Triết học nghệ thuật

Phê phán năng lực phán đoán [Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất]

 

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         

 

LỜI TỰA

CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ NHẤT (1790)

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 1-7. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

Ta có thể gọi lý tính thuần túy là quan năng nhận thức từ các nguyên tắc tiên nghiệm, và việc nghiên cứu nói chung về khả thể và các ranh giới của nó là Phê phán lý tính thuần túy. | [Định nghĩa này là hợp lý] mặc dù “lý tính thuần túy” – như tên gọi trong tác phẩm đầu tiên của chúng tôi** – chỉ được hiểu như là lý tính được sử dụng trong phạm vi lý thuyết, chứ không có ý định xem xét quan năng ấy với tư cách là lý tính thực hành dựa theo các nguyên tắc đặc thù của nó. Như thế, việc phê phán lý tính thuần túy chỉ đơn thuần nhắm vào quan năng nhận thức sự vật một cách tiên nghiệm của chúng ta mà thôi, tức, chỉ bàn về quan năng nhận thức, còn loại trừ [không xem xét] tình cảm vui sướng và không vui sướng*** lẫn “quan năng ham muốn” (Begehrungsvermögen)****; và, trong số các quan năng nhận thức, chỉ tập trung nghiên cứu về “giác tính” (Verstand) dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm của nó, còn loại trừ năng lực phán đoán (Urteilskraft) và lý tính (Vernunft) (đều là các quan năng thuộc về nhận thức lý thuyết), bởi kết quả cho thấy không có quan năng nhận thức nào khác ngoài giác tính có thể mang lại các nguyên tắc nhận thức tiên nghiệm có tính cách “cấu tạo” (konstitutive Erkenntnisprinzipien a priori). Theo đó, sau khi soi rọi kỹ lưỡng tất cả mọi quan năng dựa trên phần đóng góp mà mỗi cái đều tự nhận là có công trong việc chiếm lĩnh nhận thức từ nguồn gốc riêng biệt của mình, sự Phê phán nói trên không giữ lại điều gì ngoài việc thừa nhận rằng: chỉ có giác tính là đề ra được (vorschreibt) quy luật một cách tiên nghiệm cho giới Tự nhiên* – Tự nhiên với tư cách là tổng thể (Inbegriff) của những hiện tượng –, (mô thức của những hiện tượng này cũng được mang lại một cách tiên nghiệm). | Còn tất cả mọi khái niệm thuần túy khác [của lý tính thuần túy] đều được sự Phê phán này xếp vào loại những “Ý niệm” (Ideen): những Ý niệm này tuy là siêu việt** đối với quan năng nhận thức lý thuyết của ta, nhưng không vì thế mà là vô dụng hay không cần thiết, trái lại, có thể phục vụ như những nguyên tắc điều hành (regulative Prinzipien). | Những Ý niệm này, một mặt, được dùng để kiềm chế các tham vọng có tính bao biện của giác tính, bởi, do có khả năng mang lại những điều kiện tiên nghiệm cho khả thể của mọi sự vật mà mình có thể nhận thức được, giác tính làm như thể đã xác định những ranh giới ấy như là những ranh giới cho khả thể của tất cả mọi sự vật nói chung (die Möglichkeit aller Dinge überhaupt). | Và mặt khác, những Ý niệm này định hướng cho bản thân giác tính trong việc nghiên cứu về Tự nhiên dựa theo nguyên tắc về tính toàn thể mà giác tính không bao giờ có thể đạt đến được, và qua đó, cổ vũ cho cứu cánh tối hậu (Endabsicht) của mọi nhận thức.

Do đó, chính là giác tính, trong chừng mực nó chứa đựng các nguyên tắc nhận thức tiên nghiệm có tính cấu tạo, mới có lĩnh vực riêng biệt, và lĩnh vực ấy là ở trong quan năng nhận thức, vốn đã được sự Phê phán – gọi chung là Phê phán lý tính thuần túy – thiết định cho một phạm vi “sở hữu” vững chắc, nhưng đặc thù trước mọi “đối thủ cạnh tranh” khác. Tương tự như thế, lý tính, vốn chỉ chứa đựng các nguyên tắc tiên nghiệm có tính cấu tạo duy nhất ở trong quan năng ham muốn mà thôi – đã được dành cho lĩnh vực “sở hữu” riêng biệt ở trong sự Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft)*.

Bây giờ đến lượt năng lực phán đoán (Urteilskraft) là cái tạo nên khâu trung gian (Mittelglied) giữa giác tính và lý tính ở trong trật tự của [các] quan năng nhận thức của ta. | Phải chăng nó cũng có các nguyên tắc tiên nghiệm độc lập? Nếu có, thì các nguyên tắc ấy có tính cấu tạo (konstitutiv) hay chỉ có tính điều hành (regulativ) (tức không biểu thị một lĩnh vực riêng biệt)? Và liệu các nguyên tắc ấy có mang lại một quy tắc (Regel) tiên nghiệm cho tình cảm vui sướng và không vui sướng, tức cho cái khâu trung gian giữa quan năng nhận thức và quan năng ham muốn, giống như giác tính đã đề ra các quy luật (Gesetze) tiên nghiệm cho quan năng nhận thức, và lý tính đề ra các quy luật tiên nghiệm cho quan năng ham muốn? Đó là tất cả vấn đề mà công cuộc Phê phán năng lực phán đoán này sẽ nghiên cứu.

Một công cuộc Phê phán lý tính thuần túy, tức, phê phán quan năng của ta chuyên phán đoán dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm, ắt sẽ không hoàn chỉnh nếu việc Phê phán năng lực phán đoán không được tiến hành như một bộ phận đặc thù, riêng biệt, bởi năng lực phán đoán là một quan năng nhận thức, và, với tư cách ấy, có quyền đòi hỏi có các nguyên tắc độc lập. | Dù vậy, trong một Hệ thống của triết học thuần túy, các nguyên tắc của nó không được phép tạo nên một bộ phận cấu thành đặc thù nằm giữa các bộ phận lý thuyết và thực hành, trái lại, chỉ có thể được kết nối như một phụ lục vào cho bộ phận này hay bộ phận kia tùy theo từng trường hợp cần thiết. Bởi nếu ngày nào đó, một Hệ thống như thế được hoàn thành dưới tên gọi chung là Siêu hình học, và việc hoàn thành ấy vừa khả thi, vừa cực kỳ quan trọng cho việc sử dụng lý tính trong mọi lĩnh vực hoạt động của nó, thì việc nghiên cứu có tính phê phán về nền móng cho tòa nhà này phải được tiến hành trước đó thật sâu tận cơ sở đầu tiên của quan năng về các nguyên tắc độc lập với kinh nghiệm*, để tránh việc sụp đổ ở một bộ phận tất yếu sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ Hệ thống.

Thế nhưng, từ bản tính tự nhiên của năng lực phán đoán (mà việc sử dụng nó một cách đúng đắn là yêu cầu chung và là cần thiết, nên khi gọi là “giác tính lành mạnh”, ta không muốn chỉ điều gì khác hơn là chính năng lực này), ta dễ thấy ngay rằng, việc tìm ra một nguyên tắc riêng biệt của nó đi liền với những khó khăn rất lớn (nó ắt phải bao hàm một nguyên tắc tiên nghiệm nào đó trong bản thân mình, bởi nếu không thì không thể là một quan năng nhận thức đặc thù, làm đối tượng cho một sự Phê phán dù là thông thường nhất). | Khó khăn là ở chỗ: nguyên tắc này không thể được rút ra từ các khái niệm tiên nghiệm [các phạm trù], bởi các khái niệm này đều thuộc về giác tính cả, còn năng lực phán đoán chỉ liên quan đến việc áp dụng các khái niệm tiên nghiệm này mà thôi. Vậy, bản thân năng lực phán đoán phải mang lại một khái niệm, nhưng qua đó, thật ra không có sự vật nào được nhận thức cả, trái lại chỉ được năng lực phán đoán sử dụng như một quy tắc (Regel); song, cũng không phải như một quy tắc khách quan để làm cho phán đoán của mình có thể tương thích, bởi như thế ắt lại phải cần có một năng lực phán đoán khác nữa để có thể phân biệt xem liệu trường hợp đang xét có phải là một trường hợp áp dụng đúng quy tắc hay không.

Ta gặp phải khó khăn nói trên về một nguyên tắc (dù là nguyên tắc chủ quan hay khách quan) chủ yếu trong những phán đoán được gọi là phán đoán thẩm mỹ (ästhetisch) liên quan đến cái đẹp, cái cao cả của Tự nhiên hay của nghệ thuật. Và dù khó khăn, việc nghiên cứu có tính phê phán về một nguyên tắc của năng lực phán đoán trong loại phán đoán thẩm mỹ nói trên là bộ phận quan trọng nhất trong công cuộc Phê phán quan năng này. Bởi, dù chúng [những phán đoán thẩm mỹ] tự mình không hề có phần đóng góp gì vào việc nhận thức sự vật, song chúng lại chỉ thuộc về quan năng nhận thức và chứng minh một mối quan hệ trực tiếp giữa quan năng này với tình cảm vui sướng hay không vui sướng dựa theo một nguyên tắc tiên nghiệm nào đó, nhưng không được lẫn lộn nguyên tắc này với cái gì có thể làm cơ sở quy định (Bestimmungsgrund) cho quan năng ham muốn, vì lẽ quan năng ham muốn có các nguyên tắc tiên nghiệm của nó ở trong các khái niệm của lý tính [thực hành].

Còn việc phán đoán [hay đánh giá] lôgíc về giới Tự nhiên lại dựa trên một cơ sở khác. | Đây là những trường hợp trong đó kinh nghiệm đề ra một tính hợp quy luật ở trong những sự vật, nhưng khái niệm phổ biến của giác tính về cái cảm tính không còn đủ để hiểu hay để giải thích nữa, và năng lực phán đoán có thể chỉ dựa vào chính mình để rút ra một nguyên tắc về mối quan hệ của sự vật trong Tự nhiên với cái Siêu-cảm tính không thể nhận thức được, bởi năng lực phán đoán buộc phải cần đến một nguyên tắc như thế mặc dù chỉ dựa vào bản thân mình nhằm nhận thức về Tự nhiên mà thôi. | Trong những trường hợp ấy, việc áp dụng một nguyên tắc tiên nghiệm như thế để nhận thức những gì tồn tại trong thế giới vừa có thể, vừa phải làm, đồng thời mở ra những viễn tượng có lợi cho lý tính thực hành [sinh hoạt luân lý và nhân sinh]. | Thế nhưng, ở đây lại không có mối quan hệ trực tiếp nào đối với tình cảm vui sướng và không vui sướng cả, và đó chính là chỗ bí hiểm trong nguyên tắc của năng lực phán đoán, khiến cho công cuộc Phê phán nhất thiết phải dành riêng một bộ phận đặc thù để nghiên cứu về quan năng này, bởi không có gì ngăn cản việc hình thành những phán đoán đánh giá có tính lôgíc dựa theo các khái niệm [của giác tính] (song từ những khái niệm ấy, không thể rút ra kết luận trực tiếp nào đối với tình cảm vui sướng và không vui sướng [thuộc lĩnh vực thẩm mỹ] cả). | Những phán đoán [mục đích luận] này, – đi liền với một sự Phê phán nhằm giới ước chúng – có thể được xem như phần phụ lục bổ sung cho lĩnh vực lý thuyết của triết học*.

Bởi lẽ ở đây, việc nghiên cứu về quan năng sở thích (Geschmacksvermögen)** với tư cách là năng lực phán đoán thẩm mỹ không nhằm mục đích đào luyện và vun bồi về “sở thích” (Geschmack) (vì việc này vẫn cứ được tiến hành như trước nay mà không cần đến những công cuộc thẩm xét như thế này), trái lại, chỉ nhằm mục đích nghiên cứu siêu nghiệm (transzendental) đơn thuần mà thôi***. Do đó, nếu có sự khiếm khuyết về hai mục đích trước, tôi tin chắc rằng bạn đọc sẽ rộng lòng lượng thứ. Còn đối với tất cả những gì liên quan đến phương diện siêu nghiệm thì dứt khoát phải chuẩn bị thật tốt để đứng vững được trước sự thẩm tra nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng hy vọng rằng khó khăn lớn trong việc giải quyết một vấn đề có bản tính phức tạp như thế có thể dùng làm lý do để tạ lỗi bạn đọc về đôi chỗ tối tăm khó có thể hoàn toàn tránh khỏi, miễn là sự xác đáng trong luận điểm của chúng tôi về nguyên tắc này phải được chứng minh với tất cả sự sáng sủa cần thiết. | Tôi thừa nhận rằng phương cách rút ra hiện tượng của năng lực phán đoán từ nguyên tắc nói trên không có được tất cả tính sáng sủa mà ta có thể đòi hỏi một cách chính đáng ở lĩnh vực khác, tức ở lĩnh vực nhận thức bằng các khái niệm [của giác tính], và tôi tin rằng cũng đã đạt được điều này trong phần hai của tác phẩm này.

Như vậy, với công trình này, tôi đã hoàn tất được toàn bộ công cuộc Phê phán của mình. Tôi phải nhanh chóng đi ngay vào phần “học thuyết” (doktrinal) để tranh thủ thời gian cho công việc này do tuổi tác ngày càng chồng chất thêm. Trong phần học thuyết, rõ ràng không có bộ phận nào dành riêng cho năng lực phán đoán cả, bởi đối với năng lực phán đoán, việc Phê phán thay chỗ cho lý luận [có tính học thuyết]; trái lại, dựa theo sự phân chia triết học ra thành triết học lý thuyết và triết học thực hành, và bản thân “triết học thuần túy” [tiên nghiệm] cũng được phân chia theo cách như vậy, nên “Siêu hình học về Tự nhiên” (Metaphysik der Natur) “Siêu hình học về đức lý” (Metaphysik der Sitten) sẽ bao quát toàn bộ triết học.

 



** Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy/Kritik der reinen Vernunft (1781, 1787), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn học, Hà Nội, 2004. Câu trên đây cũng thường được xem là định nghĩa ngắn gọn, chính xác của Kant về “lý tính thuần túy” và về nhan đề của tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy. (N.D).

*** “Tình cảm vui sướng và không vui sướng” (Gefühl der Lust und Unlust): đối tượng nhận thức của năng lực phán đoán (thẩm mỹ), sẽ được bàn trong phần I này của quyển Phê phán năng lực phán đoán. (Xem “Bảng danh mục các quan năng cao cấp của tâm thức”, B LVIII (cuối Lời dẫn nhập).

**** “Quan năng ham muốn” (Begehrungsvermögen): còn có thể dịch là “quan năng ý chí”. Bên cạnh quan năng nhận thức (đối tượng của giác tính dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm của tính hợp quy luật, áp dụng vào lĩnh vực nghiên cứu Tự nhiên) và tình cảm vui sướng và không vui sướng (đối tượng của năng lực phán đoán dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm của tính hợp mục đích, áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật) , quan năng ham muốn (hay ý chí) là đối tượng của lý tính dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm của “mục đích” hay “cứu cánh tự thân” (Endzweck) áp dụng vào lĩnh vực của sự Tự do (đời sống luân lý). (Xem “Bảng danh mục” nêu trên). (N.D).

* Trong sách này, một số từ được chúng tôi cố ý viết hoa chỉ với mục đích để dễ phân biệt: vd: Phê phán, Hệ thống, Siêu hình học, (giới) Tự nhiên, Ý niệm, Tự do, cái Siêu-cảm tính... (N.D).

** Siêu việt/überschwenglich/transzendent: vượt ra khỏi khả năng nhận thức của con người; phân biệt với “siêu nghiệm”/transzendental: điều kiện khả thể của nhận thức. (Xem Phê phán lý tính thuần túy, B25, 80, 81). (N.D).

* Xem Kant, Phê phán lý tính thực hành/Kritik der praktischen Vernunft, 1788, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri thức, Hà Nội, sắp xuất bản. (N.D).

* “quan năng về các nguyên tắc độc lập với kinh nghiệm”: tức quan năng lý tính thuần túy. (N.D).

* Sẽ bàn trong phần II (Phê phán năng lực phán đoán mục đích luận) của quyển Phê phán năng lực phán đoán này. (N.D).

** “Quan năng sở thích” tức quan năng của “tình cảm vui sướng và không vui sướng”, tên gọi khác của “năng lực phán đoán thẩm mỹ”. Chữ “Geschmack” (“sở thích”) có thể hiểu là cái “gu”, cái năng khiếu thẩm định ở trong lẫn ngoài lĩnh vực thẩm mỹ (tiếng Anh thường dịch là: taste). (N.D).

*** “Siêu nghiệm” (transzendental): từ then chốt trong triết học Kant, chỉ việc nghiên cứu “những điều kiện khả thể” tạo nên kinh nghiệm nhưng lại có trước kinh nghiệm. Xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy: B25, 80, 81, 352 và Chú giải dẫn nhập: Mục 3.5 và 9.6.4 của người dịch. (N.D).

 

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt