Nhận thức luận | Khoa học luận

Sự bất tất của hiện hữu người

NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

10 11 12 13  
                           

SỰ BẤT TẤT CỦA HIỆN HỮU NGƯỜI

 

LESZEK KOŁAKOWSKI (1927-2009)

Nguyễn Thị Minh dịch

Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

 


Nguồn: Leszek Kołakowski. Main Currents of Marxism: Its Rise Growth and Dissolution. Volume 1, The Founders. Chapter 1: “The Origins of Dialectic”. Translated by P. S. Falla. Oxford University Press, 1978.


 

 

Nếu khát vọng của triết học đã và sẽ là lĩnh hội bằng trí tuệ cái toàn bộ của Tồn tại thì động lực đầu tiên của nó đến từ ý thức về sự bất toàn của con người. Ý thức này cùng với giải pháp khắc phục sự bất toàn của con người bằng cách thấu hiểu cái toàn bộ chính là những di sản mà triết học thừa hưởng từ thần thoại.

Mối bận tâm của triết học tập trung vào những giới hạn và nỗi đau khổ của thân phận con người – nhưng không phải trong những hình thức rõ ràng, hữu hình và có thể khắc phục được mà là trong sự khốn cùng mang tính nền tảng mà các phương tiện công nghệ hiện đại cũng không thể thay đổi hay cứu chữa được, một sự khốn cùng mà một khi con người cảm nhận được, họ sẽ nhận ra đó chính là nguyên nhân cho tính bất túc thường nghiệm hiển nhiên của mình, vì vậy, tính bất túc thường nghiệm chỉ là hiện tượng thứ yếu. Sự bất túc mang tính cơ bản và bẩm sinh được gọi theo nhiều kiểu khác nhau: triết học Kitô giáo thời trung cổ gọi đó là “tính bất tất” của hiện hữu con người, và cũng là của tất cả các sinh vật thụ tạo khác. Thuật ngữ “tính bất tất” có nguồn gốc từ truyền thống triết học Aristoteles (tác phẩm Về Vấn Đề Lý GiảiDe interpretatione nói về những phán đoán bất tất, đó là những phán đoán mà vị ngữ của một đối tượng nào đó có thể được áp dụng vào cho nó hoặc không mà không ảnh hưởng đến bản tính của nó), tính bất tất này biểu thị trạng thái của một hữu thể hữu hạn có thể tồn tại hoặc không tồn tại mà không có tính tất yếu, tức là bản chất của hữu thể hữu hạn này không bao hàm sự hiện hữu. Bất kỳ vật thụ tạo nào cũng đều có một khởi đầu trong thời gian: tức là đã từng có một thời điểm nào đó mà vật thụ tạo ấy không tồn tại, vì thế, nó không phải là một hiện hữu tất yếu. Theo các nhà triết học kinh viện (Scholastics) sau Aristoteles thì sự tách biệt giữa bản chất và hiện hữu chính là đặc điểm để phân biệt vật thụ tạo (created beings) với Đấng sáng tạo (Creator) hiện hữu tất yếu (bản chất và hiện hữu của Thượng đế là giống nhau và là một), và sự tách biệt này cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho tính phù du của tạo vật; nhưng đây lại không được xem là một bất hạnh hay một biểu hiện của sự suy tàn. Việc con người vốn là một hữu thể bất tất hay ngẫu nhiên chính là nguyên nhân cho sự khiêm hạ và tôn kính mà con người dành cho Đấng sáng tạo; đó là khía cạnh không thể tránh khỏi và không xóa bỏ được của tồn tại con người, nhưng tính bất tất hay ngẫu nhiên này không biểu thị một sự sa đọa từ một trạng thái tồn tại cao hơn. Sự hiện hữu mang tính thân xác và lệ thuộc thời gian của con người không phải là kết quả của bất kỳ một sự giáng cấp nào mà là bản chất tự nhiên của nhân loại trong hệ thống thứ bậc các vật thụ tạo.

Trái lại, trong truyền thống Plato, thuật ngữ “tính bất tất” rất hiếm khi hoặc không bao giờ được sử dụng, và việc con người là một tồn tại hữu hạn và mang tính thời gian khác với bản chất của nhân loại, nghĩa là “người là một cái gì đó hơn là bản thân mình”, tức là, hiện hữu thường nghiệm, thời tính và hiện thực của con người không đồng nhất với Tồn tại lý tưởng, hoàn hảo và vượt khỏi thời gian của nhân loại theo đúng bản chất. Nhưng “là một điều gì đó hơn là bản thân mình” là phải chịu đau khổ vì một sự phân ly không thể chịu đựng nỗi, là sống trong ý thức về sự suy tàn của chính mình và trong nỗi khát khao bất tận về một sự đồng nhất hóa hoàn hảo với hình mẫu lý tưởng mà con người đã bị tước đoạt bởi sự hiện hữu lệ thuộc thời gian và bởi thân xác vật lý đang dần mục rữa. Thế giới trong đó ta sống như những cá thể hữu hạn và có ý thức về sự tạm bợ phù du của mình, chính là một chốn lưu đày.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Ngọ Hoàng - 14:44 03/06/2019
Rất mong chờ những bài dịch tiếp theo.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt