Nhập môn triết học

Niềm tin triết lý và triết lý Ánh sáng


KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
                           

NIỀM TIN TRIẾT LÝ VÀ TRIẾT LÝ ÁNH SÁNG[1]

 

KARL JASPERS (1883-1969)

LÊ TÔN NGHIÊM dịch

 


Karl Jaspers. Triết học nhập môn . Chương 8: “Niềm tin và triết lý Ánh sáng”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 90-99.


 

 

Năm nguyên tắc trong Niềm tin triết lý. - Những nguyên tắc này đã bị công kích như thế nào?

Trên đây chúng ta đã thiết định những nguyên tắc gồm trong Niềm tin triết lý như:

- Thiên chúa có.

- Con người hữu hạn và bất toàn.

- Có những yêu sách tuyệt đối.

- Con người có thể sống dưới sự hướng dẫn của Thiên chúa.

- Thực tại trần thế có tính cách phù ảo giữa Thiên chúa và hiện sinh.

Cả năm nguyên tắc trên đều liên hệ với nhau và soi sáng lẫn cho nhau. Nhưng mỗi nguyên tắc đều bắt nguồn tự một kinh nghiệm bản thân của mỗi người.

Trong số năm nguyên tắc ấy ta không thể chứng minh một cái nào theo kiểu chứng minh của khoa học thực nghiệm được. Trái lại, chúng ta chỉ có thể chỉ thị sự tiềm ẩn trong chúng bằng cách lưu ý tới chúng, hay “soi sáng” chúng bằng một lập luận hay phục hồi chúng lại trong ký ức bằng một tiếng gọi.

Vì những nguyên tắc ấy không có giá trị như một tuyên xưng đức tin nghĩa là tuy có được chúng ta tin tưởng mãnh liệt, nhưng chúng vẫn còn chưa được rõ rệt, xác đáng. Tuy vậy tôi vẫn tín phục những nguyên tắc ấy, nhưng không phải vì chúng căn cứ trên một thể giá mặc khải (như người tín hữu tin một cách thụ động) mà là vì trong bản thân tôi, tôi cảm thấy rằng: tôi không thể không tin những chân lý ấy.

Nhưng khi phải ngang nhiên diễn tả những nguyên tắc ấy, ra như người ta cảm thấy e ngại. Vì nếu không người ta đã vội coi chúng như những tri thức khách quan và nếu vậy chúng đã mất hết ý nghĩa.

Hơn nữa, nếu trở thành một mớ tín điều thì người ta lại có thể tưởng lầm chúng là những thực tại khách quan.

Trái lại chúng đòi hỏi phải được truyền bá để người ta hiểu nhau, để dễ bề thông cảm với nhau và để thức tỉnh tha nhân nếu họ sẵn sàng đón nhận.

Nhưng có thể chúng ta sẽ lầm tưởng rằng: những nguyên tắc ấy có vẻ đồng nghĩa khách quan và do đó ra như chúng là những kiến thức đích xác. Nhưng mỗi khi quyết đáp một điều gì, tất nhiên ta công nhận điều đó phải có thể đem ra bàn luận được, vì mỗi khi tư tưởng là tức nhiên phải giả thuyết hai điều: một là tư tưởng có thể tìm được chân lý, hai là không thể tìm được chân lý. Bởi vậy mỗi quyết đáp tích cực đều phải được coi là những thành trì để phòng sai lầm. Tuy tư tưởng nào cũng đều phải được phát triển, phải được hệ thống hóa, nhưng dẫu vậy tư tưởng vẫn có thể bị lạc đường. Vì thế, muốn được tích cực phát triển, mỗi tư tưởng cũng đều phải được kèm theo những phủ nhận tiêu cực, nghĩa là tư tưởng còn phải thiết định giới hạn và còn biết loại trừ. Vì bao lâu còn khảo cứu triết lý là bấy lâu còn phải phấn đấu bằng tranh luận nhưng không phải để thị oai mà để giúp chủ tri thêm sáng suốt, vì chủ tri phải liên miên tự vấn. Họ hướng về sự thật sáng sủa. Trong cuộc tranh đấu này, tất cả những khí giới tinh thần phải được đối thủ tự do sử dụng và đồng thời cũng được sử dụng để bảo vệ Niềm tin của chính người nói.

Vậy trong địa hạt triết lý, tôi phải đưa ra được những phát biểu trực tiếp, rõ rệt mỗi khi có ai thắc mắc về những vấn đề như:

- Có Thiên chúa không?

- Trong cuộc đời có những gì tuyệt đối bó buộc không?

- Con người hoàn toàn hay bất toàn?

- Thiên chúa có hướng dẫn con người hay không?

- Vạn vật này có hàm hồ và phù ảo không?

Và bó buộc tôi phải trả lời, nếu bắt gặp những phát biểu dám phỉ bác Niềm tin triết lý, ví dụ khi những phát biểu ấy nói rằng:

I/ Không, làm gì có Thiên chúa! Chỉ duy có vũ trụ và những định luật chi phối mọi diễn biến trong vũ trụ mà thôi. Vậy Thiên chúa chính là vũ trụ!

II/ Không có gì tuyệt đối cả. Những mệnh lệnh bó buộc tôi cũng đã khởi phát vào một thời gian nào đó, nên chúng cũng sẽ thay đổi. Hơn nữa, chúng còn do tập quán, do rèn luyện, do tập truyền, và sự vâng lời của người ta mới tồn tại được.

Nói tóm hết thảy mọi mệnh lệnh hay lề luật luân lý đều tương đối cả.

III/ Có thể có con người hoàn hảo vì họ cũng có thể hoàn hảo, cố định theo giống loại y như các sinh vật. Hơn nữa người ta còn có thể chăn nuôi người như chăn nuôi các thú vật để tuyển giống tốt được. Nên theo nguyên tắc con người không thể có khuyết điểm hay vết thương nào cả. Như thế họ không phải là một thực tại nửa vời, mà là một thực tại hoàn tất, viên mãn. Tuy cùng chung một số kiếp phải chết như muôn vật, nhưng con người chỉ căn cứ vào duy có mình, họ độc lập, tự mãn trong thế giới của họ (mà không cần đến thần thông nào bên ngoài họ cả).

IV/ Thiên chúa không thấy hướng dẫn một ai. Ai tin có Thiên chúa hướng dẫn con người là ảo tưởng, là mê lầm. Vì tự mình con người cũng đủ nghị lực để trung thành với chính họ và để hoàn toàn tự tin được.

V/ Vũ trụ là tất cả, nên chỉ duy có vạn vật này là có thực, ngoài ra không có gì cả, cũng không làm gì có Siêu việt.

Nếu mọi sự đều phù vân, thì chính vũ trụ lại là tuyệt đối, chứ không biến dịch mà cùng không chuyển tiếp lơ lửng.

Đó là thái độ của những người không có Niềm tin triết lý.

Đứng trước những phủ nhận trên, triết lý thực thụ có hai nhiệm vụ: một là tìm xem những phủ nhận ấy xuất xứ từ đâu? hai là phải soi sáng ý nghĩa chân lý tiềm tàng trong Niềm tin triết lý.

Những yêu sách của triết lý Ánh sáng.

Thái độ Vô tín trên đây đã bị coi là do Triết lý Ánh sáng mà phát xuất.

Vậy trước hết phải tìm hiểu xem Triết lý Ánh sáng là gì?

Thưa Triết lý Ánh sáng nhằm chống lại sự mù quáng, vì mù quáng hay chấp nhận bừa bãi những lập luận không đâu mà không kiểm thảo chi cả.

Triết lý Ánh sáng còn chống cả những hành vi nào không thể đạt được chuẩn đích chúng mong muốn, ví dụ những tác động ma thuật vì chúng căn cứ trên những tiền đề sai lầm mà ai cũng thấy rằng sai lầm.

Triết lý Ánh sáng lại không chấp nhận được những thái độ muốn cấm đoán tự do tư tưởng và tự do tìm tòi không hạn chế.

Triết lý Ánh sáng còn chống lại cả những thành kiến đã lỗi thời.

Sau cùng Triết lý Ánh sáng còn đòi hỏi con người phải cố gắng liên lỉ đi tìm tới những gì hiển nhiên bất kháng đồng thời với óc bình luận sắc bén trước thực chất của sự hiển nhiên và những giới hạn của nó.

Đó là những yêu sách đặc biệt của con người, vì con người phải có thể nhìn rõ được những gì họ tư tưởng, họ ước muốn hay họ hành động. Họ muốn được tự do tư tưởng. Họ muốn dùng trí năng để lĩnh hội và để chứng minh theo khả năng của họ những gì là đích thực. Họ tìm cách liên kết tư tưởng của họ với những kinh nghiệm mà theo nguyên tắc mọi người có thể đạt được. Họ tìm đường tiến về tận nguồn suối nơi phát sinh ra hiển nhiên, thay vì thụ động hưởng dụng nó như một món ăn dọn sẵn. Họ muốn biết một chứng lý có giá trị như thế nào và đâu là giới hạn làm cho trí năng phải thất bại?

Sau cùng, tuy là một điều không thể, nhưng họ muốn biện chính cho cả những gì mà sau cùng họ cũng phải chấp nhận, như nền tảng không lay chuyển cho chính cuộc sống của họ. Nhưng thực sự nền tảng ấy lại là một giả thiết không thể biện chính nổi ví dụ những người cầm quyền mà họ phải phục tòng; hay thái độ tôn trọng họ cảm thấy và sự kính nể của họ đối với tư tưởng và hành động của những vĩ nhân; hay sự tín nhiệm họ tỏ ra đối với những gì họ không hiểu và không thể hiểu nổi, hoặc là trong chốc lát và trong một trường hợp nào đó hoặc là thông thường xảy ra như vậy rồi. Ngay cả đến thái độ phục tòng của họ, họ cũng muốn biết vì sao họ phục tòng?

Tóm lại, tất cả những gì họ coi là đích thực, tất cả những gì họ nghĩ là đáng làm, họ đều bắt tất cả phải được chính họ lãnh trách nhiệm tự bên trong, không trừ trường hợp nào cả. Nhưng họ chỉ trách nhiệm thực sự là khi họ thực sự phục lý như vậy.

Nói tóm, theo Kant, Triết lý Ánh sáng đối với con người là “sau khi đã sống trong trạng thái vị thành niên vì chính khuyết điểm của mình, họ đã bước sang giai đoạn thành niên”.

Vậy phải công nhận rằng: Triết lý Ánh sáng là những gì giúp con người tiến tới được bản lĩnh đích thực của mình.

Triết lý Ánh sáng giả và Triết lý Ánh sáng thực; thái độ chống Triết lý Ánh sáng.

Nhưng người ta cũng dễ lầm với triết lý Ánh sáng vì bản chất của nó rất hàm hồ, nghĩa là có triết lý Ánh sáng thực mà cũng có triết lý Ánh sáng giả.

Chính vì vậy sự chống đối triết lý Ánh sáng cũng có thể là đúng cũng có thể là sai nghĩa là hợp lý đối với triết lý Ánh sáng giả, nhưng lại vô lý đối với triết lý Ánh sáng thực.

Nhưng thường thường hai đường lẫn lộn nhau.

Nói chung, để chống đối triết lý Ánh sáng, người ta thường viện những lẽ rằng:

- Nó phá đổ mọi truyền thống là những gì làm nền tảng cho mọi nếp sống;

- Nó làm lung lạc mọi Niềm tin và dẫn tới hư vô trống rỗng;

- Nó làm cho mọi người có quyền sống tự do, phóng đãng, bừa bãi, và do đó mà xã hội mới đi đến hỗn loạn vô trật tự.

- Sau cùng nó dẫn con người đến một tình trạng bơ vơ, vì họ cảm thấy không còn gì vững chãi cả.

Những lời phê bình ấy chỉ đúng cho triết lý Ánh sáng giả mà thôi:

- Vì triết lý Ánh sáng giả không thể biết được ý nghĩa của ánh sáng thực. Tất cả chúng đều tin rằng: mọi kiến thức, mọi ước muốn và mọi hành động đều có thể căn cứ trên duy có trí năng mà thôi (đang khi đáng lý ra trí năng chỉ được dùng như một dụng cụ cần thiết để soi sáng những gì do nơi khác đem lại).

- Hơn nữa, vì triết lý ánh sáng còn lầm tưởng rằng: những kiến thức đặc thù, tương đối của trí năng là tuyệt đối (đang khi đáng lý ra chỉ được coi những kiến thức trí năng là hợp lý và chỉ có thể thích hợp cho lãnh vực hạn hẹp của chúng mà thôi.

- Triết lý ánh sáng còn mê hoặc cá nhân làm cho họ tự phụ rằng: tự một mình họ, họ có được kiến thức, và căn cứ trên kiến thức ấy họ còn tưởng mình có thể hành động một mình, như thế mỗi cá nhân là tất cả (thay vì đáng lý ra họ phải căn cứ trên một tinh thần kiến thức độc lập nhưng linh động, nghĩa là tuy có tính cách cá nhân, nhưng kiến thức phải có thể được đặt thành vấn đề luôn mãi và được khích lệ do đoàn thể nữa).

Như thế triết lý ánh sáng đã không thể hiểu nổi rằng: giữa mỗi cá nhân ngoại lệ và truyền thống của một cộng đồng có những liên hệ mật thiết (nghĩa là chân lý cá nhân còn phải dựa trên chân lý của một đoàn thể).

Nhưng triết lý ánh sáng phải biết rằng: tất cả mọi lối sống của con người đều phải được quy hướng về hai thực tại đó.

Triết lý ánh sáng giả chỉ muốn cho con người sống tự mãn với chính mình nghĩa là mọi chân lý, mọi điều gì thiết yếu cho con người đều phải được trí năng chứng minh rõ rệt. Như thế, triết lý ánh sáng chỉ thúc đẩy con người trí thức, chứ không khởi xướng lên trong họ Niềm tin.

Trái lại, triết lý ánh sáng thực không bao giờ dùng sức mạnh hay tự bên ngoài để hạn chế tự do tư tưởng và tự do khảo cứu. Triết lý ánh sáng thực chỉ giúp cho trí năng ý thức rằng: trong mọi sự đều phải có giới hạn. Làm thế là vì triết lý ánh sáng thực không phải chỉ để soi sáng những gì từ trước tới giờ chưa bị hoài nghi, hay chỉ để soi sáng những thành kiến và những tự phụ hiển nhiên mà thôi. Trái lại, những ánh sáng còn phải soi sáng cho chính mình nữa.

Tóm tắt, triết lý ánh sáng thực biết đâu là giới hạn trong những đường lối của trí năng và cũng biết đâu là giá trị của những thực tại thiết yếu trong thân phận con người, chứ không lẫn lộn.

Như thế đã rõ, những thực tại thiết yếu của hiện sinh phải được những tác động hợp lý của trí năng soi sáng, nhưng hiện sinh không được coi đó là căn bản nền tảng duy nhất của mình.

Mấy luận điệu phê bình triết lý Ánh sáng thực.

Bây giờ chúng ta hãy kiểm điểm lại mấy luận điệu phê bình triết lý Ánh sáng thực, ví dụ người ta chỉ trích triết lý Ánh sáng đã gây ra nơi con người một tin tưởng quá đáng vào sức mạnh của mình nghĩa là ở đây con người chỉ còn tin ở mình đang khi thực sự những gì họ có đều do đặc ân tặng không cho họ.

Đó là một lời phê bình Ánh sáng thực, nhưng lời phê bình ấy quên rằng: thường thường Thiên chúa không nói với mỗi cá nhân bằng những giới răn hay bằng những điều người khác trình bày, mà chỉ nói trong chính nội tâm của chủ thể, bằng tự do của họ nghĩa là không nói tự bên ngoài nói vào mà nói tự bên trong nói ra. Vì vậy ai gây nguy cơ cho tự do con người (một tự do chính Thiên chúa đã sáng tạo, nên phải hồi hướng về Ngài) thì mặc nhiên họ đã gián tiếp cắt đứt mất trung gian nhờ đó Thiên chúa mới nói được với con người.

Như thế, chính khi chống đối tự do là khi con người chống lại Ánh sáng thực, thì đương nhiên cũng mở mặt trận phản lại Thiên chúa để binh vực cho một số tín điều, một số mệnh lệnh cấm đoán mệnh danh là do Thiên chúa, nhưng thực sự chính điều đó lại do loài người, do những tổ chức và lối sống loài người sáng nghĩ ra và nhập cảnh vào đời sống. Mà ở đây cũng như trong mọi công việc của nhân thế, luôn luôn thấy khôn cũng nhiều mà dại cũng nhiều.

Vậy đứng trước những thái độ phản tự do ấy, ta phải kháng cự vì ngày nào không còn ai thắc mắc đối với những thái độ ấy thì đương nhiên cưỡng bách con người tháo lui trước nhiệm vụ làm người của họ.

Vì như thế là tiêu diệt Ánh sáng, mà tiêu diệt Ánh sáng là phản bội con người.

Một luận điệu phê bình thứ hai đối với triết lý Ánh sáng thực lại căn cứ trên một yếu tố trọng yếu trong triết lý Ánh sáng. Yếu tố ấy là tinh thần khoa học vô vị lợi này không giả thiết gì ngoài nó cả, nghĩa là nó không tự hạn chế trong việc thắc mắc và khảo cứu của nó vì một chuẩn đích nào ngoại tại hay vì một chân lý nào đã thiết định xong rồi, ngoại trừ những trường hợp sử dụng chính con người làm đồ vật để thí nghiệm khoa học, Đó là những giới hạn không một khoa học nào được vượt qua vì luật luân lý và tình người không cho phép.

Đứng trước tinh thần khoa học vị khoa học ấy, có người phê bình rằng: khoa học như vậy là phá hoại Niềm tin. Họ nói: tinh thần khoa học của người Hy lạp xưa, tuy vậy còn dung hợp được với tín ngưỡng và soi sáng cho tín ngưỡng được. Trái lại, khoa học hiện đại hình như tiềm chứa một sức mạnh phá hoại tận rễ.

Có thể đó là một trong những biến cố lịch sử có thể gây ra một cơn khủng hoảng toàn diện rất trầm trọng. Lúc này người ta chỉ còn việc ngồi chờ cho cơn khủng khoảng này chấm dứt hay ít ra đẩy lùi cho nó mau chấm dứt.

Làm thế, những người chống đối đã đương nhiên hoài nghi chân lý mà tinh thần khoa học đích thực kia có thể làm bừng sáng lên luôn mãi. Đồng thời họ cũng đương nhiên vi phạm tới những gì làm nên phẩm giá con người, vì tự hậu không thể có phẩm giá ấy nếu không có tinh thần khoa học đích đáng.

Họ còn vi phạm tới Ánh sáng, vì không còn nhìn thấy trong đó những viễn tượng mênh mông vô bờ bến của lý tính con người mà lại chỉ nhìn thấy những phạm vi sà sà mặt đất của trí năng mà thôi.

Rồi khi đả phá tự do trong tinh thần Ánh sáng thực, thì thực ra họ lại chỉ nhìn thấy ở đó một thứ tự do phóng đãng. Nên họ mới coi tự do là được thả lỏng, và là tin tưởng vào sức tiến ở bên ngoài. Nhưng họ nên biết rằng: tự do trong Ánh sáng là tự do phát nguyên từ một sức mạnh sâu xa của một tinh thần tự do thực.

Sau cùng họ còn chống đối luôn cả tinh thần Bao dung - kết quả đẹp nhất của triết lý Ánh sáng - vì họ tưởng rằng: bao dung như vậy chẳng qua là một thái độ lãnh đạm, dửng dưng giữa những người không có tín ngưỡng gì cả. Rồi họ không thèm nhìn nhận tinh thần bao dung ấy nữa, nhưng chính đó mới là ước vọng thầm kín nhất của những con người muốn thông cảm với nhau thật.

Nói tóm, luận điệu phê bình thứ hai phủ nhận toàn diện những gì là nền tảng cho đời sống của ta như: phẩm giá con người, như khả năng tri thức của ta và tự do trong ta, và nó còn hô hào ta tự sát không thể sống triết lý được nữa.

Nhưng chúng ta dám quả quyết rằng: từ nay không thể có sự chân thành, không thể có lý tính, không thể có phẩm giá con người, nếu không căn cứ trên tinh thần khoa học đích thực, nhất là bao lâu nhờ truyền thống và hoàn cảnh thuận lợi của con người, tinh thần khoa học ấy còn có thể tồn tại được.

Vì tóm lại, nếu tinh thần khoa học ấy mai một đi, lập tức sẽ thấy tái diễn những cảnh hoàng hôn, mờ mờ ảo ảo, những cảm tình đạo đức không rõ rệt và những quyết nghị trong mù quáng cố tình.

Như thế là lại để mọc lên những hàng rào sắt giam giữ con người trong những nhà tù mới!

Ý nghĩa những luận điệu phê bình vừa nói.

Tại sao đã xảy ra những luận điệu phê bình triết lý Ánh sáng như vậy?

Thưa là vì người ta thường đưa những chuyện mâu thuẫn, như cảm thấy muốn phục tòng những con người mệnh danh là những phát ngôn nhân của Thiên chúa.

Có khi những chống đối ấy còn phát sinh do những dục tính trong ta là những gì muốn lôi cuốn ta vào đêm tối thay vì giúp ta phục tòng những lề luật của ban ngày[2] nghĩa là những khi ta như cảm thấy rõ rệt đất đứng dưới chân ta đang sụp đổ, thì dục tính của ta hối thúc ta lập tức xây dựng trong trống rỗng một cơ sở ma và hy vọng nó sẽ giải thoát ta. Cũng như nơi những con người không tin tưởng gì cả, nhưng họ cũng cảm thấy cần phải tạo ra một tín ngưỡng tuy là tín ngưỡng giả tạo.

Hay cũng như những người đầy ý chí hùng dũng họ cũng tưởng rằng: có thể làm cho con người trở nên ngoan ngùy hơn, nếu cưỡng bách được họ mù quáng phục tòng mệnh lệnh người trên như lợi khí đàn áp (Nhưng những người đó đã lầm!).

Vậy khi chống đối Đức Kytô và Tân ước, nếu coi đó là vô số những hiện tượng (quái đản) đã xẩy ra trong lịch sử giáo hội và những lý thuyết thần học dòng đã mấy ngàn năm, thì người chống đối rất có lý: trái lại nếu chống Đức Kyto và Tân ước vì đó là nguồn suối nguyên thủy và là chân lý của tôn giáo theo Kinh thánh thì người ta đã lầm! Vì nguồn suối và chân lý ấy vẫn còn sống trong lòng của triết lý Ánh sáng, nếu là những Ánh sáng thực. Và triết lý còn soi sáng chúng thêm và có lẽ còn tiếp tay với chúng để ngăn ngừa con người đừng đánh mất những giá trị quý báu ấy, trong hoàn cảnh hiện tại của họ giữa thế giới kỹ thuật ngày nay.

Nhưng lắm khi những luận điệu tấn công triết lý Ánh sáng liên miên vừa nói xem ra cũng hợp lý, là vì trong trào lưu ánh sáng cũng có những chệch hướng, thành ra người ta mới tấn công được. Hơn nữa, những chệch hướng ấy còn nói lên việc khó thực hiện được tinh thần ánh sáng thực. Vì thường thường tinh thần ánh sáng còn kéo theo nó một thái độ phấn khởi đắc chí nghĩa là khi được tự do trở lại, con người tưởng như không còn bị ràng buộc gì nữa và nhờ khi được tự do hoàn toàn như vậy có người lại tưởng mình đã gần gũi với thần thánh rồi.

Đó là thái độ phấn khởi của những con người được tự do cảnh tỉnh.

Nhưng những con người phấn khởi ấy phải biết rằng: những lúc ấy lập tức họ lại bắt gặp một trở ngại làm suy giảm phấn khởi ấy ngay nghĩa là trong ánh sáng, cũng không bao giờ Thiên chúa nói với tự do của họ một ngôn ngữ nhất nghĩa, rõ rệt cả; trái lại người ta chỉ bắt gặp được Ngài qua một sức cố gắng bền bỉ như chính cuộc đời, nghĩa là trong những giờ phút đặc biệt nào đó khi con người như lãnh nhận được một tặng vật vô cùng cao quý khôn lường. Nhưng không phải luôn luôn con người có thể sống trong bầu khí nặng nề của vô tri để phê bình và để rồi lẳng lặng chờ đợi nghe ngóng trong những giờ phút đặc biệt.

Trái lại, họ muốn biết thực tại tối hậu một cách đích xác.

Như thế, sau khi từ khước niềm tin, con người quay ra mù quáng đặt tin tưởng vào duy có tư tưởng suy lý, vào trí năng, hy vọng chúng có thể thiết định một cách chắc chắn được những gì quan trọng nhất cho cuộc đời.

Nhưng họ phải biết rằng: tư tưởng bất lực không thể làm những điều đó. Do đó con người chỉ còn việc tự lừa dối chính mình nghĩa là họ cứ khăng khăng chấp nhận hết sự vật này đến sự vật khác là những gì hữu hạn và tôn chúng lên địa vị tuyệt đối như chúng là tất cả. Và như thế những lối tin tưởng nhất thời đại được coi là tri thức tuyệt đối. Lúc ấy con người còn đánh mất cả sự liên tục mà một tinh thần tự kiểm thảo bó buộc phải có. Rồi viện lẽ đi tìm một đích xác nào đó bất cứ và coi nó như chung kết, thì còn đánh mất luôn cả nhiệm vụ tự kiểm thảo nữa. Hay có khi một ý kiến kỳ cục, lệ thuộc vào một hoàn cảnh nào đó và có khi do tình cờ lại được coi là chân lý tuyệt đối. Do vậy ý kiến ấy lại có cơ phóng ra chung quanh một ánh sáng giả tạo và gây ra một mù quáng mới.

Nói tóm, những ánh sáng trên làm cho người ta lầm tưởng rằng: họ có thể biết và tư tưởng được mọi sự. Nhưng thực ra những ánh sáng ấy là những ánh sáng giả tạo. Chúng như muốn thỏa mãn một nhu cầu không thể thỏa mãn bằng một suy luận vừa thiếu nền tảng vừa thiếu cương hãm.

Nhưng không phải có thể sửa chữa những chệch hướng ấy bằng cách diệt hết tư tưởng đi, mà là phải trả về cho tư tưởng tất cả mọi chiều kích của nó và phải biết phê bình, nhận định những giới hạn của nó; hơn nữa còn phải biết đâu là những lúc nó cảm nghiệm thấy mình được sung mãn tức là những gì dung hợp với một kiến thức hoàn hảo.

Nói tóm, trong khi tập luyện tư tưởng con người còn phải rèn luyện chính mình nữa. Chỉ có thế mới ngăn ngừa được con người khỏi vội tin tưởng vào những ý tưởng đột ngột xuất hiện với họ, để những ý tưởng ấy đừng trở thành thuốc độc giết họ và để sự sáng sủa của ánh sáng cũng đừng biến thành một bầu khí nguy hại cho mạng sống họ.

Sự cần thiết của Niềm tin.

Vậy chính những ánh sáng tinh túy nhất mới là những ánh sáng làm nổi bật tính cách cấp thiết của Niềm tin. Năm nguyên tắc căn bản trong Niềm tin triết lý không thể được chứng minh như những luận đề khoa học. Cũng không thể cưỡng bách con người có Niềm tin hoặc bằng khoa học hoặc bằng triết lý suy lý được.

Trong trường hợp ánh sáng giả người ta thường lầm tưởng rằng: chỉ duy có trí năng mới biết được chân lý và sự hữu. Nhưng nếu là chân lý khoa học thì bó buộc phải nại đến những sự kiện thực nghiệm; còn nếu là chân lý triết lý, thì không thể nào không cần đến những nguyên tắc của tín ngưỡng.

Vì, tuy bằng tư tưởng, trí năng có thể hiện tại hóa, tẩy lọc, khai triển những ý tưởng được, nhưng cái gì có thể đem lại cho những ý kiến của nó ý nghĩa khách quan, cho suy tư của nó sự hoàn hảo, cho diễn tiến của nó hướng đi, cho cố gắng triết lý của nó một nội dung hữu, thì cái đó phải do nơi khác mà đến.

Đó là những tiền đề mà một tư tưởng nào bất cứ không thể bỏ qua đi được.

Nhưng rất khó biết chúng bởi đâu mà phát xuất! Vì chúng ăn rễ sâu trong Bao dung thể là nguồn sống của ta. Nên mỗi khi sức mạnh của Bao dung thể chỉ hơi suy giảm thì ta đã muốn nêu ra năm thái độ phủ nhận (đối với năm nguyên tắc của Niềm tin triết lý). Mà theo năm phủ nhận ấy thì đã mất hẳn Niềm tin.

Mới thoạt nhìn, ta thấy những tiền đề của kinh nghiệm khả giác là do vạn vật mang lại, còn những tiền đề của Niềm tin là do truyền thống lịch sử lưu lại. Thực vậy, theo hình thức bên ngoài ấy, những tiền đề chỉ là những sợi dây chuyền nhờ đó ta có thể tìm được những tiền đề đích thực. Vì những tiền đề ấy còn phải được kiểm thảo lại luôn mãi. Và trong cuộc kiểm thảo này, trí năng không hoạt động như một quan tòa tự mình có thể phân biệt được sự thực, nhưng ở đây trí năng chỉ được dùng như một phương tiện nghĩa là trí năng được dùng để kiểm chứng một thí nghiệm này bằng một thí nghiệm khác.

Hơn nữa, trí năng còn được dùng để kiểm chứng một Niềm tin theo cổ truyền bằng một Niềm tin khác, và đồng thời cũng để thử nghiệm mọi truyền thống bằng cách đối chiếu chúng với giờ phút con người tỉnh thức đầu tiên với những giá trị vĩnh cửu ở tận nguồn suối của chủ thể.

Trong khoa học, để đạt tới thực nghiệm, người ta thiết định ra những quan niệm bất kháng bó buộc mọi người phải theo mỗi khi đi vào những phương pháp đã vạch sẵn.

Trái lại, trong triết lý nhờ việc thấu hiểu được truyền thống cho thích hợp với thời sự, người ta có thể đạt tới được một ý thức sâu xa hơn về Niềm tin.

Nếu thế, muốn thoát được mê tín không phải là trực tiếp đả phá nó.

Trái lại, một đàng, phải vùng dậy phản đối những thái độ tự phụ tin tưởng vào một kiến thức cũng tự phụ mà người ta có thể chứng minh rằng: nó sai lầm; một đàng, lại phải phản kháng cả những thái độ tự phụ trong Niềm tin theo lý trí vì những tự phụ ấy cũng sai lầm.

Rồi khi phát biểu những nguyên tắc của Niềm tin triết lý, nếu tưởng rằng: chúng có nhiệm vụ truyền bá một nội dung nào rõ rệt, minh bạch thì người ta đã lầm, vì không một nguyên tắc nào trong năm nguyên tắc lại hàm chứa một đối tượng tuyệt đối; nhưng đúng ra chúng chỉ là những biểu hiện chỉ thị một hữu vô hạn phải hiện thân ra. Khi sự hữu vô hạn ấy hiện thân trong Niềm tin thì tính cách bất định của vạn sự hữu khác lại trở thành một biểu thị hàm hồ của nền tảng vô hạn ấy.

Khi một người hiến thân cho triết lý phát biểu những nguyên tắc Niềm tin ấy thì chúng trở thành một cái gì tương tự như một cuộc tuyên xưng đức tin. Nên triết gia không được sử dụng vô tri của mình làm phương tiện để cho phép mình khỏi phải trả lời. Tất nhiên theo triết lý, nhà triết lý ấy sẽ khôn ngoan và lặp đi lặp lại rằng:

“Tôi không biết điều đó; tôi cũng không biết tôi có tin không? Nhưng một Niềm tin được thiết định theo những nguyên tắc như vậy, đối với tôi xem ra chứa chấp đầy ý nghĩa và tôi ước mong dám tin tưởng vào những nguyên tắc ấy và dám can đảm thích nghi nhịp sống của tôi vào đó”.

Bởi vậy, sống niềm tin triết lý là phải biết do dự, nhưng chỉ theo vẻ bề ngoài, phải biết nói năng uyển chuyển và đồng thời phải thực hiện quyết định sống thực.

 



[1] Triết lý ánh sáng (Aufklarung) những lý thuyết do một số triết gia Đức chủ trương vào hậu bán thể kỷ 18. Đặc điểm của Những lý thuyết này là ở chỗ họ hô hào trở về với lối suy nghĩ thông thường, với thái độ sống lạc quan hồn nhiên, với chủ trương tìm hạnh phúc làm mục tiêu tối cao, với sự tin tưởng vào những chuẩn đích tối hậu và tiến bộ của “những ánh sáng” tức là lý trí.

[2] Luật ngày và tình đêm: một trong những thái độ hiện sinh đối với Siêu việt thể, trong tương quan tương hấp giữa hai phản lập thể (ngày đêm).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt