AGATHON (TO) / άγαθόυ (τό) : Thiện/Tốt (sự, cái) [t.Latinh : bonum ; t.Pháp : le Bien] IVAN GOBRY ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Thể từ giống trung của tính từ agathos/άγαθός : tốt/thiện. Danh từ so sánh cao nhất, to ariston/ τò άριοτον: cái Thiện Tối cao. Latinh: summum bonum Trong triết học Hy lạp, cái Thiện [hay cái Tốt] là mục đích dành cho mọi người để sống thành công. Nó là nguồn suối của hạnh phúc (eudaïmonia), là cuộc tìm kiếm không ngừng của linh hồn. Nhưng chỉ có bậc hiền nhân mới đạt đến cái Thiện, vì chỉ có vị ấy mới sử dụng lý tính một cách thích hợp. Tuy nhiên, không một triết gia nào (người biện minh cho nghĩa của chữ: “người yêu mến sự hiền minh”, mà [cũng là] người đi tìm sự hiền minh nhưng không tìm được) hình như không đi đến tận cùng cuộc tìm kiếm ấy, vì tất cả họ đều không nhất trí về bản tính của cái Thiện. Vì thế chủ đề này được bàn luận rất phong phú trong triết học Hy Lạp. “Môn khoa học cao hơn tất cả những môn khoa học khác, và các môn khoa học khác phụ thuộc vào nó, Aristote viết để tóm tắt ý kiến khái quát, là khoa học nhận thức về mục đích của mọi hoạt động, và trong từng hữu thể, nó là cái thiện, và trong mọi hữu thể nó là cái Thiện Tối cao (to ariston) trong Tự nhiên phổ quát.” (Met. A, 2, 982b). Sự tìm kiếm về bản tính của cái thiện diễn ra tương đối muộn. Những nhà tư tưởng đầu tiên đều bận tâm về bản tính và nguồn gốc của thế giới: pân, holon. Chính Pythagore là người đặt cái Thiện ở vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc các tồn tại, bằng cách đồng nhất nó với Thượng đế, với Tinh thần và với Đơn tử sản sinh ra các tồn tại. Như vậy, một truyền thống triết học lấy cái Thiện là nguyên tắc, nhưng không phải là nguyên tắc luân lý hay kinh tế, mà về bản chất là nguyên tắc siêu hình học; thật vậy, ông kết luận cái thiện không những như là giá trị luân lý, mà còn như là cái Đẹp, Chân lý và hạnh phúc; chính xác hơn, nó vượt lên trên các giá trị thứ sinh này và mang lại giá trị cho chúng: nó là giá trị tuyệt đối và căn nguyên. Archytas dùng thuật ngữ này theo cách khiêm tốn hơn và bình dân hơn trong cuốn sách Luận về người tốt và người hạnh phúc / Traité de l’homme bon et heureux, được Stobé trích dẫn rất nhiều. Với Euclide de Mégare, môn sinh của Parménides rồi của Socrates, “cái Thiện là Tồn tại nhất thể” (Cicéron, Acad. Post., II, 42); Diogène Laërce đưa ra một công thức khác: “Cái Thiện là cái Một, cho dù ta cũng gọi nó bằng những tên khác như: Tư duy, Thượng đế, Tinh thần.” (II, 106) Với Platon, “Bản chất của cái Thiện là đối tượng của môn khoa học cao nhất” (Rep. I, 505a). Cái Thiện, thực vậy, “là nguyên nhân của những gì công chính và đẹp” (Rep. VII, 517c); trong thế giới khả giác, “nó đã tạo ra ánh sáng và là chủ tể của ánh sáng”, tức là mặt trời; còn trong thế giới khả niệm, “chính nó chủ trì chân lý và trí tuệ.” (Rep. VI, 508c-509a). Nó là “cái hoàn toàn tuyệt đối (téléôtaton) và nó trên mọi tồn tại” (Philèbe, 20d). “Nó chính là cái bên kia của Bản chất bởi vẻ uy nghiêm và sức mạnh của nó.” (Rep. VI, 508c-509b). Chính vì thế, nó là bất khả diễn đạt (Rep. VI 505a-506b); ta không có thể đưa ra một khái niệm về nó: cần phải đạt đến nó bằng một diễn trình đi lên (anabasis) của tinh thần (Rep. VII, 519c-d). Ở con người, “chính nhờ cái Thiện mà mọi hành động được thực hiện” (Gorgias, 468b), và nếu không có nó, tất cả những gì ta có đều vô ích (Rep. VI, 505a). Ở Aristote, cái Thiện được đồng nhất với Đệ nhất Động cơ (Met., K, 1), với Tồn tại tất yếu, với Nguyên tắc, với Tư duy tự trị, với Tác vụ tự tồn bền vững là Thượng đế (ibid., A, 7). Với con người, đối tượng đầu tiên của ý chí hợp lý tính chính là cái Thiện (ibid.). Đến mức là tất cả mọi nghệ thuật và mọi khoa học đều được hướng đến cái Thiện (Éth. Nic, I, I, 1); và cái Thiện Tối cao (aristhon) là mục đích cuối cùng, của cá nhân cũng như của Nhà nước (ibid., I, II, 1-7). Vì vậy, ông xét nó trên nhiều phương diện. “Nó gồm nhiều phạm trù không kém gì Tồn tại: với tư cách là bản thể, cái Thiện Tối cao được gọi là Thượng đế và Tinh thần; với tư cách chất, nó là các đức hạnh; với tư cách lượng, nó là hạn độ đúng mực, v.v. (ibid. I, VI, 3). Nó cũng là mục đích duy nhất và hoàn hảo, vốn được sở hữu, tạo nên hạnh phúc; cái khiến cho ta phải tìm kiếm nó cho chính mình chứ không phải cho ai khác (ibid. I, VII, 3-5). Và bằng một sự đảo ngược các thuật ngữ, Aristote kết luận rằng cái Thiện Tối cao đó chính là hạnh phúc (eudaïmonia); và ông nói rõ: “cái thiện của riêng con người là sự hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh” (ibid. I, VII, 8-15; VIII, 8). Cuối cùng, cái Thiện-hạnh phúc này chính là “sống đúng với phần hoàn hảo nhất của chính chúng ta (ibid. X, VII, 8), phần ấy là nguyên tắc thần thánh của lý tính chiêm ngắm (épistêmonikon). Với Épicure, cái thiện ít mang tính siêu hình học; vì cái thiện đầu tiên và có tính cách đồng bản tính (agathon prôton kaï sungénikon) là sự thích khoái: hêdonê / ήδουή (D.L., X, 128-129). Nhưng đó là một cái Thiện Tối cao rất chủ quan tính mà các nhà Khắc kỷ chủ trương. Thực vậy, về cơ bản nó là một cái tuyệt đối, có thể quy chiếu đến tất cả mọi thứ và không thể so sánh được (Stobée, Ecl., II, 6). Theo Diogène xứ Babylone, nó là “cái tuyệt đối bởi bản tính tự nhiên: natura absolutum” (Cicéron, De fin., III, 10). Trên thực tế, ngay khi ta gán một nội dung cho định nghĩa hình thức này, theo bản tính tự nhiên của một con người có lý tính, với tư cách là con người có lý tính” (D. L., VII, 94). “Con người ấy là hữu ích” (ibid., Sextus Empiricus, Adv. mor., II, 10; Hypot., III, XXII, 169). Hoặc nữa, theo Hécaton và Chrysippe, cái Đẹp (D. L., VII, 100-101); Marc Aurèle, II, 1; Cicéron, Tusc., V, VII, 18). Với Zénon xứ Cittium, đó là đức hạnh (Sextus Empiricus, Adv. mor., III, 77; Cicéron, De fin., III, 11). Với Herillos xứ Carthage, cái Thiện đó chính là khoa học (épistêmê) (Clément xứ Alexandrie, Stromates, II, XXI, 129; Cicéron, De fin., III, 9; D. L., VII, 165, v.v.). Chính Plotin là người nâng cái Thiện lên tầm siêu hình học đáng kể nhất, đến độ, trong công trình dài dòng của mình, chỗ nào ông cũng nhắc tới nó. Nguyên tắc của tất cả mọi sự vật, cái Thiện là đồng nhất với cái Một (hén), Ngôi thứ nhất (II, IX, 1). Với tư cách là cái tốt nhất của các tồn tại (to ariston tôn ontôn) (VI, VII, 23), nó ở bên kia Tồn tại và Tư duy (III, IX, 9), bên kia cái Đẹp tối cao (I, VI, 9). Tất cả những gì mà ta có thể nói về nó đó là nó là Ý chí (boulêsis), bởi lẽ chính ý chí riêng của ta mới là cái mang lại cho ta sự hiện hữu (VI, VIII, 13) và là sức mạnh của mọi sự vật (V, IV, 1). Cái sản sinh một cách tự phát và trực tiếp đó là Tinh thần, tức ngôi thứ hai, và tác vụ đầu tiên của nó (I, VII, 1; II, IX, 1), Hình ảnh của cái Thiện, tức cái suy tưởng về cái Thiện, bởi lẽ cái Thiện không suy tưởng (V, VI, 4; VI, VII, 40). Tất cả mọi tồn tại đều thông dự vào cái Thiện (I, VII, 1); tất cả mọi tồn tại đều thụ nhận từ nó vẻ đẹp và ánh sáng (VI, VII, 31); nó là sự Ham muốn mà mọi linh hồn đều hướng đến (I, VI, 7; V, VII, 25) và là kho trí khôn mà có có đủ (I, IV, 4). Proclus, tiếp sau Plotin, khẳng định rằng : “Cái Thiện là nguyên tắc và là nguyên nhân của mọi tồn tại” và [như là] nguyên tắc của sự thống nhất, nó đồng nhất với cái Một (Théologie, 12-13). Cũng vậy, với Hermès Trismégiste, cái Thiện và Thượng đế là hai thuật ngữ có thể dùng cho nhau được (II, 38). Trong Chính trị học (I, I, 1), Aristote gọi cái Thiện Tối cao (của cộng đồng) là to kuriotaton / κυροτατόν, kurios / κύριος (thường dịch âm là kyrios): sự làm chủ, chủ quyền (trong sách lễ Kitô: Thiên Chúa = Thượng đế). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC