PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY (KRITIK DER REINEN VERNUNFT)
LỜI DẪN NHẬP (ẤN BẢN B)
II. CHÚNG TA SỞ HỮU MỘT SỐ NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM VÀ NGAY TÂM TRÍ BÌNH THƯỜNG* CŨNG KHÔNG BAO GIỜ KHÔNG CÓ CHÚNG
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Vấn đề bây giờ là về đặc điểm (Merkmal) nhờ đó ta có thể phân biệt chắc chắn giữa một nhận thức thuần túy với nhận thức thường nghiệm. Kinh nghiệm tuy dạy cho ta biết cái gì đó tồn tại với tính chất như thế này hay thế kia, nhưng không cho biết nó không thể tồn tại cách khác. Vậy, thứ nhất, khi gặp một mệnh đề được suy tưởng với tính tất yếu, nó là một phán đoán tiên nghiệm; ngoài ra nếu nó không được rút ra từ mệnh đề nào khác ngoài mệnh đề mà bản thân cũng có giá trị như một mệnh đề tất yếu, nó là tuyệt đối tiên nghiệm. Thứ hai là: kinh nghiệm không bao giờ mang lại cho các phán đoán của nó tính phổ biến (Allgemeinheit) đích thực hay chặt chẽ, mà chỉ tính phổ biến được giả định hay so sánh (bằng quy nạp), khiến cho thực ra phải nói: trong mức độ ta quan sát được cho đến nay, chưa thấy có ngoại lệ nào đối với quy luật này hay quy luật kia. Vậy, khi một phán đoán được suy tưởng với tính phổ biến chặt chẽ, tức không cho phép có một ngoại lệ nào cả, phán đoán ấy không được rút ra từ kinh nghiệm mà là có giá trị tuyệt đối tiên nghiệm. Cho nên, tính phổ biến thường nghiệm chỉ là sự gia tăng tùy tiện về tính hiệu lực, nghĩa là từ cái có giá trị trong phần lớn các trường hợp trở thành cái có giá trị trong mọi trường hợp, chẳng hạn như trong mệnh đề, “mọi vật thể đều nặng”; ngược lại, ở đâu tính phổ biến chặt chẽ thuộc về phán đoán một cách thiết yếu (wesentlich), tính phổ biến này cho thấy [sự có mặt của] một nguồn nhận thức đặc biệt của phán đoán, đó là một quan năng của nhận thức tiên nghiệm. Vậy, tính tất yếu và tính phổ biến là các dấu hiệu (Kenn-zeichen) của một nhận thức tiên nghiệm, và chúng thuộc về nhau một cách không thể tách rời[1]. Nhưng vì trong lúc sử dụng chúng, có khi dễ vạch ra tính hạn chế (Beschrnktheit) thường nghiệm [tính không phổ biến] hơn là tính bất tất [tính không tất yếu] trong các phán đoán, hay là dễ thấy rõ [chứng minh] tính phổ biến không bị hạn chế mà ta gán cho một phán đoán hơn là tính tất yếu của nó, do đó điều nên làm là cứ sử dụng hai tiêu chuẩn (Kriterien) được suy tưởng nói trên một cách riêng lẻ, dù mỗi tiêu chuẩn tự nó là không thể thiếu. Chứng minh rằng trong nhận thức của con người thực sự có các phán đoán tất yếu và phổ biến theo nghĩa chặt chẽ nhất như thế, – do đó, là các phán đoán thuần túy tiên nghiệm – là điều dễ dàng. Nếu muốn lấy một ví dụ từ trong các khoa học, người ta chỉ cần nhìn vào mọi mệnh đề của toán học; nếu muốn có ví dụ từ việc sử dụng giác tính thông thường nhất, mệnh đề “mọi sự biến đổi đều phải có một nguyên nhân” có thể phục vụ cho điều ấy. | Vâng, quả thật trong mệnh đề này, bản thân khái niệm về “một nguyên nhân” chứa đựng rõ ràng khái niệm về một sự tất yếu phải nối kết với một kết quả và về tính phổ biến chặt chẽ của quy luật; và quy luật này sẽ hoàn toàn mất đi, nếu người ta muốn rút nó ra, như HUME đã làm, từ sự kết nối (Beigesellung) [liên tưởng] thường xuyên của cái gì đang xảy ra với cái đã xảy ra trước và từ một thói quen nảy sinh từ sự liên tưởng để nối kết các biểu tượng lại với nhau (do vậy chỉ là tính tất yếu chủ quan đơn thuần). Ta cũng có thể không cần đến các ví dụ như vậy để chứng minh tính thực tại của các nguyên tắc thuần túy tiên nghiệm trong nhận thức của chúng ta mà vẫn làm rõ một cách tiên nghiệm sự cần thiết không thể thiếu được của thực tại này cho khả thể của bản thân kinh nghiệm. Bởi vì từ đâu bản thân kinh nghiệm có được sự xác tín, nếu mọi quy luật mà kinh nghiệm tuân theo bao giờ cũng chỉ có tính thường nghiệm, tức bất tất [ngẫu nhiên, không tất yếu/zufllig] khiến ta khó có thể để cho chúng có giá trị như các nguyên tắc đầu tiên được. Riêng ở bước đầu này, ta có thể tạm vừa lòng với việc khẳng định có sự sử dụng thuần túy của quan năng nhận thức nơi ta như là một sự kiện có thực (Tatsache) cùng với các đặc điểm của nó [là tính tất yếu và tính phổ biến]. Nhưng không chỉ trong những phán đoán, mà ngay cả trong những khái niệm (Begriffe) cũng cho thấy một số khái niệm là có nguồn gốc tiên nghiệm. Các bạn hãy lần lượt tước bỏ hết tất cả những gì là thường nghiệm trong khái niệm thường nghiệm về một vật thể: màu sắc, tính cứng hay mềm, trọng lượng và cả tính không thể thâm nhập, thì vẫn còn lại không gian mà vật thể ấy (bây giờ đã hoàn toàn biến mất) đã chiếm chỗ là cái các bạn không thể nào lược bỏ [trong tư tưởng] được. Cũng thế, từ khái niệm thường nghiệm về một đối tượng bất kỳ, là vật thể hay không phải vật thể, các bạn lược bỏ mọi thuộc tính do kinh nghiệm mang lại, các bạn vẫn không thể lược bỏ chính điều đã cho phép các bạn suy tưởng về nó như một bản thể (Substanz) hoặc như cái gì tùy thuộc vào một bản thể [tùy thể] (mặc dù khái niệm “bản thể” chứa đựng nhiều quy định hơn là khái niệm về một đối tượng nói chung). Vậy, từ sự tất yếu mà khái niệm này [bản thể] đã áp đặt lên các bạn, các bạn phải thừa nhận rằng khái niệm [bản thể] có mặt trong quan năng nhận thức của các bạn một cách tiên nghiệm.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC