Thuyết Duy tâm Đức

Về sự khác nhau giữa phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp

 

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY

(KRITIK DER REINEN VERNUNFT)

 

LỜI DẪN NHẬP

(ẤN BẢN B)

1 2 3 4 5 6 7  
 

 

IV.

VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA

PHÁN ĐOÁN PHÂN TÍCH VÀ PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

Trong mọi phán đoán, quan hệ của chủ ngữ (Subjekt) với vị ngữ (Prdikat) được suy tưởng (tôi chỉ xét những phán đoán khẳng định, vì việc áp dụng vào những phán đoán phủ định sau đó cũng dễ dàng). | Quan hệ này có thể có được bằng hai cách. Hoặc vị ngữ B thuộc về chủ ngữ A như là cái gì đã được chứa đựng sẵn trong khái niệm A (dù một cách kín đáo); hoặc B hoàn toàn nằm bên ngoài khái niệm A, dù được nối kết với khái niệm này. Trong trường hợp trước, tôi gọi phán đoán là phân tích; trong trường hợp sau là tổng hợp. Vậy, những phán đoán phân tích (có tính khẳng định) là những phán đoán trong đó sự nối kết của vị ngữ với chủ ngữ được suy tưởng bằng sự đồng nhất (Identitt); còn những phán đoán nào trong đó sự nối kết được suy tưởng không có sự đồng nhất là những phán đoán tổng hợp. Ta cũng có thể gọi những phán đoán phân tích là phán đoán giải thích (Erluterungsurteil), những phán đoán tổng hợp là phán đoán mở rộng (Erweiterungsurteil) bởi vì, trong phán đoán trước, vị ngữ không bổ sung gì cho khái niệm của chủ ngữ mà chỉ tách nó ra thành những khái niệm nhỏ [bộ phận] vốn đã được suy tưởng sẵn trong chủ ngữ (dù còn hỗn độn); trái lại, trong phán đoán sau, một vị ngữ được thêm vào cho các khái niệm của chủ ngữ vốn chưa được suy tưởng trong chủ ngữ và dù có phân tích bao nhiêu đi nữa cũng không thể rút ra được. Chẳng hạn khi tôi nói: “Mọi vật thể đều có quảng tính”, đó là một phán đoán phân tích. Vì tôi không được phép đi ra ngoài khái niệm được nối kết với “vật thể” để tìm “quảng tính” như cái gì gắn liền với nó mà chỉ phân tích khái niệm “vật thể”, nghĩa là tôi chỉ tự ý thức về cái đa tạp mà tôi lúc nào cũng suy tưởng trong khái niệm ấy là tìm gặp ngay thuộc tính này ở trong nó; bởi vậy là một phán đoán phân tích. Ngược lại, khi tôi nói: “Mọi vật thể đều nặng”, thuộc tính [hay vị ngữ] “nặng” là cái gì hoàn toàn khác với những gì tôi đã suy tưởng trong khái niệm về “vật thể”. Việc thêm vào một thuộc tính như thế mang lại một phán đoán tổng hợp.

Những phán đoán kinh nghiệm (Erfahrungsurteile) đúng nghĩa, nhìn chung đều có tính tổng hợp. Vì thật vô lý khi đặt một phán đoán phân tích trên cơ sở kinh nghiệm, bởi tôi không được phép đi ra khỏi khái niệm của tôi để hình thành phán đoán nên không cần đến bằng chứng nào của kinh nghiệm cho việc này cả. “Một vật thể là có quảng tính” là một mệnh đề đứng vững một cách tiên nghiệm chứ không phải một phán đoán kinh nghiệm. Vì, trước khi tôi đi đến với kinh nghiệm, tôi đã có mọi điều kiện cho phán đoán của tôi ngay bên trong khái niệm, từ đó tôi có thể rút ra thuộc tính này theo nguyên tắc [lô-gíc] về mâu thuẫn là ý thức ngay được tính tất yếu của phán đoán mà kinh nghiệm không bao giờ có thể dạy bảo cho tôi được*. Ngược lại, dù tôi chưa bao hàm thuộc tính “nặng” trong khái niệm về một vật thể nói chung, khái niệm này vẫn biểu thị một đối tượng của kinh nghiệm thông qua một bộ phận của kinh nghiệm, rồi [sau đó] tôi có thể đưa thêm vào các bộ phận khác của kinh nghiệm như những gì cũng thuộc về bộ phận trước. Trước đó, bằng cách phân tích, tôi đã có thể nhận thức khái niệm về “vật thể” bằng các đặc điểm như quảng tính, tính không thể thâm nhập được, hình thể v.v.. vốn đã được suy tưởng trong khái niệm này. Bây giờ tôi mở rộng nhận thức của tôi, và bằng cách nhìn trở lại kinh nghiệm từ đó tôi đã rút ra khái niệm “vật thể”, tôi thấy thuộc tính “nặng” bao giờ cũng gắn liền với các đặc điểm trước đây, cho nên tôi bổ sung thêm đặc điểm “nặng” như một thuộc tính [mới] vào cho khái niệm trên một cách tổng hợp. Vậy, bây giờ chính kinh nghiệm [bản A: về cái X nằm ngoài khái niệm A] mới là cơ sở cho khả thể của việc mở rộng thuộc tính “nặng” vào cho khái niệm “vật thể”, vì lẽ cả hai khái niệm, dù cái này không chứa đựng sẵn trong cái kia vẫn thuộc về nhau như là các bộ phận của một toàn bộ, tức cũng là của kinh nghiệm vốn bản thân là sự nối kết tổng hợp của các trực quan, dù sự nối kết này chỉ diễn ra một cách bất tất [ngẫu nhiên, zufllig].

Nhưng, đối với những PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM, phương tiện hỗ trợ này [từ kinh nghiệm] là hoàn toàn thiếu. Nếu tôi muốn đi ra khỏi khái niệm A để nhận thức một cái B khác như là cái nối kết với nó, cái gì làm chỗ dựa cho tôi và sự tổng hợp này có thể có được thông qua cái gì? bởi ở đây tôi không còn có thuận lợi là đi tìm nó đâu đó ở trong lãnh vực kinh nghiệm. Hãy lấy mệnh đề sau làm ví dụ: “Mọi cái gì xảy ra đều có nguyên nhân”. Trong khái niệm về “cái gì xảy ra”, tôi cùng lắm có thể suy tưởng về một tồn tại có một thời gian đi trước nó v.v.. để từ đó rút ra các phán đoán phân tích. Nhưng khái niệm về một nguyên nhân lại hoàn toàn nằm bên ngoài khái niệm này, và biểu thị một cái gì khác hẳn với “cái xảy ra”, do đó không hề được chứa đựng sẵn trong biểu tượng này. Bằng cách nào tôi đi đến chỗ nói được về cái gì hoàn toàn khác với cái xảy ra, và nhận thức khái niệm “nguyên nhân” tuy không chứa đựng sẵn trong khái niệm trước nhưng lại được xem là thuộc về nó và thậm chí thuộc về một cách tất yếu? Ở đây, Cái KHÔNG ĐƯỢC BIẾT = X (das Unbekannte = X) đó là cái gì để cho giác tính dựa vào khi nó tin rằng đã tìm ra được một thuộc tính B xa lạ bên ngoài khái niệm A và lại cho rằng chúng được nối kết với nhau? Không thể là kinh nghiệm được, vì chính nguyên tắc được nêu trên đây [nguyên tắc nhân quả] – không chỉ với tính phổ biến lớn hơn [mà kinh nghiệm không thể mang lại] mà cả biểu hiện về tính tất yếu hoàn toàn tiên nghiệm từ các khái niệm đơn thuần – là cái đã thêm biểu tượng thứ hai [nguyên nhân] vào cho biểu tượng thứ nhất [cái gì xảy ra].

Toàn bộ mục đích tối hậu (Endabsicht) của nhận thức tư biện tiên nghiệm của chúng ta là đặt nền tảng trên những nguyên tắc tổng hợp tức là mở rộng như vậy; bởi vì những phán đoán phân tích tuy là hết sức quan trọng và cần thiết để đạt được sự sáng sủa (Deutlichkeit) của các khái niệm; – sự sáng sủa cần thiết cho một sự tổng hợp mở rộng chắc chắn hơn, – nhưng [tự nó] không đưa lại sở đắc (Erwerb) thực sự mới mẻ.

[Bản A thêm một đoạn – đã bị lược bỏ – như sau:]

Vậy, ở đây ẩn giấu một sự bí mật nào đó mà chỉ có sự khai mở bí mật này mới có thể làm cho sự tiến bộ trong lãnh vực vô giới hạn của nhận thức giác tính thuần túy được vững chắc và đáng tin cậy; đó là, với tính phổ biến vốn có, phát hiện cho được cơ sở cho khả thể của những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm và nhận chân các điều kiện làm cho một loại nhận thức như thế có thể có được; và không chỉ biểu thị toàn bộ nhận thức này (vốn tạo nên một chủng loại – Gattung – riêng) trong một hệ thống dựa theo các nguồn suối nguyên thủy, các bộ phận, phạm vi và các ranh giới của nó bằng một sự phác họa sơ sài, trái lại cần xác định nó một cách hoàn chỉnh, đồng thời cũng đầy đủ cho việc sử dụng về nó. Trở lên là những nét sơ bộ về đặc điểm riêng có của những phán đoán tổng hợp.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt