Triết học nghệ thuật

Nhận xét chung về phần Phân tích pháp về cái đẹp

 

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP

 

NHẬN XÉT CHUNG VỀ PHẦN PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr.135-139. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

Kết quả rút ra từ các phân tích trên đây cho thấy: tất cả đều quy về khái niệm về sở thích như một quan năng phán đoán [đánh giá] về một đối tượng trong mối quan hệ với tính hợp quy luật tự do của trí tưởng tượng. Bây giờ, trong phán đoán sở thích, nếu trí tưởng tượng phải được xem xét trong tính tự do của nó, thì trước hết, nó không phải là trí tưởng tượng tái tạo (reproduktiv) như khi nó phải phục tùng những quy luật của sự liên tưởng, mà là trí tưởng tượng tác tạo (produktiv) tự hành (selbsttätig) (như là tác giả của những hình thức tùy tiện của những trực quan khả hữu*. | Và mặc dù trong việc lĩnh hội một đối tượng được giác quan mang lại, nó bị ràng buộc với một hình thức nhất định của đối tượng này, và trong chừng mực đó, không phải là “trò chơi” tự do (như khi sáng tác thi ca), ta vẫn có thể nhận ra rằng đối tượng hầu như mang lại cho trí tưởng tượng một hình thức như thế – chứa đựng một sự tập hợp cái đa tạp – giống như hình thức mà bản thân trí tưởng tượng, nếu để cho nó tự do và tự hành, ắt cũng sẽ phác họa ra trong sự hài hòa với tính hợp quy luật nói chung của giác tính. Chỉ có điều, trí tưởng tượng vừa tự do, mà lại vừa tự mình có tính hợp quy luật, tức là, trí tưởng tượng mang theo mình một sự tự trị (Autonomie), là một sự mâu thuẫn. Chỉ có giác tính mới mang lại quy luật. Nhưng nếu trí tưởng tượng lại buộc phải vận hành theo một quy luật nhất định, thì sản phẩm của nó, về mặt hình thức, là được khái niệm quy định, và trong trường hợp ấy, như đã chỉ ra ở trên, sự hài lòng không phải là sự hài lòng trước cái đẹp mà là trước cái tốt (tức trước tính hoàn hảo, dù chỉ là tính hoàn hảo về hình thức); và phán đoán sẽ không phải là một phán đoán do sở thích đưa ra nữa.

Vậy, chỉ [có thể] có một tính hợp quy luật mà không có quy luật, và một sự hài hòa chủ quan giữa trí tưởng tượng và giác tính mà không có một sự hài hòa khách quan – bởi hài hòa khách quan có nghĩa là biểu tượng quan hệ với một khái niệm nhất định về đối tượng – mới có thể cùng tồn tại với tính hợp quy luật tự do đối với quy luật của giác tính (còn gọi là “tính hợp mục đích không có mục đích”) và với đặc tính riêng có của một phán đoán sở thích.

Bây giờ, ta thấy các hình thể hình học hợp quy tắc, chẳng hạn một hình tròn, hình vuông, hình lập phương v.v... thường được các nhà phẩm bình về sở thích trưng ra như các ví dụ điển hình đơn giản nhất và hiển nhiên nhất về vẻ đẹp*. | Và tuy vậy, chúng vẫn được gọi là hợp quy tắc bởi người ta không thể hình dung chúng bằng cách nào khác hơn là phải xem chúng như các diễn tả đơn thuần của một khái niệm nhất định vốn đã đề ra quy tắc cho hình thể ấy (và hình thể ấy cũng chỉ có thể có được khi tuân theo quy tắc này mà thôi). Vậy sai lầm phải thuộc về một trong hai phía: hoặc đó là sai lầm trong phán đoán của các nhà phẩm bình khi gắn thuộc tính đẹp vào cho các hình thể nói trên; hoặc đó là sai lầm của ta khi xem tính hợp mục đích mà không có mục đích mới là điều cần thiết đối với vẻ đẹp.

Thật ra, không ai nghĩ rằng một người muốn có “gu” thẩm mỹ phải thấy cần yêu thích một hình dáng tròn trịa hơn là một phác họa nguệch ngoạc, hài lòng trước một hình tam giác đều cạnh đều góc hơn là một hình tam giác nghiêng lệch, không đều và thậm chí méo mó, bởi điều này chỉ cần lý trí thông thường chứ không cần gì đến gu thẩm mỹ cả. Ở đâu có mặt một mục đích, chẳng hạn để đánh giá vị trí của một khu đất hay để nắm được mối quan hệ giữa các bộ phận với nhau và với cái toàn bộ khi có một sự phân chia thì bấy giờ các hình thể hợp quy tắc – và là các hình thể thuộc loại đơn giản nhất – là cần thiết; và sự hài lòng không dựa trực tiếp trên vẻ xuất hiện đẹp mắt của hình thể mà trên tính hữu dụng của nó cho một mục đích khả hữu nào đó. Một căn phòng với các bức tường tạo nên các góc lệch; một khu vườn cũng có kiểu dáng như thế, và kể cả mọi sự vi phạm tính đối xứng không những nơi hình thể của thú vật (v.d: chỉ có một mắt) mà cả nơi nhà cửa hay bó hoa sở dĩ không làm hài lòng, là vì nó trái mục đích không chỉ theo nghĩa thực tiễn trong việc sử dụng các sự vật ấy mà cả trong việc phán đoán về bất kỳ mục đích nào khác. | Nhưng với phán đoán về sở thích, tình hình lại không như thế. | Bởi vì, khi phán đoán ấy là thuần túy, sự hài lòng hay không hài lòng trực tiếp gắn liền với sự chiêm ngưỡng đơn thuần đối với đối tượng chứ không quan tâm gì đến việc sử dụng hay đến một mục đích nào cả.

Tính hợp quy tắc dẫn đến khái niệm về một đối tượng đúng là điều kiện không thể thiếu được (latinh: conditio sine qua non) để nắm bắt đối tượng trong một biểu tượng duy nhất và để mang lại cho cái đa tạp một hình thức nhất định. Sự xác định này là một mục đích đối với việc nhận thức, và trong mối quan hệ này bao giờ nó cũng gắn liền với sự hài lòng (đi kèm theo sự hoàn tất một mục đích nào đó, kể cả mục đích đơn thuần có tính nghi vấn). Tuy nhiên ở đây, ta chỉ có sự thừa nhận giá trị của giải pháp đã giải quyết tốt một vấn đề chứ không phải sự tiêu khiển tự do và có tính hợp mục đích-bất định của các năng lực tâm thức ở nơi cái được ta gọi là đẹp. | Ở trường hợp sau, giác tính phục vụ cho trí tưởng tượng, còn ở trường hợp trước thì ngược lại.

Đối với một sự vật chỉ có thể ra đời thông qua một mục đích, chẳng hạn một ngôi nhà hay thậm chí một con vật thì tính hợp quy tắc của nó – thể hiện bằng sự đối xứng – phải diễn tả sự thống nhất của trực quan đi liền với khái niệm về mục đích của nó và cũng thuộc về sự nhận thức. Còn bất cứ nơi đâu chỉ nhằm duy trì một sự tương tác tự do của các năng lực biểu tượng (tất nhiên với điều kiện không đi ngược lại giác tính), chẳng hạn trong các vườn cảnh, trong việc trang hoàng phòng ốc, trong đủ loại trang bị cho thấy có “gu” thẩm mỹ v.v..., thì cần phải tránh tính hợp quy tắc có tính khiên cưỡng càng nhiều càng tốt. | Cho nên, sở thích của người Anh trong kiến tạo vườn, sở thích theo kiểu Barock trong nghệ thuật đồ gỗ đẩy sự tự do của trí tưởng tượng gần đến chỗ kỳ dị (Grotesken), và trong sự ly khai này với mọi sự cưỡng chế của quy tắc, khẳng định trường hợp nào sở thích có thể chứng tỏ tính hoàn hảo ở mức độ cao nhất trong những dự phóng của trí tưởng tượng.

Mọi cái hợp quy tắc cứng nhắc (đến gần với tính hợp quy tắc kiểu toán học) tự chúng có cái gì đi ngược lại với sở thích [thẩm mỹ]. | Trong việc thưởng ngoạn, chúng không dành cho ta một sự tiêu khiển lâu bền; và trong chừng mực không có một mục đích nhận thức hay một mục đích thực tiễn nhất định nào đó, chúng sẽ làm ta nhàm chán. Ngược lại, những gì để cho trí tưởng tượng tự do tung hoành một cách không vất vả, kỳ khu nhưng lại hợp-mục đích [của bản thân trí tưởng tượng], chúng luôn mới mẻ, thanh tân với ta và ta cũng thưởng ngoạn chúng không chán mắt. Marsden*, trong trần thuật của mình về đảo Sumatra có nhận xét rằng ở đây cảnh đẹp tự do của Tự nhiên quá nhiều bao bọc chung quanh người xem nên ít có sức hấp dẫn đối với ông ta; trái lại, một vườn tiêu mà ông gặp được trong rừng với những dãy cọc sắp thành hàng song song thẳng tắp, trên đó dây tiêu bám vào làm ông thấy thích thú hơn. | Từ đó, ông kết luận rằng vẻ đẹp hoang dã, có vẻ ngoài vô quy tắc chỉ làm hài lòng như một sự thay đổi đối với những ai đã nhìn quá đủ cái gì hợp quy tắc. Chỉ có điều là, giá như ông ta chỉ cần thử ở nguyên cả ngày trong vườn tiêu ấy, ắt sẽ nhận ra rằng: trước đây chính tính hợp quy tắc đã cho phép giác tính đặt mình vào sự hài hòa với trật tự vốn là đòi hỏi thường xuyên của nó, nhưng đối tượng không duy trì được lâu hơn cho giác tính mà đúng hơn, áp đặt một sự cưỡng bách khó chịu lên trên trí tưởng tượng; trong khi ngược lại, Tự nhiên-không phục tùng một sự cưỡng chế nào của những quy tắc nhân tạo – lại dồi dào đến độ thừa thải tính đa dạng như phong cảnh ở đảo kể trên có thể cung ứng dưỡng chất cho sở thích của ông ta một cách bền vững. Ngay cả tiếng chim hót mà ta không thể nào đưa vào dưới một quy tắc âm nhạc nào cả lại xem ra chứa đựng nhiều sự tự do hơn và vì thế, phong phú hơn cho sở thích thưởng thức của ta so với bản thân một tiếng hát của con người được cất lên đúng theo mọi quy tắc bài bản của nghệ thuật thanh nhạc, bởi tiếng hát của con người, nếu được lặp đi lặp lại quá thường và quá lâu, sẽ càng làm ta chán ngấy hơn nhiều. Ở đây dường như rất giống với trường hợp ta có cảm tình với vẻ nhí nhảnh của con vật nhỏ đáng yêu cùng với vẻ đẹp trong tiếng hót của nó mà nếu con người bắt chước giống hệt (như vẫn thường có người nhái giọng hót của chim họa mi) ắt có lẽ sẽ rất vô vị đối với tai của chúng ta.

Ngoài ra cũng còn cần phải phân biệt giữa những đối tượng đẹp với tầm nhìn đẹp về đối tượng (thường đối tượng không còn được nhận ra thật minh bạch do khoảng cách xa). Với tầm nhìn xa, dường như sở thích gắn bó không nhiều lắm với những gì trí tưởng tượng lĩnh hội (auffassen) được trong bối cảnh ấy mà là với những gì tạo cơ hội cho trí tưởng tượng mơ mộng (dichten) thêm, tức là gắn bó với những hình ảnh hư cấu đúng nghĩa, để tâm thức tự tiêu khiển khi nó được đánh thức do tính đa tạp của đối tượng liên tục đập vào mắt. | Đó chính là trường hợp như khi ta ngồi ngắm những hình thể đổi thay không ngừng của ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi hay của dòng suối đang chảy róc rách: cả hai đều không phải là những sự vật có vẻ đẹp nhưng lại mang theo mình một sự kích thích đối với trí tưởng tượng vì chúng duy trì lâu bền “trò chơi” tự do của trí tưởng tượng.

 



* Trí tưởng tượng tái tạo và trí tưởng tượng tác tạo: xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B151-152. (N.D).

* Ám chỉ quan điểm của Johann Georg Sulzer: “Các nghiên cứu về nguồn gốc của cảm giác dễ chịu và không dễ chịu” (Untersuchungen über den Ursprung der angenehmen und unangenehmen Empfindungen), trong: Các tác phẩm triết học, tập hợp từ các niên giám của Viện Hàn Lâm khoa học Berlin, Tập I, Leibzig 1773, tr. 1-99. Quan niệm này cũng bị David Hume bác bỏ (trong: Nhà hoài nghi, bản tiếng Đức. Hamburg/Leibzig 1754, Ấn bản 2, 1756, tr. 278-279). Theo Hume, vẻ đẹp không nằm trong hình thể hay trong đối tượng mà trong cảm giác và sở thích của người xem. (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Wilhelm Marsden: Trần thuật về người và cảnh tại đảo Sumatra ở Đông Ấn/Natürliche und bürgerliche Beschreibung der Insel Sumatra in Ostindien, Leibzig, 1785, tr. 151- 152. (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt