Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất tôn giáo: Bài giảng thứ mười một

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ MƯỜI MỘT

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  
                               

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ mười một”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Lê Trần Anh Thư thực hiện.


 

NỘI DUNG

Tính chất chính yếu và trực tiếp của thiên nhiên với tư cách là cơ sở cho việc thần thánh hóa nó. – Tính chất trực tiếp của thiên nhiên theo nghĩa chính xác của từ này, nằm ngoài mọi giả thuyết, ngoài mọi sự lệ thuộc vào cái siêu nhiên, siêu cảm giác. – Quan điểm của đạo nhiều thần và đạo Kitô về thiên nhiên, nguyên nhân đầu tiên. – Nguyên nhân đầu tiên và con người đầu tiên. – Mọi nguyên nhân quy định sự lệ thuộc của con người, bao giờ cũng được xác định trong không gian, và về chất lượng, chứ không phải “những nguyên nhân nói chung”: trái đất và tính chất xác định đặc biệt của nó. – Sự chứng minh bằng vũ trụ luận và sự tồn tại của Thượng đế. – Sự thống nhất thần thánh và tính đa tạp trong thuyết đa thần. – Những thủ pháp tư duy giản lược trong khi hình thành các khái niệm. – Cái điều ảo tưởng trong khi giả định có một nguyên nhân “đầu tiên”.

 

 

Tôi đã có trình bày rõ rằng ý nghĩa của những tiết được dùng làm nội dung cho các bài giảng này chỉ độc nhằm để biện minh, luận chứng một cách khoa học cho cái điều mà lý trí lành mạnh của người cổ xưa (và cho đến cả các dân tộc nguyên thủy còn sống ngày nay) đã thể hiện lên trong thực tế, nếu như không phải một cách tự giác, trong khi họ tôn thờ thiên nhiên với tư cách là một đấng thần linh; và cụ thể để biện minh, luận chứng rằng thiên nhiên là thực thể đầu tiên, có tính chất cơ sở, tự phát. Nhưng trước hết tôi cần phải thanh toán cho xong hai ý kiến phản đối.

        Thứ nhất, người ta có thể phản đối tôi: làm sao ngài là một kẻ không có đức tin lại muốn biện minh cho tôn giáo tự nhiên? Có phải do đó mà ngài đang đứng trên quan điểm (đã từng bị ngài phê phán nghiêm khắc đến thế) của những nhà triết học đang biện minh cho biểu trưng của đức tin Kitô giáo, chỉ có khác một điều là ngài thì lại muốn biện minh cho được tín điều của tôn giáo tự nhiên, cho niềm tin vào thiên nhiên mà thôi? Tôi xin trả lời cho ý kiến phản đối nà : đối với tôi thiên nhiên là có đầu tiên, hoàn toàn không phải vì tôn giáo tự nhiên đã nhìn và tôn thờ nó như thế, mà ngược lại thế thì đúng hơn; chính vì nó là cái có đầu tiên, trực tiếp nên tôi mới kết luận rằng nó cần phải được quan niệm, hình dung nên như vậy đối với cái ý thức đầu tiên, trực tiếp, và do đó, gần gũi với thiên nhiên, của các dân tộc. Hay nói một cách khác: cái sự kiện con người tôn thờ thiên nhiên như một vị thần tuyệt nhiên không được tôi đồng thời đem dùng làm bằng chứng để chứng minh tính có thật của cái ý thức làm cơ sở cho sự kiện nói trên; nhưng tôi tìm thấy ở trong sự kiện đó một sự xác nhận cho cái ấn tượng mà thiên nhiên đã tạo nên ở tôi, như là trên một thực thể cảm tính; tôi tìm thấy ở trong đó một sự xác nhận cho những lý do đã thúc đẩy tôi, với tư cách là một con người có trí tuệ, nắm được tri thức triết học, đã gán cho thiên nhiên nếu không phải một tầm quan trọng như tôn giáo tự nhiên đã gán cho nó – là vì tôi không hề thần thánh hóa và do đó, cũng không thần thánh hóa thiên nhiên – thì dù thế nào đi nữa cũng là một tầm quan trọng tương tự, giống thế, chỉ có thay đổi khác đi nhờ có các khoa học tự nhiên và triết học mà thôi. Tất nhiên tôi có cảm tình với những kẻ tôn thờ thiên nhiên bằng đạo giáo; tôi là một kẻ bái phục và tôn thờ thiên nhiên một cách nồng nhiệt; tôi hiểu được không phải từ sách vở, không phải dựa trên cơ sở những bằng chứng khoa học, mà bằng những biểu tượng và ấn tượng trực tiếp của tôi về thiên nhiên, rằng các dân tộc cổ xưa và thậm chí cả các dân tộc ngày nay đều có thể tôn thờ nó như là thần. Và ngay giờ đây tôi vẫn còn thấy được trong cảm giác của tôi, còn cảm thấy được trong tim tôi sức xâm chiếm, tràn ngập của thiên nhiên, giờ đây tôi vẫn tìm thấy được trong đầu óc tôi những lý lẽ bênh vực tính thần thánh của nó hay sự thần thánh hóa nó. Từ đó tôi đi đến kết luận rằng: bởi lẽ những kẻ sùng bái mặt trời, lửa và sao cũng là những con người như tôi, nên cũng những lý do giống như của tôi đã thúc đẩy họ đi đến chỗ thần thánh hóa thiên nhiên (mặc dầu chúng đã được biến dạng để phù hợp theo với quan điểm của họ). Tôi không hề rút ra những kết luận, như những nhà sử học vẫn thường làm, từ quá khứ đến hiện tại, mà chúng đã kết luận từ hiện tại đến quá khứ. Tôi coi hiện tại là chiếc chìa khóa để hiểu quá khứ chứ không phải ngược lại, dựa trên một lý do đơn giản sau đây: do bởi tôi thường xuyên ước đạt, đánh giá, nhận thức quá khứ chỉ độc từ quan điểm hiện tại – cho dù chỉ là một cách không tự giác mà là tự phát – cho nên mỗi thời kỳ lại có một lịch sử khác về quá khứ, mặc dầu cái quá khứ đó tự bản thân nó đã chết và không thay đổi. Bởi vậy tôi thừa nhận tôn giáo tự nhiên không phải vì nó có một uy lực bên ngoài đối với tôi. Mà chỉ độc bởi một lẽ là ngay giờ đây tôi vẫn tìm thấy trong chính bản thân mình những lý do của nó, những lý do mà ngay hiện nay hẳn đã biến tôi thành một con người thánh hóa thiên nhiên, nếu như quyền lực của tôn giáo tự nhiên không bị lùi bước trước quyền lực của nền văn hóa, của các khoa học tự nhiên, của triết học, Điều đó nói ra nghe có vẻ như táo tợn; quả thật vậy nhưng những gì mà con người không hiểu được từ chính bản thân nó thì nó sẽ hoàn toàn không hiểu được. Kẻ nào không cảm thấy được tự bên trong mình và trên bản thân mình tại sao con người ta lại có thể thần thánh hóa mặt trời, mặt trăng, cây cỏ và loài vật, thì kẻ đó sẽ không hiểu được sự kiện lịch sử về sự thần thánh hóa thiên nhiên, cho dù anh ta có đọc và viết ra cả một đống sách nói về tôn giáo tự nhiên.

          Ý kiến phản đối thứ hai là như thế này: ngài nói về thiên nhiên nhưng không cho chúng tôi một định nghĩa xem thiên nhiên là cái gì, không nói cho chúng tôi ngài hiểu thiên nhiên là cái gì vậy. Spinoza gán cho các từ “thiên nhiên” hay “thần” một nghĩa giống như nhau. Phải chăng ngài đã dùng từ đó theo một nghĩa không xác định, trong đó ngài có thể dễ chứng minh với chúng tôi rằng thiên nhiên là một thực thể có đầu tiên, đồng thời ngài không hiểu thiên nhiên là một gì khác hơn là thần? Tôi xin trả lời ý kiến trên bằng một vài lời: tôi hiểu thiên nhiên là tổng thể của mọi lực lượng, sự vật và sinh vật cảm tính mà con người phân biệt với bản thân mình như là những cái không thuộc con người ; nói chung, như tôi đã có phát biểu ở một trong số các bài giảng đầu tiên, cũng như Spinoza, tôi hiểu thiên nhiên không phải là một thực thể sống và hành động, do được phú cho một ý chí và lý tính, với tư cách là một vị thần siêu nhiên, mà chỉ là một thực thể đang tác động theo tới tính tất yếu thuộc bản chất của nó ; tuy nhiên, đối với tôi nó không phải là một vị thần, như thể đối với Spinoza, có nghĩa nó không phải đồng thời là một thực thể siêu nhiên, siêu cảm tính, trừu tượng, vừa bí hiểm vừa đơn giản mà là một thực thể đa dạng, dễ hiểu đối với con người, thực tế, có thể lĩnh hội bằng các cảm giác. Hay, nếu ta xét từ ngữ đó trên một cách trực tiếp, cảm tính đối với con người, như là cơ sở và đối tượng của đời sống của nó – và hoàn toàn độc lập với những điều mê hoặc siêu nhiên của đức tin thần luận. Thiên nhiên là ánh sáng, điện, từ tinh, không khí, nước, lửa, đất, hoặc vật, cây cỏ, con người (trong chừng mực nó là một sinh vật hành động một cách tự phát và không tự giác). Tôi hiểu từ “thiên nhiên” không phải một gì khác hơn thế nữa, không phải là một cái gì có tính chất thần bí, không phải là một cái gì lờ mờ khó hiểu, không phải là một cái gì có tính chất thần học. Bằng từ đó tôi muốn hướng về các cảm giác. Một người xưa có nói: Jupiter là tất cả những gì mà nhà ngươi nhìn thấy; còn tôi nói: thiên nhiên là tất cả những gì mà nhà ngươi nhìn thấy và những gì không phải là sự nghiệp của bàn tay và ý nghĩ của con người. Hay, nếu như ta nghiên cứu kỹ cơ chế của thiên nhiên, thiên nhiên là một thực thể hay một tổng thể của các sinh vật và sự vật mà sự xuất hiện, sự phát lộ hay tác động (trong đó được bộc lộ ra và tồn tại cái thực tại của nó) có cơ sở của chúng không phải trong các ý nghĩ hay dự tính và quyết định của ý chí mà là trong các lực lượng hay nguyên nhân thiên văn học hay vũ trụ học, cơ học, hóa học, lý học, sinh lý học hay hữu cơ.

         Nội dung của các tiết 6 và 7 (được tôi lấy làm đề tài cho bài giảng này của tôi) là bênh vực và biện minh cho những người theo đạo nhiều thần, bênh vực họ chống lại những lời trách cứ của những người theo đạo Kitô, và nó có liên quan đến một ý kiến được phát biểu trước đây; ý kiến đó cho rằng đạo Kitô khác biệt với đạo nhiều thần không phải trong nguyên lý của nó, không phải về dấu hiệu phân biệt thần linh, mà chỉ ở chỗ Kitô giáo có vị thần của nó không phải là một vật xác định của thiên nhiên, cũng không phải thiên nhiên nói chung, mà là một thực thể khác biệt với thiên nhiên. Những người theo đạo Kitô, hay ít ra cũng là những kẻ sáng suốt trong bọn họ, đã công kích những người theo đạo nhiều thần không phải về việc họ đã vui mừng phấn khởi trước vẻ đẹp và đáng yêu của thiên nhiên, mà là về việc họ đã quy nguyên nhân của chúng cho bản thân thiên nhiên, về việc họ đã ngợi ca đất, nước, lửa, mặt trời, mặt trăng về các đặc tính tốt lành mà chúng mang lại, trong khi thực ra họ chỉ nhận được các đặc tính đó từ một đấng sáng tạo ra thiên nhiên, và cũng có nghĩa, đấng đó là kẻ duy nhất cần phải được tôn thờ, khiếp sợ và ngợi ca. Thực ra, đất, nước, là nguyên nhân của việc loài vật và cây cỏ đã tồn tại được, mà đến lượt nó con người sống được cũng là nhờ có các thứ trên, nhưng đấy chỉ là những nguyên nhân phụ, những nguyên nhân đích thức, đấy là nguyên nhân đầu tiên. Tôi đã bênh vực những người theo đạo nhiều thần chống lại những lời cáo buộc trên, trong đó thoạt đầu tôi còn để ngõ vấn đề là có hay không có một nguyên nhân đầu tiên như những người theo đạo Kitô quan niệm; tôi đã bênh vực bằng một thí dụ, hay nói cho đúng hơn, bằng một sự so sánh lấy từ phạm vi của các khái niệm của Kitô giáo. Adam là con người đầu tiên; ông ta nằm trong đội ngũ những con người cũng giống như thể nguyên nhân đầu tiên nằm trong số những nguyên nhân tự nhiên hay các sự vật tự nhiên; cha mẹ, ông bà của tôi, v.v… cũng đều là con cháu của Adam hết thảy, cũng như thể những nguyên nhân trong thiên nhiên đều là những tác động của nguyên nhân đầu tiên; chỉ có Adam là không có cha cũng như nguyên nhân đầu tiên không có nguyên nhân. Ấy thế nhưng tôi không tôn thờ và yêu Adam như cha tôi; Adam bao trùm mọi con người, ở ông ta đã bị nhổ bỏ sạch mọi cá tính; Adam là cha của người da đen lẫn người da trắng, của người Slaves lẫn người Germains, của người Pháp lẫn người Đức; mà tôi thì lại không phải là một con người nói chung; sự tồn tại của tôi, con người của tôi mang tính cá thể, tôi thuộc chủng tộc Caucasienne và trong đó, một lần nữa tôi lại thuộc một nhánh nhất định, thuộc tập thể tộc hệ Đức. Nguyên nhân của con người tôi, vì sự cần thiết và tự bản thân nó đã mang tính cá thể, xác định và cụ thể đấy là cha mẹ; ông bà, tóm lại những thế hệ hay con người gần với tôi nhất. Nếu tôi ngoảnh lại nhìn xa hơn lùi lại sau, thì tôi sẽ mất hút mọi dấu vết của sự tồn tại của tôi; tôi không tìm thấy những đặc tính mà từ đó tôi có thể suy ra những đặc tính của chúng tôi. Con người của thế kỷ XVII, trong vô luận trường nào đi nữa, cho dù thời gian không phân cách nó, vẫn không thể là cha của con người ở thế kỷ XIX, là vì quảng cách về mặt chất lượng, sự khác biệt trong phong tục, thói quen, quan niệm, hướng suy nghĩ, được phản ánh ngay ra cả ở thể chất, tất cả đều quá lớn. Bởi vậy, cũng như trong sự thờ phụng của mình con người dừng lại ở các tổ tiên gần nhất của mình, xem đấy như là nguyên nhân tồn tại của mình, chứ không lần lên đến tận ông tổ đầu tiên, là vì nó sẽ không tìm thấy được ở vị tổ đầu tiên đó cái cá tính mà nó đã có và được hình dung không tách rời với nó; thì cũng hệt như vậy, con người sẽ dừng lại ở các thực thể tự nhiên cảm tính, xem như đấy là những nguyên nhân tồn tại của mình. Tôi là cái mà tôi hiện đang có chỉ trong một thiên nhiên nhất định, trong một thiên nhiên như nó được thấy hiện giờ, như nó vốn có ở ký ức của con người. Tôi chỉ nhờ vào những thực thể mà tôi nhìn thấy được, cảm thấy được – hay nếu như bản thân tôi không nhìn thấy và cảm thấy được chúng thì tự bản thân chúng cũng vẫn cứ là những thực thể có thể nhìn thấy, cảm thấy hay vẫn có thể lĩnh hội được một cách như thế nào đó khác hơn – tôi chỉ nhờ chúng mà có được sự tồn tại của tôi, tôi, cái kẻ đang tự hình dung mình là một sinh vật cảm tính mà nếu không có cảm giác thì sẽ đắm chìm vào sự phi tồn tại. Nếu như thiên nhiên này đã được tạo ra, nếu như có một thiên nhiên thuộc loại khác hay tính cách khác trước thiên nhiên này, thì tôi vẫn cứ chỉ nhờ vào cái thiên nhiên thuộc loại này và tính cách này mà có được sự tồn tại của tôi mà thôi, đấy là cái thiên nhiên trong đó tôi đang sống và tính cách của sự tồn tại của tôi cũng đang hòa hợp với tính chất của nó. Và nếu cứ thử giả dụ như có một nguyên nhân đầu tiên theo nghĩa thần học thì đầu tiên hết vẫn cứ phải có mặt trời, đất, nước, nói tóm lại là phải có thiên nhiên, và là cái thiên nhiên thuộc loại này đây, trước khi tôi sinh ra đời; là vì nếu không có mặt trời, không có đất thì bản thân tôi cũng không là gì cả; sự tồn tại của tôi mặc nhiên nói lên sự tồn tại của thiên nhiên trước đó.

           Tôi phải vượt ra ngoài giới hạn của thiên nhiên để làm gì? Tôi hẳn có cái quyền làm điều đó nếu như tôi là một thực thể đứng lên trên thiên nhiên. Nhưng tôi rất ít đỗi là một thực thể siêu nhiên thậm chí cũng không phải cả một thực thể “siêu” hay đứng trên mặt đất: là vì đất là thước đo, là tiêu chuẩn tuyệt đối của con người tôi; tôi không chỉ đứng bằng đôi chân trên mặt đất, mà tôi còn nghĩ và cảm chỉ trên quan điểm của trái đất, tương ứng với cái vị thế mà quả đất chiếm giữ ở trong vũ trụ; nhưng tôi nhìn thấy mọi vật dưới ánh sáng và trong phạm vi của mặt đất. Nói tóm lại, việc tôi là một sinh vật của trái đất, việc tôi không phải là một người sống trên sao Kim, sao Thủy (Mercure), sao Thiên vương (Uranus), đã tạo nên, như lời của các nhà triết học, cái bản thể (substance) của tôi, cái thực chất cơ bản của tôi. Do đấy, nếu như trái đất đã được xuất hiện, thì tôi vẫn cứ nhờ vào một mình nó, nhờ vào sự tạo thành của nó mà thôi để có được sự xuất xứ, phát sinh của tôi; bởi vì chỉ có sự tồn tại của trái đất mới là cơ sở tồn tại của con người, chỉ có thực thể của nó mới là cơ sở tồn tại của con người. Trái đất là một hành tinh, con người là một sinh vật của một hành tinh, một sinh vật mà cuộc sống của nó chỉ có thể có được và được thực nghiệm trong giới hạn của cuộc sống của hành tinh mà thôi. Nhưng trái đất có khác với những hành tinh khác. Sự khác biệt đó của nó là một chứng minh vững chắc cho cái bản chất độc đáo; độc lập, cái cá tính của nó, và cá tính này là cái thực chất đầy ý nghĩa của trái đất. Nếu như chúng ta cho (và hoàn toàn có quyền cho như thế) rằng cũng vẫn chỉ cùng một nguyên nhân, một sức mạnh cho bản thể đã tạo nên các hành tinh, thì cái lực mà do từ tác động của nó Trái Đất đã được hình thành nên vẫn cứ khác hơn là cái lực mà nhờ vào tác động của nó sao Thủy hay sao Thiên Vương đã được tạo thành; có nghĩa đó là một lực được xác định một cách hết sức riêng biệt đã khiến cho, từ kết quả tác động của nó, ta đã có được chính hành tinh này (Trái Đất), chứ không phải một hành tinh nào khác. Cái nguyên nhân mang tính cá thể đó mà ta không thể nào đem phân tách ra khỏi Trái Đất, chính nhờ nó mà con người có được sự tồn tại của mình. Cái hích có tính chất cách mạng đã đem tách Trái Đất ra khỏi cái dung dịch thần bí trong cái chất cơ bản chung của Mặt trời, các hành tinh và sao Chổi, là cả một cuộc cách mạng, và, như Kant từng phát biểu lên trong lý luận về bầu trời xuất sắc của ông, cuộc cách mạng này có cơ sở của nó trong “sự khác nhau của các loại nguyên tố”; sự tách lìa hay cái hích đó chính là cái điều mà từ đó đã được phát sinh ra sự tuần hoàn của máu chúng ta và những dao động của các dây thần kinh của chúng ta cho đến tận bây giờ. Nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân phổ biến, nguyên nhân của mọi sự vật không phân biệt; nhưng nguyên nhân sản sinh ra tất cả mọi cái không phân biệt, kỳ thực không sản sinh ra gì cả, nó chỉ là một khái niệm, một thực thể chỉ có trong ý nghĩ, chỉ có một ý nghĩa lô-gích và siêu hình mà thôi, chứ tuyệt nhiên không có giá trị vật chất, hữu hình; nó là một thực thể mà tôi, một con người mang tính cá thể nhất định, nhất quyết không thể nào tự do suy đoán ra bản thân mình được. Bằng cái nguyên nhân đầu tiên – tôi luôn luôn xin nói thêm: đầu tiên “theo nghĩa của các nhà thần học”, người ta muốn đặt một giới hạn cho sự vận động của các nguyên nhân đến vô hạn. Ta có thể cắt nghĩa sự vận động của các nguyên nhân đến vô hạn tốt hơn hết là dựa trên thí dụ đã dẫn về gốc tích của loài người. Tôi có cha tôi là nguyên nhân của sự tồn tại của tôi, cha tôi lại có ông tôi, v.v… nhưng tôi có thể đi đến vô hạn không? Có phải bao giờ con người cũng sản sinh ra đời con người chăng? Tôi có giải quyết được bằng cách đó vấn đề gốc tích của con người chăng, hay tôi chỉ triển hoãn việc giải quyết nó với việc cứ xê dịch lần từ người cha này đến người cha kia chăng? Tôi có nên đi sát gần lại với người đầu tiên hay cặp vợ chồng đầu tiên của con người chăng? Nhưng cặp đó xuất hiện từ đâu ra?

         Nhưng vấn đề được đặt ra cũng đúng hệt như vậy với tất cả mọi sự vật và con người khác đang tạo thành cái thế giới cảm tính. Có cái này mặc nhiên phải có cái kia; cái này phụ thuộc vào cái kia; mọi sự vật và sinh vật đều phải tận cùng, mọi cái đều phát xuất từ một cái khác. Nhà thần luận đặt ra câu hỏi: nhưng vậy thì cái đầu tiên trong dây chuyền đó, trong cái loạt đó là gì vậy? Bởi vậy chúng ta phải làm một bước nhảy ra khỏi cái hàng, dãy đó để đi đến cái gì là đầu tiên; cái điều đầu tiên này, bản thân nó không có khởi đầu, nhưng lại là khởi đầu của mọi sự vật được phát sinh; bản thân nó không có kết thúc hay vô tận, nhưng lại là cơ sở của mọi thực thể hữu hạn, có kết thúc. Đấy là một trong những bằng chứng để chứng minh sự tồn tại của thần, một trong những bằng chứng mà người ta gọi là thuộc vũ trụ luận và thường được người ta diễn đạt một cách khác nhau, chẳng hạn như nói: tất cả những gì hiện có, hay là cái thế giới, đều biến dịch, đổi thay, tạm thời, đều có nguồn gốc phát sinh của nó, đều là ngẫu nhiên; nhưng có cái ngẫu nhiên mặc nhiên cũng phải có cái tất yếu, có cái hữu hạn tất phải có cái vô hạn, có cái tạm thời tất phải có cái vĩnh cữu; cái vô hạn, bất tận đó, cái vĩnh cữu đó là thần. Hoặc người ta còn có thể nói như sau: tất cả những gì hiện có, tất cả những gì là cảm tính, có thực, đều là nguyên nhân của những hành động nhất định, nhưng là một nguyên nhân mà chính bản thân nó lại là kết quả của những hành động khác, bản thân nó, đến lượt mình, lại có một nguyên nhân, v.v… bởi vậy một nhu cầu cần thiết của lý tính của chúng ta là rốt cuộc phải dừng lại ở một nguyên nhân mà bên sau nó không còn có một nguyên nhân nào nữa, một nguyên nhân không bị gây nên bởi tác động của một ai khác nữa, một nguyên nhân cho chính nó mà tự bản thân nó. Bởi vậy nên những nhà triết học và thần học thời cổ xưa đã định nghĩa cái hữu hạn, không phải là thần thánh, như là một cái gì phát sinh từ một cái khác, còn cái vô hạn, thần thánh, như là một cái được phát sinh từ hay do chính bản thân nó.

         Nhưng ta có thể nêu lên một nhận xét sau đây nhằm chống lại kết luận trên. Nếu việc xê dịch các nguyên nhân cho đến bất tận trong vấn đề nguồn gốc phát sinh của con người, và cả của trái đất, nếu như việc đó có mâu thuẫn với lý trí và nếu như chúng ta không thể đem suy bất kỳ trạng thái nào của trái đất từ trạng thái có trước đó của nó, mà cuối cùng cứ phải tiếp cận đến cái điểm khi mà con người phát xuất từ thiên nhiên, còn trái đất thì từ cái khối hành tinh hay từ cái khối nền tảng mà ta muốn gọi tên là gì cũng được; thì trong vô luận trường hợp nào, sự xê dịch đó cũng không hề mâu thuẫn với lý tính chút nào, cái lý tính được hình thành trên cơ sở quan niệm về thế giới, nó không mâu thuẫn khi mà sự xê dịch đó có liên quan hay được áp dụng đối với thiên nhiên hay với giới giới nói chung. Chỉ sự hạn chế của con người và thiên hướng của nó muốn đơn giản hóa cho tiện việc, mới khiến nó đem một trạng thái không có khởi đầu thay thế vào sự vĩnh cữu của thời gian, và sự vận động không ngừng từ nguyên nhân này đến nguyên nhân khác, đem một vị thần bất động thay thế vào một thiên nhiên không biết mệt mỏi, một sự đứng im vĩnh viễn thay thế vào sự vận động không ngừng. Quả thực, đối với tôi, một kẻ chỉ có quan hệ với cái hiện tại, tôi thấy thực là điều ngu ngốc, vô ích, vô vị và thậm chí không thể có được nếu ta nghĩ ra, hay chỉ hình dung không thôi, tính chất vô thủy vô chung của thế giới; nhưng sự cần thiết phải chấm dứt cái hành trình dai dẳng bất tận đó – sự cần thiết đó đang tồn tại đối với tôi – vẫn chưa phải là một bằng chứng để nói lên rằng bước đường dong duổi đó bị đứt đoạn, rằng có một sự khởi đầu thực và một sự tận cùng thực. Ngay trong phạm vi của những hiện tượng được phản ánh vào ý thức của con người, ngay trong cả những hiện tượng do chính con người gây nên, chúng ta cũng có thể quan sát thấy một hiện tượng là: con người – một phần quả do ngu dốt, nhưng một phần cũng có khát vọng muốn chấm dứt và giản lược cho tiện việc – đã làm đứt đoạn các nghiên cứu về lịch sử: thay vì nhiều tên tuổi, nhiều nguyên nhân mà thường ta thấy quá dài và quá nặng nhọc để theo dõi mãi chúng và chúng thường lọt khỏi tầm mắt của con người, con người đã đem đặt vào đó một nguyên nhân, một cái tên mà thôi. Cũng giống như thể con người đã lấy tên của một cá nhân nào đó đặt cho một phát sinh nào đó, cho một nhà nước được thành lập, cho một thành phố được xây cất, cho sự xuất hiện của một dân tộc, mặc dầu cả một loạt tên tuổi và cá nhân vô danh đã tham gia vào trong đó, thì cũng hệt như vậy, người ta đã đem tên một vị thần đặt làm vị chúa tể đứng đầu thế giới; cũng như, với cùng một lý do như vậy, mọi nhà phát minh, mọi người thành lập các thành thị và nhà nước đều được coi một cách rành rọt như là những vị thần. Vì vậy đa số các tên tuổi của những nhân vật lịch sử hay thần thoại, những vị anh hùng và những vị thần đều là những tên tập thể, nhưng sau đó trở thành những tên riêng. Ngay bản thân từ ngữ “thần” buổi thoạt đầu, cũng như mọi tên, cố nhiên, không phải là một tên riêng, mà chỉ là một tên chung, của toàn thể hay của một bộ tộc, một dòng họ. Ngay trong Kinh thánh, từ Hi Lạp theos và từ Do Thái elohim đều được dùng để chỉ những sự vật khác ngoài các thần. Cho nên, các vương hầu và những nhân vật đứng đầu vẫn được gọi là những vị thần, quỷ thần được xem là thần của cái thế giới này, ngay đến cái bụng cũng được gọi là thần của con người, hay ít ra, của một số người; đến ngay Luther cũng phải đến phát hoảng về cái đoạn nói đó trong Kinh thánh. Ông nói: “Có người nào từng một lúc nào đó nghe người ta nói môt điều như thế vầy: rằng cái bụng là thần? Nếu như trước đây thánh Paul đã không nói như vậy thì tôi hẳn không dám nói như vậy, là vì tôi chưa từng thấy những lời lẽ nào nhục nhã hơn thế. Chẳng phải là điều thực đau xót sao khi lời chiếc bụng bẩn thỉu, hôi thối, đáng sỉ nhục kia, lại có thể được gọi tên là thần?”

         Và ngay trong định nghĩa triết học nêu lên rằng thần là một thực thể hiện thực nhất, có nghĩa hoàn thiện nhất, là tổng thể của mọi sự hoàn thiện, thì thần, nói cho đúng ra là một cái tên, một danh từ tập thể; là vì chỉ cần tôi đem tách ra, từ những đặc tính khác nhau được tập trung lại ở thần, những sự khác nhau của chúng, là chúng đủ gây nên ngay ở tôi cái ấn tượng của những sự vật hay con người khác nhau, là tôi thấy được ngay rằng chữ thần cũng thiếu xác định và cũng là một từ tập thể hay tập hợp giống như thể từ rau cỏ, hạt, hay nhân dân chẳng hạn.

         Quả thật vậy, bản thân mỗi đặc điểm của thần đã là một vị thần, như thần học hay triết lý thần học đều khẳng định như thế; mỗi một đặc điểm của thần vì vậy có thể đem đặt thay vào thần. Ngay trong đời sống hằng ngày thay vì thần, người ta nói: sự nhìn thấy trước được của thần, sự khôn ngoan sáng suốt của thần, sức mạnh toàn năng của thần. Nhưng những đặc điểm của thần có một bản chất hết sức khác nhau và thậm chí mâu thuẫn, trái ngược nữa. Ở đây chúng ta chỉ giới hạn trong việc phân tích những đặc điểm, những thuộc tính phổ thông nhất mà thôi. Sự hùng mạnh, sự sáng suốt, sự tốt bụng, sự công bằng, đều mới khác nhau làm sao? Người ta có thể hùng mạnh nhưng không sáng suốt và có thể sáng suốt nhưng lại không có sức mạnh, có thể tốt bụng nhưng không công bằng và công bằng mà không có lòng tốt, Fiat justicia, pereat mundus (cần phải thực thi công lý cho dù thế giới có phải diệt vong); thế giới có thể bị hủy diệt, miễn là jus (luật lệ), miễn là luật pháp duy trì được ý nghĩa của nó; đó là câu châm ngôn của pháp chế, của sự công bằng; nhưng trong câu nói đó tiêu biểu cho hoạt động tư pháp, không có – và đây là điều không thể nghi ngờ gì nữa – một chút lòng tốt và ngay cả sự sáng suốt nào cả; là vì không phải con người tồn tại cho sự công bằng và cho luật pháp, mà là luật pháp tồn tại cho con người. Bởi vậy, nếu như tôi quan niệm sức mạnh của thần, một sức mạnh mà nếu muốn, nó có thể hủy diệt tôi, hay hình dung sự công bằng của thần chỉ theo nghĩa của câu châm ngôn mà ta vừa dẫn bên trên, thì tôi ắt sẽ hình dung ở dạng thần một thực thể hoàn toàn khác, tôi quả sẽ có một vị thần hoàn toàn khác hơn là khi tôi hình dung thần là sự tốt bụng. Cho nên sự khác nhau giữa thuyết nhiều thần và thuyết một thần hoàn toàn không lớn đến mức như ta tưởng? Ngay trong một vị thần duy nhất cũng có nhiều thần do bởi có nhiều đặc điểm, thuộc tính của nó và thuộc nhiều loại, vẻ khác nhau. Sự khác nhau cũng không lớn hơn là sự khác nhau có giữa từ tập hợp và tập thể. Hay, đúng hơn, nó là như thế này: trong thuyết nhiều thần, thần – có tính chất rõ ràng, lộ liễu – chỉ là một từ tập hợp; còn trong thuyết một thần, mọi dấu hiệu cảm tính đều rơi rụng, tan biến mất, tính chất dễ nhận thấy của thuyết nhiều thần biến mất; nhưng cái thực chất, bản thân sự việc vẫn còn. Bởi vì, những đặc tính khác nhau của một vị thần duy nhất cũng tiến hành bấy nhiêu cuộc chiến đấu với nhau, không chỉ có tính cách giáo điều mà còn đổ máu nữa, như những vị thần nhiều vô số trên núi Thiên Sơn kia của Homère.

          Những nhà thần học, thần bí học và triết học thời cổ từng nói rằng thần bao gồm trong bản thân nó tất cả những gì có ở trên thế gian, nhưng những gì trong thế giới là thuộc nhiều loại nhiều vẻ, là phân tán, là lệch bó, là được phân chia một cách cảm tính giữa các thực thể khác nhau, thì ở trong thần lại có một dạng đơn giản, phi cảm tính, đồng nhất. Ở đây chúng tôi đã phát biểu rành rọt rằng con người đã tập hợp ở trong thần những đặc tính chủ yếu của nhiều sự vật và sinh vật vào trong một thực thể duy nhất, vào trong một cái tên duy nhất, rằng con người hình dung ra trong thần trước tiên là bản thân họ, hay, quả thật vậy, một thực thể không tách biệt với thế giới, nhưng trong cái thực thể đó vẫn là cái thế giới này, chỉ có điều được hình dung theo một kiểu khác, khác biệt với cách nhìn cảm tính; những gì mà nó hình dung ra trong thế giới hay trong cách nhìn cảm tính của nó là kéo dài trong thời gian và không gian và thời gian, không hình thể. Trong tính vĩnh hằng, nó chỉ dựa vào trong một cái tên độc nhất ngắn ngủi của bộ tộc hay dòng họ hay trong một khái niệm, cả một chuỗi thời gian bất tận không thể nào hiểu được trong cái quá trình đầy đủ của nó; còn trong tính chất hiện diện ở khắp mọi nơi – chỉ là sự bất tận của không gian; vì những suy lý chủ quan hoàn toàn có lập luận, nó cắt đứt cái việc tính toán vô cùng buồn chán đối với nó, với hàng loạt con số cứ ngày một gia tăng đến bất tận, tuy vẫn thừa nhận sự vĩnh cữu. Nhưng từ sự cắt đứt đó, từ sự chán ngấy đó với các chuỗi thời gian và không gian kéo dài bất tận, từ bản thân những mâu thuẫn gắn liền trong biểu tượng của chúng ta hay trong những khái quát hóa, với những khái niệm thời gian vĩnh cữu, không gian vô tận, tuyệt nhiên không thể nào kết luận về một sự cần thiết của một khởi đầu và một kết thúc thực của thế giới, của không gian và thời gian, và đây là một điều thuộc bản tính của tư duy, của ngôn ngữ chúng ta, và chính sự cần thiết của đời sống cũng đã dẫn đến điều đó, là: ở đâu đâu chúng ta vẫn thường hay sử dụng các dấu hiệu viết tắt, ở đâu đâu chúng ta vẫn thường đem một khái niệm đặt thay vào chỗ một cách nhìn, một ký hiệu hay một từ thay cho một vật thể, một điều trừu tượng thay cho một điều cụ thể, một cái đơn nhất thay cho số đông, và cũng do đó, đem một nguyên nhân độc nhất thay thế cho nhiều nguyên nhân khác nhau, đem một cá nhân với tư cách là kẻ đại diện, kẻ thay thế cho những người khác, đặt thay vào chỗ của nhiều cá nhân khác nhau. Những kẻ nào khẳng định rằng lý trí một cách tất yếu dẫn đến ý tưởng về thần linh, đã nói đúng (hay ít ra chừng nào lý trí còn, một cách thiếu phê phán và không hề phân biệt, tưởng rằng bản thể của nó là bản thể của thế giới, là một bản thể khách quan, tuyệt đối, chừng nào nó còn chưa được nâng cao bằng một thế giới gian). Song ta không cần đưa ra một cách tách biệt đủ cần thiết đó, cái ý tưởng đó, cô lập nó, cá biệt hóa nó với cái hiện tượng khác, với các ý tưởng và biểu tượng khác được dựa trên cơ sở của chính sự cần thiết đó, mà chúng ta dù sao vẫn biết được rằng chúng chỉ có tính chất chủ quan, có nghĩa chỉ dựa trên cơ sở của cái bản tính độc đáo của biểu tượng, tư duy, ngôn ngữ và không một ý nghĩa và một sự tồn tại khách quan nào, một sự tồn tại nào ngoài chúng ta, được gán cho chúng.

          Cũng chính sự cần thiết đã thúc đẩy con người lấy tên của một cá nhân đặt thay vào chỗ một loạt cá nhân và thậm chí cả một loạt thế hệ và dòng họ; cũng chính sự cần thiết đã từng thúc đẩy nó đem một con số đặt thay thế vào đại lượng được suy ngẫm, và một chữ cái thay cho một con số; cũng chính sự cần thiết đã thúc đẩy nó nói “quả” thay cho quả lê, quả táo, quả anh đào, nói đơn giản một chữ “tiền” đơn giản thay cho đồng gé-ler[1], đồng pfennie[2], đồng Kreutzer[3], đồng grosenen[4], đồng gulden[5], đồng taler[6] ; nói “hãy đưa cho tôi cái vật này” thay cho “hãy đưa cho tôi con dao này, cuốn sách kia”; chính sự cần thiết đó cũng đã thúc đẩy con người đem một nguyên nhân duy nhất, một thực thể duy nhất, một cái tên duy nhất đặt thay vào chỗ nhiều nguyên nhân cùng tác động chung trong sự xuất hiện của thế giới (nếu chúng ta tự nghĩ rằng nó đã được xuất hiện) và trong sự duy trì cái thế giới đó.

          Nhưng chính vì vậy mà cái thực thể duy nhất đó cũng có tính chất rất đỗi chủ quan, có nghĩa chỉ tồn tại trong con người, trong bản chất của biểu tượng, tư duy ngôn ngữ con người mà thôi và chỉ được dựa trên cơ sở của chúng, như thể “vật”, “tiền”, “quả” vậy. Và ông ta thấy rằng cái ý tưởng hay cái khái niệm có tính chất giống loại về thần trong cái nghĩa siêu hình của nó, cũng được dựa trên cùng một sự cần thiết đó, trên cùng những lý do như thể cái ý tưởng hay cái khái niệm vật, quả cây… vậy; điều này đã được chứng minh với cái thực tế của những người theo thuyết nhiều thần: ở họ, các quỷ thần không phải gì khác hơn là những cái tên và khái niệm có tính chất tập hợp hay giống loại được trình bày lên dưới cái dạng các thực thể, các đấng này nọ. Cho nên người La Mã – ta chỉ dừng lại ở các thí dụ xưa có thần của họ là tiền tệ – Pecunia – và cả những loại hay chủng loại tiền tệ khác nhau, những đồng tiền bằng đồng hay bằng bạc đều được họ biến thành những vị thần. Họ có thần Aesculanus hay Aerinus, có nghĩa thần tiên bằng bạc hay đồng, thần Argentinus, có nghĩa thần bạc. Họ cũng có những vị thần trái quả – Pomona. Nếu như ở người La Mã và Hi Lạp các bạn không được gặp mọi tên và khái niệm có tính chất chủng loại với tư cách là những vị thần, thì điều đó chỉ do tại một lẽ là chính những người La Mã – những kẻ ngụy tín ích kỷ đó – chỉ thần thánh hóa những gì đồng thời biểu thị một thái độ nào đó với tính vị kỷ của con người; bởi vậy người La Mã thờ cả thần phân bón, Deus Stercutius, để việc bón phân mang lại được lợi ích cho ruộng đồng. Nhưng phân bón là một khái niệm có tính chất chủng loại ; là vì, có nhiều loại phân bón khác nhau: phân bồ câu, phân ngựa, phân bò, v.v…

         Giờ chúng ta hãy nói đến một điểm khác mà chúng ta cần phát triển để chống lại kết luận thường thấy về một nguyên nhân tương đối đầu tiên, một nguyên nhân không còn có nguyên nhân nào khác trước nó nữa. Tất cả những gì hiện có đều là lệ thuộc, hay, như một số người khác vẫn thuyết minh, đều có cơ sở tồn tại của nó ở bên ngoài nó, đều tồn tại không phải do nó và qua chính bản thân nó, và như vậy mặc nhiên nói lên sự hiện diện của một thực thể độc lập với mọi thực thể khác, các cơ sở tồn tại của nó trong chính bản thân nó, cần thiết một cách vô điều kiện, một thực thể có được chỉ bởi vì nó có. Để chống lại lý lẽ trên tôi lại xin dẫn ra một thí dụ nữa, về con người; là vì, xét cho cùng, chỉ con người mới là cái mà từ đó xuất phát con người, và nó có sự độc lập và nguồn gốc phát sinh của nó theo kiểu mẫu của sự độc lập về nguồn gốc phát sinh của mọi vật thể cảm tính. Tất nhiên, tôi lệ thuộc vào cha mẹ của tôi, cha mẹ của tôi lại lệ thuộc vào ông bà, v.v… ; tất nhiên, tôi được quẳng ra đời không phải do tự bản thân tôi; tôi hẳn đã không có nếu như những người khác không tồn tại trước tôi; tuy nhiên tôi vẫn cứ là một thực thể khác biệt và độc lập với cha mẹ tôi; những gì mà tôi hiện có, tôi có được không phải nhờ người khác mà thôi mà còn nhờ chính bản thân tôi: tất nhiên là tôi đứng trên hai vai của tổ tiên tôi, nhưng vẫn cứ phải đứng trên vai của các vị bằng đôi chân của chính mình; lẽ tất nhiên là tôi được mang thai và sinh ra đời mà không hề được hay biết và ngoài ý muốn của mình; nhưng tôi đã được sinh ra đời không phải không có thiên hướng đến độc lập, tự do, đến sự tự giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào thân xác của người mẹ (lẽ cố nhiên thiên hướng này giờ đây tôi không ý thức được); nói tóm lại, tôi được sinh ra đời, tôi đang hay đã phụ thuộc vào cha mẹ tôi, nhưng bản thân tôi cũng là một người cha, và cái việc tôi từng được người ta sinh ra, từng là một đứa bé xưa kia và từng lệ thuộc về thể xác và linh hồn vào cha mẹ tôi, đã nằm lùi lại xa ở đằng sau sự tự ý thức được của tôi ngày nay. Có một điều chắc chắn là: chừng nào mà cha mẹ tôi không có được ảnh hưởng đến tôi, một cách có ý thức hay không ý thức, thì việc gì tôi phải lùi về quá khứ? Giờ đây tôi chỉ cảm thấy cha tôi và mẹ tôi ở trong chính bản thân tôi mà thôi, giờ đây không một con người nào khác giúp được tôi, và ngay cả thần đi nữa, nếu như chính bản thân tôi không giúp được tôi; tôi đang hành động theo sáng kiến của tôi, như tôi muốn. Những chiếc tã lót mà cha mẹ tôi đã chu đáo dùng để bọc thân thể của tôi đã rữa nát từ lâu; vậy việc gì tôi lại phải để linh hồn của tôi ở lại trên những nẻo đường mà từ lâu gót chân của tôi đã rời bỏ?

 



1. Tên gọi một loại tiền nhỏ được dùng ở Tiệp, Hung, Áo.

2.  3.  4. 6.  Các loại tiền của Đức.

5. Tên gọi đồng florin của Hà Lan.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt