Đạo đức học

Biện chứng pháp của lý tính thuần túy thực hành - Chương I

 

BIỆN CHỨNG PHÁP CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

 

CHƯƠNG MỘT

VỀ MỘT PHÉP BIỆN CHỨNG CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH NÓI CHUNG

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Phần I: “Học thuyết cơ bản về lý tính thuần túy thực hành”. Quyển II: “Biện chứng pháp của lý tính thực hành”. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 199-204. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả.


 

Lý tính thuần túy bao giờ cũng có một biện chứng pháp của nó, dù được xét về việc sử dụng tư biện hay sử dụng thực hành về nó; vì nó đòi hỏi tính toàn thể tuyệt đối của những điều kiện cho một cái có-điều kiện đã được mang lại, và tính toàn thể này chỉ có thể tìm thấy ở trong những Vật-tự thân mà thôi. Nhưng, vì lẽ mọi khái niệm về sự vật đều phải quan hệ với những trực quan, và, với con người chúng ta, những trực quan này không bao giờ có thể là gì khác hơn là cảm tính, do đó, chúng không thể cho phép ta nhận thức những đối tượng như là những Vật-tự thân mà chỉ như là những hiện tượng; và vì lẽ cái Vô-điều kiện không bao giờ có thể được tìm thấy ở trong chuỗi này của những hiện tượng, là cái chỉ bao gồm cái có-điều kiện và những điều kiện [của nó] mà thôi, nên nảy sinh một ảo tượng (Schein) không thể tránh khỏi từ sự áp dụng Ý niệm thuần lý này về tính toàn thể của những điều kiện (do đó, của cái Vô-điều kiện) đối với những hiện tượng như thể chúng là những Vật-tự thân (bởi thiếu một sự Phê phán để cảnh báo nên chúng luôn bị xem như thế). | Song, ảo tượng này ắt sẽ không bao giờ được nhận ra như là lừa bịp nếu nó không tự bộc lộ do một sự xung đột của lý tính với bản thân mình khi lý tính áp dụng nguyên tắc của mình – đó là tiền-giả định cái Vô-điều kiện cho mọi cái có-điều kiện – vào cho những hiện tượng. Tuy nhiên, qua sự việc này, lý tính buộc phải tìm hiểu cái ảo tượng này từ đâu mà ra và làm sao có thể dẹp bỏ nó. | Việc này không thể làm được bằng cách nào khác hơn là tiến hành một công cuộc Phê phán trọn vẹn và toàn bộ quan năng lý tính thuần túy, khiến cho Nghịch lý (Antinomie) của lý tính thuần túy[1] – phơi bày rõ trong Biện chứng pháp của lý tính thuần túy –, trong thực tế, lại là một sai lầm có lợi nhất mà lý tính con người đã có thể phạm phải, vì rút cục, chính nó thúc đẩy ta đi tìm chiếc chìa khóa để thoát ra khỏi mê cung này[2]; và khi chiếc chìa khóa này đã được tìm ra, nó còn phát hiện ra điều ta không tìm nhưng lại cần có, đó là một cái nhìn vào trong một trật tự cao hơn và bất biến của sự vật, trong đó ta đang hiện hữu, và trong đó ta có thể nhờ vào những điều lệnh nhất định để tiếp tục cuộc sống phù hợp với những quy định tối cao của lý tính.
Làm sao để giải quyết phép biện chứng tự nhiên này trong sự sử dụng tư biện của lý tính và làm sao có thể phòng tránh sai lầm nảy sinh từ ảo tượng tự nhiên ấy, ta có thể xem lại chi tiết trong công cuộc “Phê phán lý tính thuần túy” trước đây. Nhưng, tình hình của lý tính trong sự sử dụng thực hành của nó cũng không khá hơn chút nào. Lý tính, bây giờ với tư cách là lý tính thực hành, cũng làm công việc giống như lý tính lý thuyết là đi tìm cái Vô-điều kiện cho cái có-điều kiện về mặt thực hành (tức cái gì dựa trên những xu hướng và nhu cầu tự nhiên); và tuy không phải như là cơ sở quy định cho ý chí, nhưng khi cơ sở quy định này đã được mang lại (trong quy luật luân lý), lý tính đi tìm tính toàn thể vô-điều kiện của đối tượng của lý tính thuần túy thực hành dưới tên gọi là sự Thiện-tối cao (das höchte Gut/Summum Bonum)[3].

Để xác định hay định nghĩa Ý niệm này về mặt thực hành, tức là, đủ cho những châm ngôn của việc hành xử một cách lý tính của ta, là công việc của học thuyết về sự hiền minh [thực hành] (Weisheitslehre) và nếu học thuyết này cũng lại là một khoa học nữa, thì đó chính là triết học theo nghĩa mà người xưa đã hiểu về chữ này, tức, vừa là sự hướng dẫn về khái niệm trong đó sự Thiện-tối cao được thiết định, vừa là sự hướng dẫn về cách hành xử để đạt được nó. Ta cứ để yên chữ này trong ý nghĩa cổ đại của nó như là một học thuyết về sự Thiện-tối cao cũng chẳng sao cả, trong chừng mực lý tính nỗ lực biến sự Thiện-tối cao thành một khoa học. Vì hai lý do: một mặt, điều kiện hạn chế gắn liền với nó là phù hợp với thuật ngữ Hy Lạp về chữ “Triết học” (có nghĩa là yêu sự hiền minh) và đồng thời cũng đủ để bao hàm việc yêu khoa học dưới tên gọi “Triết học”, nghĩa là, yêu mọi nhận thức tư biện của lý tính, trong chừng mực nó có lợi cho lý tính, cả về mặt khái niệm lẫn về mặt cơ sở quy định thực hành [cho cách hành xử của ta] mà không đánh mất tầm nhìn về mục đích chủ yếu mà chỉ vì nó, triết học mới có thể được gọi là một học thuyết về sự hiền minh [thực hành]. Mặt khác, cũng chẳng hại gì khi làm nhụt bớt lòng tự phụ của những ai dám vỗ ngực xưng danh là nhà triết học khi, thông qua định nghĩa về sự Thiện-tối cao, đặt ra trước mặt họ cái thước đo hay chuẩn mực cho sự tự đánh giá để hạ thật thấp những yêu sách của họ xuống. | Bởi, một bậc thầy về sự hiền minh ắt có nghĩa là một nhân vật khác hơn rất nhiều so với một anh học trò chưa đủ sức hướng dẫn chính mình chứ đừng nói đến hướng dẫn những người khác hòng hy vọng đạt được một mục đích lớn lao như thế. | Nói khác đi, một bậc thầy trong tri thức về sự hiền minh có nghĩa cao xa hơn nhiều một kẻ tầm thường tự xưng tụng bản thân mình. Cho nên, [trong nghĩa cổ đại ấy], bản thân triết học lẫn sự hiền minh mãi mãi vẫn là một Lý tưởng mà, về mặt khách quan, chỉ được hình dung trọn vẹn ở trong lý tính, còn về mặt chủ quan cho con người, chỉ là một mục tiêu cho nỗ lực không ngừng nghỉ của mình; và không một ai được phép bảo rằng mình đã sở hữu được nó cũng như xứng danh là một bậc hiền triết nếu người ấy không thể chứng minh kết quả không sai lầm của nó nơi bản thân mình như là một tấm gương điển hình (trong việc tự làm chủ bản thân và có sự quan tâm không thể nghi ngờ dành ưu tiên cho sự Thiện nói chung), và đây chính là điều mà người xưa cũng đòi hỏi như là điều kiện để một ai đó có thể xứng đáng với danh hiệu vẻ vang này.

Đối với phép biện chứng của lý tính thuần túy thực hành, ta còn một lưu ý sơ bộ cần phải nêu ra về vấn đề định nghĩa sự Thiện-tối cao (một sự giải quyết thành công đối với phép biện chứng này ắt sẽ cho phép ta hy vọng – như trong trường hợp giải quyết đối với lý tính lý thuyết – đạt được nhiều kết quả hữu ích nhất, trong chừng mực những sự tự-mâu thuẫn của lý tính thuần túy thực hành phải được nêu hết ra một cách thành thực, không che giấu và buộc ta phải tiến hành một công cuộc Phê phán hoàn chỉnh về quan năng này).

Sự lưu ý ấy là như sau: quy luật luân lý là cơ sở quy định duy nhất cho ý chí thuần túy. Nhưng, vì lẽ quy luật luân lý chỉ đơn thuần có tính hình thức (tức chỉ đề ra hình thức của châm ngôn như là có tính ban bố quy luật phổ quát), nên nó – với tư cách là cơ sở quy định – tước bỏ hết mọi chất liệu, nghĩa là, trừu tượng hóa khỏi mọi đối tượng của ý chí. Cho nên, dù sự Thiện-tối cao có thể là toàn bộ đối tượng của một lý tính thuần túy thực hành, tức, của một ý chí thuần túy đi nữa, thì không phải vì thế mà được xem như là cơ sở quy định cho nó; và chỉ duy có quy luật luân lý mới phải được xem như là cơ sở mà sự Thiện-tối cao và sự thực hiện nó hay sự thúc đẩy nó nhắm vào. Lưu ý này là hết sức quan trọng trong trường hợp tế nhị như hiện nay là việc quy định những nguyên tắc luân lý, vì nơi đó, một sự ngộ giải nhỏ nhất cũng sẽ làm lệch lạc đầu óc con người. Bởi, như đã thấy từ phần Phân tích pháp, nếu ta giả định bất kỳ một đối tượng nào dưới danh hiệu của cái “Thiện” hay cái “Tốt” như là cơ sở quy định cho ý chí trước quy luật luân lý, rồi từ đó rút ra nguyên tắc thực hành tối cao, việc làm này bao giờ cũng sẽ tạo nên sự ngoại trị (Heteronomie) và sẽ bóp chết nguyên tắc luân lý.

Tuy nhiên, tự nó đã hiển nhiên rằng, nếu khái niệm về sự Thiện-tối cao bao hàm cả quy luật luân lý như là điều kiện tối cao của nó, thì sự Thiện-tối cao ắt không chỉ đơn thuần là một đối tượng, trái lại, khái niệm về nó và sự hình dung về sự hiện hữu của nó như là khả hữu bởi lý tính thực hành của chính ta cũng sẽ là cơ sở quy định cho ý chí, vì, trong trường hợp này, ý chí, trong thực tế, được quy định bởi quy luật luân lý vốn đã được bao hàm trong sự hình dung này chứ không phải bởi bất kỳ đối tượng nào, đúng như nguyên tắc về sự tự trị (Autonomie) đòi hỏi. Trật tự này của các khái niệm về việc quy định ý chí không được phép lọt khỏi mắt ta, bởi nếu không, ta sẽ ngộ nhận chính mình và tưởng rằng mình đã rơi vào mâu thuẫn, trong khi mọi việc đều đứng bên cạnh nhau trong sự hòa hợp hoàn toàn.

 



[1] “Nghịch lý của lý tính thuần túy”/“Antinomie der reinen Vernunft”: xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B433 và tiếp. (N.D).

[2] Xem thêm: Kant, Sơ luận/Prolegomena: “Sản phẩm này [tức các Ý niệm vũ trụ học] của lý tính thuần túy trong việc sử dụng siêu việt của nó là hiện tượng đáng chú ý nhất của nó và cũng là cái có tác dụng mạnh mẽ nhất để đánh thức triết học ra khỏi giấc ngủ giáo điều và thúc giục lý tính đi vào công việc nặng nề nhất, đó là Phê phán bản thân lý tính”. (Toàn tập Hàn Lâm, IV 338, §50; xem thêm IV 340-341, V 344-345 và XX 319). (N.D).

[3] Sự Thiện-tối cao: xem chú thích. (N.D)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt