NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO BÀI GIẢNG THỨ BẢY
LUDWIG FEUERBACH (1804-1872) LÊ KHẮC THÀNH dịch
Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ bảy”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do Nguyễn Đức Văn và Huỳnh Trân đánh máy.
Ý kiến cho rằng con người tôn thờ các loài vật cũng là tôn thờ chính bản thân mình, là một ý kiến mà ngay sự sùng bái các động vật không có cơ sở duy lý, không cơ sở lịch sử văn hóa, một sự sùng bái mà cơ sở tồn tại của nó chỉ là sự sợ hãi hay cả những sự ngẫu nhiên đặc biệt hoặc đặc tính tư chất mà thôi, cũng không thể bác bỏ được; là vì ở nơi đâu con người thờ cúng một thực thể nào đó không cơ sở, thì ở nơi đó nó chỉ khách thể hóa ở trong thực thể đó sự thiếu xét đoán và điên rồ của chính mình mà thôi. Tôi có nói rằng, với một ý kiến khẳng định như trên, chúng ta đi đến luận điểm quan trọng nhất trong tiết này; đấy là luận điểm cho rằng qua sự sùng bái thần thánh, con người tôn thờ những gì mà nó cho rằng cuộc sống của nó bị lệ thuộc vào đó; và chính vì lẽ trên, trong đối tượng của sự sùng bái được gắn liền và được bộc lộ ra cũng chỉ cái giá mà con người đã gán cho cuộc sống của mình, cho chính mình nói chung; và cũng có nghĩa, sự sùng bái thần thánh tùy thuộc vào sự sùng bái con người. Thực ra luận điểm này cũng chỉ là một sự đi trước, nêu lên trước kết quả và nội dung mà ta sẽ thấy về sau đây, ở những bài giảng này; nhưng vì có lẽ nó được gặp ngay, vì lẽ nó là một luận điểm quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển quan điểm của tôi đối với sự phát triển của tôn giáo, nên cứ hãy để nó trở thành đề mục của sự xem xét, phân tích ở đây, nhân việc ta đang nói về sự sùng bái các loài vật; sự sùng bái này, chừng nào nó có cơ sở là một sự nhận thức sáng suốt, của lý tính thì chính nó sẽ là một sự xác nhận chân lý của luận điểm trên và làm cho nó thêm rõ ràng hiển nhiên. Tổng kết lại những điều đã trình bày, chúng ta sẽ nói được rằng: ở nơi nào mà sự thờ cúng động vật đươc nâng lên đến tầm quan trọng của của một yếu tố văn hóa, một hiện tượng lịch sử của tôn giáo đáng được nhắc nhở đến, thì ở nơi đó nó có một cơ sở vị kỷ của con người. Tôi sử dụng là “tính vị kỷ” là chỉ cơ sở và bản chất và bản chất của tôn giáo và hẳn phải làm cho những nhà thần học và những nhà triết học đầy ảo tưởng phải khiếp sợ. Những nhà phê bình không có chút đầu óc phê phán cứ bám víu lấy vào từng chữ, vì vậy họ đã hấp thụ với một thái độ cao đạo triết học của tôi, cho rằng kết quả của nó là thuyết vị kỷ, và chính bởi lẽ đó khiến tôi đã không đi sâu được vào bản chất của tôn giáo. Nhưng nếu tôi sử dụng “tính vị kỷ” theo theo nghĩa của một nguyên tắc triết học hay phổ biến – xin các quý vị lưu ý cho -, thì tôi quan niệm tính vị kỷ không phải theo nghĩa thông thường của từ này, và bất kì ai cũng có thể nhận ra được điều đó, cho dù họ có ít khả năng phê phán đi nữa, qua những kết hợp, qua mối liên hệ, qua mối mâu thuẫn trong đó tôi đã sử dụng từ “tính vị kỷ”; tôi sử dụng từ đó ngược lại với thần học hay niềm tin vào thần, mà theo quan niệm của niềm tin này, nếu nó là thực nghiêm ngặt và nhất quán, thì mọi tình yêu, một khi nó không có mục đích và đối tượng là thần, thì cho dù đó là tình yêu đối với những kẻ khác đi nữa, vẫn cứ là tính vị kỷ, bởi vậy nên từ tính vị kỷ được tôi quan niệm ở đây không phải theo nghĩa tính vị kỷ của con người đối với con người tính vị kỷ về mặt đạo đức, không phải tính vị kỷ được hiểu theo cái nghĩa, trong tất cả mọi điều mà con người làm, ngay cả dường như cho người khác, nó chỉ biết giữ lấy phần lợi cho mình; cũng không phải tính vị kỷ vốn là nét đặc sắc của người tiểu tư sản hay tư sản đối lập trực tiếp với mọi sự táo bạo trong sự suy nghĩ và hành động, mọi sự cảm hứng, mọi sự phi phàm và tình yêu. Tôi quan niệm tính vị kỷ của con người là sự tự thừa nhận, tự khẳng định của nó đối với tất cả những điều yêu cầu phi tự nhiên và phi con người mà sự giả nhân giả nghĩa của thần học, các lối huyễn hoặc tôn giáo và tư biện, sự thô lỗ chính trị và chế độ chuyên chế, đã đặt ra cho nó; sự tự thừa nhận, tự khẳng định này tương hợp với bản chất của con người, và cũng có nghĩa với lý tính - là vì lý tính của con người không phải gì khác hơn là bản tính tự ý thức của nó. Tôi quan niệm tính vị kỷ ở đây là tính vị kỷ tất yếu, không thể tránh được, không có tính chất luân lý như tôi đã nói ở trên, mà có tính chất siêu hình, có nghĩa tính vị kỷ được dựa trên cơ sở của bản chất của con người, ngoài ý nghĩ và ý muốn của nó, một tính vị kỷ mà không có nó thì con người không thể sống được; là vì, để sống, tôi phải thường xuyên chiếm hữu lấy những gì có ích cho mình, và gạt bỏ đi những gì thù nghịch, và nguy hại đối với tôi; do đó, chính là thứ tính vị kỷ được bắt nguồn, có cội rễ của nó từ trong cơ thể của tôi, trong sự đồng hóa vật chất có thể đồng hóa, và trong sự vứt bỏ vật chất không thể bị đồng hóa. Tôi quan niệm tính vị kỷ là tình yêu của con người đối với bản thân nó, có nghĩa tình yêu thương đối với bản thể con người, thứ tình yêu thương làm xung lực cho sự thõa mãn và phát triển tất cả mọi sự say mê, ham thích và thiên hướng, và nếu không có sự thõa mãn và phát triển chúng thì con người sẽ không là con người thực sự như hiện nay và không thể được như thế; tôi quan niệm tính vị kỷ là tình yêu của cá nhân đối với bản thân và với những cá nhân tương tự như tôi, - là vì tôi là gì nếu không có họ, tôi là gì nếu không có tình yêu thương đối với những sinh vật giống tôi -; là tình yêu thương đối với chính bản thân mình chỉ chừng nào mà mọi tình yêu thương đối với một sự vật, một sinh vật cũng gián tiếp là tính yêu đối với bản thân, bởi lẽ tôi chỉ có thể yêu thương những gì đáp ứng với lý tưởng của tôi, tình cảm của tôi, bản chất của tôi. Nói tóm lại, tôi quan niệm tính vị kỷ là cái bản năng tự vệ, nhờ đó mà con người không hy sinh bản thân mình, lý tính của mình, tình cảm của mình, thể xác của mình cho những con lừa và những con cừu đực của nhà thờ - nếu ta lấy ví dụ từ sự thờ cúng loài vật quen biết gần gũi với chúng ta hơn cả -, cho những con chó sói và con hổ về chính trị, cho những con dế và con cú triết học; đó là cái bản của năng lý trí đang nói với con người rằng thực là ngu ngốc và vô nghĩa khi, từ một sự tự phủ nhận mình có tính chất tôn giáo, ta để cho loài cháy, loài bọ chét và loài rệp hút lấy máu ở thân thể mình và lý tính ở đầu óc mình, để cho những con rắn hổ mang và loài vật đầu óc mình, để cho hổ, sói ăn thịt mình; đó là cái bản năng của lý tính mà, cả ngay khi con người lầm lạc hay hạ mình tôn thờ loài vật đi nữa, nó cũng kêu gọi với y rằng: chỉ hãy tôn thờ những con vật nào mà, qua đó nhà ngươi tự tôn sùng chính mình, những con vật có ích cho nhà ngươi, cần thiết cho nhà ngươi; là vì nhà ngươi có tôn thờ cả những con vật mà khi tôn thờ chúng nhà ngươi không hề có cơ sở hợp lý nào cả đi chăng nữa, thì chẳng qua cũng chỉ vì nhà ngươi, tôi ít nhà ngươi vẫn có tin rằng, tưởng tượng ra rằng việc tôn thờ chúng không phải là vô ích đối với nhà ngươi. Vả chăng, như tôi đã có giải thích trong những lời bình giải và bổ sung cho cuốn “Bản chất của tôn giáo” của tôi, từ nghĩa “sự có tích” quá thông tục, không thích hợp và mâu thuẫn với ý nghĩa tôn giáo; là vì đồ vật mới là có ích, nhưng những gì là thần, đối tượng của sự sùng bái tôn giáo, không phải là vật, mà là một bản thể; có ích là một từ để biểu đạt tính chất nhu yếu đơn thuần, cái khả năng có thể được sử dụng, nó là một thành ngữ biểu đạt cái chất thụ động; nhưng sự hoạt động, sự sống là thuộc tính cơ bản của các thần linh, như Plutarque đã từng nêu lên rất đúng. Khái niệm có tính chất tôn giáo về tính có ích là từ ngữ biểu hiện một hiệu lực thiện lành; là vì chỉ một hiệu lực thiện lành, chứ không phải tính có ích, mới gây nên được ở tôi cái tình cảm biết ơn, sùng kính, yêu thương, và chỉ các tình cảm đó mới có tính chất tôn giáo, xét theo bản tính và hiệu lực của nó. Người ta sùng bái thiên nhiên nói chung, các cây cỏ và loài vật nói riêng, vì hiệu lực thiện lành của chúng – nếu nói theo ngôn ngữ tôn giáo hay ngôn ngữ có tính chất thi ca; vì tính chất có ích của chúng – nếu nói theo ngôn ngữ không phải là tôn giáo mà là ngôn ngữ thông thường hay có tính dung tục văn xuôi -; vì tính tất yếu của chúng, thiếu chúng thì không thể tồn tại được – nếu diễn đạt một cách triết học. Vì vậy sự sùng bái loài vật – ít ra cũng là ở nơi mà nó mang một ý nghĩa tôn giáo hợp lý – có một nguyên tắc chung cho mọi sự sùng bái; hay cái điều, ở con mắt của những con người ít nhiều biết suy nghĩ, đã nâng loài vật lên thành đối tượng của sự sùng bái tôn giáo, cái điều làm cơ sở cho sự sùng bái các loài động vật thì cũng chính cái điều đó là cơ sở sùng bái mọi đối tượng khác; mà cái cơ sở đó chính là tính có ích hay hiệu lực thiện lành. Những vị thần của con người chỉ khác biệt với nhau theo với sự khác biệt của các điều thiện lành mà các vị thần đã mang lại cho con người, chỉ được phân biệt theo với sự khác biệt của những điều say mê, ham thích và các nhu cầu của con người được quỷ thần thỏa mãn; những đối tượng của tôn giáo chỉ được phân biệt theo với sự khác biệt của các khả năng hay sức mạnh của con người mà các đối tượng đó có sự liên quan đến. Chẳng hạn như Apollon là thầy thuốc chữa các bệnh tâm thần, tinh thần. Asclépios[1] là người thầy thuốc chữa các chứng bệnh trên thân mình, chân tay. Nhưng cái cơ sở của sự sùng bái, cái nguyên lý của tính thần thánh của họ, cái điều đã biến họ thành những vị thần, đấy là mối quan hệ của họ đối với con người, là tính ích dụng của họ, là hiệu lực mang lại điều thiện lành của họ, đấy là tính vị kỷ của con người; là vì, nếu như tôi không yêu chính bản thân tôi trước hết, nếu như tôi không tôn thờ tôi, thì làm sao tôi có thể yêu và những gì có ích và có hiệu lực thiện lành đối với tôi? Làm sao tôi có thể yêu người thầy thuốc nếu như tôi không yêu sự khỏe mạnh? Làm sao tôi có thể yêu người thầy nếu như tôi không muốn thỏa mãn sự khát khao hiểu biết của tôi? Làm sao tôi có thể tôn thờ ánh sáng nếu như tôi không có đôi mắt biết tìm kiếm ánh sáng, cần đến ánh sáng? Làm sao tôi có thể tán dương và ngợi ca đấng sáng tạo hay nguồn gốc cuộc sống của tôi nếu như tôi tự xem rẻ bản thân mình? Làm sao có thể bái phục và thừa nhận một cách khách quan một đấng tối cao nếu như tôi không có ở bên trong chủ quan mình một thực thể tối cao? Làm sao có thể thừa nhận thần ở bên ngoài mình, nếu như bản thân tôi không phải là thần, cho dù một cách có khác hơn? Làm sao có thể tin vào một vị thần bên ngoài, mà lại không giả định có tồn tại một vị thần bên trong, thuộc chủ quan? Nhưng cái thực thể tối cao đó ở trong con người mà mọi thực thể tối cao đó ở trong con người mà mọi thực thể tối cao khác, mọi vị thần bên ngoài nó đều phải phụ thuộc vào đấy, nó là cái gì vậy? Đấy là cái khái niệm bao gồm ở trong nó mọi sự say mê ham thích, mọi nhu cầu mọi thiên hướng của con người; nói chung, đấy là sự tồn tại, là đời sống của con người, bởi lẽ nó quả bao trùm lấy tất cả. Chỉ vì con người biến thành thần hay một thực thể thần thánh những gì mà cuộc sống của nó phụ thuộc vào đấy, nên đối với nó cuộc sống của nó là một thực thể thần thánh, một phúc lợi hay đối tượng thần thánh. Khi con người nói: “Cuộc sống không phải là một cái gì cao đẹp được xây nên bằng nhũng niềm hạnh phúc”[2], thì nó đã quan niệm cuộc sống theo một nghĩa hẹp, lệ thuộc, và khi đó con người đứng trên quan điểm của sự bất hạnh, đổ vỡ, chứ tuyệt nhiên không phải trên quan điểm của cuộc sống bình thường; thật thế, lúc đó nó đã cự tuyệt, coi rẻ cuộc sống, nhưng sở dĩ nói coi rẻ cũng chỉ vì cuộc sống của nó không bao quát được những đặc tính hay niềm hạnh phúc mà một cuộc sống bình thường vẫn có trong căn bản, bởi vì đấy đã không còn là cuộc sống nữa. Chẳng hạn như khi con người bị tước đoạt mất tự do, khi nó bị làm nô lệ cho ý muốn độc đoán của kẻ khác, thì nó có thể nó cần phải coi rẻ cuộc sống đó, nhưng cũng chỉ vì đấy là một cuộc sống thiếu thốn, hèn mọn, một cuộc sống không đạt được điều kiện và đặc tính cơ bản của một cuộc sống con người, của sự hoạt động tự phát và của quyền tự quyết. Sự tự sát chính được dựa trên cơ sở đó. Kẻ tự sát không phải làm tổn hại cuộc sống của mình; mà cuộc sống của nó đã bị tước đoạt mất từ trước. Bởi vậy khi nó tự giết chính mình, nó chỉ phá hủy cái vẻ bên ngoài; nó chỉ vứt bỏ cái vỏ mà ruột bên trong đã bị gặm mòn mất hết từ lâu, cho dù có phải do lỗi tại nó hay không. Nhưng trong một trạng thái lành mạnh, hợp với quy định, và nếu như ta hiểu cuộc sống là một khái niệm bao hàm ở trong nó mọi điều hạnh phúc và lợi ích có liên quan chủ yếu đến con người, thì cuộc sống quả thực là hạnh phúc tối cao, là bản chất tối cao của con người. Cũng như thể đối với mọi luận điểm chủ yếu và cơ bản của tôi, tôi đều dẫn ra những thí dụ và những sự xác nhận lịch sử, thực nghiệm, do vì tôi muốn chỉ nhận thức và phát biểu lên những gì mà những người khác, mọi người nói chung, nghĩ và nói; cho nên đối với ý chí khẳng định bên trên, tôi cũng đã dẫn ra trong những phần bổ sung và bình giải cho cuốn Bản chất tôn giáo, một số đoạn trích dẫn từ Aristote, Plutarque, Homère và Luther. Lẽ cố nhiên tôi không hề muốn, chỉ bằng vài lời trích dẫn chứng minh tính chân lý của một châm ngôn này hay khác mà những nhà phê bình không hề biết phê bình lố bịch kia đã chê trách tôi. Tôi thích sự ngắn gọn, chỉ qua vài lời tôi thường phát biểu lên những gì mà kẻ khác phải phát biểu lên bằng nguyên cả một tập sách. Nhưng, lẽ cố nhiên, đa số các nhà bác học và nhà triết học thường khác người ở điểm họ chỉ tin vào tính chất xác đáng của một kết luận khi nó được trình bày lên trước mắt họ dưới dạng của một tập sách, hay ít ra dưới dạng của một cuốn sách dày cộm. Một vài lời trích trên được dẫn ra thay vì một loạt những trích dẫn rất nhiều như thế, chúng chỉ có một giá trị chung chung và có thể bị bác bỏ bởi hàng ngàn, hàng vạn những trích dẫn uyên bác; thế nhưng hàng nghìn trích dẫn đó vẫn không có vẻ tốt hơn. Ít ra cũng là về mặt chất lượng, so với vài đoạn trích nói trên. Thế nhưng nếu có cái gì vô cùng lớn hơn một trích dẫn uyên bác, nếu có một cái gì đó có một ý nghĩa to lớn hơn vô cùng, thì đấy là thực tiễn, là cuộc sống. Chính cuộc sống xác nhận ta, công nhận ta là đúng ở mỗi bước ta đi, ở mỗi cái nhìn ta ném cho nó, nó xác nhận chân lý cho rằng cuộc sống đối với con người là niềm hạnh phúc tối cao. Và trước hết nó cũng có một xác nhận đúng hệt như vậy đối với tôn giáo cùng lịch sử của nó; là vì, cũng giống như thể triết học xét cho cùng chẳng phải gì khác hơn là nghệ thuật tư duy, thì cũng vậy, tôn giáo xét cho cùng chẳng cũng chỉ là nghệ thuật của cuộc sống, vì vậy mà nó mang lại tầm nhìn và cho ý thức của chúng ta không phải cái gì khác hơn là những sức mạnh và những sự say mê, ham thích đang trực tiếp thúc đẩy cuộc sống của con người. Chân lý này chính là nguyên lý phổ biến, bao quát mọi thứ tôn giáo. Cũng chỉ bởi lẽ cuộc sống, do sự cần thiết, một cách có ý thức hay tự phát, là niềm hạnh phúc và bản thể thiêng liêng đối với con người, nên con người đã một cách có ý thức biến thành thần thánh ở trong tôn giáo tất cả những gì mà nguồn gốc và sự giữ gìn niềm hạnh phúc thiêng liêng, thần thánh đó phải phụ thuộc vào đấy, trên thực tế hay chỉ trong tưởng tượng. Mọi sự thỏa mãn những say mê ham thích, cho dù đấy là một sự ham mê thuộc loại thấp hèn hay cao đẹp, vật chất hay tinh thần, thực tiễn hay lí luận đều là một sự khoái cảm thần thánh đối với con người, và cũng chỉ vì lẽ đó mà con người tôn kính những vật hay những sinh vật mà sự thỏa mãn nói trên tùy thuộc vào đó; nó tôn kính chúng như những đấng thần thánh mầu nhiệm, đấng được bái phục. Một dân tộc không có những say mê ham thích tinh thần, cũng sẽ không có những vị thần tinh thần. Một dân tộc mà đối với nó lý tính, với tư cách chủ thể, có nghĩa với tư cách sức mạnh và hoạt động của con người, không phải là một cái gì đó có tính chất thần thánh, một dân tộc như thế sẽ không bao giờ và vô luận thế nào vẫn sẽ không biến sản phẩm của lý tính thành đối tượng của sùng bái; thành vị thần của mình. Làm sao tôi có thể biến sự khôn ngoan sáng suốt thành một nữ thần dưới dạng Minerve, nếu như đối với tôi sự khôn ngoan sáng suốt tự bản thân nó không phải là một bản chất thần thánh? Làm sao tôi có thể thần thánh hóa nói chung cái bản thể mà cuộc sống của tôi phụ thuộc vào đó nếu như đối với tôi cuộc sống không phải là cái gì đó có tính chất thần thánh? Bởi vậy cho nên chỉ sự khác biệt trong các say mê ham thích, những nhu cầu, những khả năng của con người, chỉ sự khác biệt đó giữa chúng và sự sắp xếp theo cấp bậc các vị thần trong tôn giáo. Con người có ở bản thân nó và trong bản thân nó cái kích thước, cái tiêu chuẩn của thần thánh, và cũng chính vì vậy, cái cội nguồn của các vị thần. Những gì tương với tiêu chuẩn đó là thần, những gì mâu thuẫn với nó không phải là thần. Nhưng tiêu chuẩn đó là tính vị kỷ theo nghĩa rộng của từ này. Mối quan hệ của đối tượng đối với con người, sự thỏa mãn những nhu cầu, sự cần thiết, hiệu lực thiện lành, đấy là những nguyên nhân cắt nghĩa vì sao con người đã biến một đối tượng nào đó thành vị thần của mình. Đối với con người, mặc dầu chính tự nó không hề ý thức rõ, một đấng tuyệt đối cũng chỉ là bản thân con người mà thôi; những đấng tuyệt đối, những vị thần đều là những thức thế tương đối tùy thuộc vào con người; đối nó chúng là thần chỉ chừng nào chúng phục vụ cho bản chất con người, chừng nào chúng có ích đối với nó, giúp cho nó, tương ứng với nó, nói tóm lại, chừng nào chúng mang lại cho nó những điều thiện lành. Tại sao người Hi Lạp lại chế giễu các vị thần của người Ai Cập: những con cá sấu, mèo, giống hạc? Là những vị thần của người Ai Cập không phù hợp với bản chất và những nhu cầu của người Hi Lạp. Nguyên nhân đâu mà đối với họ chỉ những vị thần Hi Lạp mới có ý nghĩa, giá trị của những vị thần? Phải chăng là ở ngay chính bản thân các vị thần? Không đâu! Nguyên nhân là ở người Hi Lạp; còn ở các vị thần chỉ là gián tiếp mà thôi, chỉ chừng nào mà các vị thần đó là những thực thể tương hớp với bản chất của người Hi Lạp. Nhưng tại sao những tín đồ đạo Cơ đốc lại bài bác những vị thần của La Mã và Hi Lạp? Bởi vì thị hiếu tôn giáo của họ đã thay đổi, và các vị thần của đạo nhiều thần đã không còn cho họ những gì mà họ muốn. Như vậy, tại sao đối với họ chỉ có vị thần của họ là thần mà thôi? Bởi vì vị thần đó là bản chất của con người họ, nó giống với họ, nó tương hợp với các nhu cầu, ước muốn, quan niệm của họ. Chúng ta đã thoạt tiên đi từ những hiện tượng chung và thông thường nhất của tôn giáo và từ đó chúng ta đã chuyên sang ý thức về sự lệ thuộc: nhưng giờ đây chúng ta đã quay trở lại xuyên qua và vượt quá giới hạn của ý thức về sự lệ thuộc và đã phát hiện ra, với tư cách cơ sở chủ quan cuối cùng của tôn giáo, tính vị kỷ của con người hiểu theo cái nghĩa mà ta đã chỉ ra bên trên, mặc dầu tính vị kỷ hiểu theo nghĩa thông tục và bình thường nhất của từ này vẫn đóng một vai trò không phải là phụ thuộc ở trong tôn giáo. Nhưng tôi để nó sang một bên. Chỉ thử hỏi một điều là liệu sự giải thích bên trên về cơ sở và thực chất của tôn giáo và về các đối tượng của nó, tức các vị thần, (một sự giải thích hoàn toàn trái ngược với lối giải thích thông thường, có tính chất siêu nhiên và siêu nhân, có nghĩa mang tính chất huyễn hoặc, hoang đường về cá cơ sở của tôn giáo), liệu tột sự giải thích như thế có đáp ứng với chân lý hay không? Liệu nó có giải đáp được đúng bằng lời phát biểu bên trên hay không, nó có phát biểu được đúng những gì mà nhân loại có trong các ý nghĩ của mình khi nó tôn thờ các vị thần hay không? Sự thực thì tôi đã dẫn ra khá đủ những chứng cớ và thí dụ, nhưng vì lẽ đề mục này quá quan trọng và vì lẽ chỉ có thể đánh bại được các nhà thông thái bằng vũ khí của chính họ mà thôi, có nghĩa bằng các trích dẫn, nên tôi xin dẫn chứng thêm một số nữa. Trong tác phẩm của ông mà ta có nhắc đến Rô-đê có nói như sau nhân đề cập đến tôn giáo của người Indiens và người Ba Tư thời cổ: “Người ta thờ cây cối, thực vật và cầu chúng mang lại được nhiều quả hơn nữa về sau này. Người ta thờ loài vật vì chúng cung cấp cho họ sữa và thịt; lửa được người ta thờ vì nó sưởi ấm và chiếu sáng; mặt trời và tất cả các vì sao khác được thờ bởi vì lẽ ảnh hưởng tốt lành mà chúng đem lại cho toàn bộ cuộc sống của con người không thể thoát khỏi sự chú ý của ngay đến cả một người thiển cận, đần độn nhất. Tác giả của tác phẩm mà ta “ De l’origine des principes religieux” (“Về nguồn gốc các nguyên lý tôn giáo”) đã dẫn ra từ cuốn “Histoire des Incas de Pérou”, par Garcillaso de la Véga (“Lịch sử các Incas[3] ở Pérou”, do Garcillaso de la Véga biên soạn) - tác phẩm này tiếc thay tôi lại không có được trong tay - một đoan sau đây : “Những người xứ Sin-sa (?) nói với Inca rằng họ không muốn thừa nhận cả Inca làm vua : lẫn mặt trời làm thần của họ, rằng họ đã có một vị thần mà họ sùng bái, rằng vị thần chung của họ là biển; nó hoàn toàn không giống như mặt trời, nó mang lại cho họ rất nhiều cá để nuôi sống họ, trong khi đó thì mặt trời không mang lại cho họ điều tốt lành nào cả, còn sức nóng đặc biệt của nó thì chỉ thêm nặng nề cực nhọc đối với học, thành thử ra họ không có gì phải sử dụng đến nó cả”. Như vậy, theo sự thừa nhận của chính bản thân họ, họ tôn thờ biển làm thần bởi vì nó là nguồn cội của việc nuôi sống họ; họ cũng đã nghĩ như là nhà hài kịch Hi Lạp khi ông ta nói: “Cái gì nuôi sống tôi, thì tôi xem nó là vị thần của tôi” . Câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Tôi ăn bánh mì của ai thì tôi cũng sẽ hát bài hát của kẻ đó”. vì vậy, cũng có ý nghĩa của nó cả trong tôn giáo. Ngay chính bản thân ngôn ngữ cũng cho ta một sự xác nhận về điều đó. Lấy thí dụ như Almus là từ chỉ kẻ nuôi dưỡng, vì nó chủ yếu là hình dung từ chỉ Pérês[4], là kẻ chính vì vậy được yêu, mến, quý trọng, đẹp và thiêng liêng. Diodors đã nói như sau: “Trong số tất cả các vị thần được thần thoại kể lại, không có một vị thần nào được tôn sùng một cách cao đến như thể hai vị sau đây mà những điều phát sinh mang lại lợi ích nhiều nhất đã tranh thủ được lòng thương yêu của loài người một cách đặc biệt đến thế : đó là Dionisos[5] - với việc du nhập cách sử dụng chất uống ngon lành nhất /rượu/- , và Déméter[6] - với việc cung cấp loại thức ăn rắn tốt nhất”. Trong cuốn “Tục ngữ” của ông Érasme đã có một nhận xét nưu sau về câu tục ngữ của người xưa “con người là thần đối với con người”: “Thời xưa người ta tin rằng: là thần có nghĩa là mang lại lợi ích cho loài người”. Nhà ngôn ngữ học I-ô-cơ Mây-ơn cũng đã có một nhận xét tương tự trong lời chú giải cho cuốn “Enéide” của Virgile. Ông ta nói người ta vẫn tỏ lòng tôn kính với những nguwofi đã phát minh ra những điều thiện lành sau khi những người này chết đi, là vì họ tin chắc rằng thần chẳng qua cũng chỉ là những kẻ mang lại điều ích lợi cho con người. Trong cuốn “Những lời thư viết từ Pont-Enxin” của ông ta, Ovide[7] đã có một nhận xét như sau:“Chúng ta sẽ tôn thờ các vị thần dựa trên một cơ sở nào đây nếu như chúng ta lấy đi ở các vị đo cái ý muốn mang lại lợi ích hay giúp đỡ chúng ta? Nếu như Jupiter bịt tai làm ngơ trước những lời cầu khấn của tôi thì tôi phải đâm chết con vật hiến tế ở trước điện thờ ông ta làm gì? Nếu như biển cả không mang lại cho tôi sự yên ổn trong thời gian chuyến đi biển của tôn thì tội gì tôi phải đốt hương cầu thần Neptune, và cũng chẳng đề làm gì hay để cầu về một điều gì cả. Nếu như nữ thần Cérès không đáp ứng nguyện vọng của người nông dân cần mẫn thì bà ta sẽ được nhận lấy bộ lòng của chú lợn sữa kia để làm gì vậy?” Do đó, chỉ sự có ích hay việc làm thiện mới biểu hiện con người và các vị thần! Pline l’Ancien có nói: “Kẻ nào giúp đỡ được cho con người thì kẻ đó là vị thần đối với con người chúng ta”. Theo Héli (?), ngay bản thân Jupiter còn có tên gọi là Iavemot invando, có nghĩa là giúp đỡ hay làm điều ích lợi, ngược lại với nocere là làm hại. Trong tác phẩm “Bàn về các nghĩa vụ” của Cicéron, có nói: “Ngay sau các vị thần, những thực thể có ích hơn cả đối với con người và trong cuốn “Tục ngữ” của ông ta, Érasme cũng có nói đúng hệt như thế: “Câu tục ngữ “thần thì duy nhất, nhưng bạn bè thì nhiều” nhắc nhở chúng ta nhớ đến một điều là chúng ta cần phải tìm kiếm lấy càng nhiều bạn bè càng tốt, là vì sau các vị thần thì bạn bè là những người có thể giúp đỡ chúng ta nhiều hơn cả”. Trong tác phẩm của ông ta mang tựa đề “Về bản chất của các thần”, Cicicon (hay, đúng hơn, một môn đệ của Épicure là Ve-lây, nhưng trong trường hợp ở đây thì điều này không quan trọng) đã công nhận ý kiến của Persée là phi lý, ông này cho rằng những vật có ích và có tác dụng chữa bệnh đều được coi như là những thần linh; và ông ta ta trách cứ Prodicos về một ý kiến tương tự, cho rằng ông này đã thủ tiêu tôn giáo; nhưng đồng thời ông cũng đã chê trách cả Épicure là, trong khi không công nhận ở thần linh cái điều thần thánh nhất, mầu nhiệm nhất là lòng tốt và hiệu lực thiện lành, thì do đấy cũng đã phá vỡ tôn giáo trong căn bản, là vì ông ta nói - làm sao ta có thể xem là những một khi mà ta không nhận được một gì tốt lành và không thể chờ đợi một điều gì tốt ở các vị đó cả? Lòng mộ đạo, Pietas, đó là thái độ công minh đối với các vị thần, nhưng làm sao có thể cảm thấy mình phải chịu ơn, phải có nghĩa vụ với những kẻ mà mình không nhận được gì ở họ cả? Trong cuốn “Những lời giáo huấn của một nhà hùng biện” của ông ta Quintillien nói: “Điều mà ta tôn thờ ở các thần trước hết là tính chất uy nghiêm trong bản chất của họ, sau đó là sức hùng mạnh mà mỗi vị đó đều có ở trong họ, và những đều phát sinh của họ, mang lại lợi ích cho con người. Ở đây Quintilien phân biệt giữa sức hùng mạnh và sự vĩ đại, cao nghiêm của các vị thần, với những điều thiện lành mà họ mang lại, nhưng sự phân biệt đó sẽ biến mất nếu ta nhìn sâu hơn, là vì, một kẻ nào đó càng uy nghiêm và hùng mạnh bấy nhiêu, thì kẻ đó càng có thể nhiều khả năng mang lại điều lợi ích cho kẻ khác, và trái lại. Một sức mạnh cao trùng hợp với một hiệu lực thiện lành cao. Vì vậy, ở hầu hết các dần tộc vị thần của các sức mạnh trên bầu trời là vị thần tối cao, cao cả nhất, oai nghiêm nhất, đứng trên hết thảy mọi vị thần khác còn lại, là vì những tác động và những điều tốt lành mà bầu trời mang lại cũng vượt lên trên mọi tác động và mọi điều tốt lành khác còn lại, bởi lẽ chúng là chung nhất cho toàn thể mọi người, bao trùm hết thảy, to lớn hơn hết, cần thiết hơn hết. Chẳng hạn như, với người La Mã thần Jupiter được gọi là: Optimus maxiums; có nghĩa, “vì những điều thiện lành ông ta mang lại” - như lời nhận xét của Cicéron - ông ta được gọi là “vị thần tốt nhất hay tốt bụng nhất” ; và “vì ông ta có sức mạnh” hay “quyền lực” ; nên ông ta cũng được gọi là vị thần “vĩ đại nhất” hay “cao cả nhất”. Chúng ta cũng được thấy một sự phân biệt tương tự như của Quintilien ở Plutarque, trong tác phẩm “Kẻ phải lòng”: “Sự ngợi ca các vị thần chủ yếu được dựa trên cơ sở dynamis của họ, có nghĩa sự hùng mạnh của họ và orpheleis, có nghĩa tính chất có ích hay khả năng mang lại điều thiện lành của họ”; nhưng, như ta đã có nói, cả hai khái niệm được hòa lẫn làm một, là vì, một thực thể nào đó càng to lớn bao nhiêu, thì nó lại càng có thể to lớn đối với kẻ khác bấy nhiêu. Một kẻ nào càng to lớn, thì nó lại càng có thể có ích nhiều hơn đối với kẻ khác, tuy nhiên, quả thật có thể nguy hại hơn. Bởi vậy nên trong tác phẩm “Những diễn từ” của ông, Plutarque có nói: “Con người vẫn thường thần thánh hóa nhiều hơn cả cả các sự vật có một tính chất ích lợi phổ biến nhất, được mở rộng ra hơn cho muôn vật, cụ thể là :nước ánh sáng các mùa trong một năm”.
[1] Còn gọi là Esculape (ND) [2] Một câu thơ kết trong bản đồng ca ở vở bị kịch của Schiller “Vị hôn thê ở Massine” [3] Tên gọi các chúa tể của người Pérou xưa, vào thời châu Mỹ mới được tìm ra. [4] Nữ thần La Mã về nghề nông, sau này được xem đồng nhất với Déméter của người Hy Lạp [5] Thần rượu của người Hi Lạp, tương đương với Bacchus trong thần thoại La Mã [6] Thần Hi Lạp hiện thân của đất đai, tương đương với Cérès của người Hi Lạp [7] Nhà thơ La Mã thế kỷ I trước công nguyên
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC