PHÂN TÍCH PHÁP VỀ LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH
BẢNG CÁC PHẠM TRÙ CỦA SỰ TỰ DO liên quan đến các khái niệm về Thiện và Ác
IMMANUEL KANT (1724-1804) Bùi Văn Nam Sơn dịch
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 119-120. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.
Ở đây ta lập tức thấy ngay rằng, trong bảng này, sự Tự do được xét như một loại tính nhân quả nhưng không phục tùng những cơ sở quy định thường nghiệm, đối với những hành động khả hữu từ sự Tự do, vốn là những hiện tượng ở trong thế giới cảm tính, và do đó, tuy nó quy chiếu đến các [loại] phạm trù liên quan đến khả thể tự nhiên của chúng [tức về bốn loại phạm trù Lượng, Chất, Tương quan, Hình thái giống như Bảng phạm trù của giác tính trong nhận thức về Tự nhiên. N.D], song mỗi loại phạm trù ở đây được nắm lấy một cách phổ quát khiến cho cơ sở quy định của tính nhân quả ấy có thể được đặt ra bên ngoài thế giới cảm tính, tức ở trong sự Tự do như là một đặc điểm của một hữu thể trong thế giới khả niệm; và, sau cùng, các phạm trù thuộc Hình thái cho thấy sự quá độ từ những nguyên tắc thực hành nói chung sang những nguyên tắc thực hành của luân lý, nhưng chỉ có tính nghi vấn (problematisch). | Chúng chỉ có thể bắt đầu được trình bày một cách “giáo điều” (dogmatisch)[1] là bởi quy luật luân lý mà thôi. Thiết tưởng tôi không cần nói thêm gì ở đây để giải thích bảng phạm trù này vì tự nó đã đủ sáng tỏ. Việc phân chia bảng phạm trù dựa trên các nguyên tắc là rất hữu ích trong bất kỳ ngành khoa học nào, cả về mặt cặn kẽ lẫn về tính dễ hiểu. Chẳng hạn, từ bảng trên đây ở mục số 1, ta biết những gì ta phải bắt đầu trong việc nghiên cứu về lĩnh vực thực hành, đó là, từ “những châm ngôn” được mọi người đặt nền tảng trên những xu hướng của riêng mình, tiến tới “những điều lệnh” có giá trị hiệu lực cho một loại nhất định những hữu thể có lý tính trong chừng mực họ nhất trí trong những xu hướng nhất định; và sau cùng, là “quy luật” có giá trị cho mọi người bất kể những xu hướng của họ v.v... Bằng cách này, ta có cái nhìn tổng quan về toàn bộ kế hoạch phải được làm, về mọi vấn đề của triết học thực hành cần phải được giải đáp lẫn trình tự phải được tuân theo.
[1] “Giáo điều”/“dogmatisch”: một cách khẳng quyết trong khuôn khổ một học thuyết (Doktrin) đã được phê phán. (N.D). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC