Thuật ngữ chuyên biệt

Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (1946)

 Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 
 

THUYẾT HIỆN SINH LÀ MỘT THUYẾT NHÂN BẢN (1946)

 

GARY COX

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 

Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (1946) (Existentialism and Humanism)  Một công trình triết học ngắn của Sartre, ban đầu là bài thuyết trình trong một sự kiện văn học khá thời thượng ở Paris vào ngày 29 tháng Mười 1945 tại Salle des Centraux. Người ta thuật lại rằng công chúng cảm thấy choáng khi nghe lần đầu tiên Sartre gọi thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản – xác nhận nó là thuyết vô thần và v.v. – mặc dù những nguồn tin khác ám chỉ cơn choáng ấy chỉ là do sức nóng của khán phòng. Việc Sartre muốn gây sốc và mua vui cho công chúng giới tư sản của ông là điều dễ thấy trong công trình này, nhưng khổ nỗi nó dẫn ông tới chỗ xuyên tạc và đơn giản hóa quá mức một số quan niệm của ông. Các học giả nghiên cứu Sartre đều nhất trí cho rằng công trình này phần nào chưa cho thấy tính chất tiêu biểu của nó, và bản thân Sartre cũng cảm thấy hối tiếc sau khi cho xuất bản và thậm chí trong các tác phẩm sau này ông còn bác bỏ một số kết luận của nó. Dù có những sai lầm nhưng Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản vẫn là một trong những tác phẩm triết học được nhiều người biết đến nhất của Sartre. Với lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, văn phong mộc mạc và mang tính khiêu khích, tác phẩm này rõ ràng là cuốn sách dẫn nhập hữu ích cho những ai không những muốn hiểu thuyết hiện sinh mà còn muuốn hiểu bản thân Sartre với tư cách là một triết gia đầy thách thức và đả phá các thánh tượng. Công trình này như một chất men kích thích người ta  muốn tìm hiểu sâu và chính xác hơn về thuyết hiện sinh được trình bày trong tác phẩm Tồn tại và Hư vô (1943)

Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản gánh lấy trách nhiệm bảo vệ thuyết hiện sinh trước những phê phán từ phía những người Kitô, những người theo thuyết duy lý và những người ủng hộ cho các giá trị đạo đức và xã hội cổ truyền. Sartre nói rằng thuyết hiện sinh không phải là một học thuyết triết học bi quan yếm thế chỉ lo rao giảng về nỗi lo âutuyệt vọng, như cách người ta đã cáo buộc, thực ra nó là một triết học lạc quan, mang lại cho con người ta sự tự tin bằng cách chỉ ra cho họ thấy họ là chủ nhân ông của số phận của mình. Thuyết hiện sinh cho rằng con người bị bỏ rơi trong một vũ trụ không có Thượng đế (xem bị bỏ rơi), nhưng từ thế đứng rõ ràng là tuyệt vọng ấy nó rút ra kết luận tích cực rằng con người tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Một trong những đoạn văn trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản giúp ta hiểu được những luận điểm cơ bản của thuyết hiện sinh là đoạn Sartre nói rằng đấng Thượng đế sáng tạo không hiện hữu, điều đó có nghĩa là đối với con người “hiện hữu đi trước bản chất”. Nếu ở con dao rọc giấy, chẳng hạn, ý niệm hay bản chất của nó đã nằm sẵn trong đầu óc của người thợ làm ra nó trước khi nó hiện hữu, ở con người thì ngược lại, con người phải hiện hữu trước đã rồi sau đó mới phải lựa chọn bản chất của mình – ý nghĩa và mục đích của mình. Khi cho rằng hiện hữu của con người có trước bản chất của anh ta, Sartre bác bỏ ý niệm về một bản tính người phổ quát, tức quan niệm cho rằng có một bản chất cố định và xác định chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, ông cho rằng có một thân phận người phổ quát trong chừng mực mỗi một con người là thực thể tự do, hữu tử... dù hoàn cảnh riêng của họ có như thế nào đi nữa.

Theo Sartre, con người ta đâm ra lo âu khi nhận ra rằng mình phải chọn làm gì đó, chọn mình là ai và chọn những gì là giá trị cho mình. Sự lo âu hay lo sợ này dẫn một số người tới chỗ “lừa dối” chính mình rằng họ không có tự do. Họ hành động trong sự ngụy tín, họ làm khi được sai bảo và chấp nhận mà không tra hỏi các giá trị do xã hội và tôn giáo mang lại cho họ.

Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản có một ví dụ minh họa được biết đến nhiều hơn bất cứ ví dụ minh họa nào khác trong các tác phẩm của Sartre, ví dụ về luận đề lựa chọn vô cớ hay triệt để. Sartre đưa ra ví dụ về cậu học trò đang đối mặt với vấn đề khó khăn là xa nhà đi kháng chiến hay ở lại phụng dưỡng người mẹ già đầy khổ đau của mình. Điều hoàn toàn chắc chắn là cậu học trò ấy phải đi đến một quyết định, thế nhưng theo Sartre, không có bất cứ cơ sở nào để quyết định mình chọn loại hành động nào. Các nguyên tắc đạo đức học tỏ ra vô dụng vì những thứ này chỉ có giá trị nào mà cậu ta lựa chọn để gán cho chúng. Cậu học trò “bị kết án phải tự do”, và do đó phải đưa ra một quyết định độc đoán. Cậu ta phải lao mình vào loại hành động này hay kia mà không có bất cứ lý do hay sự biện minh nào. Yêu sách tổng quát của Sartre đó là rốt cuộc thì lựa chọn luôn luôn và tất yếu phải dựa vào những quyết định độc đoán. Quan niệm của ông đó là nếu một lựa chọn nào đó có thể được hướng dẫn và bị các đức tin, xác tín hay các giá trị tác động theo cách nào đó thì nó hẳn phải là một hiện tượng bị xui khiến chứ không phải là một lựa chọn thực sự tự do. Theo những người phê phán như Merleau-Ponty chẳng hạn, thật sai lầm khi Sartre không chấp nhận rằng các lựa chọn theo nghĩa nào đó là bị xui khiến thế nhưng chúng vẫn là những sự lựa chọn. Thật không may, luận đề sự lựa chọn vô cớ của Sartre không thể được coi chỉ như là sai lạc, mà còn như là kết quả của cái nhìn khá thiển cận của Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, khi nó là quan niệm mà ông đã diễn đạt một cách nhất quán ở chỗ khác.

Ngoài những niềm tin tích cực một cách ngây thơ về vị thế chính trị của giai cấp vô sản ở nước Nga năm 1945, sai lầm quê độ nhất của Sartre trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản là tuyên bố rằng khi ai đó chọn một loại hành động, lập gia đình chẳng hạn, anh ta chọn nó cho mọi người trong chừng mực anh ta khẳng định qua sự lựa chọn của mình rằng mọi người cũng sẽ làm như anh ta. Lý thuyết đạo đức này không chỉ là một phiên bản mù mờ của lý thuyết Mệnh lệnh nhất quyết của Kant, nó không nhất quán với những yêu sách cốt yếu của thuyết hiện sinh của chính Sartre (xem Kant).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt