Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái đẹp - Phương diện thứ ba

 

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP

 

PHƯƠNG DIỆN THỨ BA CỦA CÁC PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH

XÉT VỀ MẶT TƯƠNG QUAN VỚI MỤC ĐÍCH ĐƯỢC ĐƯA VÀO

XEM XÉT TRONG CÁC PHÁN ĐOÁN ẤY

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 93-115. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

§10

TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH (ZWECKMÄßIGKEIT) NÓI CHUNG

Định nghĩa một “mục đích” (Zweck) dựa theo các quy định siêu nghiệm của nó (tức là không tiền-giả định một cái gì thường nghiệm cả, chẳng hạn như tình cảm vui sướng), ta thấy: mục đích là đối tượng của một khái niệm, trong chừng mực khái niệm này được xem như là nguyên nhân (Ursache) của đối tượng (cơ sở hiện thực cho khả thể của nó); và tính nhân quả (Kausalität) của một khái niệm đối với đối tượng của nó là “tính hợp mục đích” (Zweckmäßigkeit) (lat: forma finalis). Vậy, ở đâu không chỉ đơn thuần nhận thức về một đối tượng mà bản thân đối tượng (hình thức hay sự hiện hữu hiện thực của nó) với tư cách là kết quả tác động (Wirkung) được suy tưởng là chỉ có thể được thông qua một khái niệm về nó, là ở đó ta đang suy tưởng [hay hình dung] ra một mục đích. Ở đây, sự hình dung ra kết quả là cơ sở quy định cho nguyên nhân của nó và đi trước nguyên nhân ấy. Ý thức về tính nhân quả của một biểu tượng đối với trạng thái của chủ thể muốn duy trì sự tiếp tục của trạng thái ấy có thể gọi chung là sự vui sướng; còn sự không vui sướng là biểu tượng chứa đựng cơ sở cho việc đảo ngược trạng thái ấy của các biểu tượng thành cái đối lập với chúng (để ngăn cản hay xóa bỏ chúng).

Quan năng ham muốn, trong chừng mực có thể được quy định (bestimmbar) đơn thuần bởi các khái niệm, nghĩa là, phải hành động phù hợp với biểu tượng [sự hình dung] về một mục đích, ắt hẳn là ý chí (Wille). Trong khi đó, sở dĩ một đối tượng, một trạng thái tâm thức hay một hành vi vẫn có thể được gọi là “hợp mục đích” (zweckmäßig) cho dù khả thể của nó không nhất thiết phải lấy biểu tượng về một mục đích làm điều kiện tiên quyết, chính là do khả thể của nó có thể được giải thích và được hiểu chỉ bởi ta thôi, trong chừng mực ta giả định (annehmen) cơ sở của nó là một tính nhân quả tuân theo các mục đích, nghĩa là, giả định có một ý chí đã sắp đặt nó dựa theo một quy tắc đã được hình dung nào đó. Như vậy, tính hợp mục đích có thể vẫn có mà không có mục đích [nhất định] nào cả, trong chừng mực ta không thiết định (setzen) [xác định] các nguyên nhân của hình thức này ở trong một ý chí [có thực], trái lại, có thể đưa ra sự giải thích về khả thể của nó chỉ để cho ta hiểu thôi bằng cách suy nó ra từ một “ý chí”. Cho nên, không phải lúc nào cũng buộc ta phải dùng con mắt của lý trí để tìm hiểu những gì ta đang quan sát (tức xem xét tính khả thể của chúng). Chí ít, ta vẫn có thể quan sát thấy một tính hợp mục đích về mặt hình thức [forma finalis] và nhận ra nó nơi các đối tượng, tất nhiên chỉ bằng cách phản tư thôi, chứ không lấy một mục đích [có thực] (với tư cách là chất liệu của một sự nexus finalis [nối kết có tính mục đích khách quan]) làm cơ sở cho nó.

§11

CƠ SỞ DUY NHẤT CỦA PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH

HÌNH THỨC CỦA TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CỦA MỘT ĐỐI TƯỢNG

(HAY CỦA PHƯƠNG CÁCH BIỂU TƯỢNG VỀ NÓ)

Mọi mục đích được xem là nguyên nhân cho sự hài lòng bao giờ cũng gắn liền với một mối quan tâm làm cơ sở quy định cho phán đoán về đối tượng của sự vui sướng. Vì thế, phán đoán sở thích không thể lấy một mục đích chủ quan làm nền móng cho mình. Cũng không có sự hình dung nào về một mục đích khách quan, tức là, về khả thể của bản thân đối tượng dựa theo các nguyên tắc về sự nối kết có tính mục đích, do đó, không có khái niệm nào về cái tốt lại có thể quy định phán đoán sở thích được cả, bởi đây là một phán đoán thẩm mỹ chứ không phải phán đoán nhận thức; phán đoán này không liên quan gì đến khái niệm về tính chất lẫn về khả thể bên trong hay bên ngoài của đối tượng bởi nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, mà chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa các năng lực biểu tượng với nhau, trong chừng mực chúng được một biểu tượng xác định.

Nay ta thấy, mối quan hệ này – có mặt khi một đối tượng được xác định là đẹp – gắn liền với tình cảm về sự vui sướng. | Thông qua phán đoán sở thích, sự vui sướng này đồng thời được tuyên bố là có giá trị đối với mọi người; do đó, cũng giống như biểu tượng về tính hoàn hảo của đối tượng và biểu tượng về cái tốt, một tính tiện nghi đi kèm theo biểu tượng không thể chứa đựng cơ sở quy định cho phán đoán ấy được. Như vậy, không còn gì khác hơn là tính hợp mục đích chủ quan ở trong biểu tượng về một đối tượng, độc lập với mọi mục đích (khách quan lẫn chủ quan), nói khác đi, chỉ hình thức đơn thuần về tính hợp mục đích ở trong biểu tượng, qua đó một đối tượng được mang lại cho ta, trong chừng mực ta ý thức về nó như về cái duy nhất có thể tạo nên sự hài lòng – độc lập với mọi khái niệm mà lại có thể thông báo được một cách phổ biến –, mới là cái tạo nên cơ sở quy định cho phán đoán sở thích.

§12

PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH DỰA TRÊN CÁC CƠ SỞ TIÊN NGHIỆM

Xác định một cách tiên nghiệm (a priori) sự nối kết giữa tình cảm vui sướng hay không vui sướng như là kết quả với một biểu tượng nào đó (cảm giác hay khái niệm) như là nguyên nhân của nó, là điều tuyệt đối không thể làm được, bởi đó hẳn là một quan hệ nhân quả (giữa những đối tượng của kinh nghiệm) bao giờ cũng chỉ có thể nhận thức được một cách hậu nghiệm (a posteriori) với sự trợ giúp của kinh nghiệm thôi. Đúng là trong quyển Phê phán lý tính thực hành, ta đã thực sự xuất phát từ các khái niệm luân lý phổ biến để rút ra một cách tiên nghiệm tình cảm tôn kính (Achtung) (như là một biến thái đặc thù và riêng biệt của tình cảm [vui sướng] này, một tình cảm không hoàn toàn trùng hợp với sự vui sướng lẫn không vui sướng mà ta nhận được từ những đối tượng thường nghiệm). Nhưng ở đó, ta đã có thể vượt qua các ranh giới của kinh nghiệm và cầu viện đến một tính nhân quả dựa trên một tính chất siêu-cảm tính của chủ thể, đó là Tự do. Song, thật ra ngay ở đó, ta cũng đã không thực sự rút tình cảm này ra từ ý niệm về luân lý như là nguyên nhân, trái lại, từ ý niệm luân lý chỉ đơn thuần rút ra sự quy định của ý chí. Nhưng trạng thái tâm thức có mặt trong sự quy định ý chí bất kể bằng phương cách nào tự nó đã là một tình cảm vui sướng và đồng nhất với tình cảm ấy, nên không thoát thai từ đó như một kết quả. | Một kết quả như thế chỉ có thể được giả định khi khái niệm về luân lý – như khái niệm về cái Thiện – đi trước sự quy định ý chí thông qua quy luật, bởi trong trường hợp đó, quả là hoài công khi muốn rút ra sự vui sướng – gắn liền với khái niệm – từ khái niệm này với tư cách là khái niệm của một nhận thức đơn thuần.

Tình hình cũng tương tự như thế đối với sự vui sướng trong phán đoán thẩm mỹ, chỉ có điều ở đây, sự vui sướng chỉ đơn thuần có tính tĩnh quan, chiêm nghiệm (kontemplativ) và không nhắm đến một sự quan tâm nào nơi đối tượng, trong khi ngược lại, ở phán đoán luân lý, có sự quan tâm về mặt thực hành [luân lý]. Ý thức về tính hợp mục đích đơn thuần hình thức ở trong sự tương tác qua lại của các năng lực nhận thức của chủ thể nơi một biểu tượng, qua đó một đối tượng được mang lại, là bản thân sự vui sướng, bởi lẽ ý thức ấy chứa đựng cơ sở quy định cho hoạt động của chủ thể đối với việc kích hoạt các năng lực nhận thức của chủ thể, và như thế, chứa đựng một tính nhân quả nội tại (có tính hợp mục đích) đối với nhận thức nói chung, nhưng không bị giới hạn ở một nhận thức nhất định nào cả, nghĩa là, chứa đựng một hình thức đơn thuần về tính hợp mục đích chủ quan của một biểu tượng ở trong một phán đoán thẩm mỹ. Sự vui sướng này cũng không hề có tính thực hành, dù đó là sự vui sướng về tính tiện nghi do nguyên nhân sinh lý (pathologisch) lẫn của cái Thiện được hình dung do nguyên nhân trí tuệ (intellektuell). Nhưng, sự vui sướng này vẫn bao hàm một tính nhân quả, đó là việc duy trì sự tiếp tục trạng thái của bản thân biểu tượng và sự tham dự tích cực của các năng lực nhận thức mà không có một ý đồ nào khác. Chúng ta kéo dài sự lưu trú khi chiêm ngưỡng cái đẹp, vì sự chiêm ngưỡng này tự gia cường và tái tạo chính mình, cũng tương tự (chỉ tương tự thôi chứ không phải là một) như khi một sự kích thích (Reiz) khêu gợi sự chú ý liên tục trong sự hình dung về đối tượng, và trong suốt thời gian ấy, tâm thức ở trong trạng thái bị động (passiv).

§13

PHÁN ĐOÁN-SỞ THÍCH THUẦN TÚY LÀ

ĐỘC LẬP VỚI SỰ KÍCH THÍCH VÀ RUNG ĐỘNG

Mọi sự quan tâm đều làm hỏng phán đoán sở thích và tước mất đi tính vô tư của nó. | Nhất là khi thay vì lấy tính hợp mục đích đặt trước tình cảm vui sướng như trong trường hợp sự quan tâm của lý tính thì lại đặt tính hợp mục đích lên trên cơ sở của tình cảm vui sướng giống như vẫn thường xảy ra trong các phán đoán thẩm mỹ về những gì mang lại thích khoái hay đau đớn. Do đó, những phán đoán bị tác động như thế hoặc tuyệt đối không thể đòi hỏi một sự hài lòng có giá trị phổ biến được, hoặc chỉ có thể hạ thấp đòi hỏi ấy xuống tương ứng với mức độ mà các cảm giác thuộc loại nói trên có mặt trong số các cơ sở quy định của sở thích. Vậy có thể nói, sở thích còn cần đến yếu tố bổ sung của sự kích thích (Reize) và rung động (Rührung) cho sự hài lòng của nó, chứ chưa nói đến việc biến chúng thành thước đo (Maßstabe) cho sự tán thưởng của mình, là chưa thoát khỏi tính dã man mông muội*.

Thật thế, những sự kích thích không chỉ rất thường được nhập chung vào với tính đẹp (trong khi tính đẹp lẽ ra chỉ liên quan đơn thuần đến hình thức) như là phần đóng góp cho sự hài lòng mang tính thẩm mỹ nói chung, mà thậm chí tự thân chúng còn được xem là những cái đẹp, nghĩa là, đã biến chất liệu của sự hài lòng thành hình thức. | Đây là một sự ngộ nhận, và, cũng như nhiều sự ngộ nhận khác bao giờ cũng có một yếu tố sự thật nào đó làm nền tảng, nó có thể được khắc phục bằng một sự xác định thật cẩn thận về các khái niệm này.

Một phán đoán sở thích không bị ảnh hưởng bởi sự kích thích lẫn sự rung động (dù hai cái này vẫn có thể được kết hợp với sự hài lòng trước cái đẹp), và vì thế, cơ sở quy định của nó chỉ đơn thuần là tính hợp mục đích của hình thức [forma finalis] chính là một phán đoán sở thích thuần túy (reines Geschmacksurteil).

§ 14

CÁC VÍ DỤ ĐỂ GIẢI THÍCH

Những phán đoán thẩm mỹ, – cũng như những phán đoán lý thuyết (lôgíc) – có thể được chia làm hai loại: thường nghiệm và thuần túy. Thường nghiệm là những phán đoán nói lên tính tiện nghi hay không tiện nghi, còn thuần túy là những phán đoán nói lên tính đẹp đối với một đối tượng hay đối với phương cách hình dung về đối tượng ấy. | Loại trước là những phán đoán của giác quan (những phán đoán thẩm mỹ chất thể); và chỉ có loại sau mới thực sự là những phán đoán sở thích (những phán đoán thẩm mỹ hình thức [hay mô thức]).

Như thế, một phán đoán sở thích chỉ là thuần túy khi cơ sở quy định của nó không bị pha trộn với bất kỳ sự hài lòng đơn thuần thường nghiệm nào cả. Sự pha trộn này luôn xảy ra, khi sự kích thích hay rung động có phần tham gia vào việc hình thành phán đoán để bảo một cái gì đó là “đẹp”.

Nhưng vẫn có một số ý kiến ngược lại, muốn làm cho ta tin rằng sự kích thích không chỉ là một bộ phận cấu thành thiết yếu của tính đẹp mà thậm chí tự riêng nó đã đủ để được gọi là đẹp. Một màu sắc đơn thuần, chẳng hạn màu xanh của một bãi cỏ, một tiếng nhạc đơn thuần (khác với âm thanh và tiếng ồn) chẳng hạn của một vĩ cầm được nhiều người xem tự nó là đẹp, mặc dù cả hai chỉ đơn thuần là chất liệu của các biểu tượng, nghĩa là có vẻ chỉ lấy cảm giác làm cơ sở và vì thế lẽ ra chỉ đáng gọi là dễ chịu thôi. Nhưng ta cũng đồng thời nhận thấy rằng các cảm giác về màu sắc cũng như về tiếng nhạc chỉ được xem là đẹp một cách chính đáng trong chừng mực cả hai là thuần túy. | Đây là một tính quy định vốn đã liên quan đến hình thức của chúng, và cũng là tính quy định duy nhất nhờ đó các biểu tượng này chắc chắn có thể được thông báo một cách phổ biến. | Bởi vì không thể nào giả định được rằng chất lượng của bản thân các cảm giác là nhất trí ở trong mọi chủ thể, cũng như khó bảo đảm được rằng sự dễ chịu của một màu sắc hay của thanh âm của một nhạc cụ được ta ưu ái hơn so với cái khác lại cũng chiếm được sự ưu ái như thế trong phán đoán của những người khác.

Nếu ta giả định cùng với Euler rằng*, màu sắc là những nhịp đập (pulsus) nối tiếp nhau liên tục của “ê-te”, cũng như thanh âm là của không khí bị chấn động, và điều quan trọng nhất là: tâm thức không chỉ tri giác bằng giác quan về tác động của chúng khi chúng kích hoạt các giác quan này mà còn thông qua sự phản tư, tri giác cả sự tương tác đều đặn, hợp quy tắc của các ấn tượng (do đó, cả hình thức trong đó các biểu tượng khác nhau được nối kết lại [thành một nhất thể]) – và đây cũng là điều tôi không có chút nghi ngờ gì –, và như thế, hóa ra màu sắc và thanh âm không phải là các cảm giác đơn thuần, trái lại, đã là sự quy định hình thức cho sự thống nhất của một cái đa tạp gồm những cảm giác, và, trong trường hợp ấy, tự chúng cũng có thể được xếp vào hàng ngũ những cái đẹp.

Nhưng, tính thuần túy trong một phương cách cảm giác đơn giản có nghĩa là tính đồng dạng về hình thức (Gleich-förmigkeit) của nó không bị phá rối và cắt đứt bởi bất kỳ một cảm giác thuộc loại xa lạ nào khác. | Tính thuần túy này chỉ đơn thuần thuộc về hình thức mà thôi, bởi ta có thể trừu tượng hóa [lược bỏ] mặt chất (Qualität) của phương cách cảm giác ấy (tức màu sắc hay thanh âm nào, nếu có, do nó hình dung ra). Cho nên, mọi màu sắc đơn giản, trong chừng mực chúng là thuần túy, thì được xem là đẹp, còn những màu sắc pha trộn thì không có được ưu điểm này, chính bởi vì chúng không đơn giản (einfach) nên ta không có thước đo để đánh giá rằng nên gọi chúng là thuần túy hay không thuần túy.

Còn đối với ý kiến cho rằng tính đẹp – được quy vào cho đối tượng chỉ do hình thức của nó thôi – có thể được tăng thêm lên nhờ sự hấp dẫn (Reiz), thì đây quả là một nhầm lẫn chung, rất có hại đối với sở thích chân chính, đích thực và không bị bại hoại. | Đúng là bên cạnh tính đẹp có thể bổ sung thêm các [kích thích] hấp dẫn để làm cho tâm thức, ngoài sự hài lòng khô khan, thích thú hơn trong việc hình dung về đối tượng, và qua đó, phục vụ cho việc tôn vinh sở thích và sự đào luyện của nó, nhất là khi sở thích còn thô lậu và chưa được rèn luyện thành thạo. Nhưng, chúng sẽ thực sự làm hỏng phán đoán sở thích khi chúng lôi cuốn sự chú ý vào bản thân chúng như là các cơ sở để phán đoán về tính đẹp. Vậy, không thể bảo chúng đóng góp gì vào tính đẹp ngoài trường hợp sở thích còn quá yếu ớt và thiếu rèn luyện, còn thật ra, là những dị vật, chúng chỉ được dung nạp với điều kiện không làm rối hình thức đẹp nói trên.

Trong hội họa, điêu khắc, và nói chung trong mọi bộ môn nghệ thuật tạo hình như nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật vườn cảnh, trong chừng mực chúng là những ngành mỹ thuật*, thì việc thiết kế (Zeichnung/[design]) cái cốt yếu (das Wesentliche). | Trong đó, không phải cái gây nên thích thú trong cảm giác mà chỉ đơn thuần cái gì làm hài lòng thông qua hình thức của nó mới tạo nên nền móng cơ bản cho mọi tố chất (Grund aller Anlage) của sở thích. Những màu sắc tô điểm cho bản phác thảo là thuộc về sự hấp dẫn, kích thích; và tuy rằng chúng có thể, bằng cách riêng của mình, làm sinh động đối tượng cho cảm giác nhưng không thể làm cho đối tượng đáng xem và đẹp. | Đúng hơn, chính những đòi hỏi của hình thức đẹp luôn hạn chế ngặt nghèo phạm vi hoạt động của chúng, và ngay cả ở đâu sự kích thích, hấp dẫn được dung nạp thì cũng chỉ có hình thức này mới là cái dành cho chúng một vị trí danh dự.

Mọi hình thức của những đối tượng của giác quan (của giác quan bên ngoài và, một cách gián tiếp, của cả giác quan bên trong) đều hoặc là hình thể (Gestalt) hoặc là “trò” [chơi] (Spiel). | Trong trường hợp sau, thì hoặc là trò chơi của các hình thể (trong không gian: trò nhại (Mimik) hay múa) hoặc trò chơi đơn thuần của các cảm giác (trong thời gian). Sự kích thích, hấp dẫn của màu sắc hay các thanh âm dễ chịu của nhạc cụ có thể được bổ sung vào, nhưng chính thiết kế (Zeich-nung/[Design]) đối với màu sắc, và kết cấu (Komposition) đối với thanh âm mới là cái tạo nên đối tượng đích thực của phán đoán sở thích thuần túy. | Còn bảo rằng tính thuần túy của màu sắc và thanh âm hay của sự đa dạng và đối nghịch của chúng dường như có góp phần vào tính đẹp thì điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng bởi chúng là dễ chịu nên hầu như mang lại một sự bổ sung cùng một loại (gleichartig) cho sự hài lòng ở nơi hình thức. Trái lại, ý nghĩa thực sự đúng ra chỉ là: chúng làm cho hình thức có thể được trực quan một cách rõ ràng hơn, chính xác hơn và đầy đủ hơn; ngoài ra, làm cho sự hình dung được sinh động lên nhờ sự kích thích, hấp dẫn của chúng, khi chúng đánh thức và duy trì sự chú ý đến bản thân đối tượng.

Ngay cả đối với môn được gọi là nghệ thuật trang hoàng (Zieraten), tức cái gì chỉ là sự thêm thắt bên ngoài chứ không thuộc về bộ phận cấu thành bên trong đối với biểu tượng toàn bộ về đối tượng, nhằm tăng thêm sự hài lòng của sở thích thì khi làm như vậy cũng chỉ nhờ đến hình thức của nó, chẳng hạn như khung của bức tranh, y trang cho bức tượng hay các dãy hành lang bằng cột của một tòa nhà tráng lệ. Nhưng, nếu bản thân sự trang hoàng không có sự kết cấu trong một hình thức đẹp, – chẳng hạn như cái khung mạ vàng chỉ nhằm tranh thủ sự tán thưởng cho bức tranh qua vẻ hấp dẫn của nó – thì bấy giờ chỉ được gọi là đồ trang sức (Schmuck) và làm hỏng vẻ đẹp đích thực.

Còn sự rung động (Rührung), – một cảm giác nơi đó sự dễ chịu được tạo ra chỉ nhờ vào việc kìm hãm nhất thời để rồi tiếp theo đó là sự tuôn trào mạnh mẽ hơn của sức sống – thì hoàn toàn không dính líu gì đến vẻ đẹp cả. Tính cao cả (Erhabenheit) (gắn liền với tình cảm rung động) đòi hỏi một thước đo [hay tiêu chuẩn] phán đoán khác với tiêu chuẩn làm cơ sở cho sở thích. | Và vì vậy, một phán đoán sở thích thuần túy tuyệt nhiên không lấy sự kích thích, hấp dẫn lẫn sự rung động, hay nói ngắn, không lấy một cảm giác nào như là chất liệu của phán đoán thẩm mỹ, làm cơ sở quy định cho mình.

§15

PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH LÀ HOÀN TOÀN

ĐỘC LẬP VỚI KHÁI NIỆM VỀ TÍNH HOÀN HẢO

Tính hợp mục đích khách quan chỉ có thể được nhận thức thông qua mối quan hệ của cái đa tạp với một mục đích nhất định, do đó, chỉ thông qua một khái niệm. Chỉ riêng từ điều này đã cho thấy, cái đẹp – mà sự phán đoán về nó dựa trên cơ sở một tính hợp mục đích đơn thuần hình thức, tức một tính hợp mục đích không có mục đích – là hoàn toàn độc lập với biểu tượng về cái tốt, bởi cái tốt là một tính hợp mục đích khách quan, nghĩa là, lấy mối quan hệ của đối tượng với một mục đích nhất định làm tiền đề.

Tính hợp mục đích khách quan bên ngoàitính hữu ích, còn tính hợp mục đích khách quan bên trongtính hoàn hảo (Vollkommenheit) của đối tượng. Qua hai mục trên đây, ta đã thấy quá rõ rằng, sự hài lòng đối với một đối tượng – mà vì thế ta gọi nó là đẹp – không thể dựa trên sự hình dung về tính hữu ích của nó, bởi trong trường hợp ấy, ắt không phải là một sự hài lòng trực tiếp về đối tượng, trong khi đây là điều kiện cốt yếu của phán đoán về cái đẹp. Thế nhưng, một tính hợp mục đích khách quan bên trong, tức tính hoàn hảo lại có vẻ gần gũi hơn với thuộc tính “đẹp”, nên được cả các triết gia có tên tuổi xem là đồng nhất với tính đẹp, tuy có thêm câu bổ sung rằng đó là khi “tính hoàn hảo được suy tưởng một cách mù mờ, hỗn độn”*. Do đó, điều có tầm quan trọng bậc nhất trong một công cuộc “Phê phán về sở thích” (Kritik des Geschmacks) là phải quyết định xem phải chăng tính đẹp có thực sự hòa tan trong khái niệm về tính hoàn hảo hay không**.

Để phán đoán về tính hợp mục đích khách quan, bao giờ ta cũng cần khái niệm về một mục đích và (nếu tính hợp mục đích ấy không phải là bên ngoài [tính hữu ích] mà phải là một tính hợp mục đích bên trong) ta cần khái niệm về một mục đích bên trong, chứa đựng cơ sở [hay nguyên nhân] cho khả thể bên trong của đối tượng. Bây giờ, một mục đích, nói chung, là ở chỗ khái niệm của nó có thể được xem như là cơ sở cho khả thể của bản thân đối tượng. | Cho nên, để hình dung một tính hợp mục đích khách quan trong một sự vật, đầu tiên ta phải có một khái niệm về sự vật ấy phải là sự vật như thế nào trước đã. | Sự trùng hợp của cái đa tạp trong sự vật ấy với khái niệm này (khái niệm là cái cung cấp quy tắc cho sự tổng hợp về sự vật) là tính hoàn hảo về chất của sự vật. Phải phân biệt hoàn toàn tính hoàn hảo về chất này với tính hoàn hảo về lượng, là cái nói lên tính đầy đủ của sự vật gì đó theo loại (Art) của nó và là một khái niệm đơn thuần về lượng (của tính toàn thể). | Trong trường hợp của tính hoàn hảo về lượng, câu hỏi sự vật phải là sự vật như thế nào đã được suy tưởng một cách xác định và ở đây ta chỉ hỏi liệu sự vật ấy có hội đủ tất cả mọi điều đòi hỏi để trở thành một sự vật như thế hay không mà thôi. Còn cái hình thức (das Formale) trong biểu tượng về một sự vật, tức là sự trùng hợp của cái đa tạp của nó với cái “một” [sự vật] nào đó (không xác định “cái một” ấy phải như thế nào) thì, tự thân nó, không hề cho phép ta có được nhận thức nào về tính hợp mục đích khách quan cả. | Vì lẽ “cái một” nào đó – với tư cách là mục đích (mà sự vật phải là) – đã được trừu tượng hóa đi, nên không còn gì sót lại ngoài tính hợp mục đích chủ quan của những biểu tượng ở trong tâm thức của chủ thể đang trực quan. | Điều này mang lại một tính hợp mục đích nào đó của trạng thái biểu tượng trong chủ thể, trong đó chủ thể cảm thấy thoải mái trong việc lĩnh hội một hình thức được mang lại ở trong trí tưởng tượng, chứ không phải tính hoàn hảo của một đối tượng nào cả, [bởi] đối tượng này không hề được suy tưởng ở đây bằng khái niệm về một mục đích. Chẳng hạn, tôi gặp một bãi cỏ ở trong rừng có cây cối bao bọc chung quanh thành một vòng tròn và khi ấy tôi không hình dung cho mình một mục đích nào cả, ví dụ không nghĩ rằng bãi cỏ này nên dùng để tổ chức các cuộc khiêu vũ ở nông thôn, thì hoàn toàn không có chút khái niệm nào về tính hoàn hảo được mang lại thông qua hình thức đơn thuần [của bãi cỏ]. Còn hình dung một tính hợp mục đích khách quan mà lại không có một mục đích, nghĩa là, chỉ hình dung hình thức đơn thuần về một tính hoàn hảo (không có mọi chất liệu và khái niệm về đối tượng để tính hoàn hảo trùng hợp, cho dù đó chỉ là một ý tưởng về một tính hợp quy luật nói chung) là một mâu thuẫn thực sự.

Còn ở đây phán đoán sở thích là một phán đoán thẩm mỹ, tức phán đoán dựa trên các cơ sở chủ quan. | Không có khái niệm nào có thể là cơ sở quy định cho nó được, do đó, cũng không có khái niệm về một mục đích nhất định. Vậy tính đẹp như là một tính hợp mục đích chủ quan-hình thức, không hề suy tưởng về một tính hoàn hảo nào của đối tượng cả, tính hoàn hảo mạo xưng là tính hợp mục đích hình thức mà thực ra là khách quan. | Và quan niệm cho rằng sự khác biệt giữa khái niệm về cái đẹp và về cái tốt chỉ là sự khác biệt về hình thức lôgíc, tức khái niệm trước là một khái niệm mù mờ, khái niệm sau là một khái niệm minh bạch về tính hoàn hảo, còn về nội dung và nguồn gốc là đồng nhất với nhau, rõ ràng là vô hiệu. | Bởi vì trong trường hợp ấy, không còn có sự khác biệt đặc trưng nào giữa chúng nữa và một phán đoán sở thích sẽ không khác gì một phán đoán nhận thức khi đó là một phán đoán để bảo rằng điều gì đó là tốt: chẳng hạn, một người bình thường khi cho rằng sự lừa bịp là xấu, thì phán đoán của người ấy là mù mờ, còn của bậc triết gia là minh bạch, mặc dù cả hai đều cùng dựa trên các nguyên tắc lý tính giống nhau. Nhưng tôi đã vạch rõ rằng một phán đoán thẩm mỹ là duy nhất độc đáo trong loại của nó và tuyệt nhiên không mang lại một nhận thức nào về đối tượng cả (kể cả một nhận thức còn mù mờ). | Nhận thức chỉ có thể có được thông qua một phán đoán lôgíc mà thôi. | Ngược lại, phán đoán thẩm mỹ chỉ liên hệ biểu tượng – qua đó một đối tượng được mang lại – với chủ thể và không cho ta biết gì về tính chất của đối tượng, mà chỉ có hình thức hợp mục đích trong sự quy định của các năng lực biểu tượng khi chúng tham gia vào việc tìm hiểu đối tượng. Sở dĩ phán đoán được gọi là thẩm mỹ, vì cơ sở quy định của nó không phải là khái niệm mà là tình cảm (của giác quan bên trong) về tính hài hòa trong sự tương tác giữa các năng lực của tâm thức, trong chừng mực tính hài hòa này chỉ có thể được cảm nhận mà thôi. Ngược lại, nếu người ta muốn gọi các khái niệm mù mờ – và phán đoán khách quan làm cơ sở cho chúng – là có tính thẩm mỹ, thì ắt người ta phải có một giác tính có thể phán đoán một cách cảm tính, hay một giác quan lại có thể hình dung các đối tượng của mình bằng các khái niệm, rõ ràng hai điều ấy là mâu thuẫn với nhau. Quan năng của những khái niệm – dù mù mờ hay minh bạch – là giác tính; và cho dù giác tính cũng thuộc về phán đoán sở thích, với tư cách là phán đoán thẩm mỹ (như đối với mọi phán đoán khác)*, thì nó vẫn không thuộc về phán đoán sở thích với tư cách là quan năng nhận thức về một đối tượng mà như là quan năng để quy định phán đoán này và biểu tượng của nó (không có khái niệm) dựa theo mối quan hệ của nó với chủ thể và với tình cảm bên trong của chủ thể, và làm như thế trong chừng mực phán đoán này là có thể có được dựa theo một quy tắc phổ biến.

§16

PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH, QUA ĐÓ MỘT ĐỐI

TƯỢNG ĐƯỢC GỌI LÀ ĐẸP MÀ LẠI PHỤC TÙNG ĐIỀU KIỆN

CỦA MỘT KHÁI NIỆM NHẤT ĐỊNH,

LÀ PHÁN ĐOÁN SỞ THÍCH KHÔNG THUẦN TÚY

Có hai loại vẻ đẹp: vẻ đẹp tự do (latinh: pulchritudo vaga) và vẻ đẹp đơn thuần phụ thuộc (pulchritudo adhae-rens). Vẻ đẹp trước không lấy khái niệm về đối tượng phải như thế nào làm tiền đề; vẻ đẹp sau lấy khái niệm ấy và tính hoàn hảo của đối tượng tương ứng với khái niệm ấy làm điều kiện tiên quyết. Loại trước gọi là những vẻ đẹp tự tồn cho mình của sự vật này hay sự vật kia; loại sau – gắn liền với một khái niệm (vẻ đẹp có điều kiện) – dành cho những đối tượng phục tùng khái niệm về một mục đích nhất định.

Hoa là những vẻ đẹp tự do của Tự nhiên. Một đoá hoa phải như thế nào thì ngoài nhà thực vật học ra, khó có ai biết được, và ngay cả nhà thực vật học, dù biết rõ về cơ quan sinh dục của cây cối, nhưng khi muốn đưa ra phán đoán về nó bằng sở thích, cũng sẽ chẳng quan tâm gì đến mục đích tự nhiên này. Do đó, chẳng có tính hoàn hảo về một loài nào đó, chẳng có tính hợp mục đích bên trong nào – để sự nối kết cái đa tạp liên hệ – làm cơ sở cho phán đoán này cả. Nhiều loài chim (chim vẹt, chim sâu, chim phong điểu...), nhiều loài thủy tộc có vỏ đều là những vẻ đẹp tự tồn “cho mình”, không thuộc về loại đối tượng bị quy định theo khái niệm về mục đích, mà là tự do và đẹp tự mình. Cũng thế, những bức họa à la grecque [theo kiểu Hy Lạp], hoa văn ở các khung ảnh hay trên giấy dán tường v.v... tự chúng không có ý nghĩa gì cả; chúng không hình dung điều gì, – không đối tượng nào phục tùng một khái niệm nhất định – và là những vẻ đẹp tự do. Có thể kể vào đây các màn ứng tác (không có chủ đề) trong âm nhạc, thậm chí toàn bộ loại âm nhạc không lời.

Trong việc phán đoán về một vẻ đẹp tự do (về hình thức đơn thuần), phán đoán sở thích là thuần túy. Ở đây, không có khái niệm về bất kỳ mục đích nào được tiền-giả định cả để cho cái đa tạp phải phục vụ cho đối tượng được cho và khiến đối tượng phải hình dung ra cái đa tạp ấy, nghĩa là không có những điều chỉ có thể làm hạn chế sự tự do của trí tưởng tượng là quan năng hầu như luôn tham gia vào việc quan sát hình thể [bên ngoài] của sự vật.

Chỉ riêng có vẻ đẹp của con người (gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em), vẻ đẹp của một con ngựa, của một tòa nhà (giáo đường, cung điện, công xưởng hay nhà nghỉ...) là tiền-giả định một khái niệm về mục đích xác định sự vật phải như thế nào, và do đó, có một khái niệm về tính hoàn hảo của sự vật, cho nên đều chỉ là vẻ đẹp phụ thuộc. Cũng như sự nối kết của cái dễ chịu (của cảm giác) với vẻ đẹp – vẻ đẹp thực ra chỉ liên quan đến hình thức –, gây trở ngại cho tính thuần túy của phán đoán sở thích, thì ở đây, sự nối kết của cái tốt (tức để cho cái đa tạp là “tốt” đối với bản thân sự vật dựa theo mục đích của nó) làm hỏng tính thuần túy của nó.

Nhiều điều có thể được đưa thêm vào cho một tòa nhà để chúng trực tiếp làm thích mắt ta, nếu tòa nhà ấy không buộc phải là một ngôi giáo đường [đúng theo mục đích đã hoạch định trong khái niệm]. | Một hình dáng có thể được làm cho đẹp hơn lên bằng mọi cách trang điểm và bằng những đường nét nhẹ nhàng nhưng đều đặn như người Tân Tây Lan vẫn làm với nghệ thuật xăm mình của họ, nếu hình dáng ấy không buộc phải là của một con người; và con người này cũng có thể có vẻ mặt dịu dàng đáng yêu hơn với các nhiều đường nét tinh tế hơn nếu người ấy không nhất thiết phải là một người đàn ông hay thậm chí một chiến binh với khuôn mặt phải lộ vẻ thiện chiến. Như thế, sự hài lòng đối với cái đa tạp trong một sự vật có quan hệ với mục đích bên trong quy định khả thể của nó là sự hài lòng đặt cơ sở trên một khái niệm, trong khi đó, sự hài lòng trước vẻ đẹp lại là một sự hài lòng không tiền-giả định một khái niệm nào cả, mà trực tiếp gắn liền với biểu tượng, qua đó đối tượng được mang lại (chứ không phải qua đó được suy tưởng). Bây giờ, nếu phán đoán sở thích đối với sự hài lòng thuộc loại sau bị buộc phải phụ thuộc vào một mục đích được đặt ra trong sự hài lòng thuộc loại trước như một phán đoán của lý tính, và qua đó, bị hạn chế, thì nó không còn là một phán đoán sở thích tự dothuần túy nữa.

Đúng là, qua việc nối kết này giữa sự hài lòng thẩm mỹ và sự hài lòng trí tuệ, sở thích có thu được mối lợi. | Đó là, nó trở thành cố định hóa, và, tuy không có tính phổ biến, nó tạo khả thể cho việc đề ra được những quy tắc (Regel) cho nó đối với một số đối tượng có tính mục đích nhất định. Nhưng, trong trường hợp này, những quy tắc này không phải là những quy tắc của sở thích, mà chỉ đơn thuần là những quy tắc cho việc thiết lập sự thỏa thuận (Vereinbarung) giữa sở thích với lý tính, tức là giữa cái đẹp và cái tốt; những quy tắc nhờ đó cái đẹp trở thành khả dụng như một công cụ có ý đồ cho cái tốt, nhằm mục đích đưa tâm trạng tự tồn và có giá trị phổ biến chủ quan [của cái đẹp] vào làm chỗ dựa cho phương thức suy tưởng tuy có giá trị phổ biến khách quan nhưng phải nỗ lực rất khó nhọc mới tự tồn được [của cái tốt]. Nhưng, nói thật ra, tính hoàn hảo không thu được lợi thông qua tính đẹp và tính đẹp cũng không thu được lợi thông qua tính hoàn hảo. | Sự thật đúng ra là: khi ta so sánh biểu tượng – qua đó một đối tượng được mang lại cho ta – với đối tượng (về phương diện đối tượng ấy phải [có mục đích] như thế nào) nhờ vào một khái niệm, ta không thể tránh khỏi phải đồng thời xem xét biểu tượng ấy cùng với cảm giác ở trong chủ thể, nên toàn bộ quan năng của năng lực biểu tượng sẽ được lợi, khi cả hai trạng thái tâm thức hòa hợp với nhau.

Đối với một đối tượng có một mục đích bên trong nhất định, một phán đoán sở thích sẽ chỉ là thuần túy, khi chủ thể phán đoán hoặc không có khái niệm nào hết về mục đích này, hoặc phải tước bỏ [trừu tượng hóa] mục đích ấy đi trong phán đoán của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp ấy, mặc dù chủ thể này có thể đưa ra một phán đoán sở thích đúng đắn, vì chỉ xét đối tượng như một vẻ đẹp tự do, nhưng vẫn có thể bị người khác – không thấy gì khác trong vẻ đẹp ấy ngoài tính chất phụ thuộc (tức chỉ nhìn thấy mục đích ở trong đối tượng) – cho là sai và còn bị chê là có sở thích tồi, tuy cả hai đều phán đoán đúng đắn theo cách riêng của mỗi người: kẻ này thì dựa theo những gì bày ra trước giác quan, còn người nọ thì dựa theo những gì có trong tư tưởng. [Cho nên] chính sự phân biệt này cho phép ta có thể phân giải nhiều sự bất đồng giữa những kẻ thẩm định sở thích, bằng cách vạch cho họ thấy rằng người thì căn cứ vào vẻ đẹp tự do, còn người thì căn cứ vào vẻ đẹp phụ thuộc: kẻ trước đưa ra một phán đoán sở thích thuần túy, còn kẻ sau đưa ra một phán đoán sở thích được vận dụng [theo ý đồ].

§17

VỀ LÝ TƯỞNG CỦA VẺ ĐẸP

Không thể có quy tắc khách quan nào về sở thích để xác định “cái gì đấy là đẹp [hay không đẹp]” nhờ vào các khái niệm. Bởi lẽ mọi phán đoán từ nguồn suối này đều có tính thẩm mỹ (ästhetisch), nghĩa là, cơ sở quy định của chúng là tình cảm của chủ thể chứ không phải là khái niệm nào cả về một đối tượng. Chỉ là phí công vô ích khi đi tìm một nguyên tắc của sở thích mang lại tiêu chuẩn phổ biến của cái đẹp thông qua các khái niệm nhất định, vì cái được tìm là không thể có và là điều mâu thuẫn tự thân. Tuy nhiên, ở trong tính có thể thông báo được một cách phổ biến (allgemeine Mitteilbarkeit) [xem lại: B27. N.D] của cảm giác (về sự hài lòng hay không hài lòng) – một tính thông báo vốn độc lập với mọi khái niệm – thể hiện sự nhất trí ở mức độ có thể giữa mọi thời đại và mọi dân tộc về tình cảm này khi hình dung những đối tượng nào đó, ta [chỉ] có tiêu chuẩn thường nghiệm khá yếu ớt và không đủ để đưa ra phỏng đoán về nguồn gốc phát sinh của một sở thích được thử thách qua bao nhiêu điển hình từ những cơ sở ẩn tàng thật sâu và có chung cho mọi người làm nền tảng cho sự nhất trí của họ khi họ phán đoán về các hình thức do các đối tượng mang lại.

Vì thế, một số sản phẩm của sở thích được ta xem như [có giá trị] điển hình (examplarisch); nhưng “điển hình” không theo nghĩa như thể sở thích là cái gì có thể sở đắc được bằng cách bắt chước những cái khác. Lý do là vì: sở thích phải là một quan năng độc đáo của riêng mình: bắt chước thành công một mẫu điển hình chỉ cho thấy tài khéo thôi, còn muốn cho thấy có sở thích thì chỉ trong chừng mực có thể đánh giá [phê phán] về bản thân mẫu điển hình ấy(1). Từ đó suy ra: mẫu điển hình cao nhất, cái hình mẫu nguyên thủy (Urbild/[arche-type]) của sở thích là một Ý niệm (Idee) đơn thuần mà mỗi người phải tạo ra trong chính mình và dựa theo đó mà phải hình thành phán đoán của mình về tất cả những gì dù đó là đối tượng của sở thích, một điển hình của sự phê phán về sở thích hay cả bản thân sở thích phổ biến của mọi người. Thật ra, Ý niệm là một khái niệm của lý tính, và Lý tưởng (Ideal) là biểu tượng về một cá thể như là hữu thể tương ứng trọn vẹn (adequat) với một Ý niệm*. Vì thế, cái nguyên mẫu nói trên của sở thích tuy đúng là dựa trên Ý niệm bất định của lý tính về một cái tối đa (Maximum) nhưng lại không thể được hình dung thông qua các khái niệm mà chỉ ở trong một sự diễn tả cá biệt, nên đúng hơn nên gọi là Lý tưởng của cái đẹp, một lý tưởng dù ta không sở hữu được, song luôn nỗ lực để tạo ra nó trong ta. Nhưng, nó sẽ chỉ trở thành một lý tưởng của trí tưởng tượng, chính bởi vì nó không dựa trên các khái niệm mà trên sự diễn tả; quan năng của sự diễn tả là trí tưởng tượng. Vậy, làm thế nào để ta đi đến được với một lý tưởng như thế về tính đẹp? Bằng cách tiên nghiệm hay thường nghiệm? Ngoài ra, loại cái đẹp nào mới có thể tạo ra một lý tưởng cho nó?

Trước hết, cần lưu ý rằng cái đẹp mà ta phải đi tìm một lý tưởng cho nó không phải là một cái đẹp tự do mà phải là cái đẹp được cố định hóa thông qua một khái niệm về tính hợp mục đích khách quan, do đó, không thuộc về một đối tượng của phán đoán sở thích hoàn toàn thuần túy mà của phán đoán sở thích đã phần nào được trí tuệ hóa (intellektuiert). Nói cách khác, khi nào một lý tưởng phải có mặt trong số những cơ sở để hình thành phán đoán thì phải có bất kỳ một Ý niệm nào đó của lý tính dựa theo các khái niệm nhất định, qua đó mục đích làm nền tảng cho khả thể bên trong của đối tượng được xác định một cách tiên nghiệm. Một lý tưởng của những loài hoa đẹp, của một phòng trưng bày đồ gỗ đẹp, hay của một tầm nhìn đẹp là không thể suy tưởng được. Nhưng ngay cả đối với vẻ đẹp phụ thuộc vào một mục đích nhất định, chẳng hạn một ngôi nhà ở đẹp, một cái cây đẹp, một khu vườn đẹp v.v... đều không thể hình dung được một lý tưởng nào, có lẽ bởi vì các mục đích không được khái niệm về chúng xác định và cố định thật đầy đủ, nên tính mục đích ở đây hầu như khá tự do không khác gì đối với vẻ đẹp tự do. Chỉ có cái gì có mục đích của sự hiện hữu của mình ở trong chính bản thân mình, chỉ có CON NGƯỜI có năng lực tự xác định những mục đích của mình bằng lý tính, hoặc, nếu phải rút các mục đích này ra từ tri giác bên ngoài thì vẫn có thể so sánh chúng với những mục đích cơ bản và phổ biến để rồi cũng có thể đánh giá một cách thẩm mỹ về sự hòa hợp của chúng với những mục đích ấy: vì thế, chỉ có Con Người ấy, trong số mọi đối tượng trong thế gian, là có thể trở thành một Lý tưởng của vẻ đẹp, cũng như tính người trong nhân cách (Person) của Con Người ấy, với tư cách là trí tuệ, mới duy nhất có thể trở thành Lý tưởng của tính hoàn hảo.

Nhưng, ở đây có hai yếu tố: thứ nhất là có Ý niệm thẩm mỹ chuẩn (ästhetische Normalidee), [tức] một trực quan cá biệt (của trí tưởng tượng) hình dung ra chuẩn mực (Richtmass) nhờ đó ta phán đoán về một con người như là thành viên của một giống động vật đặc thù. | Thứ hai là, có một Ý niệm của lý tính. | Ý niệm này biến những mục đích của tính người, trong chừng mực chúng không thể được hình dung một cách cảm tính, thành nguyên tắc để đánh giá về hình thể bên ngoài của con người, là chỗ qua đó những mục đích này bộc lộ ra như là kết quả ở trong thế giới hiện tượng. Ý niệm chuẩn phải rút ra từ trong kinh nghiệm những yếu tố cấu thành mà nó đòi hỏi cho hình thái bên ngoài của một sinh vật thuộc giống (Spezies) đặc thù này. | Nhưng còn tính hợp mục đích lớn nhất ở trong việc cấu tạo nên hình thái này, tức hình thái có thể dùng làm chuẩn mực chung của việc phán đoán thẩm mỹ về từng cá thể của giống (Spezies) đặc thù ấy, [hay nói khác đi] cái hình ảnh (Bild) hầu như được đặt ra một cách cố tình để làm nền tảng cho kỹ năng của Tự nhiên (Technik der Natur) mà chỉ có cả loài (Gattung) xét như cái toàn bộ chứ không một cá thể riêng lẻ nào tương ứng trọn vẹn được, thì lại chỉ đơn thuần ở trong Ý niệm của chủ thể phán đoán. | Ý niệm này, với tất cả mọi tỉ lệ của nó, là một Ý niệm thẩm mỹ, và, với tư cách ấy, có thể được diễn tả hoàn toàn in concreto [cụ thể] ở trong một hình ảnh mẫu điển hình (Musterbild). Nhưng, hình ảnh mẫu ấy hình thành như thế nào? Để hiểu được phần nào về điều này (vì làm sao biết hết được bí mật của Tự nhiên?) ta thử đưa ra một giải thích có tính tâm lý học.

Điều cần ghi nhận là, dù thời gian đã qua rất lâu, trí tưởng tượng, bằng một phương cách mà ta không sao hiểu thấu, không những từng lúc có thể gợi lại những dấu hiệu cho những khái niệm mà còn có thể tái tạo lại hình ảnh và dáng vẻ của một đối tượng từ trong vô số những đối tượng thuộc các loại khác hay kể cả thuộc cùng một loại. | Và hơn thế, nếu tâm thức đi vào việc so sánh, ta phỏng đoán rằng, tuy một cách không hoàn toàn có ý thức, trí tưởng tượng hầu như có thể chồng hình ảnh này lên hình ảnh kia, để, thông qua sự trùng hợp của nhiều hình ảnh thuộc cùng một loại, biết cách rút ra một cái trung bình làm chuẩn chung cho tất cả. Mỗi người trong chúng ta ắt đã có dịp nhìn thấy hàng ngàn con người trưởng thành. Bây giờ, nếu muốn phán đoán về kích thước chuẩn được xác định bằng cách so sánh thì trí tưởng tượng (theo ý riêng tôi) chồng một số lượng lớn hình ảnh (có lẽ của tất cả hàng nghìn người ấy) lên nhau; và nếu cho phép tôi áp dụng sự tương tự với cách diễn tả quang học, thì, trong khoảng không gian mà tuyệt đại đa số tập hợp lại và bên trong đường viền nơi đó vị trí được rọi sáng bằng màu sắc tập trung mạnh nhất, ta sẽ nhận ra tầm thước trung bình mà chiều cao lẫn chiều ngang của nó có khoảng cách đều với các ranh giới tối đa của những vóc dáng lớn nhất và nhỏ nhất. Và đó là vóc dáng của một con người đẹp. (Ta cũng có thể đạt được cùng một kết quả ấy một cách khá máy móc bằng cách lấy số đo của cả hàng nghìn người này, thêm vào chiều cao, chiều ngang (và cả chiều dày) rồi chia tổng số của từng loại ra cho một nghìn. Chỉ có điều, trí tưởng tượng cũng làm chính việc này bằng một hiệu quả năng động lên trên cơ quan của giác quan bên trong, nảy sinh từ việc lĩnh hội thường xuyên và đa dạng về những hình thể ấy). Rồi nếu ta cũng dùng cách tương tự để đi tìm cho vóc người trung bình này cái đầu trung bình và tìm cho cái đầu trung bình này cái mũi trung bình v.v..., thì ta sẽ có được hình thể làm cơ sở cho Ý niệm chuẩn về con người đẹp ở địa phương mà sự so sánh được tiến hành. | Vì thế, một người da đen – dưới các điều kiện thường nghiệm này – tất yếu phải có một Ý niệm chuẩn về vẻ đẹp của hình thức khác hơn một người da trắng, một người Trung Quốc khác với một người Châu Âu. Tình hình chắc cũng giống như vậy với mẫu điển hình của một con ngựa đẹp hay con chó đẹp (thuộc về một chủng nào đó).

Như thế, Ý niệm chuẩn này không được rút ra từ những tỉ lệ do kinh nghiệm mang lại với tư cách là những quy tắc xác định, song vẫn phải dựa theo Ý niệm chuẩn ấy mà các quy tắc của việc phán đoán, đánh giá mới có thể có được. Nó là cái trung gian ở giữa mọi trực quan cá biệt về những cá thể riêng lẻ với tính đa tạp khác nhau, là hình ảnh trôi nổi cho toàn bộ cả loài (Gattung) được Tự nhiên sử dụng làm hình ảnh nguyên mẫu cho những sản phẩm của mình thuộc về cùng một loài, nhưng hình ảnh ấy có vẻ không bao giờ đạt được trọn vẹn nơi một cá thể nào cả. Ý niệm chuẩn không phải là hình ảnh nguyên mẫu toàn bộ về vẻ đẹp của loài này, mà chỉ là hình thức tạo nên điều kiện không thể thiếu được cho mọi vẻ đẹp, do đó, chỉ đơn thuần là tính đúng đắn [tính chính xác] trong việc diễn tả về một loài. [Theo nghĩa ấy], Ý niệm chuẩn chính là quy tắc (Regel), như ta vẫn gọi bức tượng Doryphorus của Polyklet* như thế (và cả tượng con bò của Myron** cũng có thể được dùng làm quy tắc cho việc diễn tả về loài này).

Cũng chính vì thế, Ý niệm chuẩn không chứa đựng cái gì có tính cách riêng (Spezifisch-Charakteristisches), bởi nếu vậy, nó sẽ không còn là Ý niệm chuẩn cho cả loài. Sự diễn tả của nó cũng không làm ta hài lòng thông qua vẻ đẹp, trái lại, chỉ vì nó không đi ngược lại điều kiện nào để một sự vật thuộc loài ấy có thể được gọi là đẹp. Sự diễn tả của nó chỉ “đúng” đơn thuần theo nghĩa hàn lâm mà thôi(1).

Nhưng, Lý tưởng của cái đẹp vẫn là cái gì khác với ý niệm chuẩn về nó, [mặc dù] vì các lý do đã nêu, lý tưởng cũng chỉ được tìm thấy ở nơi hình thể của con người. Nơi hình thể, Lý tưởng là ở trong sự biểu hiện về [giá trị] luân lý, bởi nếu không có biểu hiện này, đối tượng ắt sẽ không làm hài lòng một cách phổ biến và, do đó, tích cực (mà chỉ đơn thuần tiêu cực, thụ động như trong một sự diễn tả hàn lâm). Tuy rằng biểu hiện hữu hình về các Ý niệm luân lý – chế ngự con người ở bên trong nội tâm – chỉ có thể rút ra từ kinh nghiệm, nhưng sự kết hợp của chúng với tất cả những gì lý tính của ta liên hệ với cái thiện về luân lý trong Ý niệm về tính hợp mục đích cao nhất – chẳng hạn thiện tâm, sự trong sạch hay tính kiên quyết, tính an nhiên v.v... – hầu như vẫn có thể nhìn thấy được trong biểu hiện ra bên ngoài của thân xác (như là kết quả tác động của cái gì trong nội tâm); và sự hiện thân này hợp nhất các Ý niệm thuần túy của lý tính với sức mạnh lớn lao của trí tưởng tượng nơi một con người không chỉ muốn đưa ra phán đoán đánh giá về nó mà còn muốn diễn tả nó ra. Tính đúng đắn [tính chính xác] của một Lý tưởng như vậy về vẻ đẹp tự minh chứng ở chỗ không cho phép một kích thích cảm tính nào được pha trộn vào trong sự hài lòng trước đối tượng của nó, tuy nhiên, vẫn cho phép có một sự quan tâm lớn đối với nó. | Chính điều này, đến lượt mình, minh chứng rằng sự phán đoán theo một tiêu chuẩn như thế không bao giờ có thể là thuần túy thẩm mỹ; và sự phán đoán dựa theo một lý tưởng về vẻ đẹp không phải là một phán đoán đơn thuần của sở thích.

Định nghĩa rút ra từ phương diện thứ ba [phương diện tương quan] của cái đẹp:

Vẻ đẹp (Schönheit) là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích [khách quan] nơi đối tượng(1).

 



* Ý tham khảo từ: J. J. Winckelmann, Geschichte der Kunst des Altherthums/Lịch sử nghệ thuật cổ đại, Dresden, 1764, tr. 143: Nguyên nhân của các sai lầm về sở thích là ở trong các niềm khoái lạc của ta, [...] đó là những khoái lạc được kích động ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với tuyệt đại đa số con người; và cảm năng đã bị tràn ngập khi giác tính muốn tìm cách thưởng thức cái đẹp: trong trường hợp ấy, cái chiếm lĩnh ta không phải là tính đẹp mà là sự khoái lạc [...]. Xem thêm Toàn tập Kant, bản Viện Hàn Lâm (Akademie-Ausgabe, Berlin 1900) [từ đây viết tắt là AA], tập XV, tr. 280, 352, 369, 838 và tập XXV, trang 284). (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Leonhard Euler: trong “Các lá thư gửi một công chúa Đức về những đối tượng khác nhau trong vật lý học và triết học”, Leibzig 1769. (In lại: Braunschweig 1986, phần 2, tr. 232). Kant tán thành học thuyết về màu sắc và âm thanh của Euler, chống lại quan niệm của Descartes và của Newton. (Descartes cho rằng ánh sáng gồm một số lượng những hạt nhỏ, cứng, nằm sát bên nhau, còn Newton giải thích cái thấy của con người bằng cách giả định rằng có những tia sáng toát ra từ những vật thể phát sáng) (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Xem mục §51: “Phân loại các ngành mỹ thuật”, B204 nhất là B209 và tiếp. (N.D).

* “Các triết gia có tên tuổi”: Ám chỉ Alexander Gottlieb Baumgarten, cha đẻ của môn Mỹ học, trong tác phẩm Metaphysica (Siêu hình học), 1757. “Mù mờ, hỗn độn”: xem Chú giải dẫn nhập 1.1.3.4. (N.D).

** Về nguồn gốc của khái niệm “Phê phán” trong lý luận mỹ học: xem Henry Home, Lord Kames, Các nguyên lý của sự Phê phán (Grundsätze der Kritik), bản dịch tiếng Đức của J. N. Meinhard, 3 tập, Leibzig 1763-66. (Xem thêm AA IX 15; XVI 27 và XXIV 506). (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Theo Kant, giác tính theo nghĩa rộng là “quan năng để phán đoán”, còn cảm năng thì chỉ lĩnh hội (thụ nhận) chứ không phán đoán gì cả. Xem Phê phán lý tính thuần túy, tr. B94 và tiếp. (N.D).

(1) [Có lẽ vì thế mà] các mẫu điển hình đối với các môn nghệ thuật ngôn từ nhất thiết phải được soạn thảo trong một từ ngữ bác học [ám chỉ các cổ ngữ và tử ngữ như Latinh, Hy Lạp]. | Lý do thứ nhất là để cho chúng khỏi chịu những sự biến đổi không thể tránh khỏi của các sinh ngữ làm cho những cách diễn đạt cao nhã, bình thường hay mới mẻ của chúng bị xuống cấp, trở thành cổ hủ và sớm lạc hậu. | Lý do thứ hai là để cho chúng có được một ngữ pháp không dễ bị thay đổi tùy tiện theo thời thượng, trái lại có quy tắc bất biến của riêng mình. [Chú thích của tác giả].

* Chữ “Ideal” được chúng tôi dịch là “Lý tưởng” trong chừng mực nó là sản phẩm của trí tưởng tượng cảm tính, và dịch là “Ý thể” khi nó là Ý niệm tối cao của lý tính thuần túy để chỉ Thượng đế. Trong cả hai trường hợp, đó là hình dung về một cá thể (ein Einzelner) hay một cá vị (Individuum) tương ứng trọn vẹn với Lý tưởng hay Ý thể ấy. (Xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy: Biện chứng pháp siêu nghiệm; Chương III: Ý thể của lý tính thuần túy. B595 và tiếp). (N.D).

* Polyklet: nhà điêu khắc Hy Lạp, môn đệ của nhà điêu khắc Agelada. Tác phẩm Doryphorus là tên gọi bức tượng nổi tiếng của ông về một cậu bé cầm ngọn giáo trong tay. (N.D).

** Con bò của Myron: Myron là nhà điêu khắc Hy Lạp, cũng là môn đệ của Agelada với tượng con bò nổi tiếng là chuẩn mực của ông. (N.D).

(1) Ta thấy rằng một khuôn mặt hoàn toàn đều đặn làm mẫu cho họa sĩ chẳng nói lên được điều gì, bởi nó không chứa đựng nét nào có “tính cách” riêng cả, do đó, khuôn mặt ấy diễn tả Ý niệm về loài nói chung hơn là nét riêng của một cá nhân. Còn nếu tính cách riêng ấy được thổi phồng quá đáng, phá vỡ bản thân Ý niệm chuẩn (về tính hợp mục đích của loài ấy) thì sẽ thành hý họa. Nhưng, kinh nghiệm cũng cho thấy hầu như là một quy tắc chung rằng những khuôn mặt quá đều đặn thường chỉ phản ảnh một con người “thường thường bậc trung” về nội tâm, có lẽ là vì (nếu được phép giả định rằng Tự nhiên diễn tả vẻ bên ngoài tỉ lệ thuận với cái bên trong): ở đâu không có tố chất nội tâm nào vượt trội hơn tỉ lệ trung bình cần thiết để tạo nên một con người không có khiếm khuyết thì ở đó khó chờ đợi một cái gì thường được gọi là tố chất thiên tài, tức là nơi Tự nhiên dường như muốn rời bỏ các mối quan hệ bình thường giữa các năng lực tâm hồn để dành ưu tiên cho một vài tố chất đặc biệt nào đó. (Chú thích của tác giả).

(1) Người ta có thể bác lại định nghĩa này bằng cách đưa ra bằng chứng rằng: có những sự vật trong đó ta thấy có một hình thức có tính hợp mục đích nhưng không một mục đích [cụ thể] nào được nhận ra nơi chúng cả, chẳng hạn, một vật dụng bằng đá có khoét lỗ như thể được dùng để cắm vào một cái gì đấy thường được khai quật lên từ các khu mộ cổ. | Mặc dù về hình thể, những vật thuộc loại ấy tỏ rõ một tính hợp mục đích nhưng bản thân mục đích thì không biết được, thì không phải vì thế mà chúng được gọi là đẹp. Bởi khi xem chúng là tác phẩm nghệ thuật, ta nhận ra ngay lập tức rằng hình thức của chúng gắn liền với một ý đồ nào đó và với một mục đích nhất định. Chính vì thế, trong trường hợp ấy, không có được sự hài lòng trực tiếp khi thưởng ngoạn chúng. Ngược lại, một đoá hoa, chẳng hạn hoa tu-líp, được xem là đẹp, vì một tính hợp mục đích nào đó mà ta bắt gặp trong tri giác về nó khi phán đoán không hề có quan hệ với bất kỳ một mục đích nào cả. (Chú thích của tác giả).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt