗ nào thích nhất, ông chỉ ca ngợi các bếp ăn công cộng ở các khu chợ, nơi lúc nào cũng có sẵn các thức ăn nóng sốt. Câu chuyện ám chỉ một người vốn quen săn bắn ở vùng lạnh chỉ thấy việc có sẵn thức ăn nóng mới là mối “quan tâm” thiết thân nhất. (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

[2] Một phán đoán về một đối tượng của sự hài lòng có thể hoàn toàn không có sự quan tâm (uninteressiert), nhưng vẫn là rất lý thú (interressant), nghĩa là, phán đoán ấy không dựa trên một mối quan tâm nào, song lại tạo ra một sự quan tâm. | Những phán đoán như thế chính là mọi phán đoán luân lý thuần túy. Tuy nhiên, những phán đoán sở thích tự mình không đặt nền tảng cho bất kỳ mối quan tâm nào. Chỉ có trong [đời sống] xã hội, thì việc có sở thích sẽ là “lý thú” (interressant); nguyên nhân của điều này sẽ được trình bày ở sau. [Chú thích của tác giả].

* “eine Bestimmung”: một sự quy định. Ở đây hiểu là một “biến thái” (Modifikation). (N.D).

[3] Một sự bắt buộc hay bổn phận (Verbindlichkeit) phải hưởng thụ là một điều phi lý hiển nhiên. Cũng phải nói như thế đối với một sự bắt buộc được giả định cho những hành vi nào chỉ đơn thuần lấy việc hưởng thụ làm mục đích, cho dù sự hưởng thụ này có thể được nghĩ ra trong tư tưởng (hay khoa trương) mang tính tâm linh đến như thế nào; kể cả khi là một sự hưởng thụ có tính thần bí, tức cái gọi là sự hưởng thụ ở thiên đường. [Chú thích của tác giả].

* Phương cách biểu tượng (Vorstellungsart): xem chú thích* của N.D cho B4 (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt