Triết học nghệ thuật

Chú giải dẫn nhập Biện chứng pháp của năng lực phán đoán mục đích luận (§69-78)

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         
 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

 

BIỆN CHỨNG PHÁP CỦA

NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN MỤC ĐÍCH LUẬN (§§69-78)

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11  
                       

BÙI VĂN NAM SƠN 

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 392-398. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

Nếu kết quả sau cùng của cuộc thảo luận về mục đích luận cho thấy nó chỉ giữ vai trò bổ sung theo nghĩa “điều hành” cho lối giải thích nhân quả cơ giới có tính “cấu tạo”, thì vấn đề đã ổn thỏa, làm sao lại có thể có một Nghịch lý (Antinomie) nào của năng lực phán đoán để “Biện chứng pháp” phải giải quyết? Vậy, Nghịch lý ở đây là gì?

Điểm quyết định để hiểu được điều này là khẳng định của Kant rằng: một Nghịch lý chỉ có thể có đối với năng lực phán đoán phản tư chứ không phải với năng lực phán đoán xác định (§69). Ta nhớ lại rằng: năng lực phán đoán xác định thâu gồm một cái đặc thù nào đó vào dưới cái phổ biến (những quy luật Tự nhiên và Tự do). Còn ngược lại, năng lực phán đoán phản tư là đi tìm một nguyên tắc hay một quy tắc (cái phổ biến) cho một đối tượng được cho (cái đặc thù). Vậy, một Nghịch lý có thể nảy sinh khi năng lực phán đoán – trong công việc phản tư – sử dụng các nguyên tắc mâu thuẫn với nhau. Và trường hợp này quả nhiên xảy ra:

“… và do đó, nảy sinh một phép biện chứng dẫn dắt năng lực phán đoán vào con đường lầm lạc trong nguyên tắc của sự phản tư của nó:

Châm ngôn thứ nhất của năng lực phán đoán là mệnh đề: mọi việc tạo ra những sự vật vật chất và những hình thức của chúng là chỉ có thể có được dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới.

Châm ngôn thứ hai là phản-mệnh đề: không thể phán đoán rằng: một số sản phẩm của giới Tự nhiên vật chất là có thể có được dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới. (Muốn phán đoán về chúng, cần có một tính nhân quả hoàn toàn khác, đó là, tính nhân quả của những nguyên nhân mục đích). (B314)

Vấn đề dường như là sự xung đột giữa hai mô hình giải thích, trong đó mô hình thứ nhất đại biểu cho lối giải thích nhân quả cơ giới; ngược lại, mô hình thứ hai có tính tới một khả thể giải thích khác. Cần nhớ rằng cả hai đều là các nguyên tắc điều hành, chứ không phải cấu tạo. Nếu chúng là các nguyên tắc cấu tạo, ắt sự xung đột sẽ là:

“Chính đề”: Mọi việc tạo ra những sự vật vật chất là có thể có được dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới.

Phản đề: Một số việc tạo ra những sự vật vật chất là không thể có được dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới” (B314-315).

Trong trường hợp này, vì là các mệnh đề “cấu tạo”, tất yếu một trong hai phải là sai. Nhưng, chúng không phải là Nghịch lý của năng lực phán đoán. Chúng được xác định bởi các nguyên tắc của lý tính chứ không liên quan đến việc các đối tượng được phản tư bởi năng lực phán đoán như thế nào.

Trong khi đó, ở hai châm ngôn trước, quả thật là của năng lực phán đoán phản tư; giữa chúng có một mâu thuẫn, vì châm ngôn thứ nhất xuất phát từ tính tất yếu toàn diện của một sự phán đoán theo kiểu nhân quả cơ giới, còn châm ngôn thứ hai không chịu làm như thế. (Ta chú ý rằng: Nghịch lý ở đây không phải là một sự mâu thuẫn giữa cơ chế máy móc và mục đích luận, mà là một mâu thuẫn giữa các quan niệm khác nhau về cơ chế ấy).

Vấn đề ắt sẽ được giải quyết ngay nếu giả sử châm ngôn thứ nhất (của năng lực phán đoán phản tư) chịu nhượng bộ một chút, khi bảo rằng: hầu hết mọi sản phẩm tự nhiên đều phải được giải thích đơn thuần theo các định luật cơ giới. Nhưng, nó không chịu nhượng bộ, vì thế năng lực phán đoán phải đồng thời làm việc với hai nguyên tắc trái ngược nhau: nguyên tắc bất định cơ giới và nguyên tắc không bất định cơ giới.

Nghịch lý ấy cũng không thể giải quyết bằng cách bảo rằng: cách giải thích cơ giới là có tính cấu tạo, còn cách giải thích mục đích luận là có tính điều hành. Tại sao? Vì trong trường hợp ấy, không nảy sinh Nghịch lý nào hết!

Sự mâu thuẫn đích thực, ác liệt, đúng nghĩa là một trường hợp cho Biện chứng pháp, chính là ở chỗ: Ta vừa không thể có cách nào khác hơn là phải giải thích sự vật một cách cơ giới, vừa đồng thời không phải lúc nào cũng có thể làm như thế! Trước khi xem Kant giải quyết như thế nào, ta hãy nhìn nhận ngắn gọn lại vấn đề được Kant quảng diễn suốt bốn mục dài: §§74-78.

Đối với con người chúng ta, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng là phải giải thích mọi sự vật bằng cách nhân quả cơ giới mới có được nhận thức khoa học, từ đó áp dụng vào kỹ thuật và công nghệ. Giải thích một cách “cơ giới” nghĩa là xác định đối tượng thông qua tác động qua lại giữa các bộ phận của nó. Nếu ta muốn giải thích cơ chế của một cái đồng hồ thì – ít ra về nguyên tắc – ta có thể chế tạo ra nó. Sự hội tụ giữa tính có thể giải thích được và tính có thể sản xuất được là đặc điểm trung tâm của lối giải thích cơ giới và cũng là một trong những nhu cầu sống còn cơ bản của con người.

Do đó, Kant gắn liền khái niệm “giải thích” với sự giải thích nhân quả cơ giới. Sự nối kết này còn có cơ sở ngay bên trong một căn tính nhất định của giác tính con người.

“Dựa theo đặc điểm cấu tạo của giác tính chúng ta, một cái toàn bộ hiện thực của Tự nhiên chỉ được xem như là kết quả của những lực vận động cạnh tranh nhau của những bộ phận” (B349).

Thế nhưng, lại có một loạt những đối tượng tỏ ra đi ngược lại với đặc điểm này của giác tính, đó chính là những sinh thể hữu cơ. Chúng được xác định như những đối tượng mà các bộ phận của chúng quan hệ với nhau một cách có mục đích và với cái toàn bộ. Ở đây, cái toàn bộ tỏ ra quy định những bộ phận. Chính tính quy định các bộ phận bởi cái toàn bộ là điểm làm cho giác tính con người không còn có thể giải thích theo kiểu cơ giới được nữa. Giác tính chỉ còn cách suy tưởng về Ý niệm của một cái Toàn bộ như là nguyên nhân có tính ý thể (ideale) cho các bộ phận. Do đó, dường như ta phải mô tả sinh thể hữu cơ như thể có một Ý niệm về cái Toàn bộ tác động đến sự tương tác của các bộ phận.

Với các nhận xét ấy, Kant đi đến chỗ giải quyết Nghịch lý nói trên:

- Về nguyên tắc, ta phải hướng tới các giải thích cơ giới. Còn trong những trường hợp ta không thể giải thích được bằng cách ấy (tức với nhưng sinh thể hữu cơ!), ta làm việc với giả thuyết rằng những đối tượng là những cơ chế thụ tạo, do một “kiến trúc sư” tạo ra. Ta làm như thế không phải vì ta thực sự tin rằng có một ai đó (Kant gọi là một Giác tính siêu việt) đã tạo ra chúng, trái lại, chỉ bằng cách ấy, ta mới có thể hình dung được tính quy định của các bộ phận bởi cái Toàn bộ. Kant nhấn mạnh rằng, không phải bất kỳ loại “giác tính khả hữu” nào, mà chỉ có loại giác tính suy lý của con người chúng ta mới phải chịu phục tùng sự hạn chế nói trên.

Cuộc thảo luận chung quanh Nghịch lý này cho thấy sự phán đoán mục đích luận là có thể tương thích với lối giải thích nhân quả cơ giới. Nó là một phương tiện phụ trợ khi ta bất lực với lối giải thích cơ giới, còn tự nó, năng lực phán đoán mục đích luận không thể cho ta biết gì về một mục đích thực sự của sinh thể hữu cơ.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt