Đạo đức học

Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành - §1 Định nghĩa

 

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành / Phần 1, Quyển 1, Chương 1. “Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành”. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 39-42. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

§1

ĐỊNH NGHĨA

 

Các nguyên tắc thực hành là các mệnh đề bao hàm một sự quy định phổ biến đối với ý chí; và sự quy định này chứa đựng dưới nó nhiều quy tắc thực hành. Các quy tắc này là có tính chủ quan hay [gọi] là các Châm ngôn (Maximen) khi điều kiện được xem xét bởi chủ thể như là chỉ có giá trị đối với ý chí riêng của chủ thể; nhưng, chúng lại có tính khách quan hay [gọi] là các quy luật thực hành (pratische Gesetze) nếu điều kiện được nhận thức như là có tính khách quan, nghĩa là, có giá trị đối với ý chí của bất kỳ hữu thể nào có lý tính.

 

NHẬN XÉT

Nếu giả định rằng lý tính thuần túy chứa đựng trong bản thân nó một cơ sở hay một nguyên cớ (Grund) thực hành, nghĩa là, một cơ sở thích hợp đủ để quy định ý chí, thì ắt có các quy luật thực hành; còn nếu không phải như thế, mọi nguyên tắc thực hành sẽ chỉ là các châm ngôn (Maximen) đơn thuần. Trong trường hợp ý chí của một hữu thể có lý tính bị tác động một cách “sinh lý” (pathologisch), có thể xảy ra sự xung đột giữa các châm ngôn với các quy luật thực hành được chính hữu thể ấy thừa nhận. Chẳng hạn, nếu ta lấy việc bị xúc phạm thì phải trả thù làm châm ngôn, ta sẽ đồng thời nhận ra rằng đó không phải là một quy luật thực hành mà chỉ là châm ngôn của riêng ta thôi; rằng, ngược lại, nếu lấy một và cùng một châm ngôn ấy làm một quy tắc cho ý chí của mọi hữu thể có lý tính, châm ngôn ấy ắt sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Trong nhận thức về Tự nhiên, các nguyên tắc của cái gì đang diễn ra (ví dụ: nguyên tắc về sự ngang bằng giữa tác động và phản tác động trong thông báo về vận động), đồng thời là các quy luật của Tự nhiên, vì sự sử dụng lý tính ở đó là có tính lý thuyết và được quy định bởi đặc tính cấu tạo của đối tượng. Còn trong nhận thức thực hành, tức, trong nhận thức chỉ liên quan đến các cơ sở quy định của ý chí, các nguyên tắc mà một người tự tạo ra cho chính mình không phải là các quy luật mà người ấy nhất thiết phải phục tùng, vì lý tính, trong những vấn đề thực hành, phải làm việc với chủ thể, nghĩa là, với quan năng ham muốn, mà đặc tính của nó là có thể tạo ra sự dị biệt đa tạp ở trong quy tắc. – Quy tắc thực hành bao giờ cũng là một sản phẩm của lý tính, vì nó đề ra hành vi như là phương tiện để đạt được ý đồ như một kết quả. Nhưng, đối với một hữu thể mà lý tính không tự mình có thể hoàn toàn quy định được ý chí, thì quy tắc này là một mệnh lệnh (Imperativ), tức, một quy tắc mang đặc điểm của một cái “Phải là” (Sollen), biểu thị sự bắt buộc khách quan của hành vi và có nghĩa rằng: nếu giả sử lý tính hoàn toàn quy định ý chí, thì hành vi ắt nhất thiết xảy ra dựa theo quy tắc ấy. Vì thế, các “mệnh lệnh” là có giá trị khách quan và hoàn toàn khác với các châm ngôn vốn chỉ là các nguyên tắc chủ quan. Các mệnh lệnh có hai loại: hoặc chúng quy định các điều kiện cho tính nhân quả của hữu thể có lý tính như là nguyên nhân tác động, tức là, đơn thuần liên quan đến kết quả và phương tiện để đạt được kết quả ấy; hoặc chúng chỉ quy định ý chí, bất kể ý chí có tương ứng được với kết quả hay không. Loại trước là các mệnh lệnh giả thiết (hypothetische Imperativen) và chỉ chứa đựng những điều lệnh đơn thuần của tài khéo; ngược lại, loại sau là các mệnh lệnh nhất quyết hay tuyệt đối (kategorische Imperativen) và chỉ duy có chúng mới là các quy luật thực hành. Vậy, các châm ngôn là các nguyên tắc, nhưng không phải là các mệnh lệnh. Tuy nhiên, bản thân các mệnh lệnh, nếu chúng là có-điều kiện (nghĩa là, không quy định ý chí một cách tuyệt đối xét như là ý chí mà chỉ liên quan đến một kết quả được mong muốn, tức, nếu chúng là các mệnh lệnh giả thiết), thì chúng chỉ là các điều lệnh thực hành (praktische Vorschriften) chứ không phải là các quy luật [thực hành]. Các quy luật phải đủ sức quy định ý chí xét như là ý chí, ngay cả trước khi ta tự hỏi liệu mình có đủ năng lực đạt được một kết quả mong muốn hay không hay có phương tiện cần thiết để tạo ra kết quả ấy, do đó, chúng có tính nhất thiết (kategorisch); nếu không, chúng tuyệt nhiên không phải là các quy luật; vì chúng thiếu sự tất yếu để trở thành thực hành, đó là phải độc lập với mọi điều kiện có tính sinh lý vốn chỉ gắn liền với ý chí một cách bất tất. Chẳng hạn, nếu ta bảo một người hãy cần cù và tiết kiệm khi còn trẻ để khỏi lâm vào cảnh túng thiếu lúc tuổi già, thì đó là một điều lệnh thực hành đúng đắn và quan trọng của ý chí. Nhưng, ta dễ dàng thấy ngay rằng ý chí ở đây hướng đến một cái gì khác mà ta tiền giả định rằng người ấy có ham muốn về điều ấy đã; và, đối với sự ham muốn này, ta phải nhường cho bản thân người ấy, tức cho bản thân tác nhân, quyết định xem có dự kiến tìm nguồn hỗ trợ nào khác ngoài tài sản tích lũy của chính mình hay không, hoặc không hy vọng sống đến già hoặc nghĩ rằng khi túng thiếu, có thể sống tằn tiện v.v… Lý tính, – nguồn duy nhất tạo ra một quy tắc có tính tất yếu – tuy có thể mang lại tính tất yếu cho điều lệnh này (nếu không, ắt đó không phải là một mệnh lệnh), nhưng đó chỉ là một sự tất yếu phụ thuộc vào các điều kiện chủ quan, và không thể được giả định như là cùng một cấp độ [tất yếu] trong mọi chủ thể. Trong khi đó, để ban bố quy luật, lý tính nhất thiết chỉ cần tiền-giả định chính bản thân mình, vì quy tắc chỉ có tính khách quan và phổ biến khi nó có giá trị mà không cần bất kỳ điều kiện chủ quan, bất tất nào vốn phân biệt hữu thể có lý tính này với hữu thể có lý tính khác. Nay, nếu ta bảo con người không bao giờ được lừa dối trong lời hứa, thì đó là một quy tắc chỉ liên quan đến ý chí của con người, bất kể các mục đích con người theo đuổi có thể qua đó có đạt được hay không; nghĩa là, chỉ có ý chí đơn thuần là được quy tắc trên quy định một cách tiên nghiệm. Nếu ta nhận ra rằng quy tắc ấy là đúng về mặt thực hành, thì nó là một quy luật, vì lẽ nó là một mệnh lệnh nhất quyết hay tuyệt đối.

Tóm lại, các quy luật thực hành chỉ liên quan đến ý chí, chứ không xét đến việc có thể đạt được gì thông qua tính nhân quả ấy và ta có thể trừu tượng hóa [hay gạt bỏ] tính nhân quả (vốn thuộc về thế giới cảm tính) ấy đi để có được chúng một cách thuần túy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt