NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG
FICHTE VÀ SỰ TỰ CHINH PHỤC CỦA TINH THẦN
LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009) Nguyễn Thị Minh dịch Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978. 1. Johann Gottlieb Fichte nỗ lực xóa bỏ các giới hạn trong học thuyết của Kant về những lời mời gọi của con người đến tự do và trình bày chi tiết quan điểm rằng chính bên trong sức mạnh của con người, và chính là nghĩa vụ của anh ta, đạt được ý thức triệt để về sự thống trị vô giới hạn của bản thân con người đối với các điều kiện của Tồn tại, địa vị ưu trội tuyệt đối của hiện hữu của chính anh ta, và sự độc lập tuyệt đối của con người trước bất cứ một trật tự tiền lập nào. Như Fichte nói trong bài phát biểu “Về vận mệnh của con người” (1794), “Triết học dạy cho ta phát hiện ra mọi điều ở trong cái tôi”; “chỉ thông qua cái tôi thì trật tự và sự hòa điệu mới được thấm nhuần vào khối mờ nhạt, vô định hình”; con người; “vì sự hiện hữu của mình, hoàn toàn độc lập với mọi thứ bên ngoài mình và hiện hữu một cách tuyệt đối trong và thông qua chính mình; … con người vĩnh cửu, hiện hữu bởi chính mình và bằng chính sức mạnh của mình”. Tuy nhiên, ý thức của con người về địa vị của mình như một tác giả vô điều kiện của Tồn tại không phải là một cái gì được cho sẵn mà là một quy điều đạo đức, một tiếng gọi tới cái tự siêu việt không ngừng và tới một nỗ lực luôn luôn lặp lại xem mỗi hình thức của tồn tại đến lượt nó không phải một cái chung quyết tối hậu mà là một bổn phận luôn luôn tươi mới. 2. Sự giải phóng tinh thần về mặt triết học ra khỏi tự nhiên này, cùng quan niệm thế giới như một nhiệm vụ luân lý vĩnh cửu, sau đó đã bị Marx và những người khác chỉ trích như là dấu hiệu cho thấy điểm yếu trong thuyết cấp tiến chính trị của Đức và là triệu chứng của nền văn minh thiếu dũng khí cho một nỗ lực cách mạng thực sự, chuyển hành động vào địa hạt của tư tưởng và hình dung thực hành trong các khái niệm thuộc về luân lý. Tuy nhiên, dựa vào lập trường cơ bản của nó, triết học Đức không xem thế giới như nguồn suối của một dự đoán lạc quan hay như thành tựu của một tự nhiên hiền hảo quy định các giá trị và cung cấp sự chứng minh các giá trị đó, trái lại, triết học Đức xem thế giới như một vấn đề và một thách thức. Lý tính không còn là bản sao của tự nhiên và cũng không thấy trong nó một sự hòa điệu tiền lập. Triết học có khả năng nhận ra trong con người, với tư cách chủ thể của nhận thức, một phần hay một khía cạnh của con người toàn vẹn và của tồn tại thực tế của anh ta; và theo cách này nhận thức được diễn giải như một hình thức của hành vi thực hành. 3. Sự đối lập của Fichte với triết học thời Khai minh dựa trên một motif của Kant. Nếu con người bị khống chế bởi áp lực của bản tính tự nhiên đang có, trong đó anh ta thuộc về bản tính đó theo nghĩa thân xác, thì không có một đạo đức đúng nghĩa nào ngoại trừ sự tính toán vị lợi của vui sướng và đau khổ, có nghĩa là không hề có đạo đức đúng nghĩa gì hết. Nếu thế giới phải là đối tượng của bổn phận, thì con người hẳn phải thoát khỏi sự tất định luận tự nhiên. Vì thế, các lựa chọn siêu hình học và nhận thức luận hàm ý một câu hỏi luân lý. Ta luôn luôn bị cám dỗ bởi cái mà Fichte gọi là “chủ nghĩa giáo điều” (dogmatism), tức là quan điểm giải thích ý thức bằng các đối tượng, vì điều này giải phóng ta khỏi trách nhiệm và bảo ta phụ thuộc vào các quy luật nhân quả giả định được tìm thấy trong tự nhiên; bất cứ người nào không thể giải phóng chính mình khỏi sự phụ thuộc vào đối tượng, theo xu hướng, đều là một kẻ giáo điều. Thuyết duy tâm (idealism), ngược lại, xem ý thức như điểm xuất phát và lôi cuốn nó vì một hiểu biết về thế giới của các sự vật; nhà duy tâm chủ nghĩa là một con người đã đạt được ý thức về tự do của chính mình, thừa nhận trách nhiệm của mình đối với thế giới, và được chuẩn bị để vật lộn với hiện thực. Những người đồng nhất sự tự ý thức với hiện hữu khách quan của con người trong sự vật, tức là các nhà duy vật, không hẳn sai mà là yếu đuối và không có khả năng nắm được vai trò người khởi xướng của Tồn tại. Thuyết duy tâm không chỉ cao cấp hơn về luân lý mà còn là điểm khởi đầu tự nhiên cho triết gia, vì nó tránh được những câu hỏi bất khả giải. Nó không cần phải thẩm tra sự kiện nguyên thủy của kinh nghiệm nảy sinh từ ai, vì từ quan điểm này chủ thể và đối tượng thống nhất; trạng thái nguyên thủy của Tồn tại, cái tôi tự ý thức, là tồn tại cho chính nó và không đòi hỏi phải giải thích. 4. Nhưng sự tồn tại cho mình này của tự ý thức không phải được mang lại cho quan năng phản tư (lý tính) của ta như một vật hay một bản thể: nó tồn tại chỉ như một hoạt động (activity). Fichte bác bỏ quan điểm mang tính quan sát rằng bản thể phải có trước hành động, trong khi hành động tiền giả định một bản thể chủ động. Ngược lại, hành động là cái thứ nhất và trong mối quan hệ với nó thì tồn tại mang tính bản thể chỉ là một sản phẩm thứ cấp hay đúc lại. Bản thân ý thức là hành động, sự vận động của một thế chủ động mang tính sáng tạo không được quy định từ bên ngoài, nó là cái nguyên nhân tự thân (causa sui). Thế giới của các đối tượng không có hiện hữu độc lập; “vật tự thân” của Kant là một tàn tích của thuyết giáo điều. Trong ý thức về tự do vô hạn của chính mình, con người nhận ra bản thân mình chịu trách nhiệm tuyệt đối cho Tồn tại, và nhận ra Tồn tại, xét như một toàn thể, nhờ con người mới là một cái gì có nghĩa. Tự do cũng là điều kiện của một cộng đồng đích thực mang tính người, dựa trên sự đoàn kết tự nguyện và không phải trên mối ràng buộc tiêu cực của lợi ích, cái chỉ ràng buộc nếu ta chấp nhận quan điểm cho rằng Tồn tại của con người được xác định bởi các nhu cầu do ham muốn tự nhiên hạn định cho con người. Lý tưởng của Fichte, giống như lý tưởng của Rousseau, là một xã hội trong đó các sợi dây ràng buộc người với người dựa trên sự cộng tác tự do và không bị điều chỉnh bởi một khế ước áp đặt từ bên ngoài. 5. Tuy nhiên, nếu ý thức là một điểm xuất phát tuyệt đối, nó không thể là sự ý thức về các tri giác, như trong thuyết duy tâm của Berkeley, mà phải là sự ý thức về các hành động của ý chí. Định đề đầu tiên và cốt yếu của nó là bổn phận của tư duy đối với chính nó, và điều này đòi hỏi cái tôi phải sáng tạo ra phản đề của chính nó, trong đó nó nhận ra chính mình như là cái tôi giới hạn của mình. Ý thức, cái tôi, làm cho cái không tôi hiện hữu để thiết lập chính mình trong một tự ý thức sáng tạo. Tinh thần không bằng lòng với cái tôi đồng nhất có sẵn một cách trực tiếp của nó mà đòi hỏi một cái tôi đồng nhất mang tính phản tư, tự tách biệt và tự tri giác chính mình; tuy nhiên, để đạt được điều này, nó trước hết phải phân đôi mình ra và khách quan hóa chính nó bằng sáng tạo ra thế giới, cái sau đó với nó lại có vẻ như là một cái gì đó ngoại tại và cho phép nó hiểu về chính mình. Phép biện chứng này của sự ngoại tại hóa tự thủ tiêu là một dự đoán trực tiếp cho sơ đồ của Hegel, song nó cũng có nguồn gốc trong toàn bộ lịch sử của thần hệ tân – Plato và trong mọi học thuyết cho thấy Thượng Đế đi vào hiện hữu thông qua hoạt động sáng tạo của chính ngài. Trong phiên bản của Fichte các thuộc tính của Thượng Đế được chuyển sang cho tinh thần con người, tinh thần trong tính tự trị vô giới hạn của nó là tiêu chuẩn mà mọi hiện thực khác được liên hệ tới. Trong chừng mực liên quan đến cái tôi, sự đối lập giữa tính chủ động hoạt động và tính bị động không còn có thể áp dụng được nữa. Trong phiên bản đầu tiên của Wissenschaftslehre (Lý thuyết về khoa học; 1794; II.4.E III) của mình, Fichte viết: “Vì bản chất của cái tôi đặc biệt cốt ở việc nó thiết định chính mình, sự tự thiết định và hiện hữu đối với nó là một…Cái tôi chỉ có thể tránh thiết định một cái gì trong chính nó bằng thiết định nó trong cái không tôi … Tính chủ động và tính bị động của cái tôi là một và chỉ một mà thôi”. 6. Cái tôi không đồng nhất với một chủ thể thường nghiệm, tâm lý học, mang tính cá nhân: nó là một cái tôi siêu nghiệm, tức là nhân loại được xét như một chủ thể, nhưng nó không thể được gọi là một chủ thể tập thể trong chừng mực không có một tồn tại tự trị (chẳng hạn, không có “tinh thần phổ quát” (universal mind) của những người theo Averroeus) độc lập với ý thức cá nhân. Nói cách khác, nhân loại hiện diện như là bản tính của mọi con người cá thể, như là ý thức mà mỗi người phải khám phá nơi chính mình. Chính là nhờ điều này mà cộng đồng nhân loại (mang tính người) là khả hữu, nhiệm vụ của mỗi cá nhân là nhận thức chính mình như là Nhân loại. 7. Theo cách này cái tôi phải thiết lập thế giới các sự vật hiện tượng, thế giới là sản phẩm của sự tự do của cái tôi, nhưng một khi đã được thiết lập, sẽ là giới hạn áp đặt lên nó và cần phải chấm dứt. Vì thế việc sáng tạo thế giới không phải chỉ là một sự biến duy nhất mà là một nỗ lực không ngừng nhờ đó các sản phẩm khách quan hóa của tinh thần được tái hấp thu vào trong tinh thần. Trong việc vượt qua trở lực của những sự khách quan hóa của nó – một trở lực cần thiết cho sự phát triển của chính nó – tinh thần vì thế đạt được trạng thái tự hiểu biết tuyệt đối, thông qua một quá trình bất tận thiết lập chính các giới hạn mới mẻ đã được vượt qua một cách thành công. Mục đích tối hậu của tiến trình này được biểu hiện bởi ý thức tuyệt đối, nhưng mục đích này trên thực tế không thể đạt tới được: như trong triết học của Kant, nó là một chân trời vẽ ra mục tiêu của một tiến trình vô hạn. Cuộc chinh phục tích cực của tự do vào các sự vụ của con người vì thế đòi hỏi sự đối kháng không ngừng của tinh thần chống lại mỗi hình thức đã được thiết lập của văn minh. Tinh thần sự phê phán vĩnh cửu của những sự ngoại tại hóa của chính nó, và sức căng giữa tính trì trệ của các hình thức đã được thiết lập với hoạt động sáng tạo mãnh liệt của tinh thần không thể ngừng tồn tại, vì nó là một điều kiện cho sự hiện hữu của tinh thần hay thậm chí, ta có thể nói, một yếu tố đồng nghĩa của nó. 8. Triết học của Fichte theo cách này nỗ lực diễn giải con người như một hữu thể thực hành, và du nhập vào nhận thức luận ưu thế tối cao của quan điểm thực hành, tức là quan điểm đạo đức. Nội dung nhận thức của con người được quyết định bởi viễn tượng thực hành, mối quan hệ của con người với thế giới không phải thụ nhận mà là sáng tạo; thế giới được mang đến cho ta như một đối tượng của bổn phận, không phải là nguồn có sẵn của các tri giác. Tuy nhiên, vì mục đích đích thực của cái tôi là hoàn thiện chính mình, nên bổn phận đích thực của con người nằm trong phạm vi của giáo dục và tự giáo dục. 9. Cái tôi được hiểu là tự do không ngừng vượt qua chính những giới hạn của mình, lịch sử nhân loại có thể được diễn giải như là lịch sử chiến đấu cho tự do của tinh thần. Với Fichte, cũng như sau đó với Hegel, lịch sử trở thành ý nghĩa nếu nó được quan niệm như là sự tiến bộ hướng về ý thức tự do. Từ sự tự phát không phản tư qua quyền lực của truyền thống, sự thống trị của thuyết đặc thù cá nhân, và sự phát hiện cuối cùng về lý tính như một kẻ thống trị bên ngoài, lịch sử hướng về một trạng thái trong đó sự tự do của cá nhân sẽ hòa hợp hoàn toàn với lý tính phổ quát và những nguồn gốc gây ra xung đột của nhân loại sẽ khô héo đi. Lịch sử vì thế được xem như là một dạng biện thần luận (theodicy), hay đúng hơn một biện nhân luận (anthropodicy): ta hoặc có thể diễn giải cái xấu ta thấy trong nó như một nhân tố của sự tiến bộ trong mối quan hệ với động năng (dynamism) của cái toàn thể, hoặc ta có thể cho rằng nó hoàn toàn là phi lý tính và không có tính chặt chẽ nhất quán về mặt hiện hữu, rằng tóm lại nó là hư vô và không thuộc về lịch sử. 10. Sự hình dung của Fichte về con người như là sinh vật tự do, con người phát hiện ra sứ mệnh đích thực trong cuộc chiến không ngừng với tính trì trệ của chính sự tha hóa của mình, đã cung cấp một nền tảng cho sự phê phán toàn bộ truyền thống và có vẻ như nâng đỡ cho những khát vọng tự do trong đời sống văn hóa và chính trị. Nhưng té ra là cùng một triết học như thế lại được tạo ra để dẫn đến các kết luận hoàn toàn đối lập với các ý định rõ ràng của nó; và quả thực chính Fichte ở giai đoạn sau trong sự nghiệp của mình đã làm như vậy. Trong suốt thời kì chiến tranh Napoleon, sự phê phán của ông đối với thuyết vị lợi thời Khai minh và sự biện giải của ông đối với những khế ước vô vị lợi giữa người với người được kết hợp với sự tôn thờ Dân tộc như là hiện thân tuyệt vời nhất của một cộng đồng vô vị lợi và không cần lý trí. Ở khía cạnh này Fichte đã tiên liệu tư tưởng lãng mạn. Ý tưởng cho rằng các dân tộc đặc thù là dẫn đầu cho các giá trị quan trọng nhất của mỗi thời đại trong dòng chảy tất yếu của lịch sử dẫn ông tới thuyết cứu tinh (messianism) của dân tộc Đức, và ý niệm về nhân tính như bản chất của con người dẫn ông tới ủng hộ cho giáo dục bắt buộc của nhà nước như phương tiện hỗ trợ cho cá nhân phát hiện ra con đường đúng đắn của chính mình trong cuộc đời. Sự không tưởng mang tính toàn trị được phác thảo trong cuốn schlossene Handelsstaat (The Closed Commercial State; 1800) về cơ bản có thể được giải thích bởi triết học về tự do của ông. Về mặt giả thiết có thể tìm thấy nguồn gốc của mối quan hệ đó như sau. Điều được đòi hỏi ở con người là phát hiện ra trong chính mình tự do tuyệt đối và nhân tính sáng tạo của chính anh ta. Điều này không phải là một lý tưởng võ đoán mà là một sứ mệnh thực sự, không thể tránh khỏi tới sự tự hiểu biết, một quá trình tiến triển hướng về cái đồng nhất với chính hiện hữu của con người. Vì các cá nhân và dân tộc không phát triển như nhau hướng về mục đích định sẵn của họ, mà khác nhau xa trong mức độ đạt được sự tự hiểu biết, cho nên hoàn toàn tự nhiên là việc các cá nhân và dân tộc tiến bộ hơn giáo dục cho các cá nhân và dân tộc chậm tiến hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và dân tộc chậm tiến hướng đến nhân tính hoàn toàn. Nếu nhiệm vụ của nhà nước là giáo dục các công dân của mình trong tinh thần cộng đồng và trong nhân loại, thì không có gì lạ khi những kẻ thống trị, người biết ý nghĩa của nhân tính tốt hơn kẻ bị trị, nên sử dụng hình thức bắt buộc để làm hiện ra nhân tính nằm bất động trong mỗi cá nhân. Sự bắt buộc này không gì hơn là biểu hiện mang tính xã hội của sự bắt buộc nằm trong mỗi cá nhân như chính bản chất của cá nhân đó, mà anh ta vẫn chưa ý thức được; vì thế, trên thực tế nó không phải là bắt buộc gì hết, mà là sự hiện thực hóa nhân tính. Vì con người được tự nhiên phú cho nhân tính, bắt buộc tham gia vào cộng đồng không phải là vi phạm tự do cá nhân mà là phóng thích khỏi ngục tù của chính sự vô minh và thụ động của anh ta. Theo cách này thì triết học của Fichte về nhân loại như tự do tạo điều kiện ra đời nhà nước công an trị như là hiện thân của tự do. 11. Fichte là tác giả thực sự của phép biện chứng nội tại, tức là phép biện chứng không vươn ra khỏi tính chủ thể của con người mà lấy tình chủ thể làm điểm xuất phát tuyệt đối (mặc dù ở phần cuối trong tác phẩm của mình Fichte trở lại với ý tưởng về một cái Tuyệt Đối bên ngoài con người, trong đó tinh thần con người tham gia vào tự do của cái tuyệt đối đó). Theo quan điểm của ông, chủ thể và khách thể là kết quả của tính nhị nguyên nỗ lực tìm ra một sự tổng hợp trong tiến trình vô hạn; tuy nhiên, vì chủ thể là một chủ thể mang tính người, sự tổng hợp không thể tự hiện thực hóa trong sự chiêm ngưỡng một cái Tuyệt Đối bên ngoài con người, mà chỉ trong hoạt động không thể thay thế được của những cá thể người. Vì Fichte xem nhân loại như hiện hữu vô điều kiện, ông có thể - và quả thực, nói một cách nghiêm ngặt, phải – xem nó như là hiện hữu hành động, về cơ bản được xác định bởi một thái độ thực hành hướng về thế giới của chính mình, thế giới có một hiện hữu tương đối trong quan hệ với tính chủ thể sáng tạo. Theo cách này ông đặt nền tảng cho việc diễn giải lịch sử nhân loại như là sự tự sáng tạo của một giống loài, quá trình đi lên có ý nghĩa, con đường duy nhất hướng đích để vươn tới tự do của tự hiểu biết. Lịch sử tất nhiên là môi trường thông qua đó ý thức phi lịch sử, đồng nhất trực tiếp với chính nó, vận động hướng về một sự tự đồng nhất mang tính phản tư. Lịch sử vì thế không phải là một mục đích tự thân, nó không bao gồm mọi nhân loại không có ngoại lệ, mà là một cầu nối giữa hai thực tại phi lịch sử, tức là ý thức như nó vốn là ở lúc bắt đầu và ý thức như mục tiêu cuối cùng của sự tiến hóa của con người. Chủ thể người siêu nghiệm, có nguồn gốc từ trong chính bản thân nó như tự do, bằng hành động thực hành tự chia tách mình thành thế giới của chủ thể và khách thể, và thông qua lịch sử, trở lại trong một tiến trình vô tận tới tự do tự ý thức – đó chính là nội dung cốt yếu của siêu hình học của Fichte. 12. Khả thể của việc diễn giải học thuyết này như một lời biện hộ cho nhà nước toàn trị chủ yếu phụ thuộc vào hai giả định của nó. Trước hết, Fichte cho rằng mục đích của mỗi cá nhân con người và mục đích của nhân loại như một toàn thể là hoàn toàn đồng nhất, rằng sự hiện thực hóa của mỗi và mọi người trong chúng ta được tát cạn trong sự hiện thực hóa của nhân loại phổ quát, cái thuộc về cá nhân như chính bản chất của anh ta dù anh hoàn toàn không ý thức về nó. Hơn nữa, con người dù ít dù nhiều đều tiến bộ theo mức độ trong đó họ hiện thực hóa nhân tính cốt yếu của chính mình. Mặc dù, theo suy nghĩ của Fichte, giáo dục về cơ bản là để hộ sinh và làm hiện rõ phẩm giá người vốn có trong mỗi cá nhân, tuy nhiên, vì sự lỏng lẻo mà với nó, người ta cho phép rọi ánh sáng để làm rõ kiểu nhân loại được hướng đến, người ta dễ diễn giải cương lĩnh của ông như một hệ thống mà nhờ đó mỗi người buộc phải hiện thực hóa tự do của chính mình. Nói cách khác, vì tự do không thể nào gắn với sự dị biệt hóa và vì sự hiện thực hóa của cá nhân không gì khác hơn là sự hiện thực hóa của nhân loại bất phân biệt, nên thành tựu của tự do không hề phụ thuộc vào sự tự biểu hiện tự do của cá nhân như một thực thể không thể quy giản. Cái tôi siêu nghiệm không phải là sản phẩm của kinh nghiệm thường nghiệm của con người, mà có quyền tối cao đối với đời sống con người và có thể ra mệnh lệnh cho con người vì tự do của chính đời sống con người; nó cũng có thể, giống như Thượng Đế, đẩy nhanh tiến trình của tự do của chính con người bằng cưỡng chế tồn tại người mang tính thường nghiệm.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC