Thuyết Duy tâm Đức

Triết học cần có một môn khoa học xác định khả thể, các nguyên tắc và phạm vi của mọi nhận thức tiên nghiệm

 

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY

(KRITIK DER REINEN VERNUNFT)

 

LỜI DẪN NHẬP

(ẤN BẢN B)

1 2 3 4 5 6 7  
 

 

III.

TRIẾT HỌC CẦN CÓ MỘT MÔN KHOA HỌC XÁC ĐỊNH KHẢ THỂ,

CÁC NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI CỦA MỌI NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

 

Điều muốn nói xa hơn tất cả những gì trên đây, chính là sự kiện: một số nhận thức lại rời bỏ lãnh vực của mọi kinh nghiệm có thể có và có vẻ mở rộng phạm vi các phán đoán của chúng ta ra khỏi mọi ranh giới của kinh nghiệm bằng các khái niệm mà không một đối tượng tương ứng nào ở trong kinh nghiệm có thể được mang lại.

Và chính trong các nhận thức đi ra khỏi thế giới cảm tính này, nơi kinh nghiệm không thể mang lại manh mối lẫn sự điều chỉnh nào, cũng là nơi diễn ra các nỗ lực nghiên cứu của lý tính chúng ta; các nghiên cứu mà về tính quan trọng được ta xem là ưu tiên hơn, còn về mục đích tối hậu của chúng là cao cả hơn tất cả những gì giác tính có thể học hỏi trong lãnh vực những hiện tượng; do đó bất chấp nguy cơ phạm sai lầm, ta dám liều lĩnh tất cả hơn là chịu từ bỏ các nỗ lực nghiên cứu tha thiết ấy vì bất cứ lý do nào, dù là sự e ngại, xem nhẹ hoặc thờ ơ. Các vấn đề không thể tránh khỏi này của bản thân lý tính thuần túy là: THƯỢNG ĐẾ, TỰ DO [CỦA Ý CHÍ] và SỰ BẤT TỬ [CỦA LINH HỒN]. Nhưng, môn khoa học mà mục đích tối hậu – với mọi sự trang bị – chỉ nhắm vào việc giải quyết các vấn đề ấy chính là SIÊU HÌNH HỌC, môn học đã tự tin đứng ra đảm nhận việc thực hiện, với phương pháp ngay từ đầu là giáo điều, tức là, không có sự kiểm tra trước đó về năng lực (Vermügen) hay sự bất lực (Unvermügen) của lý tính đối với công việc lớn lao như thế.

Điều có vẻ tự nhiên là, khi đã rời bỏ mảnh đất của kinh nghiệm, người ta không thể xây dựng ngay lập tức một tòa nhà bằng những nhận thức đang có và không biết chúng từ đâu đến, cũng như tin cậy vào những nguyên tắc không rõ gốc gác, nếu trước đó không được đảm bảo vững chắc về nền móng của chúng bằng các nghiên cứu kỹ lưỡng, nghĩa là đúng ra người ta từ lâu đã phải nêu câu hỏi rằng giác tính có thể đi đến được tất cả các nhận thức tiên nghiệm này bằng cách nào và đâu là phạm vitính hiệu lực và giá trị của chúng. Trong thực tế, đó là điều không có gì tự nhiên hơn, nếu ta hiểu chữ “tự nhiên” là cái gì phải xảy ra một cách chính đáng và hợp lý; nhưng nếu hiểu tự nhiên là cái gì thường xảy ra, thì lại không có gì tự nhiên và dễ hiểu hơn là việc nghiên cứu ấy đã – từ quá lâu – không được tiến hành. Bởi lẽ, một bộ phận của các nhận thức này, với tư cách là nhận thức toán học, đã có được tính đáng tin cậy từ xa xưa, qua đó tạo nên sự chờ đợi rằng cũng sẽ có sự thuận lợi như thế cho các bộ phận nhận thức khác, dù chúng có bản tính hoàn toàn khác biệt. Vả lại, khi đi ra khỏi vòng kinh nghiệm, người ta chắc rằng sẽ không bị kinh nghiệm phản bác. Sự hấp dẫn nhằm mở rộng các nhận thức là quá lớn khiến người ta chỉ có thể bị chựng lại trong bước tiến lên của mình khi vấp phải mâu thuẫn rõ ràng. Mâu thuẫn này là có thể tránh được nếu người ta chỉ cần thận trọng hơn đối với các ảo tưởng của mình, dù không phải nhờ vậy mà chúng bớt là các ảo tưởng. Toán học cho ta điển hình rực rỡ về việc ta có thể đi xa đến đâu trong nhận thức tiên nghiệm, độc lập với kinh nghiệm. Toán học chỉ nghiên cứu các đối tượng và nhận thức trong chừng mực chúng được diễn tả trong trực quan. Nhưng tình hình đó rất dễ không được chú ý, vì bản thân trực quan được suy tưởng [trong toán học] cũng có thể được mang lại một cách tiên nghiệm, nên khó phân biệt với một khái niệm thuần túy đơn thuần [khái niệm suông của Siêu hình học]. Bị quyến rũ bởi bằng chứng như thế về sức mạnh của lý tính, lòng khao khát muốn mở rộng nhận thức không còn thấy ranh giới nào nữa. Con chim bồ câu nhẹ nhàng khi rẽ không khí để tung bay vẫn còn cảm thấy sức cản, nên tưởng rằng có thể thành công hơn nhiều trong cõi chân không! Cũng giống như thế, PLATON đã rời bỏ thế giới cảm tính vì nó đặt giác tính trong những giới hạn chật chội để, trên đôi cánh của các Ý niệm, ông liều lĩnh vượt khỏi thế giới ấy, bay bổng vào không gian trống không của giác tính thuần túy. Ông không nhận ra rằng với các nỗ lực ấy, ông sẽ không đạt được gì, vì không có chỗ tựa làm nền móng để trên đó ông có thể đứng vững và vận dụng sức lực để nâng giác tính lên khỏi chỗ của nó. Số phận thông thường của lý tính con người trong tư biện là muốn xây xong ngôi nhà càng sớm càng tốt và sau đó mới xem xét liệu nền móng có vững chắc không. Nhưng bấy giờ, hoặc người ta tìm cách tô điểm để tự an ủi về tính đắc dụng của nó, hoặc tốt hơn là tránh hẳn công việc thẩm định muộn màng và nguy hiểm kia. Tuy nhiên, điều sẽ giúp ta thoát khỏi mọi lo lắng và nghi ngại trong khi xây nhà cũng như không tự đánh lừa về sự vững chắc giả tạo, chính là sự xem xét sau đây: một phần lớn, và có lẽ là phần lớn nhất trong các công việc của lý tính chúng ta là nhằm tháo rời [phân tích] (Zergliederung) những khái niệm mà ta đã có về đối tượng. Việc phân tích này mang lại cho ta khá nhiều nhận thức, dù chúng không gì khác hơn là những sự giải thích hay làm sáng tỏ những gì đã được suy tưởng (tuy bằng cách còn mù mờ) trong những khái niệm ấy. | Tuy về mặt hình thức, chúng được đánh giá như các tri thức mới mẻ, nhưng về mặt chất liệu hay nội dung, chúng không mở rộng những khái niệm ta đang có mà chỉ tháo rời [phân tích] chúng ra thôi. Vì lẽ phương pháp này quả có mang lại nhận thức thực sự tiên nghiệm, có bước tiến lên vững chắc và hữu ích, nên lý tính – một cách vô tình – lén lút đưa lẫn vào trong các tri thức phỉnh phờ ấy những khẳng định thuộc loại hoàn toàn khác, tức lý tính đưa thêm các khái niệm hoàn toàn xa lạ vào cho những khái niệm sẵn có và cũng bằng một cách tiên nghiệm mà không hề biết lý tính bằng cách nào đi đến được với chúng cũng như không hề để cho một câu hỏi như thế được gợi lên trong tư tưởng. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bàn về sự khác nhau giữa hai phương cách nhận thức này.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt