Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:
BỊ BỎ RƠI (Sự / tình trạng) (Abandonment)
ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Tiếp nối Heidergger, Sartre cho rằng con người bị bỏ rơi trong thế giới này. Bị bỏ rơi không có nghĩa là con người bị cái gì đó hay ai đó ‘bỏ lại phía sau’ hay ‘lờ đi’ – đối với Sartre, không có gì tồn tại ở ‘ngoài đó’ để có thể bỏ rơi ta theo cách này. Đúng hơn, đối với Sartre, con người bị bỏ rơi vì không có Thượng đế ban cho con người mục đích sống hay sự định hướng đạo đức. Con người bao giờ cũng chỉ một mình, và sẽ mãi như thế, trong một thế giới kỳ cùng là vô nghĩa. Sartre không đi tới chỗ tra hỏi về sự sống trí tuệ trên những hành tinh khác, nhưng nếu có sự sống trí tuệ ở đâu đó khác nữa trong vũ trụ thì sự sống ấy cũng bị bỏ rơi và cô đơn theo nghĩa của Sartre là sống trong một vũ trụ vô nghĩa không có Thượng đế. Việc Sartre tiếp thu ý niệm bị bỏ rơi là sự biểu hiện khả hữu rõ rệt nhất chủ nghĩa vô thần sâu xa ở ông, tức quan niệm rằng con người là một sự ngẫu nhiên của vũ trụ chứ không phải là sản phẩm của bản thiết kế cấp cao nào đó từ phía Thượng đế hay các thần linh. Vì con người không được sáng tạo ra (quá trình ta ra đời diễn ra qua cha mẹ không phải là sự sáng tạo ở phía họ), ý niệm hay bản chất của mỗi người không có trước sự hiện hữu của anh ta. Đây là điều Sartre muốn nói qua mệnh đề ‘hiện hữu đi trước bản chất’. Con người hiện hữu trước đã – một cách ngẫu nhiên, bất tất, thừa thãi – rồi sau đó phải phát minh ra ý nghĩa và mục đích của họ. Vì lý do này, Sartre cho rằng cuộc sống của mỗi người chỉ có ý nghĩa khi họ chọn cách mang lại cho mình ý nghĩa. Về cơ bản, cũng giống như Nietzsche, Sartre không coi tình trạng bị bỏ rơi của con người là căn cứ cho chủ nghĩa bi quan. Trong tình trạng bị bỏ rơi của mình, con người tự do sáng tạo nên chính mình và trở thành chủ nhân của số phận của chính mình. Thoát ly khỏi ý chí và bản thiết kế của một đấng sáng tạo, là một trong những chân lý hiện sinh không thể tránh khỏi của sự hiện hữu của con người; đó là hay nên là nguồn suối của sự cảm hứng hơn là của sự tuyệt vọng. Xem thêm: phi lý (sự), tính đích thực, bất tất (sự), tự do hiện sinh, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản và chủ nghĩa hư vô. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC