Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái đẹp - Phương diện thứ hai

 

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP

 

PHƯƠNG DIỆN THỨ HAI CỦA PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH,

TỨC LÀ, XÉT VỀ MẶT LƯỢNG (QUANTITÄT)

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 75-86. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

§6

CÁI ĐẸP LÀ CÁI GÌ ĐƯỢC HÌNH DUNG

NHƯ ĐỐI TƯỢNG CỦA MỘT SỰ HÀI LÒNG

PHỔ BIẾN, ĐỘC LẬP VỚI MỌI KHÁI NIỆM.

 

Định nghĩa này có thể suy ra từ định nghĩa trên đây về cái đẹp như về một đối tượng của sự hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm nào. Bởi vì khi ý thức rằng sự hài lòng của mình đối với một đối tượng quả thật không gắn với mối quan tâm nào cả, thì người ta không tránh khỏi cho rằng đối tượng ấy phải chứa đựng lý do cho sự hài lòng của tất cả mọi người. Do lẽ sự hài lòng không dựa trên bất kỳ xu hướng (Neigung) nào của chủ thể (hay trên bất kỳ một sự quan tâm có tính toán nào khác), nên chủ thể cảm thấy mình hoàn toàn tự do trước sự hài lòng dành cho đối tượng; chủ thể không thể tìm thấy các điều kiện riêng tư nào chỉ thuộc về chủ thể của riêng mình làm lý do cho sự hài lòng ấy. | Như thế, ta phải xem sự hài lòng là được đặt cơ sở trên một cái gì mà ta có thể tiền-giả định nơi bất kỳ người nào khác, vì thế phải tin rằng có lý do để đòi hỏi một sự hài lòng tương tự nơi mọi người. Cho nên ta nói về cái đẹp như thể (als ob) tính đẹp là một tính chất của đối tượng và như thể phán đoán ấy là có tính lôgíc (tức tạo ra một nhận thức về đối tượng bằng cái khái niệm về nó), mặc dù phán đoán này chỉ có tính thẩm mỹ và đơn thuần chứa đựng một mối quan hệ giữa biểu tượng về đối tượng với chủ thể; và sở dĩ nó có chỗ giống với phán đoán lôgíc là vì ta có thể tiền-giả định rằng nó có giá trị (Gültigkeit) cho tất cả mọi người. Thế nhưng, tính phổ biến này lại không thể nảy sinh từ các khái niệm. Vì, từ các khái niệm, không có bước quá độ sang tình cảm vui sướng hay không vui sướng (trừ trường hợp trong những quy luật thuần túy thực hành [quy luật luân lý], song những quy luật này lại đi liền với một sự quan tâm vốn không có nơi những phán đoán sở thích thuần túy). Do đó, phán đoán sở thích, với ý thức về sự tách biệt của nó với mọi sự quan tâm, phải đi liền với yêu cầu là có giá trị cho mọi người, song độc lập với tính phổ biến đặt ra cho các đối tượng, nghĩa là, phán đoán ấy phải thiết yếu gắn liền với một yêu cầu về tính phổ biến chủ quan (subjektive Allgemeinheit).

§7

SO SÁNH CÁI ĐẸP VỚI CÁI DỄ CHỊU VÀ VỚI

CÁI TỐT THÔNG QUA ĐẶC ĐIỂM TRÊN ĐÂY

Đối với cái dễ chịu, ai cũng thừa nhận rằng phán đoán dựa trên một tình cảm riêng tư, qua đó bảo rằng một đối tượng làm hài lòng mình thì chỉ đơn thuần giới hạn nơi bản thân cá nhân mình thôi. Cho nên khi ai đó bảo rằng “rượu Kim tước (Kanariensekt) là ngon”, người ấy không lấy gì phiền lòng khi bị một người khác chỉnh lại và nhắc rằng câu nói ấy lẽ ra phải là: “nó ngon đối với tôi”. | Điều này không chỉ đúng với sở thích của lưỡi, khẩu cái và cổ họng mà cả với tất cả những gì là dễ chịu đối với tai và mắt. Đối với người này, màu tím là dịu dàng, đáng yêu, nhưng với người khác là u buồn, chết chóc. Người này yêu âm thanh của các nhạc cụ thổi bằng hơi; người khác lại thích âm thanh của nhạc cụ chơi bằng dây. Tranh cãi về những điều này nhằm lên án phán đoán của người khác là sai khi phán đoán của họ khác với của mình, làm như thể hai phán đoán là mâu thuẫn lôgíc với nhau thì quả là điên khùng. | Do đó, đối với cái làm ta dễ chịu, định đề sau đây là đúng đắn: “Ai có sở thích nấy” (tất nhiên là sở thích của giác quan).

Nhưng với cái đẹp thì lại hoàn toàn khác. Thật vậy, ngược lại với trường hợp trên, sẽ là buồn cười nếu ai đó tìm cách tự biện hộ cho sở thích của mình khi bảo rằng: “Đối tượng này (ngôi nhà ta đang nhìn, bộ áo quần người kia đang mặc, bản hòa tấu ta đang nghe, bài thơ đưa cho ta phẩm bình) là “đẹp đối với tôi thôi”. Bởi nếu nó chỉ làm hài lòng cá nhân người ấy thôi, thì không được gọi nó là đẹp. Rất nhiều điều có thể là hấp dẫn và dễ chịu đối với người ấy, song chẳng làm ai bận tâm cả, nhưng khi người ấy khẳng quyết cái gì đó là đẹp, tức đòi hỏi mọi người khác cũng có cùng một sự hài lòng như vậy. | Người ấy không chỉ phán đoán cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người; và trong trường hợp ấy, nói về tính đẹp (Schönheit) như thể đó là một thuộc tính của sự vật. Cho nên, sở dĩ người ấy bảo: “sự vật là đẹp” không phải là mong chờ sự tán đồng của người khác đối với phán đoán về sự hài lòng của mình bởi đã thấy có được sự tán đồng này trong nhiều trường hợp khác, mà là đòi hỏi sự tán đồng ấy của mọi người. Người ấy sẽ chê trách họ nếu họ phán đoán khác đi và phủ nhận nơi họ năng lực có được sở thích, dù người ấy luôn đòi hỏi họ phải có; và trong chừng mực ấy, không thể cho phép người ta nói: “ai có sở thích nấy” được. Bởi nếu vậy không khác gì bảo rằng: không hề có sở thích, nghĩa là, không có phán đoán thẩm mỹ nào có thể đưa ra yêu sách chính đáng buộc tất cả mọi người phải tán đồng.

Đành rằng đối với cái dễ chịu, ta cũng thấy có sự nhất trí trong đánh giá khiến ta phủ nhận năng lực có được sở thích nơi một số người này, nhưng lại thừa nhận đối với một số người khác, và tất nhiên không chỉ theo nghĩa của giác quan mà là của năng lực phán đoán về cái dễ chịu nói chung. Cho nên ta bảo ai đó biết chiêu đãi khách – bằng những điều tiện nghi (của sự thưởng thức trọn vẹn của mọi giác quan) – khiến ai cũng hài lòng, rằng: “người ấy quả có sở thích” [có “gu” thưởng thức]. Tuy nhiên ở đây, tính phổ biến ấy chỉ được hiểu theo nghĩa so sánh [tương đối] thôi; và cũng chỉ có các quy tắc tổng quát (generale Regeln) (như mọi quy tắc thường nghiệm) chứ không có được các quy tắc phổ quát (universale Regeln), là các quy tắc mà phán đoán sở thích về cái đẹp sử dụng hay đòi hỏi. Đó là một phán đoán trong quan hệ với tính hợp quần xã hội (Geselligkeit), trong chừng mực tính hợp quần này dựa trên các quy tắc thường nghiệm. Còn đối với cái tốt [cái Thiện] thì tuy các phán đoán này cũng có quyền đòi hỏi có giá trị cho tất cả mọi người, nhưng chỉ có điều, cái tốt chỉ được hình dung thông qua một khái niệm như là đối tượng của một sự hài lòng phổ biến; sự hài lòng loại này lại không phải như trong trường hợp đối với cái dễ chịu và đối với cái đẹp.

§8

TRONG MỘT PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH, TÍNH

PHỔ BIẾN CỦA SỰ HÀI LÒNG CHỈ ĐƯỢC HÌNH

DUNG NHƯ LÀ [TÍNH PHỔ BIẾN] CHỦ QUAN

Quy định đặc thù này về tính phổ biến của một phán đoán thẩm mỹ bắt gặp trong một phán đoán sở thích là một đặc điểm đáng lưu ý, không phải cho nhà lôgíc học, nhưng đặc biệt cho nhà triết học siêu nghiệm. | Nó đòi hỏi không ít nỗ lực từ phía nhà triết học siêu nghiệm để phát hiện cho ra nguồn gốc (Ursprung) của nó, để, đến lượt nó, soi sáng một đặc tính của quan năng nhận thức của ta; một đặc tính mà nếu không có sự phân tích [Zergliederung: tháo rời] này chắc hẳn vẫn không được biết đến.

Trước hết, ta phải hoàn toàn xác tín rằng, thông qua phán đoán sở thích (về cái đẹp), sự hài lòng đối với đối tượng là điều được ta đòi hỏi nơi mọi người, nhưng lại không dựa trên một khái niệm nào cả (bởi nếu thế ắt sẽ là cái tốt); và rằng, sự đòi hỏi này về tính giá trị phổ biến (Allgemeingültigkeit) – khi ta bảo một cái gì là đẹp – gắn liền một cách bản chất với phán đoán ấy, đến nỗi, nếu tính phổ biến ấy không có mặt trong đầu óc ta, ắt nó không khiến ta nghĩ đến việc sử dụng thuật ngữ ấy [“là đẹp”], trái lại, tất cả những gì làm ta hài lòng mà không có khái niệm đều sẽ bị gộp chung hết vào cho thuật ngữ: “cái dễ chịu”. | Vì, đối với cái dễ chịu, ai cũng có quyền có ý kiến riêng và không ai lại buộc người khác tán đồng với phán đoán của mình về sở thích, trong khi điều này lúc nào cũng xảy ra trong phán đoán sở thích về cái đẹp. Tôi gọi cái trước là “sở thích của giác quan” (Sinnengeschmack), còn cái sau là “sở thích của sự phản tư” (Reflektionsgesch-mack), trong chừng mực cái trước đưa ra những phán đoán đơn thuần riêng tư (privat), còn cái sau, ngược lại, đưa ra những phán đoán tự nhận là có giá trị chung (gemeingültig) hay “công cộng” (publik); song cả hai đều là các phán đoán có tính “thẩm mỹ” (chứ không có tính “thực hành”) về một đối tượng, xét đơn thuần về mặt mối quan hệ giữa biểu tượng về nó với tình cảm vui sướng và không vui sướng. Bây giờ, điều có vẻ lạ lùng là: với sở thích của giác quan, không chỉ kinh nghiệm cho thấy rằng phán đoán của nó (về sự vui sướng hay không vui sướng đối với điều gì đó) là không có giá trị phổ biến, và ai ai cũng tự nguyện không đòi hỏi mọi người khác phải tán đồng (mặc dù trong thực tế lại thường có sự nhất trí rất phổ biến về những phán đoán này), trong khi đó, sở thích của sự phản tư – như kinh nghiệm cũng cho thấy – thường bị phản đối trước đòi hỏi về tính giá trị phổ biến cho phán đoán của nó (về cái đẹp), mặc dù vẫn có thể – như thực sự vẫn làm – là đưa ra các phán đoán đạt được sự nhất trí phổ biến. | Trong thực tế, sự nhất trí mà nó đòi hỏi nơi mỗi người đối với từng mỗi phán đoán sở thích của họ, đó là: những người đưa ra các phán đoán ấy không tranh cãi với nhau về khả thể của một đòi hỏi như thế mà chỉ có thể không nhất trí với nhau được về việc áp dụng đúng đắn quan năng này trong những trường hợp đặc thù.

Điều trước hết cần chú ý ở đây là, một tính phổ biến không đặt cơ sở trên các khái niệm về đối tượng (dù các khái niệm chỉ là thường nghiệm) thì không hề có tính lôgíc, mà chỉ có tính thẩm mỹ, nghĩa là, không chứa đựng một lượng (Quantität)* khách quan nào của phán đoán, trái lại, chỉ có một lượng chủ quan thôi. | Đối với tính phổ biến này, tôi dùng thuật ngữ “tính có giá trị chung” (Gemeingültigkeit), biểu thị tính giá trị không phải của mối quan hệ giữa một biểu tượng với quan năng nhận thức mà với tình cảm vui sướng và không vui sướng cho bất kỳ chủ thể nào. (Nhưng ta vẫn có thể dùng thuật ngữ ấy cho lượng lôgíc của phán đoán khi chỉ cần thêm vào: “tính giá trị phổ biến khách quan” (objektive Allgemeingültigkeit) để phân biệt với tính giá trị chung đơn thuần chủ quan và lúc nào cũng chỉ có tính thẩm mỹ thôi).

Một phán đoán có giá trị phổ biến khách quan bao giờ cũng có giá trị chủ quan, nghĩa là, nếu phán đoán về tất cả những gì được chứa đựng trong một khái niệm được cho là có giá trị thì cũng có giá trị cho bất kỳ ai hình dung một đối tượng thông qua khái niệm ấy. Nhưng ngược lại, từ một tính giá trị phổ biến chủ quan, tức tính giá trị phổ biến thẩm mỹ – không dựa trên khái niệm nào cả – thì không thể suy ra tính phổ biến lôgíc, vì các phán đoán thuộc loại này không bàn gì về đối tượng cả. Song cũng chính vì thế, tính phổ biến thẩm mỹ được gán vào cho một phán đoán cũng phải là tính phổ biến thuộc loại đặc biệt, vì tuy nó không nối kết thuộc tính “đẹp” với khái niệm về đối tượng, xét trong toàn bộ phạm vi lôgíc của đối tượng ấy, nhưng lại vẫn mở rộng thuộc tính này lên trên toàn bộ phạm vi của những chủ thể phán đoán.

Trong lượng lôgíc của chúng, mọi phán đoán sở thích đều là những phán đoán cá biệt. Là cá biệt, bởi tôi phải giữ đối tượng hiện diện trực tiếp đối với tình cảm vui sướng hay không vui sướng của tôi, nhưng lại không có sự giúp đỡ thông qua các khái niệm, nên các phán đoán như thế không thể có được lượng của phán đoán với giá trị phổ biến-khách quan. | Nếu lấy biểu tượng cá biệt về đối tượng của phán đoán sở thích và bằng cách so sánh để chuyển hóa nó thành một khái niệm dựa theo các điều kiện xác định phán đoán này, ta có thể đi tới một phán đoán phổ biến có tính lôgíc. Chẳng hạn, bằng một phán đoán của sở thích, tôi bảo đóa hồng [cá biệt] mà tôi đang ngắm là đẹp. Ngược lại, phán đoán nảy sinh bằng sự so sánh nhiều biểu tượng cá biệt: “Hoa hồng nói chung đều đẹp” thì phát biểu ấy không còn là một phán đoán thẩm mỹ thuần túy mà là một phán đoán lôgíc dựa trên một phán đoán thẩm mỹ. Như thế, phán đoán: “Hoa hồng là dễ chịu” (về hương thơm) tuy cũng đúng là một phán đoán thẩm mỹ và cá biệt, nhưng không phải là một phán đoán của sở thích mà là của giác quan. Bởi nó có sự khác biệt với một phán đoán của sở thích ở chỗ: phán đoán của sở thích có lượng thẩm mỹ của tính phổ biến, nghĩa là, của tính giá trị cho bất cứ ai; điều không thể có được trong một phán đoán về cái dễ chịu. Chỉ riêng các phán đoán về cái tốt là có tính phổ biến lôgíc chứ không đơn thuần thẩm mỹ dù chúng cũng xác định sự hài lòng nơi một đối tượng, vì với tư cách là một nhận thức về đối tượng, nên nếu chúng có giá trị đối với đối tượng ấy thì cũng chính vì thế, có giá trị [phổ biến] đối với mọi người.

Khi ta phán đoán về đối tượng đơn thuần theo các khái niệm, mọi biểu tượng về tính đẹp đều bị mất hết. Vì thế, không thể có quy tắc nào để dựa theo đó bắt người ta phải thừa nhận cái gì đấy là đẹp. Một bộ quần áo, một ngôi nhà, một đóa hoa có đẹp hay không, người ta không thể bàn nhảm (beschwatzen) về phán đoán ấy bằng những lý do hay những nguyên tắc gì cả. Ta muốn nhìn đối tượng bằng chính con mắt của ta như thể sự hài lòng của ta là phụ thuộc vào cảm giác. | Tuy nhiên, một khi đã gọi đối tượng ấy là đẹp, thì ta tin rằng mình đã nói lên một tiếng nói chung và đồng thời đòi hỏi sự “gia nhập” vào tiếng nói chung ấy của mọi người, trong khi ngược lại, không ai quyết định về cảm giác riêng tư của mình ngoài chính mình và sự hài lòng của riêng mình thôi.

Ở đây, ta cần thấy rằng, không có gì được định đề hóa (postuliert) cả ở trong phán đoán về sở thích ngoài một tiếng nói chung như thế đối với sự hài lòng không qua môi giới của các khái niệm, do đó, chỉ là khả thể của một phán đoán thẩm mỹ có thể đồng thời được xem như là có giá trị cho mọi người. Bản thân phán đoán về sở thích không đặt định đề [có tính bắt buộc] (postuliert) đối với sự tán đồng của mọi người (bởi đó chỉ là thẩm quyền của một phán đoán lôgíc-phổ biến, vì nó có thể trưng ra các lý do), trái lại, ở đây chỉ đòi hỏi (ansinnen) sự tán đồng của mọi người như một trường hợp của quy tắc đối với điều mà nó chờ đợi sự xác nhận, không phải từ các khái niệm, mà từ sự “gia nhập” (Beitritt) [vào tiếng nói chung] của mọi người khác. Cho nên, “tiếng nói chung” chỉ là một Ý niệm (Idee) (Ý niệm ấy dựa vào đâu là điều ta chưa bàn tới ở đây). Còn việc một người nào đó tin rằng mình đã đưa ra một phán đoán sở thích, nhưng trong thực tế có phán đoán phù hợp với Ý niệm này chăng, là điều có thể không có gì chắc chắn, nhưng việc người ấy liên hệ với Ý niệm này khi phán đoán và do đó, phán đoán trên phải là một phán đoán sở thích, được báo hiệu qua việc người ấy dùng chữ “đẹp”. Đối với bản thân, người ấy có thể xác tín về điều này bằng ý thức đơn thuần về sự tách biệt của tất cả những gì thuộc về cái dễ chịu và cái tốt với sự hài lòng còn sót lại nơi chính mình; và đó cũng chính là tất cả những gì người ấy hy vọng có được sự tán đồng của mọi người: một đòi hỏi mà, dưới các điều kiện này, người ấy hẳn có thẩm quyền chính đáng, miễn là đừng quá thường khi đi ngược các điều kiện nói trên để từ đó, đưa ra một phán đoán sai lầm về sở thích.

§9

NGHIÊN CỨU CÂU HỎI: TRONG PHÁN ĐOÁN

VỀ SỞ THÍCH, TÌNH CẢM VUI SƯỚNG ĐI TRƯỚC

HAY ĐẾN SAU SỰ PHÁN ĐOÁN VỀ ĐỐI TƯỢNG

Giải quyết câu hỏi này là chìa khóa cho sự Phê phán về sở thích, và vì thế, đáng tập trung mọi sự chú ý.

Nếu xem sự vui sướng về một đối tượng được mang lại là cái có trước, và nếu chỉ có tính có thể thông báo được một cách phổ biến (allgemeine Mitteilbarkeit) về sự vui sướng này là tất cả những gì mà phán đoán sở thích thừa nhận nơi biểu tượng về đối tượng, thì cách làm này sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Vì sự vui sướng thuộc loại này ắt không gì khác hơn là tính tiện nghi đơn thuần trong cảm quan; và như thế, do bản tính tự nhiên của nó, chỉ có thể có giá trị riêng tư, bởi nó phụ thuộc trực tiếp vào biểu tượng qua đó đối tượng được mang lại.

Vậy, chính năng lực có thể thông báo được một cách phổ biến của trạng thái tâm thức trong biểu tượng được cho phải là cái làm nền tảng như là điều kiện chủ quan của phán đoán về sở thích, và sự vui sướng về đối tượng là hậu quả đến sau. Thế nhưng, không có gì có thể thông báo cho nhau một cách phổ biến được ngoài nhận thức biểu tượng, trong chừng mực biểu tượng này cũng thuộc về nhận thức. Vì chỉ trong chừng mực ấy, biểu tượng mới có tính khách quan; và chỉ qua đó mới có một điểm quan hệ [chung] (Beziehungs-punkt) để cho năng lực biểu tượng của mọi người buộc phải hòa hợp nhất trí với nó. Còn nếu cơ sở quy định của phán đoán về tính có thể thông báo được một cách phổ biến này chỉ là đơn thuần chủ quan, nghĩa là, được quan niệm một cách độc lập với bất kỳ khái niệm nào về đối tượng, thì cơ sở ấy không thể là gì khác hơn là trạng thái tâm thức có mặt khi các năng lực biểu tượng đang ở trong quan hệ với nhau, trong chừng mực chúng làm nhiệm vụ liên hệ một biểu tượng được cho với nhận thức nói chung.

Các năng lực nhận thức – được đưa vào sự tương tác (Spiel) bởi biểu tượng này – cũng tham gia vào một “trò chơi” tương tác tự do, bởi không có khái niệm nhất định nào giới hạn chúng vào một quy tắc nhận thức đặc thù nào cả. Do đó, trạng thái tâm thức ở trong biểu tượng này phải là trạng thái về một xúc cảm (Gefühl: tình cảm) trước sự tương tác tự do của các năng lực biểu tượng nơi một biểu tượng được cho để trở thành một nhận thức nói chung. Bây giờ [ta đã biết rằng] một biểu tượng – qua đó một đối tượng được mang lại – nói chung muốn từ đó trở thành nhận thức, thì phải có trí tưởng tượng (Einbildungskraft) để tập hợp cái đa tạp của trực quan, và phải có giác tính (Verstand) để mang lại tính thống nhất của khái niệm, là cái hợp nhất các biểu tượng lại. Trạng thái này [của tâm thức] về sự tương tác tự do giữa các quan năng nhận thức nơi một biểu tượng – qua đó một đối tượng được mang lại – phải thông báo được [cho mọi người khác] một cách phổ biến, bởi nhận thức – với tư cách là sự xác định về đối tượng, nhờ đó các biểu tượng được mang lại (dù cho bất kỳ chủ thể nào) phải hài hòa nhất trí với nhau – là phương cách biểu tượng duy nhất có giá trị cho tất cả mọi người.

Tính có thể thông báo được một cách phổ biến chủ quan của phương cách biểu tượng ở trong một phán đoán về sở thích, – phải có mà không lấy một khái niệm nhất định nào làm điều kiện tiên quyết – không thể là gì khác hơn là trạng thái tâm thức trong lúc tương tác tự do giữa trí tưởng tượng và giác tính (trong chừng mực hai quan năng này tương hợp hài hòa với nhau như là điều kiện cần cho một nhận thức nói chung), vì ta ý thức rằng mối quan hệ chủ quan này – thích hợp cho một nhận thức nói chung – cũng phải có giá trị cho bất kỳ ai, và do đó, có thể thông báo được một cách phổ biến, giống như bất kỳ nhận thức nhất định nào đều luôn luôn dựa vào mối quan hệ này như là điều kiện chủ quan của nó.

Việc phán đoán [đánh giá] (thẩm mỹ) đơn thuần chủ quan này về đối tượng, hay về biểu tượng – thông qua đó đối tượng được mang lại – là đi trước sự vui sướng về đối tượng ấy và là cơ sở của sự vui sướng này trước sự hài hòa của các quan năng nhận thức. | Tính phổ biến nói trên đây của các điều kiện chủ quan trong việc phán đoán về các đối tượng là cái duy nhất tạo nên nền tảng cho tính giá trị phổ biến-chủ quan của sự hài lòng mà ta nối kết với biểu tượng về đối tượng được ta gọi là đẹp.

Khả năng có thể thông báo được [cho mọi người khác] về trạng thái tâm thức của mình, dù chỉ về phương diện các quan năng nhận thức, luôn đi kèm với một niềm vui sướng, là một sự kiện rất dễ chứng minh (một cách thường nghiệm và tâm lý học) từ thiên hướng tự nhiên muốn hợp quần trong đời sống xã hội (Geselligkeit) của con người. Nhưng điều ta đang nghiên cứu ở đây đòi hỏi một sự chứng minh còn nhiều hơn thế nữa. Trong một phán đoán sở thích, niềm vui sướng do ta cảm nhận được ta đòi hỏi nơi mọi người khác một cách tất yếu làm như thể khi ta gọi cái gì đấy là đẹp, thì tính đẹp được xem như một đặc tính của đối tượng, như bộ phận của sự quy định nội tại của nó dựa theo các khái niệm, mặc dù tính đẹp, xét cho riêng nó, mà không có quan hệ với tình cảm của chủ thể, thì vốn không là gì cả. Tuy nhiên, ta phải tạm gác việc khảo sát vấn đề này lại cho tới khi trả lời được câu hỏi: có chăng và làm thế nào để những phán đoán thẩm mỹ có thể có được một cách tiên nghiệm?

Bây giờ ta hãy tập trung vào câu hỏi thứ yếu hơn: trong một phán đoán sở thích, bằng cách nào ta ý thức được về một sự tương ứng hài hòa có tính chủ quan và hỗ tương lẫn nhau giữa các năng lực nhận thức? | Phải chăng bằng cách thẩm mỹ thông qua cảm giác và giác quan bên trong đơn thuần của ta? | Hay là một cách trí tuệ thông qua ý thức về hoạt động có ý hướng của ta để đưa các năng lực ấy vào sự tương tác?

Nếu giả thiết biểu tượng được mang lại – tạo cơ hội ra đời cho phán đoán sở thích – là một khái niệm có chức năng hợp nhất giác tính và trí tưởng tượng trong sự phán đoán đối tượng để trở thành một nhận thức về đối tượng, thì ý thức về mối quan hệ này là có tính trí tuệ (intellektuell) (như trong thuyết Niệm thức khách quan của năng lực phán đoán mà quyển Phê phán đã bàn*). Nhưng, trong trường hợp ấy, phán đoán được đưa ra mà không có quan hệ nào với sự vui sướng và không vui sướng, do đó, không phải là phán đoán sở thích. Nhưng ở đây, phán đoán sở thích xác định đối tượng, một cách độc lập với các khái niệm, đối với sự hài lòng và thuộc tính “đẹp”. Cho nên, không có cách nào khác để sự thống nhất chủ quan của mối quan hệ đang bàn có thể nhận biết được ngoài cách thông qua cảm giác (Empfindung). Việc khởi hoạt hay làm sinh động hóa (Belebung) cả hai quan năng (trí tưởng tượng và giác tính) hướng đến một hoạt động bất định (unbestimmt)** nhưng hài hòa – nhờ vào biểu tượng được mang lại – vốn thuộc về nhận thức nói chung, chính là cảm giác, mà tính có thể thông báo được một cách phổ biến của nó được định đề hóa bởi phán đoán sở thích. Tuy rằng một mối quan hệ khách quan chỉ có thể được suy tưởng, nhưng, trong chừng mực mối quan hệ ấy là chủ quan xét theo các điều kiện của nó, thì có thể cảm nhận được trong hậu quả tác động đối với tâm thức; và, trong trường hợp của một mối quan hệ (như mối quan hệ của các năng lực biểu tượng với một quan năng nhận thức nói chung) vốn không dựa vào một khái niệm nào, không có một ý thức nào khác về nó có thể có được ngoài ý thức thông qua cảm giác về tác động của nó trên tâm thức – một tác động nằm ở trong sự tương tác dễ dàng hơn của cả hai năng lực tâm thức (trí tưởng tượng và giác tính) đã được kích hoạt bởi sự tương hợp hài hòa qua lại giữa chúng. Một biểu tượng cá biệt, độc lập với việc so sánh với những biểu tượng khác, nhưng lại hài hòa với các điều kiện của tính phổ biến – tính phổ biến là công việc của giác tính nói chung – chính là một biểu tượng mang các quan năng nhận thức vào trong sự hài hòa cân đối mà ta luôn đòi hỏi đối với mọi nhận thức và vì thế, được ta xem là có giá trị [phổ biến] cho bất cứ ai vốn có đặc tính cấu tạo là phải kết hợp giác tính và giác quan khi phán đoán (nghĩa là, cho tất cả mọi người chúng ta).

Định nghĩa về cái đẹp rút ra từ phương diện thứ hai này:

“Đẹp là cái gì làm hài lòng một cách phổ biến, độc lập với khái niệm”.

 

 



* Lượng (Quantität): Lượng của phán đoán gồm: phổ biến, đặc thù, cá biệt tương ứng với ba phạm trù về lượng: nhất thể, đa thể, toàn thể. (Xem Phê phán lý tính thuần túy, B95-106). (N.D).

* Ý Kant muốn nhắc đến “Thuyết niệm thức (Schematismus) của các Khái niệm thuần túy của giác tính” trong quyển Phê Phán lý tính thuần túy, tr. B176-B187. (N.D).

** Trong ấn bản C (ấn bản lần thứ 3, 1799), viết là: “nhất định” hay “xác định” (bestimmt). Bản B đáng tin cậy hơn nên chúng tôi dịch theo bản B. (N.D).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt