Nhận thức luận | Khoa học luận

Kết luận: Quan hệ giữa tác giả với công chúng

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

19.

KẾT LUẬN: QUAN HỆ CỦA TÁC GIẢ VỚI CÔNG CHÚNG

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 71

Vì lẽ tôi đã lấy sự “tự-vận động” [tự-phát triển] của Khái niệm làm môi trường trong đó Khoa học mới thực sự tồn tại được, và vì lẽ trong những phương diện mà tôi quan tâm cũng như trong nhiều phương diện khác, các quan niệm hiện hành về bản tính của chân lý và về hình thái của chân lý có chỗ khác biệt với quan niệm của tôi, thậm chí trái ngược hẳn lại, nên nỗ lực của tôi nhằm trình bày Hệ thống của Khoa học [Triết học] trong ý nghĩa khác biệt ấy e rằng khó hứa hẹn có được một sự tiếp nhận thuận lợi. Tuy nhiên, trong lúc đó, tôi cũng nghiệm ra rằng, chẳng hạn, đã có thời người ta xem chỗ tuyệt vời nhất của triết học PLATON là ở những “Huyền Thoại” vô giá trị về mặt khoa học của ông; rồi lại có những thời, thậm chí ở thời thường được gọi là thời “Mơ mộng thần bí”(151), triết học ARISTOTE lại được xem trọng do độ sâu thẳm tư biện của nó; và tác phẩm đối thoại “PARMENIDES” của PLATON – có lẽ là tác phẩm vĩ đại nhất của phép biện chứng cổ đại – lại được xem như là sự vén mở và thể hiện tích cực, khẳng định về đời sống thần linh trong tính chân lý đích thực. | Thậm chí, đối với nhiều chỗ tối tăm vốn là sản phẩm của sự “xuất thần” (Ekstase), thì sự xuất thần bị ngộ nhận ấy, trong thực tế, không được có nghĩa gì khác hơn là [hoạt động của] Khái niệm thuần túy. | Hơn thế nữa, [tôi cũng nghiệm ra rằng] những gì hay ho nhất trong nền triết học của thời đại chúng ta đều thiết định bản thân giá trị của mình ở trong tính khoa học; và cho dù có quan điểm khác nhau về tính khoa học, thì cũng chỉ nhờ có tính khoa học mà nền triết học gần đây mới có được giá trị và sự thừa nhận(152).

Nên vì thế, tôi cũng hy vọng rằng nỗ lực của tôi nhằm biện minh rằng Khoa học là một tiến trình mang tính Khái niệm và nhằm trình bày Khoa học ở trong môi trường (das Element) riêng biệt của nó sẽ biết cách tìm được đường đi cho chính mình nhờ vào chân lý nội tại của Sự việc. Chúng ta phải vững tin rằng cái đúng thật [Chân lý] (das Wahre) có bản tính là tự mở đường đi để được thừa nhận khi thời khắc của nó đã đến; và nó chỉ xuất đầu lộ diện vào đúng thời khắc này, do đó, không bao giờ xuất hiện quá sớm cũng như khi chưa có một công chúng đã chín muồi để đón nhận nó. | Và, hơn nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng cá nhân [nhà tư tưởng] cần việc này xảy ra để thử thách lòng tin của mình vào những gì mới là công việc cô độc, riêng lẻ và để trải nghiệm sự xác tín về cái gì mới thoạt đầu thuộc về tính cá nhân sẽ được hiện thực hóa như cái gì mang tính phổ biến. Tuy nhiên, trong mối liên kết này, thường rất cần thiết phải phân biệt giữa công chúng với những kẻ tự xưng mình là những đại biểu và những người phát ngôn của công chúng. Trong nhiều phương diện, công chúng có lối ứng xử khác, thậm chí trái ngược hẳn với những người ấy. Trong khi công chúng rất tốt bụng và rộng lượng, sẵn sàng nhận lỗi về phía mình khi một công trình triết học không hoàn toàn dễ chấp nhận hay dễ hiểu đối với họ. | Ngược lại, những vị “đại biểu” này, do quá tự tin vào thẩm quyền của mình, đẩy hết mọi “tội lỗi” về phía tác giả. Ảnh hưởng hay tác động của tác phẩm đối với công chúng cũng âm thầm hơn là hành động của những vị “đại biểu” này, họ giống như những người chết đang chôn cất những người chết của họ [mượn hình ảnh trong Kinh Thánh: “Tin mừng của Thánh Mathiơ”, VIII, 22 và của Thánh Luca, IX, 60. (N.D)]. Trong khi trình độ chung của nhận thức hiện nay ngày càng cao hơn, sự hiếu kỳ ngày càng tỉnh thức hơn và phán đoán, đánh giá của nó cũng ngày càng được đưa ra vội vã hơn, khiến cho có thể nói bước chân của những người muốn lôi bạn ra khỏi nhà đã đến tận cửa rồi, thì, đồng thời, ta lại phải thường xuyên phân biệt tất cả những điều ấy với sự tác động chậm rãi, ôn tồn hơn, [bởi nó] luôn điều chỉnh hướng chú ý của ta vốn bị khống chế bởi những sự cam kết đầy ấn tượng trên đây, cũng như điều chỉnh lại những lời chê trách có tính mạt sát; và, sau một thời gian sẽ có được một công chúng cùng chia xẻ, trong khi phía bên kia, sau một thời gian thịnh hành theo kiểu thời thượng, sẽ không còn có công chúng nào đi theo nữa.

         

§ 72

Vả chăng, ở một thời điểm mà tính phổ biến của Tinh thần đã cường tráng lên rất nhiều như hiện nay, và tính cá biệt [của cá nhân riêng lẻ] – đúng như nó phải là – càng trở nên dửng dưng, không hệ trọng một cách tương ứng; cũng như khi cái phổ biến – trong toàn bộ phạm vi của nó – nắm vững trong tay sự phong phú do nó đã tạo dựng nên và đòi hỏi quyền làm chủ đối với tất cả sự phong phú ấy, thì phần tham dự do hoạt động của từng cá nhân riêng lẻ vào toàn bộ thành quả của Tinh thần chỉ có thể là rất nhỏ bé. | Chính vì thế, cá nhân riêng lẻ cần phải tự quên bản thân mình đi đúng như bản tính tự nhiên của Khoa học vốn đã hàm ý và đòi hỏi cá nhân như thế. | Nghĩa là, cá nhân riêng lẻ phải “trở thành” và làm những gì mình có thể, nhưng cũng phải đòi hỏi ít hơn nơi cá nhân, giống như bản thân cá nhân chỉ có thể chờ đợi ít hơn từ chính mình và đòi hỏi ít hơn cho chính mình(153).

 



(151) “Schwärmerei”: “mơ mộng thần bí” hay “cuồng tín huyền học”, ám chỉ thời kỳ của thuyết Platon-mới, đặc biệt công trình chú giải Platon của Proklos (nhất là về “đối thoại Parmenides”). Tuy nhiên, trong “Các bài giảng về lịch sử triết học”, Hegel cũng lại gọi “đối thoại” này của Platon là “tác phẩm bậc thầy về phép biện chứng”. Về mối quan hệ đặc biệt của Hegel với Aristote, xem lại chú thích 64 cho §23.

(152)“Sự xuất thần” (Ekstase): (nguyên gốc Hy Lạp: ekstasis: tồn tại-ở-bên ngoài mình/Außer-sich-Sein). Theo nghĩa triết học, chỉ việc con người đi ra khỏi tư duy suy lý thông thường để đón nhận kinh nghiệm về một thực tại “cao” hơn và “đích thực” hơn. Theo nghĩa ấy, sự xuất thần không phải là mất-ý thức mà là có ý thức và có sự xác tín ở độ cao nhất: tồn tại-ở-bên ngoài mình là đồng nhất với đi đến-với chính mình. Hiện tượng này có nguồn gốc từ Platon, có ý nghĩa quan trọng trong phái Platon-mới và huyền học Ki-tô giáo (cho đến triết học về “xuất-tính thể” (Ek-sistenz) của M. Heidegger ngày nay. Ở §7, Hegel đã đả kích quan niệm này, và, ở đây, với câu nói “sự xuất thần bị ngộ nhận ấy, trong thực tế, không được có nghĩa gì khác hơn là khái niệm thuần túy” rọi thêm ánh sáng vào mối quan hệ độc đáo và đặc sắc của Hegel với “sự xuất thần” và “huyền học” (Mystik).

“Tính khoa học”: ám chỉ các nỗ lực của Kant, Fichte, Schelling đặt cơ sở cho một nền “triết học khoa học”:

+ Kant: thông qua triết học phê phán, nhằm “đưa Siêu hình học đi bước đi vững chắc của một khoa học”. (Phê phán Lý tính thuần túy, BXXIII).

+ Fichte: triết học “phải trút bỏ tên gọi là một thứ kiến thức, một thứ yêu mến [kiến thức], một thứ nghiệp dư để trở thành khoa học” (“Về khái niệm về Học thuyết khoa học”/1798, Tác phẩm I, 44).

+ Schelling: nâng triết học lên cấp độ của một “Khoa học phổ quát”. (“Các trình bày thêm từ hệ thống triết học”, tập 4, 411).

(153) Vấn đề then chốt được Hegel đặt ra trong Lời Tựa là phải vượt qua thuyết lãng mạn của chính thời tuổi trẻ của ông để đưa triết học vào trong tính chân lý “có khả năng trở thành sở hữu chung của mọi lý tính tự giác” (§70). Vào năm 1801, khi viết quyển “Sự dị biệt giữa hệ thống Fichte và hệ thống Schelling về triết học”, ông đã bắt đầu suy nghĩ và “xử lý” một cách triết học về toàn bộ niềm tin của thời trai trẻ. Lời Tựa này là dịp để ông khẳng định và triển khai những gì mới là hạt mầm trong tác phẩm ấy; và từ nay, ông tin vào một sự phát triển của Tinh thần và của Khoa học như là “chân lý nội tại của Sự việc”. Niềm tin này được ông giữ trọn đến cuối đời.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt