Nhận thức luận | Khoa học luận

Boehme và tính nhị nguyên của Tồn tại

NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

10 11 12 13  
                           

BOEHME VÀ TÍNH NHỊ NGUYÊN CỦA TỒN TẠI

 

LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009)

Nguyễn Thị Minh dịch

Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

 


Nguồn: Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.


 

1. Sự mâu thuẫn, hay đúng hơn là đối kháng được quan niệm như một phạm trù bản thể học lần đầu tiên xuất hiện trong các trước tác của Boehme, giống như một đám mây nặng hơi nước, xoáy tít, song đã mở ra một chương mới trong lịch sử phép biện chứng. Bức tranh thế giới như một cảnh tượng xung đột vũ trụ giữa các lực lượng đối địch tất nhiên là một hình ảnh truyền thống, và tái xuất hiện lúc này lúc khác trong các phiên bản khác nhau của thần học Mani giáo. Nhưng việc cho toàn bộ hiện thực là một bãi chiến trường giữa các lực lượng đối lập là một chuyện, còn quy xung đột thành sự rạn nứt trong một cái Tuyệt đối duy nhất là một chuyện khác.

2. Các tác phẩm mang tính thấu thị của Boehme là sự tiếp tục của thuyết Plato có tác động ở những nhà bất đồng phiếm thần luận của thời Cải cách tôn giáo và, giống như trong trường hợp của Franck và Weigel, nhiều ý tưởng lặp lại bằng ngôn ngữ khác được tìm thấy từ Eckhart và  Thần học Đức (Theologia germanica). Bên trong trường phái này Boehme là một người phát kiến. Đi theo truyền thống của các nhà giả kim thuật, ông xem thế giới hữu hình như một tập hợp các kí hiệu khả giác và khả đọc tiết lộ những hiện thực vô hình, nhưng từ quan điểm của ông, sự tiết lộ này là một phương tiện tất yếu nhờ đó Thượng Đế ngoại hiện hóa và tỏ lộ chính mình. “Bậc hành giả bất diệt kiếm tìm bản ngã và phát hiện ra chính mình” nhân đôi chính mình, có thể nói, và hiện lên từ một trạng thái bất động bất phân biệt để trở thành Thiên Chúa đích thực. Vì thế ta thấy trong ý niệm về thần tính của Boehme cũng một sự hàm hồ như trong các trước tác của Eckhart, và vọng âm hai hiện thể đầu tiên của Plotinus. Thiên Chúa khai mở là Thiên Chúa đã tự chuyển hóa trong sự sáng tạo, nhưng ngài chỉ có thể làm như vậy theo cách là cái thống nhất thực sự trong ngài xuất hiện dưới lớp vỏ của các lực đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. “Trong ánh sáng, lực này là ngọn lửa của tình yêu thần linh; trong bóng tối nó là ngọn lửa của cơn thịnh nộ của Thượng Đế, nhưng chỉ có một ngọn lửa. Nó tự chia tách mình thành hai nguyên lý, để một cái đi đến biểu lộ ra trong cái kia. Vì ngọn lửa thịnh nộ là biểu hiện của tình yêu lớn lao: ta nhận ra ánh sáng trong bóng tối, nếu không thì ánh sáng không thể được nhận ra” (Mysterium magnum, viii. 27). Bằng cách hiện lên từ  trong đơn độc và vượt quá những ranh giới của mình trong quá trình tìm kiếm chính mình, Thượng Đế tất yếu sáng tạo ra một thế giới chia biệt trong đó các phẩm tính chỉ có thể được hiện thực hóa nhờ những cái đối lập của nó. Boehme chủ yếu suy nghĩ về sự đối kháng nội tại nảy sinh trong linh hồn con người bởi những ham muốn trái ngược. Màn kịch thiết yếu của sáng tạo diễn ra trong cá nhân bị giằng xé bởi các lực đối lập nhau. Ngôi nhà đích thực của linh hồn là ở trong Thượng Đế, người đã gieo vào linh hồn mầm mống của ân sủng, nhưng đồng thời linh hồn đó cũng tha thiết theo đúng ý chí của riêng mình. Vì thế không có sự trở về với Thiên Chúa mà không có xung đột nội tại, bằng con đường tự phủ nhận, cuối cùng khao khát hòa hợp chế ngự được thôi thúc hướng về tự khẳng định.

3. Thuyết thần trí của Boehme, có thể nói, là một sự tự thức nhận bí hiểm về nghịch lý trung tâm cố hữu trong ý tưởng về một Hữu thể tuyệt đối sáng tạo nên một thế giới hữu hạn: thế giới hữu hạn vừa là sự thể hiện ra vừa là sự phủ nhận đấng sáng tạo của nó, và nó không thể là cái này mà không có cái kia. Trong chừng mực linh hồn tuyệt đối lựa chọn trở nên hiển hiện, nó chắc chắn mâu thuẫn với chính mình. Thế giới của những tồn tại hữu hạn, được tạo ra bởi sự nhất thể của nguồn cội của nó, không thể hoàn toàn chống lại lực thúc đẩy nó quay trở lại với nguồn gốc; song, khi nó đã hiện hữu, nó cũng không thể nào trốn thoát khỏi sự thôi thúc khẳng định chính mình trong tính hữu hạn của mình. Trong thuyết thần trí của Boehme, xung đột này lần đầu tiên hiện ra một cách rõ ràng như là sự đối kháng của hai năng lượng vũ trụ xuất hiện từ sự chia rẽ trong động lực ban sơ của sáng tạo.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt