Thuyết Duy tâm Đức

Về sự khác nhau giữa nhận thức thuần túy và nhận thức thường nghiệm

 

 

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY

(KRITIK DER REINEN VERNUNFT)

 

LỜI DẪN NHẬP

(ẤN BẢN B)

1 2 3 4 5 6 7  

 

I.

VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA

NHẬN THỨC THUẦN TÚY VÀ NHẬN THỨC THƯỜNG NGHIỆM

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 77-109. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

 

Mọi nhận thức của ta đều bắt đầu bằng kinh nghiệm, đó là điều không có gì phải nghi ngờ; bởi vì thông qua cái gì khiến quan năng nhận thức được đánh thức để đi vào hoạt động nếu không phải thông qua những đối tượng tác động đến các giác quan của ta để, phần thì tạo ra những biểu tượng (Vor-stellungen), phần thì đưa hoạt động của giác tính chúng ta đi vào vận hành, tức làm công việc so sánh, nối kết hay tách rời những biểu tượng ấy, và như thế là xử lý (verarbeiten) chất liệu thô của các ấn tượng cảm tính thành một nhận thức về những đối tượng được gọi là KINH NGHIỆM (ERFAHRUNG)? Vậy, về mặt thời gian, không có nhận thức nào trong ta lại đi trước kinh nghiệm và tất cả bắt đầu bằng kinh nghiệm.

Thế nhưng, tuy mọi nhận thức của ta đều bắt đầu (anhebt) từ kinh nghiệm, song không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn (entspringt) từ kinh nghiệm. Bởi vì, hoàn toàn có thể là, bản thân nhận thức kinh nghiệm của ta là một sự kết hợp giữa những gì ta nhận được từ các ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức của ta tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động); phần thêm vào này chưa được ta phân biệt với chất liệu cơ bản nói trên, cho tới khi sự tập luyện lâu dài khiến ta lưu ý và biết tách riêng được phần thêm vào này một cách thành thạo.

Vậy ít nhất cũng có một câu hỏi cần nghiên cứu kỹ chứ không thể trả lời ngay lập tức khi mới thoạt nhìn, đó là: thật có chăng một nhận thức độc lập với kinh nghiệm và cả với mọi ấn tượng của giác quan? Ta gọi các nhận thức như vậy là TIÊN NGHIỆM (A PRIORI) và phân biệt chúng với các nhận thức THƯỜNG NGHIỆM (EMPIRISCH) có nguồn gốc HẬU NGHIỆM (A POSTERIORI), tức là từ trong kinh nghiệm.

Nhưng thuật ngữ này [tiên nghiệm hay tiên thiên] chưa được xác định đầy đủ để biểu thị toàn bộ ý nghĩa tương xứng với câu hỏi được đặt ra trên đây. Bởi vì ta thường quen nói về một số nhận thức được rút ra từ các nguồn kinh nghiệm rằng ta có thể biết chúng một cách tiên nghiệm hoặc có phần tiên nghiệm, vì ta không rút chúng ra một cách trực tiếp từ kinh nghiệm mà từ một quy luật phổ biến, quy luật này thực ra cũng do chính ta đã vay mượn từ kinh nghiệm. Cho nên người ta nói về một ai đó đã đào móng ngôi nhà của mình rằng: người đào móng có thể biết một cách “tiên nghiệm” rằng ngôi nhà sẽ đổ, tức là không cần chờ có kinh nghiệm [trực tiếp] khi ngôi nhà đổ thật. Chỉ có điều, người nọ thật ra không thể biết được điều ấy một cách hoàn toàn tiên nghiệm. Vì rằng những vật thể đều nặng, do đó, nếu bị rút mất chỗ tựa sẽ đổ, nhận thức này người ấy đã phải biết trước đó nhờ kinh nghiệm.

Vậy, khi theo dõi các nhận thức tiên nghiệm, ta sẽ không hiểu chúng là độc lập với kinh nghiệm này hay với kinh nghiệm nọ mà là tuyệt đối độc lập với MỌI kinh nghiệm. Đối lập với các nhận thức này là những nhận thức thường nghiệm, hay là những nhận thức chỉ có thể có được một cách hậu nghiệm, tức từ kinh nghiệm. Nhưng, trong các nhận thức tiên nghiệm có những nhận thức được gọi là THUẦN TÚY (REIN) là những nhận thức không được pha trộn với bất cứ cái gì thường nghiệm. Do đó, ví dụ mệnh đề “Mọi sự biến đổi đều có nguyên nhân” là một mệnh đề tiên nghiệm, nhưng không thuần túy, vì “sự biến đổi” là một khái niệm chỉ có thể được rút ra từ kinh nghiệm.

[Trong Bản A, mục I này như sau:]

 

 I.

Ý NIM V TRIT HC-SIÊU NGHIM

Kinh nghiệm, – không nghi ngờ gì – là sản phẩm đầu tiên do giác tính chúng ta tạo ra (hervorbringt) bằng cách xử lý chất liệu thô của các cảm giác cảm tính. Chính qua đó, kinh nghiệm là bài học đầu tiên và trong quá trình tiến lên, nó mang lại bài học mới một cách không bao giờ cạn khiến cho cả cuộc sống liên tục của mọi sự sản sinh các tri thức mới trong tương lai – có thể được tập hợp trên mảnh đất này – đều sẽ không bị thiếu thốn gì. Dù vậy, kinh nghiệm vẫn không phải là lãnh vực duy nhất, trong đó giác tính của ta chịu bị giới hạn. Kinh nghiệm tuy nói cho ta biết cái gì đang tồn tại, nhưng lại không nói rằng cái ấy phải tồn tại như thế một cách tất yếu chứ không thể khác. Chính vì thế, kinh nghiệm không mang lại cho ta tính phổ biến đích thực nào cả, và lý tính – vốn khao khát những nhận thức thuộc loại ấy – chỉ được kinh nghiệm kích thích hơn là làm thỏa mãn. Các nhận thức có tính phổ biến, đồng thời có đặc tính của sự tất yếu bên trong như thế phải tự bản thân là sáng sủa và vững chắc, độc lập với kinh nghiệm, vì thế được người ta gọi là các nhận thức tiên nghiệm, bởi cái ngược lại, tức cái chỉ được vay mượn từ kinh nghiệm chỉ được nhận thức một cách hậu nghiệm hay là thường nghiệm, theo cách nói quen thuộc.

Vậy, điều hết sức đáng chú ý ở đây là, ngay trong bản thân những kinh nghiệm của ta cũng có chen lẫn các nhận thức nhất thiết phải có nguồn gốc tiên nghiệm, và có lẽ chúng chỉ có nhiệm vụ tạo nên sự nối kết giữa các biểu tượng của giác quan chúng ta. Bởi lẽ, nếu ta gạt bỏ ra khỏi những kinh nghiệm tất cả những gì thuộc về các giác quan, thì vẫn còn lại một số khái niệm nguyên thủy nào đó cùng với các phán đoán được sản sinh ra từ chúng; những khái niệm và phán đoán này phải được ra đời một cách hoàn toàn tiên nghiệm, độc lập với kinh nghiệm, vì chúng làm cho ta có thể – hoặc ít ra làm cho ta tin rằng có thể – phát biểu được nhiều điều về các đối tượng xuất hiện ra cho giác quan hơn là những gì kinh nghiệm đơn thuần có thể truyền đạt; và làm cho các khẳng định ấy chứa đựng tính phổ biến đích thực lẫn tính tất yếu chặt chẽ mà nhận thức đơn thuần thường nghiệm không thể nào mang lại được.

[Bản A tiếp tục từ câu đầu của mục 3 thuộc bản B].

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Hh Phi - 14:29 15/02/2017
Mình đang đọc quyển 3 (Kant) nay muốn mua thêm quyển 1 này nhưng không có ai đi trước để tham khảo ý kiến? có phải là quyển này như là những điều cơ bản của triết học hay không ( như về duy tâm duy vật thời đại học...) Mong được giao lưu ! 012 mot sau 7 -761 nam sau !
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt