Thuyết Duy tâm Đức

Triết học phê phán §§40-41

BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC 1

MỤC LỤC

1

2

3

4

5

6

7

8

09

10

11

12

13

14

15

16 17 18 19 20 21 22 23 24 25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN THỨ NHẤT

KHOA HỌC LÔGÍC

 

B

LẬP TRƯỜNG THỨ HAI CỦA TƯ TƯỞNG

ĐỐI VỚI TÍNH KHÁCH QUAN

II

TRIẾT HỌC PHÊ PHÁN

 

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 154-162. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

§ 40

Triết học Phê phán có điểm chung với thuyết duy nghiệm, đó là xem kinh nghiệm là cơ sở duy nhất của những nhận thức [của chúng ta], nhưng nó không xem chúng là những chân lý mà chỉ là nhận thức về những hiện tượng mà thôi.

Sự phân biệt giữa các yếu tố được tìm thấy ở trong việc phân tích kinh nghiệm – tức chất liệu cảm tính và những mối quan hệ phổ biến của chất liệu này – là điểm xuất phát đầu tiên. Kết hợp với điều này, ta có sự phản tư – như đã nêu ở mục [§39] trên đây, rằng chỉ có cái cá biệt và chỉ có cái gì đang xảy ra, xét một cách tự nơi chính nó, là được chứa đựng ở trong tri giác. | Nhưng, đồng thời, Triết học Phê phán kiên định với sự kiện rằng sự phổ biến và sự tất yếu cũng là các quy định cơ bản được tìm thấy ở trong cái gọi là kinh nghiệm. Và, vì lẽ yếu tố này không bắt nguồn từ bản thân kinh nghiệm, nên nó thuộc về tính tự khởi của tư duy, hay, nói khác đi, là tiên nghiệm. – Các quy định tư duy hay các khái niệm [thuần túy] của giác tính [các phạm trù] tạo nên tính khách quan cho những nhận thức của kinh nghiệm. Nói chung, chúng chứa đựng các mối quan hệ và vì thế, qua chúng, hình thành nên những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm[1] (tức là những quan hệ căn nguyên của những hạn từ đối lập).

Thuyết hoài nghi kiểu Hume không phủ nhận sự kiện rằng các quy định về sự phổ biến và tất yếu là được tìm thấy ở trong nhận thức. Trong triết học Kant cũng thế, điều này không gì khác hơn là một sự kiện được tiền-giả định; trong ngôn ngữ thông thường của các ngành khoa học, ta có thể nói rằng triết học này [triết học Kant] đã chỉ đề xuất một sự giải thích khác về sự kiện này mà thôi.

 

§41

Trước hết, Triết học Phê phán buộc các khái niệm của giác tính – được sử dụng không chỉ trong Siêu hình học mà cả trong các ngành khoa học khác và trong việc hình dung thông thường – phải phục tùng một sự khảo sát về giá trị hiệu lực của chúng. Tuy nhiên, bản thân sự phê phán này không bàn về nội dung hay về mối quan hệ nhất định giữa các quy định-tư duy này với nhau, trái lại, nó xem xét chúng dựa theo sự đối lập giữa tính chủ quan [hay tính chủ thể] và tính khách quan nói chung. Theo cách được nắm lấy ở đây, sự đối lập này liên quan đến sự phân biệt giữa các yếu tố ở bên trong kinh nghiệm (xem mục trên đây [§40]). Trong bối cảnh ấy, “tính khách quan” có nghĩa là yếu tố về sự phổ biến và sự tất yếu, tức, về bản thân các quy định-tư duy, – tức cái gọi là tiên nghiệm[2]. Nhưng, Triết học Phê phán mở rộng sự đối lập đến nỗi kinh nghiệm, trong toàn bộ của nó, đều rơi vào bên trong tính chủ thể; nghĩa là, cả hai yếu tố ấy [tính chủ quan và tính khách quan] đều có tính chủ quan, và không còn có gì đối lập lại với tính chủ thể nữa ngoại trừ Vật-tự thân (Ding-an-sich).

Các hình thức chi tiết hơn của cái tiên nghiệm, tức, của tư duy – mà bất chấp tính khách quan của nó – được lý giải như là một hoạt động đơn thuần chủ quan, sẽ được lần lượt trình bày sau đây theo một trình tự hệ thống (cần phải lưu ý ngay rằng trình tự ấy chỉ dựa trên các cơ sở tâm lý học-lịch sử).

 

Giảng thêm 1:

Buộc những quy định của Siêu hình học cổ truyền phải phục tùng một sự kiểm tra quả thật là một bước đi rất quan trọng. [Lối] tư duy ngây thơ đã đi vào những quy định-tư duy do nó trực tiếp và tự phát tạo ra mà không có một chút băn khoăn nào. Ở giai đoạn ấy, không ai đặt câu hỏi xem những quy định ấy – tự nơi chúng (für sich) – có giá trị và có hiệu lực đến mức độ nào. Trước đây ta đã lưu ý rằng tư duy tự do là tư duy không có một tiền-giả định nào cả. Sở dĩ tư duy của Siêu hình học cổ truyền là không tự do là vì những quy định của nó được xem là có giá trị như một cái được tiền-giả định, như một cái tiên nghiệm mà không hề được sự phản tư thẩm tra.

Trong khi đó, Triết học Phê phán tự đặt ra nhiệm vụ khảo sát xem, nói chung, những hình thức của tư duy có năng lực đến đâu trong việc giúp ta nhận thức được chân lý. Nói chính xác hơn, chính quan năng nhận thức phải được khảo sát trước khi việc nhận thức bắt đầu. Chỗ đúng đắn của công việc làm này là: bản thân những hình thức của tư duy phải trở thành đối tượng của việc nhận thức, chỉ có điều nó sớm lén lút phạm sai lầm khi muốn có được nhận thức trước khi nhận thức, hay không chịu xuống nước trước khi học bơi. Tất nhiên, những hình thức của tư duy không nên được sử dụng mà không có sự thẩm tra nào, nhưng bản thân tiến trình thẩm tra cũng là một tiến trình nhận thức. Do đó, hoạt động của những hình thức tư duy và việc phê phán nó phải được hợp nhất lại ở trong việc nhận thức. Những hình thức tư duy phải được xem xét một cách tự-mình-và-cho-mình; chúng là đối tượng và hoạt động của bản thân đối tượng; chúng tự thẩm tra chính mình; chúng phải tự quy định lấy những giới hạn của mình nơi chính chúng và tự cho thấy chỗ thiếu sót của mình. Đó mới chính là hoạt động của tư duy mà sau đây sẽ được nghiên cứu một cách đặc biệt như là phép biện chứng; và ở đây chỉ có thể lưu ý sơ bộ rằng phép biện chứng không phải được mang lại cho những quy định-tư duy từ bên ngoài, mà đúng hơn, phải được xét như là ở ngay trong chính chúng.

Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên trong triết học Kant là hãy để cho bản thân tư duy tự thẩm tra xem nó có năng lực nhận thức đến đâu. Ngày nay, chúng ta đã đi ra khỏi triết học Kant và ai ai cũng muốn tiếp tục đi xa hơn. Tuy nhiên, có hai cách để đi xa hơn: ta có thể đi tới hoặc đi lùi. Nhìn một cách tường tận, nhiều nỗ lực triết học của ta vẫn không gì khác hơn là phương pháp [sai lầm] của Siêu hình học cổ truyền, tức một sự tư duy nhắm mắt đi tới một cách không phê phán mà ai ai cũng có thể làm được.

 

Giảng thêm 2:

Việc nghiên cứu của Kant về những quy định-tư duy vấp phải một thiếu sót cơ bản, đó là chúng không được xem xét một cách tự-mình-và-cho-mình mà chỉ dưới giác độ là chủ quan hay khách quan mà thôi. Trong sự sử dụng ngôn ngữ ở đời sống hàng ngày, ta hiểu cái khách quan là cái hiện diện ở bên ngoài ta và được mang lại cho ta từ bên ngoài thông qua sự tri giác. Kant phủ nhận rằng các quy định-tư duy (chẳng hạn: nguyên nhân và kết quả) là có tính khách quan theo nghĩa vừa nói, tức là, phủ nhận rằng chúng được mang lại ở trong tri giác, trái lại, xem xét chúng như là thuộc về bản thân tư duy của chúng ta hay thuộc về tính tự khởi của tư duy, và, trong nghĩa này, là chủ quan. Nhưng rồi Kant lại gọi cái được suy tưởng – nói chính xác hơn, gọi cái phổ biến và cái tất yếu – là cái khách quan, còn gọi cái chỉ được cảm giác là cái chủ quan. Qua đó, dường như việc sử dụng ngôn ngữ nói trên đây đã bị đảo ngược, và, vì thế, người ta đã trách Kant là làm rối loạn ngôn ngữ, song, việc chê trách ấy là rất oan cho ông. Thật ra, vấn đề là như thế này: đối với ý thức thông thường, cái đối lập lại với nó, tức cái có thể tri giác được một cách cảm tính (vd: con vật này, ngôi sao kia v.v…) có vẻ như là cái gì tự tồn, độc lập-tự chủ nơi chính nó, còn ngược lại, những tư tưởng thì lại tỏ ra là cái không độc lập-tự chủ và là cái phụ thuộc vào một cái khác. Thế nhưng, trong thực tế, cái có thể được tri giác một cách cảm tính lại là cái thực sự không độc lập-tự chủ và là cái hạng hai, còn chính những tư tưởng mới là cái độc lập-tự chủ đúng thật và là cái hạng nhất. Chính trong nghĩa đó mà Kant đã gọi cái gì có tính tư tưởng (cái phổ biến và tất yếu) là cái khách quan, và ông hoàn toàn có lý. Mặt khác, cái có thể tri giác được một cách cảm tính chỉ là cái chủ quan trong chừng mực nó không có chỗ dựa trong chính mình và đồng thời là phù du, tiêu biến, trong khi tư tưởng lại có tính chất bền vững và sự tự tồn nội tại. Ngày nay, sự quy định vừa nói và được Kant khẳng định về sự phân biệt giữa cái khách quan và cái chủ quan có mặt trong ngôn ngữ của ý thức đã được đào luyện cao hơn: chẳng hạn, khi thẩm định về một tác phẩm nghệ thuật, ta đòi hỏi rằng nó phải có tính khách quan chứ không được chủ quan, và ta hiểu đòi hỏi đó theo nghĩa tác phẩm không được xuất phát từ cảm giác ngẫu nhiên, cá lẻ và sự hứng khởi nhất thời mà phải nắm bắt được các giác độ phổ biến và có cơ sở trong bản chất của nghệ thuật. Và cũng trong nghĩa đó mà khi nghiên cứu khoa học, ta có thể phân biệt giữa một sự quan tâm khách quan với một sự quan tâm chủ quan.

Song, ngay bản thân tính khách quan của tư duy theo nghĩa của Kant cũng chỉ lại là chủ quan trong hình thức của nó, bởi, theo Kant, những tư tưởng, tuy là những quy định phổ biến và tất yếu, nhưng vẫn chỉ là những tư tưởng của ta và tách biệt với Vật-tự thânbằng một vực thẳm không thể vượt qua được. Trong khi đó, [theo Hegel], tính khách quan đúng thật của tư duy chính là ở chỗ: những tư tưởng này không phải đơn thuần là những tư tưởng của ta mà đồng thời là cái Tự-thân của những sự vật và của bất kỳ cái gì mang tính đối tượng-khách quan nói chung.

“Khách quan” và “chủ quan” là các thuật ngữ thuận tiện được ta quen sử dụng, nhưng việc sử dụng ấy cũng có thể rất dễ gây nên sự lẫn lộn. Theo những gì đã trình bày, chữ “tính khách quan” có ba ý nghĩa:

-  trước hết, nó có nghĩa là cái gì hiện diện ở bên ngoài, như là cái phân biệt với những gì chỉ có tính chủ quan, tư kiến hay mơ mộng v.v..., 

-  thứ hai, nó có nghĩa – theo Kant – là cái gì phổ biến và tất yếu, phân biệt với cái bất tất, đặc thù và chủ quan thuộc về cảm giác; và 

-  thứ ba, có ý nghĩa là cái tự thân được suy tưởng như vừa nói trên của cái đang tồn tại, phân biệt với cái chỉ được ta suy tưởng và, do đó, không phải của bản thân Sự việc hay của Vật-tự thân.

 


([1]) Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, nhất là Lời dẫn nhập (B1-29), Sđd, Bùi Văn Nam Sơn, tr. 77-109. 

[2] Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B2; Sơ luận, §§18-19.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt