Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:
TỒN-TẠI-CHO-MÌNH (being-for-itself)
GARY COX ĐINH HỒNG PHÚC dịch
TỒN-TẠI-CHO-MÌNH (being-for-itself). Thường viết tắt là cho-mình (for-itself). Đây là khái niệm quan trọng nhất trong toàn bộ triết học của Sartre trong chừng mực ta coi triết học của ông là một công cuộc tìm tòi và mô tả đến cùng hiện tượng tồn-tại-cho-mình. “Tồn-tại-cho-mình” được dùng để chỉ bản tính hay cách tồn tại thực chất của ý thức hay tính nhân vị. Mọi ý thức hay nhân vị thực chất là tồn-tại-cho-mình, cho nên trong nhiều ngữ cảnh, thuật ngữ “ý thức”, “nhân vị” và “tồn-tại-cho-mình” có thể dùng thay thế lẫn nhau. Đối với Sartre, thuật ngữ “tồn-tại-cho-mình” nắm bắt cái bản tính thực sự của một hiện tượng chỉ hiện hữu như là mối quan hệ với cái Sartre gọi là “tồn-tại-tự-mình”. Khác với tồn-tại-tự-mình, tồn-tại-cho-mình không hiện hữu một cách nền tảng, tự mình hay do mình, sự tồn tại của nó vay mượn từ tồn-tại-tự-mình nên nó chỉ hiện hữu như là một sự phủ định, hư vô hóa, phủ nhận hay thiếu vắng tồn-tại-tự-mình. Tồn-tại-cho-mình là tồn tại vay mượn. Giống cái bóng hay hình ảnh phản chiếu trong gương, tồn tại của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cái gì đó khác với nó. Sartre mô tả tồn-tại-cho-mình là không-tồn tại hay hư vô, nhưng nó không phải là cái không-tồn tại tự mình, sự không-tồn tại của chính nó, mà là không-tồn tại của tồn-tại-tự-mình. Trong khi không phải là sự không-tồn tại của chính mình, tồn-tại-cho-mình luôn phải nỗ lực để là sự không-tồn tại của chính mình nhưng không bao giờ có thể trở thành nó. Tồn-tại-cho-mình bao giờ cũng là dự phóng phủ định tồn-tại-tự-mình để nhìn nhận mình như là sự phủ định tồn-tại-tự-mình, và đồng thời là dự phóng phủ định chính mình để tránh trùng khít với chính mình, nếu không nó sẽ tự thủ tiêu chính nó. Tồn-tại-cho-mình là một tồn tại nghịch lý, hàm hồ, không xác định luôn thiếu vắng sự đồng nhất cả với tồn-tại-tự-mình lẫn với chính mình (xem tính hàm hồ và tính không xác định). Nó vĩnh viễn không bao giờ là cái đang là (tồn tại) và cái đang không là (không-tồn tại) và nó chỉ có thể hiện hữu bằng cách này mà thôi, với tư cách là cái đang bay ra khỏi bất cứ thứ gì tự đồng nhất với chính mình. Có lẽ thời gian hay thời tính, với tư cách là một quan niệm tạm thời gợi ra những ý niệm rất đỗi quen thuộc mà ai cũng có trong kinh nghiệm của mình, là cách giúp ta đến với bản tính nghịch lý, hàm hồ và không xác định của tồn-tại-cho-mình một cách dễ dàng nhất. Tồn-tại-cho-mình hiện hữu như là cái đang bay trong kích thước thời gian, cái đang vượt bỏ trong kích thước thời gian hay sự siêu việt trong kích thước thời gian, ra khỏi quá khứ của mình đến với tương lai của mình. Nó vừa là cái quá khứ không còn nữa và vừa là tương lai còn chưa tới của mình. Nếu bị gắn trong hiện tại thì nó cũng không còn hiện hữu, nhưng không có hiện tại thì tồn-tại-cho-mình lấy gì để bám vào? Tồn-tại-cho-mình luôn không phải là cái-là (quá khứ) và cái-chưa-là (tương lai). Nếu ngẫm nghĩ một chút chúng ta sẽ hiểu điều này có nghĩa là gì, bởi lẽ hết thảy chúng ta lúc nào cũng sống cùng với cái nghịch lý này. Tôi là quá khứ không còn nữa của tôi, và mọi hành động của tôi trong một thế giới nào đó, tức kết quả của quá khứ, đều nhắm đến một tương lai hãy còn chưa đến nào đó. Đối với hiện tại, không có một khoảnh khắc nào với tư cách là cái hiện tại như thế cả, vì khi tồn-tại-cho-mình vươn tới cái tương lai mà nó nhắm đến thì ngay lập tức cái tương lai ấy liền trở thành quá khứ, Sartre thích dùng chữ tương lai-quá khứ để diễn đạt ý này. Theo Sartre, cái hiện tại thực chất là sự hiện diện của tồn-tại-cho-mình trước tồn-tại-tự-mình với tư cách là cái đang bay trong kích thước thời gian từ tồn-tại-tự-mình đến tương lai. Tồn-tại-cho-mình không ở trong thế giới như các sự vật. Tồn-tại-cho-mình vượt lên trên thế giới và nó làm vậy bằng cách thoát ra khỏi nó theo hướng tương lai. Tuy nhiên, vì chỉ là sự phủ định tồn-tại-tự-mình, tồn-tại-cho-mình là một sự thoát ly liên tục đòi hỏi phải có sự tồn tại mà nó tìm cách thoát ra khỏi. Nó là sự thoát ly nhưng rốt cuộc là không thể thoát ly. Nó là sự siêu việt nhưng luôn bị kiện tính của hiện thân của nó cùng hoàn cảnh bao quanh nó níu kéo lại, vì kiện tính chính là cơ sở cho sự siêu việt của nó (xem rơi vào hoàn cảnh). Nói ngắn gọn, tồn-tại-cho-mình không phải là sự siêu-việt-tự-mình, một sự siêu việt thuần túy, mà là sự siêu việt khỏi kiện tính của nó. Nói theo ngôn ngữ đời thường, chính những dự phóng của con người cấu tạo nên sự siêu việt của tồn-tại-cho-mình. Những dự phóng của một cá nhân luôn nhắm đến tương lai trong đó anh ta sẽ vượt qua cái gì đó đang thiếu vắng trong hiện tại, một tương lai trong đó anh ta hi vọng và mong muốn được thỏa mãn, được đáp ứng nhiều hơn, và là một với chính mình. Sartre cho rằng về cơ bản tồn-tại-cho-mình luôn nhắm tới sự trùng khít với chính mình, là nền tảng của chính mình, là cái ông gọi là tồn-tại-cho-mình-tự-mình. Tuy nhiên, tồn-tại-cho-mình không thể nào đạt đến trạng thái tự nâng mình lên đồng nhất với chính mình này bởi lẽ nó chỉ hiện hữu như là sự phủ định tồn-tại-tự-mình và với tư cách ấy nó lấy tồn-tại-tự-mình, chứ không phải bản thân nó, làm cơ sở. Nó luôn hướng đến việc lấy cái tồn tại không phải là nó làm cơ sở, và với tư cách ấy nó không thể nào là nền tảng cho chính nó được. Khảo sát về tính bất khả của việc tồn-tại-cho-mình trở thành tồn-tại-cho-mình-tự-mình, Sartre cung cấp cho ta một lối giải thích hiện tượng học về việc tại sao sự thỏa mãn hoàn toàn lại không thể đạt được, tại sao Sartre nói “con người là một đam mê vô ích”. Tồn-tại-cho-mình là hư vô tự mình, do đó, nó phải luôn kiến tạo mình thành cái gì đó, hay đúng hơn, nó phải luôn nhắm đến việc là cái gì đó mà không bao giờ có thể trở thành cái ấy một cách nhất thành bất biến. Ai đấy có thể “trở thành” một cậu bồi bàn, chẳng hạn, nhưng điều đó không có nghĩa là anh ta trở thành một vật-bồi bàn theo cách cái bàn là cái bàn. Anh ta phải luôn chọn cách đóng vai là người bồi bàn, và đương nhiên bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể chọn cách ngược lại (xem ví dụ của Sartre về người bồi bàn để bàn kĩ hơn vấn đề này). Tồn-tại-cho-mình phải luôn chọn cho mình một phương cách tồn tại; nó không thể không làm điều đó, vì không chọn gì cả cũng là một lựa chọn. Tồn-tại-cho-mình mang lấy gánh nặng phải lựa chọn chính mình, phải lựa chọn cách ứng phó lại hoàn cảnh của nó. Tồn-tại-cho-mình, nói như Sartre, “bị kết án phải tự do”. Đối với Sartre, tồn-tại-cho-mình đích thị là một hữu thể tự do, và đấy là phương diện Sartre quan tâm nhất trong các tác phẩm của mình. Sartre cho rằng tự do không phải là thoát ly khỏi trách nhiệm, trái lại, tồn-tại-cho-mình phải có trách nhiệm chọn cách ứng phó với mọi hoàn cảnh. Khẳng định trách nhiệm này và sống có trách nhiệm là bản chất của tính đích thực. Tìm cách né tránh trách nhiệm này bằng cách không chọn lựa gì cả, bằng cách hành động như thể ta không có sự lựa chọn nào, bằng cách coi chính mình như một vật, và v.v., là bản chất của ngụy tín. Theo Sartre, bất cứ tồn-tại-cho-mình nào cũng đều có thể sống đích thực, nhưng phần lớn thời gian, hầu hết các tồn-tại-cho-mình, tức hầu hết mọi người, đều sống trong sự ngụy tín như là một cách tránh đi nỗi âu lo xao xuyến khi chợt cảm thấy cái hư vô trong cuộc đời và cảm thấy mình cần phải cách mình là ai và phải có trách nhiệm cho việc làm đó. Tồn-tại-cho-mình có thể được mô tả, như mô tả ở trên, qua các chữ phủ định, thiếu vắng, ý thức, thời tính, siêu việt, tự do, ngụy tín và v.v., và điều quan trọng phải lưu ý là đối với Sartre các hiện tượng then chốt này không phải là đặc tính của tồn-tại-tự-mình – nó không có đặc tính nào khác ngoài sự tồn tại. Chính trong hay qua mối quan hệ giữa tồn-tại-cho-mình và tồn-tại-tự-mình mà tất cả các hiện tượng then chốt thuộc về thực tại người nảy sinh. Tồn-tại-tự-mình là tồn tại vô sai biệt, chỉ đối với tồn-tại-cho-mình, tồn tại mới được phân biệt, nó mới biểu hiện như là tồn tại sai biệt. Xem thêm: Tồn tại và Hư vô, tồn-tại-trong-thế-giới, Dasein, phủ định kép, quan hệ nội tại, chủ thể siêu việt.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC