Thuật ngữ chuyên biệt

OUSIA (hê): Bản thể, Tồn tại, Bản chất

Từ vựng triết học Hy Lạp:

 

OUSIA (HÊ): bản thể, tồn tại, bản chất

[t.Latinh: substantia; t.Pháp: la substance, l’être, l’essence]

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
                                       

IVAN GOBRY

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 

Ousia là một thể từ được rút ra từ chữ ousa, phân từ giống cái của động từ eïnaï : tồn tại. Giống trung của phân từ này là on : cái đang tồn tại, cái tồn tại. Vì thế, chữ ousia có nghĩa là cái đang tồn tại, cái hiện hữu thực sự ở bên ngoài tư tưởng của chúng ta.

Thuật ngữ này được các tác gia không thuộc lãnh vực triết học sử dụng với nghĩa  : tài sản, của cải, cơ nghiệp. Từ này có thể trông có vẻ nghịch lý, nhưng lại hoàn toàn không nghịch lý chút nào : với người bình thường, cái thực tế và chắc chắn là cái gì hữu dụng và sinh lợi. Các triết gia sử dụng chữ ousia một cách chuyên biệt với hai lớp nghĩa: thực tại, tức là tồn tại xét như là cái đang hiện hữu ; bản chất, tức là bản tính của cái tồn tại ấy.

Ta bắt gặp thuật ngữ này ở Héraclite, khi ông tuyên bố rằng bản thể của sự vật phục tùng sự biến đổi : métabolê. (fr. 91).

Chính với Platon mà chữ này đi vào triết học ; ông đối chiếu nó với nhiều nghĩa khác nhau, nhất là [nghĩa] Tồn tại ; trong Théétète (185c) : ousia và mê eïnaï = tồn tại và không-tồn tại, nhưng luôn theo tinh thần của nghĩa thứ nhất, và nhất là :

  • Bản chất vĩnh hằng (nói khác là eïdos), Thực tại siêu hình học vượt khỏi thế giới cảm tính. Ở đây, bản thể và bản chất cùng chỉ đến cái Tồn tại. “Đối với mỗi Thực tại (tuyệt đối : ousia), ta cần thiết định sự hiện hữu bởi chính sự hiện hữu (kath’hautên).” (Parménide, 133c). “Thực tại đang hiện hữu thực sự (ousia ontôs ousa) thì không màu sắc, không hình thể, không sờ được, chỉ có thể được chiêm ngắm bằng Trí tuệ (noûs), quan năng dẫn dắt linh hồn.” (Phèdre, 247c). “Khi nói về Độ lớn, Sức khỏe và Lực... thì đó là ta nói về Thực tại (ousia)” (Phédon, 65d). Ở đây, thuật ngữ này rõ ràng là đồng thời chỉ đến bản thể và Bản chất vĩnh hằng. Chính ý nghĩa mà Platon gán cho lý tính cao hơn (noêsis) nhiệm vụ nâng mình lên tới ousia (Rep., VII, 523).
  • Bản chất của các sự vật, bản tính của chúng. Mọi người thường không không để ý đến bản chất (ousia) của mỗi sự vật (Phère, 237c). Các thực tại khả tri coi tồn tại và bản chất (eïnai kaï ousia) là cái Tốt [hay cái Thiện] (Rep., VI, 509). Ở quyển II tác phẩm Nền Cộng hòa (359a), Platon thử định nghĩa “bản tính của sự công bằng” (ousia dikaïosunês)

Chính Aristote, người đã xét một cách có hệ thống quan niệm của ông về ousia như là bản thể, theo ba bình diện : lôgíc học, vật lý học và siêu hình học.

  • Lôgíc học. Trước hết bằng lối tiếp cận phủ định : “bản thể, theo nghĩa cái nền tảng nhất, đó là cái không được chủ từ khẳng định, cũng không nằm trong chủ từ.” (Cat., V, 2a). Điều này muốn nói : nó không phải là một thuộc từ (trong câu : “tuyết có màu trắng”, màu trắng không thể là thể từ) ; và nó không thể thuộc về một thực tại như là tính chất riêng, nó cũng không thể có sự hiện hữu xét như là phương cách của một tồn tại khác. Rồi lối tiếp cận khẳng định : ousia, đó là chủ từ lôgíc, phần còn lại của nó được khẳng định (Cat., V, 4b). Từ đó, kết luận thứ nhất : bản thể là phạm trù đầu tiên của tồn tại (Met., Z, 1).
  • Vật lý học. Vì ousia là chủ thể, nên nó cụ thể ; và cái chủ thể cụ thể đầu tiên mà kinh nghiệm mang lại là chủ thể khả giác, thuộc về giới tự nhiên, và là đối tượng của khoa học. Bản thân chất liệu phải được xét như là bản thể phổ quát (Met., H, 1, 8 ; Λ, 2 ; De gen., I, 4). Chính trong bản thể vật lý mà sự biến đổi được diễn ra (Phys., I, 4) ; chính bởi bản thể ấy mà sự sinh và sự hoại được giải thích (ibid., I, 7). Từ đó, lý thuyết mô thức-chất thể : mọi bản thể vật lý được hợp thành từ chất liệu (hulê) và mô thức (morphê).
  • Siêu hình học. Siêu hình học, hay đệ nhất triết học (Aristote không biết đến thuật ngữ siêu hình học) là khoa học về bản thể (Met., Γ, 2 ; B, 2 ; Z, 1 ; ∆, 8). Bản thể, Aristote nói, có thể được xét từ bốn điểm nhìn : cái bản chất (to ti ên eïnaï), nghĩa là sự vật tồn tại “bởi nó”, nói cách khác, tồn tại không phải bởi bất cứ thuộc tính nào liên quan tới nó, mà bởi thực tại riêng của nó : một sự hiện hữu độc lập ; cái phổ quát (katholou) và loài (génos), vì bản chất này là cái giống nhau trong mọi cái tồn tại cho phép có cùng một định nghĩa ; cuối cùng cơ chất, hay chủ thể (hupokeïménon) (ibid., Z, 4). Khái niệm này được nối với khái niệm sự tính ; thực vậy, nếu bản thể độc lập với các thuộc tính của nó, tức vẫn luôn là cái nó đang là, và không biến đổi, thì nó là gốc khởi sinh, chủ thể của các thuộc tính (các tùy thể sumbékêkota) và của sự biến đổi. Bản thể cá biệt, cái duy nhất có được bản chất, là cái ousia đúng thật ; nhưng ta có thể gán cái gọi là các bản thể thứ hai cho các bản chất phổ quát và các loài (Cat., V).

Các nhà Khắc kỷ cho rằng có một bản thể phổ quát (hê ousia tôn holôn, Marc Aurèle, VI, 1), nhưng họ không tìm cách định nghĩa khái niệm ấy. Không có bản thể cá biệt, vì mọi tồn tại là một phân mảnh của Tồn tại duy nhất.

Plotin sử dụng chữ ousia theo những nghĩa giống với Platon :

  • Tồn tại, Thực tại. “Chính trong thế giới khả niệm mà Thực tại đúng thật (hê alêthé ousia) được xác định.” (IV, I, 1). “Sự minh triết thực sự, đó là Tồn tại : ousia” (V, VIII, 5). “Cái mà ta gọi là Thực tại (ousia) theo nghĩa thứ nhất, không phải là cái bóng của Tồn tại, mà là chính bản thân sự Tồn tại.” (V, VI, 6).
  • Bản chất của các sự vật. Linh hồn “coi tất cả những gì nó có là bản chất của nó” (VI, II, 6). “Mỗi người do thể xác mà bị xa rời bản chất của mình, nhưng do linh hồn mà tham dự vào cái bản chất ấy.” (VI, VIII, 11). “Trong các nghiên cứu của chúng ta về bản chất của linh hồn...” (V, II, 1).
  • Tuy nhiên, ta thường nhớ đến Aristote khi ông gợi ý bản thể như là cái được hợp thành từ mô thức (eïdos) và chất liệu (hulê) (VI, I, 3 ; III, 3).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt