NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG
KANT: TÍNH NHỊ NGUYÊN CỦA TỒN TẠI NGƯỜI VÀ GIẢI PHÁP CHO ĐIỀU ẤY
LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009) Nguyễn Thị Minh dịch Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.
1. Kant cho lý tính con người có quyền tối cao trái ngược với niềm tin vào một trật tự tự nhiên mà lý tính chỉ là một phần biểu hiện của nó. Trong triết học của mình Kant bác bỏ niềm hi vọng rằng lý tính có thể phát hiện ra được quy luật tự nhiên, một sự hòa hợp trước – hiện hữu, hay một Thượng Đế duy lý, hay có thể diễn giải chính mình trong sự hòa hợp đó. Như Hume có thể tranh luận, điều này không có nghĩa là mọi tri thức của chúng ta bị quy giản vào tính bất tất hay các tri giác tách biệt. Không phải mọi phán đoán của ta đều là thường nghiệm hoặc chỉ là phân tích: các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, tức là các phán đoán không thường nghiệm nói cho ta điều gì đó về hiện thực, khuôn định cột trụ của tri thức của ta và đảm bảo tính hợp thức cùng tính hiệu lực phổ quát của nó. Nhưng – và đây là một trong những kết luận chính của Phê phán lý tính thuần túy – các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm chỉ liên hệ đến các đối tượng của kinh nghiệm khả hữu. Điều này có nghĩa là chúng không thể cung cấp nền tảng cho một siêu hình học duy lý, vì siêu hình học sẽ phải bao gồm các phán đoán tiên nghiệm tổng hợp chỉ trong trường hợp các phán đoán này là khả hữu. Tất cả những gì ta có thể hi vọng là một siêu hình học nội tại trong hình dạng một mã của các quy luật tự nhiên không phải được rút ra từ kinh nghiệm mà có thể được xác định một cách tiên nghiệm. Mọi tư tưởng kì cùng đều liên quan đến tri giác, còn những kiến tạo có tính tiên nghiệm mà lý trí của ta tất yếu phải hình thành nên chỉ có nghĩa trong chừng mực chúng có thể được áp dụng vào thế giới thường nghiệm mà thôi. Vì thế trật tự của tự nhiên, trong chừng mực liên quan đến các năng lực cấu tạo của chúng, không được tìm thấy trong tự nhiên, mà do trật tự của chính tâm thức ta áp đặt lên tự nhiên. Trật tự này thuộc về sự xếp đặt của các đối tượng trong không gian và thời gian, như nền tảng của sự lĩnh hội thuần túy, và thêm vào là hệ thống các phạm trù, tức là các khái niệm phi – toán học trao sự thống nhất cho thế giới thường nghiệm nhưng không có nguồn gốc từ trong thế giới thường nghiệm đó. 2. Vì thế kinh nghiệm chỉ khả hữu thông qua năng lực phạm trù hóa của giác tính. Trật tự của tự nhiên chứng tỏ quyền tối cao của tâm thức đối với trật tự ấy, nhưng quyền tối cao này không trọn vẹn. Mọi mảnh của nhận thức, ngoại trừ các phán đoán phân tích không chuyển tải thông tin mới, đều có một nội dung xuất phát từ hai nguồn. Tri giác và phán đoán là các hoạt động khác nhau một cách triệt để. Trong tri giác cảm tính, các đối tượng chỉ đơn thuần được đem đến cho ta và ta bị động chịu tác động của chúng, còn trong hoạt động giác tính ta sử dụng tâm thức. Cả hai khía cạnh của sự hiện diện của con người trong thế giới, khía cạnh chủ động và thụ động, đều tất yếu nằm trong mỗi hoạt động nhận thức. Không có một tư tưởng nào có hiệu lực mà lại không liên hệ tới tri giác, và không có tri giác mà không có hoạt động thống nhất của giác tính. Mệnh đề đầu tiên trong các mệnh đề này có nghĩa là không có niềm hi vọng chính đáng về năng lực lý thuyết vượt ra khỏi thế giới thường nghiệm tới các thực tại tuyệt đối, và rằng kinh nghiệm không thể hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của giác tính. Mệnh đề thứ hai đưa ra quyền lực lập pháp hơn hẳn của tâm trí đối với tự nhiên được xem xét như một hệ thống. 3. Tính nhị nguyên không thể trừ bỏ được của nhận thức con người không thể tri giác một cách trực tiếp, song một khi đã được phát hiện ra, nó tiết lộ tính nhị nguyên cơ bản của mọi kinh nghiệm con người, nhờ đó ta đồng nhất hóa thế giới, ngay lập tức và đồng thời, với tư cách vừa là người lập pháp và với tư cách là chủ thể phục tùng có tính bị động. Bên trong các ranh giới của việc sử dụng hợp pháp giác tính của mình, ta không thể vứt bỏ tính bất tất không giải thích được của dữ liệu kinh nghiệm. Tính bất tất đó là một điều gì được cho sẵn; ta buộc phải thừa nhận nó và từ bỏ bất cứ một niềm hi vọng nào rằng cuối cùng mình có thể làm chủ được nó. Kết quả là ta không thể đặt dấu ấn cho một sự thống nhất tối hậu cho chính mình hay thế giới. Cái tôi của chính tôi như tôi tri giác bằng nội quan phục tùng điều kiện của thời gian và vì thế không đồng nhất với cái tôi tự thân, là cái không thể tiếp cận được tri thức lý thuyết. Đúng là đằng sau cái tôi của sự nội quan, ta có thể nhận thấy một sự thống nhất siêu nghiệm của thông giác, một sự tự - ý thức có khả năng đi kèm theo mọi tri giác; nhưng với điều này ta chỉ biết là nó hiện hữu, không biết nó được cấu tạo như thế nào. Nói chung, toàn bộ kinh nghiệm được tổ chức của chúng ta tiền giả định lãnh địa của một thực tại bất khả tri tác động đến các giác quan trong đó ta không tri giác được hình thái đích thực của chúng mà chỉ có thể tri giác một hình thức được các phạm trù tiên nghiệm của ta tổ chức. Sự hiện diện của thế giới tự thân (world- in - itself) không được suy ra từ dữ liệu thường nghiệm mà chỉ đơn thuần là một giả định logic; ý thức của tôi về chính sự hiện hữu của tôi đồng thời là một ý thức trực tiếp về đối tượng. Nhưng ta không biết gì về hiện thực tự nó (independent reality) ngoại trừ việc nó hiện hữu; ta cũng không thể xóa bỏ tính bất tất của thế giới khả tri hay tính nhị nguyên mà trí tuệ con người phục tùng. 4. Tuy nhiên, tinh thần của con người không bằng lòng với nhận thức về những giới hạn của chính mình hay với một siêu hình học tẻ nhạt chỉ gói gọn trong ý thức về các điều kiện tiên nghiệm của kinh nghiệm. Vì thế những tinh thần của ta được kiến tạo để chúng không ngừng nỗ lực đạt tới sự thống nhất của tri thức tuyệt đối; chúng nỗ lực hiểu thế giới không phải như nó mang lại cho ta là mà như nó phải là, và để vượt qua sự phân biệt, do những định đề của tư duy thường nghiệm đòi hỏi, giữa cái khả hữu, cái hiện thực và cái tất yếu. Người ta không thể loại bỏ sự phân biệt này ra khỏi tâm thức: cái khả hữu là tất cả những gì tương hợp với những điều kiện hình thức của kinh nghiệm, cái hiện thực là cái được mang lại trong các điều kiện chất liệu của nó, cái tất yếu là bộ phận của thực tại được diễn ra từ các điều kiện phổ quát của kinh nghiệm. Những thực tại của thế giới vì thế bao gồm tính bất tất, cái mà ta chỉ có thể loại bỏ nếu ta tiếp cận được với tồn tại vô điều kiện, với sự thống nhất tuyệt đối của chủ thể và đối tượng của tri thức. Ta không ngừng nỗ lực để đạt được điều này, dù nỗ lực của ta là vô vọng; những ảo tưởng của siêu hình học, nói cho đúng ngay cả khi ta phát hiện ra, tiếp tục tồn tại trong tâm thức con người. Chúng được biểu hiện trong việc kiến tạo các khái niệm không chỉ không được rút ra từ kinh nghiệm (vì các khái niệm tiên nghiệm là hợp thức và thiết yếu với tri thức) mà thậm chí còn không áp dụng được cho kinh nghiệm. Các khái niệm hay ý niệm của lí tính thuần túy này – chẳng hạn như Thượng Đế, tự do, và sự bất tử - là cám dỗ muôn đời đối với tinh thần con người, dù chúng không thể được sử dụng một cách có ý nghĩa bên trong các ranh giới của lý tính lý thuyết. Các ý niệm này có ý nghĩa nhất định (???), nhưng là ý nghĩa mang tính điều hướng và không phải là ý nghĩa mang tính xác định. Tức là, ta không thể biết bất kì một thực tại nào tương thích với các khái niệm này, ta chỉ có thể dùng chúng như các giới hạn không đạt tới được hay các chỉ dấu chỉ ra phương hướng của hoạt động nhận thức của ta. 5. Vì thế, việc sử dụng hợp pháp các ý niệm này nằm ở việc dùng nó như những lời mời gọi không ngừng của chúng tới tâm thức để vượt quá những nỗ lực trước đó; việc sử dụng chúng một cách không chính đáng nằm trong giả định là với một nỗ lực khổng lồ nào đó, sẽ cho phép ta đạt được tri thức tuyệt đối. Với bất kì một phán đoán nào trong một chuỗi tam đoạn luận, tâm thức nỗ lực phát hiện ra một đại tiền đề; quy luật của tam đoạn luận đòi hỏi ta tìm kiếm một tiền đề cho mọi tiền đề, một điều kiện cho mọi điều kiện, cho đến khi ta đến được với cái vô điều kiện. Châm này là một châm ngôn thích hợp đối với việc vận hành mọi thao tác hoạt động của tâm thức, nhưng không nên nhầm lẫn nó với giả định sai lầm rằng trên thực tế có một sự nối kết đầu tiên, vô điều kiên trong chuỗi các tiền đề. Vì biết rằng mọi đơn vị của một chuỗi trí tuệ có một điều kiện đi trước là một chuyện, nhưng xác nhận rằng ta có thể lĩnh hội chuỗi đó trong tính toàn bộ của nó bao gồm thành viên đầu tiên, vô điều kiện lại là một chuyện hoàn toàn khác (Ở đây ta có thể làm sáng tỏ tư tưởng của Kant bằng cách chỉ ra, trong khi nói rằng bất kì một con số riêng biệt nào cũng có một số lớn hơn nó là đúng, nhưng nói rằng có một con số lớn hơn tất cả những số khác là không đúng .) Sai lầm khi phân biệt giữa châm ngôn tam đoạn luận với tiền đề cơ bản song lại sai của lý tính thuần túy là nguồn gốc của ba sai lầm điển hình tương ứng với ba loại tam đoạn luận. Trong phạm vi của tam đoạn luận nhất quyết, tiền đề này cho rằng trong việc đi tìm các điều kiện kế tiếp cho các phán đoán vị ngữ ta cuối cùng có thể tìm được một chủ ngữ mà không có một vị ngữ nào cả. Trong phạm vi của tam đoạn luận giả thiết, nó nói với ta rằng ta có thể đi đến với một khằng định mà không tiền giả định điều gì cả; và trong phạm vi của tam đoạn luận phân liệt, việc ta có thể phát hiện ra một tổng số như vậy của các bộ phận của sự phân chia một khái niệm không đòi hỏi gì để hoàn tất việc phân chia. Theo cách này ta tự lừa dối mình rằng trong lãnh địa của tri thức ta có thể thiết lập ba loại nhất thể tuyệt đối: trong tâm lý luận đó là sự thống nhất tuyệt đối của chủ thể tư duy, trong vũ trụ luận đó là sự thống nhất tuyệt đối của chuỗi nhân quả của hiện tượng và trong thượng đế luận đó là sự thống nhất tuyệt đối của các chủ thể của tư duy nói chung. Song trong các giới hạn của kinh nghiệm hữu hạn thì không có đối tượng nào tương ứng với bất kì ý niệm nào trong ba ý niệm này. Ta không thể lĩnh hội một cách lý thuyết hoặc là sự nhất thể có tính thực thể của linh hồn con người, hoặc sự thống nhất của vũ trụ hay Thượng Đế. 6. Trong lịch sử hầu như không có bất kì trường hợp nào về một nhà triết học lại có nhiều ưu tư như Kant khi phải vô hiệu hóa những luận cứ nhằm ủng hộ cho các mệnh đề về chân lý mà ông gắn bó quá sâu sắc từ trước đến giờ. Với Kant, niềm tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế, sự tự do và bất tử của linh hồn không phải những chủ đề xoàng xĩnh vô thưởng vô phạt mà ông chỉ bày tỏ thái độ trung lập. Ngược lại, ông cho là chúng có tầm quan trọng sống còn, song ông tin rằng tâm thức tự lừa dối mình khi nó cố gắng tưởng tượng rằng nó nắm giữ được cái Tuyệt Đối. Cái Tuyệt Đối là ngọn hải đăng cho hành trình vô tận của tri thức, nhưng ta không thể sở hữu nó như một nhận thức khoa học. 7. Đạt được cái Tuyệt Đối bằng nhận thức cũng giống như trở nên tuyệt đối. Nhưng bằng sự phân chia con người thành một phần bị động và một phần chủ động, và bằng sự phân chia tương ứng thế giới thành phần được nhận thức và phần được suy tưởng, phần bất tất và phần tất yếu về mặt trí tuệ - sự phân chia này chỉ có thể được giải quyết ở điểm của vô tận; và cũng như vậy sự đối lập giữa ý chí tự do với quy luật, hạnh phúc và nghĩa vụ trong đời sống đạo đức của chúng ta. Vì cuộc đời chúng ta như những tồn tại được phú cho ý chí cũng theo cách tương tự được chia ra hai trật tự mà ta không thể không tham gia: thế giới hiện tượng, tự nhiên phục tùng quy luật nhân quả, và thế giới của vật tự thân (things in themselves), của tự do và độc lập hoàn toàn của tâm thức. Cái được gọi là nghĩa vụ, và biểu hiện chính nó trong hình thức của một mệnh lệnh, không chỉ hoàn toàn độc lập với các xu hướng (inclinations) của chúng ta, mà còn, do chính đặc điểm của chúng với tư cách một mệnh lệnh, phải đối lập với các xu hướng của ta. “Bởi, một điều răn rằng người ta phải thích làm một điều gì đó, tự nó là mâu thuẫn, vì nếu ta đã tự biết những gì ta phải làm, và, thêm vào đó lại có ý thức là thích làm nó, thì điều răn hay mệnh lệnh ấy hóa ra hoàn toàn không cần thiết; còn nếu ta chỉ làm vì lòng tôn kính trước quy luật chứ không ưa thích, thì điều răn hay mệnh lệnh – biến lòng tôn kính này thành động cơ cho châm ngôn của ta – lại hóa ra đi ngược lại với ý đồ được ra lệnh.” (Phê phán lý tính thực hành, I.3)[1] Nhưng sự tuân theo quy luật của ý chí phải khả hữu; đó là một điều kiện của cái thiện tối cao, cái mà bản thân nó phải khả hữu, tạo ra sự tổng hợp hòa hợp giữa hạnh phúc và đức hạnh, mà trong thế giới thường nghiệm, như ta đều biết, có xu hướng hạn chế lẫn nhau. Lý trí tiếp nhận quy luật đạo đức một cách trực tiếp, nghĩa là không phụ thuộc vào tri thức về các điều kiện chủ quan làm cho nó có thể thực hiện quy luật. Điều này tức là, con người biết điều anh ta nên làm trước khi biết rằng anh sở hữu tự do thực hiện; từ việc anh phải làm, anh lần đầu tiên học được rằng anh có thể, tức là anh tự do. Nhưng sự tự do vì thế được lĩnh hội như là đối tượng của lý tính thực hành, cái có phạm vi hoạt động rộng hơn là lý tính tư biện. Mọi người đều sẽ đồng ý rằng chính trong sức mạnh tuân theo mệnh lệnh đạo đức, cho dù anh không chắc là trong thực tế anh sẽ làm như vậy; “anh ta phán đoán rằng mình có thể làm một việc chỉ vì có ý thức rằng mình phải làm việc ấy, và nhận ra sự tự do nơi chính mình – một điều mà nếu không có quy luật luân lý ắt anh ta không bao giờ nhận ra được” (Phê phán lý tính thực hành, I.1, 6)[2]. Lý tính thực hành có các nguyên tắc tiên nghiệm của riêng nó, điều phải rút ra từ nhận thức lý thuyết, và hiệu lực của chúng khiến chúng tất yếu chấp nhận các chân lý cơ bản vốn không thể tiếp cận được với giác tính, bởi khả năng của giác tính chỉ hình thành khái niệm mà thôi. Vì ý chí tuân theo quy luật luân lý, cái thiện tối cao là đối tượng tất yếu của ý chí, nên cái thiện tối cao phải khả hữu. Và, vì cái thiện này đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, cái chỉ khả hữu như là kết quả của sự tiến triển vô tận, nên hiệu lực của quy luật luân lý tất yếu tiền giả định sự kéo dài vô tận của cá thể người, tức là chính sự bất tử. Tương tự như vậy, định đề về cái thiện tối cao để có giá trị hiệu lực hiệu lực, hạnh phúc của con người phải hòa hợp với nghĩa vụ của anh ta, nhưng không có điều kiện tự nhiên nào đủ chứng minh là điều này chắc chắn là như vậy. Vì thế cái thiện tối cao như đối tượng tất yếu của ý chí tiền giả định sự hiện hữu của một nguyên nhân tự do, thuần lý của tự nhiên mà không phải là một bộ phận của tự nhiên, tức là sự hiện hữu của Thượng Đế. Vì thế, nhờ ý thức về quy luật luân lý của chúng ta, các ý niệm về lý tính lý thuyết mang dáng vóc một hiện thực khách quan như thể có thực mà lý thuyết không bao giờ đảm bảo được cho ta. Sự bất tử của ta, sự tham dự của ta vào thế giới khả niệm (intelligibilia), tự do vô điều kiện, và ưu thế tối cao của Đấng sáng tạo đối với tự nhiên – tất cả những điều này được khẳng định là những hiện thực mà sự hiện hữu của chúng được quy luật luân lý ra lệnh. 8. Tóm lại, sự phân đôi của con người trong hai trật tự đối lập – trật tự của tự nhiên và trật tự của tự do, trật tự của ham muốn và trật tự của nghĩa vụ; một hiện hữu thụ động đầy những vật bất tất, và hiện hữu chủ động trong đó tính bất tất của đối tượng biến mất – sự phân chia này là có thể giải quyết được, nhưng dựa vào điều kiện của một tiến trình vô tận. Viễn cảnh trước mắt chúng ta là viễn cảnh về một cuộc đấu tranh vô hạn với sự tự - thánh hóa, không theo nghĩa huyền học của việc đạt đến sự thống nhất với Thượng Đế siêu việt, mà theo nghĩa là đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối, cuộc đấu tranh hủy diệt sức mạnh của sự bất tất qua tự do. Thành tựu của một trạng thái giống như Thần linh trong đó lý tính và ý chí hoàn toàn thống trị thế giới là một chân trời hướng về cái mà diễn trình vô tận của mỗi cá nhân người được hướng tới. 9. Triết học của Kant không bao gồm lịch sử của một thiên đường đã mất và sự sa đọa của con người. Nó đưa ra một viễn cảnh về sự hiện thực hóa của nhân tính cốt yếu, không phải bằng tuân phục tự nhiên, mà bằng giải phóng khỏi tự nhiên. Kant mở ra một chương mới trong lịch sử của nỗ lực của triết học vượt ra khỏi tính bất tất của hiện hữu người, thiết lập tự do như sự hiện thực hóa của con người và thiết lập sự tự do độc lập của lý tính và ý chí tự trị như đích đến tối hậu của cuộc hành hương vô tận của con người hướng về chính mình, về một tự ngã bấy giờ sẽ là thần thánh.
[1] Về các đoạn trích dẫn trong tác phẩm của Kant, tôi sử dụng bản dịch của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn. Đoạn này trích từ Phê phán lý tính thực hành, Phần I, Quyển một, Chương ba, tr. 155, NXB Tri Thức. [2] Phê phán lý tính thực hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Tri Thức, trang 56.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC