Nhập môn triết học

Triết học nhập môn - Phụ lục

KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
                           

 

PHỤ-LỤC[1]

 

KARL JASPERS (1883-1969)

LÊ TÔN NGHIÊM dịch

 


Karl Jaspers. Triết học nhập môn.  “Phụ lục”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 140-162.


 

 

Triết lý liên hệ với con người vì là con người. Nên mọi người đều phải có thể hiểu nó được. Tuy nhiên, không phải hiểu theo những tiến triển khúc mắc của những học thuyết mà là nhờ vào một vài ý tưởng nền tảng, có thể thâu tóm vào một ít thành ngữ vắn tắt.

Vì thế, tôi đã gây ra cho ai nấy cảm thấy những gì cốt yếu liên hệ đến mọi người. Nhưng tôi đã cố gắng làm điều đó mà không chịu để mất cái cốt yếu ngay cả khi gặp nhiều trở ngại.

Vậy đây chỉ có thể nêu ra một vài điểm mở lối và ghi lại một ít những điều phải làm để giúp suy niệm triết lý. Vì thế có những tư tưởng lớn không hề được đề cập tới, vì mục đích của tôi là giúp cho ai nấy biết suy nghĩ thôi.

Những độc giả nào có khả năng triết lý và muốn tìm được sợi dây chuyền thì sẽ gặp được ở dưới đây những gì giúp họ đi sâu hơn một chút vào công việc sưu tầm của họ.

I. Mấy nhận xét về việc học triết lý

Triết lý bàn về tuyệt đối nhưng tuyệt đối ấy thể hiện ra trong đời sống hiện tại. Người nào cũng là triết gia cả. Nhưng lĩnh hội được ý nghĩa của triết lý bằng một suy niệm không phải là một chuyện dễ.

Vậy muốn suy nghĩ một cách có hệ thống trong lãnh vực này đòi hỏi phải học hành. Việc học gồm ba đường lối:

i/ Tham dự một công cuộc khảo cứu khoa học: nghĩa là khảo cứu ấy phải có căn bản trong vật lý học, hoặc trong nhân văn học. Ngày nay, khoa học phân chia thành nhiều ngành khác nhau. Nhờ việc học khoa học, những phương pháp và lối phê bình của khoa học, ta mới có được một thái độ khoa học là điều kiện tối cần cho một cuộc khảo cứu triết lý chân thật.

ii/ Khảo cứu những đại triết gia: Ta không thể đi tới triết lý nếu không đi qua triết sử, nghĩa là mỗi người như phải leo dần lên cây thang triết sử cao vút gồm những tác phẩm độc sáng vĩ đại. Nhưng việc leo thang triết sử ấy chỉ có kết quả là khi nó được chính hiện diện của hiện sinh khích lệ và sự suy niệm riêng tư do việc học hỏi khởi nhóm lên.

iii/ Ý thức về hoạt động thường nhật của mình: Quyết định quan trọng là quyết định một cách nghiêm nghị nghĩa là con người phải trách nhiệm về những điều họ làm và về lối sống của họ.

Nói tóm, nếu không chu toàn một trong ba điều kiện trên, không bao giờ người ta đi tới một suy tư triết lý minh bạch và đích đáng được.

Vì vậy, mỗi người nhất là các bạn thanh niên phải tự hỏi, họ chọn theo con đường nào, dưới một hình thức nào nhất định. Vì thực sự, mỗi người chỉ tự mình lĩnh hội được một phần rất nhỏ những khả năng do những đường lối ấy mang lại. Vậy mỗi người phải tự vấn rằng:

“Tôi phải cố gắng học cho thành thuộc tận gốc một khoa học nào nhất định?”

“Tôi phải cố gắng không những đọc mà còn phải khảo cứu tường tận một đại triết gia nào?”

“Tôi phải sống như thế nào?”

Mỗi người phải tự mình tìm ra câu trả lời. Nhưng những câu trả lời ấy không được có tính cách cố định theo nội dung đặc thù của nó hay chung cục và ngoại tại.

Người thanh niên còn phải dành nghị lực cho những cố gắng khác nữa.

Tóm lại, phải cương quyết lựa chọn, nhưng không được khư khư cố chấp; phải kiểm thảo, sửa chữa nhưng không phải gặp chăng hay chớ và luộm thuộm, mà phải bằng một thái độ nghiêm nghị, đứng đắn như khi thi hành những công việc có thể gây ảnh hưởng lâu dài và có thể sau cùng dẫn đến một nhất trí.

II. Mấy nhận xét về việc đọc sách triết lý

Khi đọc, trước hết tôi muốn tìm hiểu xem tác giả muốn nói gì?

Nhưng, muốn được thế không những phải hiểu ngôn ngữ mà còn phải hiểu cả vấn đề. Vì việc hiểu một vấn đề tùy thuộc ở những kiến thức ta có được về vấn đề ấy.

Đối riêng với việc học triết lý, điều đó gây ra những hậu quả quan trọng.

Ta muốn nhờ việc hiểu bản văn để hiểu được vấn đề. Vì vậy ta vừa phải nghĩ tới vấn đề vừa phải nghĩ tới những gì tác giả muốn nói. Nếu một trong hai điều đó khiếm khuyết thì công việc đọc sách thành ra vô ích hoàn toàn.

Khi học một bản văn, chính tôi phải nghĩ tới vấn đề, tự nhiên việc am hiểu bản văn của tôi thay đổi khi nào tôi không hay. Vì lý do ấy, việc am hiểu đích đáng một bản văn đòi hỏi hai điều kiện:

- phải đi sâu vào vấn đề;

- phải trở lại tìm hiểu rõ rệt ý nghĩa do chính tác giả đã nhắm. Đường lối thứ nhất dẫn vào triết lý; đường lối thứ hai giúp ta được những kiến thức lịch sử.

Vậy việc đọc trước hết đòi hỏi một thái độ nền tảng, nghĩa là một thái độ căn cứ trên sự tín nhiệm và thiện cảm của người đọc đối với tác giả và với vấn đề do tác giả trình bày: vậy tiên vàn phải đọc một lần như mọi điều nói trong bản văn đều đúng và thực cả. Rồi sau đó khi tôi đã bị chinh phục hoàn toàn, đã như tái diễn được tư tưởng ấy, nhưng sau đó lại còn vượt ra ngoài được, lúc ấy là lúc tôi mới được phép phê bình.

Đối với ta, việc học lịch sử triết học và am tường được tư tưởng người xưa chỉ có nghĩa nếu nó được khai triển theo ba yêu sách Kant đã hoạch định như sau:

- tự mình suy tư;

- suy tư theo địa vị người khác;

- suy tư mà không mâu thuẫn với chính mình.

Tự mình suy tư: Tự mình suy tư không có nghĩa là suy tư vô căn cứ. Vì những gì tự ta ta tư tưởng phải thực sự được chỉ thị ra cho ta. Thực vậy, thế giá của lịch sử triết học khởi nhóm lên trong ta những nguồn suối linh động mà ta có thể tín nhiệm không do dự và ta chỉ có việc đi vào giao dịch với chúng như những khởi điểm và những kết quả đã thực hiện được trong dòng lịch sử.

Mọi lối học triết lý về sau đều phải giả thiết sự tín nhiệm vào lịch sử đó. Nếu không cần đến sự tín nhiệm ấy thì không vạ gì mà ta còn phải đọc Platon và Kant!

Mỗi cố gắng triết lý cá nhân vẫn còn cần tới những hình ảnh lịch sử. Trong khi am hiểu những bản văn, chúng ta tự nhiên trở thành triết gia. Nhưng sự am hiểu với sự tín nhiệm ngoan ngùy ấy không được phép trở thành một sự phục tòng mù quáng, nghĩa là trong khi tiến triển với bước đi của người khác, ta vẫn phải kiểm thảo những điều họ nói và phải đối chiếu chúng với những gì của ta.

Ở đây, “phục tòng” có nghĩa là phải để cho người khác hướng dẫn mình và có nghĩa là trước hết phải tin tất cả những điều người ta nói là đúng cả; rồi cũng không được phép lập tức hay bạ lúc nào cũng chêm những ý tưởng phê bình của ta vào và do đó ta tự ngăn cản ta không theo hướng được người chỉ đạo của ta.

Tiếp đó, phục tòng còn có nghĩa là phải kính cẩn, không được phê bình rẻ tiền mà chỉ được phép phê bình sau khi đã tự mình khảo cứu một cách sâu xa, nhờ đó ta có thể từng bước tiến gần lại vấn đề và sau cùng có đủ tư thế để tranh luận về vấn đề.

Và sau đây là giới hạn cho sự phục tòng nghĩa là ta chỉ được chấp nhận là thật những gì sẽ có thể trở thành một cảm nghĩ cá nhân riêng của ta nhờ ở suy tư của ta. Vì không một triết gia nào, kể cả triết gia lớn nhất, có được chân lý hoàn bị.

Tuy là bạn của Platonnhưng trên hết còn phải là bạn của chân lý đã!” (Amicus Plato, magis amica veritas!)

- Nhờ sự suy tư tự ta, ta mới tìm được chân lý, nhưng với điều kiện là ta phải luôn luôn cố gắng suy tư theo địa vị của người khác.

Vì ta phải cố khám phá thêm những gì con người còn có thể làm được. Vì càng cố gắng suy tư lại tư tưởng người khác một cách đúng đắn, người ta càng mở rộng những khả thể chính chân lý riêng của mình, tuy sau cùng có phải phủ nhận tư tưởng của người khác. Ta chỉ có thể hiểu biết được tư tưởng ngoại lai ấy bằng cách tự hiến hoặc nó lưu ý ta và lay tỉnh ta hoặc nó đặt chính ta thành vấn đề thắc mắc. Không được để cho những biến cố xẩy ra liên tiếp nhau mà không liên hệ gì với nhau. Vậy tất cả những gì trong dòng lịch sử không liên hệ được với nhau và những gì thực sự không trao đổi được với nhau, đều phải được tập họp và đối kháng nhau trong ta.  đây những tư tưởng xa lạ với nhau nhất cũng phải được liên hệ với nhau.

Tóm lại, tất cả phải gặp gỡ nhau trong chủ động đã am hiểu được chúng.

Đồng ý với chính mình có nghĩa là phải giữ vững được tư tưởng của mình, và phải xoay hướng cho tất cả những gì bị phân tán, những gì mâu thuẫn hay tản lạc phải quy về cả một nhất trí. Toàn diện lịch sử nếu được hiểu một cách có ý nghĩa, cũng phải được quy hướng về một mối nhất trí, nhưng nhất trí ấy phải là một nhất trí mở rộng, chứ không được đóng kín.

Nhất trí ấy chỉ là một ý tưởng tổng quátchứ không bao giờ xảy ra trong thực tại, nhưng chính ý tưởng ấy mới là động lực thúc đẩy ta triết lý thêm mãi.

III. Những lối trình bầy triết sử

Mỗi lối trình bày triết sử nhằm một mục đích rất khác nhau.

Trước hết, có lối chỉ trình bầy tổng quát hoặc chỉ ghi những chỉ dẫn liên hệ đến các bản văn, tiểu sử triết gia, những dữ kiện xã hội học, những trào lưu tư tưởng giao thoa nhau làm sao, hoặc những cuộc tranh luận, quảng diễn có thể kiểm thảo được hay những diễn tiến, những thời kỳ tư tưởng. Tiếp đó, có lối lại trình bày tóm lược những tác phẩm, phân tách những đề mục cốt yếu, những cơ cấu có hệ thống và những phương pháp. Tiếp đến lối trình bầy đặc tính tinh thần hay những nguyên tắc của một ít triết gia, hay khảo sát chung về một ít thời đại. Sau hết quan niệm một sơ đồ lịch sử tổng quát sau cùng có thể bao hàm toàn cả lịch sử triết học.

Nhưng muốn trình bầy triết sử cho chính xác, không những phải hiểu tường tận những tác phẩm triết lý mà đồng thời còn phải tự mình biết cách triết lý nữa. Nói khác đi, muốn quan niệm lịch sử triết học đúng đắn còn phải biết triết lý đồng thời nữa.

Hegel người thứ nhất đã hiểu được tường tận mọi chiều hướng của triết sử bằng cách tự mình triết lý. Vì thế, quyền Triết sử quan của ông ngày nay vẫn còn có giá trị.

Tuy nhờ ở quá trình ông trình bầy, căn cứ trên chính những nguyên tắc của riêng ông, có khai triển được một lối hiểu triết sử sâu xa, nhưng quá trình ấy là một quá trình mưu sát. Vì trong sơ đồ của Hegel, tất cả những triết lý đi trước ông, một lúc nào đó ra như được soi sáng bằng một máy phóng chiếu rất mạnh; nhưng ngay sau đó bỗng nhiên phải công nhận rằng: Hegel đã cắt đứt mất trái tim của mỗi triết lý trên và đã đem chôn vùi thây ma của chúng trong nghĩa địa bao la của lịch sử. Hegel đã đánh mất hết lịch sử trong khi ông tưởng rằng: đã thống trị được cả lịch sử. Như thế, lối hiểu lịch sử của ông không phải là tìm chân lý một cách tự do mà là một tác động phá hoại; đó không phải là một phương pháp tra vấn liên lỉ mà là một lối áp đảo người khác nô lệ mình.

Tóm lại, ông đã không muốn sống với người khác mà lại muốn làm thầy họ.

Vậy hãy luôn luôn đọc song song nhiều lối trình bầy triết sử, để đừng lầm lẫn chấp nhận duy có một lối nào đó như tuyệt đối. Vì khi đọc có một lối trình bầy như vậy, thường vô tình người đọc đã bị sơ đồ của nó chi phối rồi.

Tiếp đó, cũng không nên đọc một lối trình bầy triết sử nào mà không đọc vào nguyên tác một đôi khi.

Sau cùng, còn phải dùng những trình bày triết sử như những tài liệu tra cứu, nhất là bộ triết sử thời danh của Ueberweg, nhờ đó ta mới định đúng vị trí cho mỗi tác phẩm. Ngoài ra, còn phải biết tra cứu các tự điển nữa.

NHỮNG TỰ ĐIỂN LỚN.

Ludwig Noack: Historisch-biographisches Handworterbuch der Philosophie Leipzig 1879.

Rudolf Eisler: Handworterbuch der Philosophie, Berlin 1913.

Philosoph enlexikon von Werner Zieygenfuss. Berlin 1949.

André Lalande; Vocabulaire technique et critique de la philosophie. Paris 1928.

NHỮNG TỰ ĐIỂN NHỎ.

Kirchners Worterbuch der philosophischen Grundbegriffe, do von Michaelis, Leipzig 1907.

Walter Brugger S.J.: Philosophisches Worterbuch. Freiburg 1947.

Dagobert D. Runes: The Dictionary of Philosophy, 4. Edition, New York, 1942.

Ngoài những tự điển trên, còn nên dùng những bộ Lịch sử triết học vĩ đại và thời danh như của Ueberweg và Vorlander, rồi cũng có thể dùng của Windelband, Zeller, Erdmann, Gilson (về triết học Trung cổ). Đó là về lịch sử triết học Tây phương.

Còn về lịch sử triết học Ấn độ và Trung hoa thì

- có Deussen, Strauss, bây giờ có Glasenapp và Radhakrisnan. (Ấn)

-có Forke, Hackmann, Wilhelm, Zenker. (Tàu)

IV. Bản văn

Để tự học, mỗi người nên tổ chức một thư viện riêng, gồm những bản văn thực cốt yếu. Danh sách những bản văn phải tùy theo mỗi người mà thay đổi. Nhưng có một số điểm then chốt mọi người ai ai cũng phải theo như nhau. Nhưng ở đây cũng phải tùy theo sở thích của mỗi người mà không thể có tiêu chuẩn nào tuyệt đối cả.

Vậy tiên vàn nên chọn một triết gia nào chính yếu. Dĩ nhiên là phải một trong các đại triết gia. Nhưng cũng có thể nhờ một triết gia hạng nhì hay hạng ba mà ta tìm ra được con đường triết lý, khi tình cờ mà ta gặp được họ, nhưng họ đã gây ra âm hưởng sâu xa cho ta. Những triết gia này cũng có thể hướng dẫn ta đi vào toàn bộ triết lý như những đại triết gia, miễn là ta học hỏi họ cho đứng đắn.

Về thời thượng cổ, có thể chỉ bó buộc đọc một số nguyên tác còn được lưu lại.

Nhưng về những thời kỳ cận đại, lại rất khó vì những sáng tác quá nhiều, thành ra rất khó chỉ định những sách nào cần yếu.

BẢNG KÊ DANH SÁCH I

Triết học Tây phương

Các triết gia Thượng cổ.

- Những tản văn của các triết gia trước Socrate (600-400)

Platon (428-348)

Aristote (384-322)

- Những tản văn của các triết gia Stoiciens(300-200)

Xem Sénèque (chết năm 56 sau t l.);Épictèle (phỏng năm 50- 138); Marc-Aurèle (trị vi từ năm 161 đến 180)

- Những tản văn của các triết gia Épicuriens: Xem Épicure (342-271);Lucrèce(96-55)

- Các triết gia Hoài nghi: Xem Sextus Empiricus (phỏng năm 150 sau t 1.); Cicéron(106-43); Plutarque (phỏng năm 45-125)

Plotin (203-270)

Boèce (480-525)

Các triết gia Ky-tô giáo

- Các Giáo phụ: St-Augustin (354-430)

- Trung cổ; Scot Érigène (t k.9); St-Anseime(1033-1109); Abélard (1079-1142); St-Thomas d‘Aquin (1225-1274); Duns Srot (chết năm 1308); Maitre Eckhar’ (1260-1327); Guillaume d’Occam (phỏng 1300-1350); Nicolas de Cuse(1401-1464); Luther (1483-1546); Calvin(1509-1564).

Các triết gia cận đại.

- Thời Phục hưng: Machiavel; Thomas More; Paracelse; Montaigne; Giordano Bruno; Jacob Boehme; Bacon

- Thế kỷ 17: Descartes; Hobbes; Spinoza; Leibniz; Pascal.

- Thế kỷ 18: bên Anh quốc: Locke; Hume.

- Những nhà luân lý Pháp và Anh:

- Thế kỷ 17: La Rochefoucauld; La Bruyère.

- Thế kỷ 18: Shaftesbury; Vauvenargues; Chamfort.

- Triết học Đức: Kant; Fichte; Hegel; Schelling.

- Thế kỷ 19: những Giáo sư triết học Đức như Fichte le Jeune và Lotze.

- Các triết gia biệt phái: Kierkegaard;Nietzsche.

- Khoa học thời đại và triết học khoa học

- Triết học chính trị và kinh tế: Tocqueville;Lorenz von Stein; Marx

- Lịch sử triết học: Ranke; Burckhardt; Max Weber

- Triết học thiên nhiên: K.Evon Baer; Darwin.

- Tâm lý có tính cách triết lý: Fechner; Freud

Trên đây là sơ đồ gồm những thời kỳ lớn trong lịch sử triết học. Trước hết để trình bầy một cách sơ lược những thời kỳ ấy, ta chỉ có thể mạo hiểm nêu ra một ít nhận xét. Nhưng phải biết rằng: những nhận xét ấy rất thiếu sót. Vì ở đây không chú ý xếp loại một triết gia nào cả, cũng không muốn đưa ra một quyết đoán nào cả, tuy những kiểu nói sẽ dùng dưới đây có thể gây ra cảm tưởng đó.

Vậy yêu cầu độc giả hãy quan niệm những nhận xét sau đây chỉ là những tra vấn. Chúng chỉ có ý để gây thắc mắc. Có lẽ những độc giả chưa thông thạo triết sử nhờ đó sẽ nhận ra được những tác phẩm nào phải đọc trước theo khuynh hướng của họ.

Các triết gia thượng cổ

Các triết gia trước-Socrate là những người có sức hấp dẫn nhất vì họ là những người đi “tiên phong”. Thật ra rất khó hiểu họ một cách đích xác, khách quan. Vì như thế phải làm sao gột rửa sạch được những “kiến thức triết lý trường ốc” mới hy vọng nhìn tận mặt được trực giác là đặc trưng của họ, vì trực giác ấy thường bị những kiến thức triết lý ngày nay bao phủ mất bằng những kiểu nói thành đề tài thông thường.

Thực vậy, nơi các triết gia trước-Socrate, ta được chứng kiến một tư tưởng đang hình thành, như đang từ một trực giác, kinh nghiệm nguyên thủy về hữu mà phát xuất. Họ như đưa ta vào chứng kiến những cố gắng tư tưởng đầu tiên đang bừng sáng. Ở đây trong sáng tác của mỗi đại triết gia ấy, thấy một lối hành văn nhất trí sau này không bao giờ có nữa. Lối văn ấy thành như riêng biệt của mỗi ông. Nhưng vì ngày nay chỉ còn lại những “Tản văn” (fragments) của mỗi ông, nên người giải thích thường hay muốn thêm vào đó cả những gì không có.

Tóm lại, ở đây mọi sự như còn huyền bí cả.

Trái lại, những sáng tác của Platon, Aristote, Plotin là những sáng tác duy nhất còn được lưu lại đầy đủ. Nên chúng rất quan trọng cho việc khảo cứu triết lý thượng cổ.

Platon khai giảng những kinh nghiệm căn bản của triết lý vĩnh cửu. Tư tưởng ông đã rảo qua tất cả những gì là phong phú nhất nơi các người đi trước ông. Nhờ sự lung lạc của thời đại ông, ông đã hiểu được những thăng trầm của mọi thời đại, Với tinh thần độc lập tuyệt đối, với trí khôn hoàn toàn cởi mở, ông đã nhìn bao quát được toàn cục khả năng tư tưởng. Khi hoạt động, lập tức trí khôn ông đã tự biểu thị được một cách rất sáng sủa. Nhờ ông, tuy những bí nhiệm của triết lý đã được diễn tả ra bằng ngôn ngữ, nhưng huyền lý vẫn còn tồn tại. Nơi ông, tất cả những gì là chất liệu trong triết lý đều đã được đúc kết trong chính phấn khích triết lý rồi. Nhưng điều thiết yếu là phải thi hành một tác động vượt bậc. Và hình như Platon đã leo tới được đỉnh cao nhất trong tư tưởng của nhân loại, mà không ai vượt hơn được nữa. Mãi cho tới ngày nay, chính ông vẫn còn là người khích lệ lên những đà tiến sâu sắc nhất về triết lý. Người ta thường hiểu sai ông, vì ông đã không mang lại một học thuyết mà người ta có thể học được và còn phải học hỏi lại ông luôn mãi. Học Platon cũng như học Kant, người ta không học được một cái gì vững chãi, kiên cố, nhưng nhờ đó người ta thực sự biết triết lý.

Một nhà tư tưởng tương lai cũng thể hiện ra trong chính việc họ học Platon.

- Với Aristote chúng ta học được những phạm trù chi phối tư tưởng Âu châu từ bấy giờ cho tới ngày nay. Chính ông là người đã quy định ngôn ngữ (danh từ) triết học. Đó là một kết quả tất nhiên ai ai cũng phải công nhận, cho dù người ta có theo ông hay không theo, hay người ta có muốn vượt ra ngoài tất cả khuôn khổ ông đã hoạch định ra.

Plotin đã tận dụng toàn cả truyền thống xưa để xây dựng một nền Siêu hình kỳ điệu. Dựa trên một cảm hứng độc đáo, siêu hình ấy từ đó đã trở thành một siêu hình đích thực qua nhiều thời đại. Nhờ đó, sự thái hòa trong trạng thái huyền niệm đã có thể truyền thông ra được trong âm nhạc của một tư tưởng suy lý cao siêu. Tư tưởng ấy mãi mãi còn là tư tưởng suy lý vượt bậc và bằng cách này hay cách khác, tư tưởng ấy còn gây ra dư âm bất cứ ở đâu, chỗ nào có tư tưởng Siêu hình phát triển, kể từ Plotin trở đi.

Tiếp đến các triết gia StoiciensÉpicuriens và Hoài nghi và cả các triết gia theo Platon hay Aristote (tức những môn đệ của Hàn lâm viện mới và các Du triết (Péripatéticiens) đã xây dựng được một triết lý tổng quát cho những lớp trí thức về cuối thời thượng cổ. Chính Cicéron và Plutarqtie cũng đã viết cho những lớp người đó: tuy có những lập luận đối lập hay những cuộc tranh luận không ngừng, nhưng triết lý ấy vẫn còn chung với nhau một số điểm.

Rồi các triết gia Chiết trung (éclectiques) cũng tham dự phong trào triết lý đó. Họ nhặt chỗ này một ít chỗ kia một ít.

Nhưng trong những thế kỷ thượng cổ ấy, lập trường chung cho mọi khuynh hướng ra như đã được thiết định vào mấy điểm độc đáo như sau nghĩa là người ta thường chú trọng: tới tư cách cá nhân của mỗi người; tới việc phải tiếp tục sống theo một chân lý, nhưng tựu trung chỉ là lập lại một cách máy móc; tới cái gì đã hoàn tất và khô héo rồi, nhưng đồng thời là những gì ai ai cũng làm được.

Đó là mẩu đất đã cưu mang và còn cưu mang ra được triết lý thông thường cho mọi người.

Nhân vật kỳ lạ xuất hiện ra sau hết ở thời này là Boèce với quyển Consolatio philosophiae (Sự an ủi do triết lý). Đây là một quyển sách thuộc loại những sách thiết yếu của nhân loại, vì cảm hứng cao siêu, vì vẻ đẹp và chính đáng của nó.

Tiếp đó, còn thấy nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cùng chung nhau một nền văn hóa, một số những ý niệm, một kiểu nói, một thái độ chung. Đó là các Giáo sĩ Trung cổ, cácnhà Nhân bản từ thời Phục hưng, và một cách nhẹ nhàng hơn, các Triết gia Đức với bầu khí Duy niệm thuần lý của họ, trong lãnh vực văn hóa kể từ khoảng năm 1770 đến 1850 và từ miền Riga cho đến Zurích, từ Hòa Lan ăn xuống tới Vienne.

Về phương diện lịch sử văn hóa và xã hội học, rất nên khảo cứu những lãnh vực ấy, ví dụ cần phải nhìn rõ được sự cách biệt giữa những sáng tác triết lý vĩ đại với những sức mạnh tư tưởng chỉ muốn chuyển tất cả mọi sự trên một bình diện tổng quát.

- Hay Nhân bản chủ nghĩa cũng là một sự kiện rất đặc biệt cần phải chú ý, vì chính nguồn suối của nó không phải một triết lý lớn mà chỉ là một lập trường, một thái đô tinh thần. Tinh thần ấy lại chỉ nhằm đúc kết được truyền thống, am hiểu mọi sự mà không thiên kiến và chủ trương tự do cho con người, vì nếu không có chủ trương tự do này thì đã không thể thực hiện được nếp sống của Âu châu ngày nay.

Tuy nhiên, mãi đến thời Phục hưng người ta mới ý thức được sự cần thiết của nền Nhân bản ấy. Và ngày nay chúng ta vẫn còn nên học hỏi tinh thần ấy nơi Pie de la Mirandole, nơi Érasme và Fícin.

Nhưng cũng nên biết rằng: Nhân bản này đã xuất hiện và trường tồn từ quan niệm Paideia(Giáo dục) nơi người Hi-lạp. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của người Hi-Lạp người La-Mã cũng đã thực hiện được tinh thần ấy lần đầu tiên với dòng tộc Scipions.

Nhưng tinh thần Nhân bản ấy đã suy giảm hẳn ở thời đại chúng ta.

Nếu có bị tiêu diệt hẳn, thì quả là một tai họa lớn mà hậu quả về mặt tinh thần và nhân loại sẽ không lường được.

Triết học Kytô giáo

Trong số các Giáo phụ, St-Augustin là người trội vượt hẳn. Đọc sáng tác của ông là nhìn được toàn diện triết lý Kytô giáo. Ở đây thấy muôn vàn kiểu nói bất hủ về đời sống tâm linh; ra như những gì thuộc tâm linh sâu kín đã được diễn tả thành ngôn ngữ linh động. Thực vậy, đây là một triết lý về nội tâm được suy tư rất sâu xa và rất thú vị mà triết học xưa chưa hề biết tới.

Đây là một sáng tác phong phú bất tận, nhưng cũng đầy những lập đi lập lại, lắm khi còn đầy cả văn chương; và nói chung có lẽ không được hay lắm!

Nhưng xét từng câu quyết đáp riêng biệt thì thấy đầy vẻ khúc chiết và có sức mạnh như những chân lý sâu xa. Rồi khi phải tranh luận với những đối thủ thì nhờ những lời họ trưng dẫn và những tác giả họ đọc mà có thể hiểu được họ.

Nói tóm, St-Angustin là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những miền sâu của tâm hồn vẫn còn phải khai thác.

Nhờ những phạm trù của học thuyết Tân-Platon, xử dụng theo một biện chứng pháp rất mềm dẻo, Scot Éngène đã tưởng tượng ra một hệ thống về vạn sự hữu đồ sộ, gồm được cả Thiên chúa; cả vũ trụ thiên nhiên và con người. Rồi ông đã gây lại cho triết lý một nguồn cảm hứng mới và không e dè tự cởi mở ra với vạn vật. Là một học giả uyên bác, thông thạo tiếng Hy-lạp và là dịch giả của các sách của Denys l’Aréopagite, nhờ vào những chất liệu có tính cách khái niệm do truyền thống triết học để lại, ông đã phác họa được một hệ thống vĩ đại. Hệ thống đó với thái độ nó bao gồm đã gieo một ảnh hưởng độc đáo nghĩa là ông đã thần hóa thiên nhiên, đã ôn lại và cải thiện một nền huyền niệm thuẫn lý. Và huyền niệm ấy vẫn còn hoạt động mãi cho đến thời đại ta, Như thế, ông đã đứng biệt lập hẳn với thời đại ông là thời đại rửng rưng với triết học.

Nói tóm, sáng tác của ông là kết quả của một công cuộc đã am hiểu sâu xa được truyền thống triết lý do con người đã sống với Niềm tin triết lý.

Với St-Anselme, tư tưởng Trung cổ đã được diễn tả một cách có phương pháp lần đầu tiên. Ở đây những hình thức suy tư theo luận lý học và pháp lý rất khe khắt như những cạm bẫy che giấu mất những tiết lộ tinh thần trực tiếp của thực tại Siêu hình.

Nói tóm, với chúng ta những điểm trên đây sẽ rất xa xăm, lạ lẫm nếu ta chỉ chú ý tới sức mạnh tự phụ là bất kháng do những lập luận và phát biểu của những tín lý đặc thù mang lại. Trái lại, mỗi điểm trên sẽ trở thành sức sống hợp lý cho ta nếu ta coi chúng là những tiết lộ sâu xa xuất hiện ra với ta, nhưng phải hiểu chúng như những gì là đặc tính chung cho mọi người như những điều Parménide tiết lộ, chứ đừng coi chúng là những dữ kiện lịch sử riêng biệt như tín lý Ky-tô muốn thiết định.

Abélard, dạy ta một lối suy niệm hùng hậu, những cách thức lý luận, một phương pháp xử dụng những mâu thuẫn trong biện chứng để làm phương tiện đề cập các vấn đề triết lý. Nhờ việc đối chiếu những hạn từ mâu thuẫn với nhau, ông đã có thể đẩy những câu hỏi đến kỳ cùng. Vì vậy ông đã được coi là người sáng lập ra phương pháp Kinh viện học. Sau này với St-Thomas, phương pháp ấy đã tiến bộ đến độ cao nhất của nó.

Nhưng đồng thời, tuy đã được tư tưởng Ky-tô giáo cưu mang, nhưng Abelard đã mở màn cho một nguy cơ trầm trọng đến đe dọa những gì tinh túy nhất trong Kytô giáo mà xưa nay chưa ai chú ý tới.

St-Thomas d’Aquin đã xây dựng một hệ thống đồ sộ, ngày nay vẫn còn thống trị thế giới công giáo một cách hầu như chuyên chế. Ở đây, lãnh vực Nhiên tính và lãnh vực Ân sủng[1], rồi đến những điều con người hiểu được và cả những điều không hiểu mà phải tin, cả thực tạiphàm tục và cả thực tại siêu nhiên, cho đến những lập luận của tà thuyết đã bị phi bác và cả những chân lý có giá trị, tất cả đều đã được thâu nạp và khai triển thành một khối nhất trí. Nên người ta rất có lý so sánh hệ thống ấy với những Vương cung thánh đường nguy nga.

Nói tóm, St-Thomas đã muốn dung nạp tất cả tư tưởng Trung cổ thành một Đại bộ toàn thư (Somme théologique). Vì đứng cạnh ông này, những người đi trước chỉ được coi là những kẻ dọn đường có nhiệm vụ thu thập và sắp đặt những chất liệu cho ông, kể cả phương pháp giúp hiểu Aristote, như St-Albert le Granđ đã thực hiện. Nhưng kỳ thực St-Thomas đã chỉ vượt St-Albert le Grand về tính cách sáng sủa, dung hòa và khúc chiết về tư tưởng mà thôi.

Tóm lại, nhờ Divine Coméđie của Dante, ta mới có thể làm quen được với nguồn cảm hứng và những quan niệm của nền triết lý Trung cổ này, vì do đó ta mới nhận thấy triết lý này là một hệ thống hoàn tất, khép kín đến mức nào?

Duns Scot và Guillaume d’Occam là những nhân vật chuyển tiếp vì họ xuất hiện vào giữa lúc cơ sở tư tưởng Trung cổ đã đạt tới mức hoàn bị nhất:

Tuy vẫn còn giữ được hình thức tư tưởng xem ra hợp lý với chính thống giáo, nhưng Duns Scot đã khuấy động tính thần nhiều người, vì ông đã khơi nguồn ra nhiều thắc mắc nan giải ông đã khám phá ra được trong Ý chí của con người và trong cá tính độc đáo của họ (híc et nunc) (ở đây và lúc này).

Còn Guillaume d’Occam, ông đã đem lại cho lịch sử trí khôn chúng ta những yếu tố quyết định cho một thái độ khoa học thực nghiệm.

Đây là một cơn khủng hoảng tinh thần, vì nhờ đó mà khoa học hiện đại mới phôi thai được với những tính cách hạn hẹp đặc biệt của nó đồng thời cả với sức mạnh phát huy bao la trong lĩnh vực của nó. 

Ngoài ra, trên bình diện chính trị, nhờ tư cách là biên niên sử (chroniqueur) của Vua Louis de Bavière, Guillaume d’Occam đã đập tan những tự phụ kiêu hãnh của Giáo hội. Như vậy, ông cũng là một người tín hữu chân thành cũng như tất cả các nhà tư tưởng Trung cổ mà những sáng tác còn lưu lại đến giờ (còn những người vô tín, những kẻ hoài nghi, những người chủ trương hư vô thì không thấy sáng tác của họ được lưu lại, mà ta chỉ biết họ qua những lời người khác phỉ bác và trưng dẫn họ thôi). Nhưng cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa có một bản in tối tân nào về những sáng tác của Guillaume d’Occam. Mà những sáng tác ấy cũng chưa được dịch ra tiếng Đức nữa. Có lẽ đây là một khuyết điểm lớn nhất trong lịch sử triết học.

Nicolas de Cuse là một triết gia Trung cổ, nhưng là người đầu tiên đã mang lại một bầu khí tư tưởng gần như ở thời đại của ta rồi.

Ông vẫn là người Trung cổ vì ông còn tin tưởng bất khuất vào tính cách nhất trí của Trung cổ nghĩa là ông vẫn còn tin rằng: Ky tô giáo đang được phổ biển rộng rãi và kiên cố; do đó nó sẽ thâu nạp được tất cả các dân tộc và tất cả mọi tín ngưỡng khác. Tuy thế, với tư cách một triết gia, ông đã không còn muốn xây dựng một hệ thống đồ sộ có thể dung nạp được mọi sự như kiểu St-Thomas nữa; ông cũng không còn dùng phương pháp của Kinh viện học để am tường truyền thống với những yếu tố mâu thuẫn của nó nữa.

Trái lại, ông tìm cách nhìn thẳng vào mỗi sự vật, bất cứ là sự vật siêu hình (Siêu việt) hay là sự vật khả nghiệm (nội thế). Vì vậy với mỗi trường hợp ông lại dùng một phương pháp riêng biệt tùy theo trực giác của mỗi lúc vì tùy theo mỗi trực giác mà sự hữu kỳ diệu của Thiên chúa thể hiện ra mới mẻ qua những suy niệm thuần lý.

Theo ông hình như sự hữu của Thiên chúa còn bao hàm tất cả mọi thực tại trần gian này, đến nỗi với ông, suy niệm thuần lý là mở đường đưa tới những hiển nhiên trong thực nghiệm và ngược lại, những kiến thức thực nghiệm và toán học còn dẫn đến việc chiêm nghiệm Thiên chúa nữa. 

Tóm lại, tư tưởng của ông bao hàm được mọi sự. Nó yêu đương mọi vật nên nó mới gần gũi với mọi vật, nhưng đồng thời nó lại vượt lêntrên mọi vật. Nlur vậy, trần gian này cũng không bị bỏ rơi, mà chính nó lại còn hiện ra sáng ngời trong ánh sáng của Siêu việt thể, Đó là một Siêu hình học ngày nay không thể thay thế. Nó mang lại cho triết gia những giờ phút say sưa.

Với Luther thì khác hẳn, nhưng cũng cần phải biết ông. Tuy với tư cách một nhà thần học, ông khinh khi triết lý, coi triết lý là “gái điếm”, nhưng ông đã thực hiện được trong chính ông những tư tưởng hiện sinh căn bản, nếu không, triết lý ngày nay cũng không hình thành được. Thực vậy, ở đây thấy xuất hiện tính cách nghiêm nghị tột bậc của một đức tin say sưa đồng thời với một trí khôn suy lý nhưng cũng sẵn sàng dung hòa, và muốn đi tới tận những miền sâu, hung hăng khiêu chiến đến kỳ cùng, với nét mặt quả cảm sáng ngời kèm theo những nỗi tức giận như man rợ v.v…” Tất cả những yếu tố ấy làm cho việc học Luther trở thành một sự cần thiết và một nỗi băn khoăn cho ta.

Tóm lại, Luther đã khuấy động lên một bầu khí xa lạ và nguy hại cho triết lý.

Calvin có một lối tư tưởng rất quy củ và mạch lạc, một lập luận ăn khớp với nhau lạ thường và đi cho tới những kết luận kỳ cùng, một luận lý đanh thép, một thái độ tuyệt đối trung thành với những nguyên tắc đã nêu ra.

Nhưng về phương diện lý thuyết cũng như thực hành ông đã giữ một thái độ bất bao dungkhông hề nhún nhường, nên ông là địch thủ rùng rợn cho triết lý.

Nhưng chúng ta cũng nên nhìn thẳng mặt ông để nhìn nhận ra được trí óc ấy bất cứ ở đâu ta gặp trong trần gian này, tuy ta chỉ nhìn được trắc diện và lờ mờ thôi.

Tóm lại Calvin là hiện thân cho tinh thần bất bao dung của Kytô giáo. Đứng trước bất bao dung ấy chỉ còn có thể đối lập lại bằng muôn vàn bất bao dung khác.

Các triết gia cận đại

Nếu sánh với triết học thượng cổ và trung cổ thì triết học cận đại không có nhất trí.

Trái lại nó còn bị phân sáp thành những khuynh hướng rất khác biệt nhau và không liên hệ gì với nhau. Nó bao gồm nhiều hệ thống vĩ đại, mà không một hệ thống nào đã trỗi vượt hẳn. Nó rất phong phú, chứa đầy những thực tại cụ thể, không thấy những trừu tượng thuần lý như những lối tư tưởng táo bạo của những triết gia càn dỡ.

Luôn luôn nó muốn đi đôi với khoa học. Nó hiện ra khác nhau tùy theo mỗi nước nghĩa là nó đã được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như bằng tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, ngoại trừ những sáng tác viết bằng La-tinh vì còn theo tập truyền đặc biệt của Trung cổ.

Đó là những nét chung, bây giờ ta hãy xét từng thế kỷ một xem sao.

Ở thế kỷ 16 thấy nhan nhản những sáng tác rất hấp dẫn trực tiếp, độc đáo phi thường, nhưng mỗi sáng tác lại thuộc những loại dị biệt nhau.

Ngày nay chúng ra vẫn còn khai thác ở những nguồn suối ấy.

Về phương diện chính trị, Machiavel và Thomas More đã khai nguồn một tinh thần tự do táo bạo, nhờ đó con người ngày nay mới biết cách tra vấn những thực tại. Tuy hình thức của chúng đã thuộc về niên kỷ xa xưa, nhưng những sáng tác của họ ngày nay vẫn còn khêu gợi và thú vị hơn bao giờ hết.

Paracelse và Bochme dẫn ta vào thế giới mà ngày nay người ta gọi là thông thiên học, ái nhân học, ái thế học[2]. Thế giới ấy vừa chứa đầy ý nghĩa sâu xa, vừa đầy những mê tín, đấy thấu thị nhưng cũng đầy những mù quáng. Chúng vừa khêu gợi óc tưởng tượng, vừa đầy hình ảnh, vừa đẩy ta vào những đường lối bí ẩn. Trong những sáng tác của họ ta phải thấy một phần là cơ cấu suy lý nhưng lại có tính cách duy lý kỳ dị. Tuy nhiên, một phần lại để lóe sáng lên một biện chứng sâu xa, nhất là với Bochme.

Montaigne là hiện thân một con người độc lập hoàn toàn, và không còn thiết làm gì ở trần gian này nữa. Ở đây, trong các sáng tác của ông những đức tính như tự chủ và thưởng ngoạn, chân thành và thông minh, tự do biết hoài nghi và óc thực tiễn đã được diễn tả một cách mới mẻ hẳn. Sáng tác của ông rất hấp dẫn về phương diện triết lý phải nói rằng chúng mô tả rất hoàn toàn được một lối sống rất đặc biệt. Nhưng đồng thời chúng cũng làm tê liệt, vì đó là một hình thức tự mãn có thể làm ta lạc hướng nếu không có khích lệ nào khác.

Giordano Bruno lại đối nghịch. Ông là một triết gia phấn đấu không ngơi, và kiệt lực vì bất mãn. Nhưng ông cũng biết đâu là giới hạn và vẫn tin ở một thực thể tối cao, Quyển đối thoại của ông về những “Phẫn nộ anh hùng” (Eroici furori) là một quyển sách thiết yếu cho triết lý phấn khởi.

Bacon đã được coi là người sáng lập triết lý duy nghiệm và khoa học thực nghiệm. Nhưng người ta đã lầm về cả hai điểm:

Vì một đàng khoa học đích thực ngày nay tức là khoa vật lý toán học, Bacon đã không hiểu gì lúc ban đầu.

Và một đàng, khoa học này cũng không bao giờ được thiết lập theo những nguyên tắc mà ông đã hoạch định ra.

Với những sự phấn khởi đặc biệt của thời Phục hưng đối với những gì mới lạ, Bacon đã quan niệm kiến thức là một sức mạnh, và ông đã ca tụng khả năng bao la của kỹ thuật và đã tìm cách diệt hết những ảo tưởng, nhờ đó ta mới hiểu thực tại một cách hợp lý được.

Thế kỷ 17 đã xây dựng những hệ thống suy lý lớn cho triết lý. Thực vậy, những hệ thống đồ sộ đã được khai triển hợp với những quy luật của luận lý. Ở đây người ta có cảm tưởng như được hít khí trời trong lành (do lý trí mang lại) nhưng đồng thời những gì thuộc sức sống sung mãn linh động, và cả thế giới gồm những hình ảnh hữu hiệu đang bị đẩy lui vào bóng tối.

Lúc ấy khoa học đã chờ sẵn đó để làm mô phạm cho triết lý rồi.

Descartes là người sáng lập ra cái tân thế giới triết học ấy và bên cạnh ông còn phải kểHobbes nữa.

Lý thuyết của Descartes đã gây những ảnh hưởng rất tai hại, vì ông đã đẩy những ý niệm về khoa học và triết học vào những trệch hướng. Những hậu quả của những trệch hướng này rất trầm trọng và càng trầm trọng hơn nữa, vì sự sai lầm nền tảng của ông vẫn còn có thể tái diễn mãi. Bởi vậy ngày nay còn phải học ông, nhưng là để biết đường nào mà tránh.

Hobbes đã phác họa ra một hệ thống về hữu, nhưng giá trị của ông không phải ở đó mà là vì học thuyết ấy rất nhất trí, nó đã làm nổi bật bên trong cơ cấu của thực tại được những đường nét rất rõ rệt xưa nay chưa từng thấy và những đường nét ấy vẫn luôn luôn còn giá trị.

Spinoza là một nhà siêu hình. Nhờ những ý niệm cổ truyền và học thuyết của Descartes, ông đã để biểu lộ một Niềm tin triết lý mà cảm hứng siêu hình của nó rất độc đáo và do đó nó là đặc điểm của riêng ông. Bởi vậy, chỉ có mình ông ngày nay còn được một cộng đồng triết lý vẫn nại đến tên ông.

Pascai cương nghị phản đối những ai muốn suy tôn khoa học và óc hệ thống như những tuyệt đối. Nhưng tư tưởng của ông cũng vẫn chi phối được hai lĩnh vực ấy, với một tính cách chính xác ngang nhau, nhưng lại cẩn thận và sâu xa hơn.

Leibniz, cũng uyên bác như Aristote, nhưng phong phú về nội dung và sáng tạo hơn tất cả những triết gia của thế kỷ ấy, ông đã không biết mệt mỏi, luôn luôn minh mẫn, ông đã thiết lập một nền Siêu hình học, nhưng ở đó thiếu một nét nhân bản đáng ra phải có cho tất cả nền siêu hình ấy.

Thế kỷ 18 đã sản xuất ra lần đầu tiên một trào lưu văn chương triết lý rất rộng dành cho công chúng. Đó là thế kỷ Triết lý Ánh sáng.

Bên Anh-quốc, Locke là đại diện đầu tiên của phong trào Ánh sáng. Chính ông đã mang lại những căn bản thiêng liêng cả về phương diện cho xã hội Anh khi nó vừa thoát cuộc cách mạng 1688.

Hume là một nhà phân tích lỗi lạc; lối suy luận của ông rất buồn tẻ nhưng với ta nó vẫn giữ được giá trị đặc biệt. Chủ trương hoài nghi của ông vừa đanh thép vừa thành thực như một đức can đảm. Khi đi tới kỳ cùng, ông vẫn dám nhìn thẳng vào những gì không quan niệm nổi, mà không sao nói ra được.

Bên Pháp cũng như bên Anh đã có những châm ngôn và sơ luận của văn sĩ là những người hiểu đời, biết người, thường gọi là các nhà “Luân lý học”. Lối am hiểu tâm lý của họ còn đồng thời muốn khởi xướng lên một lập trường triết lý.

Thế kỷ 17, La Rochefoucauld và La Bruyère đã sáng tác ở đền vua.

Thế kỷ 18 có Vauyenangaes và Chamfort.Schaftesbury là một triết gia dạy nhìn đời bằng một thái độ triết lý vô vị lợi.

Bên Đức xuất hiện một triết lý đồ sộ. Với một khả năng hệ thống và một trí óc mở rộng ra với những gì sâu xa, lạ kỳ nhất. Nhờ tư tưởng triết lý này mà đã suy diễn ra được vô số tư tưởng khác. Ngày nay những tư tưởng phong phú ấy còn là nền tảng cần thiết và là phương pháp đào tạo can hệ cho những ai muốn suy nghĩ đứng đắn về phương diện triết lý. Đó làKantFichteHegelSchelling.

Với ta, Kant là hiện thân cho:

- một bước tiến quyết liệt trong ý thức về sự hữu;

- một tư tưởng khúc chiết muốn siêu vượt;

- một sự sáng sủa phóng trên những chiều kích sâu xa của sự hữu;

- ý thức đạo đức phát nguyên từ sự khiếm khuyết căn bản của ta;

- một trí óc mở rộng ra với những chân trời bao la và đúc kết với một ý thức nhân loại - và một sự sáng sủa nơi cả lý trí như Lessing nữa.

Nói tóm, Kant thực là một vĩ nhân đáng khâm phục.

Fichte là một bộ óc suy lý căng thẳng đến độ quay cuồng với những cố gắng bạo động để vươn tới cả những gì không thể. Ông là một người xây dựng hệ thống đại tài, và một nhà đạo đức bi thảm. Ông đã gieo những ảnh hưởng khốc hại trong việc đẩy đến những thái cực và bất bao dung.

Hegel đã làm chủ và suy diễn được tư tưởng biện chứng dưới mọi chiều hướng; nhờ tư tưởng, ông đã ý thức được mọi loại giá trị khác nhau. Ông đã ôn lại dĩ vãng nhưng nhờ chúng mà toàn cả dĩ vãng của Âu châu đã được linh động hóa.

Schelling đào xới tận những thực thể cuối cùng mà không biết mệt mỏi. Ông đã phanh phui được những bí nhiệm kỳ lạ, Nhưng ông đã thất bại trong việc xây dựng hệ thống mà chỉ mở ra được những hướng đi mới mẻ.

Thế kỷ 19 là thế kỷ chuyển tiếp, sa sút, và ý thức về sự sa sút, nhưng cũng là thế kỷ thâu lượm được rất nhiều kiến thức và viễn tượng khoa học bao la. Sức mạnh triết lý đang suy giảm đi nơi chính những người dạy triết. Thay vào đó được truyền bá những hệ thống vô hồn, vô căn cứ và vô giá trị. Rồi một lối dạy lịch sử triết lý chú trọng đến tất cả những khía cạnh tỉ mỉ của sử liệu khách quan lần đầu tiên được đem ra dạy thay thế cho chính triết lý.

Trái lại, chính triết lý đích thực lại ẩn nấp nơi những con người ngoại lệ mà người đồng thời ít ai nghe biết được và ẩn nấp trong khoa học nữa.

Triết học của Giáo sư Đức là một triết học rất bổ ích, một triết được dạy một cách cẩn thận và sùng mộ. Địa hạt hoạt động của nó rất rộng rãi. Nhưng nó đã không sống bằng sinh khí đặc biệt do thân phận con người cung cấp mà lại sống bằng bầu khí của trường ốc, của văn hóa trưởng giả với tất cả những giá trị của nó cùng với sự đứng đắn đầy thiện chí và cả những giới hạn của nó nữa.

Tiếp đến những triết gia độc đáo của thế kỷ là Kierkegaard và Nietzsche. Cả hai không đề xướng lên hệ thống, cả hai đều là những con người ngoại lệ và là nạn nhân. Họ ý thức về tai họa hòng xảy tới, họ phát biểu những chân lý kinh hoàng chưa từng nghe, mà họ không chỉ đường phải theo. Trong các sáng tác của họ, hiện tình của thời đại được đem ra phê bình rất gắt gao chưa bao giờ thấy trong lịch sử loài người.

Với Kierkegaard, được đề cao những hình thức hoạt động nội tâm, hay nghiêm nghị suy tư để tự mình quyết định; và với ông những gì khô cứng ứ đọng, nhất là như trong những cơ cấu khô khan của tư tưởng Hegel, đều phải trở nên lưu động cả.

Kytô giáo của ông là một tôn giáo hăng nồng như vũ bão.

Với Nietzsche, được nêu lên sự suy niệm không cùng, dò la và thắc mắc liên miên, mọi phương hướng; ông đào bới mọi nơi mà ra như không gặp đâu được vị trí vững chãi, trái lại chỉ toàn gặp những điều phi lý mới khác.

Thái độ chống Ky tô giáo của ông cũng hăng nồng như vũ bão.

Tiếp đến các khoa học hiện đại lại sản ra một thái độ triết lý mới mẻ hẳn, nhưng không phải theo những hậu quả tất nhiên kỳ cùng của chúng mà lại đầu thai vào những nhân vật biệt lập, rất đông đảo, ví dụ:

Triết học chánh trị và xã hội: nhờ việc khảo cứu Cựu chế (Ancien Régime), cuộc Cách mạng Pháp và Hợp chủng quốc, theo phương pháp xã hội học, Tocqueville đã tìm cách giảng nghĩa bước tiến dân chủ của thời đại ta.

Với một tinh thần chuộng tự do một ý thức về phẩm giá con người và về quyền bính, ông đã biết thắc mắc một cách rất thực tế về những gì không thể tránh và những gì có thể làm được.

Lorenz von Stein đã diễn tả được những biến cố tiếp diễn xảy ra cho tới giữa thế kỷ 19, kể từ những hoạt động và tư tưởng chính trị của người Pháp từ năm 1780 nhờ ở việc nhấn mạnh về những liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền và xã hội. Ông chú ý tới vấn đề chính yếu cho số mệnh của Âu châu.

Marx đã biết xử dụng những kiến thức trên và quảng diễn chúng thành cơ cấu trên bình diện kinh tế; rồi ông đã thổi vào đó một luồng gió căm thù đối với hiện trạng của xã hội bấy giờ, và gieo sinh khí thêm cho những điều ông nói, nhờ ở sự hứa hẹn sẽ xây lập một thiên đàng ở trần gian này. Ông đã muốn nhóm lên trước mắt các người vô sản rải rác khắp nơi, đang bị bóc lột và thất vọng, một tia sáng hy vọng để đoàn kết họ lại và tổ chức thành một sức mạnh vô địch. Nhờ đó sức mạnh ấy có thể thay đổi được tất cả những điều kiện kinh tế xã hội và chính trị của đời sống, để xây dựng một thế giới mới công bình và tự do cho mọi người.

Triết học Sử quanRanke đã khai triển ra được những phương pháp sử học và phê bình. Nhờ đó đã sản ra được một quan niệm về Lịch sử thế giới bao la như tắm trong ánh sáng triết lý của Hegel và của Goethe. Và tuy như muốn phủ nhận mọi thứ triết lý, nhưng quan niệm lịch sử này lại cũng đã là một triết lý rồi vậy.

J.Burckhardt tự nhận mình có sứ mệnh bảo vệ nền văn hóa cổ xưa của lịch sử. Ông đã trình bày tính cách vĩ đại và những ích lợi của truyền thống ấy. Nhưng những lời phê bình của ông đã phát xuất do một thái độ bi quan đến kỳ cùng, vì theo quan niệm ấy, hiện giờ chúng ta đang sống vào một thời đại mãn đời rồi; nên ở đây không còn gì là cao đẹp, chỉ còn lại toàn những kỷ niệm của dĩ vãng.

Max Weber đã uốn nắn lại tất cả những khuôn khổ bằng mọi phương pháp, ông khảo sát lại lịch sử theo thực tại thực nghiệm của nó; rồi thiết định lại những liên hệ giữa các biến cố lịch sử một cách đích xác. Đứng trước sự đích xác đó, phần nhiều những tác phẩm về Sử đi trước không còn gì xuất sắc cả và lại còn thiếu sót nữa, vì chúng đã dùng những phạm trù không đích xác. Ông còn khảo sát cả những liên hệ biện chứng giữa những giá trị và tri thức. Sau cùng nhờ việc phê bình đứng đắn, không chấp nhận gì nửa vời, cũng không chấp nhận một toàn diện nào cả, ông đã trả về cho kiến thức đích thực giá trị đúng của nó. Nhờ vậy mà ông đã mở ra được một chân trời bao la cần thiết có thể dung nạp được mọi khả thể.

Triết học Thiên nhiên: dựa trên nền tảng của lối khảo cứu khoa học, K.v.Baer đã khai triển được một quan niệm rộng rãi về sự sống sinh vật và những đặc tính cốt yếu của nó.

Đối lập lại, Darwin đã cố trình bày sự sống sinh vật có liên hệ với nhau bằng những tương quan nhân quả. Nhưng với quan niệm máy móc ấy, tựu trung ông đã phá hủy chính quan niệm linh động của sự sống sinh lý đích thực.

Triết học Tâm lýFechner đã sáng nghĩ ra một phương pháp thực nghiệm, để khảo cứu những liên hệ giữa sinh lý và tâm lý trạng trong phạm vi cảm giác (tâm sinh lý song hành); đàng khác, theo ông, ngành khoa học này xuất hiện như thuộc về một quan niệm mà ông trình bày theo khái niệm trừu tượng; và theo học thuyết này, tất cả mọi sinh vật kể cả vô linh vật đều có linh hồn cả.

Nhưng thực sự học thuyết ấy mơ hồ!

Freud lại truyền bá một tâm lý học, nhờ đó khám phá ra được Vô thức. Nhưng thứ Tâm lý học này lại là một bản sao lại những quan niệm triết lý cao quý của Kierkegaard và Nietzsche, nhưng Freud đã ghép vào đó một ý nghĩa tầm thường, duy vật và sa đọa.

Một quan niệm như thế, bề ngoài xem ra thân cận với con người, nhưng thực sự lại thù ghét làm khô cứng con người. Nó chỉ thích hợp cho một thời đại mà nó đã thẳng thắn phanh phui những trá hình đê tiện. Nhưng Freud đã lầm ở chỗ đã muốn coi cái thế giới (đặc thù của thời đại ấy) như là thế giới chung cho mọi thời đại và mọi người.

BẢNG KÊ DANH SÁCH II.

TRUNG HOA VÀ ẤN ĐỘ

Triết học Trung hoa:

Lão tử (thế kỷ 6 trước t.l.); Khổng tử (thế kỷ 6 trước t.l.);

Mặc tử (bán thế kỷ 5 trước t.l.); Trang tử(thế kỷ 4 trước t.l.)

Triết học Ấn độ:

Kinh Upanisads (phỏng năm 1.000-400 trước t.l.); Bản văn kinh điển bằng Pali của Phật học.

Bhagavadgita, v.v…; Arthahastra củaKautilya.

Chankara (thế kỷ 9 sau t.l.)

Nhờ những Bản dịch và chú giải, ngày nay ta đã có thể học được triết lý Trung hoa và Ấn độ. Nhưng nói một cách tổng quát, nếu sánh với triết học Tây phương, thì những triết lý ấy không dồi dào và cũng không phong phú bằng. Vì với ta (người Âu châu), triết lý Tây phương vẫn là chính yếu. Nhưng nếu nói rằng: ta chỉ có thể hiểu triết lý Đông phương là nhờ ở triết lý của ta mà không cần tới triết lý Đông Phương, thì quá đáng. Vậy phải nói rằng: phần nhiều những giải thích của người Âu châu đã dùng những phạm trù của Tây phương đến nỗi ta có thể cảm thấy sự xuyên tạc, cho dù ta không hiểu được những ngôn ngữ Đông phương.

Trên kia chúng ta đã phác họa một sơ đồ song song về ba trào lưu triết lý ở Trung Hoa, Ấn Độ và Âu châu, nhưng đó chỉ một là sự kiện lịch sử thuần túy. Nên không được lầm tưởng rằng: cả ba đều có một tầm quan trọng ngang nhau.

Đối với ta không phải như thế!

Tuy tư tưởng Đông phương có mang lại cho ta những nhãn giới bất khả thay thế, nhưng không vì thế được quên rằng: tất cả những ý tưởng phong phú, dồi dào hiện còn khích lệ ta vẫn do tư tưởng Tây phương cả. Vì chỉ có ở đây mới có được những phân biệt khúc chiết và minh bạch, những vấn đề thiết định rõ rệt, những liên hệ với các khoa học, những cuộc tranh luận dám đi tới những tiểu tiết chi ly, những chuỗi lập luận “tràng giang”.

Nói tóm, tất cả những gì thiết yếu giúp ta tư tưởng đều do Tây phương mang lại cả.

BẢNG KÊ DANH SÁCH III

Triết lý ngầm chứa trong Tôn giáoThi ca và Nghệ thuật

Tôn giáo: Kinh thánh. Những Bản văn sưu tập lại trong những thủ bản về lịch sử các tôn giáo.

Thi ca: Homère- Eschyle; Sophocle; Euripide-Dante-Shakespeare-Goethe-Dostoievski.

Nghệ thuật: Léonard de Vinci-Michel-Ange; Rembrandt.

Muốn thấu triệt được những cảm hứng triết lý qua dòng lịch sử, nếu chỉ đọc duy có các triết gia theo nghĩa hẹp mà thôi thì chưa đủ. Ngoài ra còn phải múc nguồn cảm hứng trong các sáng tác cao cả của Tôn giáo, của Thi ca và của Nghệ thuật nữa, nếu muốn hiểu rõ tiến triển của khoa học.

Nhưng không phải tìm thay đổi với nhiều mới lạ, mà chỉ nên lưu luyến với những gì cao cả và luôn luôn trở về đấy mà thôi.

V. Mấy tác phẩm lớn

Trong triết học cũng có mấy tác phẩm lớn, chứa đựng một nguồn tư tưởng vô tận cũng bằng những sáng tác trong nghệ thuật. Lắm khi những tư tưởng ấy còn phong phú hơn tác giả tưởng. Vì bất cứ tư tưởng sâu xa nào cũng đều ngầm chứa những kết quả mà chính nhà tư tưởng cũng không nhận ra ngay được.

Nhưng trong những triết lý lớn, chính toàn cục của nó mới bao chứa trong nó những giá trị vô hạn. Đó là sự đồng ý kỳ diệu, mặc dầu muôn vàn hạn từ mâu thuẫn, đến nỗi chính những mâu thuẫn lại trở thành biểu thị cho chân lý.

Đó là sự Liên hệ mật thiết giữa các tư tưởng với nhau, là những tư tưởng nhờ sức sáng sủa của những bình diện trên bề mặt mà soi xuống tận được những miền sâu khôn lường.

Đó là những sáng tác vĩ đại đẹp như ảo thuật. Với những sáng tác này càng kiên nhẫn khảo cứu bao nhiêu thì càng hiểu chúng hơn bấy nhiêu.

Đó là những tác phẩm lớn như của Platon, của Kant, và quyển “Hiện tượng luận Tinh thần” của Hegel.

Nhưng mỗi tác phẩm ấy lại rất khác nhau:

- với Platon, hiện ra một hình thức diễn tả tư tưởng rất quân bình, với ý thức sáng sủa, hoàn hảo và lối dùng phương pháp rất sáng suốt. Hơn nữa, ông đã biết dùng cả nghệ thuật để diễn tả những chân lý triết lý, nhưng không vì vậy mà tư tưởng ông thiếu đích xác và những đường nét nổi nang.

- với Kant lại thấy thể hiện một thái độ chân thành hoàn hảo nhất; và mỗi câu nói ở đây đều đanh thép và sáng sủa đẹp đẽ nhất.

Nhưng Hegel lại không cẩn thận như vậy, ông thường ưa những gì dễ dãi; nên mỗi khi gặp những gì nan giải, ông làm như “mèo chạy trên tro nóng”.

Nhưng với ông lại thấy những nội dung tư tưởng phong phú, một sức sáng tạo mạnh mẽ biểu thị một sự thâm thúy trong việc tìm ra ý tưởng, nhưng sức mạnh sáng tạo ấy lại không được hiện thân ra trong chính cố gắng triết lý của ông.

Trái lại, cố gắng triết lý của ông thường bao hàm đầy bạo lực và sai lầm. Nó thiên về một thứ Kinh viện khô khan, về một sơ đồ võ đoán như tín điều và chú trọng tới thưởng ngoạn suông.

Các triết gia thường rất chênh lệch về trình độ giá trị và rất khác nhau.

Số mệnh triết lý tương lai của một người là do ở đại triết gia nào mà họ đã khảo cứu lúc thiếu thời và đã tín nhiệm.

Có thể nói những sáng tác lớn đã gồm chứa được mọi sự. Vì chỉ duy có một đại tư tưởng gia cũng đủ giúp ta dật được toàn cả lĩnh vực triết lý rồi. Và một khi thấu triệt được sáng tác của một cuộc đời, ra như người ta cảm thấy được đặt vào trung tâm đầy ánh sáng có thể soi sáng được mọi sự và muôn tia sáng đều đồ dồn về đó cả… Nên chỉ khảo sát một mình sáng tác ấy thì đã mặc nhiên gồm tất cả những sáng tác khác rồi. Nếu làm thân với nó, người ta sẽ được hướng dẫn trong việc học toàn diện lịch sử triết lý, hay ít ra người ta cũng học hỏi được nhiều điều, người ta có cảm tưởng như đứng trước những trích dẫn ở chính nguyên tác và người ta còn linh cảm thấy những gì còn phải khám phá thêm nữa.

Nói tóm, khi học tường tận và hạn hẹp một thực tại triết lý nào rồi thì từ đó người ta đã có thể tự mình phê bình về trình độ kiến thức người ta có đối với những hệ thống triết lý mà họ chỉ khảo sát một cách gián tiếp.

Có lẽ các bạn thanh niên mong rằng: tôi nhắn nhủ một ít lời về việc chọn một triết gia. Nhưng thực ra việc đó là việc mỗi người phải tự làm. Người ngoài chỉ có thể chỉ dẫn một ít điều và lưu ý họ thôi. Sự lựa chọn này là một quyết định thiết yếu. Nhưng người ta chỉ có thể quyết định một quyết định như thế sau rất nhiều dò dẫm. Và quyết định ấy sau một ít năm còn có mở rộng.

Tuy nhiên một ít lời nhắn nhủ cũng vẫn còn giá trị.

Thường thường xưa rầy người ta vẫn nói rằng: phải học Platon và Kant và như thế là đã tìm được cốt yếu rồi vậy. Tôi cũng đồng ý thế.

Đọc một tác giả đến say mê rồi bị lôi cuốn như khi đọc Schopenhauer hay Nietzsche, thì không còn phải là lựa chọn. Vì lựa chọn nghĩa là phải khảo cứu bằng mọi phương pháp có thể có. Đồng thời cũng có nghĩa là nhờ hình ảnh một đại triết gia nào đó trong lịch sử triết học mà người ta có thể nhìn được toàn diện lịch sử ấy. Một công cuộc khảo cứu nào bất cứ, nếu không đạt được kết quả như vậy, phải được coi là một việc lựa chọn không thành công, tuy nhiên bất cứ công cuộc khảo cứu đứng đắn nào rồi cũng đi tới được kết quả của nó.

Nhưng chọn một đại triết gia để khảo cứu những sáng tác của ông không thiết yếu có nghĩa là chỉ hạn hẹp vào có mình ông.

Trái lại, trên đường tiến phải rất sớm khám phá ra ngay được những gì đối lập nhất đối với đại triết gia ấy. Vì nếu chỉ hạn hẹp vào có một ông, cho dù ông ấy có là một tư tưởng gia tự do nhất, cũng là tự giam hãm mình rồi. Vì trong triết lý, không thể nói đến chuyện thần hóa một người, rồi tôn họ lên làm một nhân vật độc tôn hay chỉ biết duy có một ông thầy.

Nói tóm, ý nghĩa đích thực của mọi cốgắng triết lý là phải cởi mở ra với toàn diện chân lý, chứ không phải thứ chân lý đồng loạt, trừu tượng theo tính cách tổng quát của nó, mà là với chân lý đã được hiện thân ra đây đó trong những sáng tác cao cả nhất.

 



[1]  Mười hai bài diễn thuyết được xuất bản ở đây là do đài phát thanh Bale (Thụy sĩ) yêu cầu tôi. | Trước hết, đây là nhan đề mấy cuốn sách đại cương của tôi về triết học: Philosophie (Triết học) 3 cuốn, x.b lần 2, 1948 Springer Heidelberg-Berlin; Von der Wahrheit (Bàn về chân lý), 1948, R. Piper, Munich. | Tiếp đến mấy quyển nhỏ hơn quảng diễn thêm nội dung của những bài diễn văn nói trên: Der philosophische Glaube (Niềm tin triết lý) R. Piper, Munich; và Artèmit, Zuzich, 1948; Vernunft und Existen (Lý tính và hiện sinh), X.b. lần 2, Storm, Brême, 1947; Philosophie und Wissenschaft (Triết học và khoa học) Artèmit, Zuzich, 1948. | Để hiểu tinh thần triết lý của thời đại: Die geistige Siluation der Zeil (Hiện trạng tinh thần thời đại), W.de Gruyter và Cie. Berlin, x.b. lần 7, 1949; Ursprung und Ziel der Geschichte (Nguồn gốc và ý hướng của lịch-sử). Artémis, Zurich, 1949; R.Piper, Munich, 1949. | Để biết giảng nghĩa các triết gia: Descartes und die Philosophie (Descartes với triết lý), W.de Gruyter, Berlin, X.b. lần 3, 1949; Nietzsche, W. de Gruyter, Berlin, X.B lần 3, 1949, đã dịch ra Pháp văn do P.Niel, Gallimard, Paris. 1950; Nietzche und das Christentum, (Nietzsche với Kytô giáo), Bucherstube Seifer, 1946; đã dịch ra Pháp văn do Jeanne Hersch, de Minuit, Paris, 1949; Max Weber, X. b. lần 2, Storm, Brême, 1947. | Những khảo cứu triết lý có thể dung hòa với đường hướng của khoa học như thế nào? Allgemeine Pssychopathologie ( Tâm trị học tổng quát) x. b. lần 5, Springer. 1947; Strindeberg und Van Gogh, x. b. lần 3, Storm, Brême, 1949.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt