Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:
Ý THỨC (consciousness)
GARY COX ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Ý THỨC (consciousness). - Tồn-tại-cho-mình ở cấp độ hiện tượng học. Một thuật ngữ ít nhiều đồng nghĩa với tồn-tại-cho-mình, thường được sử dụng thay thế cho tồn-tại-cho-mình. Theo quan niệm của Sartre và các nhà hiện tượng học như Brentano và Husserl, đặc điểm xác định của ý thức là tính ý hướng. Tức là, ý thức chỉ hiện hữu trong chừng mực nó hướng đến một cái gì đó. Nó là hư vô tự mình và luôn luôn phải là ý thức về cái gì đó. Một sự kiện được tóm tắt bằng châm ngôn “ý thức là ý thức về…”. Ý thức là ý thức về thế giới và ý thức về chính nó theo nhiều cách khác nhau. Đối với Sartre, có (a) ý thức thiết định nên thế giới; (b) ý thức không-thiết định mặc nhiên hay ý thức không lập chủ đề (về) ý thức mà nếu không có nó ý thức ắt sẽ không ý thức và (c) ý thức tự thiết định về chính mình hay ý thức lập chủ đề về chính mình minh nhiên trong đó ý thức phản tư về chính mình. Cả (b) lẫn (c) thường được quy chiếu như là ý thức về chính mình nhưng nói cho chặt chẽ chỉ (c) là ý thức về chính mình. Ý thức (về) ý thức không thực sự là ý thức về chính mình. Tự ngã hay cái Tôi không hiện hữu trước khi có hành vi qua đó ý thức phản tư về chính mình. Tự ngã là một đối tượng tâm lý siêu việt được nhận thấy trong và qua hành vi của ý thức đang phản tư về chính mình. Xem ý thức về chính mình để giải thích đầy đủ sự khác nhau giữa ý thức (về) ý thức và ý thức về chính mình. Xem thêm: Sự siêu việt của tự ngã.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC