Nhận thức luận | Khoa học luận

Thời Khai minh. Sự hiện thực hóa của con người trong sơ đồ của chủ nghĩa tự nhiên

NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

10 11 12 13  
                           

THỜI KHAI MINH: SỰ HIỆN THỰC HÓA CỦA CON NGƯỜI

TRONG SƠ ĐỒ CỦA CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN

 

LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009)

Nguyễn Thị Minh dịch

Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

 


Nguồn: Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.


 

1. Có vẻ như cả hai sơ đồ này chỉ có thể là sản phẩm của tư duy tôn giáo, có vẻ chúng chứa đựng một diễn giải về thế giới vật chất như là sự hiển thánh, và giải thích con người trong mối quan hệ của anh ta – hoặc là khẳng định, phủ định, hay, thường xuyên hơn, mang tính hai phần (khẳng định và phủ định) – với tinh thần tuyệt đối. Nhưng không phải vậy, vì lý thuyết về sự trở về của con người với chính mình cũng được thấy là một yếu tố cấu thành của triết học tự nhiên thời Khai minh. Trên thực tế có vẻ như là lý thuyết đang được đề cập, cùng với hình ảnh mang tính hệ hình về một thiên đường đã mất là một đặc trưng bất biến của sự tư biện của con người về chính mình, dù với các hình thức khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau song đều có thể thấy biểu hiện trong một tôn giáo hay một khuôn khổ phản tôn giáo triệt để.

2. Trong văn liệu của thời Khai minh ta thấy ý niệm về sự mất đi tính đồng nhất của con người và những lời mời gọi khôi phục nó, cả trong các sáng tác không tưởng lẫn vô số trình bày đa dạng về trạng thái tự nhiên. Thuyết hoài nghi và thuyết duy nghiệm được đề xường bởi Locke và Bayle mang lại cơ sở phủ định cho ý niệm về một sự hòa điệu lý tưởng trong đó con người có sức mạnh và nghĩa vụ phục hồi ở bình diện tự nhiên. Việc chấp nhận sự hữu hạn của con người tỏ ra tương thích với xác tín rằng ta có thể khám phá được con người thực sự là gì, hay điều thiết yếu cho sự Tồn tại của con người là gì. Cho dù sự hiện hữu của con người phải bị xem là ngẫu nhiên theo nghĩa là nó không phải sản phẩm của một tinh thần nào đó có trước tự nhiên, nhưng bản thân Tự nhiên cung cấp thông tin liên quan đến sự hoàn hảo của nhân tính, chỉ cho chúng ta thấy rằng con người có thể tồn tại nếu nó hoàn toàn làm trọn vẹn sứ mệnh đích thực của mình; khiến cho bất cứ một nền văn minh đặc thù nào cũng được đánh giá dựa trên chuẩn mực có thể quan sát được trong giới tự nhiên. Thay vì so sánh mặt đất với thiên đường, các nền văn hóa đang hiện diện được so sánh với trạng thái tự nhiên của nhân loại. Trong khi huyền học đối lập điều kiện phổ quát của tính nhân loại, không phân biệt các nền văn hóa đặc thù, với tính hoàn chỉnh đích thực của nhân loại trong cái Tuyệt đối, các nhà tự nhiên chủ nghĩa đánh giá mọi hình thức của văn minh, đặc biệt là văn minh của riêng họ, dưới ánh sáng của tính nhân loại đích thực như được quyết định bởi các mệnh lệnh của Tự nhiên. Từ quan điểm này thì không quan trọng việc liệu họ có tin là các mệnh lệnh trên thực tế được hoàn tất lúc nào đó ở nơi nào đó, như trong các lý thuyết về người man khai cao quý, hay liệu họ có xem chúng như là cấu thành một mẫu hình để tuân theo – không, tuy nhiên, một mẫu hình được sáng chế ra chỉ bằng tư biện, nhưng là mẫu hình được phát hiện ra từ các quy luật của tự nhiên. Thái độ giữ khoảng cách với nền văn hóa của mình và phê phán nó là “trái tự nhiên”, đúng vậy, đã xuất hiện ở cuối thời Phục Hưng (chẳng hạn Montaigne) và được truyền đến thời Khai minh bằng truyền thống ít nhiều liên tục của chủ nghĩa phóng dật (libertinism). Tuy nhiên, chỉ đến thế kỉ 18, nó mới có được một hình thức đồ sộ, ổn định, căn bản để cấu thành nên một tổng thể hệ thống trí thức mới. Thủ pháp miêu tả nền văn minh của mình thông qua đôi mắt của kẻ khác (Người Trung Hoa của Goldsmith, người Ba Tư của Montesquieu, người Houyhnhnms của Swift và lữ khách từ Sirius của Voltare) gắn với niềm tin rằng có một tiêu chuẩn đích thực cho mọi nhân tính và rằng nền văn minh được đề cập đến là trái ngược với tự nhiên. Tuy nhiên, cần phải có ngoại lệ đối với tác phẩm châm biếm của Swift: bằng cách đặt trạng thái lý tưởng của mình giữa những con ngựa chứ không phải người, ông chỉ ra một cách đủ rõ rằng nguồn gốc và cách sử dụng phổ biến của nó là “không tưởng” trong nghĩa trọn vẹn của từ.

3. Yêu sách về “con người tự nhiên” đối lập với nền văn minh đang thịnh hành bao gồm các khẳng định khác nhau về quyền và các so sánh về chất. Nhưng sự bình đẳng tự nhiên của con người, quyền được hạnh phúc, tự do, quyền sử dụng lý trí, là những chủ đề được thừa nhận đương thời và là đủ để cấu thành nên bộ máy phê bình. Tuy nhiên, ngay sau đó thành ra là khung khái niệm của các hình ảnh lý tưởng thời Khai minh là không thích đáng và các thành tố của nó không phù hợp với nhau. Các khái niệm then chốt về “tự nhiên” và “lý tính” tỏ ra, với phân tích chặt chẽ, không kết hợp trong một tổng thể nhất quán: vì làm thế nào mà việc tôn sùng lý trí như là món quà của tự nhiên hòa hợp với việc tôn sùng tự nhiên như là bản thân nó lại hợp lý? Nếu, như các nhà duy vật cơ giới cho là đúng, lý trí con người là một sự kéo dài của bản tính động vật và không có khác biệt về nền tảng giữa những sự khéo léo của loài khỉ với khả năng lý luận của nhà toán học (de la Mettrie), và nếu mọi phán đoán luân lý có thể quy giản về những phản ứng với vui sướng và đau khổ, thì con người với các quy luật luân lý và lý tính trừu tượng quả thực là tác phẩm của tự nhiên song không hơn gì một mảnh vụn mù quáng của cơ chế của tự nhiên. Ngược lại, nếu Tự nhiên, như ai cũng thừa nhận, là một thực thể có lý trí, có mục đích, có tính chở che, thì bà mẹ Tự nhiên chỉ là một cái tên khác của Thượng Đế. Vì thế hoặc lý tính không phải lý tính hoặc tự nhiên không phải tự nhiên; ta hoặc phải xem tư tưởng là phi lý tính hoặc phải gán cho Tự nhiên những thuộc tính giống như Thượng Đế. Làm sao người ta có thể chấp nhận rằng những xung lực của con người không kém tự nhiên hơn các quy tắc đạo đức quy định và điều khiển họ? Ta trở lại với những nan đề vĩnh cửu mà với nó các nhà vô thần chế giễu những người thờ phụng thần linh từ thời Epicurus: vì thế giới đầy rẫy cái ác, nên Thượng Đế phải hoặc cũng ác hoặc bất lực hay vô năng hay vừa ác vừa bất lực vừa vô năng; và người ta có thể nói điều tương tự về Tự nhiên “thiện và tuyệt đối quyền năng”. Ngược lại, nếu tự nhiên thờ ơ với con người và số phận của anh ta, thì không có lý do gì để tin là cái ác có thể bị đánh bại: có thể quy luật tự nhiên duy nhất là luật rừng và xã hội loài người không tốt đẹp gì hơn các giống loài cây cỏ hay động vật. Ở điểm này thì ý lực (idées-forces) của thời Khai minh bắt đầu rẽ nhánh, và ta bắt gặp những thái độ bi quan của Mandeville, Swift và Voltare thời kì sau. Ý niệm về một sự hài hòa tốt đẹp của tự nhiên, điều một khi được phát hiện, sẽ xóa mọi xung đột và bất hạnh, bắt đầu lung lay.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt