Nhận thức luận | Khoa học luận

Eckhart và phép biện chứng của sự thánh hóa

NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

10 11 12 13  
                           

ECKHART VÀ PHÉP BIỆN CHỨNG CỦA SỰ THÁNH HÓA

 

LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009)

Nguyễn Thị Minh dịch

Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

 


Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.


 

Hệ quả này được huyền học phương Bắc đón nhận, cái ở khía cạnh này tự giải phóng nó khỏi một sự hàm hồ (ambiguity) nhất định của học thuyết Plato của Eriugena. Với Eckhart phương châm “cộng tác với Thượng Đế của riêng mình” có nghĩa giống như tự - hủy diệt – một sự từ bỏ thần tính (kenosis) huyền nhiệm, cái không chỉ là một huấn lệnh đạo đức mà còn là một sự biến đổi bản thể học. “Người muốn có tất cả phải từ bỏ tất cả”; sở hữu tất cả có nghĩa là có Thượng Đế, và từ bỏ tất cả bao gồm từ bỏ chính mình. Bản thân Thượng Đế chỉ mong muốn thuộc về tôi, nhưng thuộc về một cách trọn vẹn. Khi linh hồn đạt đến hoàn toàn rỗng không và trần trụi bên trong, nó làm cho Thượng Đế hoàn toàn là của mình, và ngài thuộc về nó theo cách giống hệt cách ngài thuộc về chính mình. Lúc đó không có gì trong linh hồn không phải là Thượng Đế. Nhưng linh hồn cũng đạt đến giải phóng khỏi chính nó như một vật thụ tạo, tức là khỏi cái hư vô: vì mọi sự sáng tạo (theo công thức nổi tiếng từ bài giảng của Eckhart về James I: 17, trích trong huấn dụ của John XXII) là hư vô thuần túy, không phải theo nghĩa là tầm thường không đáng kể mà theo nghĩa đen của không – tồn tại. Vì thế sự tự hủy của huyền học, một cách nghịch lý, là sự hủy diệt của hư vô hay, nếu ta có thể thể hiện nó như thế, là sự vượt qua cản trở mà cái không (the void) đối lập với Tồn tại. Khi linh hồn hoàn toàn rỗng không khỏi bản chất cá biệt của nó, Thượng Đế trao Ngài cho nó trong tính đầy đủ của Tồn tại của ngài và thuộc về nó như thuộc về chính ngài. Nhưng bằng sự tự hủy này linh hồn đạt đến cái mà nó thực sự là: vì bên trong nó có một thần tính tiềm tàng, bị che mờ bởi vướng mắc với các vật thụ tạo và bằng việc gắn với hình thức giới hạn, riêng biệt của nó. Trong linh hồn có một cái không được tạo ra, đó là Con của Thượng Đế; và vì thế bất kì con người nào đều có thể, giống như chính Chúa Jesu, được hợp nhất với Chúa Cha. Vì thế, với một người, là một với anh ta cũng như là một với Thượng Đế. Theo cách này ý chí của con người đồng nhất với ý chí của Thượng Đế và chia sẻ quyền tuyệt đối của ngài. Vì linh hồn đã tìm thấy chính mình hay tìm thấy Thượng Đế trong chính mình, thì không còn bất cứ vấn đề gì trong mối quan hệ giữa ý chí của nó và ý chí của cái Tuyệt đối – cả hai về cơ bản là giống nhau, và vấn đề tuân phục hay bất tuân không đặt ra. Eckhart phân biệt ý chí cá nhân (self-will) cá thể, bất tất, cố gắng bảo tồn một hiện hữu mang tính bộ phận, cô lập, chủ quan với ý chí thực thụ (real will) đồng nhất với ý chí của Tồn tại phổ quát, Tồn tại duy nhất thực sự xứng đáng được gọi như vậy (mặc dù, không giống Aquinas, Eckhart xem tồn tại như là cái thứ sinh trong quan hệ với tinh thần của Thượng Đế).

Tư tưởng của Eckhart được bao trùm bởi niềm tin mãnh liệt, không ngừng rằng Tồn tại và Thượng Đế là một. Vô số hiện hữu cá thể không là gì cả trong chừng mực mỗi hiện hữu đó là hạn chế và mang tính bộ phận; trong chừng mực mỗi hiện hữu cá thể được Tồn tại chiếm hữu, nó đồng nhất với Thượng Đế. Vì thế, thực ra, vấn đề như lý do của sự sáng tạo không xuất hiện trong các bài giảng và trước tác của ông. Đồng thời, ông tạo sự phân biệt giữa Thần tính (Godhead) hay cái Tuyệt đối không thể diễn tả  - cái Một của Plotinus – với cái Tuyệt đối ngôi vị là Thiên Chúa. Thiên Chúa này – tương ứng với hiện thể thứ hai của Plotinus, Tồn tại hay Tinh thần – nhận ra chính mình như là Thượng Đế trong sự sáng tạo; hay, chính xác hơn, chỉ có trong linh hồn con người, Thượng Đế, từ bản chất ẩn giấu của ngài, trở thành cái mà ngài là. Theo nghĩa này ta có thể nói về ý nghĩa của sự sáng tạo từ chính quan điểm của Thượng Đế. Nhưng mục đích cuối cùng của nỗ lực con người không phải là phát hiện ra Thượng Đế trong chính mình mà là phá hủy ngài, tức là phá hủy rào cản cuối cùng chia tách linh hồn khỏi Thần tính và ngăn cản nó quay trở lại với sự thống nhất không biểu hiện ra được của cái Tuyệt Đối. Sự trở về này diễn ra trong hình thức của nhận thức và hoàn tất trong một trạng thái mà mọi khác biệt giữa người biết với cái được biết bị xóa bỏ.

Theo cách này huyền học phiếm thần của Eckhart chứa đựng một số ý tưởng cơ bản mà ta đang xem xét. Sự bất tất của hiện hữu con người chỉ là vẻ bên ngoài (“Con người về cơ bản là một tồn tại của thiên đường” – bài giảng về người Do Thái ii: 37), nhưng cái vẻ ngoài này phải được vượt qua bằng cách linh hồn thực hành khả năng tri thức của nó, và chỉ theo cách này linh hồn mới khám phá ra chính nó. Trong việc làm như vậy nó đánh mất chính mình như một tồn tại bộ phận và đi tới có được chính mình như một toàn thể, như là thần tính, như cái Tuyệt Đối. Sự cá biệt hóa (particularization) của Tồn tại gắn với lịch sử của Thiên Chúa hiện thực hóa Tồn tại của chính mình, việc ngài chỉ có thể làm trong và thông qua linh hồn, nhưng nó không gắn với lịch sử của Thần tính hay hiện thể đầu tiên, cái không phụ thuộc vào bất cứ một quá trình trở thành nào.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt