Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất tôn giáo: Bài giảng thứ chín

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ CHÍN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  
                               

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ chín”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Quốc Thắng thực hiện.


 

NỘI DUNG:

Ý nghĩa của vật hiến sinh: một sự mua chuộc và hòa giải. – Những tục lệ của người Germains thời nguyên thủy và của các dân tộc kế cận họ. – Những lễ hiến sinh bằng người trong lịch sử cổ đại Hy Lạp và Do Thái. – Những lễ hiến sinh người vào các thế kỷ 18 và 19. – Những lễ hiến sinh người có tính chất luân lý. – Ý nghĩa và mục đích của sự tự hy sinh có tính chất tôn giáo. – Sự đảm bảo bản thân được toàn phúc, trạng thái xuất thần, ngất trí (extasa). – Sự hà tiện và sự hào phóng trong lễ hiến sinh. – Tính vị kỷ tầm thường và cao quý trong những hành động hiến tế. – Những sự hy sinh anh dũng và lòng yêu tổ quốc.

 

 

Vật hiến sinh là một đề mục có thể cho ta một thí dụ để thấy rõ rằng sự hy sinh, tự phủ nhận mình trong một tôn giáo chỉ là phương tiện, chỉ là hình thức gián tiếp và phương thức tự khẳng định. Vật hiến sinh là sự tha hóa của niềm hạnh phúc thiết thân đối với con người. Nhưng vì lẽ hạnh phúc tối cao và thiết thân nhất, quý giá nhất đối với con người là cuộc sống, vì lẽ ta chỉ có thể tự hy sinh cái tối cao cho cái điều tối cao, chỉ có làm như thế mới tỏ được sự quý trọng đối với nó, cho nên sự hiến sinh, ở nơi nào mà cái khái niệm làm cơ sở cho nó được thực hiện một cách đầy đủ, hoàn toàn, chính là sự phủ định, sự thủ tiêu một sinh vật, và đấy là sự phủ định, sự thủ tiêu một con người, bởi lẽ sinh vật tối cao chính là con người. Cho dù mục đích của sự hiến sinh bằng người mà chúng ta đang phải nói đến là như thế nào chăng nữa, trong trường hợp ở đây một lần nữa chúng ta lại có thêm một bằng chứng để thấy rằng đối với con người không có một gì cao hơn cuộc sống, rằng cuộc sống của con người về mặt thứ bậc sánh tầy với các thần linh; là vì, làm cơ sở cho sự hiến sinh – ít ra cũng là nói chung – phải là một sự đặt ngang hàng, đồng đẳng với nhau; chỉ được dâng hiến cho các thần linh những những gì đồng nhất với họ, những gì giống họ; con người vì vậy chỉ hy sinh cuộc sống của mình cho các thần, là vì, trong con mắt của các vị thần, cũng như trong con mắt của con người, cuộc sống là hạnh phúc tối cao, kỳ diệu nhất, thần thánh nhất, cũng có nghĩa là hạnh phúc mà các vị thần không thể nào đối nghịch lại, nó khiến ý chí của các vị thần phải phục tùng con người.

Tuy nhiên sự phủ định hay triệt tiêu được bao hàm trong sự hiến sinh không phải là một sự phủ định vô nghĩa, mà, ngược lại, nó có một mục đích và cơ sở rất xác định, có tính chất vị kỷ. Con người chỉ hiến sinh con người – thực thể tối cao – để cảm tạ về hạnh phúc tối cao, theo quan niệm của nó, hay để xua đuổi, đẩy ra sự bất hạnh tối cao – có thực hay được đoán định sẽ xảy ra – là vì một sự hiến sinh mang tính chất hòa giải không có một mục đích và ý nghĩa độc lập; quả vậy, người ta phải hòa giải với các vị thần cũng chỉ vì chính họ là những kẻ mà hạnh phúc hay sự bất hạnh bị lệ thuộc vào đấy, thành thử ra loại bỏ cơn giận của các vị thần không có nghĩa gì khác hơn là loại trừ, đẩy xa sự bất hạnh khỏi bản thân, và tranh thủ lấy cho được thiện ý hay lòng thương của các vị thần không có nghĩa gì khác hơn là tranh thủ để có được mọi điều tốt đẹp và mong muốn. Sau đây là một vài thí dụ để xác nhận bản thân sự việc cũng như ý nghĩa nêu trên của sự hiến sinh bằng người. Tôi xin bắt đầu với người Đức và với những bộ tộc gần gũi với chúng ta hơn cả, mặc dầu những người Germains lại thuộc đúng vào cái số những người mà các nhà bác học Đức qui cho một hình thức nhẹ hơn cả trong việc hiến sinh bằng người. Và chính các vị đó nói rằng những lễ hiến sinh bằng người ở họ chỉ là những hình phạt đối với những kẻ phạm trọng tội, và do đấy, chúng là những lễ hiến sinh có tính chất trừng phạt đồng thời có tính chất hòa giải đối với các vị thần mà những tội trạng đó đã xúc phạm đến. Những loại lễ hiến sinh bằng người khác chỉ phát sinh do sự nhầm lẫn và do đó một sự suy thoái của điều vừa nói trên mà thôi. Nhưng nếu ta thử cho rằng thoạt tiên chỉ những kẻ phạm trọng tội mới bị hiến sinh – thế nhưng không có một bằng chứng nào cho thấy điều đó cả –, thì từ một vị thần độc ác, tàn nhẫn như thế, từ vị thần đang lấy làm khoái trá với những nỗi đau khổ của những kẻ phạm tội, từ “vị chúa của thập tự giá” – người ta vẫn gọi thần Odin như vậy –, ta cũng có thể chờ đợi những sự độc ác và những vật hiến sinh bằng người đặc biệt khác nữa. Nguyên nhân nào khiến người Đức (thực ra cho đến nay người Đức vẫn giữ được ở trong họ một liều lượng man rợ to lớn dưới sự bảo trợ của đức tin Kitô giáo) lại cứ phải tạo nên một trường hợp ngoại lệ so với các dân tộc khác, thì đấy là điều mà ta chỉ có thể hiểu được qua tính vị kỷ ái quốc chủ nghĩa của các nhà bác học Đức mà thôi. Nhưng thôi, ta hãy đi thẳng vào vấn đề. Theo như một saga[1] của Na Uy thì Thụy Điển dưới triều vua Đô-man-đi-ê, “bị mất mùa và đói. Người dân ở nước đó đã hiến sinh nhiều con bò mộng, nhưng vẫn không giúp ích được gì. Người dân Thụy Điển bèn quyết định đem nhà vua hiến sinh cho thần Odin, để có lại được sự phì nhiêu và mùa màng tươi tốt. Họ đâm chết nhà vua để hiến tế và lấy máu ông ta bôi khắp các bức tường và nơi ghế ngồi trong ngôi đền thờ vị thần, và lúc đó những mùa màng tốt đẹp nhất lại bắt đầu trở lại trong nước họ”. “Phần đông con người đều thử nghiệm lễ hiến sinh như là sự thực hiện một lời nguyền được đưa ra khi bắt đầu một cuộc chiến tranh, trong trường hợp chiến thắng. Đối với người Gothe và người Scandinaves nói chung, người bị bắt làm tù binh đầu tiên trong cuộc chiến tranh được coi như là vật hiến sinh tốt nhất. Người Saxons, người Francs, người Hê-ru-lơ (?) cũng tin rằng các vật hiến sinh bằng người sẽ làm cho các vị thần của họ dễ xiêu lòng. Người Saxons mang dâng cho các vị thần của họ những vật hiến tế là các chiến sĩ, đồng thơi bắt những kẻ phải hiến tế chịu những cực hình nặng nề đau đớn, và cũng hệt như vậy, người Sandinaves hiến sinh cho vị thần chiến tranh những tù binh đầu tiên, đồng thời bắt những người này phải chịu một lối gia hình rất cầu kỳ (trích trong Bách khoa toàn thư của Er-rơ và Gru-béc, đề mục “Lễ hiến sinh” do F. Ba-khơ-ter soạn). Như César từng thuật lại, người Gaulois khi bị ốm nặng hay khi phải chịu những nỗi hiểm họa của cuộc chiến tranh, đã mang người ra làm vật hiến sinh, vì họ tin rằng chỉ trong trường hợp đó thần mới có thể làm lành với họ, nếu vì sự sống của một con người ta hy sinh cuộc sống của một người khác. Những ông bạn láng giềng với chúng ta ở phương Đông cũng làm như vậy; lấy thí dụ như “người xứ Esti (?) đã đem người làm vật hiến sinh cho các vị thần đáng sợ. Những con người được dùng làm vật hiến sinh trở thành vật buôn bán đối với đám thương nhân, đồng thời người ta còn nghiên cứu soát xét cẩn thận để xem liệu những kẻ bị mang hiến sinh có bị những nhược điểm nào trên thân thể không, vì điều này sẽ khiến cho họ không còn dùng được vào việc hiến sinh”[2]. Và cả người Slaves – ít ra cũng là cái số sống ở xung quanh biển Baltique – đã đem hiến sinh cho vị thần chính của họ, thần Xvan-tô-vít, “hàng năm và cả trong những hoàn cảnh đặc biệt, những người tín đồ đạo Kitô, là vị thầy tế thực hiện lễ hiến sinh đã có nói rằng Xvan-tô-vít và những vị thần khác của người Slaves hết sức lấy làm vui mừng khi thấy máu của người tín đồ Kitô giáo chảy” (Va-khơ-ter, đoạn đã nêu trên). Ngay đến cả người Hy Lạp và người La Mã cũng đều vấy máu những người bị họ đem làm vật hiến sinh. Chẳng hạn như, theo lời thuật của  Plutarque, trước trận đánh ở Salamine, Thémistocle[3] đã đem hiến sinh cho thần Bacchus ba chàng thanh niên quý tộc người Ba Tư; thực ra ông ta cũng chỉ miễn cưỡng làm điều đó; ông buộc phải làm điều đó do sự thúc ép của nhà tiên tri Euphrandite, là người đã phán rằng thắng lợi và sự may mắn của người Hy Lạp chỉ có thể đạt được bằng cái giá của một vật hiến sinh mà thôi. Còn ở La Mã, ngay cho đến tận thời của Pline l’Ancien, người ta đã đem chôn sống nhiều tù nhân ở chợ gia súc. Những dân tộc ở phương Đông đã hiến sinh cho các vị thần những đứa con trai và con gái của chính mình, có nghĩa những người mà, như lời nhận xét của Justin[4] nhân nói về những lễ hiến sinh bằng người của người dân Carthages, trong các hoàn cảnh khác thì hẳn họ van xin thần tha sống hơn là cho ai cả. Ngay cả người Do Thái (Israélites) “cũng làm đổ máu của những người vô tội”, như có ghi rõ trong Kinh thánh; đó là “máu của những người con trai và con gái của chính họ, và họ đã đem hiến nó cho thần Kha-nan”. Nhưng I-ep-phai[5] không chỉ hiến sinh con gái của mình cho các tượng thần, mà còn cho chính ngay vị thần chúa tể; thực ra sự việc ở đây cũng do từ một lời nguyền vội vã, hấp tấp, hóa thành định mệnh không tránh khỏi; chả là trong lời nguyền ông ta có nói rõ rằng nếu thắng trận, ông ta sẵn sàng dâng hiến lên thần kẻ mà ông ta gặp đầu tiên khi ở cửa nhà bước ra; và, thực là bất hạnh, kẻ mà ông ta gặp lúc ra khỏi nhà, thực không may, lại chính là đứa con ruột của ông, con gái của ông, như lời nhận xét của nhiều nhà bác học, nếu như những sự hiến sinh bằng người không được chấp thuận, thì ông ta làm sao có thể nào đi đến ý tưởng mang con gái của mình ra làm vật hiến sinh? Tuy nhiên, trong số tất cả những tên đao phủ và những kẻ tra tấn con người đó của tôn giáo, thì nổi bật lên đặc biệt hơn cả vẫn là trường hợp người Mễ Tây Cơ thời cổ đại với sự độc ác, tàn nhẫn với một số lượng nhiều không thể kể xiết của những người bị họ mang làm vật hiến sinh thường có đến năm, thậm chí hai chục nghìn người trong một ngày.

Mọi sự vô nghĩa của tôn giáo và mọi điều rùng rợn của thời cổ xưa vẫn còn được duy trì đến tận thời cận kim như thế nào, thì những lễ hiến sinh đẫm máu con người vẫn còn được duy trì như thế ấy. Chẳng hạn như vào năm 1791 – câu chuyện này được thuật lại trong những lời chú giải cho cuốn “Cuốn sách nói về các luật lệ tại Ấn Độ” vào một buổi sáng nọ người ta tìm thấy tại ngôi đền thờ thần Di-u (?) hay Çiva xác một người Kha-ri, có nghĩa một người thuộc đẳng cấp bên dưới, anh ta đã bị giết chết để ngăn chặn một điều bất hạnh lớn nào đó khỏi xảy đến. Còn một số các bộ lạc dã man khác thì lại nuôi và vỗ béo những đứa bé và người lớn đẹp nhất, giống như thể người ta vẫn làm đối với gia súc sắp đem giết thịt vậy, để làm vật hiến sinh vào những ngày lễ đặc biệt. Ngay cả những người dân nước Ấn Độ vốn là những con người rất đỗi tình cảm, thường vẫn chăm sóc trìu mến đến đời sống của loài côn trùng, thế mà vào những lúc gặp điều bất hạnh lớn như chiến tranh hay nạn đói chẳng hạn, họ vẫn đem quăng những người Bà-la-môn quyền quý nhất từ trên các chùa xuống dưới đất, để bằng cách đó làm nguôi cơn giận của các vị thần. “Ở Tonkin[6] (miền viên Ấn) – theo như Mây-nec-xơ thuật lại trong cuốn sách “Lịch sử tôn giáo thế giới” của ông ta, và từ lời của các du khách – hàng năm người ta vẫn đầu độc các trẻ em bằng thuốc độc để các thần giáng phúc cho đồng ruộng và cho được mùa, hoặc họ đem chặt đứt làm đôi một em bé để làm nguôi các vị thần hay để xui khiến các thần không làm hại đến những người còn lại. Tại nước Lào, người ta chỉ bắt đầu việc dựng đền thờ các thần sau khi đã giết được và đem chôn ở móng xác của những kẻ đã đi qua cạnh đó đầu tiên, và dường như có thế mới làm cho đất nơi đó trở nên thiêng. Ở một số dân tộc người da đen, cho đến giờ người ta vẫn còn đem hiến sinh hàng trăm và hàng nghìn tà nhân với một hy vọng ảo tưởng rằng bằng những vật hiến sinh như thế họ có thể tranh thủ được một cách chắc chắn hơn cả lòng nhân từ của các vị thần, và qua các vị đó, sự thắng lợi đối với quân thù. Ở các địa phương khác của châu Phi, người ta thường lấy dao đâm chết hoặc trẻ con hoặc người lớn thuộc nam giới để, bằng cách đó, chữa khỏi bệnh cho các hoàng tử con vua bị bệnh hay để kéo dài cuộc sống của những người này” (Mây-nec-xơ). Theo tài liệu thông báo trên tạp chí “Ausland” (“những miền đất xa lạ”) vào năm 1849, thì người Kô-khan-đi tại Gon-đvan (?), (một bộ tộc người nguyên thủy ở Ấn Độ mà người ta vừa mới phát hiện được), thường vẫn đem dâng nạp cho vị thần tối cao của họ – vị thần đất đai Bê-ra Pen-ma mà, theo như họ tin, là đấng thần linh chi phối sự thịnh vượng của con người, loài vật và ruộng đồng đất đai – những con người làm vật hiến sinh, đều đặn hàng năm (và ngoài ra cả trong những trường hợp xảy ra điều bất hạnh, chẳng hạn như khi một con hổ ăn thịt một đứa bé nào đó), để hòa giải với những vị thần nổi giận. Những người dân ở các đảo miền Nam của châu Đại Dương cho đến tận thời kỳ mới gần đây nhất vẫn còn tục hiến sinh bằng người, và cả hiện giờ họ vẫn còn làm như thế một phần nào.

Người ta vẫn thường hay ca ngợi Kitô giáo là đã thủ tiêu lễ hiến sinh bằng người. Nhưng nó chỉ đem thay thế vào các vật hiến sinh bằng người đẫm máu, những vật hiến sinh thuộc một loại khác: bằng cách đem đặt thay thế vào chỗ những vật hiến sinh bằng người thể xác, một vật hiến sinh tâm lý, tinh thần; mặc dầu không còn có một ý nghĩa cảm tính song kỳ thực trên thực tế nó vẫn cứ còn tạo thành một vật hiến sinh người[7]. Bởi vậy cho nên những người chỉ bám vào vỏ bề ngoài, sẽ tin rằng đạo Kitô đã mang vào thế giới một cái gì đó căn bản có khác hơn là đạo nhiều thần, nhưng đấy chỉ là một vẻ bề ngoài mà thôi. Sau đây là một thí dụ: nhà thờ Kitô giáo bác bỏ việc tự thiến mình, mặc dầu trong Kinh thánh – trên thực tế hay chỉ là bề mặt mà thôi – có nói đến việc bảo vệ nó; ít ra thì đức giáo phụ vĩ đại Origène[8], một người cũng thông bác không kém gì các ngài thần học ngày nay, đã nhận thức đầy đủ về điều đó đến nỗi ông ta cho rằng việc tự thiến mình là một điều bắt buộc; tôi xin nói: đạo Kitô và tôn giáo cấm đoán một cách hết sức nghiêm khắc việc tự thiến bản thân về mặt thể xác mà đạo nhiều thần vẫn qui định phải làm, nhưng họ có cấm sự tự thiến về mặt tinh thần chăng? Tuyệt nhiên là không. Ở vào thời nào họ cũng đều nói đến việc bảo vệ sự tự thiến về mặt luân lý, tinh thần, tâm lý. Ngay cả Luther cũng đặt trạng thái độc thân cao hơn trạng thái hôn nhân. Nhưng sự khác nhau giữa sự hủy hoại một cơ quan về mặt thể xác và về mặt tinh thân là ở chỗ nào? Không hề có sự khác nhau: trong trường hợp này người ta lấy đi ở một cơ quan sự tồn tại và ý nghĩa thể xác, cơ thể học của nó, trong trường hợp kia, sự tồn tại và ý nghĩa tinh thần của nó. Tôi có một cơ quan hay tôi không sử dụng nó vào mục đích mà thiên nhiên đã định sẵn, tôi giết chết nó về mặt thể xác hay tinh thần thì vấn đề cũng chỉ là một mà thôi. Nhưng sự khác nhau đó giữa lối tự thiến của đạo nhiều thần và đạo Kitô là sự khác nhau giữa vật hiến sinh bằng người của đạo nhiều thần và đạo Kitô nói chung. Đạo Kitô quả thật không có, trên lương tâm nó, những sự hiến sinh về mặt thể xác, cơ thể học, nhưng lại có những sự hiến sinh khá tâm lý. Nơi mà con người hình dung ra, và xem đấy như là lý tưởng của nó, một con người trừu tượng khác biệt với con người thực tế, thì tại sao ở nơi đó nó lại không xua đuổi khỏi bản thân, lại không cố gắng vứt bỏ khỏi bản thân tất cả những gì trái ngược lại với mục đích của nó, lý tưởng của nó? Con người không thể nào không hy sinh chính cảm tính của mình cho vị thần vốn dĩ không phải là một thực thể cảm tính; là vì thần không phải một gì khác hơn là mục dích, là lý tưởng của con người (ý tưởng này chúng ta sẽ phát triển rõ hơn ở đoạn sau). Một vị thần mà lại không phải là một kiểu mẫu cả về mặt tinh thần lẫn về mặt thực tế đối với con người, không phải là những gì mà chính bản thân con người phải và muốn trở thành như thế, thì đấy chỉ là thần trên tên gọi mà thôi. Nói tóm lại, đạo Kitô – có nghĩa với tư cách là một tôn giáo dựa trên niềm tin vào một vị thần và Thượng đế – nói chung về nguyên tắc vốn dĩ không phân biệt với các tôn giáo khác, thì về cả điểm này cũng không có gì khác biệt với các tôn giáo đó. Thay thế vào chỗ của một vị thần nhìn thấy được, cảm tính và có thân xác, Kitô giáo đã đem đặt vào đấy một vị thần vô hình như thế nào, thì cũng hệt như thế vậy, thay thế cho vật hiến sinh bằng người hữu hình, hiển nhiên nó cũng sẽ đem đặt vào đấy một vật hiến sinh bằng người vô hình, phi cảm tính, nhưng vẫn là có thực.

Từ những thí dụ đã dẫn ra trên chúng ta thấy được rằng ngay đến cả một hình thức phủ nhận con người thực vô nghĩa và kinh khủng nhất, tức là sự giết người với tính chất tôn giáo, vẫn cứ có một mục đích con người hay có tính vị kỷ. Ngay cả khi con người thực hiện một sự giết người có tính chất tôn giáo không phải đối với người khác mà là với ngay chính bản thân mình, cả khi mà nó từ bỏ mọi niềm hạnh phúc của con người, từ chối mọi niềm vui nhục cảm và có tính chất con người, thì sự từ chối đó cũng chỉ là một phương tiện để có được và thưởng thức niềm vui thiên giới hay thần thánh. Vấn đề đặt ra như thế này với những người theo đạo Kitô. Người tín đồ Kitô giáo hy sinh bản thân, phủ nhận bản thân cũng chỉ để có được sự toàn phúc, cực lạc. Họ dâng hiến bản thân mình cho thần, cho Chúa, điều đó có nghĩa rằng: họ hy sinh mọi niềm vui trần tục, tạm bợ là vì chúng không thỏa mãn được cái tình cảm siêu nhiên của một tín đồ Kitô giáo ở họ, họ đem hy sinh chúng cho cái vương quốc của niềm vui thiên giới. Và vấn đề cũng được đặt ra như thế đối với những người dân của Ấn Độ. Cho nên, trong cuốn sách về các luật Manon chẳng hạn, ta đọc thấy: “Nếu như thầy Bà-la-môn bắt đầu trốn tránh mọi điều thỏa nguyện nhục dục, cảm tính, ông ta sẽ đạt được toàn phúc, cực lạc ở cái thế giới này, một niềm vui toàn phúc và cực lạc sẽ còn được tiếp tục cả sau khi chết”. “Nếu như thầy Bà-la-môn đã hủy hoại được một cách từ từ, lặng lẽ sức khỏe của thân xác mình và trở thành dửng dưng được đối với nỗi đau khổ và sự sợ hãi, thì ông ta đã đặc biệt vươn cao lên được trong cái bản chất thần thánh của mình”. Làm sao được thống nhất làm một với thần, trở thành chính thần, đấy là điều mà thầy Bà-la-môn cố gắng hướng tới, bằng cách chịu đựng mọi sự thiếu thốn và hy sinh quên mình; nhưng sự hy sinh quên mình ảo tưởng đó lại đồng thời gắn liền với một trình độ hết sức cao của ý thức về cái “Tôi” của mình, với sự tự mãn nguyện. Các thầy Bà-la-môn là những con người kiêu ngạo nhất trên thế gian này, trong con mắt của chính họ, họ xem mình như là những vị thần chốn trần thế và trước mắt họ tất cả mọi người khác còn lại chỉ là con số không mà thôi. Sự nhẫn nhục tôn giáo, sự quy phục trước thần linh nói chung luôn luôn được đền bù, bù trừ bằng một sự cao ngạo về mặt tinh thần đối với con người. Cả đến bản thân sự tha hóa tình cảm, sự khước từ không muốn nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy một điều gì đấy, mà người Ấn Độ đang cố đạt tới, được gắn liền với một sự khoái trá, thích thú đầy tính chất huyễn hoặc, quái dị. Trong tập hồi ký của Bernier, ta được đọc đoạn nói về các thầy Bà-la-môn như sau: “Họ đắm chìm sâu trong trạng thái ngất trí (extase) đến nỗi trong hàng giờ liền không còn một cảm giác gì cả; đồng thời, như lời họ khẳng định, họ nhìn thấy bản thân thần qua hình tượng mà một thứ ánh sáng chói lọi, không thể tả xiết và cảm thấy một sự toàn phúc không sao giải thích nổi cùng một sự khinh rẻ đối với thế giới và một sự xa lánh đối với họ. Tôi cũng đã từng nghe một thầy Bà-la-môn nói quả quyết rằng ông ta có thể đắm chìm mình trong trạng thái ngất trí bất cứ lúc nào ông ta muốn”. Nói chung chúng ta đều biết rằng sự tàn nhẫn, độc ác và niềm khoái lạc có họ hàng gần gũi với nhau như thế nào. Nhưng nếu như ngay ở bên sau các hình thức cao của sự hiến sinh ta đã thấy nỗi rõ tính vị kỷ của con người như là mục đích của nó, thì ở các hình thức thấp hơn của sự hiến sinh nó lại càng thấy được rõ hơn như đập vào mắt vậy. “Các dân tộc châu Mỹ, Sibérie và châu Phi làm nghề đánh bắt cá và săn bắn thường vẫn đem hiến tế một phần thu hoạch của mình cho các vị thần, nhưng thường thường họ chỉ hiến sinh các con vật khi có sự cần thiết; cho nên họ chỉ hiến cho thần toàn bộ các con vật đánh bắt được khi đi qua những con đường và các con sông nguy hiểm. Người dân vùng Kamtchatka thường chỉ mang dâng hiến cho các vị thần đầu và đuôi của con vật mà thôi, và đấy là những bộ phận mà bản thân họ cũng không ăn đến[9]. Người Slaves thời cổ chỉ vứt vào lửa những phần dở nhất của các con vật đem hiến sinh. Còn phần ngon nhất thì hoặc chính bản thân họ ăn, hoặc đem cho thầy tế. Tất cả các bộ lạc người Tartare và người Mông Cổ ở Siberie, tại các tỉnh Orenbourg, Kazan, Astrakhan, đã đem hiến dâng cho các thần, hoặc chỉ độc các xương và sừng, hoặc nhiều nhất thì, cùng với những chiếc xương và những chiếc sừng, cũng chỉ là đầu hay mũi và tai, chân và bộ lòng của các con vật hiến sinh mà thôi, cho dù đấy là những con ngựa hay bò cái hoặc những con cừu và hươu miền Bắc. Người dân da đen ở châu Phi không trao cho các vị thần gì khác ngoài bộ da và sừng”. (Mây-néc-xơ, đoạn đã dẫn). Ở các dân tộc cổ điển – người La Mã và người Hi Lạp – thật ra còn có những lễ được gọi là Holokausta, có nghĩa như lễ hiến sinh trong đó mọi con vật hiến tế đều được lột lấy bộ da và sau đó người ta mới đem nướng lên để tế thần; nhưng thường thì người ta chỉ để cho các thần một phần mà thôi, còn những miêng ngon nhất người ta ăn. Chúng ta hẳn đều được biết đến một đoạn sách của Hésiode trong đó có nói rằng anh chàng Prométhés ranh mãnh đã dạy con người để thịt của các con vật hiến sinh cho bản thân mình, chỉ hiến cho thần phần xương mà thôi. Ngược lại với vật hiến sinh ít ỏi, bủn xỉn đó người ta cũng được thấy những vật hiến sinh hào phóng, rộng rãi mà người Hi Lạp và người La Mã đã đem hiến dâng cho các thần. Chẳng hạn như Alexandre sau khi đánh thắng người Lacédémone đã hiến cho thần cả một trăm súc vật, còn mẹ của ông ta là Olympias thì thường hiến tế đến 1.000 con bò đực. Người La Mã cũng làm hệt như vậy; để có được chiến thắng hay sau khi thu được thắng lợi, người ta hiến sinh hằng trăm con bò mộng hay cả một lúc gia súc tăng trường vào mùa xuân gồm nào bò con và cừu con, dê và lợn. Sau khi Tibérius chết, người La Mã rất đỗi vui mừng có được vị chúa tể mới đến mức mà, như lời thuật lại của Svetonius, người ta đã đem hiến sinh cho các vị thần, chỉ riêng trong ba tháng đầu khi Kaligula mới lên cầm quyền, đến trên 160.000 con gia súc. Trong tác phẩm của ông mà ta đã nêu bên trên, Mây-nec-xơ đã có một nhận xét như sau nhân nói về những lễ hiến sinh đặc sắc này: “Chả phải là điều vinh dự gì cho lắm đối với người Hi Lạp và người La Mã khi họ vượt trội tất cả mọi dân tộc còn lại về cái số rất nhiều các vật hiến sinh, và càng kém vinh dự hơn khi sự hào phóng rất lớn lao của các vật hiến sinh lại xảy ra đúng vào cái thời kỳ khi mà nền khoa học và kỹ thuật của họ phát triển hưng thịnh hơn bao giờ cả”. Nhận xét bên dưới đây của một nhà triết học thuộc trường phái Hégal đối với lời ghi nhận bên trên của Mây-nec-xơ và được đưa ra trong cuốn “Tôn giáo tự nhiên” của ông, có một ý nghĩa tiêu biểu rất lớn đối với trào lưu triết học hiện đại. Ý kiến nhận xét đó như sau: “Nhưng thực không mấy vinh dự cho ông Mây-nec-xơ khi ông không hiểu được rằng 100 con vật hiến sinh, có nghĩa một sự tha hóa đến thế tài sản tư hữu, một sự dửng dưng như thế đối với sự ích dụng, lại là một ngày hội lễ xứng đáng hết sức đối với thần thánh cũng như con người”. Vâng, đó là một ngày hội lễ xứng đáng hết sức nếu như ta theo quan điểm duy linh hiện đại về tôn giáo; quan điểm này nhìn thấy ý nghĩa của tôn giáo chỉ ở trong sự phi lý, vô nghĩa của nó, và vì vậy nó thừa nhận rằng việc đem hy sinh hàng trăm và hàng nghìn con bò mộng cho những vì thần không hề cần đến gì hết, chứ không đem dùng chúng vào hạnh phúc của con người đang cần đến chúng, lại là một điều xứng đáng hơn với con người.

Nhưng ngay cả những lễ hiến sinh mà quan điểm quý tộc và thói xa hoa ủy mị (sybaritisme) tôn giáo vẫn thường hay viện dẫn để tự bênh vực mình, cũng xác nhận quan điểm được tôi phát triển bên trên. Những gì mà tôi đã nói về cái cảm giác nhu cầu và về tinh cảm vui mừng nhân nói về sự thoát bỏ khỏi nhu cầu, cũng hoàn toàn giải thích những hiện tượng khác nhau được thấy ở trong các lễ hiến sinh. Nỗi sợ hãi lớn lao, niềm vui lớn lao đều kéo theo sau nó những sự hiến sinh lớn lao; cả hai xúc cảm trên đều lớn lao vô hạn, đều mang tính chất siêu nghiệm, đều đặc biệt khác thường; cả hai nỗi xúc cảm đó vì vậy đều là những nguyên nhân tâm lý gợi nên những biểu tượng về các thực thể đặc thù dị thường, về các thần linh. Những vật hiến sinh nhiều quá đỗi chỉ được dâng hiến trong trạng thái một nỗi sợ hãi hay niềm vui cực độ. Đâu phải cho những đấng thần linh trên núi Thiên Sơn, cũng không phải cho các thực thể phi nhân và siêu nhân. Không, người La Mã và Hi Lạp chỉ đem hiến sinh 100 con vật cho chính nỗi xúc cảm sợ hãi và vui mừng của họ mà thôi. Trong một quá trình bình thường của các sự vật, khi mà con người không vượt lên cao trên tính vị kỷ bình thường, thông tục thì nó cũng chỉ hiến sinh một cách vị kỷ, theo tinh thần của một tính vị kỷ thông thường nhất; nhưng vào những giây phút đặc biệt (và chính vì thế họ cũng ở trong một trạng thái đặc biệt khác thường chứ không phải trong trạng thái xúc cảm của mọi ngày), con người biết hiến sinh một cách đặc biệt, phi thường[10]. Do ảnh hưởng của nỗi khiếp hãi, con người hứa sẽ dâng hiến tất cả những gì mà nó có; trong sự ngây ngất của niềm vui, ít ra là trong trạng thái thoạt đầu tiên của sự ngây ngất, chừng nào mà nó còn chưa trở lại cái nếp bình thường của tính vị kỷ hằng ngày, con người thực hiện lời hứa đó. Nỗi sợ hãi và niềm vui mừng là những xúc cảm cộng sản (communistes), nhưng chúng là những kẻ cộng sản vì tính vị kỷ. Những vật hiến sinh dè xẻn, không mấy giá trị, do đó không khác biệt về nguyên tắc với những vật hiến sinh hào phóng và rực rỡ, chói lọi. Tuy nhiên, điều đó vẫn không nói lên được hết sự khác nhau giữa vật hiến sinh gồm 100 con vật của người Hi Lạp với những chiếc đuôi cá, những chiếc sừng, những chiếc móng và xương mà các dân tộc không văn minh đã đem dâng hiến cho các vị thần. Con người ta khác nhau như thế nào thì các tôn giáo của họ cũng khác nhau như thế ấy, và các tôn giáo của họ khác nhau như thế nào thì những vật hiến sinh của họ cũng khác nhau như vậy. Ở trong tôn giáo con người không phải thỏa mãn những thực thể khác nào đó; ở trong đó nó thỏa mãn cái bản thể của riêng mình. Con người thiếu học vấn và văn hóa không có những nhu cầu nào khác những nhu cầu của dạ dày; vì vậy, vị thần đích thực của họ là cái dạ dày của họ. Cho nên, đối với những vị thần giả tưởng tượng, đối với những vị thần chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ, con người không có gì để cho họ cả ngoài những gì mà cái dạ dày của nó đã chừa lại cho nó: những chiếc đuôi và đầu cá, những chiếc sừng, những bộ da và những chiếc xương. Ngược lại, một con người có học vấn và văn hóa có những ước muốn và nhu cầu thẩm mỹ; nó không muốn ăn một cách tạp nhạp, không chút kén chọn, chỉ để cho đầy bụng và cho hết cơn đói; nó muốn ăn thức ăn tao nhã; nó muốn ngửi, nhìn, nghe những điều dễ chịu, thú vị; nói tóm lại nó có một ý thức thẩm mỹ. Cho nên một dân tộc có được một ý thức thẩm mỹ làm những vị thần của mình, đương nhiên cũng sẽ dâng hiến những vật hiến sinh có tính chất thẩm mỹ, những vật hiến sinh làm mơn trớn, vuốt ve thị giác và thính giác. Cũng hệt như vậy, một dân tộc có thiên hướng xa hoa cũng sẽ hiến sinh những vật xa hoa, lộng lẫy. Các cảm thức của một dân tộc càng phát triển xa đến đâu thì những vị thần của họ đi xa đến ngần đó. Ở nơi nào ý thức và cái nhìn của con người không vươn lên đến tận các vì sao, thì ở nơi đó con người cũng không có các thiên thể với tư cách là những vị thần của nó; còn ở nơi nào con người, tựa như các bộ tộc Ostiaks và Sanoet (?), ăn không một chút ghê tởm ngay cả thây người chết thối, thưởng thức một cách ngon lành những con cá voi chết, thì ở nơi đó các vị thần của họ đều là những tượng thần gớm ghiếc, không chút thi vị, không chút thẩm mỹ. Cho nên nếu như ta xem những lễ hiến sinh gồm đến 100 con vật của người Hi Lạp và người La Mã theo cái nghĩa đó, nó hòa tan tôn giáo vào trong con người nếu như ta xem chúng như là những vật hiến sinh mà họ đem dâng hiến, hy sinh cho những tình cảm của chính mình, thì ta quả có thể thừa nhận được rằng thực là điều vinh dự đối với họ, là vì họ đã không chỉ coi trọng độc một sự tham lam thấp kém và một ý thức thực dụng chủ nghĩa.

Cho đến giờ chúng ta chỉ nghiên cứu, phân tích những sự hiến sinh tôn giáo trong cái nghĩa riêng của từ này; nhưng lịch sử tôn giáo còn cho chúng ta được biết đến một loại hiến sinh khác mà chúng ta có thể gọi là những sự hiến sinh tinh thần, có khác với những sự hiến sinh tôn giáo. Đấy là trường hợp của sự tự hy sinh có tính chất tự nguyện cho hạnh phúc của người khác, cho hạnh phúc của nhà nước, tổ quốc. Thật ra, cả ở trường hợp này thì con người cũng vẫn đem thân mình hy sinh cho các vị thần để làm nguôi cơn giận của họ, nhưng điều đặc sắc đối với loại hiến sinh này là một chủ nghĩa anh hùng dù sao vẫn có tính chất tinh thần hay yêu nước. Chẳng hạn như người La Mã đã có hai bố con Decnis đã hy sinh bản thân mình cho tổ quốc, người xứ Carthage cũng có hai bố con (?) Phi-len; hai người này đã ra lệnh (ít ra cũng là qua lời thuật lại) đem chôn sống họ trong thời gian xảy ra cuộc tranh chấp về biên giới giữa Carthage và Ki-ren và làm như vậy cốt để cho người Carthage có khả năng được nhận phần đất đai sở hữu thêm nhiều hơn; và Hamilcar cũng đã xử sự đúng hệt như vậy, ông ta đã nhảy vào lửa để làm xiêu lòng các vị thần; và chính vì đã làm được điều đó nên ông ta, cũng như hai bố con Phi-len, đã được người Carthage phong thần; người Hi Lạp thì có Xipec-chi-uyt Co-đrơ, và Mê-nê-kêy một nhân vật hoang đường. Nhưng những vật hiến sinh này biện minh được ít hơn cả cho cái quan điểm về sự phủ định con người có tính chất siêu nhiên và hoang đường, mà những người theo quan điểm tôn giáo và tư biện tuyệt đối đã lấy làm bản chất của tôn giáo; là vì, đúng là tất cả mọi trường hợp hy sinh, phủ định bản thân mình nói trên đều có nội dung và mục đích rõ rệt của chúng là sự khẳng định những mục đích và ước muốn của con người, chỉ có điều ở trong đó sự phủ nhận và sự khẳng định, sự hy sinh và tính vị kỷ lại đến với những con người khác nhau. Nhưng những kẻ mà tôi đã hy sinh bản thân cho họ, thì đấy lại là những đồng bào, đồng hương với tôi. Tôi cũng có cùng một lợi ích như họ; đấy là cái nguyện vọng của chính bản thân tôi, mong muốn cho Tổ quốc được thoát cơn nguy hiểm. Cho nên tôi hy sinh cuộc sống của tôi không phải cho một thực thể thần học nào đó xa lạ, khác biệt với tôi; tôi hy sinh nó cho chính con người tôi, cho những ước vọng của chính tôi, cho ý muốn của chính tôi, miễn làm sao biết được rằng Tổ quốc tôi thoát được hiểm nguy. Cũng hệt như thế những vị thần đích thực mà người Hi Lạp và La Mã đã đem dâng hiến những vật hiến sinh lộng lẫy, không phải là những vị thần ở bên ngoài con người mà chỉ là những tình cảm của họ được tinh luyện trong nghệ thuật, chỉ là khiếu thẩm mỹ của họ, sự xa hoa của họ, sự ưa thích của họ đối với các cảnh trình diễn; thì cũng vậy, vị thần đích thực mà Co-đrơ, hai bố con Decius, Hamilcar, hai bố con (?) Phi-len đã tự dâng hiến mình cho ông ta, cũng chỉ là tình yêu Tổ quốc đất nước mà thôi; nhưng tình yêu đất nước quê hương không loại trừ tình yêu bản thân; những niềm vui và nỗi đau khổ riêng của tôi được gắn liền một cách hết sức mật thiết với niềm vui và nỗi đau khổ của Tổ quốc, đất nước. Cho nên, như lời Hérodote thuật lại, kẻ được người Ba Tư đem hiến dâng cho thần có thể cầu xin không chỉ điều tốt lành cho riêng bản thân mình, mà còn “cho tất cả mọi người Ba Tư là vì chính bản thân người đó cũng được nằm vào trong số tất cả những người Ba Tư”. Như vậy, nếu như tôi cầu xin chỉ cho Tổ quốc tôi mà thôi thì đồng thời tôi vẫn cứ là cầu xin cho cả bản thân mình nữa; là vì, trong những thời kỳ bình thường, hạnh phục của tôi và của những người khác được gắn liền với nhau một cách hết sức chặt chẽ.

Chỉ trong những trường hợp bất hạnh đặt biệt, một con người cá biệt, đơn nhất mới phải hy sinh bản thân mình cho cái chung; có nghĩa cho đa số. Nhưng sẽ là một điều vô nghĩa nếu như ta lấy cái điều bất bình thường, đặc biệt làm tiêu chuẩn bình thường, biến sự tự phủ định mình làm nguyên lý và quy luật phổ biến, tuyệt đối, cứ dường như thể cái phổ biến và cái đơn nhất là những cái gì đó khác biệt một cách căn bản với nhau, cứ dường như thể cái phổ biến bản thân nó lại không phải chính từ những đơn nhất mà có, cứ dường như thể, vì thế, nhà nước, một tập hợp của những con người lại, lại sẽ không bị diệt vong nếu như mỗi con người thực hiện ở chính bản thân họ yêu cầu của những kẻ theo một quan điểm chính trị, tôn giáo, tư biện tuyệt đối, cái yêu tự phủ định, tự hành hạ bản thân. Chỉ có tính vị kỷ là đoàn kết lại được nhà nước; chỉ nơi nào mà tính vị kỷ của một đẳng cấp, của một giai cấp hay của từng con người riêng rẽ lại không thừa nhận rằng tính vị kỷ của những con người khác, của những tầng lớp hay đẳng cấp khác cũng được bình quyền như mình, thì ở nơi đấy nhà nước mới bị tan vỡ, sụp đổ mà thôi. Và ngay cả ở nơi nào mà tôi đưa tình yêu của tôi vượt quá ra ngoài giới hạn của Tổ quốc tôi và mở rộng nó ra đối với mọi người nói chung, thì ngay cả trong thứ tình yêu toàn nhân loại đó vẫn không hề bị loại bỏ tình yêu đối với chính bản thân mình; là vì tôi yêu ở mọi người cái bản chất của tôi, cái giống loài của tôi; họ quả là thịt từ thịt của tôi và máu từ máu của tôi. Nhưng nếu như tình yêu đối với bản thân không tách rời với mọi tình yêu, nếu như nói chung nó tạo thành quy luật và nguyên tắc phổ biến, cần thiết và không thể thay thế được thì chính tôn giáo phải xác nhận điều đó và nó quả đã xác nhận điều đó ở mỗi một trang lịch sử của nó. Ở bất cứ nơi nào mà con người đấu tranh với tính vị kỷ theo nghĩa rộng của từ này – ở trong tôn giáo ư, trong triết học ư, hay ở trong chính trị, – nó sẽ rơi vào một sự vô nghĩa và điên rồ hoàn toàn nhất, là vì cái ý nghĩa làm cơ sở cho mọi thiên hướng, nguyện vọng, hành vi của con người chính là sự thỏa mãn cái bản chất con người, thỏa mãn tính vị kỷ của con người.

 

 


[1] Truyện cổ tích của các dân tộc ở Bắc Âu.

[2] K. Ec-ker-man “Sách giáo khoa về lịch sử tôn giáo”, tập IV: “Tôn giáo của bộ lạc Sut-đơ”.

[3] Một vị tướng tài giỏi của thành Athères thời cổ đại. Trận thắng ở Salamine của ông là một chiến công lừng lẫy ở thời cổ đại.

[4] Nhà sử gia La Mã ở thế kỷ II sau Công nguyên.

[5] Đây là trường hợp được ghi trong Kinh thánh mà tác giả đang nói đến.

[6] Hẳn đây là xứ “Bắc Kỳ” (Tonkin) của nước Việt Nam ta. Ý niệm về địa lý ở vùng này lúc bấy giờ còn rất mơ hồ, lẫn lộn ở một số lớn nhà nghiên cứu phương Tây.

[7] Chẳng hạn như nhà nghiên cứu uyên bác E. Roth cũng đồng tình với kết quả riêng của tôi, những kết quả mà tôi đã đạt đến bằng một con đường khác. Trong tác phẩm nói về tín ngưỡng của Ai Cập và bái hỏa giáo (mà ta đã có nêu lên), ông ta nói: “Một hiện tượng mà ta được thấy giống nhau ở mọi tôn giáo là tên của các vị thần buổi thoạt đầu chẳng qua cũng chỉ là những tên chung đơn giản mà thôi, và là vì chúng có nghĩa là các sự vật: gió, nước, lửa, v.v.., và cái khái niệm của một thực thể có nhân cách hoàn toàn còn chưa được gắn liền với chúng. Chỉ về sau đấy cái khái niệm trên mới dần dần được phát triển từ các thuộc tính được gán cho các thực thể thần thánh, và như vậy các tên riêng của thần đã được phát sinh từ các biệt danh mà buổi thoạt đầu đã đem dùng với một số lượng rất nhiều cho các đấng thần minh để biểu thị các thuộc tính khác nhau của đấng đó. Cho nên cái khái niệm thần càng đứng gần với các yếu tố xuất phát buổi đầu của nó bao nhiêu thì nó lại càng trở nên thiếu xác định hơn bấy nhiêu, đến mức cái tên của thần rút cục được hòa lẫn vào cái tên thường của sự vật, hay vào cùng cái từ chỉ một thuộc tính.”

[8] Một nhà thần học và nhà chú giải Thánh kinh nổi tiếng ở đầu Công nguyên. Ông ta chủ yếu giải thích Kinh thánh bằng phương pháp ẩn dụ; phương pháp này về sau bị nhà thờ lên án.

[9] Theo lời chứng của Stê-pan Kra-sen-nhin-nhi-cốp trong phần ông miêu tả Kamtchatka, việc hiến tế được coi như tốt nhất với dân ở đây là áo quần rách được khoác vào một chiếc sao.

[10] Chẳng hạn như vào năm 356 tại La Mã bệnh dịch hoành hành dữ dội; lúc đó, theo lời thuật lại của Lévy trong thiên thứ 5, người ta đã lần đầu tiên tổ chức ra “lễ” lestisterne (lễ nhượng, lễ giải oan), có nghĩa là bữa ăn trưa của các thần, và ngoài ra người ta đã mở hội trong tám ngày liền để làm cho các vị thần đoái thương đến họ. Nhưng sự hào phóng đó được mở rộng  không chỉ đến các vị thần mà thôi, mà còn cả đến con người nữa. Trong toàn thành phố, mọi nhà đều mở rộng cửa, mọi của cải được đưa ra sử dụng công cộng, những người quen lẫn người không quen biết đều được mời vào bàn, mọi sự kiện tụng và tranh chấp đều được gác bỏ sang một bên, và người ta trò chuyện một cách thân thiện ngay cả với kẻ thù, các tù nhân thì được cởi xích. Còn như vào năm 359, khi ở La Mã được tin báo rằng, cuối cùng, sau cuộc vây hãm mười năm trời người ta đã lấy được thành vây, thì, nhân dịp đó, theo như lời thuật lại của Livie, cũng trong thiên nói trên, mọi người hết sức vui mừng đến nỗi Viện nguyên lão chưa kịp quyết định thì mọi đền thờ đã tràn ngập các bà mẹ người La Mã, họ đến tạ ơn các vị thần, và sau đó Viện nguyên lão đã ra lệnh trong bốn ngày liền – có nghĩa là trong một số ngày còn nhiều hơn là ở các cuộc chiến tranh trước đó – người ta phải cầu nguyện và cảm tạ các vị thần.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt