PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY (KRITIK DER REINEN VERNUNFT)
LỜI DẪN NHẬP (ẤN BẢN B)
VII. Ý TƯỞNG VÀ SỰ PHÂN CHIA [NỘI DUNG] CỦA MỘT MÔN KHOA HỌC ĐẶC THÙ MANG TÊN PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Từ tất cả những điều nói trên mang lại Ý tưởng về một khoa học đặc thù có thể mệnh danh là Phê phán lý tính thuần túy. Lý tính là quan năng mang lại các Nguyên tắc của nhận thức tiên nghiệm. Vì thế, lý tính thuần túy là quan năng chứa đựng các Nguyên tắc để nhận thức cái gì một cách tuyệt đối tiên nghiệm (schlechthin a priori). Vậy, BỘ CÔNG CỤ (ORGANON) của lý tính thuần túy sẽ là tổng thể (Inbegriff) những Nguyên tắc, theo đó mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm có thể đạt được và thực sự được hình thành. Việc áp dụng cặn kẽ một Bộ Công cụ như thế sẽ mang lại một Hệ thống của lý tính thuần túy. Nhưng vì điều này đòi hỏi rất nhiều thứ và hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu ở đây cũng có thể có một sự mở rộng nhận thức của ta hay không và có thể mở rộng trong những trường hợp nào; cho nên ta có thể xem một môn khoa học chỉ nhằm đánh giá đơn thuần về lý tính thuần túy, về các nguồn gốc và các ranh giới của nó như là môn Dự bị (Propdeutik) cho [bản thân] hệ thống của lý tính thuần túy. Môn dự bị như vậy chưa thể mang tên là một Học thuyết (Doktrin) mà chỉ mới là sự Phê phán lý tính thuần túy, và ích lợi của nó đối với sự tư biện (Spekulation) thực sự chỉ là tiêu cực (negativ), không nhằm phục vụ việc mở rộng mà chỉ làm trong sạch (Luterung) lý tính chúng ta, giữ cho lý tính không rơi vào các sai lầm, và như vậy cũng đã là thu hoạch được rất nhiều rồi. Tôi gọi mọi nhận thức là SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTAL) khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta (Erkenntnisart) về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm. Một hệ thống các khái niệm như vậy sẽ được gọi là TRIẾT HỌC-SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE PHILOSOPHIE). Nhưng, một triết học như thế cũng còn là quá nhiều đối với bước đầu này. Bởi vì, một khoa học như thế phải bao gồm không chỉ nhận thức phân tích mà cả nhận thức tổng hợp tiên nghiệm một cách đầy đủ, tức là đối với mục đích của chúng ta hiện nay, nó có phạm vi quá rộng; trong khi ta chỉ được phép tiến hành công việc phân tích (Analysis) trong mức độ cần thiết (notwendig) không thể thiếu được để nhận ra các nguyên tắc của sự tổng hợp tiên nghiệm trong toàn bộ phạm vi của nó như là điều duy nhất hiện nay ta phải quan tâm tìm kiếm. Do đó, công việc nghiên cứu mà bây giờ chúng ta bắt tay vào chưa thể được gọi đúng nghĩa là Học thuyết mà chỉ là sự Phê phán siêu nghiệm, vì nó không có mục đích mở rộng bản thân nhận thức mà chỉ điều chỉnh (Berichtigung) nhận thức nhằm mang lại hòn đá thử (Probierstein) về giá trị hay vô-giá trị của mọi nhận thức tiên nghiệm. Một sự Phê phán như thế là sự chuẩn bị, trong mức độ có thể, cho một BỘ CÔNG CỤ (ORGANON)*, và nếu việc này cũng không thành công, thì ít nhất cũng chuẩn bị cho một BỘ CHUẨN TẮC (KANON)* của lý tính để một ngày nào đó, căn cứ vào bộ chuẩn tắc này, hệ thống hoàn chỉnh của triết học về lý tính thuần túy – dù để mở rộng hay chỉ để giới hạn nhận thức của lý tính – sẽ có thể được trình bày không những một cách phân tích mà cả một cách tổng hợp. Điều này là khả thi, và thậm chí một hệ thống như thế cũng hy vọng sẽ được hoàn tất trọn vẹn mà có thể không có quy mô quá lớn lao là điều ta có thể lượng định ngay từ đầu, bởi ở đây không phải bản tính tự nhiên của những sự vật vốn vô cùng tận mà là chính giác tính phán đoán về bản tính của sự vật, và giác tính này cũng chỉ ở phương diện các nhận thức tiên nghiệm của nó thôi làm nên đối tượng [nghiên cứu] cho ta; nên trữ lượng của nó – bởi ta không được phép đi tìm ở bên ngoài ta – là không thể ẩn giấu đối với ta được, và theo phỏng đoán, là một số lượng nhỏ có thể được thu thập đầy đủ, xem xét về giá trị hay vô-giá trị và được đánh giá đúng đắn. Người ta càng không nên chờ đợi ở đây một sự phê phán các tác phẩm hay các hệ thống [triết học] về lý tính thuần túy, mà là sự phê phán bản thân quan năng lý tính thuần túy. Và chỉ khi lấy việc phê phán này làm nền tảng, người ta mới có một viên đá thử chắc chắn để đánh giá nội dung triết học của các tác phẩm xưa cũng như nay trong ngành chuyên môn này; còn ngược lại thì không khác gì nhà viết sử hay vị thẩm phán không có thẩm quyền lại đi đánh giá các khẳng quyết không có cơ sở của người khác bằng các khẳng quyết cũng không có cơ sở của chính mình*. Triết học-Siêu nghiệm là Ý niệm (Idee) về một môn khoa học mà sự Phê phán lý tính thuần túy có nhiệm vụ phác họa toàn bộ kế hoạch một cách kiến trúc (architektonisch), nghĩa là, từ các nguyên tắc, với sự đảm bảo hoàn toàn về tính hoàn chỉnh và tính vững chắc [an toàn] (Sicherheit) của mọi bộ phận làm nên tòa nhà ấy. Triết học-Siêu nghiệm là hệ thống tất cả các nguyên tắc của lý tính thuần túy. Sở dĩ công cuộc Phê phán này không được gọi là bản thân Triết học-Siêu nghiệm chỉ là vì, để là một Hệ thống hoàn chỉnh, sự phê phán phải bao gồm một công cuộc phân tích (Analysis) toàn bộ nhận thức tiên nghiệm của con người. Công cuộc phê phán của chúng ta tất nhiên cũng phải kể ra một cách hoàn chỉnh tất cả các khái niệm gốc (Stammbegriffe) tạo nên nhận thức thuần túy đã nói. Chỉ có điều là sự phân tích cặn kẽ bản thân các khái niệm gốc này cũng như việc xem xét hoàn chỉnh những khái niệm phái sinh được rút ra từ chúng là chưa được làm, với lý do: phần vì việc tháo rời [phân tích] này là không cần thiết vì nó không có sự khó khăn trở ngại như đã gặp phải ở việc tổng hợp (Synthesis) là mục đích thực sự của toàn bộ quyển Phê phán này; phần khác, việc này sẽ đi ngược lại tính nhất trí của kế hoạch, nếu buộc nó phải chịu cả trách nhiệm nghiên cứu về tính hoàn chỉnh của sự phân tích lẫn sự dẫn xuất; điều mà xét về mục đích, chưa phải là việc cần làm lúc này. Bổ sung tính hoàn chỉnh không những của việc phân tích [các khái niệm gốc] mà cả của việc dẫn xuất [rút ra những khái niệm phái sinh] từ các khái niệm tiên nghiệm sẽ được [sự phân tích] mang lại trong tương lai là điều dễ dàng, miễn là một khi ta đã có tất cả các khái niệm gốc làm các nguyên tắc nền tảng cho sự tổng hợp và xét về mục đích cơ bản ấy, không có gì còn thiếu. Tóm lại, tất cả những gì tạo nên Triết học-Siêu nghiệm đều thuộc về công cuộc Phê phán lý tính thuần túy và sự Phê phán là Ý niệm hoàn chỉnh về Triết học-Siêu nghiệm, tuy nhiên, chưa phải là bản thân môn khoa học này; bởi vì công cuộc Phê phán chỉ tiến hành việc phân tích ở mức độ cần thiết nhằm tìm hiểu hoàn chỉnh về nhận thức tổng hợp tiên nghiệm. Đặc điểm cần chú ý hơn cả khi phân chia [nội dung] của một khoa học như vậy là: không được để bất kỳ khái niệm nào có chứa đựng cái gì thường nghiệm chen lẫn vào trong đó, hay [nói cách khác], nhận thức tiên nghiệm phải hoàn toàn thuần túy. Cho nên, dù các nguyên tắc tối cao của Đạo đức (Moralitt) và những khái niệm nền tảng của nó đều là những nhận thức tiên nghiệm, nhưng chúng lại không thuộc về Triết học-Siêu nghiệm, bởi lẽ tuy chúng không dùng các khái niệm về khoái lạc và đau khổ, về các dục vọng và xu hướng (Neigungen) v.v.. – nhìn chung đều có nguồn gốc thường nghiệm – làm nền tảng cho những điều lệnh (Vorschriften) [đạo đức], thế nhưng trong khái niệm về nghĩa vụ, chúng nhất thiết phải đưa các khái niệm thường nghiệm này vào trong hệ thống đạo đức thuần túy, xem chúng như là trở lực cần phải vượt qua, hay như sự kích thích (Anreiz) không được phép trở thành động cơ hành động [đạo đức]*. Do đó, Triết học-Siêu nghiệm là một triết học của lý tính thuần túy và tư biện đơn thuần mà thôi. Vì mọi cái gì thực hành (praktisch) mà có chứa đựng các động cơ (Triebfedern) đều quan hệ với các xúc cảm là những cái thuộc về các nguồn nhận thức thường nghiệm. Bây giờ, nếu ta muốn, từ quan điểm tổng quát của một hệ thống nói chung, phân chia nội dung của khoa học này, nó phải bao gồm hai phần: phần thứ nhất là một Học thuyết về các yếu tố cơ bản của nhận thức (Elementarlehre), phần thứ hai là một Học thuyết về phương pháp (Methodenlehre) của lý tính thuần túy, đó là những gì ta sẽ trình bày dưới đây. Mỗi phần chính này có các phần nhỏ mà chưa thể trình bày hết lý do ở đây được. Nhưng, điều có vẻ cần thiết phải nói ngay trong Lời Dẫn Nhập này là: Có hai nguồn gốc (Stmme) trong nhận thức của con người; chúng có lẽ cùng bắt nguồn từ một căn nguyên chung mà ta không biết được, đó là CẢM NĂNG (SINNLICHKEIT) và GIÁC TÍNH (VER-STAND); nhờ CẢM NĂNG, những đối tượng được mang lại cho ta, nhờ GIÁC TÍNH, chúng được ta suy tưởng. Cảm năng, trong chừng mực chứa đựng các biểu tượng tiên nghiệm làm điều kiện nhờ đó những đối tượng được mang lại cho ta; nó thuộc về Triết học-Siêu nghiệm. Học thuyết siêu nghiệm về cảm năng sẽ phải thuộc về phần đầu tiên của khoa học về các yếu tố cơ bản, vì các điều kiện nhờ đó những đối tượng của nhận thức con người được mang lại phải đi trước phần chúng được ta suy tưởng. [tức phần thứ hai của Học thuyết cơ bản, gọi là Lô-gíc học siêu nghiệm bàn về các khái niệm thuần túy của giác tính].
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC