Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất tôn giáo: Bài giảng thứ mười ba

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ MƯỜI BA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  
                               

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ mười ba”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Lê Trần Anh Thư thực hiện.


 

NỘI DUNG

Mọi thuộc tính thần thánh, trong đó có cả thuộc tính tinh thần, đều vay mượn từ thiên nhiên. – Thuyết nhị nguyên trong quan niệm về thần: thần thiện và thần ác. – Những thuộc tính không xác định và phiến diện của thần cũng là những thuộc tính vốn có ở thiên nhiên, như: tính chất vô hình, tính vô biên, tính phi thời gian. – Nguồn gốc cảm tính của cái phổ biến: những khái niệm tinh thần về thần có cội nguồn của nó trong sự chiêm quan (contemplation) cảm tính. – Loại và các dạng, bản chất và tồn tại. – Những tiền đề cảm tính của cái có thể xảy ra được: thần là cá thể và ở một vị trí xác định. – Thiên nhiên và hoạt động phổ biến được lấy làm tiền đề cho khái niệm thần (thượng đế). – Không gian và thời gian, sự vô cùng và vĩnh cửu. – Mối quan hệ qua lại giữa thượng đế và thế giới là vấn đề cơ bản của mọi triết học.

 

 

      Trong bài giảng này hôm qua tôi có nói đến sức mạnh, tính vĩnh cữu, siêu nhiên, vô hạn và phổ biến của thần ; tôi đã có nói rằng chúng đều được phát xuất từ thiên nhiên và buổi thoạt đầu chúng chỉ phản ánh những thuộc tính của thiên nhiên mà thôi; những điều nói đó cũng có thể ứng dụng cho cả các đặc tính tinh thần. Tính thiện của thần được rút lấy từ bản chất và các hiện tượng của thiên nhiên, những hiện tượng có ích, tốt lành, mang lại điều tốt đẹp cho con người, cho người, gây nên cho họ cái cảm giác và ý thức rằng cuộc sống, sự tồn tại là niềm hạnh phúc, may mắn. Tính thiện của thần chỉ là tính chất có ích lợi của thiên nhiên và khả năng có thể sử dụng được của nó, được biến thành một cái gì cao quý do bởi trí tưởng tượng, bởi chất thơ của tình cảm được nhân cách hóa, có được một tính chất độc lập như là một thuộc tính hay thực thể đặc biệt, và được thể hiện ra dưới một dạng tích cực, đồng thời có thể hiểu được. Nhưng vì lẽ thiên nhiên đồng thời cũng lại là nguyên nhân của những ảnh hưởng thù nghịch với con người, có hại đối với nó, cho nên con người cũng lại đem biến thành một thực thể độc lập, và thần linh hóa nó dưới dạng của thần ác. Mâu thuẫn này được thấy ở hầu hết mọi tôn giáo ; nhưng về phương diện này thì tôn giáo nổi tiếng hơn cả là tôn giáo của người Ba Tư; nó đem lên đầu tín ngưỡng của mình hai vị thần địch đối với nhau: Ormuzd, vị thần, hay nguyên nhân, của mọi thực thể mang lại điều tốt lành cho con người: những loài vật có ích, những hiện tượng đáng mừng giống như ánh sáng, ngày, sự ấm áp; và Ahriman, vị thần, hay nguyên nhân, của bóng tối, của sự nóng nực tai hại, của những con vật có hại.

       Đạo Kitô, với quan niệm của nó trong lĩnh vực tín ngưỡng hầu như hoàn toàn được vay mượn từ thế giới quan của người Ba Tư, nói chung là của phương Đông, thật ra cũng có hai thần, nhưng trong đó chỉ một thần chủ yếu hay độc nhất được coi là thần, còn vị thần kia thì lại được gọi tên là ác quỷ (Satan) hay quỷ thần (diable). Và ngay cả trong những trường hợp khi àm những tác động xấu, độc hại của thiên nhiên không phải được sản sinh ra bởi nguyên nhân độc lập, cá nhân, của quỷ thần thì dù sao đi nữa chúng cũng do cơn giận của thần mà sinh ra. Nhưng thần đang cơn giận dữ, hay vị thần tức giận không phải gì khác hơn là thần ác. Ở đây một lần nữa chúng ta lại có được một thí dụ cho thấy rằng giữa thuyết nhiều thần và thuyết một thần không có một sự khác nhau thực căn bản. Người theo thuyết nhiều thần tin vào những vị thần thiện và thần ác, còn người theo thuyết một thần thì thể hiện những vị thần ác vào cơn giận của thần, còn những vị thần thiện thì vào tính thiện của thần và tin rằng độc một vị thần mà thôi, nhưng vị thần duy nhất đó, đồng thời là thần và thần ác, nổi giận, là một vị thần với những tính chất mâu thuẫn với nhau. Nhưng cơn giận của thần không phải gì khác hơn là luật pháp của thần, được tiêu biểu, thể hiện lên dưới dạng của tình cảm, khát vọng và thị dục. Là vì sự giận dữ cả ở trong con người ta và ngay tự bản thân nó không gì khác hơn là tình cảm khao khát sự công bằng hay sự trả thù. Con người đi đến chỗ giận dữ khi mà, trên thực tế hay chỉ trong quan niệm của nó, một sự xúc phạm hay một sự bất công đã được gây ra đối với nó. Sự giận dữ là niềm công phẫn của con người nhằm chống lại những sự xâm phạm có tính chất áp chế, bạo ngược mà một con người khác đã tự cho phép mình làm đối nó. Nhưng cũng như lòng thương hại của thần do từ những tác động tốt lành của thiên nhiên rút ra mà thôi, thì cũng vậy sự công minh buổi đầu chính do từ những tác động ác, độc, tai hại của thiên nhiên mà có. Cái ý niệm về công lý như vậy là đã được tạo nên bằng sự phản tư (réfléxion). Con người vốn vị kỷ; nó vô cùng tốt đối với bản thân mình và tin rằng không nên và không thể có điều xấu, ác đối với nó; nhưng nó lại gặp phải những điều mâu thuẫn, trái ngược lại với tính vị kỷ và niềm tin đó của nó; cho nên nó tin rằng điều xấu, hại chỉ đến với nó trong trường hợp nếu như nó phạm phải lỗi lầm đối với kẻ hay những kẻ mà do họ nó đã thực hiện được mọi điều tốt đẹp, phúc đức, và nếu như nó đã, do đấy, làm cho họ nổi cơn tức giận. Vì vậy, con người tự giải thích cho mình về sự ác, hại của thiên nhiên như là một sự trừng phạt mà thần đã bắt con người phải gánh chịu do sự sai lầm hay bất nghĩa mà con người đã phạm phải đối với nó. Do đó nên mới có niềm tin của những người tín đồ Kitô giáo, cho rằng ngày xưa thiên nhiên vốn là một thiên đường trong đó không có một điều gì là thù địch và độc hại đối với con người cả, nhưng rồi thiên đường đó đã bị mất đi do sự sa ngã và cơn tức giận của thần (thượng đế) mà nó gây nên. Nhưng đó là lối giải thích xuyên tạc theo quan điểm thần học. Thoạt tiên hết, cơn giận hay sự xét xử của thần, của thượng đế, có khác với niềm thương hại của ông ta, được rút ra và quy kết từ những hiện tượng tai hại và ác độc của thiên nhiên. Không phải con người này bị sét đánh chết vì thần trừng phạt anh ta, vì thần công minh, thần giận dữ, bực tức, mà ngược lại, do việc anh ta bị sét đánh chết mà chúng ta kết luận rằng nguyên nhân của trường hợp chết người này là vị thần ác nổi giận, ra tay trừng phạt. Diễn biến buổi thoạt đầu của trí tưởng tượng con người là như vậy đó. Nhưng cũng như lòng từ tâm và sự công minh của thần được rút ra và quy kết từ những hiện tượng thiện lành hay ác độc của thiên nhiên, thì cũng hệt như vậy, sự sáng suốt của thần cũng được rút ra và quy kết từ thiên nhiên và nhất là từ cái trật tự trong đó những hiện tượng của thiên nhiên nối tiếp theo nhau cái này đến cái khác, do mối liên hệ nhân quả tự nhiên.

      Nhưng giống suy nghĩ những thuộc tính hữu hình hay siêu hình và tinh thần của thần mà ta đã nêu trên, những tính chất khác nữa, thiếu xác định hơn hay có tính chất tiêu cực hơn cũng đều rút ra từ thiên nhiên cả. Thần vô hình, mắt không nhìn thấy được; nhưng không khí cũng không nhìn thấy được. Chính vì vậy mà ở hầu hết mọi dân tộc ít nhiều phát triển về mặt trí óc, không khí, sự hô hấp được đồng nhất với linh hồn. Và đến lượt nó bản thân thần cũng không phân biệt với linh hồn, có nghĩa với không khí, như là với cái thực thể mà, trong quan niệm cảm tính nguyên thủy, là yếu tố duy nhất quy định đời sống của con người hay, nói cho đúng hơn, duy trì nó và là nguyên nhân của nó. Cho nên nếu như ta đọc được: ngươi đừng có vẽ lên cho mình hình ảnh của thần (thượng đế), thì từ đấy chưa nên hiểu thần là một thần linh theo nghĩa của chúng ta, có nghĩa một con người biết suy nghĩ, có ý muốn, biết nhận thức. Ai có thể vẽ lên cho mình hình ảnh của thần? Menntius Felix đã phản đối lời trách cứ mà những người theo đạo nhiều thần đưa ra, cho rằng vị thần của những người theo đạo Kitô không thể chỉ rõ, không thể nhìn thấy; ông nói: đừng có ngạc nhiên làm gì nếu như nhà ngươi không nhìn thấy thượng đế; gió và không khí cũng không nhìn thấy được, mặc dầu chúng vẫn cứ xô đẩy ra mọi phía, vẫn di động, rung chuyển. Thần, thượng đế khó nhận thấy, không xúc tiếp được. Nhưng hé không khí lại dễ nhận thấy, dễ tiếp xúc, mặc dầu nó có thể được các nhà vật lý giữ ở thể quân bình? Há ánh sáng lại dễ nhận thấy, lại xúc tiếp sờ mó được? Có thể nào đã lầm hình thể của ánh sáng, của không khí; có nghĩa vẽ cho nó một hình dạng của con người, có thể xác? Vì vậy, thực là sai lầm xiết bao nếu như từ việc một số các dân tộc không có các ảnh, các tượng, và do đó, cả các đền thờ vị thần của mình mà đi đến kết luận rằng họ thời một thực thể tinh thần theo cái nghĩa mà chúng ta vẫn hiểu về từ này? Họ thờ thiên nhiên trong toàn bộ hay một phần mà vẫn không nhân hình hóa nó, và ít ra vẫn không giam hãm ông ta trong một bộ mặt và hính dáng con người nhất định; đấy là nguyên nhân tại sao họ không có những ảnh và tượng người cho các đối tượng tôn thờ của mình.

      Tôi không thể nào hình dung thần trong những hình dáng những hình ảnh, những khái niệm xác định; nhưng tôi có thể hình dung thế giới, vũ trụ trong thần được chăng? Ai có thể tạo nên hình của thiên nhiên, hay ít ra một hình ảnh đáp ứng được bản chất của nó? Là vì mỗi hình ảnh chỉ được vẽ nên từ một phần của thế giới, vậy thì làm sao tôi lại có thể trình bày lên được một cách thích ứng cái toàn bộ qua một bộ phận? Thần, thượng đế không phải là một thực thể giới hạn trong thời gian và không gian; nhưng phải chăng thế giới lại có một giới hạn? Phải chăng thế giới lại chỉ đóng khung vào một nơi chốn nhất định, một thời gian nhất định, chẳng phải nó ở khắp mọi nơi và trong mọi thời gian đấy sao? Thế giới chẳng phải ở trong thời gian, hay chẳng phải là, nói cho đúng hơn, thời gian ở trong thế giới hay sao? Chẳng phải thời gian chỉ là một hình thức của thế giới, một phương thức mà những thực thể và hiện tượng riêng rẽ của thế giới đã kế tiếp lần lượt theo nhau? Do đó, làm sao tôi có thể gán cho thế giới một sự khởi đầu trong thời gian? Phải chăng thời gian là tiền đề đối với thế giới hay; chẳng phải đúng hơn sao, thế giới là tiền đề đối với thời gian? Thế giới là nước, thời gian là sự vận động của nước; nhưng há nước chẳng có trước sự vận động của nó, theo đúng bản tính của sự vật đó sao? Há sự vận độn của nước chẳng phải mặc nhiên nói lên sự tồn tại của nước rồi đó sao? Há sự vận động của nước chẳng phải là kết quả của bản chất độc đáo và của các thuộc tính của nó đó sao? Nhưng chẳng phải, do đó cũng là điều ngu ngốc nếu tưởng tượng ra thế giới đã phát sinh trong thời gian, cũng như ta hình dung bản chất của một sự vật nào đó đã nảy sinh như là một kết quả của bản thể đó? Chẳng phải là điều cũng thực phi lý nếu như ta tưởng tượng ra một điểm nào đó trong thời gian như là sự khởi đầu của thế giới, sống như thể ta tưởng tượng ra thác nước từ cao đổ xuống như là nguồn gốc phát sinh của nó? Tuy nhiên, từ những điều đã phát biểu bên trên, chúng ta chẳng phải đã thấy được rằng thực chất cùng các thực tính của thế giới và thực chất cùng các thuộc tính của thần cũng chỉ là một mà thôi đấy sao? Rằng thần không khác biệt với thế giới, rằng thần chỉ là cái khái niệm được khái quát hóa từ thế giới, rằng thần chỉ là thế giới trong ý nghĩ, còn thế giới chỉ là thần trong thực tế hay vị thần hiện thực, rằng tính vô hạn của thần cũng chỉ được rút ra từ tính vô hạn của thế giới, tính vĩnh cữu của thần cũng chỉ được lấy từ tính vĩnh cữu của thế giới, sức mạnh và sự tuyệt luân của thần cũng chỉ được lấy từ sức mạnh và sự tuyệt diệu của thiên nhiên, rằng chúng từ đó mà ra, từ đó được quy kết nên đấy sao?

      Sự khác nhau giữa thần và thế giới là sự khác nhau giữa tinh thần và cảm giác giữa tư duy và biểu tượng; thế giới với tư cách là đối tượng của các cảm giác, và cụ thể là của các cảm giác của thân thể, tựa như cái cảm giác thô sơ của xúc giác, là cái được ta gọi là thế giới, trong khi đó thì cái thế giới với tư cách là đối tượng của tư tưởng, của tư duy đang quy kết cái chung từ các cảm giác, chính là thần. Nhưng, cũng giống như thể cái phổ biến mà lý tính quy kết được từ các sự vật cảm tính về căn bản vẫn có tính chất cảm tính – tuy không phải một cách trực tiếp thì cũng là cảm tính một cách gián tiếp - , tương ứng với đối tượng, - tuy rằng không tương ứng về hình thức (là vì khái niệm về con người là một cái gì có tính chất cảm tính thông qua sự trung giới của con người khái niệm về cây – thông qua sự trung giới của các cây được chỉ ra bởi các cảm giác); thì thực thể của thần cũng vậy: tuy nó chỉ được tưởng tượng ra mà thôi và là bản chất của thế giới quy kết nên, song nó vẫn là một thực thể có tính chất cảm tính một cách gián tiếp. Thực ra thần không phải là một thực thể cảm tính giống như thể một vật thể nào có thể nhìn và cảm giác được một cách có giới hạn, như đá, cây cỏ, loài vật, nhưng nếu như chỉ vì lẽ đó thôi mà nẩy sinh ý muốn không công nhận thực thể thần linh là có cảm tính, thì trong trường hợp đó hẳn ta sẽ phải không công nhận ngay cả cảm tính của không khí, ánh sáng. Ngay cả khi con người tưởng rằng trong biểu tượng của nó về thần nó đã tự nâng cao lên bên trên thiên nhiên, cả khi mà nó, ít ra trong trí tưởng tượng, hình dung thần như là một thực thể đã được tước bỏ mọi thuộc tính cảm tính, là một đấng phi cảm tính, phi hình thể (giống như những người theo đạo Kitô và nhất là những tín đồ Kitô giáo được gọi là có quan điểm duy lý vẫn làm); ngay cả trong trường hợp như thế thì ra cơ sở của vị thần tinh thần vẫn là một biểu tượng của thực thể cảm tính. Kẻ nào nói chung ra có thể hình dung một cái gì đó dưới dạng một thực thể mà lại không đồng thời hình dung nó ra dưới dạng một thực thể cảm tính, cho dù kẻ đó có loại bỏ khỏi nó sự hạn chế và mọi thuộc tính của một thực thể có tính chất cảm tính rất dễ nhận thấy đi nữa. Sự khác nhau giữa thực chất của thần linh và thực chất của các sự vật cảm tính chỉ là sự khác nhau giữa giống loại và chủng loại hay cá thể.

       Thần cũng chỉ là một thực thể này hay khác, cũng ít ỏi như thể màu sắc nói chung chỉ là một màu sắc này hay màu sắc khác, con người nói chung chỉ là một con người này hay một con người khác; là vì trong khái niệm có tính chất giống loài về con người tôi đã trừu tượng, đã bỏ qua mọi sự khác nhau của các chủng loại người và của những con người riêng rẽ; trong khái niệm có tính chất giống loài về màu sắc tôi đã trừu tượng hóa, đã bỏ qua những màu sắc khác nhau, cá biệt. Trong thực thể của thần tôi cũng đã bỏ qua những sự khác biệt và thuộc tính của nhiều thực thể cảm tính khác nhau, tôi chỉ hình dung nó như là một thực thể nói chung, nhưng chính vì lẽ khái niệm thực thể thần linh cũng chỉ được rút ra từ các thực thể cảm tính có ở trong thế giới, chính vì lẽ nó chỉ là một khái niệm có tính chất giống loại, nên chúng ta thường xuyên chui vào trong cái khái niệm phổ biến đó những hình tượng của các thực thể cảm tính, chúng ta hình dung thần khi thì như là thực thể thiên nhiên trong toàn bộ của nó, khi thì như thực thể ánh sáng, hay của lửa, hay của con người, đặc biệt là của con người cổ xưa đáng kính, tựa như trước chúng ta, cứ với mỗi khái niệm có tính chất giống loài, lại rình rập lởn vởn cái hình tượng của các cá thể mà từ chúng chúng ta đã trừu tượng hóa. Và vấn đề cũng được đặt ra với sự tồn tại của thần như thể với thực chất của nó, và cố nhiên là phải như thế, vì lẽ không thể nào đem tách rời sự tồn tại với thực chất. Ngay cả khi mà thần được hiện ra dưới dạng của một thực thể mà, vì lẽ hiện thân nó cũng là tinh thần, nên chỉ tồn tại đối với tinh thần của con người và chỉ trở thành đối tượng của con người trong trường hợp nó vượt lên trên các cảm giác và trừu tượng hóa cái tinh thần của mình từ các thực thể cảm tính; ngay cả trong trường hợp đó cái chân lý của sự tồn tại cảm tính, cái chân lý của thiên nhiên vẫn cứ làm cơ sở cho sự tồn tại của thần. Thần phải được tồn tại không phải chỉ trong tư duy, trong tinh thần mà cả bên ngoài tinh thần nữa, độc lập với tư duy của chúng ta, nó phải là một thực thể khác biệt với tinh thần của chúng ta, với các tư tưởng và biểu tượng của chúng ta. Việc nó là một thực thể độc lập với chúng ta, tồn tại ở bên ngoài chúng ta, có tính chất khách quan, được bật nổi lên rõ rệt hết sức. Nhưng như vậy cái chân lý về sự tồn tại cảm tính có ngay cả trong thần (trong đó, như người ta nói, phải được quên đi mọi cái cảm tính) là điều không thể thừa nhận được hay sao? Không trở thành điều đáng được thừa nhận hay sao cái ý kiến cho rằng không có một tồn tại nào cả ngoài sự tồn tại cảm tính? Có thể nào chúng ta lại có được một dấu hiệu nào khác, một tiêu chuẩn nào khác của một sự tồn tại bên ngoài chúng ta, của một sự tồn tại độc lập với tư duy, ngoài cảm tính? Chẳng phải sự tồn tại không có cảm tính chỉ là một ý nghĩ trần trụi, không có sự giải thích, cái bóng ma của cám tính hay sao? Sự tồn tại của thần (hay sự tồn tại được dưới cái dạng như người ta vẫn gán cho thần) chỉ khác biệt với sự tồn tại của những thực thể cảm tính ở bên ngoài chúng ta với một mức độ như thể bản chất của thần được phân biệt với các thực thể cảm tính theo như sự giải thích mà chúng ta vừa đưa ra. Sự tồn tại của thần được người thừa nhận, chỉ là một sự tồn tại trừu tượng hóa, là một khái niệm tồn tại có tính chất giống loài, trong đó mọi thuộc tính đặc thù hay dấu hiệu và cá thể đều đã bị loại bỏ. Sự tồn tại đó tất nhiên là có tính chất tinh thần, trừu tượng, cũng như mọi khái niệm phổ biến đều là một cái gì đó trừu tượng, một cái gì đó có tính chất tinh thần ; tuy vậy, nó không phải gì khác hơn là một sự tồn tại cảm tính và chỉ có thể quan niệm được với tư cách như thế mà thôi.

       Ở đây ta đã có được một mối giải quyết cho những khó khăn lúng túng mà khái niệm tồn tại đã gây ra cho các nhà triết học và thần học, như ta đã được thấy qua cái được gọi là “những bằng chứng” về sự tồn tại của thần, của thượng đế; ta đã có một giải đáp cho những mâu thuẫn vẫn thường được gặp trong những lối giải thích sự tồn tại của thần và trong biểu tượng về thần; bây giờ thì chúng ta hiểu được tại sao người ta gán cho thần một sự tồn tại tinh thần, nhưng đồng thời người ta lại hình dụng sự tồn tại đó như là một sự tồn tại có tính chất cảm tính, thậm chí như một sự tồn tại có nơi chốn nhất định, một sự tồn tại ở trên trời; nói tóm lại, mỗi mâu thuẫn, sự tranh chấp giữa tinh thần và cảm tính trong quan niệm về sự tồn tại của thần, tính chất hai nghĩa, tính chất không xác định, thần bí của nó, được ta giải thích một cách đơn giản bằng cái lý do là chúng đều được trừu tượng hóa, được rút ra từ sự tồn tại thực tế của các vật thể và thực thể thực, nhưng cũng chính vì vậy mà trong sự tồn tại được trừu tượng hóa đó, hình tượng của sự tồn tại cảm tính không thể nào không được lồng ở bên dưới sự tồn tại trừu tượng hóa, cũng như hình tượng của sự tồn tại cảm tính thường xuyên được lồng ở bên dưới thực thể thần linh. Nhưng, như ta đã được thấy cho đến giời, nếu như mọi thuộc tính, mọi tính chất chủ yếu hay thực tế cùng tạo thành thực thể của thần linh, đều được rút ra, vay mướn từ thiên nhiên, nếu như thực chất, sự tồn tại, các thuộc tính của thiên nhiên, nếu như thực chất, sự tồn tại, các thuộc tính của thiên nhiên là một nguyên mẫu mà con người đã theo đó tạo nên cho mình hình tượng của thần, hay, nếu đi sâu hơn, nếu như thần và thế giới, hay thiên nhiên, chỉ khác biệt với nhau như thể khái niệm có tính chất giống loài khác biệt với các cá thể, khiến cho thiên nhiên với tư cách là đối tượng của một biểu tượng cảm tính, sẽ là thiên nhiên theo nghĩa riêng của từ này, còn thần sẽ là thiên nhiên mà, có khác với cảm tính và được trừu tượng hóa từ tính vật chất về tính liên hệ của chính nó, tạo thành đối tượng của tinh thần, của tư duy; nếu như tất cả là như thế thì một điều tự nó đã rõ ràng, và do đó, cũng xem như đã được chứng minh là: thiên nhiên không phải được phát sinh từ thần, một thực thể thật không phải được phát sinh từ một thực thể trừu tượng, một thực thể vật chất, hữu hình không phải được phát sinh từ một thực thể tinh thần. Đem quy kết thiên nhiên từ thần thì cũng chả khác gì muốn quy nguyên mẫu từ hình ảnh, từ bản sao chép, muốn quy kết sự vật từ cái ý tưởng về sự vật đó.

       Điều đó có sai lầm mười mươi, thế nhưng bí quyết của thần học cũng lại cứ dựa trên sai lầm đó. Trong thần học các sự vật là cần thiết và được quan niệm như là cần thiết, không phải vì nó đang có, mà ngược lại nó có, bởi vì nó là điều cần thiết, mong muốn có, và được quan niệm là như vậy. Thế giới tồn tại vì thần nghĩ và muốn nó phải có, vì cho đến giờ thần, thượng đế vẫn nghĩ và muốn nó có. Ý niệm, tư tưởng được trừu tượng hóa không phải từ vật thể, mà ngược lại, là kẻ sáng tạo ra, là nguyên nhân của vật thể mà nó suy tư. Nhưng chính luận thuyết đó – thực chất của thần học và triết học Kitô giáo – là một điều sai lầm, trong đó cơ cấu của thiên nhiên bị đảo lộn ngược. Nhưng con người đã đi đến quan điểm sai lầm đó như thế nào? Trong khi đề cập đến vấn đề nguyên nhân đầu tiên tôi đã nói rằng con người, một cách chủ quan và với đầy đủ tư cách – ít ra vẫn có đầy đủ tư cách, chừng nào mà nó chưa thấu hiểu được hết cái bản chất riêng của mình – đã lấy giống loài, có nghĩa trong trường hợp này là cái khái niệm thuộc giống loài làm tiền đề cho các chủng loại và cá nhân, hay nếu nói theo ngôn ngữ triết học: lấy cái trừu tượng làm tiền đề cho cái cụ thể. Chính bằng cách đó đã cắt nghĩa và giải quyết được mọi sự khó khăn lúng túng và mọi mâu thuẫn thường gặp phải trong việc tạo thế và trong việc giải thích thế giới bằng thần linh.

     Nhờ có khả năng trừu tượng hóa của mình con người đã rút ra được từ thiên nhiên, từ hiện thực những gì là tương tự, bằng nhau ở các vật thể, những gì là chung cho chúng, và nó đã đem tách những cái đó ra khỏi các vật thể giống nhau hay có cùng một thực chất như nhau và biến nó thành bản chất của chúng, nhưng khác biệt với chúng, với tư cách một thực thể độc lập. Lấy thí dụ như con người đã rút ra từ các vật thể cảm tính không gian và thời gian với tư cách là những khái niệm hay hình thức phổ biến trong đó những vật thể này gặp gỡ nhau, là vì tất cả chúng đều có tính sâu rộng và đều biến đổi, tất cả đều tồn tại cái này bên ngoài cái kia và cái này sau cái kia. Cho nên mỗi điểm của trái đất đều nằm ngoài một điểm khác và mỗi điểm đang vận động của trái đất lại luân phiên xen kẽ với một điểm khác; ở nơi nào mà giờ đây một điểm này đang có mặt, thì vào một lúc sau lại hóa ra lại có mặt một điểm khác. Nhưng mặc dầu con người trừu tượng hóa không gian và thời gian từ các sự vật có tính không gian và thời gian, nhưng nó lại lấy chúng làm tiền đề cho các vật thể này, như là những nguyên nhân và điều kiện đầu tiên của sự tồn tại của chúng. Bởi vậy nó hình dung thế giới, có nghĩa một tổng thể của mọi sự vật thực tế, và vật chất, nội dung của thế giới, như được phát sinh trong không gian và trong thời gian. Ngay cả ở Hégel vật chất xuất hiện không chỉ trong không gian và thời gian mà còn cả từ không gian và thời gian. Cũng chính vì lẽ con người lấy không gian và thời gian làm tiền đề cho các sự vật trong thực tế, vì lẽ nó đem một sự tồn tại gán cho các khái niệm phổ biến được sản sinh ra từ các vật thể riêng rẽ, trong triết học – dưới dạng của các bản chất phổ biến – trong đạo nhiều thần – dưới dạng của các vị thần - , trong đạo một thần – dưới dạng của những thuộc tính riêng rẽ của thần, cho nên cũng chính vì thế mà nó biến cả không gian và thời gian thành thần hay đồng nhất chúng với thần: Ngay đến cả Newton, nhà toán học kiêm thiên văn học nổi tiếng theo đạo Kitô, cũng còn gọi không gian là tính không thể đo được của thần, là ngôi nhà cảm tính của thượng đế, có nghĩa là cơ quan mà nhờ nó thần (thượng đế) có mặt được ở mọi sự vật, nhờ nó mà thượng đế lĩnh hội được mọi sự vật. Newton cũng xem không gian và thời gian “như là kết quả của sự tồn tại của thượng đế, là vì đấng vô hạn có mặt ở khắp mọi nơi và do đ, cái không gian không thể đo được đó mới tồn tại; một đấng vĩnh cữu đã tồn tại từ vĩnh cữu, và do đó, một thời gian lâu dài vĩnh cữu quả đang tồn tại”. Ta cũng không thể hiểu được tại sao thời gian, tách rời với các sự vật của hiện thể lại không thể đồng nhất với thần linh, với thượng đế; là vì một thời gian trừu tượng trong đó không có sự khác biệt giữa cái hiện nay và cái lúc đó (là vì không có một nội dung giúp phân biệt) , chẳng làm sao phân biệt được với một sự vĩnh cữu chết, bất động. Và bản thân sự vĩnh cửu không pải gì khác hơn là khái niệm có tính chất giống loài về thời gian, một thời gian trừu tượng, một thời gian được xem như nằm ngoài sự lệ thuộc vào những khác biệt về thời gian. Ta không lấy làm lạ tại sao tôn giáo lại lấy thời gian làm một trong những thuộc tính của thần hay biến nó thành một vị thần độc lập. Cho nên vị thần Krishna của Ấn Độ trong bộ kinh Bhagavatgitā đã lấy thời gian – cố nhiên trong vô số các sự vật khác nữa – làm thần tính của mình, làm một tước hiệu vinh dự ; với những lời nói sau đây : Ta là thời gian, duy trì được tất cả và cũng phá đi được tất cả. Ở người Hi Lạp và người La Mã cũng vậy, thời gian được thần linh hóa dưới cái tên Kronos và Saturne. Còn trong tôn giáo của người Ba Tư thì Za-ru-a-no-ka-ra-na, có nghĩa thời gian không phải được tạo lập nên, đứng đầu với tư cách một thực thể vĩnh cữu, tối cao. Ở cả người Babylone lẫn người Phénicie cũng hệt như vậy: vị thần thời gian, hay như họ còn gọi, đấng chúa tể thời gian, vị vua của sự vĩnh cữu, là vị thần tối cao.

     Qua thí dụ trên chúng ta thấy được rằng con người, tương ứng với và phù hợp với bản tính của hoạt động trừu tượng hóa của nó, đã tạo nên những khái niệm phổ biến, nhưng trái với cái bản tính của các sự vật thực tế, nó đã lấy làm tiền đề cho các sự vật cảm tính những khái niệm phổ biến, những biểu tượng, hay những chiêm quan về không gian và thời gian – như Kant vẫn thường gọi chung -, với tư cách là điều kiện hay, nói cho đúng hơn, như những nguyên nhân đầu tiên và những yếu tố của sự tồn tại của chúng; nó đã làm như vậy mà không hiểu rõ một điều là trong thực tế đang diễn ra một điều ngược lại như thế là: đâu phải có các sự vật là mặc nhiên có tồn tại của không gian và thời gian, mà ngược lại, có không gian và thời gian mặc nhiên là có sự hiện diện của các sự vật, là vì không gian, hay sự trải rộng, mặc nhiên nói lên sự hiện diện của một cái gì đấy được trải mở, kéo rộng, dài ra, còn thời gian là sự vận động: vì lẽ thời gian – nó chỉ là một khái niệm được sản sinh ra từ sự vận động – mặc nhiên nói lên sự hiện diện của một cái gì đấy đang vận động. Tất cả đều có tính không gian và thời gian; tất cả đều trải mở và vận động ; đúng là phải như thế; nhưng nó trải rộng và sự vận động khác biệt khác nhau theo với mức độ mà các sự vật đang được trải rộng và đang vận động khác biệt với nhau. Mọi hành tinh đều xoay quanh mặt trời, nhưng mỗi một hành tinh đều có sự vận động riêng của nó, hành tinh này thì xoay trong một thời gian ngắn, hành tinh kia thì xoay trong một thời gian dài hơn: càng gần mặt trời hơn thì càng xoay nhanh, càng xa nó thì lại càng xoay chậm hơn. Mọi loài vật đều vận động, mặc dầu không phải tất cả đều di chuyển từ nơi này sang nơi khác; nhưng sự vận động đó mới vô cùng nhiều loại nhiều vẻ làm sao. Và mỗi dạng vận động tương ứng với một cơ cấu, một lối sống, nói tóm lại, với một bản chất cá thể của sự vận động. Tôi sẽ bắt đầu giải thích và rút ra tính chất nhiều loại nhiều vẻ đó của thời gian và không gian như thế nào đây, từ chỉ độc một tính mở rộng và sự vận động ? Là vì tính trải mở rộng và sự vận động lại tùy thuộc vào một cái gì đó, vào vật thể, vào cái thực thể được trải mở và đang vận động. Cho nên cái mà đối với con người, hay ít ra đối với hoạt động trừu tượng hóa của nó, là đầu tiên, thì đối với thiên nhiên hay trong thiên nhiên lại là cái đến sau; nhưng vì lẽ con người đem biến cái chủ quan thành khách quan, có nghĩa, biến những gì đối với nó là hàng đầu thành cái đầu tiên, hàng đầu ở trong đó, hoặc theo bản tính của nó; cho nên nó cũng đem biển không gian thành những bản chất cơ bản đầu tiên của thiên nhiên, đem biến cái chung, có nghĩa cái trừu tượng, thành thực thể cơ bản của thiện thực; do đó, nó cũng biến cái thực thể có được những khái niệm phổ biến, cái thực thể biết suy nghĩ, cái thực thể tinh thần, thành thực thể đầu tiên, cái thực thể mà không những về thứ bậc mà cả về thời gian có trước mọi thực thể còn lại và là cơ sở nguyên nhân của mọi thực thể.

      Vấn đề thượng đế có sáng tạo ra thế giới hay không, vấn đề nói chung về mối quan hệ giữa thượng đế và thế giới, là vấn đề về mối quan hệ giữa cái tinh thần với cái cảm tính, giữa cái phổ biến hay trừu tượng với cái thực, giữa giống loài và các cá nhân; bởi vậy không thể giải quyết được một vấn đề mà lại không giải quyết một vấn đề khác; là vì thần không phải gì khác hơn là tổng thể của mọi khái niệm thuộc giống loài. Quả thật, tôi vừa mới giải thích vấn đề đó, bằng cách lấy ra khái niệm không gian và thời gian, nhưng vấn đề này còn cần phải được luận bàn sâu hơn nữa. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng: vấn đề này thuộc vào cái số những vấn đề quan trọng nhất và đồng thời cũng là khó khăn, nan giải nhất của nhận thức nhân loại và của triết học; và ta đã thấy rõ ràng qua đó, một điều là toàn bộ lịch sử triết học, thực ra mà nói, đang xoay quanh vấn đề này; rằng cuộc tranh luận giữa phái khắc kỷ và phái Epicure, phái Platon và phái Aristote, phái hoài nghi và phái giáo điều trong triết học cổ đại, phái duy danh và duy thực triết học trung đại, phái duy tâm và duy thực hay phái kinh nghiệm trong thời cận kim, hết thảy các cuộc tranh luận đó đều hoàn toàn quy tụ lại ở vấn đề này. Nhưng đấy là một trong những vấn đề khó khăn nhất không phải vì những nhà triết học (và cụ thể là những nhà triết học thời cận kim) đã mang vào trong đề tài này một nguồn thức ăn bất tận bằng lối sử dụng từ ngữ hết sức tùy tiện, mà còn bởi vì bàn tính của ngôn ngữ, bản tính của ngay tính tư duy – mà tư duy thì không thể nào tách rời với ngôn ngữ – đang cầm tù chúng ta và làm cho ta rối tung rối mù lên, là vì mỗi một từ ngữ phản ánh một cái gì đó có tính chất chung, phổ biến và vì vậy nhiều người cứ thấy dường như ngôn ngữ, không cho phép ta biểu đạt lên một cái gì đó có tính chất đơn nhất cả và như là một bằng chứng để nói lên tính chất vô nghĩa của cái đơn nhất và cái cảm tính mà thôi. Cuối cùng, sự khác nhau giữa con người về tinh thần, về công việc của họ, về các thiên hướng và năng khiếu, và ngay cả về khí chất của họ, cũng ảnh hưởng một cách căn bản đến vấn đề này và đến cách giải quyết nó. Lấy thí dụ như con người ta vẫn dành nhiều thì giờ cho thực tiễn đời sống hơn là các công việc bàn giấy, vẫn thích thiên nhiên hơn là các thư viện ; những người mà công việc và thiên hướng của họ lôi cuốn họ vào sự quan sát, thưởng ngắm các thực thể thật, sẽ luôn luôn giải quyết vấn đề này theo tinh thần của phái duy danh, và chỉ thừa nhận là phổ biến sự tồn tại chủ quan, sự tồn tại trong ngôn ngữ, trong các biểu tượng của con người mà thôi ; ngược lại, những người mà công việc và tính chất trái lại thì sẽ giải quyết vấn đề trên theo một lý lẽ trái ngược lại, theo tinh thần của phái duy thực, chỉ thừa nhận là phổ biến sự tồn tại độc lập của một sự tồn tại không phụ thuộc vào tư duy và ngôn ngữ của con người.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt