NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG
NICHOLAS OF CUSA NHỮNG MÂU THUẪN CỦA TỒN TẠI TUYỆT ĐỐI
LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009) Nguyễn Thị Minh dịch Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
Nguồn: Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.
1. Trước tác tinh thần của phía Bắc châu Âu thế kỉ 14 lưu giữ phần lớn truyền thống của Eckhart, nhưng dưới dạng phụng hiến thực tiễn hơn là tư biện. Ở đây ta không thể làm việc với các điều kiện xã hội và điều kiện của giáo hội khuyến khích kiểu sùng mộ mang tính huyền học này ở cuối thời Trung Cổ. Người ta thấy một nỗ lực đáng kể trong một thần học mới mẻ, mang tính tư biện kiểu tân – Plato ở thế kỉ 15 trong tác phẩm của Nicholas Cusanus, người phát biểu, có lẽ là rõ ràng hơn các bậc tiền bối của ông, về nhu cầu của Thượng Đế với sự sáng tạo. Thượng Đế mong muốn biểu tỏ sự vinh quang của ngài, và vì thế ngài cần đến các sinh vật có lý trí để biết và thờ phụng mình. “Nihil enim movit creatorem ut hoc universum conderet pulcherrimum opus nisi laus et gloria sua, quam ostendere voluit; finis igitur creatoris ipse est, qui et principium. Et quia omnis rex incognitus est sine laude et gloria, cognosci voluit omnium creator, ut gloriam suam ostendere posset. Immo qui voluit cognosci, creavit intellectualem naturam cognitionis capacem” (Những lá thư viết năm 1463 cho một tăng sư tại Monte Oliveto; do W. Rubczynski xuất bản trong Przeglad Filozoficzny, tập 2). 2. Tuy nhiên điều này gợi ra quá mạnh ý tưởng về một Thượng Đế cần đến một cái gì khác hơn là chính bản thân ngài, điều trái ngược với nguyên tắc về tính tự túc tự mãn thần thánh. Trong tác phẩm chủ yếu, De docta ignorantia, khi bàn về vấn đề mối quan hệ giữa Thượng Đế với các sinh vật thụ tạo, Cusanus tự nhận ông bó tay trước sự huyền bí của những mâu thuẫn trong bản chất thần linh. Sự thống nhất tuyệt đối của Thượng Đế là tất cả những gì có thể có, tức là, nó là một sự thực hoàn toàn, và vì thế không thể nhân lên. (Haec unitas, cum maxima sit, non est multiplicabilis, quoniam est omne id quod esse potest’ – Doct.ign.i.6). Ngược lại, Thượng Đế (với tư cách là rerum entitas, forma essendi, actus omnium, quidditas absoluta mundi, vân vân) giáng hạ vào thế giới đa dạng, đa tạp và tạo ra toàn bộ hiện thực hiện hữu của nó. Sự sáng tạo bản thân nó không là gì cả, trong chừng mực nó hiện hữu, nó là Thượng Đế; người ta không thể nói về nó như sự kết hợp giữa Tồn tại và không – tồn tại. Với tư cách là esse Dei nó vĩnh cửu; với tư cách là một thứ mang thời tính, nó không phải của Thượng Đế (ii.2). Nó, có thể nói, là một sự vô hạn hữu hạn hay một Thượng Đế thụ tạo: “Ac si dixisset creator “Fiat”, et quia Deus fieri non potuit, qui est ipsa aeternitas, hoc factum est, quod fieri potuit Deo similius… Communicat enim piissimus Deus esse omnibus eo modo quo percipi potest” (tài liệu đã dẫn). Thượng Đế là the complicatio (bọc, cuốn) của mọi vật, như sự thống nhất của những con số, sự nghỉ ngơi trong vận động, cái hiện tiền trong thời gian, sự đồng nhất trong cái đa dạng, ngang bằng trong không ngang bằng, đơn phiến của tính khả phân. Tuy nhiên, trong Thượng Đế, sự thống nhất và đồng nhất không đối lập với tính nhân lên của thế giới vốn “bao gồm trong ngài”. Quan hệ ngược lại là explicatio hay khai triển (unfolding): vì thế thế giới là sự khai triển của Thượng Đế, tính nhân lên là tính của sự thống nhất, vận động là vận động của yên nghỉ, vân vân. Nhưng, Cusanus giải thích, tính cách của quan hệ qua lại này vượt ra ngoài sự lĩnh hội của ta; vì, khi sự hiểu biết và Tồn tại đều cùng ở trong Thượng Đế, thì trong sự hiểu biết tính nhân lên bản thân ngài cũng được nhân lên, vốn là điều bất khả.(“” – ii.3) Có vẻ như Thượng Đế không thể “khai triển” chính ngài trong việc nhân lên mà không vi phạm sự thống nhất tuyệt đối hay sự tồn tại hoàn toàn thực của ngài, hay tính duy nhất của Tồn tại của ngài; nhưng một trong các thuộc tính này, và vì vậy tất cả chúng, cần phải bị mất đi nếu ta chấp nhận rằng sự phát triển từ tính thống nhất đến tính nhân lên, hay, đơn giản hơn, quá trình của sáng tạo, bao gồm chuyển tiềm năng thành Tồn tại thực. Nhưng thực tại thật sự là cái ở giữa tính nhân lên của mọi sự vật có Tồn tại chỉ bao gồm Thượng Đế. Vì thế ta chỉ biết rằng mọi vật đều ở trong Thượng Đế, bởi vì ngài là gói bọc của mọi vật, và Thượng Đế ở trong mọi vật, vì sự sáng tạo là sự mở tỏ của Thượng Đế; nhưng ta không thể dò tìm được việc đó xảy ra như thế nào và bằng cách nào nó lại như vậy. Vũ trụ được xem là một chốn trung gian giữa Thượng Đế và sự mở tỏ hay unitas contracta – Tồn tại không phân biệt không phải một vật cụ thể mà trong mọi vật, bản thân vật đó (universum,….) không giải quyết được mâu thuẫn, vì tồn tại của mọi vật là Thượng Đế và không là gì khác. 3. Khó khăn mà Cusanus cảm thấy là khó khăn của mọi thuyết nhất nguyên. Ông tìm kiếm vô ích một công thức khả thể cho việc xem sự phát triển từ thống nhất tới nhân lên như một phát triển thực sự, mà không phải sự thay đổi từ Tồn tại tiềm năng thành Tồn tại thực sự (actual), điều có thể quy gán tính tiềm năng cho chính Thượng Đế. Tư tưởng của Cusanus ở trong trạng thái giằng co giữa hai cực, không cực nào có thể được hòa giải với ngay cả hình thức lỏng lẻo nhất của chính giáo. Một mặt đây là sự cám dỗ vĩnh cửu xem toàn bộ vũ trụ nhiều mặt như một ảo tưởng và chỉ là một cái bề ngoài của tồn tại, trong khi hiện thực duy nhất là sự thống nhất của cái Tuyệt Đối. Mặt khác, thế giới cần phải được xem là Thượng Đế trong trạng thái tiến hóa, từ đó kéo theo việc Thượng Đế không hoàn toàn thực tế, ngài cũng không phải là cái Tuyệt Đối, mà ngài chỉ trở thành như vậy ở cuối của lịch sử sáng tạo và nhờ vào lịch sử đó. Các nhà phiếm thần luận thường dao động giữa hai quan điểm đối lập này, các quan điểm thể hiện nan đề của mọi tư tưởng nhất nguyên. Khả năng thứ nhất dẫn tới hệ thống giáo lý suy ngẫm về sự tự tiêu hủy; quan điểm thứ hai dẫn tới thuyết Prometer tôn giáo, được thúc đẩy bởi hi vọng đạt được sự phong thánh bằng nỗ lực của chính con người. 4. Chắc chắn là Cusanus bị hấp dẫn hơn bởi ý tưởng (dù ông không nói thẳng ra) về một Thượng Đế hiện thực hóa chính mình trong sự sáng tạo của ngài hơn là ý tưởng về một thế giới thụ tạo như một ảo tưởng. Như mọi “nhà theo thuyết lưu xuất” ông xem tinh thần con người như một cái trung giới qua đó Thần tính đạt được tính thực tại của nó, điều có nghĩa là cái Tuyệt Đối đồng thời là sự hoàn tất thực sự của nhân tính. Linh hồn trở lại với cái Tuyệt đối được thực tại hóa nhờ tri thức, đặc biệt tri thức về cái toàn thể và mối quan hệ của nó với những cái bộ phận: một hình thức nghịch lý của tri thức, loại bỏ nguyên tắc của mâu thuẫn nhường chỗ cho sự thống nhất của các mặt đối lập (coincidentia oppositorum) cái tìm thấy nguyên mẫu của nó trong toán học về các đại lượng vô cùng lớn hoặc hữu hạn. Nhờ sự trợ giúp của tri thức linh hồn khám phá ra chính nó như là thần tính và tiếp nhận đối tượng vô hạn của tri thức của nó như là chính bản thân nó. 5. Cusanus tìm thấy một mâu thuẫn không thể tiêu diệt trong bản chất thần thánh, nhưng, dùng ngôn ngữ của Hegel, nó là một mâu thuẫn bất động, tức là kết quả của một tư biện dẫn đến một nghịch lý (antimony). Phản tư về bản chất thần thánh dẫn tới kết luận là bản chất này phải bao gồm trong chính mình các phẩm chất không thể tương thích với nhau trong các tồn tại hữu hạn: vì, giống như Thượng Đế là sự hiện thể thuần túy và đồng thời bao gồm toàn bộ hiện thực, không thể có gì trong hiện thực đó không được hiện thực hóa, theo một cách không thể thăm dò, trong sự thống nhất thần linh. Tư tưởng của Cusanus do đó dẫn ông tới nghịch lý (antimony) có nguồn gốc chỉ từ phát triển ý niệm về cái Tuyệt Đối. Mâu thuẫn xuất hiện dưới một hình thức logic, không phải hình thức động: nó không phải sự xung đột của các lực hiện thực mà sự đối kháng của chúng sinh ra một cái gì mới. Nó cũng không phải một lý giải về sự sáng tạo của Thượng Đế, mà đúng hơn là việc nhận thức về tính phi lý mà tinh thần hữu hạn vướng vào khi nó nỗ lực giải thích sự vô hạn.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC