NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO BÀI GIẢNG THỨ TƯ
LUDWIG FEUERBACH (1804-1872) LÊ KHẮC THÀNH dịch
Ludwig Feuerbach. "Bài giảng thứ tư", trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao thực hiện.
Tiết đầu tiên trong cuốn Bản chất của tôn giáo nêu lên vắn tắt[1]: ý thức về sự lệ thuộc tạo thành cơ sở của tôn giáo; trong ý nghĩa nguyên thủy, thiên nhiên chính là đối tượng đầu tiên của tôn giáo. Nội dung của tiết này được tách ra làm hai phần. Một phần giải thích nguồn gốc hay cơ sở của tôn giáo; phần kia miêu tả tính cách của đối tượng đầu tiên, nguyên thủy, của tôn giáo. Đầu tiên chúng ta hãy nói về phần thứ nhất. Những nhà triết học vẫn thường được gọi là tư biện đã chế nhạo việc tôi tuyên bố ý thức về sự lệ thuộc và nguồn gốc của tôn giáo. Bọn họ đã nhìn bằng con mắt không thiện cảm lắm cái từ ngữ “ý thức và sự lệ thuộc” kể từ khi Hégel, nhằm chống lại Schleiermacher[2] – ông này, như ta biết, đã tuyên bố rằng ý thức lệ thuộc là bản chất của tôn giáo -, đã phát biểu một lời nói sắc sảo rằng, cứ như ý kiến đó thì ngay đến con chó cũng phải có tôn giáo vì lẽ nó cũng cảm thấy mình lệ thuộc vào chủ. Vả lại, những người vẫn được gọi là các nhà triết học tư biện đó chính là cái đám triết gia vẫn thường không lĩnh hội các khái niệm của mình bằng các sự vật mà ngược lại, có thể nói rằng họ đã lĩnh hội các sự vật bằng các khái niệm thì đúng hơn. Bởi vậy cho nên, liệu cách giải thích của tôi có làm vừa lòng những nhà triết học tư biện đó hay không thì điều đó không quan hệ gì cả; vấn đề chỉ là xem liệu nó có đáp ứng được cho đối tượng của nó, cho bản chất của nó hay không. Mà sự giải thoát được nêu lên bên trên đã đáp ứng được cho những điều đó. Nếu như ta nghiên cứu, phân tích tôn giáo của những người ta vẫn gọi là mông muội (những nhà du lịch vẫn thường cho chúng ta những điều thông báo về họ) cũng như tôn giáo của các dân tộc đã có nền văn hóa, nếu như chúng ta nhìn vào trong tâm hồn của chính mình, một cách tự nhiên và cởi mở, không chút dối trá che đậy đối với sự quan sát của chúng ta, thì chúng ta sẽ chỉ tìm thấy được không một cách giải thích nào khác thực thích ứng và bao quát được rộng rãi, hơn là cái cảm thức hay ý thức về sự lệ thuộc. Những nhà vô thần thời cổ đại và ngay cả rất nhiều người theo thuyết có thần thời xưa cũng như ở thời hiện đại đều giải thích nguyên nhân của tôn giáo là nỗi sợ hãi; thế nhưng, đấy thực ra chẳng qua cũng chỉ là biểu hiện phổ biến, rõ rệt như đập vào mắt, của cái ý thức về sự lệ thuộc mà thôi. Chúng ta hẳn ai nấy đều được nghe biết câu châm ngôn này của một nhà thơ La Mã: Primus in orbe deos fecit timor, có nghĩa là: nỗi sợ hãi đầu tiên đã tạo nên các vị thần trên thế gian. Ở người La Mã còn có từ: sự sợ hãi, métus, có nghĩa là tôn giáo, và, ngược lại, từ religio đôi khi chỉ sự sợ hãi, khiếp sợ; vì vậy nên dies religiosus, có nghĩa “ngày tôn giáo”, được họ dùng để chỉ cái ngày không may mắn, bất hạnh, cái ngày mà họ không kiêng sợ. Ngay cả một từ tiếng Đức chúng ta Ehrfurcht – một từ thể hiện niềm tin tôn kính tôn giáo tối cao – cũng được gồm thành, như chính bản thân từ này cho thấy, bằng Ehre (sự tôn kính, sùng bái) và Furcht (nỗi sợ hãi). Việc ta giải thích tôn giáo bằng sự sợ hãi được xác nhận trước tiên bởi một điều mà ta có thể quan sát thấy rằng: hầu như tất cả, hay dù sao đi nữa thì cũng là rất nhiều, các dân tộc nguyên thủy đã biến những hiện tượng hay tác động của thiên nhiên từng gây nên ở họ sự khiếp sợ và kinh hãi, làm đối tượng cho tôn giáo của họ. Những dân tộc nguyên thủy, cổ sơ hơn, thí dụ như những dân tộc ở châu Phi, Trung Á và châu Mỹ, - như Mây-nec-xơ đã dẫn ra từ những miêu tả của ông về các chuyến du lịch trong cuốn Lịch sử tôn giáo thế giới có phê phán của ông ta – “đều sợ hãi những con sông ở những khúc có các xoáy nước hay các ngọn thác nguy hiểm. Khi họ đi qua những chỗ như vậy, họ cầu xin được rũ lòng thương hoặc được tha thứ, hoặc họ tự đấm vào ngực mình và quăng cho các thần linh đang nổi giận những vật hiến linh có thể làm cho thần động lòng, nguôi giận. Nhiều tiểu vương người da đen đã chọn biển làm bái vật của mình, và họ khiếp sợ nó đến mức ngay cả nhìn biển họ cũng không dám nữa, chứ chưa nói là dám đi biển, bởi vì họ tin rằng cái nhìn trừng trừng của vị thần khủng khiếp đó sẽ giết chết họ ngay tại chỗ”. Chẳng hạn, theo lời của V. Mac-xđen trong cuốn Những miêu tả về thiên nhiên và dân sự hòn đảo Sumatra của ông ta, những bộ lạc rất ít người sống lâu trong xứ này khi lần đầu tiên họ được nhìn thấy biển, đã dâng hiến cho biển những chiếc bánh hấp có nhân và những chiếc bánh nướng ngon ngọt và cầu xin biển đừng làm hại họ. Thật vậy, những người dân đều thuộc bộ tộc Hottentot[3], như các tác giả về các chuyến du lịch có nói rõ, có một trạng thái tinh thần tin vào thần thánh nhưng chưa thể vượt quá giới hạn của những quan niệm tôn giáo của họ, họ tìn vào một đấng tối cao, những không sùng bái nó; ngược lại, họ sùng bái một “Thần ác” mà, theo ý họ, là kẻ đã gây ra mọi điều rủi ro, tai ương thường xảy đến với họ trên thế gian này. Thế nhưng tôi cũng cần lưu ý một điều là, những tài liệu, tin tức mà các tác giả về các chuyến du lịch, hay ít ra những tài liệu, tin tức của các tác giả đầu tiên nhất, cho biết về các quan niệm tôn giáo của người Hottentots, cũng như của những người mông muội nói chung, đều rất mâu thuẫn. Ngay cả ở Ấn Độ cũng có những đại phương “ở nơi đó phần lớn các dân cư không thờ cúng các đạo giáo nào khác mà chỉ thờ có Thần ác mà thôi. Mỗi một thế lực ác hại đó một tên gọi đặc biệt, và nó càng khủng khiếp và hùng mạnh bao nhiêu thì lại càng được họ tỏ lòng tôn kính bấy nhiêu”. (Stu-rơ: “Những hệ thống tôn giáo của các dân tộc theo ngẫu tượng giáo ở phương Đông”). Cũng hệt như vậy ở các bộ lạc châu Mỹ, cả ngay đến những bộ lạc mà, theo những tài liệu thông báo của những nhà quan sát theo thuyết có thần cho biết đều thừa nhận có “một đấng tối cao” nhưng lại chỉ thờ các “thần ác” mà thôi hay những đấng được họ gán cho mọi điều xấu xa ác độc, mọi bệnh tật và mọi nỗi bất hạnh buồn phiền đã xảy đến với họ; họ thờ những đấng đó để cho giảm bớt những điều bất hạnh nói trên, và do đó, để giảm nỗi khiếp sợ của họ. Trong số các đối tượng thờ cúng của người La Mã xưa còn có cả các bệnh tật và các bệnh truyền nhiễm, bệnh sốt, chứng đan độc (érysipèle) của lúa mì (để cúng chứng bệnh này hằng năm họ đã tổ chức một ngày lễ, một cuộc sát sinh trẻ con được gọi tên là Orbone (?), Sự rủi ro, bất hạnh, tóm lại, những đối tượng mà sự tôn thờ chúng rõ ràng là không có một lý do nào khác ngoài nỗi khiếp sợ (điều này đã được những người thời rất xưa, như Pline l’Ancient[4] nêu lên), và không có một mục đích nào khác ngoài việc làm cho chúng thành vô hại (và điều này cũng đã được người xưa nêu lên, chẳng hạn như He-li; ông này đã từng nói rằng người ta đã tôn thờ và dâng mình những vị thần này để chúng mang lại điều ích lợi, họ cố làm lành với một số vị thần khác và làm nguôi dịu chúng để chúng không gây điều thiệt hại cho họ. Đến cả ngay bản thân sự sợ hãi cũng được người ta lập đền thờ ở La Mã, và cả ở Sparte; ở nơi này, tuy vậy, ít ra là theo lời chứng của Plutarque, nó còn có một ý nghĩa luân lý, ý nghĩa của sự sợ hãi những hành vi nhơ nhuốc, xấu xa. Việc giải thích tôn giáo bằng sự khiếp sợ còn được xác nhận bởi một tình hình nữa là ngay cả ở những dân tộc đã có một sự phát triển cao về mặt tinh thần, vị thần tối cao của họ vẫn là hiện thân của những hiện tượng thiên nhiên đang gây ra cho con người một mức độ sợ hãi cao, đó là thần giông tố, sấm, sét. Cũng có cả các dân tộc mà để chỉ thần họ không có từ nào khác ngoài từ sấm; ở họ, do đó, tôn giáo không phải gì khác hơn là một ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ mà thiên nhiên đã gây ra trên con đường do tiếng sấm của nó và nhờ có thính giác, cơ quan của sự khiếp sợ. Ngay đến cả đối với những người Hy Lạp đầy tài năng, như ta đã biết, vị thần tối cao cũng chỉ là Thần Sét. Cũng hệt như vậy ở người Đức thời cổ đại, hay ít ra là những người ở miền Bắc nước Đức, và cũng giống như vậy ở người Finnois và người Lettons, vị thần xưa nhất, và đầu tiên được tôn thờ hơn hết là Thorr hay Donar, có nghĩa là thần sấm. Nếu như nhà triết học người Anh là Hobbes đã kết luận rằng lý tính có từ các lỗ tai, bởi vì ông đồng nhất hóa lý tính với lời nói nghe được, thì ta cũng có thể thừa nhận (và có quyền lớn hơn rất nhiều để làm điều đó dựa trên cơ sở những dữ kiện đã được nêu ra, theo đó tiếng sấm đã ấn vào đầu óc con người niềm tin vào thần linh), rằng màng nhĩ trong tai là nơi vang dội đối với các tình cảm tôn giáo và lỗ tai chính là cái tử cung từ đó thoát thai các vị thần. Thực vậy, nếu như con người ta chỉ có mắt và tay, vị giác và khứu giác thì nó sẽ không có tôn giáo, là vì tất cả những cảm giác đó đều là cơ quan của sự phê phán và của thái độ hoài nghi. Cái cảm giác duy nhất bị mất hút giữa phần tai trong của lỗ tai, vào trong cái vương quốc của các thần linh hay bóng ma của quá khứ hay tương lai, cái cảm giác sợ hãi duy nhất có tính chất thần bí và tôn giáo, chính là thính giác; người thời xưa cũng đã có nhận xét điều đó khi họ nói: “Một chứng nhân nhìn thấy được có giá trị hơn hàng nghìn chứng nhân nghe được”, và “đôi mắt đáng tin cậy hơn đôi tai”, hoặc “những gì mà anh đang nhìn thấy là chắc chắn hơn là những gì mà anh nghe thấy”. Bởi vậy cho nên tôn giáo xuất hiện cuối cùng và cũng là tôn giáo có tính chất tinh thần nhất, tức đạo Kitô, đang dựa một cách có ý thức chỉ vào lời nói mà thôi (và như họ nói: lời nói của thượng đế), và cũng có nghĩa, dựa vào thính giác. Luther nói: “Niềm tin nảy sinh khi nghe lời truyền giảng về Chúa”. Ở một đoạn khác, ông ta nói: “Chỉ có thính giác là đòi hỏi phải có trong đền thờ Chúa.” Do đó, nhân thể cũng xin nói, thực rõ ràng là cả một thái độ nông cạn khi ta đề cập đến tôn giáo, đặc biệt đến những nguyên nhân đầu tiên của nó, với những câu nói trống rỗng về cái tuyệt đối, cái siêu nhiên, cái vô hạn, và cứ làm như thể con người không hề có được những cảm giác nào cả, cho nên chúng không được tính đến khi nói về tôn giáo. Nếu không có cảm giác, thì ngôn ngữ của con người bao giờ cũng là vô nghĩa và vô tri giác. Thế nhưng từ nhận xét vào đề bên trên chúng ta hãy quay trở về phần trình bày của chúng tôi. Việc giải thích nguồn gốc tôn giáo từ sự sợ hãi còn được xác nhận bởi một điều là ngay đến cả người theo đạo Kitô, những kẻ đang gán cho tôn giáo, ít ra là về mặt lý luận, một nguồn gốc và một tính cách hoàn toàn siêu nhiên, thần thánh, cũng đều có thiên hướng đạo giáo chủ yếu vào các trường hợp, vào các thời điểm của đời sống khi trong con người nỗi sợ hãi được khích động. Chẳng hạn như khi đức hoàng đế, vì quốc vương đang trị vì nước Phổ[5] mà những người tín đồ Kitô giáo mộ đạo ngày nay vẫn gọi là “vị vua Kitô giáo” và vẫn được người ta tôn kính chủ yếu với tư cách đó, khi ông ta kêu gọi một viện dân biểu (landtag) hợp nhất, thì ông ta đã ra lệnh cho tất cả các nhà thờ phải kêu gọi sự ủng hộ của đấng thần linh. Thế nhưng, những lý do nào đã khiến có cái phong trào tôn giáo về mặt tinh thần đó và cái lệnh đó của đức hoàng đế? Chỉ độc cho sự sợ hãi, sợ rằng những xu hướng xấu của thời cận đại có thể ảnh hưởng một cách nguy hại đến những kế hoạch và những suy tính đã được dự kiến khi thành lập một viện dân biểu hợp nhất, cái tác phẩm bất thần đó của nghệ thuật quản lý nhà nước theo kiểu đạo Kitô ở Đức. Ta lại lấy một thí dụ khác: khi xảy ra vụ mất mùa một vài năm về trước, thì ở trong mọi nhà thờ Kitô giáo người ta đã cầu khẩn, một cách chân thành và nồng nhiệt, đức Chúa trời để ông ta giáng phúc cho họ. Nguyên do là thế nào? – Là sự sợ hãi Chúa. Chính vì vậy mà ta còn thấy một điều thường hay xảy ra là những tín đồ đạo Kitô sẵn sàng trút lên đầu những kẻ không tin đạo và “những kẻ vô đạo” mọi điều tai ương, bất hạnh; và cũng vì vậy mà – vả lại, cũng chỉ do tình thương Kitô giáo và sự ân cần quan tâm đến các linh hồn mà thôi, cố nhiên: - họ cảm thấy trong lòng mình một niềm vui sướng độc ác rất lớn lao khi điều rủi ro, bất hạnh xảy đến “những kẻ vô đạo”, là vì những người theo đạo Kitô đều tin rằng qua sự bất hạnh đó những con người “vô đạo” kia sẽ hướng về Chúa, sẽ trở nên những kẻ có đức tin và có tinh thần mộ đạo. Nói chung thì những nhà thần học và bác học theo đạo Kitô quả tình cũng có sự phê phán, không đồng tình (ít ra là trên các giảng toàn và trong các sách vở), khi mà hiện tượng tương tự như hiện tượng vừa dẫn trên được coi như là một hiện tượng đặc sắc đối với tín niệm tôn giáo; nhưng đối với tôn giáo, ít ra cũng là ton giáo theo nghĩa thông thường, hay đúng hơn, nghĩa lịch sử của từ này và hiện đang thống ngự trên thế giới, cái điều đặc sắc, tiêu biểu không phải là những gì có ý nghĩa trong các sách vở, mà là có ý nghĩa, trong đời sống. Những người theo đạo Kitô chỉ khác với những người được gọi là theo đạo nhiều thần hay với các dân tộc kém khai hóa ở một điều là họ đã gán những nguyên nhân của các hiện tượng đã gây nên ở họ nỗi khiếp sợ có tính chất tôn giáo, không phải cho các vị thần riêng rẽ, mà là cho các tính chất đặc biệt của vị thần của họ. Họ không hướng đến những vị thần độc ác; nhưng họ hướng đến một vị thần của họ khi mà ông ta – họ tin như vậy – nổi giận và đã trừng phạt họ bằng điều ác hại và sự bất hạnh. Như vậy, cũng giống như thể những vị thần ác là các đối tượng tôn thờ hầu như là duy nhất của các dân tộc nguyên thủy, sơ khai, thì cũng vậy, một vị thần nổi giận hay ác độc là đối tượng chính nhất của sự tôn thờ ở các dân tộc theo đạo Kitô. Và do đó, cả ở họ nguyên nhân chính yếu nhất của đạo giáo vẫn là sự sợ hãi. Cuối cùng, để xác nhận sự đúng đắn trong lối giải thích bên trên, tôi xin nêu lên một điều nữa là: những người theo đạo Kitô hay những nhà triết học có đạo và các nhà thần học đã chê trách Spinoza, phái khắc kỷ, và nói chung những người theo thuyết phiếm thần (là những kẻ có vị thần của họ, nếu nói cho thực sát đúng, không phải gì khác hơn chỉ là bản chất thuần túy của thiên nhiên), rằng vị thần của số người này không phải là thần, có nghĩa không phải là một vị thần tôn giáo thật sự, là vì nó không phải là đối tượng của tình yêu và sự sợ hãi, mà chỉ là đối tượng của một trí tuệ lạnh lùng, bình thản. Bởi vậy, nếu như bọn họ có bác bỏ lối giải thích sự xuất hiện của tôn giáo tự sự sợ hãi (mà những nhà vô thần thời cổ xưa đã đưa ra), thì một cách gián tiếp, qua chính điều đó, bọn họ vẫn cứ phải thừa nhận rằng ít ra sự sợ hãi cũng là thành phần chủ yếu của tôn giáo. Tuy nhiên, sự sợ hãi không phải là cơ sở, lý do đầy đủ và đủ để giải thích tôn giáo, nhưng không phải chỉ với một trong các lý do mà một số người đã đưa ra, cho rằng sự sợ hãi chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhất thời mà thôi; bởi vì chính đối tượng của sự sợ hãi vẫn cứ còn lại kia mà, ít ra là trong biểu tượng; là vì nét đặc biệt của sự sợ hãi chính là ở chỗ nó tác động cả ngoài các giới hạn của thời điểm hiện tại, và theo nó còn làm người ta run lên cả trước một điều tai họa, không may có thể xảy đến trong tương lai; mà chính bởi lẽ theo sau nỗi khiếp hãi, khi mà giây phút hiểm nguy đã qua đi, được khởi đầu một cảm xúc ngược lại, và cái tình cảm trái ngược lại với sự sợ hãi đó lại có mối liên quan với cùng một đối tượng; ta chỉ cần một sự chú ý và suy ngẫm tối thiểu cũng có thể tin chắc trước vào điều nói trên. Tình cảm đó là cái ý thức được giải thoát khỏi tai nạn, khỏi nỗi sợ hãi và run sợ, đó là cái tình cảm hân hoan, vui sướng, yêu thương, biết ơn. Những hiện tượng hây nên nỗi khiếp sợ và kinh hoàng phần lớn lại thuộc vào số các hiện tượng mang lại điều thiện lành và ích lợi nhiều nhất, xét về các hậu quả của chúng. Vị thần với những tia chớp và tiếng sét của nó làm cho cây cỏ, thú vật và con người phải kinh hoàng, thì cũng chính nó đã tưới mát cho các cánh đồng lúa và đồng cỏ bằng những luồng nước mưa của nó. Từ đó là nỗi tai họa, không may, những cũng từ nó sự tốt lành lại đến; từ đó là nỗi khiếp sợ, nhưng cũng từ đó là cả niềm vui. Tại sao con người lại không kết hợp được trong trạng thái tâm hồn của nó những gì mà bản thân chúng lại có vẫn chỉ cũng một nguyên nhân ở trong thiên nhiên? Chỉ những dân tộc nào độc sống bằng cái thời điểm của ngày hôm nay, và quá yếu, quá đần độn hay nhẹ dạ, nông nổi để có thể liên kết được các ấn tượng khác nhau, mới chỉ có đối với đức mẹ thần thánh của mình độc một nỗi sợ hãi và mới chỉ thờ có độc các thần ác, để sợ mà thôi; chứ ở các dân tộc mà, từ những ấn tượng do đối tượng để lại gây nên ở họ nỗi khiếp sợ và kinh hãi trong một lúc nào đó, họ vẫn không quên những tính chất tốt lành và hữu ích của nó, thì vấn đề có khác. Ở đây đối tượng của sự sợ hãi cũng được biến thành đối tượng của sự tôn thờ, của tình yêu và lòng biết ơn. Nên chi, ở người Đức cổ xưa, hay ít ra là ở những dân tộc miền Bắc nước Đức, thần Thorr – thần sấm – cũng là “một chiến sĩ tốt bụng, mang lại điều thiện lành cho người”, “kẻ bảo trợ nông nghiệp, vị thần dễ dãi và thiện ý đối với con người” (V. Miller, “Lịch sử và hệ thống các tôn giáo ở nước Đức cổ”), là vì ông ta, vị thần giông tố, đồng thời cũng là vị thần của những cơn mưa nhuần và của ánh sáng mặt trời. Bởi vậy, sẽ là điều phiến diện ở mức độ cao, và cả thiếu công bằng nữa, nếu như tôi lấy sự sợ hãi làm nguyên nhân duy nhất cắt nghĩa tôn giáo. Điều khác biệt chủ yếu giữa tôi và những nhà vô thần trước đây, và cả những người theo thuyết phiếm thần (những kẻ mà, về phương diện này, có những quan điểm chung đồng nhất với những nhà vô thần, chẳng hạn như Spinoza), chính là ở chỗ tôi không chỉ đưa ra để giải thích tôn giáo những lý do tiêu cực, mà cả những lý do tích cực, không chỉ sự ngu dốt và sợ hãi, mà cả những tình cảm trái ngược lại với sự sợ hãi – những tình cảm tích cực của niềm vui sướng, biết ơn, yêu thương và tôn kính; khác nhau ở chỗ tôi đã khẳng định rằng tôn giáo thần thánh hóa cả sự sợ hãi, lẫn tình yêu thương, niềm vui mừng, sự tôn kính. Trong những lời chú giải của tôi trong cuốn “Bản chất tôn giáo” tôi nói: “Cái cảm giác về sự cần thiết và mối hiểm nguy đã được vượt qua, hoàn toàn khác với cái cảm giác về sự cần thiết hay mối hiểm nguy đang hiện hữu hay sắp xảy ra. Trong trường hợp này tôi xác lập mối quan hệ của tôi với đối tượng, còn trong trường hợp kia tôi xác lập mối quan hệ của đối tượng đối với tôi; trong trường hợp này, tôi hát những bài hát ngợi ca, trong trường hợp kia tôi hát lên những bài ca ai oán; ở kia tôi cám ơn, ở đây tôi cầu khẩn. Cái cảm giác về sự cần thiết có tính thực tiễn, tính mục đích; cái tình cảm biết ơn có tính nên thơ, tính thẩm mỹ. Cái cảm giác cần thiết chỉ thoáng qua, còn cái tình cảm biết ơn thì lâu dài; nó thắt nối những mối liên hệ của tình yêu và tình bạn. Cái cảm giác về sự cần thiết là thô lậu, cái tình cảm biết ơn là một tính cảm cao quý; một đàng chỉ tôn thờ đối tượng của nó trong sự bất hạnh, còn một đàng thì tôn thờ đối tượng của mình cả trong may mắn, hạnh phúc.” Ở đây chúng ta có một sự giải thích tôn giáo về mặt tâm lý học, không chỉ từ cái mặt xấu xa của nó, mà còn cả từ mặt cao quý của nó. Nhưng nếu như tôi không muốn và không thể nêu lên cả sự sợ hãi, cả niềm vui mừng hay tình thương yêu làm nguyên nhân duy nhất giải thích tôn giáo, thì tôi sẽ tìm được một sự biểu thị nào khác đây – một sự biểu thị, một ký hiệu đặc sắc, phổ biến, bao quát được cả hai mặt – nếu không phải là ý thức về sự lệ thuộc? Sự sợ hãi là cái cảm thức về sự chết, niềm vui là cái cảm thức về sự sống. Sự sợ hãi là cái ý thức về sự lệ thuộc vào các đối tượng mà, nếu không có nó và nhờ có nó tôi không là gì cả, cái đối tượng mà trước uy lực của nó tôi phải triệt tiêu, bị hủy diệt. Niềm vui, tình yêu thương lòng biết ơn là cái ý thức về sự lệ thuộc vào đối tượng mà nhờ có nó tôi được là một cái gì, nó mang lại cho tôi cái tình cảm, cái ý thức rằng nhờ có nó mà tôi còn sống, nhờ có nó mà tôi đang tồn tại. Vì lẽ tôi nhờ có thiên nhiên hay thần nên mới đang sống và tồn tại, nên tôi yêu thần; vì lẽ tôi chịu đau khổ và bị diệt vong, vì thiên nhiên, nên tôi sợ và khiếp hãi nó. Nói tóm lại, kẻ nào mang lại cho con người phương tiện hay các nguồn hạnh phúc của đời sống, thì kẻ đó được nó yêu, còn kẻ nào lấy đi ở nó những phương tiện đó hay có sức mạnh để lấy đi những phương tiện đó, thì con người sợ họ. Nhưng cả điều này và điều kia đều được kết hợp lại trong đối tượng của tôn giáo; cái vốn là nguồn gốc của đời sống, trong sự phủ định của nó, khi tôi không còn có nó nữa, lại là nguồn gốc của cái chết. Si-rác có nói: “Tất cả đều do thần (thượng đế) mà ra; hạnh phúc và sự bất hạnh, sự sống và cái chết, sự nghèo nàn và giàu có.” Trong cuốn sách của Ba-ru-khơ có nói: “Không nên coi hay gọi những tượng thần là các vị thần; là vì chúng không thể trừng phạt mà cũng chẳng có thể giúp đỡ… Chúng không thể trách phạt và cũng chẳng giáng phúc cho các vì vua.” Kinh Coran ở thiên 26 cũng nói với những kẻ thờ cúng các tượng thần những lời đúng hệt như vậy: “Chúng (các tượng thần) có nghe được các người chăng khi các người kêu gọi chúng? Hay chúng có thể làm được gì ích lợi hay làm gì hại cho các người chăng?” Điều đó có nghĩa rằng: chỉ có những gì là đối tượng của sự tôn thờ có tính chất tôn giáo, chỉ có cái gì là thần, mới có thể trách phạt hay giáng phúc, làm hại hay làm điều lợi, giết chết hay làm sống lại, làm cho vui mừng hay sợ hãi. Bởi vậy cho nên ý thức về sự lệ thuộc là tên gọi và khái niệm phổ biến duy nhất đúng để chỉ và để giải thích cái cơ sở tâm lý và chủ quan của tôn giáo. Mặc dù, trên thực tế không có những tình cảm về sự lệ thuộc với một tính chất phổ biến, chung chung như vậy, mà bao giờ cũng chỉ có những tình cảm, những cảm giác xác định, riêng biệt mà thôi – chẳng hạn như (chúng ta hãy lấy các thí dụ từ tôn giáo tự nhiên) cảm giác đói, không được khỏe, nỗi sợ chết, nỗi buồn khi xấu trời hay niềm vui khi thời tiết tốt, quang đãng, nỗi đau xót khi sức lực bị phung phí vô ích, vì những niềm trông mong hy vọng không thành đạt được do bởi những hiện tượng phá hoại của thiên nhiên – và qua đó con người cảm thấy mình bị lệ thuộc; thế nhưng nhiệm vụ đặt ra (và có gốc rễ của nó từ bản chất của tư duy và ngôn ngữ), chính là ở chỗ làm sao đem quy các hiện tượng cục bộ, riêng rẽ đó của hiện thực thành những tên gọi và khái niệm phổ biến nói trên. Sau khi đã chỉnh lý và bổ sung lối giải thích tôn giáo bằng sự sợ hãi, tôi còn phải nhắc đến một lối giải thích thứ hai nữa. Những nhà triết học Hy Lạp nói rằng sự kinh ngạc trước quy luật vận động của các thiên thể đã đẻ ra tôn giáo, có nghĩa sự tôn thờ chính bản thân các vì sao hay những đấng đang điều khiển sự vận động của chúng. Thế nhưng rõ ràng không cần phải có những nhận xét tiếp theo nữa để thấy rằng lối giải thích tôn giáo đó có liên quan đến một bầu trời chứ không phải đến mặt đất chúng ta, đến con mắt chứ không phải đến các cảm giác khác; nó chỉ liên quan đến lý luận chứ tuyệt nhiên không phải đến thực tiễn của con người. Tất nhiên, các vì sao cũng là nguyên nhân và đối tượng của sự tôn thờ, nhưng hoàn toàn không phải với tư cách đối tượng của những quan sát thiên văn học, có tính chất lý luận, mà bởi vì chúng được xem như là những lực lượng chi phối đời sống của con người, và, do đó, vì chúng là đối tượng của sự sợ hãi và của các niềm hy vọng của con người. Chính qua thí dụ các vì sao chúng ta nhìn thấy được rõ rệt một điều là: chỉ khi nào một thực thể hay sự vật là đối tượng, là nguyên nhân của sự sợ hãi cái chết hay của niềm vui được sống, cũng có nghĩa, chỉ khi nào chúng là đối tượng của cái ý thức về sự lệ thuộc, thì lúc đó chúng mới là đối tượng của tôn giáo. Bởi vậy, trong một tác phẩm tiếng Pháp được xuất bản vào năm 1768 mang đầu đề “De l’origine des principes religieuses” (“Về nguồn gốc của các nguyên lý tôn giáo”), tác giả đã nói đúng: “Sấm sét và thời tiết xấu, những thảm họa của chiến tranh, dịch hạch và nạn đói, những bệnh dịch và sự chết chóc, trong một mức độ rất lớn đã khiến cho con người tin chắc vào sự tồn tại của thần thánh, có nghĩa, chúng càng khiến cho con người có thiên hướng tôn giáo, càng thuyết phục được người ta về sự lệ thuộc và tính hữu hạn, hơn là sự hài hòa thường xuyên của thiên nhiên cùng mọi chứng minh của Clarke[6] và Leibniz.” Một trật tự bình thường và không thay đổi không thu hút được sự chú ý của con người. Chỉ những sự cố giáp ranh với sự mầu nhiệm, kỳ lạ mới có thể làm cho nó sôi động trở lại. Tôi không bao giờ nghe nhân dân nói: Chúa đã trừng phạt kẻ say rượu cho nên y đã mất đi lý trí và sức khỏe. Nhưng tôi vẫn thường nghe những người nông dân ở làng tôi quả quyết rằng: Chúa trừng phạt những kẻ say rượu, cho nên gã say rượu đã ngã què cẳng khi y định đi về nhà. [1] Định nghĩa về tôn giáo được đưa ra trong Bản chất tôn giáo ở tiết thứ hai. [2] Nhà thần học và triết học Đức sống cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. [3] Một chủng tộc ở vùng Nam và Tây Nam châu Phi. [4] Nhà vạn vật học người La Mã thời cổ đại, tác giả của một bộ “Lịch sử tự nhiên” gồm 37 tập. [5] Ý muốn ám chỉ Frédéric Guillaume IV, vua nước Phổ (1840-1861). [6] Nhà triết học người Anh ở thế kỷ XVII, XVIII, tác giả của cuốn “Chứng minh về sự tồn tại và về những đức tính của Thượng đế” nhằm chống lại Hobbes và Spinoza. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC