PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP
BIỆN CHỨNG PHÁP CỦA NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN THẨM MỸ (§§55-60)
BÙI VĂN NAM SƠN
Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 350-356. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
Mục §50 mở đầu một phần độc lập của “Phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ” bàn về Biện chứng pháp của năng lực này. Thế nào là “Biện chứng pháp”? Ta biết rằng, Kant hiểu “Biện chứng pháp” là sự xung đột giữa các phán đoán có yêu sách về tính phổ biến tiên nghiệm. Anh A muốn đi uống bia, anh B muốn đi xem phim, sự bất đồng này không đủ để tạo nên một sự xung đột hay nghịch lý (Antinomie). Rồi hai người tìm cách “hòa giải” bằng cách thỏa thuận đi xem phim trước và sau đó uống bia cũng không phải là cách giải quyết “biện chứng”! Để hiểu rõ về vấn đề này, ta cần đọc Phê phán lý tính thuần túy (B350 và tiếp). Bây giờ, ta hỏi: đâu là các phán đoán phổ biến tiên nghiệm xung đột với nhau trong lĩnh vực kinh nghiệm thẩm mỹ? Ta thấy:
Thật vậy, yếu tố tiên nghiệm của phán đoán sở thích nằm ở trong tính hợp mục đích chủ quan của sự hình dung về đối tượng. Tính chất này được thể hiện và thông báo ở trong phán đoán sở thích về cái đẹp. Nhưng, như Phân tích pháp đã cho thấy, việc thông báo một trạng thái tình cảm của tâm thức khác với một khẳng định chặt chẽ của việc nhận thức khách quan về đối tượng.
Như thế, sự xung đột về nguyên tắc mà phần Biện chứng pháp này phải giải quyết liên quan đến lý luận về sở thích. Vì thế, Kant cũng bảo đó là “Nghịch lý của sở thích” (Antinomie des Geschmaks) (nhan đề của §56). 4.1 Trình bày về “Nghịch lý của sở thích” (§56) Điểm xuất phát của Nghịch lý này là sự xung đột giữa hai quan điểm:
Kant phân biệt giữa “tranh biện” (Disputation) và “tranh cãi” (Streit). Khi tranh biện, ta phải đưa bằng chứng và đặt cơ sở cho phán đoán bằng các khái niệm khách quan, chẳng hạn tranh biện trong khoa học tự nhiên. Ngược lại, ta có thể tranh cãi với nhau cả trong những trường hợp không thể có những bằng chứng khách quan theo nghĩa hẹp, chẳng hạn trong các phán đoán sở thích. Từ các phân tích sơ bộ ấy, ta có thể nêu Nghịch lý (Antinomie) của sở thích như sau:
4.2 Khảo sát và giải quyết Nghịch lý trên đây (§57) Chính đề và phản đề mâu thuẫn với nhau và cả hai tỏ ra đều có thể dựa vào những lý lẽ vững chắc để bênh vực cho mình, khó mà phân xử đúng sai. Muốn giải quyết thế bế tắc này, Kant chỉ ra rằng cần phải lưu ý đến cách sử dụng khác nhau về chữ “khái niệm” trong hai mệnh đề nói trên, vì đó là nguồn gốc gây ra ngộ nhận và xung đột “vô lối”. Khái niệm thì có thể là xác định hoặc không-xác định. Những khái niệm của giác tính là những khái niệm xác định; còn khái niệm siêu nghiệm về cái Siêu-cảm tính [cái chỉ có thể suy tưởng chứ không thể trực quan được] là khái niệm không-xác định. Phán đoán sở thích không dựa trên một khái niệm xác định về đối tượng, bởi nếu thế, hóa ra nó là một phán đoán nhận thức, và với tư cách ấy, thuộc về phạm vi thẩm quyền của giác tính chứ không phải của sở thích nữa. Dù vậy, nó vẫn có thể viện đến một khái niệm, nhưng đó là một khái niệm không-xác định. Với nhận xét ấy, Kant đã làm dịu đi sự mâu thuẫn giữa Chính đề và Phản đề. Bây giờ, Chính đề sẽ là: “Phán đoán sở thích không dựa trên các khái niệm xác định” và Phản đề sẽ là: “Phán đoán sở thích vẫn dựa trên một khái niệm, nhưng là khái niệm không-xác định” (B236). Nhờ phát biểu lại bằng cách khác này, Nghịch lý trên đây đã được giải quyết. Kant đã cho thấy phán đoán sở thích quả có kích hoạt các quan năng nhận thức của ta. Nhưng, ý nghĩa nhận thức của phán đoán sở thích không được lẫn lộn với việc thu hoạch thêm kiến thức, vì đó là công việc của giác tính đối với những đối tượng của kinh nghiệm. Trong khi đó, so với phán đoán nhận thức, phán đoán sở thích nhắm đến một cái gì không được xác định. Tính không-xác định này vẫn có thể hết sức quan trọng như các “Ý niệm thẩm mỹ” (B192 và tiếp) đã cho thấy. Ở đó, ta vẫn nhận ra sự tham gia của các khái niệm (Ý niệm) dù không được xác định một cách cố định, chính xác. Vậy, nếu có các Nghịch lý trong đó Chính đề và Phản đề đều cùng sai (xem: các Nghịch lý vũ trụ học trong “Phê phán lý tính thuần túy”) thì cũng có các Nghịch lý trong đó Chính đề và Phản đề đều có thể cùng đúng, chỉ có điều thuộc hai bình diện khác nhau và có thể cùng tồn tại bên nhau mà không loại trừ nhau. Nghịch lý về sở thích cũng thuộc loại như vậy. 4.3 Viễn tượng của cái “Cơ chất siêu-cảm tính của nhân loại” (B237) Khi nói về khái niệm không-xác định làm cơ sở cho phán đoán sở thích, Kant mở rộng vấn đề bằng một sự bổ sung. Sự bổ sung này dường như vượt ra khỏi khuôn khổ nghiên cứu siêu nghiệm và ít nhiều mang màu sắc “tư biện” (spekulativ). Đó là khi Kant viết: “… song, chính nhờ vào khái niệm [siêu-cảm tính] này, phán đoán sở thích đồng thời có được tính giá trị cho mọi người (…), bởi vì cơ sở quy định cho nó có lẽ nằm trong khái niệm về cái gì có thể được xem như là cái cơ chất siêu-cảm tính của nhân loại (B236-237). Cách viết đầy thận trọng (“có lẽ có thể”/“könne vielleicht) cho thấy ông e ngại trước một cách giải thích quá rành rọt về viễn tượng mang tính gợi ý này. Dù sao, so với phần Phân tích pháp về phán đoán sở thích thuần túy, tư tưởng của Kant đã đi khá xa. Ông muốn đưa ra một lý giải triết học về tiềm lực “nhận thức” trong kinh nghiệm thẩm mỹ. Kinh nghiệm thẩm mỹ không dạy cho ta biết về những sự vật riêng lẻ ở trong thế giới, nhưng nó cũng không đơn thuần là một sự hưởng thụ về giác quan, trái lại, nó hỗ trợ đáng kể cho sự tự-phản tư của trí tuệ con người để biết sống sao cho hòa điệu với thế giới được cảm nhận từ viễn tượng thẩm mỹ. 4.4 Vẻ đẹp như là biểu trưng của luân lý (§59) Kant đã đi đến chỗ kết thúc phần nghiên cứu mỹ học của mình. Khi đặt vấn đề sau cùng về vẻ đẹp như là biểu trưng của luân lý, ông nối tiếp đường dây suy tưởng về cái “cơ chất siêu-cảm tính” nói trên. Phải chăng ông “thụt lùi” khi muốn đụng chạm đến sự tự trị của phán đoán sở thích mà ông đã dày công xây dựng? Thật ra, không phải thế. Như đã nói, ông chỉ muốn dựa trên những phân tích trước nay để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của kinh nghiệm thẩm mỹ. Vẻ đẹp được xem là biểu trưng (Symbol) của luân lý không có nghĩa là sự đánh đồng đơn giản: “đẹp = tốt”. Một sự đánh đồng hay quy giản cái đẹp thành cái tốt sẽ mâu thuẫn, thậm chí phá hủy toàn bộ phần Phân tích pháp về cái đẹp. Vậy, cần hiểu rõ ý Kant muốn nói gì ở phần kết luận này. Một biểu trưng (Symbol) là một trực quan làm nền tảng tiên nghiệm cho một khái niệm. Trực quan này chứa đựng một sự trình bày gián tiếp về khái niệm. Sự trình bày có tính biểu trưng sử dụng phương pháp tương tự (Analogie). Ví dụ đơn giản của Kant: một chế độ quân chủ lập hiến được mô tả bằng hình ảnh một cơ thể linh hoạt, còn chế độ quân chủ chuyên chế là hình ảnh của một cỗ cối xay (máy móc lạnh lùng). Giữa chế độ chính trị với cơ thể sống hay với cỗ cối xay không có liên quan gì với nhau. Nhưng ta vẫn so sánh được khi ta phản tư về cơ chế vận hành và tác động của chúng (B256). Vậy, trong chừng mực nào cái đẹp là một sự trình bày gián tiếp về luân lý? Theo Kant, có bốn phương diện có thể có quan hệ gần gũi – nhưng không đồng nhất – của hai bên:
Ở đây, Kant nhấn mạnh đến mặt thân thuộc, gần gũi giữa thái độ thẩm mỹ và thái độ luân lý, nhằm mục đích cho thấy: việc biết đánh giá và trân trọng cái đẹp là một khởi điểm quan trọng để dẫn vào thái độ sống luân lý. Cách đặt vấn đề tinh tế này của Kant sẽ được các thế hệ sau tiếp nối và phát triển, đặc biệt trong lý luận về nghệ thuật của F. Schiller và Hegel sau này. Tóm lại, Kant kết thúc phần mỹ học bằng cách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh nghiệm thẩm mỹ trong quan hệ với việc hình thành tri thức lẫn sinh hoạt luân lý. Chính kinh nghiệm thẩm mỹ mở ra viễn tượng về một thế giới, trong đó có sự hợp nhất giữa các lĩnh vực xa cách nhau như lý thuyết và thực hành. Sự thống nhất hay tổng hợp này được trực quan hóa trong sự hợp tác hài hòa, thoải mái giữa các quan năng nhận thức của chủ thể khi đối diện với những hiện tượng được xem như là có tính hợp mục đích của thế giới bên ngoài như sẽ bàn ở phần II sau đây. Phần kết luận này là bản lề kết nối hai phần của quyển sách, và, về mặt hệ thống, bước đầu làm tròn chức năng môi giới của năng lực phán đoán mà Kant đã dành toàn bộ tác phẩm này để nghiên cứu.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC