Siêu hình học

Thuyết duy tâm siêu nghiệm như là chìa khóa để giải quyết biện chứng vũ trụ học

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

1 2 3 4 5 6 7 8 9 9.I 9.II 9.II 9.IV 10  

 

TIẾT 6

THUYẾT DUY TÂM SIÊU NGHIỆM NHƯ LÀ CHÌA KHÓA

ĐỂ GIẢI QUYẾT BIỆN CHỨNG VŨ TRỤ HỌC

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


 

Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004, tr. 808-815. | PhIên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự đồng ý của dịch giả.


 

Trong phần Cảm năng học siêu nghiệm, ta đã chứng minh đầy đủ rằng tất cả những gì được trực quan trong không gian hay thời gian,- tức mọi đối tượng của một kinh nghiệm khả hữu cho ta,- đều không gì khác hơn là những hiện tượng, nghĩa là những biểu tượng đơn thuần. | Những biểu tượng ấy - được ta hình dung như những vật thể có quảng tính hay như những chuỗi của những sự biến đổi - không thể có sự tồn tại độc lập, tự tại ở bên ngoài những tư tưởng của ta. Tôi gọi lập trường đó là thuyết DUY TÂM SIÊU NGHIỆM[1]. Còn các nhà theo thuyết Duy Thực (Realismus) - cũng theo nghĩa siêu nghiệm - thì lại xem những sự điều chỉnh [biến thái] (Modifikationen) này của cảm năng ta là những sự vật tự tồn (an sich subsistierende Dinge), tức là biến những biểu tượng đơn thuần thành những vật-tự thân.

Thật là bất công khi tố cáo rằng chúng tôi đã phục hồi lại thuyết duy tâm thường nghiệm nhiều tai tiếng; đây là học thuyết thừa nhận tính thực tại riêng của không gian, nhưng lại phủ nhận,- hoặc ít nhất là nghi ngờ - sự tồn tại của những vật thể có quảng tính ở ngay trong không gian, do đó không mang lại cho ta tiêu chuẩn đầy đủ để phân biệt giữa thực tại và mộng tưởng. Những người ủng hộ học thuyết này không thấy khó khăn gì để thừa nhận những hiện tượng của giác quan bên trong như là những sự vật hiện thực, thậm chí còn cho rằng chính kinh nghiệm bên trong này mới là cái duy nhất chứng minh đầy đủ cho sự tồn tại hiện thực của đối tượng của nó như là những vật-tự thân (với tất cả tính quy định thời gian này).

Ngược lại, thuyết duy tâm siêu nghiệm* của tôi thì cho rằng những đối tượng của trực quan bên ngoài - như được trực quan trong không gian -, và mọi biến đổi trong thời gian - như được hình dung trong giác quan bên trong - đều là hiện thực cả. Bởi vì, không gian vốn là một mô thức của trực quan mà ta gọi là bên ngoài, nên nếu không có đối tượng trong không gian, cũng sẽ không có biểu tượng thường nghiệm nào được mang lại cho ta, do đó, ta có thể và phải xem những vật thể có quảng tính trong không gian là có thực và tình hình cũng như thế với những biểu tượng trong thời gian.

Vả chăng, bản thân không gian, thời gian và đồng thời với hai cái này là tất cả mọi hiện tượng [ở bên trong chúng] đều không phải là những vật-tự thân, mà không gì khác hơn là những biểu tượng của ta và không thể tồn tại bên ngoài tâm thức ta. | Hơn nữa, bản thân trực quan bên trong và cảm tính của tâm thức (như là đối tượng của ý thức) mà sự xác định của nó được hình dung bằng sự tiếp diễn của những trạng thái khác nhau trong thời gian, cũng không phải là cái bản ngã thực sự như nó tồn tại tự thân hay là cái chủ thể siêu nghiệm - mà trái lại chỉ là một hiện tượng được mang lại cho cảm năng về cái vật [tự thân] này mà ta không biết (dieses unbekannten Wesens). Sự tồn tại của hiện tượng bên trong này - như là sự tồn tại của một vật-tự thân - là điều không thể chấp nhận được, vì điều kiện [tồn tại] của nó là thời gian, và thời gian vốn không thể là điều kiện của một vật-tự thân được. Nhưng, chân lý thường nghiệm của những hiện tượng trong không gian và thời gian vẫn được bảo đảm đầy đủ, phân biệt hẳn khỏi sự thân thuộc với giấc mơ - dù cả hai loại đều được nối kết một cách đúng đắn và trọn vẹn trong kinh nghiệm tuân theo những quy luật thường nghiệm.

Vậy, những đối tượng của kinh nghiệm không bao giờ là những vật-tự thân, trái lại chỉ là những gì được mang lại trong kinh nghiệm và không thể tồn tại bên ngoài [độc lập với] kinh nghiệm. Bảo rằng có thể có những cư dân trên mặt trăng - dù chưa ai trong chúng ta nhìn thấy -, là điều phải được chấp nhận, nhưng chỉ có nghĩa ở trong tiến trình khả hữu của kinh nghiệm, chúng ta có thể gặp được họ trong một thời gian tương lai nào đó, vì lẽ, bất cứ điều gì nằm trong một toàn cảnh (Kontext) với một tri giác của ta theo đúng các quy luật của sự phát triển thường nghiệm, đều là hiện thực. Trong trường hợp đó, chúng là hiện thực, nếu ở trong một sự nối kết thường nghiệm với ý thức hiện thực của ta, dù chúng không vì thế mà hiện thực theo nghĩa tự-thân, tức là nằm bên ngoài sự tiến lên này của kinh nghiệm.

Không có gì được mang lại một cách hiện thực cho ta ngoài tri giác và sự tiến triển thường nghiệm từ tri giác này đến các tri giác có thể có khác. Vì, những hiện tượng tự chúng - với tư cách là những biểu tượng đơn thuần - chỉ là hiện thực ở trong tri giác; còn tri giác thực ra không gì khác hơn là tính thực tại của một biểu tượng thường nghiệm, tức là hiện tượng. Do đó, gọi một hiện tượng là một sự vật hiện thực trước khi tri giác nó, chỉ có nghĩa là hoặc ta phải gặp hiện tượng đó trong tiến trình của kinh nghiệm hoặc chẳng có ý nghĩa gì hết. Vì chỉ đối với vật-tự thân, ta mới có thể nói nó tồn tại mà không cần có quan hệ nào với giác quan và kinh nghiệm. Còn ở đây ta chỉ nói về một hiện tượng trong không gian và thời gian, cả hai không phải là những quy định của vật-tự thân mà chỉ là của cảm năng chúng ta thôi, cho nên cái gì ở trong chúng (những hiện tượng) đều không phải là cái gì tự thân mà chỉ là những biểu tượng đơn thuần, tức những cái nếu không được mang lại ở trong ta (trong tri giác) thì sẽ không tìm gặp được ở đâu cả.

Quan năng trực quan cảm tính thực sự chỉ là một sự thụ nhận - tức có thể được những biểu tượng kích động bằng cách nào đó; và quan hệ giữa những biểu tượng với nhau là trực quan thuần túy của không gian và thời gian (- toàn là các mô thức thuần túy của cảm năng). | Những biểu tượng này, trong chừng mực chúng được nối kết và có thể được quy định (bestimmbar) trong mối quan hệ này (với không gian và thời gian) đúng theo những quy luật của sự thống nhất của kinh nghiệm, gọi là những đối tượng [cho ta] (Gegenstände) Còn nguyên nhân phi cảm tính [khả niệm] của những biểu tượng này thì ta hoàn toàn không biết được, và vì thế ta không thể trực quan chúng như là đối tượng (Object)**, vì một đối tượng như thế không được hình dung trong không gian lẫn trong thời gian (như là các điều kiện đơn thuần của biểu tượng cảm tính), và không có các điều kiện ấy, ta không thể suy tưởng về một trực quan nào được cả. Đồng thời, ta có thể gọi nguyên nhân đơn thuần khả niệm (intelligibele Ursache) của những hiện tượng nói chung là ĐỐI TƯỢNG SIÊU NGHIỆM (das transzenden-tale Objekt) nhưng chỉ để ta có một cái gì tương ứng với cảm năng vốn như là một tính thụ nhận [một cái đối ứng - Correlatum - tinh thần]. Ta có thể gán cho đối tượng siêu nghiệm này toàn bộ phạm vi và toàn bộ sự nối kết của những tri giác có thể có của ta, và nói rằng: nó được mang lại một cách tự thân trước mọi kinh nghiệm. Thế nhưng, những hiện tượng tương ứng với đối tượng siêu nghiệm ấy lại không thể được mang lại cho ta một cách tự thân mà chỉ ở trong kinh nghiệm này mà thôi, bởi chúng chỉ là những biểu tượng đơn thuần, và những biểu tượng này sở dĩ có nghĩa là một đối tượng (Gegenstand) hiện thực chỉ như là những tri giác, đó là khi tri giác này nối kết với mọi tri giác khác đúng theo các quy luật của sự thống nhất của kinh nghiệm. Như thế, người ta có thể nói: Những sự vật hiện thực trong thời gian đã qua đều được mang lại trong đối tượng siêu nghiệm của kinh nghiệm; nhưng chúng chỉ là những đối tượng cho tôi và là hiện thực trong thời gian quá khứ, trong chừng mực tôi hình dung [bằng những biểu tượng trong tâm thức] một chuỗi quy thoái của những tri giác có thể có (dù là dựa vào manh mối của lịch sử hay dò theo các mối quan hệ của những nguyên nhân và những kết quả) theo những quy luật thường nghiệm; nói gọn lại, dòng chảy của thế giới (Weltlauf) dẫn ta đến một chuỗi thời gian đã trôi qua như là điều kiện của thời gian hiện tại. | Vậy trong trường hợp này, chuỗi thời gian quá khứ chỉ được hình dung như là hiện thực trong sự nối kết của một kinh nghiệm khả hữu chứ không phải như là hiện thực tự-thân, khiến cho tất cả mọi sự kiện đã trôi qua trong thời gian vô lượng trước sự tồn tại của tôi không có ý nghĩa gì khác hơn là khả thể của việc kéo dài chuỗi kinh nghiệm bắt đầu từ tri giác hiện tại đi ngược lên những điều kiện quy định tri giác này về mặt thời gian.

Theo đó, nếu tôi hình dung mọi đối tượng của giác quan tồn tại trong mọi thời gian và trong mọi không gian, tôi không đặt chúng trong không gian và thời gian có trước kinh nghiệm; ngược lại, biểu tượng ấy không gì khác hơn là ý tưởng về một kinh nghiệm khả hữu trong tính hoàn chỉnh [trọn vẹn] tuyệt đối. Như thế, chỉ ở trong kinh nghiệm, những đối tượng ấy (không gì khác hơn là những biểu tượng đơn thuần) mới có thể được mang lại. Khi người ta nói, chúng đã tồn tại trước mọi kinh nghiệm của tôi, điều này chỉ có nghĩa là chúng sẽ phải được bắt gặp trong một bộ phận của kinh nghiệm mà khởi đi từ tri giác [hiện tại], tôi phải tiến lên cho tới bộ phận ấy. Nguyên nhân của những điều kiện thường nghiệm của sự tiến lên này, do đó, đến những mắt xích nào [tôi phải dừng lại] hay phải quy thoái (Regressus) đến đâu để tôi gặp được nó, là có tính siêu nghiệm và vì thế tất nhiên không biết được đối với ta. Nhưng ở đây không liên quan gì đến việc ấy mà chỉ nói về quy luật của sự tiến lên của kinh nghiệm, trong đó những đối tượng, tức là những hiện tượng, được mang lại cho tôi. Kết quả sẽ hoàn toàn như nhau, nếu tôi nói, trong tiến trình thường nghiệm, trong không gian, tôi sẽ gặp được những ngôi sao cách xa hàng trăm lần so với những ngôi sao xa nhất mà tôi thấy; hoặc bảo rằng có thể bắt gặp được chúng trong không gian vũ trụ cho dù không bao giờ một ai đã hoặc sẽ tri giác được chúng; bởi vì nếu chúng được mang lại ngay như là những vật-tự thân, không có quan hệ nào với kinh nghiệm khả hữu, chúng không là cái gì cả cho tôi, do đó không phải là những đối tượng, ngoại trừ trong chừng mực chúng được chứa đựng trong chuỗi của sự quy thoái kinh nghiệm. Chỉ trong mối quan hệ xa lạ [từ nơi khác] khi chính những hiện tượng này lại được sử dụng để trở thành ý niệm vũ trụ học về một cái toàn bộ tuyệt đối, và, khi nó liên quan đến một câu hỏi đi ra ngoài ranh giới của kinh nghiệm khả hữu, thì sự phân biệt về phương cách làm thế nào người ta nắm được tính thực tại của những đối tượng của giác quan nói trên là có tầm quan trọng lớn để đề phòng một ảo tưởng lừa bịp nảy sinh một cách không thể tránh được từ sự giải thích sai lạc (Missdeutung: ngộ giải) những khái niệm thường nghiệm của riêng ta.

 



[1] Ngoài ra, đôi khi tôi cũng gọi lập trường này là “thuyết duy tâm hình thức” để phân biệt với “thuyết duy tâm chất thể” là học thuyết tầm thường đã nghi ngờ hay phủ nhận sự tồn tại của bản thân các sự vật bên ngoài ta. Trong một số trường hợp, thiết tưởng nên dùng tên gọi này (thuyết duy tâm hình thức hoặc mô thể) hơn là “thuyết duy tâm siêu nghiệm” nói trên để tránh mọi hiểu lầm.

* Xem thêm: A369… A375. (N.D).

* “Gegenstand” và “Object” đều có nghĩa là “đối tượng”, tuy với sự phân biệt khá tế nhị: “Gegenstand” là biểu tượng của ta (đồng nghĩa với “hiện tượng”); còn “Object” chỉ đối tượng nói chung (theo nghĩa “khách thể”). “Object” trở thành “Gegenstand” thông qua các mô thức thuần túy của cảm năng. Tuy nhiên, hai từ này vẫn thường được dùng lẫn lộn. Về “đối tượng siêu nghiệm”: xem thêm A379-380. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt