Từ vựng triết học Hy Lạp:
IVAN GOBRY ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Thể từ giống trung ở lối hiện tại phân từ của động từ eïnaï: tồn tại (ngôi thứ nhất số ít : eïmi : tôi tồn tại). Dịch sát nghĩa : cái đang tồn tại [l’étant]. Bản thể học (chữ này do Lauberg chế ra vào thế kỷ 17) là bộ phận của siêu hình học vốn là môn nghiên cứu về tồn tại như là ý niệm phổ quát (về ontos, thuộc cách của chữ on). Có hai ý nghĩa : a. Tồn tại cá biệt, cái đang hiện hữu. b. hành vi tồn tại, sự kiện tồn tại ; và từ đó : tồn tại nói chung, tức được xét một cách trừu tượng ; cái có thể trở thành, ở Platon : Tồn tại tự mình, Bản chất của Tồn tại, Thực tại khả niệm. Aristote nêu ra những sự phân biệt tinh tế hơn : a. tồn tại qua tùy thể (kata sumbébêkos) ; cái được thể hiện qua thuộc tính : người này là nhạc sĩ ; và tồn tại qua bản thân (kath’hauto), cái được thể hiện qua chủ thể (x. autos). b. tồn tại như là chân lý, qua việc khẳng định sự hiện hữu (ở đây tồn tại đối lập với không-tồn tại : mè on). c. tồn tại trong hành động (entélécheia : nhìn = nhìn trên thực tế những đối tượng nào đó) ; và tồn tại trong khả năng (dunamei, tặng cách) : nhìn = năng lực nhìn các đối tượng (Met., ∆, 7, E, 2-4, K, 8-9). Chính với Parménide mà triết học về Tồn tại mới bắt đầu, bằng việc sử dụng có hệ thống chữ on. Có điều, trước ông người ta đã dùng chữ này theo nghĩa hẹp : các tồn tại (Philolaos, trong Stobée, Ecl., I, 21). Người ta đã gán cho Archytas, ở thời Cổ đại, hai công trình muộn hơn : một chuyên luận Bàn về các Nguyên tắc (Péri archôn) và một chuyên luận Bàn về Tồn tại (Péri ontos) trong đó chữ on được sử dụng một cách thông dụng theo nghĩa tồn tại nói chung ; do thuật ngữ này mà phần lớn các nhận xét phê phán đã gạt bỏ tính xác thực của các chuyên luận trên ; nhưng ta không được quên rằng Archytas (khoảng 380 tcn), ông là người theo thuyết Pythagore, thuộc thế hệ thứ hai sau Parménide (khoảng 450 tcn), và ông hiểu rõ tác phẩm của Parménide ; ngoài ra, ông sử dụng biện chứng pháp của các triết gia xứ Dorid khi dùng chữ ta éonta trong ngôn ngữ Đại Hy Lạp thay cho chữ ta onta (Stobée, Ecl., I, 35 và II, 2). Mặt khác, Socrate, người cùng thời với Archytas, biết rõ học thuyết của những người xứ Élée và sử dụng từ vựng của họ : “Những người này, ông nhận xét, tin rằng tồn tại (to on) là nhất thể (hén) (Xénophon, Mem., I, I, 14). Euclide xứ Mégare, học trò của Socrate, đồng nhất cái không-tồn tại với cái ác, và Tồn tại với cái Thiện. Gorgias, cũng là người cùng thời với Archytas, chơi trò tung hứng với chữ on và mê on theo phong cách rất Élée. Mặt khác, ông hoán đổi hệ thuật ngữ ở chỗ này chỗ khác, bằng cách đưa chữ eïnaï thế chỗ cho chữ on trong tuyên bố mang màu sắc hư vô chủ nghĩa nổi tiếng của ông, do Aristote truyền lại : “Hư vô (oudén) không hiện hữu ; nếu cái gì đó hiện hữu, nó là cái bất khả tri (agnôton) ; nếu nó hiện hữu và nếu nó là cái khả tri, thì nó không thể hiển hiện ra trước những cái khác.” (Về Mélissos, Xénophan và Gorgias, V. cũng xem Sextus Empericus, Adv. log., I, 65-87). Thực vậy, công trình của Gorgias, Bàn về cái không-tồn tại và Tự nhiên, vốn đã thất truyền, là một sự phản ứng lại Parménide, hay chính xác hơn là một sự phản ứng lại bản thể học tuyệt đối chủ nghĩa của Parménide. Bản thể học này đi từ một tiên đề song trùng không thể bác bỏ được : cái Tồn tại thì tồn tại, còn cái không-tồn tại thì không tồn tại. Vậy, chỉ có một Tồn tại duy nhất (cái Một) ; vì nếu có cái thứ hai (như cái thể đôi – duas – của Pythagore), thì đó sẽ là cái không-tồn tại, tức cái hư vô. Từ đó, sự hoàn hảo của Tồn tại : “Tồn tại không được tạo ra và không thể mất đi, vì chỉ có nó là hoàn hảo, bất biến và vĩnh hằng.” “Tồn tại không phải là không khả phân, vì nó là cái toàn bộ đồng nhất với chính mình.” (fr. VIII, 3-5, 22). Cả học thuyết của Mélissos cũng vậy, với luận cứ được rút ra từ sự biến đổi : “Nếu Tồn tại (éon) biến đổi, thì cái tiêu vong và cái không tồn tại (oux éon) xuất hiện” (fr. VIII, 6). Nổi lên chống lại thuyết Élée là thuyết nguyên tử của Leucippe và Démocrite, vốn là thuyết “xem đầy và rỗng là những yếu tố, mà họ lần lượt gọi là cái Tồn tại và cái không-tồn tại.” (Aristote, Met., A, 4). Cũng chính vì chống lại học thuyết về Tồn tại của Parménide mà Platon phản ứng lại, trong Parménide và Kẻ ngụy biện, nhưng theo một cách hoàn toàn khác với Gorgias. Trong đối thoại đầu, ông biện bạch rằng Tồn tại đúng thật là cái Bản chất (eïdos); và cái Bản chất này là cái nhiều, được tham dự vào cái Tồn tại, như vậy cái Tồn tại là cái Phổ quát, là cái một nhưng đồng thời cũng là cái nhiều (162a-b, v.v.). Trong đối thoại sau, ông chứng minh rằng, từ sự vận động trong đó tính đa thể nằm trong Tồn tại, bất cứ tồn tại nào cũng vừa tồn tại vừa không-tồn tại một cách đồng thời, tồn tại với tư cách là nó tham dự vào cái Tồn tại, không-tồn tại với tư cách là nó tham dự vào cái không-Tồn tại (240b-258c) ; số phận của môn bản thể học, từng bị Parménide – người đã phủ nhận nguyên tắc tính khác biệt khi nêu danh nguyên tắc tính đồng nhất – ném vào ngõ cụt, đã được Platon mở ra lối mới. Platon nhân đó xác lập luôn năm loại cái tối cao (eïdê megista) của các Bản chất vĩnh hằng : Tồn tại (to on), đứng yên, vận động, chính mình và cái khác (x. génos). Trước đó, trong Phédon (78c-d), Platon đã chỉ ra rằng “trong mỗi sự vật, cái luôn luôn tồn tại (ho esti), tức là sự tồn tại của nó (to on), đó là cái Bản chất nhất thể tồn tại tự mình và bởi mình” (auto kath’hauto). x. autos. Ở Aristote, môn đệ nhất triết học (hê prôtê philosophia), mà ta gọi là siêu hình học, là khoa học về Tồn tại xét như là Tồn tại (to on hê on) (Met., Γ, 1), tức là nó không tiến hành nghiên cứu loại tồn tại này hay loại tồn tại khác, mà Tồn tại xét như là cái phổ quát (katholou). Vì “tất cả cái đang tồn tại được gọi là tồn tại do có một cái gì đó chung, cho dù chúng có nhiều nghĩa.” (ibid., K, 3). Đối với Plotin, cái Tồn tại thực sự xứng đáng với danh từ này chính là cái tồn tại thực sự tồn tại (on ontôs on), cái tồn tại này chỉ hiện hữu trong thế giới khả niệm (IV, III, 5), và đồng thời là đối tượng của tư tưởng riêng của nó (IV, V, 1). Tư tưởng này đưa Plotin nhích lại gần với Aristote. x. noûs.
[1] Động từ esse (tồn tại), tiếng Latinh, không có thể phân từ ; do đó chữ on không thể dịch được. Chính ở thời Trung đại, người ta bắt gặp một hiện tại phân từ xa xưa, ít được các tác gia sử dụng. Nhưng người ta vẫn sẵn sàng dịch phân từ on bằng động từ nguyên thể esse : “Argens sequitur esse” (“Sự tác động nảy sinh từ cái tồn tại”) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC