Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Bài giảng thứ mười tám

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ MƯỜI TÁM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ mười tám”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch.


 

Chủ nghĩa duy lý : hoạt động trực tiếp và gián tiếp của thần. – Quan điểm phương Tây và phương Đông về tính tự tại được thừa nhận như là những vật vô thần.– Đấng quan phòng (hay Thiên mệnh) và hoạt động của đấng đó thông qua sự trung giới của con người được xem như là những “công cụ”. –  Tương ứng theo với điều đó, tất cả những gì là xấu, ác mà con người ta đã làm phải được coi như do có ý muốn của thần thánh, thượng đế, và trong đó trách nhiệm không thể nào đem đổ vào đầu những kẻ đã làm điều xấu, ác đó được. – Ý nghĩa đích thực của sự kiện được lấy làm cơ sở cho quan điểm này : đời sống con người lệ thuộc vào các điều kiện thiên nhiên và thời gian. – Mỗi sinh vật phải trông đợi vài tính tự tại của chính mìnhmà thôi. – Sự biện hộ thần học cho điều ác hay bất hạnh như là điều kiện để thừa nhận giả trị của hạnh phúc, ngược lại với sự toàn phúc ở thiên giới được người ta cho là phải tồn tại mà không cần phải có điều xấu, ác hay bất hạnh. – Mọi quá trình của nền văn hoá là sự vùng dậy chống lại ý chí của thần thánh.

 

 

Tôi cần bổ sung thêm một điều sau đây vào những nhận xét mà tôi đã nêu lên ở các bài giảng cuối. Tôi đã có nói rằng, trên quan điểm của chủ nghĩa duy lý chúng ta có thượng đế và thiên nhiên, hai thực thể, hai nguyên nhân và hai phương thức hành động : một phương thức có tính chất trực tiếp, được gán cho các thực thể thực và tự nhiên; phương thức kia thì có tính chất gián tiếp, được gán cho thượng đế, điều này cũng hoàn toàn giống như thể dưới chế độ lập hiến hai lực lượng, nhân dân và nhà vua, thống trị và tranh nhau quyền thống trị, trong khi đó thì với chủ nghĩa tự nhiên chỉ có thiên nhiên thống trị, và với thần luận đích thực, chỉ có thượng đế thống trị ; thành thử ra, chủ nghĩa duy lý, cũng như chủ nghĩa lập hiến đều là một chế độ của sự lai tạp, mâu thuẫn, không quyết, thiếu cá tính. Tuy nhiên, tối cần phải lưu ý một điều là một niềm tin tuyệt đối, hay với cái vì thượng đế là ông vua chuyên chế, và ngay cả với đạo nhiều thần trong một mức độ nhất định (các ngài chỉ tôn thờ những nhà làm sử và những nhà thơ La Mã và Hi Lạp, là những người đã đem gắn liền hoạt động thần thánh và hoạt động của con người một cách rất đỗi ngây thơ), người ta vẫn thấy lộ ra một sự mâu thuẫn, ở chỗ : mặc dầu hoạt động của thần, của thương đế độc chiếm lấy tất cả, một sự độc lập vẫn cứ được thừa nhận cho các sự vật bên ngoài sự tham dự của thần linh. Và sở dĩ ta gặp thấy được mâu thuẫn đó ở đây, cũng chỉ bởi một lý do đơn giản là : ngay với cái khuynh hướng tín ngưỡng thực hết sức quá đáng của nó, con người vẫn không làm sao có thể đè bẹp, chế át được cái lý tính tự nhiên của mình, không thể nào kiềm chế đè nén được “con người” ở trong bản thân nó, không thể nào từ bỏ được chúng. Nhưng "con người” đó đã qui cho các sự vật hay sinh vật phi thần thánh một tính độc lập nhân quả. Điều này chính có liên quan đến con người phương Tây và đặc biệt đến người Đức ; ở họ, sáng kiến cá nhân, sự tự do và độc lập là những khái niệm tối cao ; đây là những đặc tính mà nó ắt hẳn đã phải từ bỏ, phải hy sinh đi trong trường hợp nếu như ngoài thượng đế ra không còn một cái gì có tính chất độc lập có thể tồn tại. Bởi vậy, người dân các nước phương Tây do họ vốn có thiên hướng bẩm sinh về một tinh thần sáng kiến cá nhân sáng suốt và hợp lý đã chấm dứt cái việc rút lấy những kết luận từ tôn giáo của mình, từ niềm tin của mình vào thần linh, thượng đế ; trong khi đó thì con người ở phương Đông, cũng tương ứng theo với bản chất của họ, không hề đặt ra những giới hạn nào cả cho các kết luận được rút ra từ niềm tin của họ vào thần linh, thương đế, và vì vậy họ đã lấy mất đi ở bản thân cái quyền tự do của mình và ngay cả lý tính của mình, họ lệ thuộc một cách vô điều kiện vào quyết định của định mệnh đặng nói lên niềm tôn kính đối với thượng đế, rằng Người không chỉ là nguyên nhân đầu tiên, như những con người ở các nước Tây phương thông minh, vị kỷ, duy lý vẫn khẳng định như vậy, mà còn là nguyên nhân duy nhất, một thực thể duy nhất có sáng kiến cả nhân và duy nhất có sức tác động. Tôi đã có dẫn ra ở bài giảng thứ mười sau một số những thí dụ lấy ở đạo cố nhiên, cũng có những nhà triết học và thần học của đạo Hồi, của phương Đông nói chung, đã đem gán một tinh thần sáng kiến cá nhân cho cả các sự vật, nhưng quan điểm ngược lại vẫn là quan điểm thống trị hay, vô luận thế nào đi nữa, vẫn là quan điểm đặc sắc, điển hình. Thí dụ, nhà triết học của đạo Hồi chính thống An-ga-den đã nói (đây là những trích mà tôi xin dẫn ra kèm theo các đoạn trích trước) : "Trong toàn bộ thiên nhiên, thượng đế là nguyên nhân duy nhất có hiện thực ; với Người, thì ta có thể làm cho lửa chạm phải xơ gai /toupe/ mà xơ gai không bốc cháy, cũng như có thể làm cho xơ gai bốc cháy mà không hề chạm phải lửa. Không làm gì có một quá trình tự nhiên của các sự vật, không làm gì có quy luật tự nhiên ; không có su khác nhau giữa các phép lạ và những hiện tượng tự nhiên”.

Thần học của phương Tây hẳn phải nghĩ nát óc về sự mâu thuẫn ta vừa nêu lên bên trên, và thậm chí những đại diện chính thống và khắt khe của nó cũng phải nát óc suy nghĩ. Cố nhiên, mâu thuẫn này nằm ngay trong bản chất của thần học ; là vì, nếu như có thượng đế thì không cần phải có thế giới, và ngược lại. Những thực thể loại trừ lẫn nhau đó phải phối trí hoạt động của chúng với nhau bằng cách như thế nào đây và có khả năng kết hợp thống nhất lại bằng cách nào đây ? Hoạt động của thượng đế thủ tiêu hoạt động của thế giới, và, ngược lại, hoạt động của thế giới hủy bỏ loại hoạt động đầu. Nếu như tôi đã làm ra cái này thì không phải thượng đế đã làm ra nó ; nếu như thượng đế đã làm ra nó thì tôi đã không làm ra nó, cái này loại bỏ cái kia. Cái quan niệm về phương tiện quan niệm cho rằng thượng đế đã làm điều đó thông qua sự trung gian của tôi đã được đem áp dụng vào đây như thế nào ? Không một sáng kiến cá nhân nào lại có thể dung hợp với một phương tiện. Nói tóm lại, ý muốn để cho cả thượng đế và thế giới được đồng thời tồn tại và hoạt động đã dẫn đến những mâu thuẫn hết sức vụng về, những quan điểm ngụy biện và những manh khóe hết sức lố bịch, như đã được lịch sử thần học chứng minh cho thấy khá đầy đủ qua luận thuyết về cái được gọi là concursus dei, tức sự tham gia của thượng đế vào những hành vi tự do của con người. Sau đây là một thí dụ. Trong cuốn “Những thể chế của đạo Kitô” Calvin đã nói như sau với một quan điểm chính thống (và chính vì thế có thể lấy làm thí dụ) : “Vì lẽ người theo đạo Kitô tin tưởng một cách vững chắc rằng không có gì là ngẫu nhiên cả, và mọi cái đều xảy ra phù hợp theo mệnh lệnh của thượng đế, nên họ sẽ luôn luôn hướng nhìn về thượng đế, như là nguyên nhân hoàn thiện nhất hay nguyên nhân đầu tiên của các sự vệt, còn những nguyên nhân phụ thuộc được họ dành cho một vị trí thích ứng. Họ sẽ không chút nghi ngờ rằng một đấng Quan Phòng /Providence/ đặc biệt đang trải mở hiệu lực của mình trên mọi hiện tượng dù bé nhỏ nhất, đang canh giữ cho họ và Người không cho phép làm một điều gì mà lại không mang đến hạnh phúc tốt lành cho họ. Bởi vậy tất cả những gì đã thành đạt được một cách may mắn và phù hợp với ước nguyện của họ, họ đều chỉ độc quy cho thượng đế mà thôi, họ sẽ chỉ coi độc một mình thượng đế là nguyên nhân của sự thành đạt đó, cho dù họ có cảm thấy tính thiện của Người là nhờ những sự giúp đỡ mà những con người đã mang lại cho họ, hay cho đủ họ có nhận được sự giúp đỡ của các tạo vật vô tri giác. Là vì trong thâm tâm họ đã nghĩ như thế này : thực ra, Đức Chúa Trời đó đã thúc đẩy, khuyến dụ linh hồn của những kẻ đó biến thành công cụ cho thiện ý của Người đối với tôi. Vì vậy, một mặt nhận lấy điều tốt lành ở con người, song người tín đồ đạo Kitô lại sẽ tôn thờ và ngợi ca thượng đế như là tác giả chính nhất của mọi điều tốt lành nói trên ; còn với con người thì họ sẽ kính trọng và thừa nhận chúng như là kẻ bầy tôi của Người, sẽ kính trọng chúng về cái điều là, nhờ ý Chúa mà họ đã mang ơn chúng, vì thượng đế đã mong muốn dùng bàn tay của chúng để mang lại điều thiện lành cho họ”.

Ở đây chúng ta đã trình bày lên tất cả sự nghèo nàn của thần học dưới dạng mà nó đã được biểu hiện ra trong vấn đề này. Nếu như thượng đế là nguyên nhẫn hoàn hảo nhất hay, nói đúng hơn, đơn thuần là nguyên nhân của điều tốt lành mà con người đã mang lại cho tôi - là vì, chỉ causa praecipus /nguyên nhân chính mới là nguyên nhân đích thực -, thì làm sao tôi lại phải kính trọng con người, làm sao tôi lại cảm thấy phải chịu ơn con người, chịu ơn những kẻ mà thông qua họ thượng đế đã mang lại điều tốt lành cho tôi ? Là vì, đấy không phải là công lao của họ ; thượng đế đã thúc đẩy, khuyến dụ họ làm những điều tốt lành cho tôi, chứ không phải do chính tấm lòng họ, do chính con người họ đã làm điều đó, thượng đế cũng có thể giúp tôi những điều hệt như thế thông qua những người khác, thậm chí thông qua những con người có ác cảm đối với tôi, hay qua những sinh vật khác không phải là người, hay, cuối cùng, bản thân Người có thể giúp tôi mà không cần qua một trung gian nào cả. Sự trung gian là điều hoàn toàn không quan hệ, hoàn toàn không quan trọng ; nó hoàn toàn không có khả năng gây nên một ý hướng hàm ơn, tôn thờ, yêu thương đối với nó, cũng hệt như thể chiếc bình mà người ta đưa cho tôi uống nước ở trong đó khi tôi gần chết khát, không thể nào gây nên những tình cảm nói trên. Đừng có người nào cho rằng sự so sánh trên là không thích hợp. Là vì, như trong Kinh Thánh cũng có nói, con người đối với vì thượng đế của họ cũng giống như chiếc lọ đối với người thợ làm ra chiếc lọ. Cho nên tôi nhìn thấy được qua thí dụ này một điều là : trái ngược lại với niềm tin của nó vào thượng đế với tư cách là một nguyên nhân toàn năng, đang thực hiện được mọi cái, thần học đang đầu hàng trước tình cảm và ý nghĩa tự nhiên của con người giờ đây đang xem những kẻ đã mang lại cho nó những điều tốt lành như là những nguyên nhân của những điều tốt lành đó và, vì thế, nó cảm thấy phải có đối với chúng một lòng biết ơn, yêu thương, tôn kính. Chúng ta nhìn thấy được rằng : thượng đế và thiên nhiên, tình yêu thượng đế và tình yêu đối với con người mâu thuẫn với nhau như thế nào ; hành động của thượng đế và hiệu lực, hành động của thiên nhiên và con người không dung hợp với nhau, nếu không nhờ vào phép ngụy biện. Hoặc là thượng đế, hoặc là thiên nhiên. Không có một cái thứ ba, ở giữa, nối liền, kết hợp chúng lại.

Hoặc là các vị sẽ thừa nhận thượng đế và phủ nhận thiên nhiên, hoặc, nếu như các vị không muốn điều đó, nếu như các vị phải thừa nhận rằng, ít ra nó cũng có một sự tồn tại thực, là vì những cảm giác của các vị vẫn buộc các vị phải chấp nhận sự tồn tại của thiên nhiên cho dù có ngược lại với niềm tin của các vị, thì ít ra các vị cũng sẽ phải phủ nhận mọi tính nhân quả ở nó, mọi thực thể ở nó, các vị sẽ phải nói rằng nó chỉ là vẻ bên ngoài đơn thuần, cái ngoại diện đơn thuần ; hoặc là các vị sẽ thừa nhận thiên nhiên và không công nhận là có một vị thượng đế, không công nhận rằng thượng đế đang tồn tại giấu mặt ở bên sau thiên nhiên, rằng thượng đế tác động thông qua nó. Và nếu như các vị thừa nhận rằng thương đế là nguyên nhân đích thực hay là nguyên nhân nói chung của điều thiện – là vì chỉ nguyên nhân đích thực mới là nguyên nhân đầu tiên – thì các vị cũng không phủ nhận rằng nguyên nhân của điều xấu, ác được gây ra cho con người bởi những con người hay các sinh vật khác, cũng lại là thượng đế. Nhưng thuyết có thần đã phủ nhận kết luận này một cách thiếu nhất quán. Cũng vẫn ông Calvin vừa xem con người ta đang sáng tạo ra điều tốt lành chỉ là công cụ của thượng đế, lại tuyên bố rằng thực là vô nghĩa và vô đạo nếu như từ đấy đi đến kết luận rằng: ví thử như một kẻ sát nhân giết chết một con người lương thiện, thì anh ta cũng chỉ là công cụ thực hiện quyết định hay ý chí của thượng đế mà thôi, và như vậy thì, mọi sự phạm tội đều diễn ra chỉ do lệnh của thượng đế và do ý muốn của Người mà thôi. Ấy thế nhưng đấy lại là một kết luận tất yếu. hiểu như những thực thể thực, tự nhiên chỉ là những phương tiện, chỉ là những công cụ của thượng đế, thì chúng là vậy, cho dù có làm điều tốt hay xấu, thiện hay ác. Nếu như các vị không công nhận rằng con người tạo nên điều thiện lành một cách độc lập, do tự ý mình, thì các vị cũng sẽ không thể công nhận rằng nó làm ra điều xấu, ác là do tự ý nó ; nếu như các vị lấy đi ở con người niềm vinh dự của một kẻ làm điều tốt đẹp, thì các vị cũng sẽ phải gỡ đi cho họ sự xấu hổ, sỉ nhục của một kẻ hành động xấu xa, tội lỗi, là vì, để làm được điều xấu, ác, thì cũng cần có ngần ấy sức mạnh và quyền lực, và thậm chí có khi còn phải có nhiều hơn thế nữa là khác, so với khi ta cần lắm điều tốt ; nhưng mà, theo ý kiến của các vị, mọi sức mạnh, mọi quyền lực đều là sức mạnh và quyền lực của thượng đế. Thực là đáng nực cười và đồng thời cũng thực là độc ác xiết bao khi, một mặt ta không công nhận tính nhân quả của con người, nhưng một mặt khác thì lại đem gán trở lại cho nó điều đó, khi ta đem ban phát cái tốt cho nó như là một điều ân huệ, con cái xấu thì lại đổ vấy cho nó như là một trọng tội !

Nhưng chính đẩy lại là bản chất của thần học hay - nếu nói riêng cả của nhà thần học : y là thiên thần đối với thượng đế, nhưng là ma quỷ đối với con người ; y đem gắn những điều tốt đẹp cho thượng đế, những điều xấu xa, ác độc thì lại quy cho con người, cho tạo vật, cho thiên nhiên. Tất nhiên, điều tốt đẹp mà con người làm được không chỉ hoàn toàn do tự bản thân nó mà có được, không phải chỉ là công việc của ý chí riêng của nó, nó còn là kết quả của những điều kiện, quan hệ, hoàn cảnh tự nhiên và xã hội mà trong đó con người được hoài thai và sinh trưởng, giáo dục và đào tạo nên. Tin rằng những điều kiện, quan hệ và hoàn cảnh này, và những thiên hướng và những trạng thái tinh thần được phát sinh dưới ảnh hưởng của chúng, đều có cơ sở của chúng ở những ý đồ và những quyết định của thượng đế, hẳn là một quan điểm vị kỷ hết sức thô lậu, hết sức ăn sâu và vô cùng nhảm nhí. Cũng như tính hợp lý của thiên nhiên chỉ là biểu hiện có tính chất con người, hay, đúng hơn, có tính chất thần học đối với tính liên hệ ràng buộc qua lại bất tận được thấy ở giữa mọi sự vật và sự việc trong thiên nhiên ; thì cũng đúng hệt như vậy, ý chỉ hay quyết định của thương đế mà do đó con người có được những thuộc tính, những ham thích, những thói quen, những năng khiếu này hay khác, cũng chỉ là thuyết nhân hình /anthropomorphisme/, chỉ là biểu hiện có tính chất con người, bình dân, của mối quan hệ qua lại trong đó mỗi con người đã trở thành cái mà nó hiện có. Đấy là cái ý nghĩa hợp lý của cái quan niệm hay luận thuyết cho rằng con người được như là nó hiện có, không phải do ý muốn của chính bản thân nó, mà là do ý muốn hay ân huệ của thượng đế. Ân huệ của thượng đế là cái ngẫu nhiên được nhân cách hóa hay cái tất yếu được nhân cách hóa, là mối quan hệ qua lại trong đó con người hình thành, sống và hoạt động, được nhân cách hóa. Tôi là cái mà tôi đang hiện là, chỉ như là một đứa con của thế kỷ XIX, chỉ như là một phần hết sức bẻ nhỏ của thiên nhiên, trong cái dạng mà nó được hình thành nên ở thế kỷ này, là vì, chính thiên nhiên cũng đổi thay, vì vậy mỗi thế kỷ có căn bệnh riêng của nó, và tôi được đem đặt vào trong thế kỷ này không phải do ý muốn riêng của tôi. Thế nhưng, nay như tôi không thể đem tách con người tôi khỏi cái thực thể của thế kỷ này, cũng như tôi không thể hình dung tôi dưới dạng của một con người có một sự tồn ngoài cái thế kỷ này, độc lập với nó, thì cũng hột như vậy, tôi không thể nào đem tách rời cái ý muốn của mình khỏi cái thực thể đó, tôi có muốn hay không muốn, tôi có ý thức hay không có ý thức về điều đó, thì tôi cũng cứ phải chấp nhận cái phận hay số phận đó, cứ phải chấp nhận sự cần thiết đó, làm một thành viên của cái thời này, tôi là cái mà tôi đang hiện là, từ thiên nhiên mà ra, ngoài ý muốn của tôi nhưng đồng thời cũng thuận theo ý muốn của tôi, tôi không thể nào muốn một cái gì khác hơn là cái tôi hiện có, có nghĩa, hơn là cái tôi hiện có trong căn bản hay trong thực chất. Tôi có thể hình dung những tính chất ngẫu nhiên, không quan hệ của tôi một cách khác hơn, tôi có thể mong muốn biến đổi chúng, nhưng không thể muốn biến đổi cái bản chất của tôi, cái thực thể của tôi, ý muốn của tôi tùy thuộc vào bản tính của tôi, vào bản chất của tôi, chứ không phải bản tính của tôi lệ thuộc vào ý muốn của tôi; ý muốn của tôi, và không cần tôi có biết không hay có muốn điều đó hay không) bị sai khiến, điều khiển bởi cái bản chất của tôi, chứ không phải cái bản chất của tôi bị sai khiến, điều khiển bởi ý muốn của tôi, cho dù tôi có nỗ lực, có dụng công vượt trội bản thân mình đến như thế nào đi chăng nữa.

Tất nhiên, con người ta có thể ước muốn được sinh ra ở Athenes vào cái thời của Phidias /?/ và Périclès (mặc dầu chính bản chất của nó không cho phép nó tách mình ra khỏi cái thời của nó) ! Nhưng những ước muốn tương tự chỉ là những ước muốn huyễn hoặc mà thôi, thậm chí chúng còn bị quy định bởi tính cách của cái thời đại trong đó con người đã được sinh ra và hình thành nên, còn bởi quy định bởi ngay chính bản chất của con người, cái bản chất mà cả cho dù có sự đời đổi đến những chỗ khác và sang những thời khác một cách huyễn hoặc, hoang đường đi nữa thì vẫn không thể làm thay đổi được chút nào. Là vì chỉ trong một thời đại tự nó cảm thấy gần gũi với đời sống của Athènes xưa, và chỉ ở một con người mà trong bản chất riêng của nó cảm thấy gần gũi với cuộc sống đó cũng như hình thức của nó, thì mới có thể phát sinh một ước muốn tương tự. Và nếu quả thực tôi đời bỏ được trong ý nghĩ sang xứ Athenes thì như vậy tôi vẫn không hề vượt ra được khỏi giới hạn của thế kỷ của tôi, con người tôi, đây là điều không thể được, là vì, tôi cũng chỉ hình dung xứ Athènes đó tương ứng theo những gì mà đầu óc tôi nghĩ được ra, chỉ theo tinh thần của thế kỷ của tôi mà thôi, đấy chỉ là sự phản ánh cái bản chất của chính tôi, là vì mỗi thời nghĩ về quá khứ qua chính bản thân nó. Nói tóm lại, con người là cái mà nó hiện có, là cái mà nó hiện có về bản chất, và là cái mà nó muốn trở thành ; nó không thể tách ra khỏi cái bản thể của mình ; ngay cả những ước muốn của nó đang vượt ra khỏi giới hạn của khả năng tưởng tượng của nó, cũng bị quy định bởi cái bản thể đó, chúng thường xuyên quay trở về với nó, cho dù chúng có sẽ như đi tách ra xa khỏi nó đến đâu chăng nữa, cũng tựa như viên đá được ném lên trên cao vẫn quay trở lại mặt đất. Vậy thì : tôi có là như thế nào nhờ sáng kiến cá nhân của tôi, nhờ có công việc của tôi, nhờ có ý chí tập trung của tôi, tôi đã trở thành được như tôi hiện có cũng chỉ trong tương quan với những con người nhất định, với một dân tộc nhất định, với một nơi chốn nhất định, với một thế kỷ nhất định, với một thiên nhiên nhất định, chỉ trong tương quan với một môi trường bao quanh nhất định, với những hoàn cảnh, điều kiện, sự kiện đang tạo nên nội dung tiểu sử của tôi. Đấy là cái ý nghĩa hợp lý duy nhất làm cơ sở cho niềm tin cho rằng con người có được những mà nó hiện là và những gì mà nó hiện có, không phải nhờ chính bản thân nó, nhờ vào những công lao của nó, không phải nhờ độc vào sức mạnh của chính nó, mà là nhờ có thương đế. Nhưng nếu như người ta có quyền không thể nào quy công cho một mình tôi đã làm nên được điều tốt, thì cũng có quyền hệt như vậy, không thể nào quy cho một mình tôi đã làm nên điều xấu, ác; tôi đã có những thiếu sót đó, những nhược điểm đó không phải là do tội lỗi của tôi, hay ít ra, không phải chỉ là tội lỗi của độc mình tôi, mà còn cả tội lỗi của các hoàn cảnh, tội lỗi của những người mà ngay từ thoạt đầu tôi đã xúc tiếp, tội lỗi của cái thời trong đó tôi đã được sinh ra và được tiếp nhận một nền học vấn. Mỗi thế kỷ có những bệnh tật riêng của nó như thế nào thì nó cũng có những thói tật trội nổi riêng của nó hệt như thế vậy, có nghĩa những khuynh hướng trội nổi về một cái này hay một cái khác ; điều này tự bản thân nó không phải là xấu, hại, nhưng trở thành xấu, hại hay sai lầm chỉ do sự ưu thắng, trội nổi của nó mà thôi, chỉ do nó lấn át những khuynh hướng hay những sự say mê, ham thích khác cùng có một quyền như chúng.

Tuy vậy, sự tự do của con người không vì thế mà bị thủ tiêu, hay ít ra cái tự do hợp lý, có cơ sở của nó trong thiên nhiên, cái tự do được biểu hiện ra và được nhận thức như là tinh thần sáng kiến cá nhân, như là sự cần mẫn, sự rèn luyện, học vấn, sự tự chủ, sự căng thẳng, nỗ lực, là vì, cả thế kỷ, những hoàn cảnh và những mối quan hệ, những điều kiện tự nhiên trong đó tôi đã được hình thành nên, không phải là những vị thần, không phải là những thực thể có quyền lực. Ngược lại, nói cho đúng hơn thiên nhiên để phó mặc cho con người được tự ở hành động, thiên nhiên không giúp được gì cho nó nếu như nó không giúp được bản thân mình ; thiên nhiên để mặc cho nó chìm nghĩm nếu như nó không biết bơi, còn thượng đế thì cũng để mặc cho tôi chết chìm trong nước cho dù tôi không có khả năng giữ cho mình khỏi chìm bằng sức lực và sự biết cách xoay xở của bản thân. Ngay người xưa cũng đã có câu ngạn ngữ : “Nếu như thượng đế muốn thì nhà ngươi có thể bơi cả trên cái rây”. Ngay cả con vật cũng phải tự mình tìm lấy cho mình những phương tiện nuôi sống, cũng phải vận dụng hết mọi sức lực mà nó có được cho đến khi nào tìm thấy được mồi ăn ; con sâu phải dằn vặt đau khổ đến thế nào chừng nào nó chưa tìm được ngọn lá thích hợp để ăn ; con chim phải đau khổ đến dường nào một khi nó chưa bắt được sâu bọ hay chứa vớ được một con chim khác ! Nhưng thượng đế miễn trừ cho con người và loài vật một sáng kiến cá nhân ; là vì ông ta đã lo cho họ ; thượng đế là cái bản nguyên chủ động ; còn họ là cái nguyên lý thụ động, tiếp nhận. Chẳng hạn như, theo lệnh của Đức Chúa Trời những con quạ đã mang đến cho I-li /?/ “bánh mì và thịt, hai buổi sáng và chiều”, Nhưng “Ai đã làm ra thức ăn cho quạ” ? Chính thượng đế, “Người đã mang lại thức ăn cho bầy gia súc”, như trong các thánh thi và trong sách của I-ô-ca /?/ có ghi rõ: Người “đã làm ra thức ăn cho những chú quạ con đang kêu gọi Người”. Cho nên, sự tự do sáng suốt, hợp lý, tính độc lập và sáng kiến cá nhân của con người, và nói chung của các sinh vật cá thể, tương hợp với thiên nhiên nhưng lại không dung hợp với ông thượng đế toàn năng, biết được tất cả mọi sự và quyết định trước mọi cái theo chủ định riêng của mình. Tất cả những điều mâu thuẫn khó khăn lúng túng và ngụy biện nhiều vô kể đang đầu độc các con tim và làm hoang mang các đầu óc, được tạo nên trong thần học bởi sáng kiến cá nhân và sự tự biểu hiện độc đoán của các tạo vật, của các vật được sáng tạo ra, nhưng lại không dung hợp với thượng đế là đấng được xem như chỉ độc một mình có hiệu lực hay phần lớn chỉ một mình tác động ; tất cả những điều mâu thuẫn, lúng túng, nguy biến đó sẽ tan biến mất hay ít ra cũng trở thành được giải quyết nếu như ta đem đặt thiên nhiên thay vào chỗ của thần linh, thượng đế.

Cũng như trên phương diện tinh thần các nhà thần luận đem đổ tội cho con người về những điều xấu, ác và chỉ cái tốt mới quy cho thượng đế mà thôi ; thì về phương diện vật chất cũng hệt như vậy, họ đổ tội và các điều xấu, ác cho thiên nhiên, một phần có tính chất trực tiếp, một phần có tính chất gián tiếp, một phần công khai, một phần ngấm ngầm, họ quy tội cho vật chất hay cho tính tất yếu không tránh khỏi của thiên nhiên. Họ nói ý nếu như không có những điều xấu, hại đó thì cũng không có điều tốt lành, nếu như con người không đổi thì nó sẽ không có chút nào thích thú khi ăn và không hề có sự ham thích ăn uống ; nếu như nó không thể gãy cẳng thì nó hẳn đã không xương và, như vậy thì nó không thể nào đi được ; nếu như khi bị thương nó không cảm thấy đau, thì nó sẽ không có sự thúc đẩy để phòng ngừa sự đau đớn ; cho nên những vết thương tâm bề mặt đau đớn hơn nhiều so với những vết thương ở chiều đâu. Bởi vậy cho nên – theo họ nói – thực là điều ngu ngốc khi những người theo chủ nghĩa vô thần đem dẫn ra những điều ác độc, những nỗi đau khổ, những điều bất hạnh, tai biến của cuộc sống như là những bằng chứng nhằm chống lại sự tồn tại của một đấng sáng tạo đầy từ tâm, sáng suốt, toàn năng. Và, lẽ tất nhiên, hoàn toàn đúng là, nếu như không có điều ác độc, bất hạnh này hay khác, thì cũng sẽ không thể nào có được điều thiện lành này hay khác ; nhưng sự tất yếu đó chỉ có ý nghĩa đối với thiên nhiên mà thôi, chứ không phải đối với thượng đế. Cũng như thượng đế là một đấng mà ở nhà thần luận hình dung chỉ có toàn phúc chứ không thể nào có sự không toàn phúc hay bất hạnh, chỉ có sự hoàn thiện hoàn mỹ chứ không thể có sự không hoàn thiện, thì cũng đúng và cũng cần thiết như vậy, được gắn liền với thượng đế phải là cái quan niệm cho rằng ông ta có thể tạo nên điều thiện mà không hề tạo nên điều ác, có thể tạo nên một thế giới không có khổ đau và thiếu sót. Chính vì vậy mà người theo đạo Kitô tin vào một thế giới ngày mai trong đó cái điều nói trên được thực hiện thành thực tế, trong đó sẽ được thực tế loại bỏ những gì mà người theo chủ nghĩa vô thần thường dẫn ra như là bằng chứng bác bỏ cái nguồn gốc phát sinh từ thần linh, từ thương đế của thế giới. Mà chẳng phải những người tín đồ đạo Kitô thời xưa cũng đã từng có được cải thế giới đó ở thiên đường đấy sao ? Nếu như Ađam vẫn ở trong trạng thái vô tội, hoàn thiện như khi y được sinh ra từ bàn tay của thượng đế, thì thân xác của y đã không bị hủy diệt và không thể nào làm tổn thương được, và thiên nhiên nói chung hẳn vẫn được bảo toàn khỏi mọi điều tai hoạ và thiếu sót giờ đây đè nặng lên nó. Tất cả những lý do đó mà các nhà thần luận đưa ra để biện minh cho điều tai hoạ rủi ro trong thế giới, (có nghĩa trong trường hợp mà ta muốn nói đến ở đây là cái thế giới tự nhiên, chứ không phải cái thế giới dân sự), chỉ có ý nghĩa trong trường hợp ra ta thừa nhận thiên nhiên như là cơ sở tồn tại của các sự vật, chỉ trong trường hợp mà ta hình dung thiên nhiên như là nguyên nhân đầu tiên, chứ không phải khi mà ta xem thượng đế như là kẻ sáng tạo ra thế giới. cũng chính vì vậy mà, quả nhiên, một thiên nhiên với tư cách là một cái gì đó có tính chất độc lập, đã được thấy, một cách có ý thức hay không có ý thức, làm nền tảng cho mọi biện thần luận /théodicée/, ở mọi sự biện minh cho thần, cho thượng đế ; những lý luận biện minh cho thần đó đã giới hạn hoạt động của thượng đế, hạn chế sự toàn năng của thượng đế, sự tự do của thượng đế cái tự do có thể sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới hiện nay - bằng cái bản chất và hoạt động của thiên nhiên, bằng cái khái niệm về tính tất yếu chỉ được phát sinh từ thiên nhiên và chỉ tương ứng với nó mà thôi. Điều này được biểu lộ đặc biệt rõ trong những quan niệm được xem như là có ưu thế hơn cả, về thiên ý hay thiên mệnh /providence/[1]. Chẳng hạn như tổng giám mục ở Paris đã cho công bố vào năm 1846 một sứ điệp trong đó ông ta kêu gọi các giáo dân hãy cầu nguyện “để làm sao cho trong kỳ bầu giáo hoàng những ảnh hưởng xa lạ từ bên ngoài không đi ngược lại với những ý đồ của đấng từ bi”. Hay chẳng hạn như cách đây không lâu (vào tháng giêng năm 1849) vua Phổ đã cho công bố một lệnh về quân đội trong đó có nói : “trong năm qua, khi nước Phổ bị rơi vào quyền lực của sự cám dỗ và tội đại nghịch nên không còn được sự giúp đỡ, phù trợ của thượng đế, quân đội của ta vẫn giữ được vinh quang cũ của nó trước đây và giành được vinh quang mới mẻ”. Nhưng cái đấng nào mà lại yếu ớt thế vậy, khiến những ảnh hưởng xa lạ lại có thể hành động ngược lại và tội nghịch lại với những ý định đầy từ tâm của nó ? Sự giúp đỡ của thượng đế nào thế mà nếu không có hỗ trợ của lưỡi lê và trái phá thì không thể có được sức mạnh và thành công ? Sự toàn năng nào vậy mà lại phải cần đến sức mạnh quân sự để làm chỗ tựa cho nó ? Thượng đế, thần linh nào vậy mà lại chia xẻ vinh quang của mình với vinh quang của quân đội của nhà vua Phổ ? Hoặc là các ngài hãy dành sự vinh dự cho độc thượng đế mà thôi, giống như thể những nhà thần luận và những người tín đồ đạo Kitô xưa từng làm khi họ tin rằng thượng đế hay chúa có thể chiến thắng mà không cần đến lưỡi lê và trái phá, hay khi họ tin rằng có thể chiến thắng quân thù chỉ độc bằng lời cầu nguyện không thôi, rằng lời cầu nguyện, có nghĩa sức mạnh của tôn giáo, hay, cũng vậy thôi, sức mạnh của thượng đế, là vạn năng, hoặc là, các ngài hay trao sự vinh dự cho sự thô lậu của sức mạnh và phương tiện vật chất đã giúp đỡ, hỗ trợ các ngài.

Đấy là những thí dụ mà ta có thể dẫn ra thêm mãi không bao giờ hết, là vì mỗi bản tin, mỗi tờ báo lại cung cấp cho ta những kiểu mẫu cho thấy rằng ngay đến cả những kẻ tin vào thượng đế ngày nay vẫn đều vô thần, và trên thực tế họ đã phủ nhận và hạ thấp vị thượng đế của họ, trong khi trên lời nói họ ca ngợi ông ta : họ phủ nhận và hạ thấp ông ta do đã đem gán cho vật chất, cho thế giới, cho con người một sức mạnh và một hành động không hề lệ thuộc mà là độc lập với thượng đế, còn bản thân thượng đế thì chỉ họ gán cho vai trò của một kẻ mục kích hay một kẻ thanh tra vô tích sự, may lắm thì cũng chỉ là vai trò của một kẻ giúp đỡ hay cứu trợ lúc tối cần thiết. Ngay cái cách mà ta vẫn thường nói “sự giúp đỡ của thượng đế, sự hỗ trợ của thượng đế” cũng nói lên được tính cách của mối bất hoà tệ hại đó giữa thượng đế và thiên nhiên, là vì kẻ đang giúp đỡ, đang hỗ trợ cho tôi sẽ không tước bỏ được sự hoạt động của tôi ; kẻ đó chỉ ủng hộ tôi, chỉ gánh lấy một phần công việc, một phần gánh nặng mà thôi. Nhưng cái quan niệm về thượng đế thực không xứng đáng biết chừng nào : trong khi tin ở thượng đế lại không công nhận ông ta có được sức toàn năng, ít ra là trên thực tế, đem ghép thêm vào ông ta sức mạnh của thiên nhiên và của con người và lại phải cần đến sự giúp đỡ của thiên nhiên ! Nếu như cần một con mắt canh giữ tối, thì tại sao chính bản thân tôi lại phải có một con mắt, tại sao tôi lại phải đề phòng ? Nếu như thượng đế chăm lo đến tôi chính tôi lại phải chăm lo đến bản thân mình làm gì nữa ? Nếu như có một đấng từ tâm và đồng thời toàn năng thì sức mạnh hạn chế của những phương tiện và lực lượng tự nhiên là cái gì đối với tôi ? Vẽ lại, chúng ta sẽ không phê phán con người ở các nước phương Tây về việc họ đã đưa đức tin tôn giáo của họ đến những kết luận thực tiễn, về việc họ, ngược lại, đã tự ý loại bỏ những hậu quả đó khỏi niềm tin của mình, về việc họ đã thực tế từ bỏ niềm tin của mình trên thực tiễn là vì chỉ nhờ sự thiếu nhất quán đó, nhờ sự vô tín ngưỡng trên thực tế đó, nhờ cái chủ nghĩa vô thần và tính vị kỷ bản năng đó mà chúng ta đã có được mọi sự tiến bộ, mọi sự phát minh đã khiến cho những người theo đạo Kitô khác người theo đạo Hồi, người các nước phương Tây khác biệt với người các nước phương Đông. Kẻ nào trông cậy vào sự toàn năng của thượng đế, kẻ nào tin rằng mọi cái đang xảy ra và tồn tại đều xảy ra và tồn tại đo lòng từ tâm của thượng đế, thì kẻ đó không bao giờ nghĩ đến các phương tiện để làm sao trừ bỏ điều xấu xa bất hạnh hiện tồn, cũng như để trừ bỏ điều bất hạnh tự nhiên chừng nào mà nó trừ bỏ, là vì sẽ không bao giờ tìm ra phương thuốc để chống lại cái chết cũng như không thể nào trừ bỏ được điều xấu xa tội lỗi của trật tự xã hội. Calvin đã nói như sau trong tác phẩm của ông ta mà tôi đã nhiều lần nhắc đến : “lỗi người được Thượng đế chỉ cho địa vị và hoàn cảnh của mình. Vì vậy trong câu châm ngôn của ông ta : “Số phận bị vứt vào vạt áo nhưng nó lại rơi theo đúng ý muốn của Chúa”, Solomon kêu gọi những kẻ nghèo hãy biết chịu đựng, là vì những kẻ đó, bất mãn với số phận của mình đã toan vứt bỏ cái gánh nặng mà thượng đế áp đặt cho họ. Cũng như một nhà tiên tri khác, một kẻ hát thánh ca, đã công kích những kẻ vô thần là đã đem cái thành quả của một số người có địa vị được quý trọng đã đạt được, quy nó vào nghệ thuật hay hạnh phúc của con người, trong khi đó thì những kẻ khác đang sống trong một tình trạng thấp hèn”.

Đấy là kết quả tất yếu của niềm tin vào thượng đế, của niềm tin vào thiên ý, vào một đấng Quan Phòng, khi mà niềm tin đó không chỉ đơn thuần là một niềm tin lý thuyết, bất động, không đức tin, mà là một niềm tin đích thực, thực tế. Một số các giáo phụ cho rằng người ta có thể cắt râu bằng ngay cả sự chỉ trích vô thần về các công việc của thần thánh. Hoàn toàn đúng : Bộ râu tồn tại được nhờ ý muốn và ý đồ của thượng đế, có liên quan đến những chi tiết nhỏ nhất nếu như tôi cho phép mình cắt đi bộ râu của mình, thì như thế tôi đã biểu lộ sự bất bình, tôi gián tiếp chỉ trích, phỉ báng kẻ đã sáng tạo ra bộ râu ; tôi nổi dậy chống lại ý muốn của ông ta ; là vì, thượng đế nói, "hãy có râu" ; với việc ông ta để cho nó mọc lên ; còn tôi lại nói: “hãy đừng có râu”, với việc tôi cho phép mình cắt nó đi. Hãy để nguyên mọi cái như nó hiện có, đây là cái kết luận cần thiết từ niềm tin cho rằng thượng đểế cai quản thế giới, rằng mọi cái đều phát minh và tồn tại theo ý muốn của thần thánh. Một sự tự ý thay đổi cái trật tự hiện tồn của các sự vật là một cuộc cách mạng có tính chất báng thần, cũng như trong Nhà nước quân chủ chuyên chế, chính phủ không ban cho nhân dân một quyền gì hết và chiếm hữu lấy toàn bộ hoạt động chính trị, thì cũng hệt như vậy, ở trong tôn giáo, thần, thượng đế không chừa lại tí gì cho con người, chừng nào mà thượng đế còn là một đấng chuyên chế, tuyệt đối, không giới hạn. Trong lời ông ta giải thích truyền đạo thư, Luther nói : “Cho nên, sự khôn ngoan sáng suốt tốt nhất và cao nhất là hãy trao phó và ủy thác mọi cái cho thượng đế hãy để cho thượng đế hành động và cai quản, điều khiển, và hãy phó mặc cho ý muốn của đấng, xét cho cùng, đang sắp đặt mọi sự một cách xác đáng, tất cả những gì đang xẩy ra một cách bất công hay đang mang lại nỗi đau khổ, ưu phiền cho những con người chính trực Bởi vậy, nếu như người rất muốn có được niềm vui, sự bình an và những ngày tốt đẹp, thì hãy chờ thượng đế mang lại cho nhà ngươi những cái đó”. Nhưng, như ta đã có nói, những người tín đồ đạo Kitô – và đây là điều may mắn cho họ và cho chúng ta, và cũng phù hợp với tinh thần cùng tính cách của phương Tây, đặc biệt của bộ tộc Germain – đã đem đối lập sự độc lập của con người với các kết luận của các học thuyết vui quan niệm được lấy từ phương Đông ; lẽ cố nhiên, làm như vậy họ đã biến tôn giáo của họ, thần học của họ – mà họ vẫn theo, ít ra là về mặt lý thuyết, và cho đến tận ngày nay thành một mớ rối rắm của những mâu thuẫn, những sự lại tạp và những điều ngụy biện hết sức nực cười, thành một sự pha trộn phi cá tính của đức tin và trạng thái phi tín ngưỡng, của quan điểm hữu thần và vô thần.

 



[1] từ providence, tùy văn cảnh, còn có thể dịch bằng “đấng Quan Phòng” (tức thương đế), theo cách nói của Kitô giáo.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt