Từ vựng triết học Hy Lạp:
KATÊGORIA (HÊ) : PHẠM TRÙ [la catégorie] IVAN GOBRY ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Katêgoria (hê) : phạm trù [la catégorie]. Thường dịch là categorica. Số nhiều: Katêgoriaï (haï). La-tinh: praedicamentum (số nhiều: praedicamental). Một trong những thể cách của tồn tại, một phương thức tồn tại của tồn tại. Có gốc từ động từ katégoréô, tôi khẳng định. Trước hết đây là thuật ngữ pháp lý: katégoréô, nghĩa là tố cáo, khiếu nại; la katêgoria do đó nghĩa là sự tố cáo. Aristote biến nó thành một thuật ngữ triết học, ông phát triển khái niệm này trong quyển Các Phạm trù, một khảo luận thời trẻ của ông về bản chất của lôgic, trở thành quyển thứ nhất trong sách Organon trong Corpus aristotelicum. Hệ thống đầu tiên về các phạm trù được Aristote xây dựng, rồi tiếp đó được Porphyre tiếp tục. Về sau, Kant (phân tích pháp siêu nghiệm trong Phê phán lý tính thuần túy), rồi Hegel (Khoa học lôgic) xây dựng hệ thống các phạm trù riêng của họ. Nhưng trước khi sử dụng thuật ngữ này, ta có thể cho rằng cả năm Loài tối cao (xem génos), ở Platon, cấu thành một tập hợp các phạm trù (Sophiste, 247-259). Các phạm trù của Aristote thể hiện ý định lập ra một bảng danh mục đầy đủ các loài tồn tại chung nhất, các khái niệm không thể quy về nhau và không thể quy về Tồn tại phổ quát. Thực vậy, mười phạm trù này sẽ không quy về cái gì theo cả hai cách ấy: bản thể (ousia = tồn tại tự mình) và tùy thể (sumbébêkos = tồn tại trong những hình thái bên ngoài của nó), Chín tùy thể là các giống trong cùng một loài, và việc liệt kê chúng thành danh mục là không thể hết; vả lại, bảng danh mục các phạm trù này đã bị Plotin phê phán kịch liệt trong ba quyển đầu tiên của tập 6 bộ sách Ennéade, Về các loài đầu tiên của tồn tại.
Vào thế kỷ 3, Porphyre, người theo thuyết tân Pythagore, môn đệ của Plotin và là người biên tập bộ Ennéades, cố gắng cải tổ lại hệ thống các phạm trù trong Isagoge / Eìσαγωγή, nghĩa là “Dẫn vào” Các phạm trù của Aristote. Tác phẩm này được Boèce dịch sang tiếng La-tinh. Lần này các khái niệm được rút gọn thành năm phạm trù, thuần túy mang nghĩa lôgic[1], ông gọi là các dạng (phônaϊ), và thực sự các dạng này là các khái niệm phái sinh (katêgorouména).
[1] Trong Topiques (I, 5), Aristote, sau khi nhắc lại mười phạm trù, liệt kê chúng ta như là những khái niệm phái sinh, nghĩa là như là những khả năng tồn tại được gán cho một chủ thể: định nghĩa, thuộc tính, loài và tùy thể. Với tư cách là phạm trù đầu tiên, ông dùng chữ bản chất, ti esti / τί σἐτί, thay cho bản thể. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC