Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất của tôn giáo - Bài giảng thứ ba

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ BA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  

 

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. "Bài giảng thứ ba", trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao thực hiện.


 

NỘI DUNG

“Thần học là nhân loại học: thần và bản chất con người. – Thuyết nhiều thần và thuyết một thần. – Những chủng loài và giống loài. – Khái niệm về loài. – “bản chất Kitô giáo”. – Những ý kiến phản đối tác phẩm này, coi nó như một tác phẩm chỉ giới hạn ở bản chất của con người. – Một sự phiến diện không tránh khỏi, có nguồn gốc của nó ở ngay bản thân đối tượng. – Bản chất của tôn giáo, mối quan hệ hai mặt của con người với thần: phương diện tinh thần và vật chất. – Bản chất của tôn giáo: lịch sử giản lược về tinh thần và triết học của tôn giáo: sự giống nhau về căn bản trong mọi tôn giáo. – Nhiệm vụ chính của công việc nghiên cứu: xác lập một quan hệ đúng của con người đối với các lực lượng đích thực và các điều kiện sống.

 

Giờ đây tôi xin chuyển sang những tác phẩm của tôi trong đó bao gồm nội dung và đề tài của những bài giảng này: học thuyết của tôi, tôn giáo, triết học, hay các bạn muốn gọi điều đó như thế nào khác thì tùy ý. Chính học thuyết của tôi cũng đã nêu rõ qua vài chữ: thần học là nhân loại học, có nghĩa trong đối tượng của tôn giáo (mà chúng ta gọi bằng tiếng Hy Lạp là theos, theo chúng ta tức là thần), đã được phơi bày ra không phải là gì khác hơn là cái bản chất xã hội của con người. Do đó, lịch sử của tôn giáo, hay, cũng vậy, lịch sử của thần, - là vì các tôn giáo đều khác nhau trong chừng mực mà con người cũng khác nhau – không phải là một cái gì khác hơn là lịch sử của con người. Vậy thì, thử giải thích và cụ thể hóa ý kiến này dựa vào một thí dụ - nhưng nó vẫn còn hơn là đơn thuần một thí dụ: ông thần Hy Lạp, La Mã, của đạo nhiều thần[1] nói chung, mà đến ngay cả các nhà thần học và triết học của chúng ta đều thừa nhận, chỉ là đối tượng của đạo nhiều thần, là một đấng chỉ tồn tại trong niềm tin và quan niệm của người theo đạo nhiều thần chứ không phải của dân tộc và của người theo đạo Kitô; do đó, nó chỉ là sự biểu hiện, là hình ảnh của tinh thần hay bản chất ngẫu tượng giáo; cũng vậy, vị thần của đạo Kitô chỉ là đối tượng của đạo Kitô, do đấy, nó chỉ là biểu hiện đặc biệt của cái tinh thần hay bản chất con người theo đạo Kitô. Sự phân biệt giữa vị thần đạo ngẫu tượng và vị thần đạo Kitô chỉ là sự khác nhau giữa các chủng loại và giống loài. Có nhiều chủng loại nhưng giống loài thì chỉ có một, là vì nó là cái mà trong đó được quy hợp, gặp gỡ những chủng loại khác nhau. Nên, có nhiều chủng loại người khác nhau – các chủng tộc, các bộ lạc hay, các bạn muốn gọi chúng là gì cũng được tùy ý – nhưng tất cả chúng đều thuộc một giống loài duy nhất: loài người. Thuyết nhiều thần (polythéisme) chỉ mạnh ở nơi đâu mà con người chưa vượt lên trên cái khái niệm chủng loại về con người, ở nơi mà chỉ thừa nhận con người của chủng loại mình, giống như mình, với tư cách là một con người bình quyền và có cùng một khả năng như mình. Trong khái niệm chủng loại được bao hàm một tính chất đa tạp và do đó, ở nơi nào mà con người biến người của chủng loại thành con người tuyệt đối thì ở nơi đó có nhiều thần. Còn con người vươn lên đến thuyết một thần ở nơi nào mà nó đã vươn lên đến khái niệm giống loài, trên cơ sở đó mọi con người cùng quy hợp lại và trong đó những sự khác biệt về chủng loại, về bộ lạc, về dân tộc giữa họ đều biến mất. Sự khác nhau giữa một vị thần duy nhất hay – cũng vậy thôi – một vị thần phổ biến của những người theo thuyết một thần, với nhiều vị thần hay – cũng vậy thôi – với những vị thần riêng biệt thuộc dân tộc của những người theo đạo nhiều thần hay những người theo thuyết nhiều thần, chỉ là sự khác nhau giữa nhiều con người khác nhau với một con người hay một giống loại trong đó tất cả đều chung làm một.

Tính chất rõ ràng, có thể, nói tóm lại, tính chất dễ tiếp thu bằng cảm giác ở các vị thần của thuyết nhiều thần chẳng qua cũng chỉ là tính chất dễ tiếp thu bằng cảm giác của những khác nhau về chủng loại và dân tộc giữa con người: chẳng hạn như người Hy Lạp, quả được phân biệt một cách thực rõ rệt, hiển nhiên với các dân tộc khác; tính chất không rõ rệt, tính chất không dễ tiếp thu bằng cảm giác của vị thần theo thuyết độc thần chẳng qua cũng chỉ là tính chất không dễ lĩnh hội, tính chất không rõ rệt của giống loài trong đó mọi con người được quy hợp lại, nhưng không thể tồn tại một cách rõ ràng hiển nhiên, cảm tính, là vì chỉ có các chủng loại mới tồn tại như thế mà thôi.

Nói tóm lại, sự khác nhau giữa thuyết nhiều thần và thuyết một thần chung quy lại là sự khác nhau giữa chủng loại và giống loài. Giống loài, tất nhiên, khác biệt với chủng loại là vì trong giống loài chúng ta vứt bỏ mọi sự phân biệt về chủng loại; nhưng từ đó ta chưa thể kết luận rằng giống loài có một nội dung độc lập; là vì nó thực ra cũng chỉ là cái chung, phổ biến có ở trong các chủng loại. Cũng giống như thể khái niệm giống loài “đá” không mấy có thể là một khái niệm siêu khoáng chất học (superminéralogique), có thể nói như vậy, một khái niệm vượt ra ngoài giới hạn của giới khoáng sản, mặc dầu nó có cùng khác biệt như nhau với khái niệm đá cũ, đá vôi, huỳnh thạch và không chỉ độc một thứ đá nào nhất định, cũng chính bởi lẽ nó bao gồm tất cả các loại đá đó; thì cũng hệt như vậy, vị thần nói chung, vị thần duy nhất và phổ biến, ở trong đó đã bị rút bỏ mọi tính chất thân xác, cảm tính của các vị thần (vốn có nhiều), vẫn không mấy bị loại ra khỏi bản chất của loài người; ngược lại, nó là khái niệm nhân loại được khách thể hóa và nhân cách hóa. Hay ta có thể diễn đạt một cách chính xác hơn: nếu như những vị thần trong thuyết nhiều thần là những thực thể con người, thì vị thần của thuyết một thần là một thực thể con người, cũng giống như thế con người nói chung, mặc dầu vượt ra ngoài giới hạn của những chủng loại con người riêng rẽ (vốn có rất nhiều) và được nâng lên trên người Do Thái, người Hy Lạp, người Ấn Độ, song vẫn không vì vậy mà lại là một thứ thực thể siêu con người. Bởi vậy, thực không có gì ngu ngốc hơn là cho rằng Chúa Kitô từ trên trời xuống trần gian, có nghĩa suy luận nguồn gốc của đạo Kitô từ sự mặc khải của một đấng khác biệt với những con người. Vì Chúa của Kitô giáo cũng được bắt nguồn sâu xa từ con người mà ra như thể vị thần của đạo nhiều thần vậy.

Cái quan điểm hay luận thuyết đó của tôi, mà theo đó thì bí quyết của thần học chính là ở nhân loại học, và theo đó bản chất của tôn giáo xét về mặt chủ quan cũng như khách quan đều không phơi bày và phản ánh một cái gì khác hơn là bản chất của con người, quan điểm hay luận thuyết đó đã được tôi trước tiên phát triển trong tác phẩm Bản chất của đạo Kitô của tôi, và sau đó trong một số các tiểu luận nhỏ hơn có liên quan với cuốn sách trên, chẳng hạn như: “Bản chất của tín ngưỡng theo tinh thần của Luther” (1844), “Sự khác nhau giữa việc thần thánh hóa con người theo đạo nhiều thần và đạo Kitô”; cuối cùng, nhân những cơ hội khác nhau tôi cũng đã đề cập cùng một vấn đề trên trong lần xuất bản thứ hai cuốn Lịch sử triết học của tôi và trong tập Những luận đề cơ bản về triết học.

Quan điểm – hay luận thuyết – của tôi được phát biểu lên trong cuốn Bản chất của đạo Kitô, hay, nói cho đúng hơn, luận thuyết của tôi như tôi đã phát biểu hay có thể phát biểu lên qua tác phẩm này, tương ứng với chủ đề đó, tuy vậy vẫn còn có khiếm khuyết lớn và vì vậy đã tạo lý do cho những điều ngộ nhận hết sức phi lý. Trong cuốn  Bản chất của đạo Kitô, phù hợp theo với chủ đề, tôi đã bỏ qua không nói đến thiên nhiên, không chú ý đến thiên nhiên, vì bản thân đạo Kitô cũng không chú ý đến nó, vì đạo Kitô là một chủ nghĩa duy tâm và nó chỉ tuân theo một vị thần bị tước bỏ mất yếu tố thiên nhiên, nó tin vào Chúa hay một đấng thần linh sáng tạo ra thế giới chỉ bằng sức mạnh của tư duy và ý chí của mình, và do đó, ngoài tư duy và ý chí, và nếu không có chúng, thì thế giới không tồn tại được; như vậy, trong Bản chất đạo Kitô tôi chỉ luận giải về bản chất của con người, và tôi đã trực tiếp khởi đầu tác phẩm của tôi, từ đó, cũng chính vì lẽ đạo Kitô tôn thờ, với tư cách là những sức mạnh và những đấng thần thánh, không phải mặt trời, mặt trăng hay những vì sao, lửa, đất, không khí, mà là những sức mạnh trái ngược lại với thiên nhiên, được lấy làm cơ sở cho bản chất của con người: ý chí, lý tính, ý thức. Vì các lẽ trên nên người ta đã nghĩ rằng tôi đã sản sinh ra bản thể của con người thì không gì cả, biến nó thành một thực thể mà trước nó là hư vô, và rồi thì người ta đã phản đối việc tôi đã thần thánh hóa con người một cách tưởng tượng, không thật chút nào, họ viện dẫn đến cái tinh thần lệ thuộc tự nhiên, đến sự thừa nhận lý tính và ý thức tự nhiên, và nói rằng con người không tự sáng tạo nên bản thân nó, rằng con người là một tạo vật, lệ thuộc và, do đó, có nguyên nhân tồn tại của nó bên ngoài bản thân mình, rằng bản thân nó và thông qua đầu óc mình nó đáng chỉ ra cho thấy một thực thể khác nào đó. Thưa các ngài, các ngài hoàn toàn đúng, tôi đã nói vậy và trong ý nghĩ tôi muốn nhằm nói với những kẻ đang xàm báng và chế giễu tôi. Tôi cũng hiểu được rõ như các ngài – và có lẽ còn hơn các ngài nữa – rằng một thực thể con người được tưởng tượng ra như là một thực thể tồn tại tự nó, không phụ thuộc vào một cái gì cả và có tính chất tuyệt đối, là một điều phi lý, một điều ảo tưởng duy tâm chủ nghĩa. Nhưng cái thực thể mà con người cho rằng có trước mình và nó không thể nào không có quan hệ đến, và nếu không có cái thực thể đó thì cả nó cũng không tồn tại, cả bản chất của nó cũng không thể quan niệm được, cái thực thể đó, thưa các ngài, không phải gì khác hơn là thiên nhiên, chứ không phải là đấng thần linh của các ngài. Điều thiếu sót đó còn được thấy trong cuốn Bản chất đạo Kitô của tôi, tôi đã bổ khuyết nó lần đầu tiên vào năm 1845 trong tác phẩm nho nhỏ nhưng có nội dung phong phú của tôi là cuốn Bản chất của tôn giáo; cuốn sách này, như đầu đề của nó đã chỉ rõ cho thấy có khác với cuốn Bản chất của đạo Kitô ở chỗ nó không chỉ luận giải về bản chất của đạo Kitô, mà còn cả về bản chất của tôn giáo nói chung, cả về các tôn giáo trước đạo Kitô, các đạo nhiều thần, các đạo thiên nhiên. Ở đây, phù hợp theo với chủ đề, tôi có được một sự tự do lớn hơn rất nhiều, và vì vậy tôi đã có thể vứt bỏ cái vẻ bề ngoài của một sự phiến diện duy tâm chủ nghĩa đã khiến cho những kẻ phê phán tôi – nhưng lại không có đầu óc phê phán – có cớ để cáo buộc tôi; ở đây, trong Bản chất của tôn giáo, tôi đã có đủ chỗ để bổ khuyết mọi thiếu sót của tôi trong cuốn Bản chất đạo Kitô. Tất nhiên, cả ở đây tôi cũng không hề bổ khuyết những khiếm khuyết nói trên theo tinh thần của thần học, của triết học hữu thần luận hay triết học thần học, điều đó cố nhiên phải như vậy rồi. Nhiệm vụ và mối tương quan giữa hai tác phẩm mà đã được trình bày lên một cách chính xác hơn hết ở một dạng như thế. Những nhà thần học hay nói chung những người theo thuyết có thần (théistes) phân biệt giữa các thuộc tính vật chất và tinh thần của thần; còn thần, như ta đã có nói, là cái tên mà nói chung người ta dùng để gọi đối tượng của tôn giáo. Chẳng hạn như Leibniz đã nói: thần phải được xem xét, nghiên cứu đến trong tính chất hai mặt: về mặt vật chất, với tư cách là kẻ sáng tạo nên thế giới, về mặt tinh thần, với tư cách là một đấng quân vương, một kẻ chế định luật lệ cho con người. Xét theo những thuộc tính vật chất của nó, trong đó thuộc tính chính yếu nhất là sức mạnh, thì như vậy thần là nguyên nhân của các thực thể hữu hình, vật chất, của thiên nhiên; xét theo các thuộc tính tinh thần, trong đó chủ yếu là lòng tốt, thì thần lại là nguyên nhân của những bản thể tinh thần, của con người. Trong cuốn Bản chất đạo Kitô, đối tượng của tôi chỉ là thần với tư cách một thực thể tinh thần, vì vậy do sự cần thiết tôi đã không thể nào đưa ra trong cuốn Bản chất đạo Kitô một bức tranh nguyên vẹn về quan điểm và luận thuyết của tôi. Vì vậy tôi phải trình bày ở một tác phẩm khác cái nữa kia còn lại của thần mà tôi đã bỏ qua không nói đến ở tác phẩm trên, tức những thuộc tính vật chất của nó; nhưng tôi chỉ có thể trình bày nó lên phù hợp với chủ đề, một cách khách quan, trong một tác phẩm trong đó được nói đến tôn giáo tự nhiên, có nghĩa một đạo giáo có đối tượng chủ yếu của nó là vị thần hữu hình. Như tôi đã trình bày cho thấy trong cuốn Bản chất của đạo Kitô, vị thần mà tôi đang xem xét, phân tích trên phương diện các thuộc tính tinh thần của nó, vị thần, do đó, với tư cách là một thực thể tinh thần, chẳng qua cũng chỉ là bản chất tinh thần của con người được thần thánh hóa và tìm thấy được một biểu thị vật chất, hữu hình của nó; thần học, do đó, trên thực tế, trong cái cơ sở cuối cùng và trong cái kết luận chung cục của nó, chính là nhân loại học; nên chi, trong Bản chất của tôn giáo tôi đã trình bày lên cho thấy rằng vị thần hữu hình hay là vị thần chỉ được coi như là nguyên nhân của thiên nhiên, của các vì sao, cây cỏ, đá, loài vật, con người – vì chúng là những thực thể vật chất, hữu hình, tự nhiên - , vị thần đó không phản ánh một cái gì khác hơn là cái bản thể của thiên nhiên được thần thánh hóa, nhân cách hóa, thành thử bí quyết của thần học-vật lý (phisico-théologique) chỉ là lý học hay sinh lý học (sinh lý học trong trường hợp này không nên hiểu theo nghĩa hẹp của từ này như ta vẫn có hiện nay, mà theo cái nghĩa phổ biến mà nó có trước đây, chỉ khoa học tự nhiên nói chung). Bởi vậy, nếu như trước đây tôi đã biểu đạt luận thuyết của tôi bằng các định thức: “thần học và nhân loại học”, thì giờ đây, để cho được đầy đủ hơn, tôi thấy cần phải thêm: “và sinh lý học”.

Bởi vậy luận thuyết hay quan điểm của tôi có thể được diễn đạt bằng hai chữ: thiên nhiên và con người. Trên quan điểm đó, cái thực thể có trước con người, cái thực thể vốn là nguyên nhân hay cơ sở của con người, nhờ đó mà con người được xuất hiện và tồn tại, cái thực thể đó là và cần được gọi không phải là thần, thượng đế, một từ thần bí, không xác định, nhiều nghĩa – mà là thiên nhiên – một từ và một thực thể sáng rõ, cảm tính, không nghi nghĩa. Còn cái thực thể trong đó thiên nhiên được biến thành một sinh vật có nhân cách, có ý thức, có lý tính, là và được tôi gọi là con người. Theo quan điểm của tôi. Thực thể vô thức của thiên nhiên là một thực thể vĩnh cửu, không có nguồn gốc, nó là thực thể có đầu tiên nhưng đầu tiên trong thời gian chứ phải về phẩm vị, thứ bậc, một thực thể đầu tiên về mặt vật chất, thể chất chứ không phải về mặt tinh thần; thực thể con người có ý thức là thứ yếu, có sau xét về mặt thời gian xuất hiện của nó, nhưng là thực thể đứng đầu về mặt thứ bậc, địa vị. Luận thuyết đó của tôi, trong chừng mực mà nó có điểm cuối là thiên nhiên, cậy nhờ vào tính chân lý của thiên nhiên, và, trong chừng mực nào đó đưa thiên nhiên ra nhằm chống lại thần học và triết học, thì chỉ mới được giới thiệu lên trong tác phẩm nêu trên mà thôi, nhưng có liên quan với một đối tượng lịch sử, tích cực: tôn giáo tự nhiên; là vì tôi phát triển mọi luận thuyết và ý tưởng của tôi không phải trong đám mây mù của sự trừu tượng hóa, mà là trên mảnh đất rắn chắc của những sự vật và hiện tượng lịch sử, thực tế, không phụ thuộc vào tư duy của tôi: lấy thí dụ như quan điểm của tôi về thiên nhiên hay luận thuyết của tôi về thiên nhiên dựa trên cơ sở của tôn giáo tự nhiên.

Tuy nhiên, trong tác phẩm này tôi đã không chỉ cung cấp một bản lược thuật về bản chất của tôn giáo tự nhiên mà đồng thời còn cả một tiểu luận ngắn về toàn bộ quá trình phát triển của tôn giáo, đi từ những mầm mống phôi thai đầu tiên của nó cho đến tận bước phát triển hoàn tất của nó trong tôn giáo duy tâm chủ nghĩa của đạo Kitô. Bởi vậy nên tác phẩm này bao gồm ở trong nó không phải gì khác hơn là lịch sử vắn tắt, về mặt tinh thần hay triết học, về tôn giáo của loài người. Tôi xin nhấn mạnh hình dung từ: tinh thần; là vì, cung cấp một lịch sử thật sự, đồng bộ, về tôn giáo, một thứ lịch sử mà trong đó những thứ tôn giáo khác nhau lần lượt được kể ra và cân nhắc đi cân nhắc lại, thêm vào đó thường còn được phân bố vào bậc thang trên dưới, cao thấp bằng những dấu hiệu phân biệt rất tùy tiện; tôi xin nhắc lại: cung cấp một sự miêu tả lịch sử như vậy không nhằm vào mục đích của tôi. Ngoại trừ một sự phân chia lớn thành tôn giáo tự nhiên và tôn giáo tinh thần của con người, tôi vẫn quan tâm rất nhiều đến những gì là đồng nhất, chung trong các tôn giáo, hơn là đến những khác biệt của chúng – thường chỉ là những điều phân biệt tủn mủn và tùy tiện. Nói chung trong tác phẩm này nhiệm vụ của tôi chỉ độc ở chỗ làm sao nắm cho được bản chất của tôn giáo, còn lịch sử của nó tôi chỉ đi vào chừng nào mà không nắm được nó thì không thể hiểu được tôn giáo. Và cả ngay đến cả bản chất của tôn giáo, trong tác phẩm này cũng như trong các tác phẩm của tôi nói chung, tôi theo dõi nó hoàn toàn không phải độc bằng những suy nghĩ lý luận hay tư biện, mà cả bằng những suy nghĩ thực tiễn trong một mức độ rất lớn. Trước đây cũng như hiện nay, tôi quan tâm đến tôn giáo chủ yếu là chỉ trong chừng mực mà nó là – mặc dầu chỉ trong tưởng tượng đi nữa – cơ sở cho đời sống con người, cơ sở của luân lý và chính trị.

Đối với tôi, trước kia cũng như hiện nay, điều quan trọng hơn cả là làm sao soi sáng, giải thích cho được cái bản chất hắc ám của tôn giáo bằng ngọn bút của lý trí, để cho con người cuối cùng có thể thôi không còn là vật khai thác, là trò chơi của tất cả những sức mạnh thù địch với con người mà từ bao nhiêu thế kỷ nay, cho đến tận cả bây giờ, đang sử dụng bóng tối của tôn giáo để đè nén, áp bức con người. Mục đích của tôi là chứng minh cho được rằng những sức mạnh mà con người phải nghiêng mình trước chúng trong tôn giáo và phải khiếp sợ chúng, và con người còn định mang dâng cho chúng những vật hiến sinh bằng người, đẫm máu, để lấy lòng chúng, những sức mạnh đó không phải gì khác hơn là những sản phẩm do chính tinh thần tư hữu, không tự do, khiếp sợ, và của một đầu óc dốt nát, vô học thức đẻ ra; mục đích của tôi là chứng minh cho được rằng cái thực thể mà con người đem đối lập lại với chính mình trong tôn giáo như là một thực thể hoàn toàn khác, tách biệt với nó, chính là cái bản thể của chính con người; để rồi làm sao cho con người từ rày sẽ biến cái bản thể con người vốn có của mình thành quy tắc, và cơ sở quyết định, mục đích và phạm vi của cái luân lý và chính trị của mình, vì lẽ trước đây nó quả thường xuyên để cho cái bản thể của chính mình lại thống ngự lấy bản thân ngoài ý thức của mình. Và sẽ như vậy, và sẽ phải như vậy, nếu như cho đến giờ một tôn giáo mà ta chưa nhận thức được, cái bóng tối tôn giáo đó vẫn được coi như là nguyên tắc tối cao của chính trị và luân lý, thì từ rày, hay ít ra một ngày nào đó trong tương lai, quyết định số phận của con người sẽ là một tôn giáo được nhận thức, cởi mở chan hòa trong con người.

Chính mục đích đó – một sự nhận thức tôn giáo để góp phần vào sự tự do, độc lập, tình yêu và hạnh phúc của con người – cũng đã quyết định phạm vi của sự luận giải về mặt lịch sử của tôi trong vấn đề tôn giáo. Tất cả những gì có tính chất xa lạ đối với mục đích nói trên đều được tôi để sang một bên. Người ta có thể tìm được những miêu tả lịch sử về các tôn giáo khác nhau và về các thần thoại dân gian mà không có sự nhận thức về tôn giáo, trong các sách đã viết ra nhiều vô số. Nhưng tôi đã viết ra sao, thì tôi cũng sẽ giảng như vậy. Mục đích của các tác phẩm của tôi, cũng như của các bài giảng của tôi là làm sao biến được con người ta từ những nhà thần học thành những nhà nhân loại học, từ những kẻ ưa thích thần thánh thành những kẻ biết thương con người, từ những kẻ đang đầu đơn vào cái thế giới bên kia thành những người sinh viên của cái thế giới giờ đây đang sống, từ những tên hầu phòng về tôn giáo và chính trị của chế độ quân chủ và quý tộc trên thiên giới và trần gian thành những công dân tự do và đầy ý thức tự giác. Mục đích của tôi do vậy ít có tính chất tiêu cực, ít phủ định hơn cả; nó mang một tính chất tích cực, và nếu tôi có phủ định thì cũng để rồi sau đó khẳng định; tôi chỉ phủ định cái bản chất hoang đường và ảo tưởng của thần học và tôn giáo để khẳng định cái bản chất thực của con người. Không một từ nào đã khiến người ta tạo ra bao nhiêu điều lạm dụng trong thời kỳ hiện nay cho bằng cái từ phủ định. Nếu như trong lĩnh vực nhận thức,  khoa học, tôi đang phủ nhận một điều gì đó, thì tôi phải dẫn ra những lý do làm căn cứ cho việc phủ nhận. Chính những lý do như thế đang dạy cho tôi, giúp làm sáng tỏ vấn đề, mang lại cho tôi sự nhận thức; mỗi một sự phủ nhận có tính chất khoa học đều là một hành vi tinh thần tích cực. Tất nhiên, cái kết luận rút ra từ luận thuyết của tôi là cho rằng không làm gì có thần, có nghĩa là không làm gì có một đấng, một thực thể trừu tượng, phi cảm tính, khác biệt với thiên nhiên và con người và đang sai khiến số phận của thế giới và của nhân loại theo ý muốn riêng của mình; nhưng sự phủ nhận đó chỉ là cái kết luận rút ra từ sự nhận thức bản chất của thần, từ sự nhận thức rằng cái đấng đó không phản ánh mặt gì khác hơn là, một mặt, bản chất của thiên nhiên, và một mặt khác, bản chất của con người. Thật vậy, luận thuyết đó người ta có thể gọi nó là chủ nghĩa vô thần; là vì, quả mọi cái trên thế gian này, như người ta nói, đều phải mang một cái biệt hiệu của mình, nhưng đồng thời đừng có quên rằng cái tên đó chưa nói lên được gì cả, cũng như cái tên ngược lại với nó là thuyết có thần cũng vậy. Theos, thần chỉ là một cái tên đơn độc, trống rỗng, muốn nói tên cái gì cũng được cả, và nội dung của nó cũng rất đổi khác nhau cũng như thể các thời và con người đều khác nhau vậy . Lấy thí dụ như vào thế kỷ XVIII quan điểm chính thống của đạo Kitô đã bó hẹp ý nghĩa của từ này vào trong những giới hạn chật hẹp có tính chất thông thái rởm đến mức khiến cho ngay đến cả Platon cũng bị coi như là một nhà vô thần, là vì ông ta đã không dạy rằng Chúa đã sáng thế từ hư vô và, do đấy, đã không tách biệt được đủ rành rõ kẻ sáng tạo và các tạo vật. Hay như Spinoza vào các thế kỷ XVII và XVIII cũng vậy, mọi người hầu như nhất trí tuyên bố rằng ông là một nhà vô thần, là vì, nếu tôi không nhầm, trong một cuốn tự điển La tinh vào thế kỷ XVIII, chữ người vô thần còn được dịch bằng những từ assecla Spinoza (tức kẻ môn đồ của Spinoza); thế nhưng thế kỷ XIX đã gạch tên Spinoza khỏi hàng ngũ của những kẻ vô thần. Các thời đã thay đổi như vậy đó, và theo cùng với chúng cả các vị thần của con người cũng biến đổi. Thực chẳng nói được gì nhiều khi tư bảo: “có thần”, hay “tôi tin ở thần”, cũng như vậy, những lời sau đây chẳng nói được gì nhiều cả: “không có thần”, hay “tôi không tin ở thần”. Tất cả các vấn đề là ở chỗ: nội dung, cơ sở, tinh thần của thuyết có thần là gì, và nội dung, cơ sở, tinh thần của thuyết vô thần là như thế nào. Nhưng bây giờ tôi xin chuyển sang nói về ngay bản thân đề tài, có nghĩa về tác phẩm của tôi, Bản chất của tôn giáo, được tôi lấy làm cơ sở cho những bài giảng này.

 



[1] Từ “paganisme” được dịch là “đạo nhiều thần” (như ở tập Từ điển thuật ngữ triết học chính trị) hay “đạo ngẫu tượng, ngẫu tượng giáo” (như tập Thuật ngữ sử học, dân tộc học, khảo cổ học). Thực ra hai lối dịch trên tuy không thống nhất nhưng không mâu thuẫn về nội dung. Trong quá trình dịch tôi sử dụng cả hai. (ND)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt