Thuật ngữ chuyên biệt

ALÊTHÉÏA (HÊ) : Chân lý

Từ vựng triết học Hy Lạp:

 

ALÊTHÉÏA (HÊ) : Chân lý

[t.Latinh : veritas ; t.Pháp : la vérité]

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
                                       

IVAN GOBRY

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Ta gọi là alêthês / ἀληθής cái gì không thể bác bỏ được hoặc trong những sự kiện (thực tế, thật sự), hoặc trong những lời nói (hiển nhiên từ điểm nhìn của lôgíc học, xác thực từ điểm nhìn của chủ thể đang khẳng định).

Triết học có mục đích tối hậu là đạt đến chân lý. Triết gia, theo Platon, là “người ái mộ Tồn tại và chân lý.” (Rep., VI, 501d) ; chương trình của triết gia là đẩy linh hồn đạt đến Chân lý tự thân (ibid., VII, 526b). Đối với Aristote, triết học là “khoa học về chân lý” : épistêmê tês alêthéia / ἐπιστήμη τῆς ἀληθείας (Met., α, 1, 993b). Đối với Plotin, lòng ham muốn cơ bản của linh hồn là tìm kiếm, ở bên kia tất cả các hình thức của Tồn tại, “cái đúng thật hơn cả cái đúng thật” (VI, VII, 34).

Chân lý bản thể học. Đối với Parménide, có hai con đường tìm kiếm : tư kiến (hay thường kiến) dẫn đến cái không-tồn tại, và tư tưởng (noëma) dẫn đến cái Tồn tại, tức là dẫn đến chân lý (fr., I, 30, II, 1-8, VIII, 39-40, 50-52). Ở Platon, Chân lý thường được trình bày cho ta như là cái ở bên kia các giác quan và bên kia thế giới cảm tính. Linh hồn “đạt đến chân lý” khi, nhờ vào diễn trình lập luận, nó thấy các Tồn tại (ta onta / τά ὄντα) xuất hiện ra (Phédon, 65bc) ; và chính lòng ham muốn này về chân lý đã đẩy linh hồn lao vào cuộc tìm kiếm các Tồn tại (ibid., 66a) ; vì đối tượng của những sự ham muốn sâu xa trong ta, đó chính là chân lý (ibid., 66b). Cũng vậy, người định hướng cho cuộc tìm kiếm như vậy là triết gia thực thụ, nói nguyên văn là : “triết gia một cách thực thụ” : alêthôs philosophos / ἀληθῶς φιλοσοφὸς (ibid., 64b, e). Cũng tương tự như thế, có một tư kiến đúngalêthês doxa / ἀληθής δόξα, dẫn ta đến cái tốt (hay cái thiện) hiện tồn để thực hành nơi thế giới này (Ménon, 98c). Đối với Aristote, chân lý chính là chỗ nhận thức cái Tồn tại tự thân (to on auto / τό ὄν αὐτό) (Met., θ, 10). Đối với Épicure, tiêu chuẩn của chân lý là các cảm giác (D. L., X, 31). Đối với Plotin, chân lý được thực hiện trong viễn quan về cái Tốt (hay cái Thiện) : to agathon / τό ἀγαθόν. (VI, VII, 34)

Chân lý lôgíc học. Platon cho ta thấy rằng Socrate đã tạo điều kiện cho việc khôi phục lại cuộc bàn luận này, bằng cách đòi hỏi người nghe phải có mối bận tâm về chân lý (Phédon, 91c). Theo Aristote, việc nghiên cứu về các phạm trù là phải phân biệt chân lý với sai lầm (Cat., IV) ; đó cũng là mục đích của chuyên luận Bàn về sự lý giải (De int., I). Trong Siêu hình học (E, 4) và trong chuyên luận Bàn về sự lý giải (I), ông nói đến nghĩa của Tồn tại xét như là chân lý, đối lập với không-tồn tại xét như là sai lầm (pseudês / ψευδής), và sau đó (θ, 10), ông đòi hỏi phải khảo sát cái Tồn tại và cái không-tồn tại, tương ứng với chân lý và sai lầm, theo những loại phạm trù khác nhau ; rồi (K, 8) ông lấy sự thao luyện của tư tưởng làm chân lý của Tồn tại. Đối với Épictète, “bản tính của lý tính chúng ta là tán thành chân lý.” (Entretiens, I, XXVIII, 4).

Sự phủ định về chân lý. Aristote nhắc lại rằng, theo Héraclite, “mọi sự đều đúng và mọi sự đều sai” (Met., Γ, 8), và theo Démocrite “chẳng có gì đúng cả ; hơn nữa, chân lý là cái ta không thâm nhập được” (Met., Γ, 5). Trái lại, Protagoras quả quyết rằng “mọi sự đều đúng” (Sextus Empiricus, Adv. log., I, 60). Về phần Sextus, ông lập luận như sau : Nếu tôi nói “mọi sự đều sai”, thì tôi hiểu rằng mệnh đề này là đúng ; cũng giống như vậy nếu tôi nói “Chẳng có gì đúng cả” (Hypot., I, 7). Cuối cùng, không có một tiêu chuẩn nào về chân lý (ibid., II, 4).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt