Thuyết Duy tâm Đức

Trong mọi môn khoa học lý thuyết của lý tính đều có chứa đựng những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm như là các nguyên tắc


PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY

(KRITIK DER REINEN VERNUNFT)

 

LỜI DẪN NHẬP

(ẤN BẢN B)

1 2 3 4 5 6 7  
 

 

V.

TRONG MỌI MÔN KHOA HỌC LÝ THUYẾT CỦA LÝ TÍNH 

ĐỀU CÓ CHỨA ĐỰNG NHỮNG PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP 

TIÊN NGHIỆM NHƯ LÀ CÁC NGUYÊN TẮC

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


  

 

1. Những phán đoán Toán học, nhìn chung, đều có tính tổng hợp. Câu nói này có vẻ xa rời với các nhận xét của các nhà phân tích về lý tính con người trước nay, thậm chí trái ngược hẳn với mọi phỏng đoán của họ, dù nó đúng đắn một cách không thể chối cãi và rất quan trọng về hệ quả. Bởi lẽ, nếu ta đã thấy rằng các suy luận của những nhà toán học đều tiến hành dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn (do bản tính tự nhiên của mọi sự xác tín hiển nhiên – apodiktische Gewissheit – đòi hỏi), người ta đã tưởng rằng các nguyên tắc [toán học] cũng có thể được nhận thức từ nguyên tắc mâu thuẫn; đây là chỗ lầm lẫn vì một mệnh đề tổng hợp tuy có thể được nhận ra theo nguyên tắc mâu thuẫn, nhưng chỉ có thể như thế khi có một mệnh đề tổng hợp khác làm tiền đề để từ đó mệnh đề trên được rút ra chứ không bao giờ tự nơi bản thân nó.

Trước hết, phải chú ý rằng: những mệnh đề toán học đích thực bao giờ cũng là những mệnh đề tiên nghiệm chứ không phải thường nghiệm, vì chúng mang theo tính tất yếu không thể được rút ra từ kinh nghiệm. Nhưng nếu người ta không chịu như thế, cũng không sao, vậy tôi xin giới hạn mệnh đề của tôi chỉ trong toán học thuần túy thôi mà ngay khái niệm của nó [tên gọi “thuần túy”] đã ngụ ý rằng nó không chứa đựng nhận thức thường nghiệm nào, trái lại chỉ toàn là nhận thức thuần túy tiên nghiệm.

Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ rằng: mệnh đề 7+5=12 chỉ là một mệnh đề phân tích đơn thuần, rút ra từ khái niệm về một tổng của 7 và 5 dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn. Chỉ có điều, nếu xem xét mệnh đề ấy kỹ hơn, người ta sẽ thấy rằng khái niệm về tổng của 7 và 5 không chứa đựng điều gì khác hơn là sự hợp nhất của hai con số này trong một con số duy nhất, nhưng qua đó hoàn toàn không hề được suy tưởng về con số duy nhất nào bao hàm cả hai con số kia. Khái niệm về con số 12 không hề được suy tưởng ngay khi tôi chỉ suy tưởng về sự hợp nhất của 7 và 5, và dù tôi có phân tích khái niệm của tôi về một tổng có thể có ấy bao nhiêu đi nữa, tôi cũng sẽ không thể tìm gặp được trong đó con số 12. Người ta phải đi ra khỏi các khái niệm này bằng cách nhờ đến sự trợ giúp của trực quan tương ứng với một trong hai số đó, chẳng hạn nhờ năm ngón tay, hay (như Segner trong môn Số học của ông) nhờ năm điểm; rồi dần dần đem các đơn vị trong con số 5 được mang lại trong trực quan thêm vào cho khái niệm về số 7. Vì [trong mệnh đề này] trước hết tôi lấy con số 7, nên bằng cách nhờ vào các ngón tay trong bàn tay như là trực quan cho khái niệm về số 5, tôi đem các đơn vị mà trước đó đã được tập hợp để tạo ra con số 5 thêm dần vào cho số 7 dựa trên hình ảnh [cụ thể của bàn tay tôi], và qua đó tôi thấy con số 12 xuất hiện ra. 5 phải thêm vào cho 7 là điều tôi đã suy tưởng trong khái niệm về một tổng = 7+5, nhưng không hề suy tưởng rằng tổng này phải bằng con số 12. Vậy, mệnh đề số học bao giờ cũng có tính tổng hợp, điều người ta càng thấy rõ khi lấy những con số lớn hơn, vì trong trường hợp đó rõ ràng là, nếu không nhờ trực quan giúp đỡ và chỉ dựa vào sự phân tích đơn thuần các khái niệm, dù ta có xoay trở các khái niệm bao nhiêu theo ý muốn thì cũng không bao giờ tìm ra được tổng số.

Cũng vậy, không có nguyên tắc nào của Hình học thuần túy lại có tính phân tích. Mệnh đề: “đường thẳng giữa hai điểm là đường ngắn nhất” là một mệnh đề tổng hợp. Vì khái niệm của tôi về “thẳng” không chứa đựng khái niệm nào về lượng [tức độ ngắn/dài] mà chỉ khái niệm về một chất [tính thẳng]. Khái niệm về cái “ngắn nhất” ấy là cái gì hoàn toàn được thêm vào chứ không thể được rút ra từ sự phân tích khái niệm “đường thẳng”. Rõ ràng ở đây cần có sự trợ giúp của trực quan, và chỉ nhờ nó, sự tổng hợp mới có thể có được.

Một số ít nguyên tắc được các nhà hình học giả định tiên quyết như các tiền đề [tiền giả định] (voraussetzen) đúng là có tính phân tích và dựa trên nguyên tắc mâu thuẫn; nhưng chúng chỉ phục vụ như các mệnh đề đồng nhất cho chuỗi của phương pháp chứ không như các nguyên tắc, v.d: a=a, cái toàn bộ là bằng với chính nó, hoặc (a+b)>a, tức là cái toàn bộ là lớn hơn bộ phận của nó. Thế nhưng, ngay các mệnh đề này tuy có giá trị là nhờ dựa vào các khái niệm đơn thuần, nhưng sở dĩ được chấp nhận trong toán học cũng là vì chúng có thể được diễn tả trong trực quan. Điều làm cho ta ngỡ rằng ở đây, thuộc tính của các phán đoán hiển nhiên ấy vốn nằm sẵn trong khái niệm của ta nên phán đoán là có tính phân tích, là do tính nước đôi (Zweideutigkeit) của thuật ngữ. Thật vậy, đối với một khái niệm được cho, ta phải suy tưởng thêm (hinzudenken) một thuộc tính nào đó vào cho nó và sự tất yếu này gắn chặt với các khái niệm. Nhưng vấn đề không phải là những gì ta phải suy tưởng thêm vào cho khái niệm được cho, mà là những gì ta đã thực sự suy tưởng ở bên trong nó, dù còn tối tăm [mù mờ], do đó, ta thấy thuộc tính tuy thiết yếu gắn liền với khái niệm, nhưng không phải như được suy tưởng ngay trong bản thân khái niệm mà là nhờ một trực quan phải được thêm vào cho khái niệm.

2. Khoa học tự nhiên (Vật lý học) cũng chứa đựng bên trong nó các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm như là các nguyên tắc. Tôi chỉ nêu một cặp mệnh đề làm ví dụ, như: “Trong mọi biến đổi của thế giới vật thể, lượng của vật chất không biến đổi” hay: “Trong mọi thông báo (Mitteilung) về vận động, tác động và phản tác động bao giờ cũng phải bằng nhau”. Nơi cả hai mệnh đề này, không chỉ tính tất yếu, tức nguồn gốc tiên nghiệm mà cả việc chúng là những mệnh đề tổng hợp là rất rõ ràng. Bởi vì, trong khái niệm về “vật chất”, tôi không suy tưởng về tính thường tồn (Beharrlichkeit) [tức không thay đổi về lượng] mà chỉ suy tưởng đơn thuần về sự hiện diện của nó trong không gian do sự lấp đầy của nó. Vậy là tôi thực sự đi ra ngoài khái niệm về “vật chất” để suy tưởng thêm cho nó một cái gì tiên nghiệm mà tôi suy tưởng. Như thế, mệnh đề này không được suy tưởng một cách phân tích, mà là tổng hợp, nhưng lại là tiên nghiệm, và những mệnh đề còn lại của phần thuần túy trong khoa học tự nhiên cũng đều như vậy cả.

3. Siêu hình học, – nếu ta xem nó đến nay cũng chỉ mới là một khoa học được thử nghiệm, dù là một khoa học không thể thiếu được do bản tính tự nhiên của lý tính con người đòi hỏi – ắt phải chứa đựng những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm. | Nhiệm vụ của Siêu hình học không phải là tháo rời và qua đó, giải thích một cách phân tích những khái niệm mà ta đã tạo ra một cách tiên nghiệm về những sự vật; trái lại, do mong muốn mở rộng các nhận thức tiên nghiệm, ta phải sử dụng các nguyên tắc để thêm vào cho khái niệm được cho những gì đã không được chứa đựng sẵn trong nó, và bằng những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, ta đi rất xa ra khỏi những khái niệm mà bản thân kinh nghiệm cũng không thể theo kịp, chẳng hạn trong mệnh đề: “Thế giới [vũ trụ] phải có một khởi điểm đầu tiên” v.v..; như thế tức là ít nhất về mặt ý đồ, Siêu hình học bao gồm toàn những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt