Triết học nghệ thuật

Chú giải dẫn nhập Phân tích pháp về cái cao cả (§23-29)

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI CAO CẢ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11  
                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 198-210. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

1.2 Phân tích pháp về cái cao cả (§§23-29)

1.2.1 Chỗ giống nhau và khác nhau giữa cái đẹp và cái cao cả

Theo Kant, khái niệm về cái cao cả không phải là khái niệm bộ phận của cái đẹp mà là một phạm trù thẩm mỹ độc lập. Vì thế, ông dành cho cái cao cả một phần nghiên cứu riêng trong Phân tích pháp.

  • Ngay trong phần dẫn nhập vào Phân tích pháp này, Kant vạch rõ: có hai hình thức phán đoán thẩm mỹ khác nhau về cơ bản: phán đoán sở thích thuần túy (“X là đẹp”) và phán đoán về cái cao cả (“X là cao cả”). Điểm chung của cả hai là “đều làm hài lòng trên cơ sở của chính mình” (B74). Câu này có nghĩa: cả hai loại phán đoán đều không phải là phán đoán của giác quan lẫn của sự nhận thức mà là các phán đoán phản tư. Gọi là “phán đoán phản tư” vì cả hai đều không nói gì về thuộc tính khách quan của những đối tượng ở trong thế giới mà – thông qua mối quan hệ với đối tượng – nói lên mối quan hệ giữa các năng lực hay quan năng tâm thức của chủ thể. Trước cái đẹp và cái cao cả, chủ thể phán đoán phản tư (reflektiert) về cảm trạng của chính mình. Chính vì thế, giống như trong trường hợp cái đẹp, trạng thái của chủ thể ở đây cũng có thể phổ quát hóa và thông báo được đến những người khác.
  • Tuy nhiên, dù có nhiều chỗ giống nhau, cả hai (cái đẹp và cái cao cả) không phải là một. Chúng khác nhau ở chỗ nào? Qua cách trình bày khá phức tạp của Kant, ít ra ta có thể thấy được ba điểm chính yếu:

1.   Cái đẹp (như là cái đẹp của Tự nhiên) quan hệ với hình thức của đối tượng. Kant lưu ý: hình thức của những đối tượng đẹp trong Tự nhiên là bị giới hạn. Ngược lại, đối tượng cao cả thì tỏ ra “vô hình thức” (formlos) và không bị giới hạn. Hình thức và hình thể (giới hạn) là các đặc điểm về chất; còn vô-hình thức và không bị giới hạn là quy định về lượng. Do đó, Kant bảo rằng: sự hài lòng với cái đẹp gắn liền với các biểu tượng về chất, còn sự vui sướng trước cái cao cả gắn liền với các biểu tượng về lượng. Kant sẽ bàn kỹ hơn ở §25 và ta cũng sẽ quay trở lại vấn đề này ở phần sau.

2.   Cũng có sự khác nhau đáng kể giữa sự hài lòng với cái đẹp và sự vui sướng với cái cao cả. Theo Kant, cái đẹp làm hài lòng ta một cách trực tiếp. Ta cảm nhận tính hợp mục đích hình thức của biểu tượng về đối tượng đối với các quan năng nhận thức của ta một cách vui sướng và sống động.

Ngược lại, sự vui sướng đối với cái cao cả là sự vui sướng gián tiếpđược trung giới. Ông viết: “Xúc cảm về cái cao cả là một sự vui sướng chỉ nảy sinh gián tiếp, nghĩa là, sự vui sướng được tạo ra bởi một xúc cảm kìm hãm sức sống trong phút giây rồi mới lập tức để cho sức sống tuôn trào càng mạnh mẽ hơn nữa…” (B75).

Ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn, nhưng ít ra cũng thấy rõ: khác với chữ “đẹp”, chữ “cao cả” được dùng để biểu thị một hiệu quả hỗn hợp. Tình cảm vui sướng trước cái cao cả gắn liền một cách độc đáo với tình cảm không-vui sướng; Kant còn gọi nó là “sự vui sướng bị động, tiêu cực” (negative Lust) (B76).

3.   Theo Kant, khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: với những đối tượng đẹp, ta quan hệ với tính hợp mục đích của hình thức của chúng. Với cái cao cả thì khác; ở đây: “… điều tạo ra trong ta xúc cảm về cái cao cả… lại tỏ ra trái ngược với tính hợp mục đích xét về mặt hình thức đối với quan năng phán đoán của ta, vừa không thích hợp đối với quan năng diễn tả và hầu như càng bạo hành đối với trí tưởng tượng, lại càng được đánh giá là cao cả hơn…” (B76).

Từ nhận xét đó, ông bảo rằng gọi những đối tượng nhất định nào đó ở trong Tự nhiên là “cao cả” là sai: “Từ đó thấy ngay rằng ta diễn đạt không đúng khi gọi một đối tượng nào đó của giới Tự nhiên là “cao cả”, mặc dù ta có thể hoàn toàn đúng khi gọi nhiều đối tượng như thế là “đẹp” (B76).

Tại sao Kant lại quá nhấn mạnh đến việc tính “cao cả” không biểu thị trực tiếp thuộc tính của đối tượng? Trong phần Phân tích pháp trước đây, chẳng phải cái đẹp cũng không quan hệ trực tiếp với đối tượng mà chỉ với trạng thái của chủ thể đó sao? Phải chăng không có sự nhất quán trong quan niệm của Kant hay ông muốn làm rõ hơn sự khác biệt trong hình thức của việc quan hệ với đối tượng nơi cái đẹp và cái cao cả?

Nếu “cao cả” không biểu thị thuộc tính của đối tượng, vậy nó là gì? Ông khẳng định: không phải bản thân đối tượng là cao cả mà là bản thân các Ý niệm nhất định của lý tính (ta nhớ rằng các Ý niệm của lý tính là các biểu tượng về cái Thiện luân lý, về Tự do, sự bất tử và Thượng đế). Đứng trước tính “phản mục đích” và tính “không tương ứng” của một số đối tượng nhất định, chính chủ thể khởi hoạt các Ý niệm ấy của lý tính và qua đó, nâng mình lên trên sự đe dọa của thế giới bên ngoài: “Bởi lẽ cái cao cả theo đúng nghĩa đích thực không thể được bao hàm trong một hình thức cảm tính mà chỉ liên quan đến các Ý niệm của lý tính thôi; các Ý niệm này – mà không sự diễn tả nào tương ứng với chúng nỗi – được kích động và gợi lại trong tâm thức [của chủ thể]…” (B77).

Đoạn sau đây cho ta hình dung rõ hơn về khái niệm cái cao cả: “… đại dương bao la đang nổi cơn thịnh nộ trong bão tố không thể được gọi là cao cả. Hình ảnh của nó là khủng khiếp, và ta đã phải lấp đầy tâm thức mình [chúng tôi nhấn mạnh] trước đó bằng nhiều Ý niệm để đến khi một trực quan như thế có nhiệm vụ đẩy tâm thức đến một xúc cảm mà bản thân là có tính cao cả; – là cao cả, bởi vì tâm thức đã được kích động để rời bỏ cảm năng và tập trung làm việc với các Ý niệm [của lý tính] chứa đựng tính hợp mục đích cao hơn” (B77).

Phân tích trên đây của Kant ít ra cũng làm nảy sinh một vấn đề và một thế lưỡng nan khá khó hiểu:

Vấn đề là: nếu phán đoán thẩm mỹ phải được phân biệt dứt khoát với phán đoán của giác quan và phán đoán nhận thức như phần trước đã khẳng định, thì khi cái cao cả bị quy định chủ yếu bởi các Ý niệm của lý tính, còn tri giác cảm tính [“nhìn Tự nhiên trong sự hỗn độn của nó hay trong sự vô trật tự man dại nhất, vô quy tắc nhất và cả sự tàn phá của nó”, B78] là “động lực” để “khởi phát” các Ý niệm ấy, thì khó bảo rằng phán đoán về cái cao cả là một phán đoán thẩm mỹ thuần túy!

Thế lưỡng nan là: nếu phán đoán về tính cao cả là một phán đoán thẩm mỹ (“không có sự quan tâm” và “không gắn liền với mục đích”) thì khó biện minh được vai trò quá lớn của các Ý niệm của lý tính đối với cái cao cả. Còn nếu nó không phải là phán đoán thẩm mỹ đúng nghĩa, thì tại sao Kant lại bàn về nó trong khuôn khổ một phân tích pháp về năng lực phán đoán thẩm mỹ cùng với cái đẹp?

Có lẽ Kant cũng thấy vấn đề này khi ở cuối trang B78, ông kết luận bằng một câu khá bí hiểm là muốn “biến lý luận về cái cao cả thành một phần phụ lục đơn thuần của việc phán đoán thẩm mỹ về tính hợp mục đích của Tự nhiên, bởi nó không mang lại một hình dung về bất kỳ hình thức đặc thù nào cả ở trong Tự nhiên mà chỉ nhằm phát triển việc sử dụng một cách có mục đích của trí tưởng tượng về sự hình dung của chính mình”.

Như ta sẽ thấy, Phân tích pháp về cái đẹp cố khảo sát một cách cô lập các phán đoán thẩm mỹ thuần túy, nhưng điều này không thể thực hiện được nữa nơi Phân tích pháp về cái cao cả, vì ở đây, các Ý niệm của lý tính và thái độ luân lý giữ vai trò chi phối. Nói khác đi, cái cao cả dường như mở rộng khuôn khổ của kinh nghiệm thẩm mỹ trong mối quan hệ với các quan năng khác của tâm thức.

1.2.2 Các phương diện nghiên cứu về cái cao cả

Một mặt, Kant cho rằng việc nghiên cứu về cái cao cả cũng có thể dựa theo các quy định giống như việc phân tích về cái đẹp, đó là quy định về lượng (có giá trị phổ biến), về chất (không có sự quan tâm), về tương quan (tính hợp mục đích chủ quan) và về hình thái (tất yếu). Có một biến thái nhỏ so với nghiên cứu về cái đẹp: phương diện “lượng” được khảo sát trước phương diện chất vì cái cao cả liên quan chủ yếu đến cái “vô-hình thức”. Mặt khác, ông chia cái cao cả thành hai loại: cái cao cả toán học (§§25-27) và cái cao cả năng động (§§28-29). Lý do của sự phân chia này là ở mối quan hệ đặc thù của trí tưởng tượng: với cái cao cả toán học, trí tưởng tượng quan hệ với quan năng nhận thức; với cái cao cả năng động, trí tưởng tượng quan hệ với quan năng ham muốn (tức quan năng ý chí của đời sống thực hành luân lý) của chủ thể.

1.2.2.1 Cái cao cả-toán học (§§25-27)

Ông bắt đầu bằng nhận định chung về khái niệm “độ lớn”:

- Mọi quy định về độ lớn được diễn tả bằng tiến trình đo đạc như là sự so sánh giữa đối tượng được đo và thước đo. Vì đo là so sánh hai đại lượng, nên quá trình đo bao giờ cũng chỉ mang lại một độ lớn tương đối chứ không tuyệt đối. Những đối tượng của Tự nhiên luôn là những đại lượng tương đối. Ta lúc nào cũng có thể nghĩ tới những đối tượng lớn hơn đối tượng được cho. Tất nhiên, có lúc ta không thể đo được nữa, nhưng đó là vấn đề của kỹ thuật đo chứ không phải sự bất khả về nguyên tắc hay có một ranh giới của cái đo được.

Dù việc đo là không bị giới hạn nhưng ta lại vẫn có một hình dung về cái lớn tuyệt đối. Thoạt nhìn, hình dung này là một sự mâu thuẫn: đã không có ranh giới cho việc đo, làm sao có được cái tuyệt đối? Nhưng, Kant cho rằng việc nói về cái lớn tuyệt đối là chính đáng, vì nó không liên quan đến những sự vật của trực quan trong không gian-thời gian mà đến mối quan hệ giữa trí tưởng tượng của ta và lý tính.

Ta không thấy được, không đo được nhưng lại có thể suy tưởng được về cái lớn tuyệt đối, chẳng hạn trong trường hợp cái cao cả:

“Cao cả là cái gì mà khi so sánh với nó, mọi cái khác đều là nhỏ” (B84).

“Cao cả là cái gì mà năng lực đơn thuần của sự suy tưởng minh chứng [sự có mặt của] một quan năng của tâm thức vượt hẳn lên mọi tiêu chuẩn hay thước đo của giác quan”. (B85).

- Sự quy định toán học về độ lớn không biết đến cái tối đa. Ta có thể thêm vào cho con số được cho mà không bao giờ gặp phải ranh giới nào cả. Thế nhưng, kinh nghiệm thẩm mỹ về độ lớn lại vấp phải những ranh giới. Kant nói đến hai hình thức của kinh nghiệm thẩm mỹ về độ lớn: “sự lĩnh hội” (apprehensio) và sự “thống hội” (comprehensio aesthetica) (B87).

Sự giới hạn của kinh nghiệm thẩm mỹ về độ lớn là do trí tưởng tượng chỉ có thể thống hội trực quan cảm tính một cách tiếp diễn (sukzessiv) thành một hình ảnh tổng thể. Khi số lượng của những biểu tượng bộ phận vượt khỏi một mức giới hạn nào đó, thì không còn có thể thống hội một cách đầy đủ được nữa. Trong trường hợp đó, chủ thể phán đoán có thể cảm nhận tính không tương hợp của sự hình dung về đối tượng đối với quan năng nhận thức của mình. Ông nên ví dụ về trạng thái choáng ngợp của mắt du khách trước kích thước khổng lồ của nhà thờ thánh Phêrô ở Roma. Tầm mắt không còn bao quát ngay một lúc toàn bộ không gian và người xem cảm nhận một tình cảm về tính không tương hợp của trí tưởng tượng đối với Ý niệm về một cái Toàn bộ. Hay như khi ta đột ngột đứng bên bờ vực thẳm: tầm mắt mất điểm định hướng và hầu như bị rơi vào một không gian vô tận. Kant bảo tính không tương thích ấy là “tính phản mục đích-chủ quan của biểu tượng đối với năng lực phán đoán trong việc lượng định về độ lớn” (B88).

Trong phương diện thứ ba (tương quan) của Phân tích pháp về cái đẹp, chính tính hợp-mục đích chủ quan trong sự hình dung về đối tượng cùng quy định việc ta thấy đối tượng là đẹp.

Còn ở đây thì ngược lại. Cái cao cả gắn liền với một tính “phản-mục đích” hay “trái-mục đích” chủ quan của những biểu tượng.

- Khi nói về Ý niệm về cái Toàn bộ nơi Kant, ta biết ngay rằng đó không phải là một khái niệm của giác tính tương ứng với một trực quan. Trái lại, Ý niệm về cái Toàn bộ (Idee des Ganzen) hay về tính Toàn thể (Idee der Totalität) là một tư tưởng của lý tính mà không một trực quan nào có thể tương ứng nổi. Chẳng hạn đối với không gian vô tận, ta không thể nào hình dung cái Toàn bộ bằng trực quan được. Ta chỉ có thể hình dung những không gian bị giới hạn.

Vậy, điều có ý nghĩa quyết định để hiểu được khái niệm về cái cao cả là sự phân liệt giữa một bên là trực quan và khái niệm tương ứng với nó với bên kia là Ý niệm của lý tính. Vì trước hết, cái cao cả không gì khác hơn là việc biết rằng, trước một số đối tượng nhất định, có cái gì đó trượt ra khỏi thước đo hay tiêu chuẩn của giác quan.

- Kant tiếp tục luận giải từ điểm xuất phát sau: nhu cầu cơ bản của lý tính là phải thống hội mọi hiện tượng một cách hoàn chỉnh. Nhưng, trước cái cao cả, ta đã thất bại khi tìm cách thỏa ứng nhu cầu này. Một mặt, sự thất bại ấy mang lại cảm giác khó chịu (khi cảm nhận tính không tương ứng), đồng thời cái cao cả lại gắn liền với một tình cảm vui sướng. Kant nhấn mạnh đến tính đồng thời ấy của tình cảm vui sướng lẫn không vui sướng:

“… xúc cảm về cái cao cả vừa là một xúc cảm của sự không vui sướng, nảy sinh từ tính không tương ứng [hay bất lực] của trí tưởng tượng trong việc lượng định thẩm mỹ về độ lớn hầu đạt đến được sự lượng định bởi lý tính, nhưng đồng thời vừa là một sự vui sướng được khơi dậy cũng chính từ chỗ phán đoán về tính không tương ứng của quan năng cảm tính lớn nhất so với các Ý niệm của lý tính, trong chừng mực nỗ lực vươn đến các Ý niệm này là một quy luật đối với ta…” (B97).

Ta biết rằng các Ý niệm của lý tính (cái Thiện, Tự do, sự bất tử và Thượng đế) là siêu việt (transzendent) khỏi lĩnh vực của kinh nghiệm, nên việc ta bất lực khi hình dung tính toàn thể ấy bằng trực quan không phải là một thất bại bi đát mà là chuyện thường tình. Nhưng, sở dĩ kinh nghiệm ấy lại làm ta vui sướng là vì nó lập tức chỉ ra cho ta các Ý niệm của lý tính; chúng giúp ta định hướng được mỗi khi trực quan và giác tính đã bất lực và bỏ ta bơ vơ.

Từ đó, Kant đã có thể đi đến được định nghĩa về chất của xúc cảm về cái cao cả: “Chất (Qualität) của xúc cảm về cái cao cả nằm ở xúc cảm về sự không vui sướng đối với một đối tượng xét về phương diện quan năng phán đoán thẩm mỹ. Nhưng xúc cảm không vui sướng này đồng thời được hình dung như là hợp-mục đích; một sự hình dung sở dĩ có được là từ sự kiện: chính sự bất lực của chủ thể làm phát hiện ra ý thức về một quan năng không bị giới hạn của bản thân chủ thể ấy, và, tâm thức chỉ có thể đưa ra phán đoán thẩm mỹ về quan năng này là nhờ vào sự bất lực nói trên” (B100).

“Quan năng không bị giới hạn” được Kant nói ở đây chính là năng lực của lý tính cho phép ta hình thành Ý niệm về một cái Toàn bộ tuyệt đối. Ta biết rằng cái Toàn bộ tuyệt đối không phải là khái niệm của giác tính và cũng không thể là đối tượng của giác quan. Vậy, những hình tượng nào mà độ lớn của chúng làm cho ta ý thức được sự giới hạn và bất lực của giác tính và trí tưởng tượng sẽ đưa ta về lại với các Ý niệm của lý tính. Chính trong chừng mực đó, những hình tượng này được Kant gọi là “hợp-mục đích chủ quan”. Chúng là “phản-mục đích” hay “trái mục đích” một cách chủ quan với giác tính và trí tưởng tượng, nhưng lại là “hợp-mục đích – cũng một cách chủ quan – đối với lý tính.

1.2.2 Cái cao cả-năng động (§§28-29)

Kant bắt đầu tìm hiểu hình thức thứ hai của cái cao cả bằng cách giải thích hai khái niệm: mãnh lực (Macht)quyền lực (Gewalt). Mãnh lực là khả năng vượt qua những trở lực lớn. Còn quyền lực là khả năng vượt qua những trở lực vốn bản thân có mãnh lực. Vậy, quyền lực là hình thức cao độ của mãnh lực. Ông kết hợp hai khái niệm này với phán đoán thẩm mỹ và nói: “Giới Tự nhiên, được xem như là mãnh lực ở trong phán đoán thẩm mỹ, nhưng không có quyền lực thống trị trên ta, chính là cao cả một cách năng động” (B102).

- Trước hết, khác với cái cao cả-toán học, ở đây chủ yếu bàn về phản ứng tình cảm của chủ thể quan sát. Tác động ở đây là sự khiếp sợ và một hình thức nào đó của cái gì đáng sợ. Ta cảm thấy khiếp sợ khi bất lực trước những đối tượng quá mãnh liệt. Hình thức khiếp sợ này giữ vai trò trọng yếu khi bàn về cái cao cả.

Sự khiếp sợ trước một cơn thiên tai hay trước một con mãnh thú chắc chắn không thể tạo nên “tình cảm vui sướng” hay “sự hài lòng” nào cả! Thế nhưng, tại sao cả hai hiệu ứng – khiếp sợ và hài lòng – lại đi chung với nhau được nơi cái cao cả? Kant viết: “Nhưng ta có thể xem một đối tượng là đáng sợ mà lại không khiếp sợ trước nó, nếu ta phán đoán về nó theo kiểu: chỉ cần tưởng tượng đến trường hợp muốn đề kháng lại nó, sẽ nhận ra ngay rằng mọi sự đề kháng như thế ắt là vô vọng” (B103).

Như vậy, cần phân biệt giữa tình huống hiện thực và trạng thái khả hữu. Chỉ có sự hình dung hay tưởng tượng về những mối đe đọa khả hữu của các mãnh lực của Tự nhiên mới gắn liền với sự vui sướng. Nhưng, tưởng tượng bị lũ cuốn hay bị hổ vồ mà thấy vui sướng là điều khó hiểu, nên cần lý giải rõ hơn: “Tảng đá lơ lửng, lạnh lùng nhô ra đầy hăm dọa, những đám mây giông kéo đen mịt trời kèm sấm chớp dữ dội, những ngọn núi lửa hung hãn với toàn bộ sức mạnh hủy diệt, những cơn bão tố để lại cảnh hoang tàn sau lưng chúng, đại dương mênh mông đang phẫn nộ, thác nước cao ngất của con sông dũng mãnh v.v... đúng là đã làm cho sức đề kháng của ta trở nên nhỏ nhoi, bé mọn so với sức mạnh khổng lồ của chúng. Tuy nhiên, hình ảnh của chúng càng đáng sợ thì lại càng hấp dẫn lôi cuốn ta hơn, miễn là ta đang ở trong tình trạng an toàn…” (B104).

Tại sao cái đáng sợ lại “hấp dẫn lôi cuốn” ta? Chính yếu là vì nó chỉ được hình dung chứ không có thực. Ta vui mừng là vui mừng được an toàn. Đó là một trong các lý do khiến Holywood không ngừng cho ra đời những bộ phim kinh dị về khủng long và núi lửa! Tất nhiên, tình cảm này không khỏi có mặt trái là “niềm vui” ích kỷ của cảnh “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại!”. Nhưng, thực ra Kant nghĩ tới một điều hoàn toàn khác chứ không phải chỉ là về sự vui sướng vì được an toàn.

- Sự hài lòng không chỉ hướng đến sự an toàn nhất thời. Ý nghĩa cốt yếu của cái cao cả-năng động là ta ý thức rằng mình không chỉ là một thân xác yếu đuối! Chìa khóa ở đây là sự phân biệt giữa con người như một hữu thể tự nhiên với con người như là một hữu thể có lý tính. Chính hình dung về khả năng bị tiêu diệt dễ dàng của sự tồn tại vật chất khiến ta nghĩ đến một “năng lực đề kháng thuộc loại hoàn toàn khác: “… Nhưng dầu vậy [thấy rõ sự hạn chế của chính mình], ta cũng đồng thời tìm thấy trong quan năng lý tính của ta một thước đo phi-cảm tính khác; thước đo này đặt bản thân tính vô tận của Tự nhiên vào bên dưới nó như là một đơn vị thống nhất và khi so sánh với thước đo ấy, vạn sự vạn vật ở trong Tự nhiên đều là bé nhỏ cả, và như thế là ta đã tìm thấy trong tâm thức ta một sự ưu việt hơn hẳn giới Tự nhiên, bất chấp tính bao la vô lượng của nó” (B104).

Tất nhiên, “sự ưu việt hơn hẳn giới Tự nhiên” này không phải là sức mạnh hiện thực giúp ta có được sức mạnh siêu nhiên hay siêu phàm để “chống” lại Tự nhiên mà là sức mạnh tinh thần của con người sẵn sàng chấp nhận, đương đầu và tương đối hóa mãnh lực của những gì bên ngoài ta: “Nhờ đó, tính Người ở trong nhân cách của ta vẫn đứng vững, không bị hạ nhục, mặc dù, với thân phận con người, ta phải phục tùng quyền lực thống trị của Tự nhiên (…). Ở đây, sở dĩ Tự nhiên được gọi là cao cả chỉ đơn thuần bởi vì nó nâng trí tưởng tượng lên (…) trong đó tâm thức có thể làm cho bản thân mình cảm nhận được chính tính cao cả của sứ mệnh của mình; một tính cao cả đứng lên trên cả Tự nhiên” (B105).

Tóm lại, “tính cao cả đích thực phải được đi tìm ở trong tâm thức của chủ thể phán đoán, chứ không phải ở nơi đối tượng tự nhiên…” (B95).

1.2.3 Tính tất yếu của phán đoán thẩm mỹ về cái cao cả

Cuối phần Phân tích pháp về cái cao cả, Kant trở lại với câu hỏi về phương diện hình thái: phải chăng sự vui sướng đối với cái cao cả là một sự hài lòng tất yếu mà ta có thể giả định nơi bất cứ ai?

Ở đây ta thấy có chỗ khác biệt cơ bản với phương diện hình thái của cái đẹp. Sự hài lòng với cái đẹp là sự hài lòng trực tiếp trước hình dung về đối tượng (khi tôi nhìn hay hình dung một cảnh sơn thủy hữu tình chẳng hạn). Và vì lẽ sự vui sướng này chủ yếu dựa trên hình thức của đối tượng và trên tính hợp mục đích của nó đối với tâm thức ta, nên cảm giác ấy có thể được xem là phổ quát và tất yếu.

Trái lại, sự vui sướng với cái cao cả không dựa trực tiếp vào sự hình dung về đối tượng; sự hình dung trực tiếp chỉ mang lại tác dụng trái ngược: sự không vui sướng hay khiếp sợ. Sự vui sướng ở đây chỉ dựa trên sự kích hoạt các Ý niệm nhất định của lý tính. Ở đây, chỉ duy có lý tính mới mang lại cho ta viễn tượng, trong đó ta không còn thấy mình chỉ là một hữu thể tự nhiên mà còn có một sự hình dung về sự tự trị và tự do, cho phép ta giữ khoảng cách với toàn bộ giới Tự nhiên.

Như thế, rõ ràng tình cảm về cái cao cả đòi hỏi nhiều hơn nơi ta, thậm chí đòi hỏi một sự đào luyện hay mức độ văn hóa khá cao nào đó, tức một sự phát triển và vun bồi các Ý niệm của lý tính, sau khi thoát khỏi sự ràng buộc ngặt nghèo của cuộc sống vật chất tối thiểu. Kant nêu ví dụ về người nông dân chất phác ở vùng núi Alpe xem những khách du lịch say sưa leo núi để thưởng ngoạn hết “tính cao cả” của phong cảnh là một “lũ khùng” (B111).

Tuy nhìn nhận vai trò quan trọng của “văn hóa” trong việc cảm nhận tình cảm cao cả, nhưng Kant không xem nó là điều kiện giới hạn nơi một số ít người. Ông không xem phán đoán thuần túy về cái đẹp và phán đoán về cái cao cả là khác nhau một cách triệt để. Trái lại, về nguyên tắc, Kant vẫn chủ trương rằng mọi con người đều có lý tính và đều có tiềm năng để lấy thái độ đúng đắn về cái cao cả: “Tuy nhiên, bảo rằng sự đào luyện văn hóa là điều cần có để phán đoán về cái cao cả của Tự nhiên (nhiều hơn so với việc phán đoán về cái đẹp) không có nghĩa rằng cái cao cả là sản phẩm do văn hóa tạo ra và được đưa vào trong xã hội theo kiểu đơn thuần quy ước, trái lại, cái cao cả có cơ sở của nó ở trong bản tính tự nhiên của con người và là cái mà, cùng với tâm trí lành mạnh của con người, ta có thể hy vọng và đòi hỏi rằng ai ai cũng có ở trong tố chất bẩm sinh của mình đối với xúc cảm về những Ý niệm (thực hành), tức là, về những Ý niệm luân lý. (B111-112)

Cần chú ý ở đây sự nhấn mạnh của Kant đến các “Ý niệm luân lý thực hành”. Như đã nói trước đây, trong Phân tích pháp về cái đẹp, ông cố xem xét “phán đoán thẩm mỹ thuần túy” một cách cô lập. Từ nay, ông bắt đầu quan tâm đến mối quan hệ giữa kinh nghiệm thẩm mỹ với thái độ luân lý, và, rộng hơn, với các quan năng nhận thức khác, như ta sẽ dần dần theo dõi sau đây.

1.3    Nhận xét chung về sự trình bày những phán đoán thẩm mỹ phản tư (B114-131)

Phần “Nhận xét chung” này thực ra không phải là một phụ lục thứ yếu, vì mục đích của Kant ở đây là muốn làm rõ hơn lập trường “phê phán siêu nghiệm” của mình so với các chủ trương nghiên cứu “thường nghiệm” về vấn đề mỹ học đương thời.

- Điểm đầu tiên được bàn là mối quan hệ giữa lĩnh vực thẩm mỹ với các Ý niệm của lý tính về cái Thiện. Sở dĩ có mối quan hệ này là vì các Ý niệm của lý tính (cái Thiện, Tự do, Bất tử, Thượng đế) tuyệt nhiên không phải là các đối tượng của trực quan. Và cũng chính cái cao cả là cái làm cho ta có ý thức về sự dị biệt cơ bản giữa các Ý niệm của lý tính với trực quan. Trong chừng mực đó, kinh nghiệm thẩm mỹ về cái cao cả có vai trò hệ trọng đối với lý tính.

- Điểm thứ hai là nhấn mạnh về tính chất “siêu nghiệm” của lý luận mỹ học của ông so với các lập trường của các tác giả khác. Cái cao cả là một phạm trù mỹ học đã được nhiều nhà lý luận đương thời phân tích và có tác động lớn đến nhiều tác phẩm nghệ thuật thế kỷ XVIII và XIX.

Ta đã biết thế nào là “nghiên cứu siêu nghiệm” trong triết học Kant nói chung và trong phần Phân tích pháp về cái đẹp mới đây: sự phân tích siêu nghiệm không vừa lòng với việc nghiên cứu về những đối tượng riêng lẻ được mang lại một cách thường nghiệm, trái lại, đặt câu hỏi căn để hơn về những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm của chúng ta. Để không phải “quy thoái đến vô tận” (regressus ad infinitum), các điều kiện siêu nghiệm phải thực sự căn để và không thể lại trở thành những đối tượng của kinh nghiệm.

Trong tinh thần ấy, một công cuộc nghiên cứu siêu nghiệm về cái cao cả không đơn giản mô tả những trường hợp nhất định, trong đó những đối tượng được trải nghiệm như là cao cả hay những cá nhân riêng lẻ thông báo về xúc cảm về cái cao cả của họ. Những phân tích như thế đi không đủ sâu để nhận diện cái Lôgíc riêng biệt làm nền tảng chung cho tất cả những trường hợp khác nhau ấy.

Kant gọi những công trình của các bậc tiền bối là “sự trình bày đơn thuần thường nghiệm” (B128), trong đó tiêu biểu là quan niệm của triết gia Anh E. Burke(1). Burke tìm cách xác định những phản ứng khi ta nhìn những đối tượng “cao cả”. Ông dùng ngôn ngữ của môn sinh lý học để xác định các phản ứng thể xác về hiện tượng này (xem Kant trích dẫn Burke ở tr. B28). Kant không phủ nhận rằng các quan sát thường nghiệm ấy là lý thú, bổ ích. Nhưng, ông kiên quyết cho rằng cách làm ấy không bao giờ cho thấy được tại sao mọi con người, với những điều kiện nhất định, đều có thể cùng cảm nhận tình cảm như nhau về tính cao cả. Ông đi tìm một nguyên tắc tiên nghiệm cho cái cao cả và cho rằng mình đã tìm ra khi phát hiện sự nối kết giữa những hình dung về đối tượng với các Ý niệm của lý tính, trong khi Burke chỉ dừng lại ở những quá trình thường nghiệm.

Kant kết thúc phần Phân tích pháp về cái cao cả bằng một sự đúc kết:

1.   Cái cao cả-toán học quan hệ với những đối tượng của trực quan vốn quá lớn khiến chúng không thể được đo lường hay tổng hợp bởi trí tưởng tượng. Đứng trước sự bất lực ấy của trí tưởng tượng và giác tính trong việc tổng hợp tính đa tạp của những biểu tượng, lý tính được khởi động. Nhờ có lý tính, những biểu tượng ấy được đưa vào mối quan hệ với Ý niệm về tính Toàn thể.

2.   Cái cao cả-năng động là quá mãnh liệt, đe dọa tiêu diệt chúng ta. Ở đây vấn đề không phải là trí tưởng tượng mang lại những biểu tượng không thể thống hội được thành một nhất thể nữa. Trái lại, đây là một phức hợp của những biểu tượng hăm dọa sự tồn tại của chính ta. Trong trường hợp đó, chủ thể phải tìm sự trú ẩn nơi các Ý niệm của lý tính thực hành để “cân đối” lại với hiểm nguy ấy.

Trong khi cái cao cả-toán học – giống với cái đẹp – không gắn liền với sự quan tâm nào, thì cái cao cả-năng động tỏ ra có sự nối kết nội tại với sự quan tâm đến các Ý niệm của lý tính thực hành.

Dù các ví dụ của Kant về cái cao cả chủ yếu là những đối tượng của giới Tự nhiên, nhưng ông không loại trừ rằng những tác phẩm nghệ thuật cũng có tính cao cả (tất nhiên cũng theo nghĩa chủ quan) (B122 và tiếp). Theo Kant, cái cao cả của nghệ thuật phải gắn liền với cái đẹp, nhưng tiếc rằng ông không đi sâu nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai phạm trù mỹ học cơ bản này.

3.   Một khía cạnh khác cũng đáng chú ý, liên quan đến mối quan hệ giữa cái cười hay tính buồn cười với cái cao cả. Kant cũng bàn khá nhiều về tiếng cười và tính hài hước (B225 và tiếp) như một “phản ứng giải thoát”, nhưng không thấy ông gắn nó với cái cao cả. Burke đã nhận xét rằng cái cao cả không phải là sự “đe dọa” thực sự, vì thế, là “vô hại”. Thomas Paine, ngay từ 1794, trong The Age of Reason, cũng đã viết: “Khi những nhà văn và những nhà phê bình nói về cái cao cả, họ không thấy nó gần gũi với cái buồn cười đến mức nào”. Muộn hơn, mấy ai không biết đến câu nói nổi tiếng của Napoléon khi tháo chạy khỏi nước Nga: “Từ cái cao cả đến cái kỳ cục chỉ là một bước nhỏ” (“Du sublime au ridicule il n’ya qu’un pas”). J. F. Lyotard lấy cái cao cả làm khái niệm trung tâm cho mỹ học của mình(1) chắc hẳn đã biết đến điều này, nhưng Lyotard cũng không đề cập đến mối quan hệ ấy. Lý do phải chăng là vì Kant đã quá nhấn mạnh đến “sự thăng hoa” của các Ý niệm của lý tính và Lyotard quá nhấn mạnh đến phương diện “hùng tráng” và “nghiêm chỉnh” của trào lưu “văn nghệ tiền phong”?

 



(1) Xem E. Burke, A Philosophical Enquiry into the Origin of Our Ideas of the Sublime and Beautiful, (1757), London. Bản tiếng Đức: Vom Erhabenen und Schönen/Về cái cao cả và cái đẹp, Hamburg 1980.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt