Triết học nghệ thuật

Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật

 

TỪ LUẬN ĐIỂM CỦA HEGEL

VỀ "SỰ CÁO CHUNG" CỦA NGHỆ THUẬT

BÙI VĂN NAM SƠN


Bài viết này là chương 1 với nhan đề “Từ luận điểm của Hegel về 'sự cáo chung' của nghệ thuật” trong bản Chú giải Dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn về tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935) của triết gia Martin Heidegger. Sách chưa được xuất bản. Phiên bản điện tử bài viết này đăng trên http://www.triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.



 


Trong ấn bản của NXB RECLAM (1960), Martin Heidegger (1889-1976) cho biết lai lịch của luận văn “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” (Der Ursprung des Kunstwerkes) (bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought của Albert Hofstadter, 1971; bản tiếng Pháp trong Chemins qui ne mènent nulle part của Wolfgang Brokmeier, Gallimard, 1962, 1986) như sau:

“Phiên bản đầu tiên của luận văn này là một bài giảng vào ngày 13.11.1935 của tôi tại Hiệp hội nghệ thuật học (Kunstwissenschafliche Gesellschaft) ở Freiburg i. Bresgau và được lặp lại vào tháng 1.1936 ở Zuerich theo lời mời của hội sinh viên. Tập Holzwege (Những con đường rừng) gồm văn bản của ba bài giảng tại Frankfurt/M vào các ngày 17 và 24.11 và ngày 4.12.1936. Một phần Lời bạt được viết muộn hơn.

Văn bản nói trên trong Holzwege được in lại trong ấn bản đặc biệt này [bản Reclam] có sửa chữa đôi chút. Phần Phụ lục được viết năm 1956 nhằm giải thích một vài thuật ngữ chủ đạo.

Dẫn nhập do H.G. Gadamer soạn sẽ giúp người đọc dễ theo dõi các tác phẩm hậu kỳ của tôi. Ấn bản Reclam này dành để tưởng niệm Theodor Hetzer”.

Chú giải dẫn nhập sau đây dựa vào bản dịch tiếng Việt (sắp xuất bản) của ấn bản RECLAM (1960) nói trên.

Chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của tất cả các bạn đã tham gia “Workshop” về luận văn này từ tháng 9-11.2017 do GA 0 (Zero Station), Sài Gòn tổ chức.

BVNS


 

 

1.  TỪ LUẬN ĐIỂM CỦA HEGEL VỀ "SỰ CÁO CHUNG" CỦA NGHỆ THUẬT (XEM: LỜI BẠT CỦA HEIDEGGER VÀ DẪN NHẬP CỦA HANS-GEORG GADAMER)

 

MỤC LỤC

1. Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật

2. "Nguồn gốc là gì?

3. Tác phẩm nghệ thuật và vật

4. Tồn tại của vật dụng

5. Sự tự tồn của tác phẩm nghệ thuật

6. "Cõi sống" và "đất"

7. Bản chất của chân lý

8. Chân lý và nghệ thuật

9. Sáng tạo và bảo tồn

10. Nghệ thuật là thi ca

11. Lời kết

Heidegger bắt đầu suy tư nhiều về nghệ thuật từ giữa những năm 1930. Đó là hàng loạt các công trình gồm: các Bài giảng về tụng ca "Germanien" và "Der Rhein" của Hölderlin (GA 39) (1934-35); Dẫn nhập vào siêu hình học (1935), trong đó nghệ thuật được đặc biệt chú ý; Hölderlin và bản chất của thi ca (đầu 1936); phiên bản sau cùng của Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật (cuối 1936); và Ý chí quyền lực như là nghệ thuật (tập I trong bốn tập nghiên cứu về Nietzsche) vào 1936-7. Trong các công trình ấy, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (viết tắt: NGTPNT) nổi tiếng và lôi cuốn nhất.

 

Ta hãy đến ngay với Lời bạt của tác phẩm (và tham khảo thêm chương 13 trong Ý chí quyền lực như là nghệ thuật đã nói, viết tắt: N1). Trong Lời bạt rất ngắn này, Heidegger trích dẫn khá chi tiết quan niệm của Hegel, cho thấy đây có thể là gợi ý trực tiếp cho suy tư của ông về nghệ thuật. Tựu trung, quan điểm của Hegel về sự cáo chung hay "cái chết của nghệ thuật" gồm bốn luận đề: a. Nghệ thuật, trong sứ mệnh tối cao của nó (Heidegger gọi là "nghệ thuật lớn") là để cho chân lý hay cái tuyệt đối khai mở cho "sự hiện hữu sử tính của con người" (Heidegger), tức cho một nền văn hóa nhất định nào đó trong lịch sử. b. Thế nhưng, nghệ thuật lớn như thế, đối với ta, là cái gì "đã qua", đã thuộc về quá khứ, kể từ thời Platon, hay ít ra, từ cuối thời Trung cổ. c. Nghệ thuật lớn (ít ra, ở phương Tây) không chỉ đã chết mà còn phải như thế, bởi quy luật biện chúng của lịch sử buộc nghệ thuật phải nhường sứ mệnh "khai mở chân lý" cho tôn giáo, và, sau cùng, cho triết học như là hình thức cao hơn và thích đáng hơn; và d. giống như đối với kỷ niệm thời thơ ấu và trai trẻ, ta có thể ngậm ngùi trước cái "đã-qua", nhưng không nên tiếc nuối và mơ tưởng.

 

Heidegger, nói ngắn gọn, đồng ý với Hegel ở hai điểm trước, nhưng không đồng ý ở hai điểm sau. Thử dõi theo lập luận của ông:

 

Nguyên nhân cái chết của "nghệ thuật lớn"

 

Trước hết, Heidegger tỏ ra đồng ý với Hegel về định nghĩa lẫn về chức năng của nghệ thuật, tức về câu hỏi nghệ thuật khai mở những cũng như khai mở cho ai: trong N1, Heidegger hầu như lặp lại định nghĩa của Hegel, khi bảo: "nghệ thuật lớn" là "lớn" trong chừng mực nó "làm tỏ lộ chân lý của những cái tồn tại xét như cái toàn bộ, tức là, cái vô-điều kiện, cái tuyệt đối". Chữ "tức là" ("i.e") ở đây đồng nhất cái tuyệt đối của Hegel với chân lý của cái tồn tại nơi Heidegger. Trong NGTPNT, ý tưởng chủ đạo của Heidegger cũng sẽ là: tác phẩm nghệ thuật lớn là sự "xảy ra của chân lý", tức là, "chân lý của những cái tồn tại" (§60). Về việc cho ai, cả hai đồng ý rằng nghệ thuật khai mở chân lý cho "sự hiện hữu sử tính của con người" (N1), tức không gì khác hơn là việc tiếp nhận tác phẩm nơi một nền văn hóa (hay "dân tộc") và đó đủ là lý do để tác phẩm là "lớn", giống như trường hợp các đền đài Hy lạp hay giáo đường Trung cổ.

 

Nhưng, quan trọng hơn là sự nhất trí ở điểm thứ hai. Trong Lời bạt, Heidegger trích dẫn nhận định quan trọng của Hegel trong Các bài giảng về Mỹ học (1828-29): "đối với chúng ta, nghệ thuật không còn có giá trị như là thể điệu tối cao, trong đó chân lý tạo ra sự hiện hữu cho chính mình. Tuy ta có thể hy vọng rằng nghệ thuật luôn tăng tiến hơn nữa và sẽ tự hoàn thiện, nhưng hình thức của nó đã không còn là nhu cầu tối cao của Tinh thần nữa (BVNS nhấn mạnh). Trong tất cả những mối quan hệ này thì, về phương diện sứ mệnh tối cao của nó, nghệ thuật đang và mãi là một cái đã qua đối với ta". Heidegger khẳng định ngắn gọn ngay sau đó: "nhận định trên đây [của Hegel] vẫn còn nguyên giá trị".

 

Với hai ông, nghệ thuật vẫn tiếp diễn, nhưng, ngay với tác phẩm xuất sắc nhất, khó còn có thể gọi chúng là "lớn".

 

Vì đâu nên nỗi? Heidegger trả lời bằng một từ, đó là do: "mỹ học"! Trong Lời bạt, ông viết tiếp: "Mỹ học xem tác phẩm nghệ thuật như là một đối tượng, nói rõ hơn, là đối tượng của cái aisthesis, tức của sự cảm nhận của giác quan theo nghĩa rộng. Ngày nay người ta gọi sự cảm nhận ấy là sự trải nghiệm. Cách thức trải nghiệm nghệ thuật được giả định là sẽ cho ta biết về bản chất của nó. Sự trải nghiệm không chỉ là nguồn suối mẫu mực dành cho việc thưởng thức nghệ thuật, mà cả cho sự sáng tạo nghệ thuật nữa. Tất cả đều là sự trải nghiệm. Song, có lẽ sự trải nghiệm chính là môi trường giết chết nghệ thuật. Cái chết đến chậm rãi, cần một số thế kỷ".

 

Về mặt lý thuyết, "một số thế kỷ" nói ở đây là khoảng cách giữa quan niệm của Hy lạp cổ đại trước Socrates cho đến sự hình thành triết học Platon. Về mặt thực hành, là sự triển khai và thực thi tinh thần ấy của lý thuyết (Platon) từ thế kỷ 18 với sự ra đời quan niệm "mỹ học" cận đại. Thay cho "triết học về nghệ thuật" trong tư duy cổ đại, "mỹ học" xuất hiện như thành quả của sự "phân công lao động" từ thế kỷ này (nhất là từ Các suy niệm về thi ca, 1735 Aesthetica, 1750-58 của Alexander Baumgarten): "lôgíc học" là tri thức có hệ thống về phán đoán và suy luận, "đạo đức học" về tính cách và hành vi, còn "mỹ học" về aisthetike, tức về "cảm xúc và tình cảm" (N1). Thay "triết học về nghệ thuật" bằng "mỹ học", dưới mắt Heidegger, không phải là vấn đề thuật ngữ cho bằng sự "thay đổi hệ hình" tư duy về cái đẹp và nghệ thuật: nghệ thuật không còn cung cấp sự hướng đạo về đức lý cho việc con người phải sống như thế nào, thay vào đó, chỉ mang lại "những trải nghiệm thẩm mỹ".

 

Trải nghiệm hay kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm tạo ra "trạng thái thẩm mỹ".Trạng thái thẩm mỹ được Kant mô tả bằng thuật ngữ nổi tiếng: "sự hài lòng mà không quan tâm đến sự hiện hữu của đối tượng". Khác với người thợ mộc nhìn cái cây dưới khía cạnh hữu dụng, hay người buôn ngựa ngắm con ngựa ở khả năng sinh lợi của nó, "chỉ những ai đơn thuần quên mình trước đối tượng tri giác, người ấy mới trải nghiệm nó một cách thẩm mỹ" (3). Việc tách biệt phán đoán thẩm mỹ với phán đoán nhận thức và phán đoán luân lý, qua đó bảo vệ và tôn vinh giá trị độc lập và "tự trị" của sở thích và của văn học nghệ thuật nói chung, như ta đã biết, là công lao lịch sử của Kant hay là "một thành tựu lớn lao" như nhận định của H.G. Gadamer trong bài Dẫn nhập (tiểu đoạn 6 và 7), nhưng, cũng theo Gadamer, "bắt đầu một sự chủ quan hóa nguy hiểm".

 

Kinh nghiệm thẩm mỹ trong cách tiếp cận ấy thoát ly khỏi bối cảnh, khỏi mọi quan hệ với tri thức và thực hành, trở nên "trừu tượng" và, như Heidegger nhận xét, tìm sự hài lòng "trong các phương diện hình thức, chất lượng và sự hấp dẫn lôi cuốn của tác phẩm" (§143) (đây là lý do tại sao Heidegger ít có thiện cảm với nghệ thuật trừu tượng của thế kỷ 20!).

 

Và tại sao trải nghiệm thẩm mỹ "phi bối cảnh" như thế lại tạo nên sự thích thú, "vui sướng" (để sử dụng cách nói của Kant)? Bởi, khi thoát ly khỏi mọi mối "quan tâm thực hành", nó cũng giúp ta thoát ly khỏi mọi ưu tư (Sorge), sợ hãi và hy vọng, đạt được trạng thái nhẹ nhàng, không đau đớn mà Schopenhauer cho rằng Epicur đã từng ca tụng là "cái tốt tối cao của thần linh" (4).

 

Theo Heidegger, nghệ thuật hiện đại là sự toàn thắng của quan niệm thẩm mỹ ấy về nghệ thuật. Trước hết, là định nghĩa nghệ thuật là "mỹ thuật", là cái có "sự hấp dẫn thẩm mỹ", được "xem xét và đánh giá trên cơ sở năng lực tạo ra trạng thái thẩm mỹ" (N1). Thứ hai, trải nghiệm thẩm mỹ và trạng thái thẩm mỹ sở dĩ được ta đánh giá cao, vì nó giúp ta "nghỉ ngơi và thư giản" (Dẫn nhập vào siêu hình học), giống như được tận hưởng ngày nghỉ giữa tháng ngày bận rộn. Nếu nghệ thuật, như Heidegger nhận xét trong Hölderlin và bản chất của thi ca trở nên "vô hại" và "vô hiệu quả", "chẳng liên quan gì đến hành động", thì nó không còn là cái gì "nghiêm trọng", là cái bên lề, khác hẳn với nghệ thuật Hy lạp: "Cái làm cho nghệ thuật là lớn không chỉ và không hàng đầu ở chất lượng cao của cái được sáng tạo. Nghệ thuật là lớn vì nó đáp ứng một nhu cầu tuyệt đối" (N1). Thư giản là cần thiết nhưng không phải là "nhu cầu tuyệt đối", là một "lựa chọn" trong vô số lựa chọn, trở thành chuyện "bếp núc" đơn thuần, và, trong xã hội hiện đại, thành một lĩnh vực của nền "công nghiệp văn hóa", thậm chí chỉ dành cho một thiểu số có đặc quyền hưởng thụ (N1).

 

Nghệ thuật đi từ vĩ đại đến tầm thường, từ ý nghĩa "lịch sử thế giới" thành trò giải trí, đó chính là "môi trường giết chết nghệ thuật"!

 

Sâu xa hơn, trong bài giảng về tụng ca Ister của Hölderlin, Heidegger nói: "mỹ học là cách thức hạn định bản chất của cái đẹp và của nghệ thuật trong khuôn khổ của siêu hình học". Quan niệm "mỹ học" về nghệ thuật là áp dụng siêu hình học vào nghệ thuật, là siêu hình học trong thực tế hành động. Tại sao như thế?

 

Ở đây, Heidegger hiểu "siêu hình học" là cái nhìn phiến diện, cứng nhắc, cực đoan, là mặt trái của phong trào Khai minh (khởi đầu từ các biện sĩ Hy lạp. Socrates và Platon, đạt cao trào ở thế kỷ 17-18, trở thành tên gọi chung cho cả một thời đại rực rỡ), xem chân lý là lĩnh vực độc quyền của lý tính. Mặt trái phiến diện ấy thường đi liền với tinh thần "duy khoa học" và "thực chứng". Tinh thần này dính líu gì đến việc "mỹ học hóa nghệ thuật"?

 

Vững tin rằng chỉ có khoa học mới đến được với chân lý, thuyết “thực chứng lô gíc", vào những năm 1920, cho rằng những phát biểu đạo đức (chẳng hạn: "giết người là ác") không mang giá trị chân lý vì không kiểm tra được về mặt thường nghiệm, nên, gần với thuyết duy cảm xúc (emotivism), xem chúng chỉ là biểu hiện của cảm xúc đơn thuần, không khác gì tiếng khóc, cười. Loại trừ đạo đức học khỏi phạm vi chân lý, thuyết thực chứng đã "mỹ học hóa" hay "thẩm mỹ hóa" đạo đức học. Cũng thế, họ "mỹ học hóa" nghệ thuật khi không nhìn nhận giá trị chân lý hàng đầu của những công trình nghệ thuật (chẳng hạn đền đài, tượng thờ như là "chân lý" của vũ trụ tín ngưỡng) và chỉ còn lại vẻ đẹp bên ngoài, và, do đó, chỉ còn vai trò "thẩm mỹ".

 

Tóm lại, cùng chia sẻ nhận định rằng sự "lên ngôi" của lý tính là nguyên nhân và môi trường giết chết nghệ thuật "lớn", nhưng Hegel và Heidegger khác nhau ở sự đánh giá: với Hegel, đó là sự tất yếu, tiến bộ; với Heidegger, đó là sự tổn thất đáng phê phán.

 

Sự bất đồng thể hiện rõ ở hai luận điểm sau cùng. Dù thừa nhận rằng nhận định của Hegel về cái chết của nghệ thuật là "vẫn còn giữ nguyên giá trị" (NGTPNT, Lời bạt), nhưng Heidegger lập tức đặt câu hỏi: "phải chăng sự thật mà nhận định ấy nói ra là chung quyết, tối hậu?" (nt). Heidegger không tin rằng lịch sử sẽ tất yếu tuân theo quy luật của Hegel hay của bất kỳ ai, bởi, theo ông, việc khẳng định quy luật lịch sử không chỉ là ảo tưởng, mà, tận nền tảng, là sản phẩm của lối suy tư duy khoa học và cơ giới, muốn kiểm soát và thống trị tất cả. Hơn thế, lối tư duy ấy là "cực kỳ hủy hoại đối với con người, bởi bản chất của con người là biết chờ đợi và mong mỏi sự hiện diện của Tồn Tại" (Câu hỏi liên quan đến công nghệ). Lịch sử được Tồn Tại "gửi đến" cho ta, và không ai dự đoán, thấu hiểu và kiểm soát được.

 

Vì thế, Heidegger không thể đồng tình với luận điểm thứ tư của Hegel. Trong "thời đại khốn khó" này, việc trở lại của nghệ thuật lớn là nhu cầu khẩn thiết hơn tất cả mọi thứ khác, như một giải pháp cứu nguy văn hóa, mà trước hết là làm thay đổi cung cách suy tư và ăn ở của con người.

 

Ở đây, Heidegger có cái nhìn khá khác thường. Theo ông, thời đại lớn lao nhất của nghệ thuật Tây phương là từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 4 trước công nguyên, khi chưa có sự suy tư kiểu nhận thức-khái niệm tương ứng về nghệ thuật. Phản tư về nghệ thuật chỉ bắt đầu với Platon khi nền nghệ thuật lớn đi đến chỗ suy tàn. Nghệ thuật hiện đại cũng sống trong bầu khí lý thuyết sâu đậm, tiếc thay, là lý thuyết tồi! Khác với Arthur Danto, Heidegger không tin rằng nghệ thuật lúc nào cũng do lý thuyết nghệ thuật và "thế giới nghệ thuật" nhào nặn nên (nghệ thuật lớn cổ đại trước Platon là bằng chứng), trái lại, lý thuyết tồi có thể "giết chết" nghệ thuật. Ở những giòng sau cùng của NGTPNT, Heidegger biết rằng những suy tư rất "khác" của ông "không thể cưỡng bức sự tái xuất hiện của nghệ thuật lớn. Nhưng sự tra vấn này là sự chuẩn bị sơ bộ không gian cho tác phẩm, con đường cho người sáng tạo và chỗ đứng cho người bảo tồn" (§175).

 

Công việc có vẻ khiêm tốn nhưng thật ra là đầy tham vọng ấy được Heidegger thử nghiệm trong NGTPNT. Tuy có không ít những điều chỉnh và cải tiến về sau, nhưng đó vẫn là "dự phóng nền tảng" được ông theo đuổi suốt 40 năm, đến tận cuối đời. Công việc ấy đòi hỏi phải tháo dỡ và vượt bỏ những quan niệm lý thuyết sai lầm, thâm căn cố đế về nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật, và đồng thời, tự đặt mình vào thời trước Socrates để xem thử, nếu họ làm lý thuyết, sẽ làm như thế nào! Với Heidegger, một sự đoạn tuyệt là cần thiết cho một sự bắt đầu mới và một sự tái sinh. Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật chuẩn bị cho khả thể ấy.

 


Bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho Triethoc.edu.vn. Bản quyền ©:Bùi Văn Nam Sơn


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt