Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái cao cả

 

QUYỂN II

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI CAO CẢ*

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 147-152. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

§23

BƯỚC CHUYỂN TỪ QUAN NĂNG PHÁN ĐOÁN VỀ CÁI ĐẸP

SANG QUAN NĂNG PHÁN ĐOÁN VỀ CÁI CAO CẢ

Cái đẹp trùng hợp với cái cao cả ở chỗ cả hai đều làm hài lòng trên cơ sở của chính mình. Ngoài ra còn ở chỗ: cả hai đều không lấy một phán đoán của giác quan lẫn một phán đoán xác định có tính lôgíc làm điều kiện tiên quyết, mà là một phán đoán phản tư. | Do đó, sự hài lòng không dựa trên một cảm giác như sự hài lòng về cái dễ chịu, cũng không dựa trên một khái niệm nhất định như sự hài lòng về cái tốt, mặc dù nó có quan hệ một cách không xác định với các khái niệm. | Như thế, sự hài lòng này gắn liền với sự diễn tả đơn thuần (blosse Darstellung) hay với quan năng của sự diễn tả, qua đó được xem là nói lên sự ăn khớp ở trong một trực quan được mang lại giữa quan năng diễn tả hay trí tưởng tượng với quan năng của các khái niệm vốn thuộc về giác tính hay lý tính theo nghĩa quan năng trước hỗ trợ các quan năng sau. Cho nên cả hai loại phán đoán [về cái đẹp và về cái cao cả] tuy là phán đoán cá biệt nhưng có giá trị phổ biến đối với bất kỳ chủ thể phán đoán nào, dù yêu sách của chúng chỉ nhắm đến tình cảm vui sướng chứ không nhắm đến bất kỳ nhận thức nào về đối tượng cả.

Tuy nhiên giữa hai cái cũng có các sự khác biệt quan trọng và nổi bật. Cái đẹp ở trong Tự nhiên liên quan đến hình thức của đối tượng trong tính hữu hạn, còn ngược lại, cái cao cả được nhận ra ngay cả nơi một đối tượng vô-hình thức, trong chừng mực tính không bị giới hạn được hình dung ra nơi nó hoặc do nó gợi nên, cộng thêm sự suy tưởng về tính toàn thể của tính chất này nữa. | Theo đó, cái đẹp dường như được xem là sự thể hiện một khái niệm bất định của giác tính, còn cái cao cả thể hiện một khái niệm [Ý niệm] cũng bất định nhưng của lý tính. Như thế, sự hài lòng với cái đẹp gắn liền với biểu tượng về chất, còn cái cao cả với biểu tượng về lượng. Sự hài lòng đối với hai cái cũng khác nhau về loại. | Nếu cái trước (cái đẹp) trực tiếp mang theo một xúc cảm bổ trợ cho sự sống và vì thế, có thể hợp nhất được với các kích thích hấp dẫn và với một trí tưởng tượng “chơi đùa” [tự do], thì cái sau (cái cao cả) là một sự vui sướng chỉ nảy sinh gián tiếp, nghĩa là, sự vui sướng được tạo ra bởi một xúc cảm kìm hãm sức sống trong phút giây rồi mới lập tức để cho sức sống tuôn trào càng mạnh mẽ hơn nữa; và như thế là một sự kích động dường như không phải để “chơi đùa” mà là cái gì nghiêm trọng trong công việc của trí tưởng tượng. Vì thế, cái cao cả cũng không hợp nhất được với các kích thích hấp dẫn; và bởi tâm thức không chỉ được đối tượng lôi cuốn mà còn không ngừng bị nó làm cho ghê sợ, nên sự hài lòng đối với cái cao cả không chứa đựng sự vui sướng tích cực chủ động (positiv) cho bằng sự ngưỡng mộ hay tôn kính, tức là, xứng đáng với tên gọi là sự vui sướng bị động, tiêu cực (negativ).

Nhưng sự khác biệt nội tại và quan trọng nhất của cái cao cả so với cái đẹp chắn hẳn là điều sau đây: nếu ta được phép tập trung sự chú ý trước hết vào cái cao cả thể hiện trong các đối tượng của Tự nhiên (còn cái cao cả trong nghệ thuật bao giờ cũng bị hạn chế bởi các điều kiện đòi hỏi sự tương hợp với Tự nhiên), ta thấy rằng, trong khi vẻ đẹp tự nhiên (có tính tự lập [chứ không phải phụ thuộc]) mang theo mình một tính hợp mục đích trong hình thức của nó, nhờ đó đối tượng có vẻ hầu như được xác định sẵn [được chấp nhận từ trước] đối với năng lực phán đoán của ta, và cũng nhờ thế, tự mình tạo nên một đối tượng cho sự hài lòng; thì, ngược lại, điều tạo ra trong ta xúc cảm về cái cao cả – không cần ta suy nghĩ rắc rối mà chỉ cần đơn thuần lĩnh hội – lại tỏ ra trái ngược với tính hợp mục đích xét về mặt hình thức đối với quan năng phán đoán của ta, vừa không thích hợp đối với quan năng diễn tả và hầu như càng bạo hành đối với trí tưởng tượng, lại càng được đánh giá là cao cả hơn do chính các đặc điểm ấy.

Từ đó thấy ngay rằng ta diễn đạt không đúng khi gọi một đối tượng nào đó của giới Tự nhiên là “cao cả” (erhaben), mặc dù ta có thể hoàn toàn đúng khi gọi nhiều đối tượng như thế là “đẹp”. | Bởi vì làm sao có thể biểu thị điều gì đấy bằng thuật ngữ của sự tán thưởng khi bản thân nó được lĩnh hội như là trái với tính hợp mục đích? Vậy, ta không thể nói gì hơn là: đối tượng [ấy] là thích dụng để diễn tả một tính cao cả (Erhabenheit) có thể được tìm thấy ở bên trong tâm thức [của ta mà thôi]. | Bởi lẽ cái cao cả theo đúng nghĩa đích thực không thể được bao hàm trong một hình thức cảm tính mà chỉ liên quan đến các Ý niệm của lý tính thôi; các Ý niệm này – mà không sự diễn tả nào tương ứng với chúng nổi – được kích động và gợi lại trong tâm thức chính do chỗ không thích hợp này một khi nó được diễn tả một cách cảm tính [thành đối tượng bên ngoài]. Như thế, đại dương bao la đang nổi cơn thịnh nộ trong bão tố không thể được gọi là cao cả. Hình ảnh của nó là khủng khiếp, và ta đã phải lấp đầy tâm thức mình trước đó bằng nhiều Ý niệm để đến khi một trực quan như thế có nhiệm vụ đẩy tâm thức đến một xúc cảm mà bản thân là có tính cao cả; – là cao cả, bởi vì tâm thức đã được kích động để rời bỏ cảm năng và tập trung làm việc với các Ý niệm chứa đựng tính hợp mục đích cao hơn.

Vẻ đẹp tự tồn [tự do] của Tự nhiên vén mở cho ta một “kỹ năng của Tự nhiên” (Technik der Natur) soi sáng nó trong ánh sáng của một hệ thống có trật tự dựa theo những quy luật mà nguyên tắc của chúng không được tìm thấy trong toàn bộ quan năng giác tính của ta. | Nguyên tắc này là nguyên tắc về một tính hợp mục đích tương ứng với việc sử dụng năng lực phán đoán đối với những hiện tượng, khiến cho những hiện tượng này phải được phán đoán không chỉ như là thuộc về giới Tự nhiên với tư cách là một cơ chế mù quáng vô mục đích mà còn thuộc về giới Tự nhiên xét tương tự như là nghệ thuật. Do đó, tính hợp mục đích này mang lại một sự mở rộng thật sự, tất nhiên không phải là mở rộng nhận thức của ta về những đối tượng trong Tự nhiên mà là sự mở rộng quan niệm của ta về bản thân Tự nhiên: Tự nhiên như là cơ chế [tất yếu, mù quáng] đơn thuần được mở rộng thành quan niệm về Tự nhiên như là Nghệ Thuật; một sự mở rộng mời gọi các nghiên cứu sâu xa về khả thể của một hình thức như thế. Thế nhưng, trong những gì ta quen gọi là “cao cả” trong Tự nhiên thì lại thiếu vắng hoàn toàn những gì dẫn đến các nguyên tắc khách quan đặc thù và các hình thức của Tự nhiên tương ứng với các nguyên tắc này, mà đúng hơn chính Tự nhiên trong sự hỗn độn của nó hay trong sự vô trật tự man dại nhất, vô quy tắc nhất và cả sự tàn phá của nó – miễn là cho thấy trong đó những dấu hiệu của sự vĩ đại và mãnh lực – mới là cái kích động các Ý niệm về cái cao cả nhiều nhất. Do đó, ta thấy rằng khái niệm về cái cao cả của Tự nhiên kém xa về tầm quan trọng lẫn về tính phong phú của các hậu quả so với khái niệm về cái đẹp trong Tự nhiên. | Nói chung, khái niệm về cái cao cả không mang lại chỉ dẫn nào về tính hợp mục đích trong bản thân giới Tự nhiên, mà chỉ ở trong việc sử dụng khả hữu những trực quan về nó để làm cho ta có thể cảm nhận được một tính hợp mục đích hoàn toàn độc lập với Tự nhiên ở trong bản thân ta. Đối với cái đẹp của Tự nhiên, ta phải đi tìm một cơ sở [nguyên nhân] ở bên ngoài ta, còn đối với cái cao cả thì chỉ đơn thuần ở trong ta và trong lề lối tư duy (Denkungsart) của tâm thức đưa tính cao cả vào trong hình dung của ta về Tự nhiên. Đây là một nhận xét sơ bộ nhưng rất cần thiết [phải ghi nhớ]. | Nhận xét này tách biệt hoàn toàn các Ý niệm về cái cao cả ra khỏi một tính hợp mục đích của Tự nhiên và biến lý luận về cái cao cả thành một phần phụ lục đơn thuần của việc phán đoán thẩm mỹ về tính hợp mục đích của Tự nhiên, bởi nó không mang lại một hình dung về bất kỳ hình thức đặc thù nào cả ở trong Tự nhiên mà chỉ nhằm phát triển việc sử dụng một cách có mục đích của trí tưởng tượng về sự hình dung của chính mình.

 

§24

PHÂN CHIA CÁC PHƯƠNG DIỆN NGHIÊN CỨU

ĐỐI VỚI TÌNH CẢM VỀ CÁI CAO CẢ

Trong việc phân chia các phương diện (Momente) của phán đoán thẩm mỹ về các đối tượng liên quan đến xúc cảm về cái cao cả, Phân tích pháp lần này cũng có thể tiến hành theo cùng một nguyên tắc như đã được thực hiện trong phần Phân tích pháp về những phán đoán sở thích trước đây. Vì, với tư cách là phán đoán của năng lực phán đoán thẩm mỹ-phản tư, sự hài lòng đối với cái cao cả, – cũng giống như với cái đẹp – nhất thiết phải chứng tỏ là có giá trị phổ biến xét về mặt lượng; không có mối quan tâm nào xét về mặt chất; là tính hợp mục đích-chủ quan xét về mặt tương quan và tính hợp mục đích này là tất yếu xét về mặt hình thái. Như thế, trong các phương diện này, phương pháp không sai biệt so với phương pháp đã tiến hành trong phần Phân tích pháp trước đây, trừ một điểm phải nêu rõ, đó là: ở phần trước, do phán đoán thẩm mỹ liên quan đến hình thức của đối tượng nên ta đã bắt đầu bằng sự nghiên cứu về phương diện chất, còn ở đây, do xem xét tính vô-hình thức có thể thuộc về những gì được ta gọi là “cao cả”, nên ta sẽ bắt đầu với phương diện lượng của chúng như là phương diện (Moment) đầu tiên của phán đoán thẩm mỹ về cái cao cả; một sự khác biệt về phương pháp mà lý do đã trình bày trong mục §23 trên đây.

Nhưng việc phân tích về cái cao cả còn đòi hỏi một sự phân chia vốn không cần thiết khi phân tích về cái đẹp, đó là phân chia cái cao cả thành: cái cao cả một cách toán học (mathematisch) và cái cao cả một cách năng động (dynamisch)*.

Vì xúc cảm về cái cao cả mang tính cách (Charakter) là một sự vận động của tâm thức gắn liền với việc phán đoán về đối tượng, trong khi đó, sở thích đối với cái đẹp tiền-giả định rằng tâm thức ở trong trạng thái tĩnh quan [chiêm ngưỡng yên tĩnh] và duy trì trạng thái ấy. | Nhưng, sự vận động này phải được phán đoán như là hợp mục đích-chủ quan (vì cái cao cả làm hài lòng). | Cho nên, thông qua trí tưởng tượng, sự vận động này hoặc quan hệ với quan năng nhận thức hoặc với quan năng ham muốn; nhưng dù quan hệ với quan năng nào thì tính hợp mục đích của một biểu tượng được mang lại cũng chỉ được phán đoán theo phương diện của các quan năng này (độc lập với mục đích hay với sự quan tâm). | Theo đó, cái thứ nhất được gán cho đối tượng như là một tác động có tính toán học, cái thứ hai như là một tác động có tính năng động của trí tưởng tượng; và vì thế, ta có hai phương cách nói trên để hình dung một đối tượng như là cao cả.

 



* “Cái cao cả”/“tính cao cả” (Das Erhabene/die Erhabenheit): cũng có thể được dịch là “cái/tính siêu tuyệt”. (N.D).

* Xem thêm sự phân chia bốn loại (Klassen) phạm trù ra thành hai nhóm: các phạm trù có tính toán học (lượngchất) và các phạm trù có tính năng động hay động lực (dynamisch) (tương quanhình thái): Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B110 và tiếp. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt