“NGUỒN GỐC” LÀ GÌ?
BÙI VĂN NAM SƠN
Bài viết này là chương 2 với nhan đề “'Nguồn gốc' là gì?” trong bản Chú giải Dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn về tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935) của triết gia Martin Heidegger. Sách chưa được xuất bản. Phiên bản điện tử bài viết này đăng trên http://www.triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.
2.1. Câu hỏi về “nguồn gốc”
MỤC LỤC 1. Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật 5. Sự tự tồn của tác phẩm nghệ thuật 10. Nghệ thuật là thi ca 11. Lời kết |
Ở trên, ta đã bắt đầu với Lời Bạt. Bây giờ, ta lại bắt đầu với câu hỏi được Heidegger đặt ra ở phần kết luận của tác phẩm. Câu hỏi ấy như sau:
… “nghệ thuật có thể là một nguồn gốc hay không, và, như thế, phải là một bước nhảy tới đàng trước (Vorsprung/head start) hoặc vẫn mãi chỉ là một phụ lục có thể được mang theo như một hiện tượng văn hóa đã trở nên bình thường?”
“Phải chăng, trong sự hiện hữu (Dasein) của mình, chúng ta tồn tại một cách sử tính nơi nguồn gốc? Ta có biết không, nghĩa là, có lưu ý chăng đến bản chất của nguồn gốc? Hay là, trong sự hành xử của ta đối với nghệ thuật, ta chỉ còn biết cầu viện tới một kiến thức được đào tạo về cái đã qua?”
“Đối với cái “hoặc là-hoặc là” này là sự quyết định lựa chọn, có một dấu hiệu không thể nghi ngờ. Hölderlin, Thi sĩ – mà tác phẩm của ông vẫn còn đối diện với người Đức như một thử thách – đã gọi tên điều ấy khi viết:
“Cái gì cư lưu gần nguồn gốc của mình thì ngại ngần, khó khăn khi rời bỏ nó”. (§§176, 177, 178)
Câu hỏi khác thường! Heidegger không hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật theo cách hiểu thông thường, mà hỏi: liệu nghệ thuật có thể là nguồn gốc hay không. Câu hỏi này có nghĩa gì? Như sẽ thấy, đây sẽ là băn khoăn xuyên suốt tác phẩm, và rộng hơn, cả công cuộc suy tưởng của Heidegger.
- Qua câu hỏi này, Heidegger muốn diễn đạt chân lý sâu xa về tính sáng tạo của con người: con người cần cư lưu gần với nguồn cội của mình.
“Từ trải nghiệm về con người và lịch sử của chúng ta, ít nhất trong chừng mực tôi được biết, tất cả những gì cốt yếu và lớn lao chỉ được nảy sinh khi con người có một quê hương và được bắt rễ trong một truyền thống” (trả lời phỏng vấn báo Der Spiegel 9.1966, công bố sau khi mất, 5.1976, G16, 670/56). Niềm tin trọn đời của ông: sự sáng tạo đích thực phải bắt rễ trong hồn “cố quận” (“Weltort”) nơi nó sinh ra và lớn lên.
- Điều Heidegger đi tìm trong NGTPNT là bộ phận của câu hỏi rộng hơn: giải phóng Dasein khỏi sự thống trị của sự “tán nhảm” và của cái “Người ta”, kêu gọi sự hồi sinh của nguồn cội cũ đã bị lãng quên hướng đến sự phát triển mới mẻ. (Tồn tại và Thời gian/Sein und Zeit, §§35-36 và §38).
Trong Các khái niệm cơ bản của Siêu hình học/Grundbegriffe der Metaphysik, bài giảng 1929/30, hai năm sau TT&TG, năm năm trước NGTPNT, Heidegger viết về dự báo khá bi quan của Oswald Spengler trong Sự suy tàn của phương Tây/Der Untergang des Abendlandes/The Decline of the West:
“Điều cốt yếu với chúng ta, cũng là luận điểm cơ bản làm nền cho sự “tiên tri” này, rút gọn thành công thức, là: sự suy tàn của sự sống do và bởi “tinh thần”. Những gì tinh thần, nhất là với tư cách lý trí (ratio), đã định hình và sáng tạo cho chính nó với công nghệ, kinh tế, truyền thông toàn cầu, với sự biến đổi toàn diện Dasein của chúng ta, với biểu trưng là đại đô thị (metropolis), quay trở lại chống tâm hồn, chống sự sống, chà đạp nó và buộc văn hóa phải suy tàn và phân hóa” (GA 29/30, 105).
Như thế, cùng với những phiên bản của Ludwig Klages, Max Scheler, Ludwig Ziegler, ông đặc biệt chia sẻ luận điểm của Nietzsche trong Sự ra đời của Bi kịch (tác phẩm này, về nhiều mặt, có thể so sánh với NGTPNT). Về sau, Nietzsche tóm gọn sự khủng hoảng thời đại với câu: “Thượng đế đã chết”. Ở đây Nietzsche không chỉ nhắm đến Thượng đế của tôn giáo định chế hóa, mà chủ yếu nói đến sự suy giảm của những giá trị tối cao. Kẻ “giết” Thượng đế và những giá trị ấy, theo Nietzsche, không ai khác là chính “chúng ta”: ý chí quyền lực kiểu Prometheus biến ta thành chủ nhân và chủ sở hữu của giới tự nhiên, dẫn đến việc xói mòn dần dần tất cả những gì có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
- Tại sao Nietzsche, trong Sự ra đời của Bi kịch, lại quy kết trách nhiệm về sự phân hóa của văn hóa Tây phương cho Socrates, hay đúng hơn, cho tinh thần Socrates? Vì Nietzsche xem Socrates là điển hình của con người lý thuyết: trong khi người nghệ sĩ vừa lòng với vẻ đẹp bên ngoài, con người lý thuyết muốn đào sâu vào bản chất đúng thật của sự vật. Lý thuyết, theo nghĩa đó, là ý chí quyền lực muốn chiếm lĩnh thực tại. Năng lực nhận thức biến thành thước đo của thực tại. Cái đúng thật là cái gì ta có thể thấu hiểu được. Nhưng, ta chỉ có thể hiểu những gì rắn chắc và trường tồn. Vì thế, siêu hình học theo mô hình Socrates-Platon hiểu thực tại như cái gì đối lập với thời gian. Nếu tồn tại và thời gian – như cách hiểu của Nietzsche và Heidegger – là không thể tách rời, thì sự đối lập ấy đã đánh mất thực tại, cho dù có cao vọng muốn nắm bắt được nó. Heidegger, qua NGTPNT, xem sự mất mát này là đặc điểm của thời đại chúng ta, được gọi là “thời đại khốn khó”, và đó chính là “chủ nghĩa hư vô” (Nihilismus) mà ông muốn vượt qua.
2.2. Về nhan đề “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” (§§1-6)
Từ “nguồn gốc” (Ursprung/Origin) ở đây nên hiểu như thế nào?
- Thông thường, khi hỏi về nguồn gốc của cái gì đó, ta hỏi nó đến từ đâu và trong hoàn cảnh nào. Chẳng hạn, hỏi về nguồn gốc của tranh sơn dầu, ta tìm hiểu những họa sĩ nào đã sử dụng phương tiện diễn đạt này lần đầu tiên và ở đâu. Cũng thế, hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật nói chung là hỏi xem con người đã sáng tạo nên nghệ phẩm lần đầu tiên ở đâu và lúc nào. Điều gì đã khiến con người sáng tạo nghệ thuật?
- Heidegger bắt đầu luận văn bằng cách bàn về ý nghĩa thông thường này của từ “nguồn gốc”. Ông bác bỏ cách hiểu ấy khi viết: “Ở đây, nguồn gốc có nghĩa là cái mà từ đó và qua đó một sự vật là gì và như thế nào. Cái làm cho sự vật là gì và như thế nào, ta gọi là bản chất của nó. Nguồn gốc của cái gì đó, chính là nguyên lai của bản chất của nó. Câu hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật hỏi về nguyên lai của bản chất ấy” (§1). Như thế, Heidegger không quan tâm đến câu hỏi: con người bắt đầu sáng tạo tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên ở đâu và bao giờ, nghĩa là, ông không quan tâm đến những sự kiện liên quan đến sự khởi đầu này. Vậy, điều ông quan tâm là gì? Đó là về bản chất hay bản tính (essence/nature) của nghệ thuật, tức muốn biết làm sao để hiểu bản chất này và nó đến từ đâu. Nói theo ngôn ngữ của “Tồn tại và Thời gian” (1927, §§3-4), ta có thể nói rằng luận văn này không phải là một nghiên cứu vật thể học (ontisch/ontic) mà là nghiên cứu bản thể học/hữu thể học (ontologisch/ontological).
- Heidegger gọi nguồn gốc là cội nguồn của bản chất của một sự vật. Vậy, bản chất của nghệ thuật đến từ đâu? Câu trả lời có vẻ hiển nhiên: tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ người nghệ sĩ:
“Nghệ sĩ là nguồn gốc của tác phẩm. Tác phẩm là nguồn gốc của người nghệ sĩ. Không có cái này mà không có cái kia. Song, cũng không cái nào một mình chống đỡ cho cái kia được. Tự mình và trong quan hệ với nhau, nghệ sĩ và tác phẩm mỗi bên đều nhờ đến một cái thứ ba, mà đúng ra là cái thứ nhất, tức cái mang lại danh xưng cho nghệ sĩ lẫn tác phẩm nghệ thuật, đó là nhờ nghệ thuật (§1).
Thế là câu hỏi trở thành câu hỏi về bản chất/bản tính của nghệ thuật: “Cũng nhất thiết như người nghệ sĩ là nguồn gốc của tác phẩm theo một cách khác so với tác phẩm là nguồn gốc của người nghệ sĩ thì chắc hẳn nghệ thuật là nguồn gốc của nghệ sĩ lẫn tác phẩm theo một cách khác nữa” (§2).
- Tuy nhiên, đặt vấn đề như thế cũng sẽ gặp ngay những khó khăn. Trước hết, dường như Heidegger đồng ý rằng ngày nay không còn có một bản chất nào như thế nữa của nghệ thuật để có thể đi tìm: “Nghệ thuật - nó chỉ còn là một từ không tương ứng với cái gì hiện thực cả” (§2). Điều này có thể có hai nghĩa:
- Ngày nay là như thế, nhưng không nhất thiết có nghĩa rằng các thời đại trước đây cũng như thế! Ở đây, Heidegger không đồng ý một cách hiểu phi-thời gian về nghệ thuật.
- Chân lý của Tồn tại - như Heidegger sẽ cố gắng chứng minh - đòi hỏi rằng quả thật có nghệ thuật: nghĩa là ở đây phải có một “bước nhảy căn nguyên”, “bước nhảy độc sáng” theo đúng nghĩa chiết tự của từ “Ur-sprung” (“primordial leap”). Chính bước nhảy ấy phân biệt người nghệ sĩ thiên tài với người kỹ sư tài giỏi hay một nhà nông thiện nghệ, vì những người sau thực hiện công việc theo những đường hướng và kinh nghiệm sẵn có.
Như ta sẽ thấy ở 2.3, Heidegger thừa nhận rằng thời đại của chúng ta không còn có không gian cho nghệ thuật được hiểu theo nghĩa là “nguồn gốc”, “nguồn suối” nữa. Ông hỏi: “Nhưng, liệu nghệ thuật có thể là một nguồn gốc không? Nghệ thuật có ở đâu và có như thế nào?” (§2).
- Phải chăng “nguồn gốc” chỉ thực sự hiện diện trong bản chất của nền “nghệ thuật lớn”, “nghệ thuật đích thực”? Đòi hỏi tính căn nguyên, tính độc sáng (Originalität/originality) là yêu cầu chung của Mỹ học từ thời lãng mạn. Kant (xem: Phê phán năng lực phán đoán, §§46-50) cho rằng nghệ thuật cần có tài năng thiên bẩm hay thiên tài: ta không thể học cách làm thế nào để thành thiên tài. Không có những quy tắc có thể rút ra từ tác phẩm thiên tài để bắt chước hòng tạo ra những tác phẩm có phẩm chất tương tự. Nhưng, thiên tài lại có thể gợi hứng và đánh thức thiên tài nơi người khác. Vì thế, “nghệ thuật lớn” đòi hỏi “bước nhảy sáng tạo”. Bước nhảy này không thể được dẫn xuất hay biện minh bằng những gì đã có từ trước. Mọi tác phẩm lớn đều là kết quả của một bước nhảy như thế. Nó mang người sáng tạo lẫn người thưởng ngoạn ra khỏi lề thói quen thuộc để bước vào một thế giới khác.
- Nhưng, liệu điều vừa nói có thể giúp ta hiểu yêu cầu của Heidegger rằng sở dĩ tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ có mặt, bởi cả hai có cùng nguồn gốc trong nghệ thuật hiểu như là căn nguyên? Phải chăng như thế là “vật hóa” hay “thực thể hóa” nghệ thuật một cách… thần bí? Nói khác đi, làm sao trả lời câu hỏi của Heidegger: “Phải chăng tác phẩm và người nghệ sĩ chỉ có trong chừng mực nghệ thuật tồn tại như là nguồn gốc [căn nguyên] của cả hai” (cuối §2).
Trước mắt, Heidegger để mở câu hỏi ấy và chưa thể trả lời:
“Dù quyết định như thế nào thì câu hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật trở thành câu hỏi về bản chất của nghệ thuật. Nhưng, bởi lẽ phải để mở câu hỏi liệu nghệ thuật nói chung có tồn tại hay không và tồn tại như thế nào, nên ta sẽ thử đi tìm bản chất của nghệ thuật ở nơi mà nghệ thuật lưu hành thực sự, không thể nghi ngờ. Nghệ thuật hiện diện trong Tác phẩm-Nghệ thuật. Song, Tác phẩm của Nghệ thuật là gì và như thế nào?” (§3).
- Vậy, ta hy vọng tác phẩm nghệ thuật có thể mang lại câu trả lời. Nhưng, phải chọn lựa tác phẩm nào đây? Nó đặt chúng ta trước câu hỏi cũ: tác phẩm nào mới xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật? Rõ ràng, như Heidegger cho thấy, chúng ta đang xoay quanh một vòng tròn (§4):
“Nghệ thuật là gì, ắt phải được rút ra từ một sự khảo sát so sánh những tác phẩm nghệ thuật có thật. Nhưng làm sao ta chắc rằng ta quả đã lấy những tác phẩm nghệ thuật làm cơ sở cho một sự khảo sát như thế, nếu ta không biết từ trước rằng nghệ thuật là gì? Tuy nhiên, ta không thể đạt tới được bản tính của nghệ thuật bằng một sự tập hợp những đặc điểm của các tác phẩm nghệ thuật hiện có, cũng như không thể rút nó ra từ các khái niệm cao hơn, bởi ngay cả sự rút ra này cũng phải biết từ trước những quy định nào là đủ để bảo rằng cái mà ngay từ đầu ta xem là một tác phẩm nghệ thuật quả thật là một tác phẩm nghệ thuật” (§4).
- Ta gặp ở đây nan đề:
- Ta không thể đạt đến quy định về bản chất của nghệ thuật từ việc khảo sát các tác phẩm nghệ thuật, nếu trước đó không biết lựa chọn những tác phẩm được xem là nghệ thuật, nghĩa là, tiền giả định chính những gì ta sẽ phải xác định!
- Mặt khác, cũng không thể hy vọng đạt đến bản chất của nghệ thuật bằng cách rút ra từ những nguyên tắc cao hơn, bởi làm sao ta biết phải rút ra những gì, nếu không biết từ trước rằng nghệ thuật là gì!
“Thế nên, ta buộc phải đi trọn cái vòng tròn. Đó không phải là một việc bất đắc dĩ và không phải là một sự thiếu sót. Đi vào con đường này là sức mạnh; và ở yên trên con đường này là lễ hội của tư duy, với giả định rằng tư duy là một việc làm bằng tay. Không chỉ việc bước thẳng từ tác phẩm đến nghệ thuật cũng như từ nghệ thuật đến tác phẩm là một vòng tròn, mà từng bước nhỏ của ta cũng xoay tròn ở trong vòng tròn này” (§5).
- Tìm hiểu nhan đề của tác phẩm tự nó đã là bước vào vòng tròn ấy.
2.3. Bối cảnh triết học của vấn đề “nguồn gốc”
- Ta nên tham khảo thêm luận văn sau đây của Heidegger: “Thời đại của bức tranh về thế giới” (“Das Zeitalter des Weltbildes/The ages of World Picture) (1938) (trong tập Holzwege, Heidegger đặt bài này ngay sau NGTPNT, cho thấy mối liên hệ mật thiết của cả hai).
- Nhan đề ban đầu của bài giảng (sau trở thành luận văn) này là: “Cơ sở của Bức tranh thế giới hiện đại bởi Siêu hình học”. Nhan đề cho thấy: cần so sánh bức tranh thế giới hiện đại với bức tranh của những thế giới trước đây, vì chúng có thể có những cơ sở khác. Điều này cũng ngụ ý: mỗi thời đại có riêng hình ảnh về thế giới của mình (theo nghĩa: “cái nhìn về thế giới” hay “thế giới quan”/Weltanschauung/Worldview).
- Thế nhưng, khi Heidegger thay đổi nhan đề như thế, ông muốn chuyển sự chú ý sang việc xác định thời đại của chúng ta, gắn liền việc ta nhìn thế giới như là bức tranh với tư duy siêu hình học. Điều này có nghĩa: ta có thể tìm hiểu “bức tranh thế giới” của thời cổ đại hay trung đại, nhưng bản thân người cổ đại hay trung đại đã không nhìn thế giới như một bức tranh. Họ đã không trải nghiệm thế giới của họ như một bức tranh! Tại sao như thế?
- Bản thân từ “bức tranh” cho ta câu trả lời. Ta có thể nhìn bức tranh, đứng trước bức tranh, nhưng không thể sống hay ở trong bức tranh được, bởi nó chỉ là biểu tượng, một vật thế vì (simulacrum). Bức tranh (chẳng hạn, chân dung) có thể tồn tại sau khi ta chết, nhưng ta không thể sống thật trong bức tranh ấy. Bức tranh không phải là ngôi nhà, ta không bước vào bên trong nó được. Vì thế, Heidegger bảo, những đối tượng thẩm mỹ, do bản tính của chúng, là không thể cư lưu trong đó được. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của nhan đề “Thời đại của bức tranh về thế giới”. Bao lâu ta hiểu thế giới như là bức tranh, ta đã đánh mất chỗ đứng và chỗ ở của mình trong đó. Trong thế giới ấy, ta bị lạc bước và lạc chỗ.
- Sự lạc bước, lạc chỗ ấy lại là yêu cầu của Siêu hình học: Siêu hình học tiền giả định một sự nâng cao và biến đổi cái tự ngã hiện thân thành một bản thể tư duy (res cogitans) không có thân xác thật (Platon và Descartes). Ta đang chạm đến nguồn gốc hay cội nguồn của Siêu hình học! Nguồn gốc ấy đòi hỏi nhà khoa học gác lại bản thân lẫn chỗ đứng (trong không gian và thời gian đặc thù) để đạt được tính khách quan, hầu vươn đến bức tranh hay hình ảnh đúng thật về thế giới. Nhà khoa học không cho phép những tính đặc thù hay cá biệt (vị trí, giới tính, chủng tộc v.v..) hạn chế sự tự do của mình, trái lại muốn uốn nắn chúng theo những quy tắc phổ biến.
- Trong khi ta suy tưởng về bức tranh hay hình ảnh như là biểu tượng, tức quy chiếu đến cái gì nó hình dung, thì việc xây dựng (hay kiến trúc), chẳng hạn, không hình dung điều gì cả. Ta sống và làm việc trong đó. Ngôi nhà là nơi trú ẩn về thể xác lẫn tinh thần. Cổ đại hay trung đại quan niệm về một sự kiến trúc thiêng liêng đặt con người gần gũi với trung tâm (vũ trụ, Thượng đế). Trong thế giới như thế, con người cư lưu trong nhà của chính mình.
- Trong luận văn nói trên, Heidegger nghĩ đến Descartes. Tuy nhiên, ta không quên rằng phương pháp Descartes đã được dự báo từ thời Phục Hưng qua phương pháp hội họa viễn cận của Leon Battista Alberti (tác phẩm: “Về hội họa”/On Painting). Có thể xem tác phẩm này của Alberti đã khơi mào cho điều Heidegger gọi là “Thời đại của bức tranh về thế giới”. Để làm chủ hiện tượng, nghệ thuật viễn cận của Alberti đặt những gì được hình dung vào dưới thước đo và chuẩn mực của con người, và thước đo này phục tùng yêu cầu hình dung sự vật một cách dễ dàng. Thước đo ấy cần đến toán học. Tương tự như thế, phương pháp Descartes - để làm chủ thế giới khách quan, đặt tự nhiên dưới thước đo của con người, và, đến lượt nó, thước đo này phục tùng yêu cầu lĩnh hội thế giới một cách dễ dàng. Trong khi bức tranh kiểu Alberti giả định có một con mắt ở phía trước và bên ngoài nó, thì bức tranh thế giới của Descartes giả định một cái “Tôi” phía trước và bên ngoài nó. Cái res cogitans (“bản thể tư duy”) của Descartes không có chỗ, không “ở trong nhà” (heimlich, zu Hause/at home) trong thế giới mà bản chất của nó được Descartes xác định là res extensa (“bản thể có quảng tính”). Chủ thể đã “rơi ra bên ngoài” thế giới được lĩnh hội. Còn bản thân khoa học lại không biết gì về res cogitans, ngoài việc tìm hiểu các tiến trình của não bộ với tham vọng khuôn nắn con người theo những robot có bộ não tinh vi phức tạp như máy tính. Nhưng, những robot ấy vẫn là sản phẩm nhân tạo, là máy móc, là vật thế vì. Nói một cách mạnh mẽ, khoa học không biết gì về con người được hiểu như những nhân cách (Person) xứng đáng được tôn trọng. Những nhân cách như thế sẽ không có chỗ trong hình ảnh khoa học về thế giới. Trong chừng mực thế giới hiện đại biến con người thành hình ảnh hay bức tranh về chủ thể kiểu Descartes, nó giúp ta tự do hơn, ít bị ràng buộc với không gian hay điều kiện nhất định, nhưng đồng thời cũng khiến ta ngày càng xa lạ, đánh mất nguồn cội: cái gì sẽ giúp cho sự tự do ấy trở nên có trách nhiệm và mang lại sức nặng lẫn thực thể cho cuộc sống chúng ta? (Trong “Các khái niệm cơ bản của Siêu hình học”, Heidegger dành khoảng 140 trang để bàn riêng về sự “nhàm chán” (Langeweile/boredom) như là cảnh trạng cơ bản của con người hiện đại).
- Tóm lại, Heidegger cho rằng thời đại của bức tranh về thế giới có cơ sở trong Siêu hình học. Siêu hình học ra sức lĩnh hội tồn tại của tất cả những gì tồn tại. Nhưng, nó chỉ có thể lĩnh hội những gì rắn chắc, bất biến, chống lại thời gian. Nó không thể nắm bắt cái gì bềnh bồng, bất định. Ta chỉ lĩnh hội được những gì có thể phân giải thành những yếu tố, rồi ráp nối chúng lại, nghĩa là, những gì ta có thể làm ra được. Lĩnh hội hay Hiểu chỉ còn có nghĩa là Know-how, và vì thế, không ngạc nhiên khi Heidegger cho rằng Siêu hình học sẽ đạt tới đỉnh cao trong kỹ thuật và công nghệ, đặt tất cả vào khuôn khổ (Gestell/reframing) và biến tất cả thành vật liệu sẵn dùng cho những mục đích nằm bên ngoài bản thân chúng. Vì thế, bức tranh hiện đại về thế giới, theo Heidegger, không có chỗ cho những gì có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa, bởi nơi đó không thể tìm thấy những giá trị, những kích thước thiêng liêng.
- Đi sâu hơn, trong Dẫn nhập cho “Siêu hình học là gì?”, Heidegger viết:
“Descartes, khi viết thư cho Picot, người dịch Principia Philosophiae (“Các Nguyên lý Triết học”) của ông sang tiếng Pháp, đã nhận xét: “Vì thế, toàn bộ triết học giống như một cái cây: rễ là siêu hình học, thân là vật lý học, và các cành nhánh từ thân cây là tất cả những ngành khoa học khác…” (Toàn tập Descartes, IX, 14).
“Trước hình ảnh này, ta hỏi: rễ của cây - và qua đó đến toàn bộ cái cây - nhận nguồn dinh dưỡng và sức mạnh từ nền đất nào? Yếu tố nào, ẩn tàng trong lòng đất, đi vào và sống trong rễ để chống đỡ và nuôi dưỡng cái cây?” (GA9, 365)*.
Trong lời Dẫn nhập lần thứ hai cho “Siêu hình học là gì?”, Heidegger diễn đạt cách khác:
“Chân lý của Tồn tại có thể được gọi là (…) lòng đất, trong đó Siêu hình học, như là rễ của cái cây triết học, được giữ vững và nuôi dưỡng. Cây triết học lớn lên từ lòng đất trong đó Siêu hình học bắt rễ. Lòng đất là môi trường trong đó rễ của cây sống, nhưng sự lớn mạnh của cái cây không bao giờ có thể hấp thu hết chất đất đến nỗi nó biến mất trong cái cây như một phần của cây. Thay vào đó, rễ - sâu đến tận những phân nhánh ly ty nhất - đều chìm sâu vào trong lòng đất” (GA9, 366/206).
Ẩn dụ này nói lên điều gì?
Ta biết rằng những cái (đang) tồn tại (die Seienden/beings) luôn được ta tiếp cận bằng cách này hay cách khác. Chẳng hạn, cái cây sẽ trình hiện khác nhau trước mắt nhà thực vật học, người thợ mộc hay người nghệ sĩ. Phải chăng cách trình hiện này hoàn thiện hơn cách trình hiện kia? Thật ra, trong mỗi trường hợp, cái tồn tại tự phơi mở cho ý thức, và chỉ như thế mới có thể nói rằng nó đang tồn tại. Ở đây, Tồn tại (Sein/Being) được hiểu như là đi vào ánh sáng của ý thức. Siêu hình học tiền giả định một sự “đi vào” như thế: “Nơi đây Siêu hình học hình dung những cái đang tồn tại và Tồn tại đã đi vào trong ánh sáng. Tồn tại đã đi đến trạng thái khai mở, không che giấu (Aletheia/unconcealedness). Thế nhưng, liệu Tồn tại có khai mở không và khai mở như thế nào, liệu nó có tự trình hiện hay không và tự trình hiện như thế nào ở trong và như là Siêu hình học, và điều vẫn còn mờ tối” (GA9, 366/207-208). Chính trong sự mờ tối của Tồn tại đi vào trong ánh sáng mà ta phải đi tìm lòng đất trong đó cái cây triết học bắt rễ.
Tồn tại tự trình hiện ở trong và như là Siêu hình học có nghĩa là Siêu hình học (hay triết học nói chung) cũng có lẽ chỉ là một và không nhất thiết là cách thức cơ bản nhất hay thậm chí duy nhất để Tồn tại đi vào trong ánh sáng. Chẳng hạn, Siêu hình học tiền giả định giác quan thông thường như là điểm xuất phát. Tuy nhiên, giác quan không mang lại một cơ sở nào thật sự vững chắc. Bản thân nó cũng có một lịch sử (xem: Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Chương 1 và 2) và thay đổi tùy theo người và vật. Đó chỉ một trong nhiều cách mà Tồn tại tự khai mở và trình hiện.
Do đó, giác quan thông thường cũng luôn là cái gì được thiết lập. Như sẽ thấy, Heidegger sẽ gọi đó và “mở ra một cõi sống”. Chia sẻ một Cõi sống là cùng chia sẻ một cảm quan chung.
- Giác quan thông thường hay cảm quan chung ấy - tức bức tranh hiện đại về thế giới - được Siêu hình học xác lập và hình thành và đã giành thắng lợi trong nền khoa học và kỹ thuật hiện đại.
Như đã nói, sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật đã mở ra những khả thể chưa từng có, gia tăng quyền lực và cả phạm vi tự do của ta, nhưng sự tự do ấy cũng có thể thoái hóa thành sự tùy tiện, nếu không gắn liền với trách nhiệm. Cách tiếp cận thực tại đang chiếm lĩnh ngày nay không bảo đảm việc tạo ra trách nhiệm ấy. Đó chính là vấn đề cơ bản xuyên suốt luận văn NGTPNT. Như ta sẽ thấy, giống như trong ẩn dụ về cái cây, sẽ có sự căng bức giữa Cõi sống (Welt/world) và Đất (Erde/earth) trong tác phẩm nghệ thuật. Liệu khoa học hay triết học có thể thiết lập cơ sở, thiết lập Đất, tức chuẩn bị thiết lập Cõi sống tinh thần của một dân tộc?
Chắc hẳn không phải là khoa học hay triết học theo cách hiểu thông thường, mà là khoa học trong sự chính đáng lẫn trong những giới hạn của nó. “Cõi sống tinh thần” nói trên sẽ được Heidegger cố gắng tìm thấy trong nghệ thuật.
2.4. Nghệ thuật như một nhu cầu của thời đại khốn khó:
- Trong Sự ra đời của Bi kịch, Nietzsche từng đặt “vấn đề về bản thân khoa học lần đầu tiên như là khả vấn”, để hy vọng tìm thấy lối thoát ở trong nghệ thuật, đặc biệt trong Bi kịch, để rồi vượt ra khỏi Bi kịch để khai quang mảnh đất của Dionysos, từ đó hy vọng vào một sự “tái sinh” (Wiedergeburt/rebirth). Heidegger, về cơ bản, đồng ý với Nietzsche, và nhìn thấy chỗ “khả vấn” ở Siêu hình học.
- Nietzsche không chịu để cho khoa học bao trùm và là kẻ thống lĩnh duy nhất đối với việc lĩnh hội của ta về thực tại. Nietzsche cho rằng ý nghĩa và giá trị sẽ dựa vào sự sáng tạo nghệ thuật: “… sự hiện hữu của thế giới chỉ được biện minh như là một hiện tượng thẩm mỹ” (Sự ra đời của Bi kịch). Heidegger cũng chia sẻ niềm hi vọng ấy dù ông không thiện cảm với từ “mỹ học” (xem lại 1 và 2.1).
- Nietzsche cho rằng triết học cần phải mở đường cho nghệ thuật. Ở sơ kì, Nietzsche hi vọng vào hình tượng của Richard Wagner, nhưng ở hậu kỳ, sau khi thất vọng với hình tượng “người, quá người” này, ông mơ ước hình ảnh một Socrates-làm âm nhạc. Heidegger tìm thấy hình tượng ấy trong “thi sĩ của thời khốn khó” (Dichter in dürftiger Zeit/Poet in the destitute time) là Friedrich Hölderlin.
Bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho Triethoc.edu.vn. Bản quyền ©:Bùi Văn Nam Sơn
* GA: viết tắt của Heidegger: Gesamtausgabe (Toàn tập Heidegger), do nhà Vittorio Klosterman ấn hành, vẫn chưa hoàn tất. Số Á Rập là số tập và số trang.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC